Bậc giác ngộ sống trong hoàn cảnh thật nghèo
khổ, họ vẫn hưởng thọ sự an vui rộng lớn.(Pháp-Sư Tịnh-Không).
Kính cha má,
Cuộc đời một người rất ngắn ngủi, thân này
chỉ một thoáng qua là đi vào hư không, trả về cát bụi, làm sao mà tồn tại
trường thọ qua thời gian. Người tuổi trẻ nhìn thấy cuộc đời sáu bảy chục năm
nữa tưởng là lâu lắm! Nhưng khi tuổi xế chiều mà không tính trước chuyện thoát
thân thì thật là một điều sơ sót đáng tội nghiệp! Ai mà không muốn người thân
yêu ở mãi với ta, nhưng khôn ngoan hơn một chút nữa, thì suy tính cho cuộc sống
tương lai dài lâu mới là người trí huệ, liễu ngộ rốt ráo. Hôm qua là ta, hôm
nay là ta và ngày mai cũng chính là ta, xin cha má cẩn thận.
Trong phần thư trước con nói chuyện HỘ-NIỆM,
đây là điều tối quan trọng cho một người muốn một đời này thoát khỏi đọa lạc. Vì
trước giờ mình không học Phật, không hiểu Phật, không biết đâu là đường giải
thoát, cho nên danh từ HỘ-NIỆM mới nghe cảm thấy lạ, còn người hiểu Phật pháp
rồi thì họ rất chú trọng và đặc biệt quan tâm.
Hộ-niệm cho người ra đi cần phải chuẩn bị về
vấn đề tâm lý. Tâm lý của chính người ra đi, tâm lý của thân nhân con cái và
người đến hộ niệm. Con xin nhắc đi nhắc lại với cha má là con người ai cũng có
số phần cả, ngoài những người tu hành đạt được đạo cao, tự họ có thể đi hay ở
tùy ý, còn tất cả đều đã được đặt để bởi định mệnh sẵn. Hộ-niệm hay không
hộ-niệm thì năm, tháng, ngày, giờ, ra đi vẫn đúng như theo định số, khó thể
thay đổi. Nói rõ thêm nữa, người không niệm Phật, hoặc có niệm Phật cầu về
Tây-phương thì ngày bỏ xác thân trần tục của họ cũng không thay đổi, chỉ có
khác nhau là người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì lúc lâm chung được an nhiên
tự tại, tâm hồn bình tĩnh sáng suốt, không đau đớn, hoặc nếu có bị đau bệnh
cũng được nhẹ đi rất nhiều, (đau bệnh là do nghiệp chướng của mình chưa phá
nổi), và sau cùng cái quý báu nhất là được vãng sanh về thế giới Cực-lạc với
Phật. Từ đó về sau không còn sanh tử nữa, vĩnh viễn hưởng sự an lạc vui sướng,
ngày ngày nghe được pháp âm của Phật để chờ ngày viên mãn thành Phật.
Phần thư trước con nói, Hộ-Niệm có thể tự
mình hộ cho mình hoặc nhờ người khác hộ cho mình. Tự-Hộ dành cho các người có
công phu tu hành tốt, đã được từ “sự nhất tâm bất loạn”, có nghĩa là họ đã đạt
được cảnh giới “niệm bất niệm”, đại khái trong tâm luôn luôn có tiếng Phật hiệu
dù cho bên ngoài họ không niệm. Chính vì thời thời khắc khắc tâm họ đều niệm
Phật, cho nên họ muốn vãng sanh là đi liền, sống chết tự tại. Tự-hộ-niệm còn
được hiểu là người ra đi phải tin tưởng vững chắc vào pháp Phật, tự mình niệm
Phật, tự mình cầu nguyện về nước Phật chứ không phải ỷ vào người khác, không
phải thấy người ta tới hộ niệm cho mình là yên tâm nằm nghỉ để chờ chết.
