Cái giá trị tu hành phong phú nhất để đạt
đến sự viên mãn chân chánh là nhất định phải niệm Phật cầu sanh về thế giới
Cực-lạc. Đây là lời tâm huyết của hết thảy chư Phật, chân thành, khẩn thiết
nhất, khuyến khích dẫn dắt chúng ta. (Pháp Sư Tịnh Không).
Cha má kính thương,
Sao con cứ muốn viết thư cho cha má hoài,
không viết chịu không được. Nếu ngừng vài ngày thì con thấy cái điều con muốn
nói với cha sao nó tràn ngập lên. Vì thực tế, nếu có viết hoài thì cũng viết
không hết. Bên cạnh đó, không biết cha má có thâu lượm được tất cả ý của con
không? Con vẫn cứ sợ cha má lơ là, rồi nghe người này nói vào, người kia nói
ra, rốt cuộc bao nhiêu thư con gửi về thành ra vô dụng.
Thưa cha má, vào giữa thời đại này, tìm một
người hiểu lý đạo không dễ đâu, thì những người hằng ngày đến với cha má, tìm
đâu ra một người biết khuyến tấn tu hành, làm thiện, nhất là ủng hộ chuyện niệm
Phật cầu sanh Cực-lạc Thế-Giới, là chuyện giống như huyền thoại, như trên trời
rơi xuống, khó cho một người bình thường hiểu tới. Dù ngay trong bà con, anh
em, chú bác của mình chưa chắc đã có người thức tỉnh chứ đừng nói chi đến người
bên ngoài. Ấy thế, đem chuyện giải thoát này mà bàn với người không biết đạo
thì tốt hơn đừng bàn. Cái bệnh nặng nhất của chúng sanh trong thời này là
nghiệp chướng, đã kết tập lâu đời nhiều kiếp, nó kết thành một khối vô minh
kiên cố, muốn phá nó đâu phải dễ. Vô minh lôi kéo theo vô minh. Đã là vô minh
thì làm sao họ dễ dàng chấp nhận giác ngộ! Mình hồi giờ chung sống trong cái vô
minh bất giác đó, mình nhậu lai rai với họ, mình ơn nghĩa thị phi với họ, mình
đánh cờ tướng với họ... bỗng nhiên mình muốn thoát ra làm sao tránh khỏi sự dị
nghị dèm pha. Cho nên, nếu tâm mình không vững sẽ không đi được. Niềm tin vừa
mới lóe lên có thể bị dập tắt liền. Hậu quả đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc.
Chính vì thế mà con muốn viết thư cho cha
má, viết hoài là muốn nhắc nhở cha má rằng, đời mình phải tự lo lấy, tự mình
phải cứu lấy mình. Phải bình lặng lấy chơn tánh ra để phán xét thực hư, tự
quyết định lý tưởng tương lai, đừng nên để tâm xao lãng mà bị lung lay bởi
những lời mê vọng.
Ở đây càng niệm Phật con càng thấm sâu vào
lời Phật dạy. Ngủ một đêm sáng ra con hiểu thêm vào một cảnh giới. Hôm qua ngồi
niệm Phật trong Niệm Phật Đường mấy tiếng đồng hồ ra, bỗng nhiên con lại có sự
bừng ngộ thêm về câu Phật hiệu “A-di-đà-Phật”. Lạ thật! Càng ngày con càng thấy
vi diệu, càng lúc hình như con càng rõ hơn cái cực kỳ vi linh của âm thanh
“Nam-mô A-di-đà Phật”. Con không biết làm sao để diễn tả được sự thấy của con
trong những giờ phút bừng tỉnh này. Cứ mỗi lần bộc phát ra một tia sáng con lại
mở kinh ra, lại thấy thêm một điều vi diệu nữa. Lạ quá! Cũng là dòng kinh đó,
mình đọc hoài, tưởng là hiểu, đâu ngờ từng giây phút, mình lại thấy nó khác,
cao hơn, thâm hơn, ý nghĩa rõ hơn.
