Trong thời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít
có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi. (Lời
Phật dạy - Kinh Đại Tập).
Em Thứ,
Đúng như theo thư hôm trước anh hứa, là sẽ
giải thích thêm cho em ba món tư lương quan trọng trong việc niệm Phật, đó là
TÍN-NGUYỆN-HẠNH. Anh đã nói qua Nguyện và Hạnh rồi hôm nay anh nói về chữ TÍN
một chút cho em nắm căn bản của pháp tu, để cho em yên tâm, rồi sau đó dần dần
anh bổ túc thêm. Nên nhớ đừng nôn nóng, đừng vội vã, cứ tự nhiên bình thản
trong tất cả mọi trường hợp cho tâm thanh tịnh. Em nói anh Năm viết thư hay thì
coi phải vui vẻ làm theo, chứ nói hay mà coi thì khóc là sao? Đừng để tâm từ bi
phát triển nhiều quá không tốt. Mấy câu hỏi của em hay lắm, anh sẽ giải thích
liền ở cuối thư. Những thư này khơi cho em vài căn bản trước, sau khi căn bản
có rồi anh tìm cách gởi video, cassette thuyêt pháp về cho em. Anh ở đây rất
nhiều băng pháp Phật, nếu có duyên chắc chắn em sẽ có. Nên nhớ băng giảng thì
phải có tên, chứ em nói cuộn số 2, thì anh biết cuộn nào, thuộc bộ nào?
TÍN: Chữ TÍN khó lắm đó, không dễ dàng đâu,
sau này rồi em sẽ thấy, đem chuyện niệm Phật thành Phật nói với người đời, 100
người chưa chắc tìm được một người tin đâu. Vì sao? Vì con người đời nay ít làm
thiện tích phước, lại ưa thích làm việc ác, tạo ra nhiều nghiệp chướng. Chính
cái nghiệp chướng này đã làm trở ngại con đường giải thoát của họ. Người thiếu
thiện căn và phúc đức thì khó đột phá được cái màng vô minh dày đặc đang che
phủ, cho nên họ khó phát khởi lòng tin vào Phật pháp. Trong kinh A-di-đà, Phật
dạy “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phúc đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Người có
ít thiện căn, phúc đức và nhân duyên thì không thể nào sanh về Tây-phương
Cực-lạc Thế Giới được. Nghĩa là, con người mãi mãi trầm luân trong biển khổ,
đời này qua đời khác, kiếp này qua kiếp nọ thì rất dễ dàng, còn vãng sanh về
Tây-phương nước Phật đâu phải là chuyện dễ! Ấy thế, mà anh Năm vẫn cứ nói, nếu
ai niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì được về. Nghe nói quá dễ dàng, làm sao tin
tưởng được? Chính vì không thể tin được vào chuyện này, cho nên không ai chịu
đi. Không chịu đi thì bao giờ tới được? Cho nên, đầu mối của sự tu hành là niềm
tin. Tất cả đều ở chữ TÍN. Nhờ lòng tin mới trưởng dưỡng thiện căn. Có thiện
căn mới tạo ra phúc đức. Nhờ phúc đức lớn mới gặp được nhân duyên tu học Phật
pháp, mới có được cơ hội giải thoát trong đời. Cho nên chữ TÍN quan trọng hàng
đầu.
Làm sao biết mình có đủ phúc đức, thiện căn,
nhân duyên? Chư Cổ đức dạy rằng, người nào tin tưởng vững chắc pháp môn niệm
Phật thì biết người đó đã có đầy đủ thiện căn, phúc đức và nhân duyên. Vì sao?
Vì chỉ có người đã từng làm thiện lành, phước đức trong nhiều đời nhiều kiếp,
nhờ cái gốc làm lành làm phước lớn đó mà đời này họ mới có duyên gặp Phật pháp
và phát lòng tin tưởng. Còn những người mà nhiều đời nhiều kiếp quá khứ không
tu hành, không tu phúc, thì may mắn đời này được thân người, dù có duyên gặp
được câu Phật hiệu, nhưng họ cũng không tin theo. Như vậy, tin Phật hay không
đều do căn lành và phúc đức của họ xui khiến họ quyết định, chứ không phải do
sự thuyết phục của mình. Em nói, em có thường khuyên người ta niệm Phật, thì sẽ
có người nghe theo niệm Phật liền, không cần hỏi tại sao; nhưng chắc chắn, cũng
có rất nhiều người chống đối, hoặc chê cười và lánh xa. Đây là chuyện rất bình
thường, rất dễ hiểu, đừng bao giờ để tâm phiền muộn. Tất cả hãy để tùy duyên,
mỗi người có một nghiệp riêng, họ phải trả cho trọn cái nghiệp báo của họ. Nói
rõ hơn, nếu thiện căn chưa bồi, phước đức chưa đủ, thì họ chưa dễ được phần
giải thoát trong đời này. Muốn cứu giúp họ ta chỉ còn cách niệm cho họ nghe một
vài câu Phật hiệu, khuyên một vài câu tu hành, để cấy cái chủng tử Phật vào tâm
họ. Thế thôi. Những người thân trong gia đình mà khuyên họ không được, thì
chính ta cứ giữ vững tâm hạnh, chuyên chí niệm Phật, nhất hướng đi thẳng một
đường cầu vãng sanh về Tây-phương với Phật. Nhờ cái công đức tu hành của mình
mà dần dần cảm hóa được họ. Đây là một cách cứu độ vậy.
