Thường giữ tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng,
giữ tâm chân thành của ta mới là điều quan trọng, mới là điều kiện đầy đủ tất
yếu cho việc cầu sanh Tây-phương Tịnh-độ. Hy vọng tất cả chúng ta luôn luôn ghi
nhớ một điều, là bất cứ thấy cảnh giới gì cũng không nên đem ra khoe cho người
khác biết.(PS Tịnh Không).
Em Ngọc,
Anh Năm đã nhận được thư em, đọc kỹ, thấy em
có tu hành, anh mừng lắm. Đó là em có căn duyên tốt, nhất là em đã hướng dẫn
con em, Ngọc Hiền, đi xuất gia. Hôm trước Thứ cũng có nhắc đến em. Trên đời này
người gặp được Phật pháp cũng là căn duyên nhiều đời nhiều kiếp rồi chứ không
phải dễ. Riêng anh khi gặp được pháp môn niệm Phật, bỗng nhiên anh thấy được
cái lý đạo thậm thâm vi diệu trong tiếng niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”. Anh lập
tức quay đầu lạy Phật, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Đây là pháp môn chắc chắn
anh sẽ giữ cho đến ngày vãng sanh mà thôi, không thay đổi. Chị Năm em cũng thấy
được đường tu hành từ tiếng niệm Phật, nhất là trong gia đình của nàng đã có bà
nội niệm Phật vãng sanh cách đây mấy mươi năm. Bà biết trước ngày ra đi, an
nhiên niệm Phật ra đi lúc 96 tuổi. Bà không xuất gia, thỉnh thoảng đi chùa.
Suốt đời chỉ thờ một bức tượng Phật A-di-đà và niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” suốt
ngày. Khi đó chị Năm còn nhỏ, cả nhà ít ai hiểu gì về Phật pháp, bà nội có
khuyên con cháu niệm Phật nhưng ai ai cũng lo làm kiếm tiền, không thèm để ý
tới những lời của bà cụ già lẩm cẩm! Trước ngày ra đi một bữa, bà cứ ngồi niệm
Phật, suốt đêm đó bà thức trắng đêm để niệm Phật. Sáng ra khoảng 8 giờ, bà kêu
con cháu tới: “mấy đứa đâu rồi, tới đây!”. Con cháu tới chung quanh, bà nhìn
rồi an lành niệm Phật vãng sanh. Con cháu vì không hiểu Phật pháp cho nên cứ
nói đại khái là bà “ở hiền nên chết lành”. Khi Ngọc nghe được pháp của HT Tịnh
Không, trực nhớ lại, mới giựt mình tỉnh ngộ rằng, bà đã niệm Phật mà vãng sanh.
Thật cũng là duyên lành trong đời!...
Đọc thư em, anh thấy có hai chuyện đáng nói.
Một là em nhờ anh khuyên cháu Hiền. Nếu đứng về vai vế gia đình thì anh là cậu,
còn về phần đạo thì cháu đã xuất gia làm sao anh Năm dám khuyên, làm sao anh
dám qua mặt HT Thích Thông Bửu. Hơn nữa, trong Phật giáo, có rất nhiều pháp môn
tu tập, mỗi pháp môn có cách tu khác nhau. Nhiều trường hợp sư phụ không đồng ý
cho đệ tử tu xen tạp. Đây cũng là một điều có lý lẽ, vì khi người tu hành không
chuyên tâm, cứ chạy cà rông, đôi khi cũng không tốt lắm. Ví dụ như ở Tịnh Tông
Học Hội, HT Tịnh Không chỉ chấp nhận người tới đây niệm Phật, Ngài không cho
phép tạp tu hoặc học nhiều pháp môn, vì làm như vậy sẽ loạn lòng người. Khi
lòng đã loạn rồi, tu hành không chuyên, thì công phu tu tập rốt cuộc cũng chẳng
đi tới đâu hết. Cho nên, tốt nhất là em nên viết thư nói với Hiền viết thư cho
anh trước để anh khỏi bị thất lễ với HT Thông Bửu. Chắc chắn khi nhận thư anh
sẽ trả lời.