Trong lúc ngồi niệm Phật, con chợt thấy sao
giữa mình với Phật không còn khoảng cách nữa. Muốn về với Phật sao dễ quá đi.
Như trước đây, nghĩ ra nước ngoài khó lắm. Cô Ba (Trung Ái) xem chỉ tay, đoán
tử vi nói con “Sao Tuần bị triệt”, không thể đi được(!). Nhưng con đã đi được,
có gì đâu mà khó! Tại tự mình không muốn đó thôi. Bây giờ, đi tới Tây-phương
Cực-lạc, thế giới của Đức Phật A-di-đà, cũng giống như vậy thôi. Đi vượt biển
còn bị nguy hiểm, còn bị sóng đánh chìm tàu, chứ đi về Tây-phương thì được
khuyến khích, được giúp đỡ, được tiền hô hậu ủng, thì làm sao khó được. Hơn thế
nữa, người ủng hộ mình không phải là người thường, mà là một đấng chí tôn vô
thượng, là “Phật trung chi vương”, là đức Phật A-di-đà. Cộng thêm nữa, chư Phật
mười phương đều gia hộ, Long-Thiên Hộ-Pháp, chư đại Bồ-tát ngày đêm bảo vệ cho
mình. Cha má nghĩ thử trong điều kiện tuyệt đối an toàn đó mình đi khó hay dễ?
Con chợt nghĩ đến điều này tự nhiên tâm thần
phấn khởi lạ thường. Rõ ràng con vừa ngộ thêm một điều nữa, một cảnh giới sung
sướng khó tả được. Phật A-di-đà có lời nguyện này: “Khi Ta thành Phật, mạng
sống lâu vô lượng, trong nước vô số hàng Thinh-Văn, Trời, Người, mạng sống của
họ cũng lâu vô lượng, (Nguyện 15). Giả sử chúng sanh trong tam thiên đại thiên
thế giới, đều thành bậc Duyên-Giác, ở trong trăm ngàn kiếp, đều cùng nhau đếm
tính, nếu biết được số lượng kia, Ta thề không thành bậc Chánh-Giác”. (Nguyện
16, kinh Vô-Lượng-Thọ).
Lạ không! Số lượng người ở cõi Tây-phương
Tịnh-độ như vậy là quá đông, quá nhiều, nhiều đến nỗi không thể đếm được nữa.
Dưới địa cầu chúng ta, người đông, nên người ta đang lo nạn nhân mãn! Đông,
nhưng dù sao cũng còn đếm được là hiện nay cỡ hơn sáu tỉ người, còn ở cõi
Cực-lạc thì chư Thượng-Thiện-Nhơn đông đến nỗi trăm ngàn kiếp đếm không xuể,
thì thử hỏi cái số lượng ấy nhiều đến mức độ nào? Điều này trong kinh Phật nói
cách đây mấy ngàn năm rồi, chứ mới đây đâu.
Nhớ lại một câu kinh, bừng tỉnh thêm một
điều, là điều kiện để về đến cõi Cực-lạc quá dễ dàng, mà hồi giờ mình không
biết. Điều kiện chỉ cần người nào, “nguyện sanh về nước Ta, niệm đến mười niệm,
nếu không được sanh, Ta thề không thành bậc Chánh-Giác. Duy trừ tội ngũ nghịch,
phỉ báng chánh pháp”. (Nguyện 18). Mười niệm này là niệm trước khi lâm chung.
Như vậy bất cứ ai trước khi lâm chung, muốn sanh về Cực-lạc, mở lời niệm được
muời câu “A-di-đà-Phật” thì được Phật A-di-đà đến tiếp dẫn về Tây-phương, vĩnh
viễn an nhàn tự tại, bất sanh bất tử.