Anh kể sơ cái duyên niệm Phật của anh cho em
nghe làm ví dụ. Em biết rằng, anh Năm theo cha tụng kinh đạo Cao Đài đến thuộc
lòng. Qua Úc anh cũng vào mấy thất Cao Đài tụng kinh hàng tuần. Chùa Phật nào
anh cũng tới lạy Phật. Nhưng quy y thì không chịu. Thành thật mà nói, chính anh
lúc ấy cũng chưa biết tụng kinh như vậy là để làm chi? Nghe quý thầy giảng Pháp
giống như nước đổ lá môn! Nhiều khi cũng muốn tìm chỗ tu hành niệm Phật, nhưng
tìm không ra! Tâm anh thật sự chơi vơi, không có niềm tin. Có một đêm, phái
đoàn của chùa người VN, nơi chị Năm thường trực ở đó trong Ban Trị Sự, gọi anh
tháp tùng đến thăm một đạo tràng niệm Phật của một vị Hoà Thượng người Hoa,
Ngài Tịnh Không, nơi thầy Thích Ngộ Thông (VN) xuất gia. Đêm đó, đầu tiên thì
Ngài Tịnh Không cũng giảng bài Pháp ngắn, có người dịch lại chữ được chữ mất,
cũng không có gì đặc biệt, (vì làm sao đặc biệt với vài mươi phút vừa giảng vừa
dịch!). Đến giờ giải lao, anh đi dạo ra phía trước chánh điện, khi bước chân
vào Niệm Phật Đường, vừa thoáng nghe âm thanh “A-di-đà Phật”, ngay tức khắc anh
tỉnh ngộ liền, ngay tức khắc anh thấy con đường mình muốn đi. Anh thấy ngay cái
gì muốn tìm đã tìm ra rồi! Anh quay trở vào thư viện xin ghi tên quy y trước sự
ngỡ ngàng của hàng mấy chục người VN trong phái đoàn anh đã tháp tùng theo. Chị
Năm em thấy anh quyết định quá nhanh, chị cũng vội vã làm theo. Có nhiều người
chận lại hỏi, “sao Phật tử chùa VN này lại quy y chùa khác?”. Anh chỉ mỉm cười,
không trả lời. Anh đã quy y Tam Bảo, và người chứng minh là một sư phụ xa lạ,
bất đồng ngôn ngữ.
Tại sao vậy? Anh không biết! Anh chỉ biết
rằng, vừa nghe tiếng niêm câu Phật hiệu “A-di-đà Phật” thì tự nhiên anh tỉnh
ngộ đường đi. Không ai xúi dục, không ai khuyên bảo, chính anh tự thấy. Thực ra
trước đó anh có nghe qua cuộn băng thuyết giảng của HT Huyền Vi về pháp môn
niệm Phật, nhưng Ngài Huyền Vi ở tận bên Pháp, cách một nửa quả địa cầu, nên
không gặp được. Sau này, có người đoán rằng, trong nhiều đời kiếp trước anh Năm
chắc đã từng niệm Phật, đã có thiện căn phúc đức sẵn, chỉ chờ nhân duyên đến
thì tin theo. Niềm TÍN tâm phát khởi, không cần sự khuyến khích hay hướng dẫn
gì cả.
Như vậy niềm tín tâm thường khi đã có sẵn
trong tiềm thức, trong thiện căn, chỉ gặp được cơ hội thì nó tự phát lộ ra,
không phải học hỏi hay tìm hiểu. Có nhiều người cho rằng muốn học Phật thì phải
có những lời hay ý đẹp, những điều ứng với khoa học, hợp với luận lý, phải có
triết lý cao siêu... thì mới tin được. Bây giờ, thì anh mới hiểu ra, đó chỉ là
cái kiến thức thế gian, chính nó thường làm chướng ngại rất nhiều con đường tu
tập của chúng ta mà không hay. Chân lý của Phật đang nằm ngay tại trong tâm của
người chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Ở ngay nơi người có
lòng thành TIN Phật, có cái gốc thiện lành, có phúc báu biết niệm Phật cầu vãng
sanh về thế giới Tây-phương với Phật, chứ không phải ở từ những hình tướng hoa
mỹ bên ngoài.
