Giữ tâm tốt,
Nói lời tốt,
Làm việc tốt,
Tạo người tốt.
(PS Tịnh-Không).
Kính cha má,
“Cuộc đời như áng mây trôi, khi tan, khi
hợp, đổi thay không thường”, hãy cố gắng tu hành, quyết thoát ly sinh tử, khổ
nạn. Đừng chần chờ đừng do dự mà mất cơ hội ngàn vàng khó mua này. Tu hành pháp
môn nào cũng được, đạo nào cũng được, cũng tốt cả. Nhưng tu với mục đích quyết
giải thoát thì cần nghiên cứu cho kỹ vì không phải pháp môn nào cũng dễ đưa đến
giải thoát được đâu. Trong nhà Phật với tám mươi bốn ngàn pháp môn đã bao trùm tất
cả mọi phép tu, mọi tôn giáo xuất hiện trên thế gian, khó có một chánh pháp nào
lọt ra khỏi trong tám mươi bốn ngàn pháp đó. Trong đó, đặc biệt Pháp “Niệm
Phật” là pháp thù thắng trong tất cả pháp thù thắng, là vì không những có khả
năng đưa một chúng sanh vượt qua tam giới, thoát khỏi luân hồi lục đạo mà còn
vãng sanh Tây-phương Cực-lạc Thế-giới để một đời thành Phật. Nếu hiểu thấu được
pháp giới thì mới thấy đây là một chuyện bất khả tư nghì, với trí con người
không thể nào hiểu tới.
Đã là thân phận con người ai cũng phải chịu
cái khổ “Sanh, Lão, Bệnh, Tử”, nhưng người biết chí thành niệm Phật cầu sanh
Tây-phương thì thoát được chữ “TỬ” này. Trong kinh Luận, chư Tổ sư Phật giáo
gọi đây là “Pháp Môn Bất Tử”. Người được vãng sanh Tây-phương không phải là chết
mà họ vẫn tiếp tục sống, họ chỉ chuyển thân từ nhục thân thành liên hoa hóa
thân. Hòa Thượng Tịnh Không nói rõ rằng, vãng sanh không phải là chết rồi mới
vãng sanh mà đang sống họ đi vãng sanh, tức là họ tự liệng thân xác lại trong
lúc vẫn còn đang sống để đi theo Phật và tiếp tục sống trong một cảnh giới hoàn
toàn khác tốt đẹp, vi diệu, thần thông biến hóa tự tại tối thắng phi thường và
tất cả những sự việc trong đời họ vẫn còn biết rõ rệt. Không những thế bắt đầu
từ đó họ còn biết luôn cả vô lượng kiếp về trước họ đã từng làm gì, tu hành như
thế nào, kiếp nào bị đọa, kiếp nào cao sang. Khi vãng sanh, được quang minh của
Phật A-di-đà phóng chiếu nhiếp thọ thì tức khắc tự tánh của họ được phục hồi
nguyên vẹn, nhờ “túc mạng thông” mà họ biết được tất cả vô lượng kiếp về trước.
Còn chết thì sao? Con người lúc chết không
tự chủ được bản thân, bị đau đớn giống như “con rùa bị người ta lột mai” vậy.
Lúc chết, thần thức bị oan gia, trái chủ bủa vây tấn công bằng những đòn thù
tàn nhẫn và chúng nó cắn xé lôi mình vào đường hiểm nạn. Chết thì thần thức
phải qua thân trung ấm, thường trong bốn mươi chín ngày, (cho nên người ta mới
cúng bảy tuần là vậy). Đến khi đầu thai chuyển thế thì ký ức của họ hoàn toàn
bị xóa sạch, họ sẽ quên tất cả những gì đã xảy ra trong đời họ, thần thức mê mê
mờ mờ chiêu cảm theo nghiệp báo để thọ sanh. Ví dụ, như ta đang sống đây nhưng
đời trước ta không biết, một đứa bé sinh ra hoàn toàn ngu ngơ, ngốc ngác... Tất
cả những người bị “chết” nếu không bị lượng tội địa ngục thì chỉ được tái sanh
trong những đường: người, cầm thú, quỷ thần và ngạ quỷ. Họ không thể sanh lên
tới cảnh giới trời, thì còn mong gì tới cảnh Tây-phương Cực-lạc.
Sanh lên trời dù không vượt khỏi tam giới
nhưng cũng được gọi là vãng sanh thiên. Bị đọa địa ngục, vãng sanh thiên và
vãng sanh Tây-phương Cực-lạc không qua sự cách ấm, nghĩa là họ chuyển thân đi
luôn. Sanh thiên được chư thiên đón về đó hưởng phước, khi hết phước thì rất dễ
bị đọa lạc nặng. Vãng sanh Tây-phương được chư Phật, chư Thánh Chúng đón, chư
thiên cung tiễn, về đó tu hành để thành Phật vĩnh viễn thoát ly mọi ràng buộc
của sanh tử luân hồi. Kinh Phật cho ta biết chậm nhứt là mười hai kiếp, nhanh
là ba kiếp thôi ta sẽ thành Phật, (đây là chưa kể lực gia trì của Phật
A-di-đà). Mười hai kiếp quá nhanh, có thấm gì đâu so với ba đại A-Tăng-Kỳ kiếp
hay vô lượng kiếp của các pháp tu khác. Bị đọa địa ngục thì quỷ sứ còng đầu lôi
đi, tới đó để vĩnh kiếp đọa đày khổ ải, “thống bất khả ngôn!”. Vì thần thức bị
rơi địa-ngục không qua cách ấm, không có nhập, trụ, xuất thai, cho nên con
người ở địa ngục có thể vẫn còn nhớ chuyện thế gian, còn nhận ra được con cháu,
còn nhớ những gì mình đã làm... Nhưng đã trễ rồi, có hối hận cũng quá muộn
màng! Bây giờ có muốn liên lạc cũng không thể liên lạc được nữa, đành âm thầm
nhận lấy thương đau, không kêu cứu ai được cả!