Một vấn đề khác nữa là người nào muốn vãng
sanh về cõi Cực-lạc của Phật thì không được sợ chết. Pháp môn niệm Phật được
chư Phật, chư Tổ Sư vinh xưng là tối thượng pháp môn, người chí thành niệm Phật
thì được “Bất-Bệnh, Bất-Lão, Bất-Tử”. Còn bệnh, còn lão là tại vì tự mình còn
có vấn đề. Vãng sanh không phải là chết, người niệm Phật lúc nào cũng ra đi
trong lúc còn tỉnh táo, còn sống mà đi, cho nên gọi là “BẤT-TỬ”. Còn sợ chết là
chưa hiểu đạo. Người muốn vãng sanh thì không được lưỡng lự nửa đi, nửa ở,
không được bám víu vào cảnh thế gian. Còn lưỡng lự luyến tiếc thế gian là chưa
tin Phật, là còn muốn tự đày đọa mình trong luân hồi khổ ải, là chưa thật sự
muốn về Tây-phương.
Hầu hết chúng sanh đời này vì chưa hiểu đạo
cho nên không tha thiết việc vãng sanh, hoặc hồ nghi kinh Phật, cho đó chỉ là
điều nói khuếch đại để khuyến khích người ta làm lành lánh dữ mà thôi. Chính vì
vậy, mà ai cũng cứ nằm đó chờ người thân chết rồi tới chùa cầu siêu lấy lệ cho
qua truông, để chứng tỏ với mọi người là mình có hiếu, có nghĩa. Tất cả những
sự việc này chỉ tạo được một chút xíu công đức mà thôi, nghĩa là khó có hy vọng
cầu được siêu sanh vào thế giới Cực-lạc của Phật A-di-đà. Những người lòng còn
tham luyến danh vọng, tiếng tăm, luyến nhớ con cháu rất khó được vãng sanh vì
lúc lâm chung tinh thần họ không tập trung vào câu A-di-đà Phật, quên lãng việc
cầu sanh về Tây-phương, cho nên, dù có người hộ niệm đi nữa họ cũng không thể
tương ứng với điều kiện của Phật.
Ngoài việc tự Hộ-Niệm, hầu hết chúng ta
không ai dám cả quyết là đã đạt được công phu “Nhất-tâm-bất-loạn” hoặc
“Niệm-Phật-thành-thục”, cho nên rất cần đến người khác như bà con thân nhân,
những người biết niệm Phật đến hộ niệm cho mình, để giúp mình giữ chánh niệm,
bảo đảm khi ra đi mình niệm được mười câu “A-di-đà Phật” trước khi rời bỏ xác
thân. Con xin nhắc lại lời kinh tối quan trọng trong kinh Vô-Lượng-Thọ, nguyện
thứ mười tám, đức Phật A-di-đà nói, người nào trước khi lâm chung niệm được
mười câu danh hiệu của Ta mà không được sanh về nước Ta, Ta thề không thành
Phật. Chỉ trừ những kẻ mang tội ngũ nghịch và phỉ báng chánh Pháp. Đây là lời
thề của đức Phật A-di-đà. Trong đó tội phỉ báng pháp Phật nặng hơn và không
cách nào cứu được, vì đã phỉ báng tức là không tin, mà không tin thì chắc chắn
không bao giờ niệm Phật được. Còn bị tội ngũ nghịch nhưng không phỉ báng pháp
Phật, nếu có cơ may niệm Phật được, vẫn được cứu như thường. Nên nhớ tội ngũ
nghịch quả báo là Địa Ngục A-Tỳ, nhưng niệm Phật A-di-đà có thể cứu được. (Cái
đạo lý này rất cao, có dịp sẽ trở lại). Cho nên Pháp Niệm Phật vi diệu, vi
diệu, rất ư vi diệu. Câu niệm “A-di-đà Phật” được gọi là “Vạn-Đức-Hồng-Danh”.
Vô lượng công đức, vô lượng công năng, không thể nào diễn tả được. Bất khả tư
nghị!