Điều thứ hai là anh thấy rằng, sao giữa em
với Thứ giống nhau quá. Ai cũng viết thư kể với anh rằng, “Em không biết, đã đi
vào con đường tội lỗi!”. Anh không biết đó là tội gì mà nghe qua có vẻ “lớn” dữ
vậy. Đại Sư Ấn Quang, thường nhắc đến câu trong kinh Hoa Nghiêm rằng, nghiệp
chướng của chúng ta nếu nó có hình tướng thì bầu trời này không còn chỗ để
chứa. Nó tràn ngập, nó nêm chặt với nhau, có thể làm cho không trung trở thành
khối đặc bởi tội lỗi rồi. Tội gì đó của em nó có lớn như vậy không? Nếu nó lớn
như em tả thì cố gắng đem tới đưa cho anh coi thử. Nếu nặng quá mang không nổi
thì lấy máy hình chụp nó rồi gởi hình qua cho anh Năm cũng được. Còn nếu chụp
không được, nghĩa là nó đã tan biến theo hư vọng rồi. Mà đã tan biến theo hư
vọng rồi thì hư vọng cứ để nó trôi theo hư vọng đi, kéo nó lại làm gì! Trong
kinh Kim Cang Phật dạy, “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ
diệc như điển”. Tất cả vạn sự vạn vật trên đời là mộng là huyễn, là bọt bóng là
ảo ảnh, nó trụ ở đời giống như giọt sương, nhanh như điện chớp. Nếu hiểu được
lý lẽ này thì em thấy đâu có gì là xấu với tốt, là thiện với ác, là trắng với
đen. Làm thiện mà chấp vào thiện thì thiện đó trở thành ác, làm ác mà biết là
ác, hồi tâm sửa đổi, thì ác đó sẽ trở thành thiện. Vạn pháp là chỉ cho tất cả
sự vật mà mình có thể nhìn thấy, rờ mó, nghĩ tưởng, là tất cả những cái mà lục
căn lục thức của mình có thể tiếp xúc, hay tưởng tượng ra. Những thứ đó xét cho
cùng thì có gì là thực đâu?
Trong thư em nói, “Em không ngờ anh của em
hôm nay lại hồi đầu hướng Phật, em nhớ ngày xưa anh chống báng vô cùng…”. Em
nhắc làm anh mới nhớ những ngày mình còn mê muội, ngu si. Chính anh cũng quên
mất là anh đã làm cái gì, bây giờ muốn tìm lại tìm cũng không được. Tại sao tìm
không được? Tại vì là mộng mà, phải không? Khi đang mộng thì mình thấy lung
tung, sơn hà, đại địa, chúng sanh, vũ trụ, đủ thứ hết. Trong đó mình mặc sức
tung hoành, mưu toan, tính toán, giành giựt, v.v... khi tỉnh mộng thì các thứ
đó tức khắc tan biến mất. Vì sao? Vì nó là huyễn chứ đâu phải thực! Nếu giấc
mộng lâu lâu một chút thì ví như sương, nếu nó nhanh thì ví như điện chớp, loé
lên chưa kịp thấy thì đã mất hút vào hư không. Lâu như sương, nhanh như điện là
cái “Thọ giã tướng”của con người. Như mộng, huyễn, bào, ảnh là cái “ngã tướng,
nhân tướng, chúng sanh tướng”. Nó có đó rồi nó mất lúc nào không hay. Trực giấc
chiêm bao, mộng vàng tan biến, hư không vẫn hoàn lại hư không, có gì đâu mà lo
lắng!...
Em gái, cuộc đời này nó cũng giống như vậy
thôi. Kể ra thì 60, 70 năm nghe lâu quá, nhưng khi trực giấc nhìn lại thì có
khác gì là mộng huyễn, xuất hiện như sương, rồi tan biến cũng như sương. Khi
viết thư cho cậu mợ Hai, anh thường hỏi cậu mợ rằng, “Bà nội đâu rồi? Ông nội
đâu rồi?” là để cảnh tỉnh cho người con đường tu hành, đừng nên mơ mộng chuyện
nhân nghĩa thị phi của thế gian là thiên trường vĩnh cửu nữa. Chính em, chính
anh, chính con em, tất cả mọi người rồi đây cũng thấy được cái “mộng huyễn”đó.