Hiểu biết được cảnh giới như vậy mới thấy
vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới là điều tối ư quý báu, là cái phước
báu lớn nhất mà chỉ có Phật A-di-đà với bốn mươi tám đại nguyện mới cứu độ
chúng ta về đó mà thôi. Một điều nên biết nữa, là vãng sanh Tây-phương là nơi
viên mãn của Phật đạo nhưng lại dễ hơn là cầu sanh lên các cõi trời trong tam
giới, lên các cõi tiên là cảnh giới còn thấp hơn. Vì tất cả các cảnh giới đều
do tự tu chứng, đường tu rắc rối hiểm nghèo, dễ bị sai đường, dễ lầm lạc vào
nẻo tà, rất nguy hiểm!
Trở lại việc tu hành, đã quyết định con
đường vãng sanh Tây-phương Cực-lạc trong đời này thì xin cha má hãy gấp rút
“Tích Công Lũy Đức” để có tư lương đi về với Phật. Tích công lũy đức là cố gắng
làm lành lánh dữ. Làm lành, hãy lấy tâm chí lành, chí thiện, thanh tịnh mà làm.
Nghĩa là, cha má hãy thoải mái tùy duyên. Tuổi cha má đã già rồi không thể bôn
ba như người trẻ tuổi được cho nên hễ gặp dịp thì làm còn không thì cứ an nhiên
tự tại, ráng giữ cho tâm hồn bình thản an vui niệm Phật. Làm thiện tùy duyên là
có thì giúp không có thì thôi, chủ yếu là tâm của mình lương thiện, sẵn sàng
thành tâm thiện ý muốn giúp đỡ kẻ khốn khó là được. Hễ có thiện ý đó rồi tự
nhiên mình thấy cách làm, đừng chấp mình làm nhiều làm ít, đừng để tâm phân
biệt khinh thị kẻ nghèo kém hơn mình...
Làm lành tuyệt đối đừng nẩy lên ý tưởng mong
cầu phước báu mới là làm lành. Mong cầu hưởng phước báu tức là còn tham lam,
còn bất thiện, còn phải mắc nợ đọa lạc! Làm thiện thuộc về phước báu hữu lậu.
Luật nhân quả vay trả hễ có làm thì tự nhiên phước báu có đến, đừng cầu mong.
Hễ nẩy lên niệm cầu phước lộc thì bị phạm nghiệp “Tham”, nghiệp này thuộc về
vô-lậu. Tham lam là nhân ngạ-quỷ, cái phước báu mình làm được không chuộc được
cái nhân chủng ngạ quỷ đã cấy trong tâm. Chính vì thế, nên còn tham thì khó
vãng sanh được. Làm lành là tu cho chúng sanh, mở rộng tâm lượng bao la, thương
yêu vạn vật để phát triển tâm từ bi, khiêm nhường kính trọng mọi người, có như
vậy tâm mình mới tương ưng với tâm Phật A-di-đà, nhờ thế mà cha má dễ dàng vãng
sanh.
Trong hoàn cảnh Việt-Nam thôn quê eo hẹp,
mình khó có khả năng bố-thí, khó có khả năng chu toàn việc thiện. Nhưng cha má
cũng có thể mở tâm lượng thương người, không nên tranh giành hơn thua đố kỵ với
ai, đừng nên chấp lỗi người khác, chỉ nên một lòng khuyên giải chỉ bày người
khác tu hành, đừng nên tự tay giết hại heo, gà để ăn nữa, v.v... đó là làm
lành.
Làm lành với tâm chân thành kính cẩn có thể
biến phước đức thành công đức để hồi hướng cho chúng sanh, trả nợ oan gia trái
chủ. Tu niệm Phật, cha má phải nhớ là ngày ngày đều đọc câu: “Nguyện đem công
đức này, hồi hướng cho oan gia, trái chủ trong đời” sau mỗi buổi niệm Phật. Từ
nhiều kiếp đến nay mình đã sát hại sanh vật quá nhiều cho nên có nhiều oan gia,
trái chủ theo mình truyền kiếp để chờ cơ hội trả thù. Chính thế cho nên con
người khó được giải thoát. Hồi hướng cho họ là lấy công chuộc lỗi vậy. Phép tu,
tóm lại là:
1) Tin tưởng vững chắc sự cứu độ của Phật
A-di-đà;
2) Phát nguyện cầu vãng sanh, nghĩa là mỗi
buổi sáng cha má nhớ phải đọc lời nguyện vãng sanh, nên đọc câu kệ này:
Nguyện sanh
Tây-phương Tịnh-độ trung.