Lời dạy của Phật trong tất cả kinh điển, đều
quy hướng về Tây-phương Cực-lạc, vì con người trong thời mạt pháp này nghiệp
chướng sâu nặng, không đủ thiện căn phước đức, cho nên không đủ cơ duyên để tin
Phật mà hành theo pháp Phật để được liễu sanh thoát tử. Nhu cầu giải thoát tâm
linh của chúng sanh rất cao, nhưng vì không biết hướng đi chân chính, cho nên
sinh ra những cách tu hành cầu lợi, như cầu phước báu, tài lộc, cầu mua mau bán
đắc, v.v... mà quên lo cho huệ mạng của mình. Nhiều người hiếu kỳ, thích thần
thông, tham chứng đắc, cứ chạy theo những hiện tượng lạ, dễ trở thành miếng mồi
ngon cho những pháp thuật phù phiếm, vô tình đem cả huệ mạng của mình giao trọn
cho họ kiềm chế. Chúng ta là người học Phật, hãy theo chánh pháp của Phật, niệm
Phật để vãng sanh về với Phật là điều tốt nhứt. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật
nói, khi về được Tây-phương Cực-lạc thì ta có đầy đủ: không còn bị đọa ba đường
ác; có đủ túc mạng thông (biết vô lượng kiếp), thiên nhãn thông, thiên nhĩ
thông, tha tâm thông (biết được người khác nghĩ gì), thần túc thông (phép phân
thân), quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng, thành kim cang bất hoại thân,
thành Bồ-tát bất thối chuyển, v.v... Ở đó ta có đầy đủ tất cả, thì cần gì phải
lo chạy tìm những chứng đắc giả tạm ở cõi này!
Em ạ, thật ra nếu ta tu ngay cái gốc Phật
thì ai cũng thành Phật trong một đời, chứ không cần phải trải qua nhiều đời
nhiều kiếp như mình cứ tưởng, vì vãng sanh về Tây-phương thì thọ mạng vô lượng,
nghĩa là không còn chết sống nữa, thì lâu mau gì cũng là một đời để thành Phật.
Ví dụ như anh đây, nếu đúng như lời của quý thầy nói là trong tiền kiếp anh có
niệm Phật. Nếu như lúc đó anh chỉ cần TIN tưởng vững chắc, một lòng niệm Phật,
quyết chí cầu sanh Tịnh-độ, thì anh không còn ở đây nữa đâu. Anh đã vãng sanh
lâu rồi, đã ở cảnh giới Tây-phương, thần thông tự tại, đi khắp mười phương,
hưởng trọn Cực-lạc, nhiều khi còn xuống trần này thị hiện độ chúng sanh nữa là
khác. Phật dạy: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”, niềm tin là mẹ khởi nguyên
sinh ra tất cả công đức. Có niềm tin thì mới có nghị lực tu hành, mới sanh ra
công đức; thiếu niềm tin, thiếu nghị lực, không tu hành tốt, thì công đức từ
đâu mà có? Cho nên, anh đến nay vẫn còn lang thang trong luân hồi sáu nẻo có lẽ
là thuộc diện này, là kiếp trước có tu, có niệm, nhưng lòng TIN không vững cho
nên chí nguyện không mạnh, sức niệm không bền. Niệm Phật thì “niệm thử!”,
nguyện thì không tha thiết, khi sắp lâm chung thì nghiệp báo tới, oan gia phá,
con cháu khóc than, luyến tiếc cái nhà, v.v... tâm trạng rối bời đó làm sao
được vãng sanh Cực-lạc thế giới? Chính vì một chút sơ sót đó thôi mà phải chịu
cả một quá trình chết đi sống lại, sình lên sụp xuống, đọa lạc triền miên trong
vô lượng kiếp cho tới đời này. Bây giờ, nếu đời này mà anh còn thụt thụt thò
thò nữa, thì lập lại cái trò cũ. Nay đã rơi vào thời mạt pháp rồi, tương lai
còn đâu có cơ may thoát nạn nữa đây?!
