Cha má kính,
.... Con qua Pháp hai tháng về, nhận được
thư cha la rầy về việc tu hành. Đọc thư cha mà con buồn đến rơi nước mắt, con
muốn ngồi xuống viết thư nhưng không biết sao nước mắt con cứ trào ra,......
Thưa cha má, vì thương cha má mà con cố gắng
khuyên cha má tu hành, con tưởng cha má nghe được sẽ mừng lắm. Không ngờ, cha
chưa đọc kỹ thư xem con nói những gì, lời thư của con có điều gì trái với đạo
lý không, mà lại mạnh lời nói con bị tà ma dụ dỗ, theo tà ma ngoại đạo. Con
khóc không phải vì giận hờn gì cả, nhưng con khóc vì thực sự nếu cha không thèm
nghe lời con, cứ để tâm nóng giận thì chắc rồi đây con cũng chỉ đành thương cha
má mà rơi lệ thôi chứ biết làm sao hơn, vì con không thể cứu cha má được. Dù
thương cha má đến đâu con cũng chỉ có khóc mà tiếc thương thôi chứ không thể
làm gì khác hơn, ví dụ như bây giờ cha có thương bà nội, ông nội, thì cha cũng
chỉ có khóc thôi chứ đâu có thể cứu ông bà được. Thương cha mẹ, không phải đợi
lúc chết khóc cho nhiều là có hiếu, không phải chỉ lo một vài bữa ăn ngon là đủ
đâu. Huệ mạng con người đâu ngắn ngủi trong vòng bảy mươi, tám mươi năm đâu cha
má?
Thưa cha má, nếu cha má đóng cửa lòng không
chịu nghe lời khuyên của con thì chắc sau một vài lá thư nữa, nếu cha má không
đổi, lúc đó cha má có muốn con viết thư nói thêm một lời nữa con cũng không
viết. Nhưng dù sao trước khi quyết định dứt khoát không đá động gì đến chuyện
tu hành nữa, con cũng vì trọn lòng hiếu thảo, nói cho hết lời. Nếu có sự may mắn,
có được thiện căn, cha má và con cùng nhau hội về Tây-phương Cực-lạc một nhà,
đời đời gần nhau. Còn như duyên nợ của cha má và con chỉ có đời này thôi thì
chắc không trước thì sau cũng đành chia tay, đường ai nấy đi. Lúc đó có nhớ
thương nhau cũng chỉ mượn tấm hình làm kỷ niệm rồi cũng sẽ tan biến theo thời
gian thôi. Chứ biết làm sao bây giờ! Ví dụ như cha má có biết ông bà nội bây
giờ đang ở đâu không?!!...
Thưa cha má, lá thư này con nói thật cái căn
bản về sự tu hành của con, rồi tự cha má nghĩ sao thì nghĩ. Con đang theo tà
đạo hay chính đạo, tùy ý cha má! Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện thế gian để
lại tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn vi diệu để đối trị với vô lượng phiền
não nghiệp chướng của chúng sanh. Trong kinh Phật nói rõ ràng rằng, Phật pháp
trụ lại thế gian một vạn hai ngàn năm (12.000) và chia làm ba thời kỳ: Chánh
pháp, Tượng pháp và Mạt pháp, sau kỳ mạt pháp thì Phật pháp diệt tận. Thời kỳ
chánh pháp một ngàn năm sau khi Phật nhập diệt, thời tượng pháp một ngàn năm,
còn lại mười ngàn năm là thời kỳ mạt pháp. Như vậy chúng ta đang ở vào ngàn năm
thứ ba sau khi Phật nhập Niết bàn, nghĩa là ngàn năm đầu của thời kỳ mạt pháp.
Phật pháp còn trụ lại thế gian hơn chín ngàn năm nữa. Sau chín ngàn năm, Phật
pháp hoàn toàn không còn trên thế gian, cho đến khi đức Phật Di Lặc xuống trần
thị hiện thành Phật dưới cây Long Thọ, mở hội Long Hoa xây lại Phật pháp, (gần
sáu trăm triệu năm nữa mới xuống). Đây là kinh của Phật để lại nói như vậy.
Trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của đức
Phật Thích-ca Mâu-ni, tựu trung lại cũng chỉ là Thiền-tông, Mật-tông và Tịnh-độ
tông.
Thiền-tông là pháp môn “Trực chỉ nhân tâm,
Minh tâm kiến tánh, Kiến tánh thành Phật”, chỉ hợp với hạng thượng căn, chư
Bồ-tát, chư vị Tổ sư trong thời chánh pháp và nửa thời tượng pháp mà thôi.
Mật-tông được truyền qua vùng Tây-Tạng, và
những quốc gia có những địa lý thiên nhiên đặc biệt, họ dùng đến mật chú để phá
trừ phiền não, trị ma oán, tịnh thân khẩu ý để tu hành.
Còn Tịnh-độ-tông là pháp môn tối vi diệu!
Bốn mươi chín năm thuyết pháp giảng kinh, Phật Thích-ca Mâu-ni quy tụ chúng
sanh về với pháp môn này để cứu độ tất cả chúng sanh, không phân biệt đẳng cấp,
cảnh giới, ứng hợp với cả chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Nhất là thời kỳ
mạt pháp, chư Phật đều khuyên chúng sanh nên một lòng theo Tịnh-độ tông mà tu
thì sẽ đạt được kết quả.
Tịnh-độ tông là gì? Là pháp môn NIỆM PHẬT
cầu vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Niệm Phật là đi thẳng về cõi Phật, làm cho
tâm mình thời thời, khắc khắc là Phật. Lấy thẳng nhân địa Phật để tu thành
Phật. Vì là pháp môn rất dễ tu cho nên không ai chịu tin. Vì thế, Đức Phật
Thích-ca Mâu-ni phải đợi sau cùng, khi thấy căn duyên thành Phật của chúng sanh
thành thục rồi, Ngài mới thuyết trong những bộ kinh A-di-đà, Vô-Lượng-Thọ,
Quán-Vô-Lượng-Thọ...
Pháp môn Niệm Phật vi diệu không thể tưởng
tượng được, trong kinh gọi là "bất khả tư nghì". Cho nên hầu hết chùa
chiền Phật giáo ngày nay tại Việt-nam, Trung-Hoa, và các nơi đều lấy sự niệm
Phật làm căn bản tu hành. Dù là Thiền-tông, hình thức thọ trì có khác nhau nhưng
nội dung không khác. Nơi nào có phép thực hành triệt để thì nơi đó cứu độ nhiều
người, nơi nào áp dụng hời hợt thì khó thấy được kết quả, thậm chí có nhiều nơi
áp dụng sai nữa là khác, từ đó làm cho lòng người hoang mang, mất lòng tin nơi
Phật pháp!
Cha tu theo đạo Cao-Đài, tốt lắm, con có nói
đụng chạm gì tới đâu. Cha đã tụng thuộc kinh Cao-Đài rồi, thì chắc chắn cha còn
nhớ câu: "Một lòng Niệm Phật ăn chay làm lành". Niệm Phật là pháp môn
Tịnh-độ. Kinh đã dạy mình rằng: ngày ngày, ngày này sang ngày khác, thời thời,
khắc khắc, phải niệm câu Phật hiệu "Nam-mô A-di-đà-Phật", vì đây
chính là cứu cánh cuối cùng để tu hành được giải thoát. Chỉ vì mình lơ là không
chú ý đến, chỉ vì nhiều nơi cho đó là thứ yếu thành ra chỉ chạy theo cái ngọn,
không chịu bắt cái gốc. Cho nên, con mới nói, không biết tu chỉ uổng phí công
phu tu hành, để rồi cuối cùng đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc là như vậy, chứ con có
nói gì sai với kinh điển đâu!
Niệm Phật, ăn chay, làm lành, ba vấn đề
trong kinh Cao-Đài, ở đây con chỉ nhấn mạnh đến niệm Phật mà thôi vì hai thứ
kia là phụ thuộc, vì ăn chay được thì tốt, không ăn được vẫn tu được như
thường. Còn làm lành thì hôm nay khỏi bàn, vì nếu đã biết niệm Phật thì dù có
đem tiền mướn mình làm ác mình cũng không làm, cho nên bàn tới để làm gì? Như
vậy, xin hỏi tại sao lại nói con bị tà ma gạt, dụ dỗ?!!!