Vì thế niệm Phật có sự thành tựu rất lớn.
Mình niệm Phật cũng cần nên khuyên những người trong nhà cùng niệm Phật, và
giảng giải cho họ hiểu sự quý báu giải thoát để cùng được lợi ích, và cùng giúp
nhau trong giờ phút cuối cùng, đó là sự yêu thương thành thực nhất. Thực tế,
nên nhớ điều này, những người không hiểu đạo, càng thương yêu nhau họ càng gây
nhiều điều oái oăm đoạ lạc cho nhau, nhiều cảnh thương tâm không tả xiết! Sự vô
ý có thể làm nên những hành động đại nghịch bất hiếu! Vì sao vậy? Trong suốt
cuộc đời sáu bảy chục năm dù có tu hành hay không thì cái niệm cuối cùng của
cuộc đời vẫn là quyết định con đường tái sanh.
Ví dụ, như chuyện cụ Triệu-Vinh-Phương vãng sanh năm 1999, lúc đang ngồi bà cụ
muốn nằm xuống giường, người con gái nhẹ nhàng đỡ bà nằm xuống và lấy tấm khăn
lót nhẹ dưới vai, nhìn thấy trên mặt người con gái giọt nước mắt ướm ra và lăn
nhẹ xuống má nhưng cô ta không khóc thành tiếng mà vẫn tiếp tục niệm “A-di-đà
Phật”. Có đoạn người con trai của bà cầm hình Phật A-di-đà trước mặt dặn dò
người mẹ niệm Phật, nhưng ông ta nghẹn ngào, ngay lúc đó ông liền núp mặt ông
ta sau tấm hình Phật, không dám cho mẹ thấy. Coi tới đó con mới thấy rằng cả
gia đình bà cụ đều hiểu đạo Phật và làm đúng theo lời Phật dạy.
Tại sao vậy? Vì chính cái niệm cuối cùng có
thể quyết định hẳn tương lai của người ra đi. Hễ nẩy ra một niệm sân giận đi
vào địa ngục; một niệm tham lam đi vào ngạ quỷ, một chốc lát mê muội đi vào
đường súc sanh ngay. Một niệm luyến nhớ con cháu (vì thấy giọt nước mắt của
người con), có thể thay đổi hẳn tình thế, thay vì về Cực-lạc bà có thể tái sanh
lại làm người hoặc bị đoạ lạc vào đường khác. Nghĩa là chỉ cần một tí sơ ý cũng
đủ làm oan uổng cả một đời tu hành, có thể dẫn tới khổ đau bá thiên vạn kiếp
sau đó!
Vì thế, khi lâm chung mà con cái khóc kể,
kêu réo, ồn ào, hoặc đụng chạm mạnh vào thân thể người đi, sẽ làm xáo trộn về
tâm lý và gây đau đớn cho thân thể, làm người ra đi rất dễ bị đọa lạc. Về thân
thể người sắp ra đi đang ở vào thời điểm cực kỳ khó chịu ở lúc tứ đại phân ly,
họ có thể bị đau đớn kinh khủng khi bị đụng chạm. Cho nên, sơ ý chỉ cần một sự
chạm xúc bất cẩn cũng có thể đủ làm cho người bệnh đau đớn chịu không nổi. Nếu
người thân vô ý cứ ôm, giựt, níu kéo... làm cho người ra đi đau quá đâm ra sân
nộ, giận dữ thì trong nháy mắt thần thức bị đoạ vào địa ngục ngay. Do đó, nếu
không cần thiết lắm đừng nên đụng chạm đến người bịnh. Nếu bất đắc dĩ cần giúp
trở mình thì phải hết sức nhẹ nhàng, mềm mại. Còn việc kêu réo, khóc than, kể lể...
những nỗi bi thương là điều tối kỵ, tuyệt đối phải bỏ. Nếu không, chắc chắn sẽ
làm cho người đi mất tự chủ, tâm hồn bị bấn loạn, hoảng hốt, hoặc bi lụy. Đang
đứng giữa những cảnh giới lạ mà tâm hồn điên đảo rối loạn, thì oan gia trái chủ
sẽ lợi dụng cơ hội nhào vô hốt gọn linh hồn họ để đòi nợ, trả thù, nó tìm cách
dìm thần thức người thân của ta vào các đường ác hiểm khó mà cứu thoát được.