Cửu Phẩm Liên Hoa vi
phụ mẫu.
Hoa khai kiến Phật
ngộ Vô-Sanh.
Bất-Thối Bồ-tát vi
bạn lữ.
Đọc nhiều lần trong
ngày càng tốt;
3) Buông xả tất cả, niệm A-di-đà Phật luôn
luôn đừng để gián đoạn, tuyệt đối không được niệm gì khác nữa;
4) Chiều, tối sau khi niệm Phật xong thì hồi
hướng công đức, đọc bài kệ này mỗi buổi sau khi niệm Phật:
Nguyện đem công đức
này,
Trang nghiêm Phật
Tịnh-độ.
Trên đền bốn ơn nặng,
Dưới cứu khổ ba
đường.
Nếu có kẻ thấy nghe,
Đều phát lòng Bồ-đề.
Hết một báo thân này,
Đồng sanh Cực-lạc
quốc.
Thế là đủ rồi. Nếu cha má muốn mạnh hơn nữa,
thì trước khi hồi hướng công đức nên thành tâm nguyện sám hối những điều tội lỗi
của mình và xin hồi hướng cho tất cả oan gia, trái chủ trong vô lượng kiếp đến
nay, cầu cho họ được lợi lạc, cầu cho họ sớm giải thoát. Cứ như vậy mà tu thì
nghiệp chướng tiêu trừ nhanh, cuối đời được vãng sanh. Nếu không theo như vậy
thì mất phần, uổng lắm đó.
Lánh dữ để tu cho mình, tránh nhân quả
nghiệp báo, tránh những chủng tử xấu, cho tâm linh mình được nhẹ nhàng siêu
thoát. Đây là vấn đề lớn con đã nói sơ qua trong các thư trước. Có dịp con sẽ
trở lại. Lánh dữ để khỏi tổn hại đến công đức tu hành của mình. Một trong những
yếu tố tối kỵ nhứt là sự Sân-Giận. Thưa cha má, như trong thư trước con có nói,
cái nhân chủng của sân khuể là địa ngục cho nên kinh Phật dạy, khi lâm chung
chỉ cần người đó khởi lên một ý niệm tức giận về bất cứ chuyện gì thì thần thức
bị chiêu cảm vào đường địa-ngục ngay. Vì nó quá nguy hiểm, tối kỵ mà lại quá dễ
mắc phải, cho nên qua mấy thư liền con đều nhấn mạnh đến điểm này là mong cầu
cho cha má và anh chị em lưu tâm cảnh giác, có như vậy mới mong ngày giải
thoát. Muốn tránh được chuyện này, người tu hành luôn luôn tự mình nhắc nhở lấy
mình, kềm chế lấy mình, đề cao cảnh giác tột độ để tránh trạng thái này.
Nếu một người ưa nổi nóng, ưa sân giận thì
tánh nóng này sẽ trở thành quán tính rất nguy hại cho huệ mạng. Quán tính này
sẽ trở thành một phản xạ tự nhiên, một phản ứng nhạy bén đến một sự kiện bất
hợp ý nào xảy ra. Chính vì thế mà khi mình lâm chung, chắc chắn sẽ bị, hoặc là
oan gia trái chủ, hoặc là ma quái gạt mình rơi vào trạng thái đó.
Giận tức là điều tuyệt đối phải tránh. Bình
thường tỉnh táo đã biết mà kềm chế không được, thì làm sao tới lúc khốn đốn
nhứt, đau đớn nhứt, rối loạn nhứt lại có thể kềm chế được. Vậy thì, muốn thành
đạo, muốn siêu sanh lên cảnh giới Cực-lạc của Phật thì ngay từ bây giờ phải bỏ
cho dứt cái tập khí, thói quen này.
Trong Phật học có đưa ra pháp tu nhẫn nhục.
Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn. Tất cả mọi tôn giáo, mọi cách tu hành, nếu ai
còn phạm phải chuyện này thì vô phương thành đạo, không thể giải thoát. Chính
con đây, hồi trước chưa hiểu đạo, thường nóng giận bừng bừng, đến khi hiểu được
sự tối ư nguy hại của nó rồi con phải chú tâm đề cao cảnh giác. Mỗi lần có
chuyện bực mình là con nói thầm trong miệng “đừng giận, đừng giận...” rồi tìm
cách lánh xa hiện trường, giận muốn mở lời con cũng cố gắng cắn môi lại để
tránh phải phát ra lời, vì hễ phát lên lời thì lửa giận bốc ra, bừng lên, ta
kềm không nổi, công phu tu hành của mình từ một sơ ý đó thôi đã biến thành mây
khói.