Khi trực thấy được sự thật đó, anh quyết
định cương quyết một lòng cầu nguyện vãng sanh Tịnh-độ, nhất định không thèm
lưu luyến cõi này nữa. Chị Năm em cũng xin thề nhất định một đường đi thẳng về
Tây-phương. Hẹn nhau cùng gặp ở Tây-phương Cực-lạc, không hẹn hò gặp lại ở kiếp
tái lai tái khứ gì cả. Lòng tin này kiên định không lay chuyển! Nhất là khi anh
thấy rõ ràng có người vãng sanh, họ đi về Tây-phương với Phật thực sự, họ đi dễ
dàng, hiện tượng vãng sanh đúng như trong kinh Phật nói. Đây là sự chứng minh
hùng hồn, thì ta còn ngồi đây chờ đợi cái gì, đòi hỏi gì nữa, phải không em?
Tin Phật tuyệt đối đừng nghi. Có người lý
luận rằng, “nghi nhiều hiểu nhiều, nghi ít hiểu ít”, cho nên họ chủ trương cái
gì cũng phải nghi ngờ để tìm hiểu cho rõ chân tướng. Điều này không sai, nhưng
đúng với kẻ vô minh chứ không hợp với người giác ngộ, đúng với việc thế gian
phàm tục, chứ không đúng với việc tâm linh giải thoát. Vì sao vậy? Vì một là:
còn mê muội mới nghi ngờ lời Phật chứ đã giác ngộ rồi làm gì có chuyện không
tin. Hai là: cơ giải thoát liên quan đến thiện căn phúc đức, lý đạo thuộc về
chân tánh tự tâm, chứ đâu phải kiến thức của thế gian. Trong nhà Phật cũng
thường nói câu: “đa nghi đa ngộ”, không phải là khuyên những người con Phật
phải nghi ngờ pháp Phật, mà đây là cách kết duyên để tìm phương cứu độ những ai
còn thiếu thiện căn phúc đức. Muốn độ họ mà họ không chịu tin, thành ra cần
khuyến dụ cho họ hỏi, để họ giãi bày những mối nghi ngờ trong lòng ra, hầu có
dịp được giải thích, chỉ điểm, giải tỏa vấn nạn, may ra cứu giúp được họ, thế
thôi. Phật thị hiện ở thế gian, để lại một rừng kinh pháp, tất cả đều là phương
tiện cứu độ chúng sanh phá mê khai ngộ, thoát vòng sanh tử, chứ làm gì có
chuyện khiến chúng sanh mất niềm tin, tăng trưởng lòng nghi?
Niềm tin là khởi sự con đường giải thoát.
Trí thức thông minh hay u tối ngu độn, giàu sang phước báu hay nghèo đói bần
cùng, thế lực uy quyền hay cùng đinh nô lệ, v.v... đều có thể trở thành chướng
ngại cho niềm tin. Người bần cùng, nghèo đói, thì cuộc sống quá khổ, kiếm ăn
từng ngày còn đâu tinh thần để tu hành, vì thiếu phước nên lòng tin cũng khó
khởi phát! Ngược lại, người thông minh, phước báu, quyền uy, giàu có, thì lo
hưởng thụ. Phương tiện càng có sẵn trong tay thì càng tạo nhiều nghiệp chướng.
Ngày ngày tạo nghiệp, thì nghiệp chướng của họ ắt phải lớn hơn người hạ ngu.
Đời này hưởng phước đời sau thọ nạn. Hưởng nhiều thì nghiệp nhiều, nghiệp nhiều
thì nạn nhiều! Thấy vậy mới đáng thương cho người hưởng phước mà vô minh! Hiểu
được “nhân quả báo ứng tơ hào không sai, thì chúng ta nên biết an vui niệm
Phật, lo chuyên tu hành, làm lành lánh dữ, giàu cũng tu, nghèo cũng tu, sướng
khổ tùy duyên, đừng nên vọng cầu những thứ hão huyền nhân thế mà phải chịu khổ
nạn.
Trên đường đời, chúng ta thường gặp những người họ đòi hỏi phải chứng minh họ
thấy những lời Phật nói là đúng với “khoa học” thì họ mới tin. Thật đáng thương
cho họ! Phật dạy, “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, những pháp của thế gian
mới thấy đó đã liền mất đó, nó hư huyễn vô thường như bọt nước dưới cơn mưa chứ
có gì đâu mà tin tưởng. Ngày nay tìm đâu ra những nền văn minh vĩ đại của nhân
loại ở vài ngàn năm về trước, thì vài ngàn năm nữa ai dám tin rằng cái gọi là
“văn minh khoa học” ngày nay sẽ tránh khỏi bị chôn vùi trong lòng đất nóng? Vậy
thì, chết sống là chuyện của mình, khổ sướng là chuyện của mình, lợi ích của
mình, giải thoát cho mình, chứ cho ai đâu mà đòi hỏi. Cứ chạy tìm lý lẽ để biện
minh thì có nước chờ ngày rơi vào đường hiểm nạn, chẳng lẽ phải quyết tâm chịu
khổ đau trước, khóc than ngàn đời ngàn kiếp rồi mới biết tin hay sao?