Vì quá dễ dàng cho nên hồi giờ rất nhiều
người, từ khắp mọi quốc độ vãng sanh về đó, từ nhiều kiếp đến nay, biết bao
nhiêu mà kể. (Nên nhớ một kiếp không phải là một đời). Hơn nữa, hễ về đó rồi
thì sống hoài không bao giờ chết, thì làm sao số luợng không cao cho được!
Ấy thế mà vẫn còn vô lượng chúng sanh bị
triền miên đọa đày trong sáu đường khổ não. Tại sao vậy? Thưa cha má, tại họ
không chịu tin. Người có tu hành nhưng lại coi kinh Phật giống như một thứ
“quyền thuyết” đưa ra để khuyến khích mà thôi, dụ khị cho con người sợ mà tránh
làm điều sai trái thôi, chứ trong thâm tâm họ không tin như vậy. Hễ không tin
thì không đi, không đi thì không bao giờ tới được! Trong khi đó, khi con phát
hiện có người vãng sanh thật sự, mở kinh ra ấn chứng rõ ràng như hai cộng hai
là bốn, con giựt mình tỉnh ngộ.
Lời Phật dạy trong kinh điển đúng sự thật
chứ không phải là quyền thuyết. Ngài muốn độ tận chúng sanh, Ngài nói toàn sự
thật mà con người không chịu nghe theo, lại cứ khai thác theo kiến thức của thế
gian, vô tình họ biến kinh Phật trở thành một thứ triết lý phi thực. Thật oan
uổng! Chứ thực ra Phật pháp vừa cao siêu vừa thực tế. Cao siêu vì nói những
cảnh giới mà loài người chúng ta không thể hiểu nổi, ví dụ như cảnh thế giới
Tây-phương Cực-lạc. Thực tế là vì những cảnh giới đó có thực. Một số người
Việt-Nam niệm Phật vãng sanh trong khoảng vài năm trở lại đây đã xác định rõ
ràng. Năm ngoái con qua bên Pháp cũng nghe có vài người vãng sanh. Như vậy số
lượng người vãng sanh về nước Phật khá nhiều chứ không ít. Nội người Việt-Nam
mình thôi, trong vòng mấy năm, cũng đếm đến mấy chục người. Người Tàu họ vãng
sanh nhiều hơn vì họ tin tưởng nhiều hơn, tu hành nghiêm chỉnh hơn. Còn các dân
tộc khác nữa thì sao? Điều này chứng minh được rằng số người vãng sanh về nước
Cực-lạc, trở thành bậc bất thối Bồ-tát nhiều không thể đếm hết.
Trong kinh Phật nói, “Giả linh tam thiên đại
thiên thế giới chúng sanh, tất thành Duyên-Giác, ư bá thiên kiếp tất cộng kế
giáo, nhược năng tri kỳ lượng số giả, bất thụ Chánh-Giác” (Vô-Lượng-Thọ/Phẩm 6/
N:16)”. (Nghĩa là, giả như trong một tỉ thế giới, tất cả chúng sanh đều trở
thành bậc Duyên-Giác, trong trăm ngàn kiếp cùng nhau đếm số Bồ-tát trên cõi
Tây-phương, mà đếm được số lượng thì Đức Phật A-di-đà thề không thành Phật).
Một lời nói của một vị Phật đã thành Phật rồi đâu phải để nói chơi. Chắc chắn
đúng như vậy.