Phải cố công tập luyện chuyện này chứ không
phải dễ dàng đâu cha má ạ, vì đây là tập khí đã ăn sâu vào tạng thức của mình
từ lâu đời rồi. Sân-giận là kẻ thù rất đáng sợ sát bên cạnh, nó đã giết hại vô
số huệ-mạng của chúng sanh mà mình đâu ngờ. Xin cha má hãy cố gắng tối đa
chuyện này mới được. Chắc hẳn một đôi ngày, vài ba tháng không dễ gì mình bỏ
hẳn được, nhưng quyết tâm thì hiện tượng này chắc chắn sẽ giảm dần, rồi nó sẽ
dứt. Trước giờ, mình chưa xác định được mục đích thì đành cho qua, nhưng nay đã
thấy rõ rồi, đã hiểu được chỗ mình cần phải tới rồi, thì xin cha má đừng vì một
chút việc tầm thường mà đành chịu mất cơ hội quý báu đánh giá bằng vô lượng
kiếp tu hành này. Hãy buông bỏ tất cả, hãy đem tất cả để đổi lấy cho được cái
vé đi về Tây-phương cha má ơi! Cứ nghĩ rằng một vài năm nữa mình về đất Phật
thì tại sao phải ở lại chịu đọa lạc khổ đau vô vàn kiếp số để tranh giành, để
sân-giận?
Con biết từ hồi nào đến giờ gia đình mình
sống theo phong hóa Á-Đông, khuôn mẫu nhà Nho, tư tưởng “Tam-Cương Ngũ-Thường”
cũng đã ảnh hưởng rất lớn. Cái Nho phong này là điều rất cần thiết cho đạo làm
người. Tuy nhiên, Nho giáo dù sao đi nữa cũng chỉ lo được chuyện thế gian trong
một đời này, chứ hoàn toàn không cáng đáng nổi tới đời quá khứ, vị lai.
Nhân-quả, nghiệp-báo, luân-hồi... Nho giáo hoàn toàn không nói đến. Cho nên,
nói về đạo dạy làm người trong đời này thì Nho giáo rất tốt, còn nói về đạo
xuất thế, luân hồi, nhân duyên, nghiệp báo... thì nhà Nho không thông được. Đây
là một sơ suất đáng chú ý! Phải chăng trong nhiều tiền kiếp có thể vì quá chú
trọng vào thể diện, nhân cách người quân tử mà vô tình tạo ra nhiều nhân tố lỗi
lầm, có thể gây ra những nghiệp oán về sau mà không hay! Ví dụ điển hình như
chữ Trung Hiếu, “Quân xử thần tử”, “Phụ xử tử vong”, những sự bức bách này làm
sao tránh khỏi chiêu cảm thành oán thù truyền kiếp, làm cho lịch sử mãi mãi
chìm trong chiến tranh chết chóc. Tần-Thủy-Hoàng đốt sách chôn Nho, họ cố quét
sạch bóng dáng Nho gia trên ngay quê hương họ. Những cuộc cách mạng văn hóa đã
đem đền đài, sách vở Thánh Hiền của họ đập phá, đốt hết. Những cuộc nội chiến
tương tàn gây chết chóc cho biết bao nhiêu người, v.v... phải chăng là những
quả báo truyền kiếp từ trong chính dân tộc họ!?
Phải tin Phật cha má ạ. Phật giáo là một nền
giáo học cho ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, bao trùm tất cả mọi phương diện,
mọi khía cạnh chứ không phải chỉ là một thứ tôn giáo dị đoan mê tín như người
ta thường hiểu lầm đâu. Hiểu được đạo Phật rồi ta có thể hiểu được tất cả mọi
tôn giáo, ta thấy được mọi cảnh giới. Đây là sự thật. Ví dụ như, Hòa-Thượng
Tịnh-Không, có những lần người ta bất chợt mời Ngài giảng Thánh kinh của
Thiên-Chúa Giáo, Thánh kinh Hồi-Giáo, khai thị cho Thánh-Hỏa Giáo, v.v... Ngài
cầm kinh lên lật tới đâu giảng tới đó, thâm sâu, uyên áo hơn cả chính giáo sĩ
của họ nữa, mà những kinh điển này từ trước tới giờ Ngài chưa đọc qua. Rõ ràng
khi một người hiểu ngộ kinh Phật thì tất cả mọi cảnh giới đều thông suốt, cho
nên Ngài cầm quyển kinh nhìn vô là thấy ngay liền không cần phải chần chừ suy
nghĩ.
Ở Việt-Nam ta có nhiều tôn giáo, ví dụ như Cao-Đài, Hòa-Hảo... chẳng hạn, nếu
có duyên mời Ngài khai thị, chắc chắn Ngài cầm lên giảng liền, giảng thẳng đến
cốt tủy luôn, đến nỗi chính những cảnh giới mà giới chức sắc tu nhiều năm trong
đó chưa chắc đã ngộ ra. Đây là sự thật, chắc chắn như vậy. Chính như con đây
mới bập bẹ nghe Phật pháp của Ngài thôi mà con đã nhìn thấy được nhiều cảnh
giới của họ rồi, thì làm gì với bậc minh sư như vậy mà Ngài không thông đạt.