Ấy chính là vì quá thương mà hại người mình
thương! Lương tâm thiện lành nhưng không có trí huệ có thể gây ra tội ác là như
vậy! Chính vì những lý do này, người hiểu đạo không bao giờ dám làm một cử chỉ
sơ hở vô ý nào gây dao động tâm hồn, làm thương tâm người đi. Nhất định phải
nhớ, phải nhớ kỹ điều này.
Biết như vậy nhưng không dễ thực hiện. Làm
sao tránh được tình trạng này? Phải tin Phật, phải quyết tâm cứu độ người thân.
Cụ thể ngày ngày khuyên nhau niệm Phật, giảng giải Phật pháp cho nhiều để con
cái và thân nhân trong gia đình hiểu đạo. Người đi hiểu đạo, người hộ niệm hiểu
đạo, tâm tâm tương ưng cùng nhau hướng về một hướng chuyên niệm Phật cầu vãng
sanh, thì sự việc vãng sanh ắt thành. Gia đình nào mà có con cái thân nhân hiểu
đạo là có cả một đại phước báu trên đời. Nên nhớ, người sắp ra đi tinh thần
nhiều lúc chao đảo, người hộ niệm phải hiểu ý, phải thành tâm niệm Phật và cầu
Phật gia hộ, chọn người thân nào yêu mến nhất kèm sát bên cạnh để an ủi, khích
lệ, khuyên nhủ, nhắc nhở người đi cố gắng niệm Phật, tâm tâm luôn nghĩ về Phật
A-di-đà, và một lòng cầu sanh về Tây-phương với Phật. Phải củng cố niềm tin, ủng
hộ tinh thần cho người ra đi. Ngoài ra tuyệt đối không xen bất cứ chuyện gì
khác.
Tuyệt đối không để người ngoài chen vào hỏi
thăm sức khoẻ hay chúc lành, chúc bình phục gì cả. Nhất định chỉ có niệm Phật,
ngoài việc niệm Phật tuyệt đối không cần đến bất cứ một hành động thương yêu,
một câu nói đưa đẩy, môt ý tưởng cầu an nào cả. Cứ việc vững tâm niệm “A-di-đà
Phật” và thành tâm cầu xin Phật đến tiếp dẫn, thì cái uy đức của danh hiệu Phật
sẽ đánh vẹt tất cả mọi cảnh giới và quang minh của Phật A-di-đà sẽ xuất hiện để
tiếp dẫn liền. Ông Châu-Quảng-Đại mấy năm trước ra đi trong trường hợp này. Một
người chưa hề biết Phật là gì, đến cuối đời nhờ phúc đức, có duyên may gặp
người khuyên niệm Phật. Ông chỉ niệm Phật và được hộ niệm 3 ngày đêm, đức Phật
A-di-đà hiện tiền tiếp dẫn, trước khi buông bỏ xác thân ông còn cảm ơn được mọi
người.
Tại sao Ông ta đi dễ như vậy? Vì lòng tin
đột xuất phát sinh vững mạnh, vì gia đình một lòng tin tưởng nguyện cầu, vì
những người hộ niệm đều thành tâm thiện ý. Con người khi dồn vào đường cùng
thường phát sinh những tâm linh mạnh kinh khủng, tinh thần của ông ta dồn hết
vào niềm tin Phật. Lòng TIN lên cao cực điểm đã đánh vẹt tất cả chướng ngại và
ngay tức khắc cảm ứng tới Phật quang. Nếu như lúc đó ông ta không tin tưởng thì
cho dù hàng ngàn người tới hộ niệm cũng khó thể nào thoát được. Nói đi nói lại,
TÍN-NGUYỆN-HẠNH là pháp môn thành Phật, trong đó lòng TIN là đầu mối của tất cả
vạn sự để đưa về cõi Phật. Thiếu lòng tin đành chịu thua.