Thưa cha má, cha và má đều là người có tu
đạo, chắc phải hiểu cái kiếp người lận đận lao đao, vài chục năm vô thường khổ
não, chạy đôn, chạy đáo rốt cuộc cũng hoàn về bàn tay trắng. Nếu mà sơ ý ta cứ
bơi mãi trong biển khổ trầm luân, ta bơi bao giờ cho tới bờ bến Giác. Bên cạnh
đó có chiếc thuyền Bát-Nhã, đức Phật đứng trên thuyền đưa tay xuống cứu ta lên,
ta không chịu “đưa tay”. Mình đang bị đọa đày trong sáu đường khổ cực, Phật
tới, bảo hãy niệm Phật đi, để ta cứu cho. Thế thôi, mà ta không chịu?! Đi được
hay không chỉ cần một cái đưa tay lên, giữa Phật và ta rõ ràng cách nhau chỉ có
một niệm. Một niệm Phật thôi để thành Phật, như vậy mà người ta không chịu
niệm. Uổng biết chừng nào! Tội nghiệp thực! Cha má hãy nghe lời con đi, viết
thư cho con, con cần biết cha má đã thực sự bắt đầu niệm A-di-đà Phật hay chưa?
Khi biết được sự vãng sanh của người niệm Phật,
họ ra đi trước phút lâm chung, nghĩa là họ còn đang sống mà niệm Nam-mô A-di-đà
Phật và từ giã đi theo Phật. Họ sống mà đi chứ không phải chết mới đi, họ từ từ
ra đi nhẹ nhàng thoải mái giống y hệt như kinh Phật dạy, hễ ai: “kiên cố bất
thối, phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh Ngã quốc, nhất tâm niệm Ngã, trú
dạ bất đoạn, lâm thọ chung thời, Ngã dữ chư Bồ-tát chúng, nghinh hiện kỳ tiền,
kinh tu du gian, tức sanh Ngã quốc”. (Phẩm 6, N/20, kinh Vô-Lượng-Thọ). Nghĩa
là, hễ người nào tâm cương quyết không thối chuyển, đem căn lành hồi hướng,
nguyện sanh về nước Ta, một lòng niệm Ta, ngày đêm không gián đoạn, khi lâm
chung Ta cùng chư Bồ-tát hiện ở trước mặt, trong khoảng giây phút liền sanh về
nước Ta).
Họ biểu diễn sự vãng sanh giống y hệt như
lời Phật dạy. Rất nhiều người như vậy chứ không phải ít, vì mình không có duyên
nhìn thấy, mình không đủ phương tiện thông tin, đi đến để thăm tận mặt. Vì mình
cứ lo làm ăn từ sáng tới chiều, không còn giờ để chứng kiến cảnh người ta niệm
Phật vãng sanh về với Phật chứ không phải không có. Ví dụ, như năm 1996, bà
Huỳnh-Ngọc-Tuyết, ở Mỹ, niệm Phật được vãng sanh, trước khi vãng sanh, con gái
bà gọi điện thoại hỏi Hòa Thượng Tịnh Không, vị thượng thủ Tịnh-tông thế giới,
(người làm lễ quy y cho con). Trong điện thoại Ngài nói rằng: “Tam Thánh
Tây-phương cùng chư Thượng-Nhơn đang chờ trước cửa muốn đi lúc nào cứ đi”. Từ
xa trong điện thoại Ngài cũng biết được Tam Thánh: Di-Đà, Quán-Âm, Thế-Chí đang
chờ trước cửa, trong khi con cháu ở đầy nhà không hay biết gì hết. Khi vãng
sanh quang minh của Phật chiếu tới thân thể bà làm sáng cả gian phòng. (Căn
phòng đó thấp nhỏ nấp sau dãy nhà lầu cao chọc trời, quanh năm không có chút
ánh sáng lọt vào). Khi vãng sanh mùi thơm xông ra khắp nhà, lan ra tới bên
ngoài cả hàng mấy tiếng đồng hồ. Theo như Ngài Tịnh Không giải thích đó là chư
Thiên tới chiêm ngưỡng một vị đang về Tây-phương. (Chuyện niệm Phật vãng sanh
lưu xá lợi, con đang nhờ người đem về cho cha má, nhớ đọc và xem hình). Cho nên
có tu mới có chứng, có đắc mới thấy, sự vi diệu không thể giải thích được.