Trở lại chuyện tu hành, tất cả căn nguyên
của đọa lạc là ba cái độc Tham, Sân, Si. Tham-Lam bị rơi vào ngạ quỷ, sân-giận
rơi vào địa ngục, si-mê rơi vào súc sanh. Trong ba đường này, đường nào cũng
khổ cả, trong đó địa ngục là cảnh giới dễ sợ nhất. Trong mấy thư liền con nhắc
đến điểm này, xin cha má, anh chị em, bà con, có bác, nhứt thiết đừng sơ ý coi
thường. Con vì lòng hiếu hạnh thành tâm muốn tất cả mọi người chớ nên sắp hàng
vào đó xem thử mà ân hận ngàn đời, muôn kiếp chứ không phải như sự hiếu kỳ đi
xem chiếu phim ma đâu! Mọi người, cả thân lẫn sơ, hãy chú ý mà tránh xa đi. Tin
hay không thì tùy, con nói vẫn phải nói với tất cả lòng chân thành khuyên nhủ
và con coi đây như là bổn phận làm con, làm bà con thân thuộc với nhau trong
đời này.
Đức Phổ-Hiền Bồ-tát dạy
“Khuyến-Tấn-Hành-Giả” và con đang làm đúng theo như vậy. Xin cha má nên nghe
theo con, tu hành là tu bằng cái tâm chân thành để được giải thoát, chứ không
ai bắt phải cạo đầu trọc đâu mà sợ, mà trốn tránh, và cũng xin khuyên anh chị
em rằng, chớ đem cái trí nghĩ thô thiển của mình mà đánh giá lời Phật, đừng bao
giờ ỷ mình có coi được vài ba quyển sách, nói chuyện trời đất trên vỉa hè mà
cho mình là hàng trí thức! Cái nhìn, cái thấy của mình lẩn quẩn trong một xứ
còn quá nghèo nàn lạc hậu, có thấm thía gì đâu so với vũ trụ bao la, với nhân
sinh cảnh giới trùng điệp, thì làm sao dám để tâm cống cao, ngã mạn coi nhẹ
Phật pháp.
Phật là đấng giác ngộ tối thượng trong thập
pháp giới, đại từ, đại bi vạch đường cho mình thoát hiểm nạn, mình không chịu
nghe theo, tự mình đâm đầu vào khổ hải thì ráng mà chịu. Đến lúc cùng rồi, phía
trước là vực sâu thăm thẳm lửa cháy bừng bừng, phía sau hổ báo, nghiệp chướng
tràn tới vồ chụp để phanh thây. Hết đường chạy thoát rồi, lúc đó mới ngộ đạo
thì cũng thừa thôi!...
Cái cảnh giới địa-ngục này từ đâu mà co? Nó
là sự chiêu cảm hằng ngày bằng cách sống, cách suy nghĩ, cách ăn ở, cách tiếp
vật đối người... của mình chứ không đâu xa cả. Khi không biết, mình cứ tưởng nó
là chuyện huyền hoặc, xa vời, phi thực... đâu ngờ nó là một thực thể núp sẵn
sát bên cạnh mình, ở sâu trong tâm mình, ở ngay trước mặt mình mà mình không
hay. Đó chính là đâu? Sân giận!
Phật dạy “Duy Tâm sở hiện”, tâm mình tạo ra
cảnh giới nào mình đi về cảnh giới đó. Người hiền lành thấy cảnh thiện, người
hung dữ thấy cảnh ác quỷ, người tham lam keo kiệt thấy cảnh ngạ-quỷ, người ngu
si mê muội thì sống trong cảnh giới súc-sanh. Chuyện này ngay trong làng mình
cũng có nhiều ví dụ cụ thể chứ đâu xa, như có nhiều người mới sinh ra bị điên
điên dại dại, mê mê khờ khờ... thật sự có phải là họ đang sống trong cảnh giới
loài vật, đôi khi còn thấp hơn một số con vật nữa không?! Tất cả hiện tượng đó
cũng là cái nghiệp báo của họ, vì dại đường tu trong đời trước mà thành ra như
vậy! Mình nên thương hại chứ đừng khinh khi họ.
Cho nên, tu hành cần phải hiểu pháp, không hiểu pháp mà cố chạy theo thế trí
biện thông thì tạo thêm nghiệp. Mất chánh pháp thì càng tu càng lạc, càng tu
càng xa chân lý, càng mất phần giải thoát mà mình không hay! Nên nhớ, người tu
mà đi lạc đường thì có tội lớn hơn người không tu. Vì sao? Vì họ làm gương xấu
cho người khác, họ làm cho người khác mất niềm tin, họ dẫn người khác đi lạc
đường, họ có thể làm mất huệ mạng của người khác. Rõ ràng, họ gây tội cho chính
họ và còn mang thêm tội của người khác... Do đó, tu đúng chánh pháp mới có công
đức, có thiện căn, tu sai hướng thì nhất định phải nhanh chóng hồi đầu để kịp
thời “đáo bỉ ngạn” trước khi gặp tử ma, cha má ạ.