Tất cả sự vui buồn, hạnh phúc, khổ đau, tội lỗi hay thiện mỹ, đều như giấc mơ,
hão huyền không thực! Suốt cuộc đời lao tâm lao lực, rốt cuộc không hưởng được
gì ngoài cái nghiệp mang theo.
Cho nên, đời là mộng, có gì đâu mà lo lắng!
Nhưng có một điều không phải mộng, đó là nghiệp chướng. Phật dạy, “Vạn pháp
giai không, nhân quả bất không”. Vạn pháp là hữu vi pháp; nhân quả là kết quả
của nghiệp. Vạn pháp là thành trụ hoại không, là sanh trưởng dị diệt, là sanh
lão bệnh tử. Nó xuất hiện rồi biến dịch theo từng phút giây. Còn nhân quả là
năng biến, sở biến. Năng biến là hành động tạo tác, sở biến là kết quả thu
được. Hành động, gọi là “năng biến”, có thể xảy ra trong tích tắt rồi tan biến
vào hư không, nhưng nó không phải là “không”vì nó còn cái hậu quả của nó, gọi
là “sở biến”. Có năng có sở vì có biến, đó là định luật nhân duyên quả báo tơ
hào không sai, cho nên mới gọi là “bất không”.
Anh ví dụ cho dễ hiểu, ông bà, cha mẹ sinh
ra ta, thì ông bà, cha mẹ là năng biến; Ta là kết quả hay sở biến. Dù cho họ đã
qua đời (giai không), nhưng ta còn đây (nhân quả bất không). Gần gũi hơn, ví dụ
trong sinh hoạt hằng ngày, ta đập đầu con cá lóc để nấu canh chua. Ta đập một
cái bộp, âm thanh gãy gọn đó nó tan biến trong hư không, ta muốn nghe lại tiếng
đập cũng không còn nữa. Nồi canh chua ta ăn qua tấc lưỡi là hết, không thể ói
ra để ăn lại. Cái dao, cái nồi, là hữu vi pháp, là giai không, vì trước sau gì
nó cũng sét rỉ hư hại, nhưng hậu quả của sự tham ăn mà giết hại sanh vật nó
không hết. Vì sao? Vì năng biến, vì con cá đã chết, thần thức của nó vẫn mãi
căm thù kẻ đã giết chết nó, nó sẽ bám sát theo mình để chờ cơ hội trả thù. Trả
thù là sở biến. Oan oan tương báo, thù chất thành thù, kiếp này qua kiếp khác.
Em nghĩ thử, tính từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, nghiệp chướng của
mình nó nhiều đến cỡ nào! Nghĩ như vậy mới thấy lời trong kinh Hoa Nghiêm: “Nếu
nghiệp chướng có hình tướng thì không gian này không đủ chỗ chứa” là chính xác!
Trở lại thư của em, em nói, “em đã đi vào
con đường tội lỗi”(?). Cái hành động gì đó là năng biến, hình tướng thì không
còn nữa. Nhưng hậu quả thì vẫn còn, đó là sự ân hận, đau khổ, buồn phiền hay
những cảm giác còn ghi lại trong tâm (sở biến). Con người vì lún quá sâu vào
thói tục thường tình, tạo quá nhiều nghiệp chướng, thành ra họ không bao giờ
thoát khỏi luân hồi sanh tử, tử sanh, để trả cho hết cái nghiệp báo. Cái nghiệp
chướng chồng chéo lên nhau, trùng trùng điệp điệp, nhân quả, quả nhân, khó ngày
kết thúc. Nhưng có ai biết đâu trong cái oan nghiệp tương báo dù là trùng trùng
điệp điệp, nhưng cái nhân chính yếu vẫn chính là “Ta” tạo ra để rồi chính ta
nhận cái quả. Như vậy, cái đầu mối chính là “Ta”. Ta có chịu ngừng tay hay không
mà thôi. Đó là cách giải quyết vấn đề.