Cho nên tu hành phải “Chân Thành”, phải
“Thanh Tịnh”, phải chí tâm tin kính chư Phật mới đắc được thiện lợi. Một người
hiền lành, chơn thực TIN Phật, chỉ cần nguyện một lòng nghe lời Phật dạy, khỏi
cần biện giải, họ bất cần sự khen chê của thế đời, chí tâm niệm Phật, chẳng mấy
chốc họ trở thành vị Bồ-tát vĩ đại ở cõi Tây-phương. Trong khi đó, những người
gọi là “tài cao trí thượng”còn ngồi nhậu nhẹt, tán gẫu, tưởng là hay lắm, chứ
có ngờ đâu họ đang chờ ngày để xuống cõi âm ty. Ai khôn ai dại đây?!!!
Người niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn
thì được tự tại, tự tại sống, tự tại vãng sanh. Khi muốn đi, ta liệng cái xác
thịt lại rồi vẫy tay chào rồi nương theo quang minh của Phật để về cõi Cực-lạc
An Dưỡng, thần thông biến hóa bao trùm vũ trụ, thảnh thơi tu hành chờ ngày
thành Phật. Còn người không biết đạo thì sợ chết đến tâm thần khủng bố, nghe
tiếng “chết” thì đêm đêm đã bị ác mộng hành hạ đến nỗi ăn ngủ không an! Thật
tội nghiệp cho chúng sanh, một sự thật không thể tránh mà cứ tìm cách tránh,
thành ra phải sống trong sự sợ hãi triền miên, tâm hồn muốn điên loạn! Trong
khi một sự thật có thể thoát ly sanh tử, tự tại an nhiên, lại không chịu thoát.
Nghĩ vậy mà làm sao không thương!
Chết là một sự vọng tưởng! Con người cứ cho
“Ta” là cái thân này, cho nên mới thấy có chết, chứ còn người ngộ đạo rồi thì
đâu còn chết nữa! Chữ “chết” trở thành một ý nghĩa trừu tượng, một là để khủng
bố hay hù dọa người phàm tục, hai là chỉ cho cái xác thịt đã mãn hạn, không còn
được sử dụng nữa! Thế thôi! Phải thấy rằng, con người thật sự của chúng ta
không phải là cái xác thịt, mà cái thân xác này chỉ là một cái vật của ta sử
dụng mà thôi. Linh hồn còn xác thịt cử động, linh hồn đi xác thịt thối rữa.
Nghĩa là, sau khi cái thân này chết, ta vẫn còn sống. Đây là sự thật. Nhưng khổ
nỗi, là ta không biết sẽ sống ở đâu, khổ hay sướng, buồn hay vui, thế thôi.
Những người đã đắc đạo họ có thể tự chọn thời gian để đi và nơi chốn cho tương
lai. Còn duyên thì ở lại để cứu độ chúng sanh, hết duyên thì không thèm lưu
lại, thông báo buổi sáng, buổi chiều họ thăng. Thật sự, không thể dùng cái tri
thức bình thường hiểu tới cảnh giới của họ được!...
Trở lại vấn đề TIN, có hai vấn đề Chánh Tín
và Tà Tín. Đề tài này lớn lắm, anh nói gọn với em cho dễ hiểu là, lời nói của
đức Phật là chân ngữ, thât ngữ, chánh ngữ, như ngữ, không bao giờ vọng ngữ. Cho
nên, cứ Phật nói sao mình tin vậy thì chắc chắn là “Chánh”, còn đi tin những gì
Phật không nói, các thứ khác nói, thì coi chừng bị “Tà”. Hiện nay trên thế giới
đã có quá nhiều tà thuyết đang lộng hành trong nhơn gian, rất khó phân biệt.
Người nào trung thành tin lời Phật dạy, là người đã thuần thục thiện căn nhiều
đời nhiều kiếp rồi, sẽ rất dễ thành đạo quả. Chính vì có lòng tin sắt son, mà
nhiều bà cụ không biết một chữ, không hiểu một câu, không rành giáo lý, họ chỉ
một lòng niệm Phật cầu về Tây-phương, họ đã vãng sanh về với Phật dễ dàng trước
bao nhiêu sự ngạc nhiên, lỡ làng của hạng người trí thức, học cao, hiểu rộng.