Trở lại chuyện sân-giận, con cũng xin thưa
rằng là con đang dựa theo Phật học nói chung về cái nguy hại của chữ “Sân”, rồi
ứng dụng vào hoàn cảnh riêng của gia đình chứ con không phải nói riêng. Con
biết chắc chắn ai cũng từng vướng phải lỗi này, thì bây giờ đọc thư này nhớ hồi
đầu tỉnh ngộ. Hơn nữa, cái mục “Sân-Giận” rất dễ phạm phải trong nền văn hóa
Á-Đông. Ở đó, nếu nói rằng cha mẹ nóng giận con cái là sai thì ít ai chấp nhận.
Nhưng ở Âu Mỹ, thì đây là luật bị cấm. Các nước Xã-Hội Chủ-Nghĩa cùng một số
nước Á châu khác cũng đã áp dụng luật này rồi. Đây cũng là một điều may, vô
tình cứu được một số oán nghiệp cho người làm cha mẹ. Vì dù cho luật lệ quốc
gia hay phong tục tập quán có cho phép độc tài hay không, thì mọi sự bức bách
đều gây nên oán nghiệp. Nghĩa là nó sẽ trở thành mối hận thù truyền kiếp, đời
này trả không được nó cũng chiêu cảm ở đời sau.
Ví dụ, như ai đã bức bách một người nào chết
dù đúng luật thế gian hay không thì nghiệp sát sanh vẫn có và thần thức người
bị hại vẫn ghi tâm trả thù. Chính vì thế mà thành ra oan oan tương báo, ngay cả
con cái trong gia đình cũng vậy. Xin cha má nhớ rằng đời này là Cha-Con,
Thân-Thuộc... nhưng khi chết rồi, thì thần thức phải qua cuộc cách ấm, tất cả
ký ức đều bị xóa sạch. Thần thức nhập thai, trụ thai, xuất thai hoàn toàn mê mờ
đi theo dòng nghiệp báo đầu sanh, ở đó chỉ còn nghiệp thức chiêu cảm và sẽ hành
động theo “đền ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ”, chứ không biết ai là cha, là mẹ,
là anh, là em gì nữa cả. Cho nên, khi hiểu đạo thì ngay cả con cái mình cũng
phải lấy lễ mà tiếp xử, chứ không thể ỷ quyền làm sai luật nhân quả mà gây thêm
nghiệp báo.
Nói gọn lại, giận la rầy con cái nếu là vì
lòng thương giáo dục thì không kết báo oán, còn vì tánh nóng nảy của mình, thì
vẫn tạo nên nghiệp báo, thù hận, không tốt cho hậu kiếp!
Phật dạy rằng, con cái đến với ta là do
những duyên nợ từ trước, có rất nhiều duyên nghiệp nhưng tựu trung có bốn diện,
(1) “Báo-Ân”; (2) “Báo-Oán”; (3) “Đòi-Nợ”; (4) “Trả-Nợ”.
“Báo-Ân” là người trong đời trước đã thọ ân
của ta, chiêu cảm đến đời này nó đến để trả ơn. Đây là những đứa con có hiếu có
tình, biết thương cha kính mẹ, dù cho có bị đối xử tệ bạc như thế nào nó cũng
thương cha mẹ, không thay đổi.
“Báo-Oán” là những đứa con trong những kiếp
về trước đã bị ta la mắng, chửi bới, hành hạ, cưỡng bức, sát tử... bây giờ họ
tới nhằm trả mối nợ này. Đây là những đứa con bất hiếu, vô lễ, vô nghĩa, vô
đạo...! Nó sẽ tìm cách phá tan gia phong uy tín của dòng tộc, làm cho cha mẹ
phải chịu nhục nhã, bị tù đày, thậm chí còn có thể sát cha hại mẹ nữa là khác.
“Đòi-nơ” là những đứa con phá sản, bao nhiêu
sự nghiệp của cha mẹ nó đem phá hết, cờ bạc, rượu chè, đau bệnh... bằng mọi
cách làm cho gia tài của cha mẹ phải tiêu tan. Đây là vì trong tiền kiếp, chính
mình đã đoạt chiếm tài sản của nó, ăn cướp, ăn trộm, dùng quyền cưỡng chiếm...
nên mới tạo ra đứa con như vậy. Nếu vừa cả “báo oán” và “đòi nơ” thì sự việc
xấu ác sẽ xảy ra ngoài sức tưởng tượng của nhân luân, kinh khủng lắm! Riêng cha
má không có những người con thuộc dạng xấu này, đây cũng là sự may mắn do bởi
cái nhân ăn ở hiền lành từ trong đời kiếp trước của cha má, chứ giả sử nếu có,
thì cha má cũng đành nuốt hận chịu thua chứ không cách nào cứu vãn được đâu!
“Trả-Nơ” thì ngược lại là nó nợ mình, đời
này thường thấy những người con thường gửi tiền bạc cung dưỡng cha mẹ. Nếu chỉ
để “trả nợ” thôi thì nó chỉ ý thức trách nhiệm hoặc sợ xấu mặt với bạn bè, bà
con, mà giúp chứ chưa chắc đã thương cha mẹ. Nếu có cả “trả nợ” lẫn “đền ơn”
thì trở thành đứa con đại hiếu, đại hiền, đại nghĩa, đại từ, đối với cha mẹ,
vừa lo chu toàn cả vật chất lẫn tinh thần và chí thành thương tưởng, trung
thành với song thân.