Cha má ơi, sở dĩ con viết thư về cha má liên
tục cứ nói chuyện niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực-lạc là vì con thật sự
thành tâm muốn cứu cha má trong một đời này. Thọ mạng mỗi người đã định sẵn
rồi. Cầu giữ cái xác thịt này trường thọ là vọng tưởng, thiếu thực tế, mê muội,
hão huyền! Vì con người mê muội, quá sợ chết cho nên thường tạo nên những tư
tưởng sai lầm, những hành động oan uổng cho người thân! Họ cứ mơ chuyện hão
huyền người thân sống mãi, cho nên việc sanh ly tử biệt trở thành nỗi bi thương
thống thiết! Chứ không ngờ rằng cuộc đời của mỗi người không bao giờ chết cả.
Chúng ta vẫn tiếp tục sống, nhưng sống ở cảnh giới khác mà thôi.
Chính con đã chứng thật được một sự thật mà
trí óc bình thường của con người không thể tưởng tượng được. Bao nhiêu người
cho đó là hoang đường huyền thoại, chứ còn con, con dứt khoát khẳng định nó sự
thực không còn chối cãi được nữa. Thực sự có thế giới Cực-lạc thật là siêu
tuyệt, vì quá siêu tuyệt, vượt khỏi sự suy tưởng của con người, cho nên không
thể nào dùng lý lẽ bình thường để hiểu. Trong kinh Phật nói đúng, thẳng thắn,
ngay thật, có chứng minh cụ thể. Trên thế giới này chưa có tôn giáo nào dám đưa
ra sự chứng minh rõ rệt, hùng hồn như vậy cả!
Cha má hãy niệm Phật đi. Ngày nào cha má
chưa viết thư cho con hứa niệm Phật, con còn nhắc hoài. Nếu lỡ mất cơ hội này
ngàn kiếp sau chưa chắc sẽ gặp lại đâu cha má ạ. Cuộc đời này trước sau ai mà
không ra đi. Cha má nghĩ thử coi, “Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế”, (nghĩa
là sáng còn tối mất, một tích tắc đã qua thế giới khác rồi), còn đâu mà tham
với tiếc cái thân xác này. Chỉ cần sơ ý, một tích tắc thôi con muốn tìm cha,
tìm đâu cho ra! Con muốn tìm má tìm đâu cho thấy! Mà dù có thấy đi nữa cũng
không cách nào cứu được nữa rồi. Ván đã đóng thuyền, trôi theo dòng sanh tử vô
biên, ai theo nghiệp đó làm sao cứu được? Khi mình ra đi, mình trôi theo dòng
nghiệp báo vô tận, vô cùng, vô phương, trong đó mình dễ gì làm chủ được!
Khi trời mưa lụt, nước dâng tràn bờ, đứng trên cầu nhìn xuống dòng nước cuồn
cuộn chảy, cha má thả một mảnh cây, rồi sau đó thả thêm mảnh cây nữa, và nhìn
thử coi, hai mảnh cây ấy có gặp nhau được hay không? Mỗi mảnh trôi dạt mỗi
phương. Cho dù có thả cùng một lúc, nó cũng tách xa, dễ gì gặp lại. Dòng nước
cuồn cuộn là dòng nghiệp lực, hai mảnh gỗ là nghiệp chướng, là thần thức của
chúng ta. Dòng nghiệp lực nó dày vò thần thức chúng ta giống như vậy đó. “Khéo
tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Dù có nổi nó cũng bị trôi tuột tới một phương
trời vô định, kẻ nam người bắc chứ chắc gì gặp lại. Đâu dễ gì ta trở lại căn
nhà từ đường để thọ hưởng. Còn không, “Vụng tu thì chìm”, nó dìm mình xuống tận
chín lớp bùn đen, âm u mù mịt biết ngày nào lên. Thọ lãnh quả báo này chỉ có
đơn độc một mình mình chịu mà thôi, không ai đến thăm nom, han hỏi mình được.