Đó gọi là Chánh Tín. Chánh tín là lấy tâm chí thành để tin. Hỏi họ cái gì họ
cũng không biết. Hỏi khôn hay ngu? Không biết. Đúng hay sai? Không biết. Cái gì
họ cũng chẳng cần biết, chỉ biết Phật dạy vậy họ đi vậy. Chân thành tin tưởng
làm theo lời Phật, tất cả mọi thứ bỏ hết, vô tình tâm của họ tương ứng trọn vẹn
với Phật. Ngài Tịnh Không nói, đây là những người đã tích lũy thiện căn phước
đức lớn vô cùng vô tận rồi, ta không thể sánh bì với họ được. Ở họ tự nhiên đã
phát được cái Tâm Vô-Thượng Bồ-đề, tương ưng với Phật. Phật dạy, hãy xa lánh
phiền não, đừng dính mắc đến thế tục thường tình, cứ một lòng niệm Phật thì về
với Phật. Vãng sanh Tây-phương để thành Phật đâu cần bằng cấp, tiền bạc, thị
phi, kiến thức, khoa học thế gian!
Khi mình niệm Phật một cách chơn thành thì
tâm sẽ thanh tịnh, tự nhiên trí huệ khai mở, lúc đó tự nhiên mình hiểu lý đạo.
Cái lý đạo này tự tâm mình phát ra chứ không phải từ mấy quyển sách bán đầy chợ
đưa vào. Phật dạy, “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, nghĩa là ai ai
cũng có Phật tánh cả. Phật tánh là “Tánh Giác Ngộ” tuyệt đối. Kiến thức thế
gian không thể nào so sánh được với Phật tánh. Ngược lại, người cứ chạy ra bên
ngoài thì càng bị vô minh che lấp cái Phật tánh. Càng chạy theo kiến thức thế
gian càng xa lìa chơn ngã. Càng chạy theo thói đời thì càng bị hoàn cảnh chi
phối, nó quay cuồng tâm hồn tới điên đảo. Cho nên, người học cao mà thiếu đạo
đức, thường gây tội lớn. Người lãnh chức vụ cao mà thiếu đạo đức thì họ gây tội
ác càng nhiều, hậu quả cuộc đời của họ chắc chắn thê thảm không thể tưởng tượng
được. Hiểu được điều này, em nghĩ thử đâu là phước đâu là họa?
Cái trí huệ vĩ đại nhất nằm ngay trong tâm
mình chứ không phải ở ngoài. “Phật là Giác”, niệm Phật là niệm Giác. Giác là
hiểu thông suốt, tự mình hiểu lấy khỏi cần ai hướng dẫn cả. Cho nên cứ chơn
thành niệm Phật thì một ngày rất gần em sẽ hiểu tất cả. Cái thấy, cái hiểu lúc
đó không ai có thể bằng em được đâu. Cái cảnh giới đó gọi là Thâm Tín. Thâm tín
rồi thì nhận rõ tà, chánh, đúng, sai và con đường mình đi sẽ không còn ngại
ngùng, sai vạy nữa. Lúc đó Lý-Sự Nhơn-Quả phân minh, mình nhìn nhân sinh vũ trụ
thấy rõ ràng minh bạch. Đây gọi là Chơn Tín. Tất cả lòng tin đó nó xây dựng
lòng Thành Tín Phật. Chính sự thành tâm tin tưởng này nuôi dưỡng chí nguyện
vững chắc cầu sanh Cực-lạc. Em chơn thành tin Phật, niệm Phật, quyết lòng cầu
nguyện vãng sanh về Tây-phương thì chắc chắn em sẽ được vãng sanh về với Phật,
không có con đường thứ hai để đi.
Như vậy tất cả đều bắt nguồn từ cái tâm chơn
thành của mình mà ra cả. Tất cả những sai trái đều do cái tâm làm ra, thì cứ
lấy cái tâm đó mà chỉnh là được. Chỉnh được tâm thì căn lành phát triển, có căn
lành thì lòng tin tăng thêm. Cứ thế nó đôn lên mãi. Khi đó cầm quyển kinh lên
mình thấy lời Phật dạy rõ ràng, thẳng thắn không còn nghi ngờ nữa. Mình sẽ thấy
rõ ràng có cảnh giới Tây-phương, có Phật A-di-đà tiếp dẫn đúng như 48 lời đại
nguyện của Ngài. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật A-di-đà nói: “Khi Ta Thành
Phật, chúng sanh ở mười phương, nghe danh hiệu Ta, chí tâm tin tưởng, có sẵn
thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh về nước Ta, niệm đến 10 niệm, nếu
không được sanh, ta thề không thành bậc Chánh Giác. Duy trừ tội ngũ nghịch và
phỉ báng chánh Pháp” (Kinh VLT, phẩm 6, nguyện 18). Trong kinh rất nhiều lần
đức Phật dặn dò chúng sanh niệm Phật để thành Phật chứ không phải chỉ có một
nguyện thứ 18 không thôi, nhưng hồi giờ anh thường nhắc lời nguyện này vì nó
quan trọng, gọn gàng và là chính yếu của pháp tu cho tất cả mọi người trong
thời mạt pháp nhiều nghiệp chướng này.