Nuôi dưỡng ăn uống là trả tiểu hiếu nhân
sinh. Cứu độ cha mẹ vãng sanh Tây-phương là trả Đại hiếu xuất thế. Như con đây
đang tận lực làm tròn đại hiếu đó, con đã làm hết bổn phận thì dù cha má có đi
hay không con cũng đã trả trọn vẹn. Nếu cha má sơ ý lọt lại trong tam đồ lục
đạo, thì đó là duyên phần của cha má chứ con không biết làm cách nào khác
hơn...
Hiểu được điều này, thì trong đời bất cứ
chuyện gì xảy ra, xin cha má cũng nên an nhiên tự tại. Tất cả đều do nhân quả
nghiệp báo từ nhiều đời nhiều kiếp kết tụ về để thanh toán ơn nghĩa nợ nần cũ
mà thôi. Hễ có nhân thì có quả, có nghiệp thì có chướng. Người khéo tu hành
hiểu đạo thì phải tìm cách chặt đứt nguồn nhân quả nghiệp báo này để thoát ly
giòng sinh tử. Muốn chấm dứt thì bây giờ ta sẵn sàng trả nợ và đừng gieo nghiệp
mới nữa. Thế thôi! Chuyện này phải cố gắng làm thì mới được. Nhiều người tu
hành suốt bảy tám mươi năm nghiệp chướng vẫn còn tràn trề và cơ hội giải thoát
vẫn còn mù mịt. Do đó, giải thoát được không hẳn tu lâu hay mau mà là biết cách
tu. Có câu nói, “Tu trọn kiếp, ngộ nhứt thời”, tu một kiếp có cả triệu đời
nhưng chưa chắc đã ngộ, nhưng khi ngộ đạo chỉ cần một tích tắc thời gian thôi.
Cho nên tu có đúng cách, chọn đúng pháp môn, hợp căn cơ, hợp lý đạo, người đó
sẽ thành công. Tu không hợp lý hợp cơ dù tu trọn đời trọn kiếp cũng khó có phần
giải thoát.
Trong tất cả pháp tu hành, Pháp môn niệm
Phật được chư Phật, chư Tổ sư đều xưng tán là “Đốn-Siêu trong Đốn-Siêu,
Phương-Tiện trong Phương-Tiện, Cứu-Cánh trong Cứu-Cánh, Liễu-Pháp trong
Liễu-Pháp”. Đây không phải là lời nói đưa đẩy mà là lời trực ngôn, chân ngữ,
thực ngữ. Vì sao? Vì với tám mươi bốn ngàn pháp môn tu tập của Phật để lại, thì
pháp của Phật bao trùm tất cả mọi phương diện. Trong rừng kinh sách Phật ấy,
lại có kinh nói rằng dù cho có vô lượng pháp môn tu thì cũng chỉ có pháp
Niệm-Phật là duy nhất được mười phương chư Phật hộ niệm và được bốn mươi tám
lời đại nguyện của đức A-di-đà Phật gia trì. Là pháp độc nhứt nói lên sự bình
đẳng thành Phật viên mãn cho đều cả cửu pháp giới. Một pháp tu hành chỉ cần một
đời này thôi được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc, kết thúc sanh tử, một đời
thành Phật. Chính nhờ lực gia trì này mà có người đứng vãng sanh, ngồi vãng
sanh, có người hẹn lại ngày vãng sanh, có người niệm Phật chỉ vỏn vẹn ba ngày
đã được vãng sanh, trút bỏ bao nhiêu khổ nạn nghiệp chướng.
Thư tới, con sẽ kể cho cha má nghe những
chuyện “thần kỳ” ngay mới gần đây thôi. Tất cả đều là sự thật. Trong khi đó có
nhiều pháp môn rất cao siêu, nhưng không trọn vẹn gọi là bất liễu giáo. Ví dụ,
như pháp tu Đốn-Siêu có thể cấp kỳ thành Phật nhưng đòi hỏi căn cơ, tâm trí quá
cao không hợp với đại chúng; Phương tiện dễ nhưng không có cứu cánh; Cứu cánh
dễ nhưng không đủ phương tiện... Chỉ có pháp niệm Phật hợp với tất cả mọi căn
cơ. Đốn siêu vì một đời thành công, cứu cánh thì chắc chắn, phương tiện thì quá
dễ, nhân là niệm Phật, quả là thành Phật. Niệm Phật thành Phật. Tất cả mật tạng
bí tủy nhất của chư Phật để lại cho chúng sanh đều ở ngay trong Thánh Hiệu
“Nam-mô A-di-đà Phật”. Quyết định dứt khoát rốt ráo. Kinh Phật dạy, “Ức Phật
niệm Phật hiện tiền đương lai tất định kiến Phật”. Nhất hướng chuyện niệm
A-di-đà Phật, nhất định cha má sẽ được vãng sanh, sẽ thành vị Bất thối Bồ-tát,
chỉ còn một đời này thôi sẽ thành vị Phật ở cõi nhất chân Pháp giới Tây-phương
Cực-lạc.