Thưa cha má, trong việc tu hành có câu rằng,
"Tu suốt kiếp, ngộ nhất thời", tu hành trọn kiếp nhiều người không
thấy gì hết, không biết mình sẽ đi về đâu? Nhưng khi đã ngộ, thì một tích tắc
thời gian người ta đã ngộ rồi. Như vậy, ngộ hay không, không hẳn tu lâu hay mới
tu, mà tùy thuộc rất nhiều vào căn cơ và duyên phận. Ví dụ, như có người cứ
muốn bơi qua một biển rộng mênh mà cứ tự cố sức bơi hoài, bơi mãi, nhưng bơi
làm sao tới bờ! Sức người quá yếu đuối, bơi đến chết chìm luôn mà cũng còn ráng
bơi, trong khi đó trên một chiếc thuyền có người đưa tay xuống cứu mình lên, mà
nhiều khi mình còn nghi ngờ là họ gạt mình không chịu lên thuyền. Bên cạnh có
người thành tâm cầu cứu, họ đưa tay lên, họ được cứu, nhờ chiếc thuyền đó họ
qua bờ bên kia dễ dàng như chơi! Chiếc thuyền đó là gì chắc cha má đã rõ hơn
con! Xin cha má xem kỹ trong kinh Phật sẽ thấy rõ ràng. Chính là Đức Phật
A-di-đà!
Việc tu hành nhiều đường nhiều nẻo, chứng
hay không còn coi lại thiện căn phước đức của mình và có cơ duyên hay không.
Thế gian này thiếu gì người đệ tử đắc đạo trước sư phụ rồi phải trở về độ lại
cho thầy mình. Có nhiều người chỉ tu một thời gian rất ngắn mà được ngộ đạo.
Lục Tổ Huệ Năng không tu hành nhiều, không biết chữ, không biết đọc, suốt đời
làm nghề đốn củi rồi về nhà giã gạo, nhưng vừa thoáng nghe pháp Ngài ngộ đạo
tức thì, được truyền y bát làm Tổ. Tất cả lời giảng của Ngài đã trở thành kinh
gọi là Pháp Bảo Đàn Kinh, trong khi đó pháp sư Thần Tú, là một vị giáo thọ,
hàng ngày thuyết kinh, giảng pháp cho hơn năm trăm chư Tăng Ni tu hành, ở sát
bên sư phụ mà không được truyền y-bát. Cho nên, nếu có đủ thiện căn kết tập từ
nhiều đời nhiều kiếp rồi, thì khi duyên đến, một câu cũng đủ cho người ta ngộ
đạo. Niệm Phật để thành Phật, một pháp môn vi diệu, có thể giải thoát chỉ trong
một đời này, nhưng dễ gì cho người ta tin tưởng! Cho nên, tùy theo thiện căn
của mỗi người. Hễ phước đức thiện căn có, vừa nghe là ngộ liền, còn không đành
chịu thua.
Thưa cha má, về thế gian pháp thì đời này
con là con của cha má. Nhưng về kiếp trước, vô lượng kiếp về trước, ai biết
được? Còn vô lượng kiếp về sau thì sao? Phải chăng, thưa cha má, đường ai nấy
đi! Cha tu cha đắc, má tu má đắc, con tu con đắc. Hễ khéo tu thì nổi, vụng tu
thì chìm. Vì thương cha má, lòng hiếu thảo của con chỉ muốn cha má được hưởng
cái phước báu vô cùng to lớn mà con đã thấy được trong đời, nên mới mau mau
khuyên giải, chứ chậm trễ sợ không kịp, thế thôi. Thương cha má đâu phải chờ
khóc cho nhiều để cho người ta thấy mình thương. Đâu phải chỉ lo cấp dưỡng cha
má cho nhiều để hưởng thụ một vài năm, rồi sau đó mặc cha má đi đâu thì đi!