Niệm Phật là pháp môn tối ư vi diệu. Một
người còn đầy nghiệp chướng, chỉ nhờ mười câu “A-di-đà Phật” trước khi lâm
chung, tức khắc vượt qua khỏi tam giới, thoát khỏi lục đạo luân hồi, vĩnh viễn
không còn sanh tử, trở thành bậc Bồ-tát bất thối. Người bình thường, thiếu
thiện căn chắc chắn không bao giờ tin được, cho nên Phật gọi đây là “Nan tín
chi pháp”, (pháp rất khó tin được), vì nó “Bất khả tư nghị”, (không thể nghĩ
bàn được). Phật dạy, dù cho hàng Bồ-tát vẫn không hiểu nổi, chỉ có Phật với
Phật mới biết mà thôi. Cho nên các hàng Bồ-tát cũng phải dùng Tín Nguyện Hạnh
để cầu sinh về Tây-phương. Cho nên, niệm Phật thành Phật là cảnh giới của Phật,
dù các vị đã tu hành thành Bồ-tát ở các quốc độ khác rồi, nhưng cũng phải phát
lòng tin tưởng mà niệm Phật, còn chúng ta là phàm phu tội lỗi thì sao không sớm
phát khởi lòng tin vững chắc mà niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ?...
Đến đây anh cũng nên nhắc em một điều quan
trọng, Phật để lại 84 ngàn pháp môn tu tập, nhưng không phải pháp môn nào cũng
dễ thành tựu cả đâu. Pháp môn tu hành chỉ là phương tiện để cứu độ. Phương tiện
là trên đường đi, đường đi nào càng dài thì càng nhiều trở ngại, càng nhiều
nguy hiểm, càng dễ sa lầy. Những pháp môn tự tu tự chứng, nghĩa là tự lực cánh
sinh, không cần đến Phật gia trì, đó là những phương tiện rất khó thành đạt.
Chư Cổ đức nói, vạn ức người tu không tìm ra một người thoát nạn. Vì sao vậy?
Vì thời này đã mạt pháp rồi, căn cơ của chúng sanh hầu hết đều thấp, chướng
ngại thì trùng trùng, ngoại đạo lộng hành, cho nên tự tu chứng khó tránh khỏi
hiểm nạn. Chính vì thế mà trong rất nhiều kinh luận, Phật nhắc nhở thường xuyên
cho đệ tử rằng, thời kỳ mạt pháp (nghĩa là sau khi Phật nhập diệt 2000 năm)
phải tu Tịnh-độ. Pháp môn niệm Phật chỉ cần Tín-Nguyện-Trì Danh niệm Phật, mà
một đời này có thể tiến tới bậc bất thối chuyển Bồ-tát. Nghĩa là chỉ còn một
đời thành Phật, dù nghiệp chướng chưa đoạn hết. Sự vi diệu tối thắng này chính
là nhờ oai lực của đức Phật A-di-đà và chư Phật mười phương đồng hộ niệm, đồng
lòng đầu tư vào đó để gia trì, cứu độ tất cả chúng sanh trong thời mạt pháp.
Nếu không nhờ vào lực gia trì của chư Phật, tự lấy tài sức của mình đi lấy, khó
có thể vượt qua biển nghiệp mênh mông, tương lai khó tránh khỏi cạm bẫy tà đạo.
Uổng đời tu hành! Hãy nhớ lời này cho kỹ.
Nói tóm lại, anh Năm khuyên em hãy một lòng
một dạ tin tưởng lời Phật, ngày đêm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh Tịnh-độ.
Đừng hiếu kỳ chạy cà rông, thấy ai nói cái gì hay cũng chạy theo tu thử, thì
phí công, uổng đời lắm đó.