Cho nên, hộ niệm có hai yếu tố quan trọng,
một là người lâm chung có Tin Phật hay không? Có quyết tâm niệm Phật đến cùng
để tự cầu giải thoát không? Đây là yếu tố quyết định tích cực, còn những lời
niệm Phật chung quanh là sự phụ giúp cần thiết để giữ chánh niệm cho người đi.
Nếu, chính người ra đi không tin tưởng hoặc tin lấy lệ, thì sự hộ niệm của
những người chung quanh có thể trở nên vô ích! Hầu hết những thư của con từ
trước tới giờ phải chăng xoay qua xoay lại cũng chỉ để củng cố lòng tin. Hễ cha
má TIN vững chắc rồi thì tự nhiên đường giải thoát rõ ràng trước mặt và cha má
biết sẽ làm những gì. Chính con đây, là con của cha má, tuổi cũng chưa cao mà
con đã chuẩn bị rồi. Con ngày đêm niệm Phật, ngày ngày đều nguyện vãng sanh
Tây-phương, con mong cho được cái ngày Phật A-di-đà thọ ký. Ngài thọ ký ngày
nào con mừng ngày đó. Ai sợ chết chứ con không sợ chết, con chỉ sợ chết rồi
mình có được về Tây-phương với Phật hay không mà thôi. Nếu hiểu rõ được Phật
pháp thì cha má sẽ tự tại vô cùng và chắc chắn ngày đêm sẽ không ngừng niệm
Phật để tìm đường về với Phật càng sớm càng tốt vậy.
Trở lại chuyện cụ Triệu-Vinh-Phương, tại sao
người ta phải tiếp tục hộ niệm tám tiếng đồng hồ sau khi bà vãng sanh? Theo lời
pháp của Pháp-Sư Tịnh-Không, Ngài nói khi ra đi có ba diện vãng sanh không trải
qua thời gian cách ấm, nghĩa là vừa dứt hơi thở là người đó đi thẳng đến cảnh
giới đã định, trường hợp này không cần đến sự hộ-niệm. Ba diện này là:
1) Vãng sanh Tây-phương Cực-lạc;
2) Được sanh về các cõi Trời;
3) Bị đọa Địa-ngục.
Còn những đường khác như tái sanh làm người,
lạc vào đường Nga- quỷ, Súc-sanh, đường A-tu-la (Quỷ-Thần) thì con người có thể
trải qua một thời gian cách ấm bốn mươi chín ngày rất căng thẳng. Trước khi rơi
vào khoảng thời gian cách ấm, thân thể con người vẫn còn cảm xúc tới tám giờ
sau khi trút hơi thở cuối cùng. Như vậy rõ ràng một người khi ngưng hơi thở
không phải là hết, mà họ vẫn cảm thọ được sự nóng lạnh, đau đớn, âm thanh, cảnh
sinh hoạt chung quanh có thể tới tám tiếng đồng hồ mới hoàn toàn chấm dứt.
Trong ba giờ đầu họ cảm nhận rất rõ.