(Viết đến đây con chợt nghĩ đến Thím Năm.
Chú Năm mất, Thím chung tình xây nấm mộ bên cạnh để chờ ngày xuống âm ty gặp
lại chú! Thật đáng thương! Với cái nhìn thế tục thì thấy có nghĩa tình. Còn khi
đã hiểu đạo, thì đây là việc làm điên rồ, tự mình dẫn mình vào con đường cùng
đoạ lạc mà không cứu vãn được gì cả. Cha má nên vì lòng từ bi ai mẫn mà đánh
tiếng cảnh cáo Thím, chứ không thì tội nghiệp lắm!)
Thưa cha má, con thương cha má con khuyên
cha má niệm Phật. Má thương cha, má nên khuyên cha Niệm Phật. Cha thương Má,
cha nên nhắc nhở má niệm Phật. Cha má thương con cái, cha má hãy dạy các anh
chị em, con cháu đều niệm Phật. Thương nhau phải cùng nhau niệm Phật, cùng cầu
về một nơi, đó là con đường tuyệt diệu nhất mới gặp nhau được thôi. Trong kinh
Vô-Lượng-Thọ Phật nói, “Chư Thiên Nhân Dân cùng với những lọai côn trùng nhỏ
nhít, khi đã sanh về nước Ta, đều trở thành Bồ-tát” (phẩm số 5). Sanh về đó tất
cả chúng ta đều trở thành “chư Thượng-Thiện-Nhơn, câu hội nhứt xứ” (kinh
A-di-đà)”. Thượng-Thiện-Nhơn đây không phải là người, mà đều là Bồ-tát cả. Con
sẽ gởi về quyển sách “Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của chú Tịnh Hải ở Mỹ vừa
mới thu thập mấy năm nay thôi. Cha má hãy đọc kỹ đi, sự thật đó. Những bộ óc,
trái tim... bằng máu huyết, bằng thịt xương, mà dưới sức nóng lò thiêu tới hai,
ba ngàn độ, có thể làm chảy nhão sắt thép, nhưng không cháy nổi nhục thân của
người khi đã đắc đạo, nó đã trở thành “kim-cang Na-la-diên thân” (Nguyện
32/phẩm 6/Vô Lượng Thọ).
Ngài Thích-Thiền-Tâm (người viết quyển “Niệm
Phật thập yếu”). Ngài để lại cái răng xá lợi mà người ta dùng máy cắt, khoan,
đục chỉ có nẹt lửa chứ không trầy trụa gì cả. Cái răng trong miệng Ngài nó nghe
tiếng niệm Phật đã trở thành kim cương bất hoại. Sự linh diệu của tiếng niệm
Phật không thể nào nghĩ bàn được. Khoa học nào dám đứng ra giải thích! Có nhà
bác học nào dám mở lời biện bạch! Khắp nơi trên thế giới, nhiều nhà tu hành
vãng sanh lưu lại luôn cả nhục thân hàng ngàn năm, hai ba trăm năm. Ở Thái-lan,
có vị Sư lưu lại nhục thân hai ba năm nay rồi, không ướp thuốc thang gì cả...
Cha má ơi, con thương cha má nhiều lắm.
Nhưng cái thương khi hiểu được đạo khác lúc còn đang mê mờ thế tục. Khoảng thời
gian lưu lại trên thế gian này thực ra không đáng gì cả so với thời gian vô thỉ
vô chung. Người chết đi rõ ràng không mất. Trong thư cho Mười Phương, con kể
chuyện người bạn kỹ sư của con bị con ma nữ chạy theo vào nhà, đeo theo sát bên
mình mấy ngày, làm cho hắn kêu cầu cứu thất thanh, càng chứng tỏ mạng người
không phải chỉ thấy vào cái xác thịt mà thôi đâu. Có người chết làm quỷ, có
người làm ma, có người làm trâu bò chó mèo, có người xuống địa-ngục, lên thiên
đàng, có người thành Bồ-tát, Phật. Ta tu đúng cách, theo đúng chánh pháp, ta
trở thành Bồ-tát, Phật chỉ trong một đời này thôi. “Nhớ Phật niệm Phật, hiện
tiền, tương lai chắc chắn thấy Phật” và sẽ về với Phật, viên mãn một đời thành
Phật, vĩnh viễn thoát khỏi kiếp luân-hồi đọa đày.