Phần giải đáp thắc mắc:
1) Vọng tưởng là gì? Trong thư anh thường
dùng những chữ THANH TỊNH là để đối chiếu với vọng tưởng. Vọng tưởng là mơ tưởng
lung tung, nghĩ cái này, tưởng cái nọ, cầu cái kia, v.v... Cái tâm còn lao
chao, nghĩ ngợi đủ thứ, hay đơn giản hơn gọi là loạn động, không yên tịnh, đó
gọi là vọng tưởng. Ngay cả việc mơ thấy Phật, mơ thấy Bồ-tát... nhiều khi cũng
là vọng tưởng luôn, vì mình mơ thành thấy chứ chưa hẳn là Bồ-tát thực đâu. Một
khi Phật Bồ-tát xuất hiện thì thường hiện rõ ràng trong quang minh và rất hiếm
có, chứ không phải hiện thường xuyên được. Niệm Phật phải cố gắng giữ tâm thật
thoải mái, thanh tịnh, an lạc, chỉ ngày đêm niệm Phật, một lòng nguyện về
Tây-phương Cực-lạc. Thân lạy Phật, tâm tưởng Phật, miệng niệm Phật. Tâm khẩu ý
hướng trọn về Phật. Ăn hiền ở lành, vui vẻ, hòa nhã trong nhà, giúp đỡ khuyên
người tu hành, buông bỏ những sự thị phi ganh tị... thì tự nhiên sẽ tương ưng
với Phật. Không được mơ màng với mộng mị gì hết. Đó gọi là không vọng tưởng.
2) Ông Bảy của mình có được vãng sanh hay
không? Câu trả lời này rất tế nhị, vì em hỏi anh mới nói mà thôi. Điều kiện
Phật đưa ra để được vãng sanh là TÍN+NGUYỆN+HẠNH. Thiếu một không được. Ông Bảy
mình có tu Phật, nhưng ba điều kiện trên hầu hết bị thiếu. Vì tin Phật thì chỉ
có thờ Phật, ở đây ông có thờ Thần tướng, ông Bảy thường liên lạc với ông thầy
Bốn ở Chánh Thạnh thờ Quỉ Thần, đó là thuộc về Quỉ Thần đạo; Người có nguyện
sanh về Tây-phương Cực-lạc mới được vãng sanh, hình như ông không nguyện; Niệm
Phật mới có công đức, thì ông rất ít niệm. Cách tu của ông thiên về tu Tiên, có
dùng bùa bát quái, ưa thích đánh cờ tướng, thích hưởng nhàn. Tướng của ông thì
rất tốt, trường thọ hơn người, nhưng rốt cuộc cũng phải kết thúc cuộc đời. Đối
chiếu mấy điều đó, anh nghĩ ông rất khó được may mắn, (chỉ trừ khi lúc cuối
cuộc đời gặp thiện tri thức khuyên, bỗng nhiên thay đổi. Điều này anh không
biết). Muốn vãng sanh nhất định phải tín-hạnh-nguyện đầy đủ, ví dụ cha má mình
hồi giờ không tu Phật, nhưng may mắn nhờ phúc đức và thiện căn nhiều kiếp
trước, cuối cuộc đời gặp anh khuyên niệm Phật. Nếu cha má chỉ cần dứt khoát
thay đổi cách tu, thờ Phật, TIN Phật, NGUYỆN vãng sanh Tây-phương, Nhất Tâm
ngày đêm niệm “Nam-mô A-di-đà PHẬT”, cứ theo y lời anh hướng dẫn mà tu, thì
chắc chắn cha má được vãng sanh. Phước báu này dù có người cho một ngàn triệu
đô la cũng không đổi. Nếu không làm theo thì đành chịu thua.
3) Tu hành đừng căng thẳng quá, cần phải
pháp hỉ sung mãn, nghĩa là càng tu càng vui. Đọc thư anh Năm hiểu đạo thì vui
tại sao lại khóc? Đời này ai mà tránh được lỗi lầm? Có lỗi mà biết mình lỗi thì
còn gì tốt hơn nữa. Phải vui sướng vì cái giác ngộ của mình mới được chứ. Chồng
con mình không tin theo là chuyện thường, vì nghiệp mỗi người khác nhau. Nên
nhẹ nhàng khuyến khích, thông cảm, thương họ, vì nghiệp chướng kết tập trong
nhiều đời kiếp đang ngăn cản cho nên họ khó thoát thân. Mình cố gắng khuyên
được thì tốt, không được thì mình cứ tự lo tu hành, dần dần cảm hóa họ. Nhớ
thành tâm cứu độ, chứ không được ghét bỏ, đã gặp nhau đời này đều là do duyên
nợ, hãy tùy theo duyên. Nên nhớ, sống tạo nghiệp khác nhau, thì khi mãn báo
thân này nghiệp ai nấy đi, dù muốn gặp lại cũng không dễ gì gặp lại đâu. Về
Tây-phương là viên mãn đạo quả, muốn trở về cứu họ cũng không khó.
Thôi anh ngừng để cho em niệm Phật.
Anh Năm.
(Viết xong, Brisbane
ngày 2/4/2001)