Cho nên, người hộ niệm phải hiểu rõ việc
này, nếu mới thấy người vừa tắt hơi nhào vô níu kéo, lay động thân thể, khóc
kể, la hét, gây lộn xộn chung quanh... sẽ ảnh hưởng rất lớn vào thần thức người
ra đi. Xin nhắc lại, giây phút trước và sau khi tắt thở là giai đoạn vô cùng
căng thẳng. Người ra đi đang đối đầu với những trạng huống rất lạ và kinh khủng
nào là oan-gia, trái-chủ, thù-oán nhiều đời nhiều kiếp nhào vô giựt phần đòi
nợ, nào là những cảnh giới vừa thiện vừa ác hiện ra. Là lúc cả một cuộn phim từ
nhiều đời nhiều kiếp đang quay lại làm điên đầu người ra đi. (Trong kinh Phật
giáo Mật-tông nói rất rõ chuyện này). Trong trạng thái đó nếu thân nhân hiểu
Phật pháp một chút, họ có thể xoay trở tình thế, cứu được người thân thoát khỏi
nơi hiểm ác, sanh vào cảnh giới tốt bằng cách một lòng thành tâm niêm Phật phụ
trợ người đi. Xui xẻo cho ai không tu hành, không có người hiểu đạo lo liệu,
vừa mới ngưng hơi thở chưa kịp nghỉ ngơi thì bị liệng vào nhà xác, bị bác sĩ mổ
bung bụng ra khám nghiệm, bị con cháu khóc lóc, kể lể, níu kéo... những hành
động này sẽ làm cho người ra đi đau đớn không chịu nổi, bấn loạn đến cùng cực!
Nhứt là thời khoảng ngay phút lâm chung và sau vài giờ khi tắt hơi, nếu bị tác
động mạnh thì chắc chắn không thể nào được sanh nơi cảnh giới tốt, nếu không
nói là bị đoạ vào tam ác đạo tức thì. Chính vì thế, mà phải để yên thân thể,
nhẹ nhàng đắp mền cho ấm và thanh tịnh tiếp tục niệm Phật suốt càng lâu càng
tốt, tới tám tiếng đồng hồ mới chắc được an toàn là vậy.
Hiểu được chuyện này rồi, bây giờ xin thực
lòng xét lại trong ông bà, thân nhân, bà con của mình từ trước tới giờ đã thực
hiện được chuyện này chưa? Những người còn sống đến ngày hôm nay đã từng làm
điều gì vô ý hại đến người thân của mình không? Trong dòng họ mình liệu có ai
đủ điều kiện vãng sanh nơi tốt đẹp chưa?
Thưa cha má, không nêu ra thì thôi, nhưng đã
nêu ra thì lòng con cảm thấy đau quặn thắt. Chính vì hiểu được chuyện này đã
làm cho con kinh hoàng, giựt mình và ngay lập tức viết thư ngày đêm khuyên cha
má và bà con mình mau mau tỉnh ngộ tu hành, mau mau niệm Phật. Con lo ngày lo
đêm, lo đến nỗi ăn không ngon khi cha má chưa trực nhận thấy vấn đề, chưa hạ
quyết tâm niệm Phật. Ngày nào cha má chưa niệm Phật cầu về Tây-phương, ngày đó
con còn kêu nài, năn nỉ, quỳ lạy cha má, con xin lạy cha má cho đến khi nào cha
má niệm Phật mới thôi. Cha má cứ nghĩ thử, con ăn học tới đây, con đi đây đi đó
tới tuổi này, con lặn lội khắp nơi, con đâu thiếu thốn khổ cực đến nỗi phải bi
quan chán đời, thế mà con khuyên cha má đến nỗi muốn rơi máu mắt vì một tiếng
niệm Phật thôi, chẳng lẽ con khuyên ẩu, khuyên tả sao! Chẳng lẽ con nghĩ bừa
bãi sao! Chẳng lẽ con làm vậy để lấy tiếng sao! Cha má phải thấy rõ ràng rằng
chính con đã thấy được đường đi, con đã hiểu rõ được sự giải thoát, con đã thấy
rõ sự vi diệu của câu “Vạn-Đức-Hồng-Danh” A-di-đà Phật.
Mỗi lá thư con đưa ra một bằng chứng, mỗi lá
thư con kêu đích danh từng người, mỗi lá thư con kể rõ một hiện tuợng vãng sanh
về với Phật. Tất cả sự thật đó đều nhằm mục đích cho cha má thấy, hiểu, và TIN
TƯỞNG để đi. Hễ đi thì chắc chắn được. Hễ chần chờ dụ dự thì chắc bị đọa lạc,
khó tìm con đường nào khác để mơ mộng. Cha má thấy rõ không?