Cái điều khó gỡ nhất của con người ngày nay
là vì tâm trí của họ đã nhiễm quá nặng những chất độc tố tham sân si, làm mất
hẳn tính linh căn bản. Cho nên họ không chịu ngừng tay, họ không chấp nhận lỗi
lầm, họ không bao giờ biết sám hối. Họ thà chấp nhận mai này dìm mình trong ba
đường ác đau khổ triền miên hơn là tin điều Phật dạy. Nhìn thấy chúng sanh quá
đau khổ trong nghiệp báo, quý Ngài đại từ đại bi khuyên họ tu hành đến đắng
miệng, cạn hơi, khô cổ, thế mà chúng sanh cũng không để tâm đến. Nếu chúng sanh
hồi đầu tỉnh ngộ, thì cơ hội giải thoát hiện ra ngay trong đời này chứ không
đâu xa cả. Chắc chắn như vậy. Vì sao? Vì vạn pháp giai không! Sự việc này nó tế
vi đến chỗ sự “Năng biến”cũng có thể trở thành hư không luôn. Vì sao? Vì “Năng
biến”cũng là hư vọng mà! Cái năng biến phải có cái duyên nó mới thành tựu cái
sở biến. Nghĩa là cái nhân cần phải có cái duyên mới thành cái quả được. Chính
nhờ thế nên người làm lỗi lầm mới có cơ hội để cho họ sám hối chứ. Phải không
em?
Thế thì, những khởi tâm động niệm từ trước
tới giờ đều phát xuất từ cái hư vọng mà thành, nó là sản phẩm của vọng tâm. Tất
cả đều là mộng huyễn bào ảnh mà thôi. Khi hiểu rõ lý đạo, ta trở về với Chân
Tâm, thì cái gì thuộc về vọng tâm cứ để vọng tâm gánh vác đi, còn Chân Tâm của
ta là Phật, ta cứ thẳng một đường về với Phật. “Hồi đầu thị ngạn” chính là chỗ
này đây. Trong kinh Phật, có kể một câu chuyện rằng, có một ông vua tên là A Xà
Thế, suốt đời làm ác như giết vua cha, hại mẹ, giết A la hán, phá hòa hợp tăng,
làm thân Phật ra máu. Tội ác lớn như vậy chỉ còn bị đọa địa ngục Vô-Gián. Nhưng
khi biết lỗi, Ngài thành tâm sám hối, chí thành niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ,
Ngài vãng sanh về Cực-lạc tới Thượng phẩm trung sanh, thành thất địa Bồ-tát.
Kinh Phật nói rõ ràng, đã chứng minh Phật pháp vi diệu. Như vậy so ra cái lỗi
gì của em đó nó có đáng gì đâu mà than với thở!
Em Ngọc, cuộc đời này ai mà không lỗi lầm,
ai mà tránh được gây nghiệp, đó chỉ là chuyện thường tình thế gian. Cái điều
quý báu là làm lỗi mà biết được lỗi lầm. Khi biết được lỗi lầm là khởi phát một
sự hồi đầu đáng kể. Khi ta hiểu pháp xuất thế gian thì những chuyện “thường
tình” đó là nhân duyên khá lành cho ta đó. Nhờ cái gương này mà ta biết được
trong vô lượng kiếp trước ta đã lỡ gây nhiều nghiệp ác, chính nghiệp chướng này
lôi ta vào vòng sinh tử luân hồi triền miên không thoát được. Hiểu vậy rồi thì
phải lo tu hành đi. Tu là sửa, hành là hành vi sai trái. Tìm cái sai trái lớn
nhứt tu sửa trước. Đó gọi là đại tu vậy. Chứ còn nói lầm lỗi mà không chịu sửa
thì nói ra có ích gì đâu?