.... Hơn mười năm qua con đến khắp hết các
chùa, nhưng con không muốn quy y Tam Bảo, vì thực sự chưa có duyên?! Đến khi
con theo phái đoàn Tăng Ni và Phật tử chùa Phật Đà (của người Việt Nam)
đến thăm chùa của người Hoa, khi bước vào đại điện, vừa nghe tiếng niệm Phật,
con có cảm ứng rất mạnh, con đã thấy ngay đường đi lập tức. Con quy y ngay đêm
đó, sau đó hằng ngày đều tới chùa niệm Phật, dù rằng họ nói tiếng Hoa con không
hiểu gì cả, nhưng thật sự con đã tìm được nơi của chính tâm con mong muốn. Sau
một thời gian ngắn, chúng con đều phát tâm ăn chay trường và quyết lòng niệm
Phật cầu sanh Tây-phương Cực-lạc.
Đây là đường giải thoát con đã lựa chọn và phải đi. Trong thư này con sẽ nói
một vài sự nhiệm mầu cho cha má nghe. Nếu cha má tin, con sẽ lần lượt kể cho
cha má nghe thêm sau này, còn không tin thì đành thôi vậy. Con xin nói thực
rằng, huệ mạng mình chỉ có Phật mới cứu được, ngoài Phật ra khó tìm đâu có chỗ
nương tựa. Sau đây là một vài chuyện nho nhỏ:
1) Ngay trong gia đình của Ngọc, bà nội suốt
đời niệm Phật A-di-đà. Bà chỉ thờ tượng Phật A-di-đà, đến lúc lâm chung bà biết
được ngày giờ ra đi. Một bữa nọ, bà không ăn cơm, con cháu mời đi ăn, bà nói:
không thèm ăn nữa. Suốt một đêm bà nằm niệm Phật không ngủ. Sáng hôm sau bà tắm
rửa sạch sẽ rồi kêu tất cả con cháu tới, bà nhìn từng người, khuyên nhủ tu hành
niệm Phật. Khuyên xong bà an nhiên tự tại vãng sanh. Khi đi hương thơm bay ra
cả nhà nhiều cũng đều ngửi thấy. Hồi đó, con cháu cứ tưởng bà ở hiền nên chết
lành. Sau này nghe giảng kinh chúng con mới biết, vì bà đã niệm Phật mà được
vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Bà đã thoát được sanh tử luân hồi chỉ trong
một đời tu hành! Còn có gì quí hơn!
2) Chuyện đó qua rồi, còn đây là chuyện hiện
tại của Ngọc. Vợ con có chứng đau đầu kinh niên không sao cứu được, vì hồi giờ
con không muốn cho cha má hay đó thôi. Nhưng khi bị bệnh mà bác sĩ đã bó tay
làm con cũng buồn không tưởng được. Đầu của vợ con hễ cứ đụng tay tới là đau
không chịu nổi. Nhiều lúc rờ tới tóc cũng đau. Mỗi đêm tốn cả nửa chai dầu để
xoa cho dịu bớt, (chứ không còn cách nào khác!). Đi bác sĩ, họ không tìm ra
được căn nguyên. Họ cứ cho thuốc giảm đau, hễ khi đau thì uống cho dịu lại thôi
chứ biết sao bây giờ. Uống một thời gian, không bớt nên cũng liệng luôn.
Đến khi đến được Niệm Phật Đường này, thầy
Ngộ Thông dạy rằng đó là nghiệp của mình nó phát ra như vậy. Thầy khuyên, chí
tâm niệm Phât thì có thể hết. Thế là nàng thành tâm niệm Phật, niệm khoảng ba
tháng tự nhiên chứng bệnh nan y biến mất luôn hồi nào không hay, tới bây giờ
hoàn toàn không còn đau gì nữa cả. Ngọc liền phát tâm tu hành và đi đâu cũng
khuyên người ta niệm Phật.
3) Ở bên Pháp có một bác sĩ người Việt-Nam,
du học hơn bốn mươi năm trước, làm nghề bác sĩ gần bốn mươi năm. Ngài đã thọ
giáo với Hòa thượng Thích Huyền Vi tu hơn tám năm, nay pháp hiệu là Thích Trí
Tu. Đi đâu thầy cũng chỉ khuyên Phật tử niệm Phật. Hai tháng tu học, tuần nào
con cũng nghe thầy giảng về niệm Phật. Thầy nói, "là một bác sĩ lão thành
trong nghề, tôi nói rằng chỉ có Phật A-di-đà mới cứu được chúng ta. Những người
bị bệnh ung thư nếu thành tâm niệm Phật đều được cứu, còn đi theo bác sĩ tức là
chờ chết...". Bà ngoại của bé Tùng vừa mới chết vì ung thư. Ung thư bác sĩ
đành chịu bó tay.