Hãy buông bỏ tất cả những đường đi vô định
hướng. Hãy quyết tâm theo đúng pháp môn tối thượng này để thành đạt. Xin cha má
quyết tâm đừng vì cảm tình, hay tiếc nuối những điều gì khác mà mất cơ hội vãng
sanh, oan uổng lắm! Hãy buông bỏ tất cả để ra đi trong quang minh, an lành,
thanh tịnh. Hãy buông bỏ tất cả đi, để cha má thoát khỏi cái chết của kiếp
người ở tuổi đời đã gần mãn. Nếu tới tuổi này rồi mà không nhận rõ số mạng,
không vạch đường đi rõ ràng, thì còn đợi đến chừng nào nữa đây, thưa cha thưa
má? Buông bỏ đâu có nghĩa là bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ ăn, bỏ uống đâu, những cái bỏ
này là hành động tự tử, sẽ bị sa đọa rắc rối và có hại cho huệ mạng.
Buông bỏ là dứt khoát liệng tất cả những gì
không ích lợi cho việc vãng sanh. Giận hờn con cháu, tức giận người thân, chửi
bới kẻ bất hiếu... là những hành động có hại cho tâm linh của mình. Nuối tiếc
nhà cửa, luyến tiếc gia đình, bàn chuyện thị phi, đam mê danh vọng, thích nhân
nghĩa hão huyền, ưa tiếng khen chê vô ích của thiên hạ... là tự trói mình trở
lại trong đường luân hồi, có sướng ích gì đâu. Thế gian này, càng ngày càng
tiến gần đến chỗ nguy kịch mà tình cảm không dứt, dây dưa những con đường tu
hành vô định hướng, cầu xin những phước lợi nhỏ nhoi cho thế đời mộng huyễn
này... là tự mình không muốn vãng sanh Tây-phương, là tự mình bỏ mất cơ duyên
thành Phật, tự mình tìm chỗ hiểm nạn mà đi.
Thưa cha má, nên suy nghĩ cho thật kỹ thì
giựt mình tỉnh ngộ liền, nên biết hồi đầu một trăm tám mươi độ để kịp cứu đời
mình. Trong lời pháp giảng về kinh Vô-Lượng-Thọ, Ngài Tịnh-Không có nói, “Có
người tu hành lâu năm, họ thường niệm Bồ-tát nên sinh ra cảm tình sâu đậm. Bây
giờ gặp Phật, họ không chịu niệm Phật mà cứ niệm Bồ-tát, họ sợ niệm Phật thì có
lỗi với Bồ-tát! Đây là vô minh, vọng tưởng! Bồ-tát còn ngày đêm phải niệm Phật
để cầu vãng sanh, còn mình thì không chịu hồi đầu tỉnh giác. Đây thật là tình
chấp thâm trọng thành ra mê mờ?! Chẳng lẽ học lớp một đến kỳ phải lên lớp lại
nói, “Tôi học lớp một lâu rồi, tôi mến cái lớp này, không muốn lên”. Có cái đạo
lý như vậy sao?”. Ngài nói tiếp, “Niệm Phật để thành Phật là sự thăng cấp cao
nhứt, là cơ duyên tối thắng dễ tìm ra lắm sao? Hàng tỉ người may ra mới có một
người gặp được, tin được để thành Phật”. Vì sao vậy? Vì hầu hết không ai có đủ
thiện tín để y giáo phụng hành, thực hiện trọn vẹn pháp môn. Nghĩa là họ tin
chút chút, niệm thử coi, còn thời giờ chính là họ lo cầu xin phước báu, không
dám bỏ thói quen xưa, vẫn chạy theo con đường tu hành tạp nhạp. Tiếc thay!
Thưa cha má, hằng ngày con tranh thủ từng
phút để viết thư khuyên cha má tu hành. Vì đây không phải là phép tu bình
thường, mà tu đắc được giải thoát, một đời thành Phật. Vì con đã thấy rõ ràng
hiển nhiên, cho nên con phải nói cạn tình, cạn lý để cha má quyết đắc được
thiện lợi. Nếu lỡ cha má có bị mất phần thì con cũng không còn ân hận nữa.
Trong linh cảm con vẫn thấy rằng cha má vẫn chưa tin tưởng vững chắc, vẫn còn
hồ nghi: “Làm gì có chuyện tu một đời mà vãng sanh bất-thối thành Phật dễ dàng
như vậy?”. Nhưng thưa cha má đây là sự thật. Thư tới con sẽ cố gắng giải thích
rõ ràng chuyện này, con nêu đích danh những người vừa mới vãng sanh gần đây,
không những thế trong đời họ còn giúp hàng trăm người khác vãng sanh. Đây là sự
thực. Xin cha má vững lòng tin tưởng mà đóng kín tất cả lục căn lại, nhứt tâm
niệm Phật cầu về Tây-phương Cực-lạc, phải về đó cho được trước đã, mọi chuyện
khác sẽ tự biết sau. Nhất thiết đừng phân vân, phải quyết lòng đi thì phần an
vui cực lạc đang chờ sẵn cho cha má đó.
Nam-mô A-di-đà Phật.
Kính thư.
(Viết xong, Brisbane
ngày 7/4/02).