Tu hành là con đường chuyển nghiệp. Chuyển
nghiệp có nhiều cách, trong Phật pháp có tới 84 ngàn pháp môn vi diệu, nghĩa là
cũng có tới 84 ngàn cách khác nhau để chuyển nghiệp, tùy theo căn cơ của chúng
sanh thích hợp cách nào thì theo cách đó. Tuy nhiên, cũng nên hiểu thêm một vấn
đề quan trọng, là tuy rằng pháp môn đều vi diệu, nhưng không phải ôm đồm tu cho
đủ hết 84 ngàn pháp đâu. Đức Thích-ca Mâu-ni thị hiện xuống trần thuyết kinh
giảng đạo 49 năm, Ngài không có một định pháp để nói, chỉ tùy cơ ứng pháp, tùy
bệnh cho thuốc mà thôi. Cho nên mỗi một pháp môn là một phương tiện độ chúng
sanh tương ứng theo căn cơ. Vì sơ ý điểm này cho nên nhiều người cứ thấy pháp
Phật thì nhào vào tu, không coi kỹ pháp đó cứu cánh là gì. Nếu sơ ý, chọn pháp
môn không hợp cơ, hợp lý, hợp thời, vô tình tu hành rất khổ cực mà kết quả thì
không đạt được như ý. Tu học Phật mục đích tối hậu là liễu thoát sinh tử, chứng
đạo Vô Thượng, nhưng tu không có đường nhất định, đi không có hướng rõ rệt, thì
khó mà đến đích, thậm chí có khi bị lạc đường một cách oan uổng nữa là khác. Vì
sao vậy? Vì không có hướng đi nhất định thì mông lung, dễ lầm lạc, bị oan gia
phá hoại, bị nghiệp chướng cản trở, bị tử ma cắt đứt, v.v...
Em Ngọc, học Phật ta phải tin vào nhân quả.
Trong phần tu phúc đại thừa có mục “Thâm Tín Nhân Qua”. Tất cả mọi sự kiện trên
đời không có cái gì thoát ra ngoài nhân quả hết. Đời này mình giàu có hay nghèo
khổ, đẹp gái hay tàn tật, thông minh hay ngu tối, v.v... tất cả đều do từ cái
“Nhân” chính mình đã gây ra trong tiền-tiền kiếp kết tập thành cái “Quả”đời
này. Nếu người không hiểu Phật pháp, họ mê muội đắm nhiễm vào trong đó, hoặc
vui mừng để tạo thêm nghiệp, hoặc đau khổ cũng để tạo nghiệp thêm. Nếu hiểu
Phật pháp thì chính những cái thua sút, nghèo khổ, cái kém khuyết hôm nay nó sẽ
là cái gương quý báu cho mình soi, là lời pháp tuyệt diệu giúp ta tu hành, là
cái duyên rất tốt để trở về với Phật. Hiểu được như vậy thì chính em sẽ thấy an
lạc vô cùng, hạnh phúc vô biên, chưa chắc ai sánh bì với mình được!
Bây giờ nói cụ thể một chút, tu làm sao đây?
Như việc em khuyến khích đứa con xuất gia tu hành là điều đáng quý. Đó cũng là
duyên lành của cháu. Trong việc cúng dường Phật có “Y pháp tu hành cúng dường”,
đã xuất gia rồi hãy khuyên Ngọc Hiền cố gắng giữ gìn giới luật, thúc liễm thân
tâm để mong ngày đắc đạo, vì đắc đạo mới trả được nợ nghiệp chướng. Cũng nên
nhớ, đừng nghĩ rằng xuất gia là đã có công đức nghen!
Đắc đạo là sao? Là trong đời này phải tu cho
đến thoát ra khỏi tam giới, thoát được sinh tử luân hồi, chứng vào pháp giới
của Phật. Nếu không thoát khỏi sáu đường luân hồi, thì chắc chắn còn phải đối
đầu với oan gia trái chủ, phải trả nợ những nghiệp chướng mình gây ra. Thế
nhưng muốn thoát ra khỏi tam giới đâu phải dễ! Ví dụ như muốn đắc được cái sơ
quả Tu Đà Hoàn, là cái quả nhập lưu đầu tiên để được vào hàng Thánh thôi, thì
ta phải phá hết 88 phẩm kiến hoặc phiền não. Chỉ mới là phẩm nhỏ nhứt để nhập
lưu mà một người bình thường như chúng ta phải tinh tấn tu hành cũng mất cả đại
A tăng kỳ kiếp chưa chắc đã đạt tới (1 A Tăng Kỳ cả hàng tỷ tỷ năm), thì làm
sao mơ tới ngày thành Phật!