4) Con biết có người hẹn lại ngày lâm chung,
có người xin đi sớm hơn thời hạn, có người Việt Nam ngồi xếp bằng ra đi sáu tháng
sau thân vẫn mềm mại tự nhiên như đang thiền định. Phật tử xin chính phủ giữ
thân lại để thờ mà không được, có người để lại hàng trăm viên ngọc xá lợi, có
người ra đi còn dặn đừng đem chôn, và đứng chắp tay hướng về hướng sư phụ mà
thoát hóa rồi đứng im như vậy chờ sư phụ về lo hậu sự... Họ coi cái thân này
như một chiếc áo cũ, còn mình không biết tu nên sợ chết đến hết hồn hết vía!
Nhưng sau cùng có trốn được không? Họ không phải chết mà là tự tại đi về
Tây-phương với Phật. Họ biết rõ về đâu, họ đã đắc đạo trong một đời này chứ
không phải nhiều đời nhiều kiếp. Con có thể kể cha má nghe hàng loạt sự nhiệm
mầu nho nhỏ như vậy nhưng thư có hạn, nếu cha má muốn, con sẽ kể tiếp sau này.
Tất cả đều là sự thực.
Như vậy, con tu là tu đạo Phật chứ không
phải tu tà đạo. Cha má cứ lục tất cả thư con viết, đọc lại thử coi có thư nào
con nói tu theo tà ma quỷ quái không, mà cha cho con là bị dụ dỗ.
Còn về Khổng học, Tứ-Thư, Ngũ-Kinh... con
học đã thuộc lòng từ lúc còn ở trường đại học Văn khoa Sài gòn. Vì phải hiểu và
học thuộc lòng để thi làm sao con không biết, nhưng cha má nên biết đâu là phép
tu rốt ráo để giải thoát, đâu là cách sống làm người để rồi vẫn phải lăn lộn
trong vòng sinh tử luân hồi, khổ bất khả ngôn. Con có bao giờ chống đối cách
sống làm người đâu?
Còn cha nói, “Con người là vật chí linh”, thì linh lợi hơn con vật mà thôi, chứ
đâu phải đối với Phật Bồ-tát, với chư Thánh Thần. Làm được người chứng tỏ đời
trước có tu. Nhưng làm được người rồi mà không khéo tu, vô ý tạo nghiệp, thì
liệu đời sau có còn trở lại làm vật "chí linh" đối với loài vật nữa
hay không?
Vì lý luận rằng con người là vật chí linh
cho nên họ mặc sức làm ác, mặc sức giết hại chúng sanh, mặc sức tạo nghiệp. Cha
má nhìn quanh coi biết bao nhiêu người làm ác: trộm cướp, giết người, gian lận,
sân si, thị phi, hơn thua... liệu tương lai họ tránh được địa ngục không? Họ có
trốn thoát khỏi lạc vào loài súc sanh, ngạ quỷ không? Lúc đó họ còn dám vỗ ngực
tự xưng là hàng chí linh của vạn vật nữa không? Đã gọi là vật chí linh tại sao
họ lại còn làm như vậy?!!
Cho nên, nói rằng căn tánh con người có tánh chí linh thì đúng, nhưng nói người
nào cũng thành chí linh thì không đúng! Sáng suốt mới linh, không sáng suốt thì
mê ám.
Phật dạy, tất cả ai ai cũng có Phật tánh,
nhưng tỉnh ngộ mới thành Phật, còn mê thì vẫn là chúng sanh triền miên vô lượng
kiếp. Như vậy, muốn thành Phật phải học Phật. Tu hành, phải học kỹ kinh pháp và
thực hành đúng theo kinh Phật và chọn lựa pháp môn thích hợp với mình, vì có
tới tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhưng không phải pháp môn nào cũng dễ dàng đưa
mình tới chỗ giải thoát đâu.