Tóm lại những điều quan trọng của sự hộ
niệm:
HỘ-NIỆM có hai vấn đề: TỰ-HỘ và HỘ-NIÊM.
Tự-hộ là tự chính người lâm chung phải một
lòng TIN TƯỞNG, phải tự niệm Phật, phải thành tâm cầu xin sanh về thế giới
Cực-lạc. Nếu còn khỏe thì niệm Phật ra tiếng theo với người hộ-niệm, nếu yếu
thì ráng cố gắng niệm thầm trong tâm. Ráng tối đa đừng để bị mê. Có như vậy thì
sự hộ-niệm sẽ thành công dễ dàng.
Hộ-niệm: là người thân, người biết niệm Phật
trợ giúp cho người đi giữ chánh niệm. Sự hộ-niệm phải chân thành, thanh tịnh,
tránh mọi sự ồn ào, tối kỵ con cái khóc kể, bi lụy trước mặt người ra đi, cấm
người ngoài tới thăm hỏi. Nên niệm bốn chữ tốt hơn sáu chữ vì dễ niệm, dễ đạt
được mười câu Phật hiệu liên tục trước phút ra đi. (Nhưng cái này cũng tùy
thích của đương sự).
Không được đụng chạm mạnh đến thân thể người
ra đi, nếu cần, ngay cả cái giường của bệnh nhân cũng không được đụng tới. Có
lúc cần giúp đỡ để trở mình thì phải hết sức nhẹ nhàng. Đặt người thân yêu nhất
sát bên cạnh để khi có điều trở ngại thì nhắc nhở niệm Phật cầu về Tây-phương,
(còn không thì cứ niệm Phật). Nên có một hình Phật A-di-đà để trước mặt người
ra đi, và di chuyển sao cho lúc nào cũng thấy được hình Phật. Tuyệt đối không
được có tư tưởng cầu sống lại.
Sau khi tắt thở, phải tiếp tục niệm Phật
suốt tám giờ nữa là tốt nhứt. Sau thời gian này muốn làm gì làm.
Thưa cha má, những điểm này nên nhớ rõ, nếu
trong làng có ai tin tưởng cha má cũng nên giúp họ thực hiện sự hộ niệm. Cứu
được một người về tới Tây-phương Cực-lạc thì công đức lớn lắm. Công ơn của mình
chắc chắn họ không bao giờ quên. Với năng lực một người ở Tây-phương họ trở lại
cứu mình không phải khó khăn đâu. Cứu người tức là cứu chính mình vậy.
Tất cả anh chị em trong nhà, nếu có thương
cha má, khi đọc đến những lời này xin tự biết những gì mình cần phải làm. Làm
để cứu song thân trả tròn đạo hiếu, làm để tự cứu lấy mình trong mai hậu. Cuộc
đời như “mộng huyễn bào ảnh”. Sanh tử, tử sanh là chuyện thường tình, nhưng lại
là sự tối trọng đại cho huệ mạng con người. Huệ-mạng không phải là xác thân này
đâu. Xác thân chỉ là cái đồ vật ta lượm nó trong tứ đại về dùng mấy chục năm
rồi phải liệng. Cho, nên sanh tử không sợ, chỉ sợ tử rồi mình sanh đi đâu. Anh
em mình ở xa quá, chỉ thành tâm khuyên tất cả mọi người sớm hồi đầu tỉnh ngộ.
Cầu nguyện Phật lực gia trì cho cha má sớm thức tỉnh sự đời, ngộ được đạo pháp,
nhứt hướng chuyên niệm A-di-đà Phật để về được với Phật trong một đời này.
Nam-mô A-di-đà Phật,
Con kính thư.
(Viết xong tại Brisbane
10/8/01) (tiếp theo thư trước)