Cho nên nếu tu theo những pháp môn tự lực,
tự ta phải cố gắng chứng từng cấp, thì thời gian trải qua vô lượng kiếp chưa
chắc đã đạt được. Vì tiến một bước, lùi hai bước, tiến tiến, thối thối, thời
gian thành ra dài. Muốn thành tựu chắc chắn hơn, anh nghĩ nên tu theo pháp môn
niệm Phật, vì nhờ sức gia trì của Phật A-di-đà, với 48 đại nguyện của Ngài, và
lực hộ niệm của chư Phật trong mười phương mà được vãng sanh dễ dàng. Cho nên
nhìn qua nhìn lại, ngoài cách niệm Phật cầu vãng sanh Cực-lạc, không còn có con
đường nào khả dĩ dễ thành tựu hơn, nhất là thời mạt pháp bây giờ.
Em nên nhớ, trong 84 ngàn pháp môn, thì Niệm
Phật là pháp môn nhị lực, được đức A-di-đà cùng chư Phật mười phương đồng thanh
gia trì, còn tất cả đều là sự tự lực tu lấy. Đây là pháp ôn tối thượng trong
tối thượng, viên mãn trong viên mãn. Một pháp môn duy nhất độ khắp các căn cơ,
từ Đẳng Giác Bồ-tát cho đến điạ ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều bình đẳng thành
Phật trong một đời tu hành. Sự tối ư vi diệu này chính là vì có oai thần của
Phật A-di-đà và chư Phật hộ niệm. Cái uy lực này không thể nghĩ bàn được đâu,
là điều vượt khỏi sự tưởng tượng của chúng ta. Thật là một pháp môn khó tin nhưng
có thực. Đức Phật nói, pháp môn này cho dù hàng Đại Bồ-tát cũng không hiểu nổi,
các Ngài cũng dùng đức TIN để vào, chỉ có Phật với Phật mới hiểu được mà thôi.
Chư vị Đại-đức Tổ-sư nói niệm Phật là pháp môn “vạn người tu vạn người đắc”.
Nếu không vi diệu như vậy các Ngài làm sao dám nói lời này?
Chính anh khi phát giác ra việc này mà giựt
mình tỉnh ngộ. Rất nhiều người tu rất tinh tấn, thâm niên mà không được vãng
sanh vì không niệm Phật, trong khi rất nhiều người chỉ ở nhà niệm Phật mà họ
biết trước ngày giờ vãng sanh, ra đi thật tự tại. Từ đó anh xin quyết một lòng
niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-độ mà thôi. Nhất định không lay chuyển. HT Tuyên
Hoá nói, “Ta chẳng cần tìm những pháp môn phương tiện ở đâu xa xôi, mà nên tu
trì pháp môn niệm Phật này. Niệm Phật là con đường tắt trong những con đường
tắt, phương tiện trong những phương tiện, một pháp môn viên đốn nhứt, đơn giản
nhứt, dễ dàng nhứt. Cho nên không cần tìm kiếm một pháp môn hay phương tiện nào
khác. Pháp môn niệm Phật là phương pháp hay nhứt”. HT Tuyên Hoá là thượng thủ
truyền thừa pháp môn Thiền “Quy Ngưỡng”, nhưng Ngài đã lấy Niệm Phật làm chính.
Ngài viên tịch 1995 tại Hoa thịnh đốn, lưu lại cả ngàn viên xá lợi....
Nói tóm lại, niệm Phật thành Phật, không
niệm Phật không thể thành Phật. Đời mạt pháp này phải nương theo lực gia trì
của Phật mới mong thoát vòng sanh tử luân hồi, thoát qua tam giới, vãng sanh về
Tây-phương Cực-lạc một đời thành tựu bậc bất thối chuyển để thành đạo quả
Bồ-đề... Thôi thư đã dài, anh ngừng.
Thương em,
(Viết xong, Úc Châu ngày 17/5/2001).