Vì sao vậy? Mỗi pháp môn trị một căn bệnh
phiền não. Tám mươi bốn ngàn pháp môn trị tám mươi bốn ngàn thứ phiền não trong
tâm. Kinh tạng, ví như nhà thuốc tây, pháp môn là vị thuốc. Cứ vào nhà thuốc
tây thấy thuốc nào cũng uống, thì trở ngại ráng chịu chứ không thể đổ thừa cho
thuốc dở được. Tu hành giống như vậy, tu đúng pháp môn thì mình giải thoát
trong một đời. Tu pháp môn không hợp căn cơ mình sẽ lăn lộn trong cõi ác trược
này vô lượng kiếp mà chưa chắc sẽ thoát khỏi khổ nạn.
Về thế gian, muốn biết mình có bệnh gì hãy
hỏi bác sĩ. Muốn biết bệnh giải thoát của mình là đâu phải cầu tới Phật. Trong
kinh Phật dạy, đời mạt pháp căn bệnh về nghiệp chướng của chúng sanh quá nặng
không thể giải được nữa, chỉ có niệm Phật, nhờ Phật A-di-đà, với bốn mươi tám
lời đại nguyện, mới cứu tất cả chúng sanh. Thập phương chư Phật đều đồng thanh
lấy pháp môn này để cứu độ và đều hộ niệm cho ta. Một câu chí thành niệm Phật
tiêu được tám mươi ức kiếp nghiệp chướng. Chính vì thế mà nghiệp chướng tiêu
trừ. Nghiệp chướng tiêu, thì bệnh nghiệp tự tiêu. Cho nên, có người thoát khỏi
bệnh nan y là lý do này đó! Tin thì được cứu, không tin không được cứu! Xin cha
má suy nghĩ cho kỹ kẻo lỡ cơ hội thì "bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ"!
... Phải niệm Phật, con đang làm như vậy.
Đường con tu hành chỉ có niệm Phật mà thôi. Mỗi sáng con nguyện "Nguyện
sinh Tây-phương Tịnh-độ trung, Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, Hoa khai kiến Phật
ngộ vô sanh, Bất thối Bồ-tát vi bạn lữ", rồi niệm Phật hoặc sáu chữ
(Nam-mô A-di-đà Phật), hoặc niệm bốn chữ (A-di-đà Phật) suốt ngày, đi đâu cũng
niệm trong tâm cả. Chiều về trước khi ngủ, con hồi hướng tất cả công đức tu
hành về Tây Phuơng, "Nguyện đem công đức này, Trang nghiêm Phật Tịnh-độ,
Trên đền bốn ơn nặng, Dưới cứu khổ tam đồ, Nếu có kẻ thấy nghe, Đều phát lòng
Bồ-đề, Hết một báo thân này, Đồng sanh Cực-lạc Quốc". Khi nằm ngủ con thầm
niệm Phật cho đến thiếp ngủ luôn.
Thưa cha má, bắt đầu từ nay ai nói gì nói,
ai bàn gì bàn, con một lòng một dạ đi theo con đường niệm Phật. Ai chê, con
“A-di-đà Phật”. Ai khen, con “A-di-đà Phật”. Ai chửi, con “A-di-đà Phật”. Ai
ghét, con “A-di-đà Phật”. Ai thương, con “A-di-đà Phật”. Làm có tiền, con
“A-di-đà Phật”. Không có tiền, con “A-di-đà Phật”... Bất kỳ thời thời, khắc
khắc, bất cứ mọi điều kiện, mọi trường hợp con chỉ niệm Phật để trả lời mà
thôi. Đây là quyết định không còn thay đổi nữa. Cha má có theo hay không tùy ý
cha má. Vì lòng hiếu thảo con đã nói tận tình. Từ sau lá thư này, nếu cha má
tin tưởng con nguyện giúp đỡ tối đa về phương tiện tu hành, con sẽ tìm cách gởi
về tận nhà cho cha má tu niệm. Còn cha má không tin, thì con cũng vô phương.
Nếu có gì bàn tới con xin niệm A-di-đà Phật để trả lời.
Nam-mô A-di-đà Phật.
Kính thư
(Viết xong, Úc châu 28/9/2000).