Thưa cha má, con muốn nhắc lại lời này, là
có thể chính cha má là người có đại phúc đại thiện nhất trong dòng tộc gia phả
của mình, từ cổ thủy đến nay chưa ai bì được. Ngay như bà nội, ông Bảy, suốt
đời tu hành nhưng chưa chắc đã thoát, trong khi cha má có được những đứa con
tha thiết khuyến tu. Nếu thiện căn đã phát lộ, thì chính cha má sẽ ghi vào lịch
sử của dòng tộc mình, người đầu tiên đắc đạo vãng sanh thành Phật.
Nhớ ngày bà nội lâm chung, bà đau quằn quại
tháng này qua tháng khác, những ngày cuối cùng, bà chống đối kịch liệt việc
chích thuốc, truyền nước biển. Nhưng các chú, các cô, nguời nhà cứ đè tay, đè chân
không cho bà giãy giụa, để người y tá truyền bình nước biển. Còn những người
con khác thì kêu réo khóc than: “Mẹ! Cố gắng sống thêm mẹ ơi!”. Họ thật sự tỏ
được lòng thương bà Nội. Nhưng kết quả thì sao? Bà lúc đó đã cấm khẩu, đã đuối
sức. Đầu óc bà đã quay cuồng, đau khổ trong những cảnh giới hãi hùng! Bà thèm
một giây phút yên lặng, con cháu lại không cho. Bà giận đến nỗi mắt bà trợn lên
chống đối, nhưng con cháu không chịu vâng lời, cứ việc làm theo cái suy nghĩ
nông cạn của mình!
Cha má nên biết, người sắp lâm chung, thân
thể của họ đau nhức “như con rùa đang bị lột cái mai”, lúc đó bất cứ một động
tác nào động đến thân thể sẽ làm cho người bệnh đau đớn không thể chịu nổi
được. Tội nghiệp cho bà Nội. Bà sinh ra nhiều người con, người thì theo Tiên, người
theo Thần, người theo Vô-Thần, không một người nào theo Phật, niệm Phật chân
chính cả, cho nên mới xảy ra cảnh tượng bi thương đó! Giờ phút quan trọng nhất
cuộc đời, bà cần một tiếng niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, để bà nương theo quang
minh của Phật mà siêu sanh nhưng không được! Trong khi con cháu cứ nhào vô gây
sự đau đớn, tạo cho tâm bà sân nộ, gây cái nhân đọa lạc vào cảnh tối tăm!
Thưa cha má, vì không hiểu đạo, con cháu cứ
việc làm những chuyện ĐẠI NGHỊCH BẤT HIẾU một cách tự nhiên. Thật thương tâm,
thương tâm quá!
Thưa cha má, con đã nói đến cùng lý lẽ, con
tha thiết tỏ bày đến rơi nước mắt. Con thương cha má, con nguyện cứu cho được
cha má. Đến giờ phút này mà cha má không nghe theo thì con cũng không còn biết
làm sao được nữa. Còn như cha má đã ngộ được, hãy thành tâm làm ngay việc này:
Thân thờ A-di-đà Phật, Tâm nghĩ A-di-đà Phật, miệng luôn niệm A-di-đà Phật, một
lòng nguyện cầu sanh về Cực-lạc Thế-Giới, chắc chắn sẽ được vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc, một đời thành Phật. Chính cha má sẽ chứng minh cho mọi
người cùng thấy việc này.
A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu, ngày 10/4/2001).