Ta cùng chúng sanh nhiều kiếp đến nay hằng ở
trong vòng sanh tử, chưa từng được thoát ly. Khi ở cõi này, lúc thế giới khác.
Khi sanh thiên cảnh lúc sống dưới nhân gian. Siêu đọa trong phút giây, xuống
lên ngàn muôn nẻo! Cửa quỷ sớm đi rồi chiều lại, âm ty nay thoát bỗng mai vào.
Lên non đao rừng kiếm, thân thể đứt lìa. Nuốt sắt nóng dầu sôi, ruột gan rã
cháy. Khóc than trong lửa, rên xiết trong băng. Muôn lần sống chết nội ngày đêm,
giây phút khổ đau trong thế kỷ. Lúc ấy dù biết tội khổ, nhưng ăn năn sao kịp!
Đến khi ra khỏi, vội liền quên mất, vẫn tạo
tội như thường. Tâm không hằng như lữ khách ruổi giong, thân chẳng định dường
cửa nhà thay đổi. Cát bụi cõi đại thiên không tính nổi số thân luân chuyển.
Nước đầy trong bốn biển chẳng nhiều bằng giọt lệ biệt ly!
Nếu không có lời Phật nói, thì việc này ai
thấy ai nghe? Ví như chẳng xem kinh, lý ấy đâu hay đâu biết? Thảng hoặc luyến
mê như trước, chỉnh e y cũ luân hồi. Rồi ra trăm kiếp nghìn sanh, khó hồi một
lầm trăm lẫn. Giờ tốt vội qua mà chẳng lại, thân người dễ mất nhưng khó tìm.
Âm cảnh mịt mờ,
Xót nỗi biệt ly dài
đặt.
Tam đồ ác báo,
Thương cho thống khổ
ai thay!
Vậy nên
phải:
Dứt nguồn sanh tử,
Cạn bể dục si,
Độ thoát mình người,
Đồng lên giác ngạn,
Muôn đời siêu, đọa
Duy ở kiếp này
Không bê trễ được.
“Giác nhi bất mê
Chánh nhi bất tà
Tịnh nhi bất nhiễm”
Lời Tâm Sự! (Của một độc giả)
Tôi là một độc giả hâm mộ quyển “Khuyên
Người Niệm Phật” của tác giả Diệu Âm. Quyển sách mà đối với tôi thật vô cùng
quý báu. Quyển sách đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi xin chân thành cảm tạ tác
giả, người đã cho tôi sự nhận thức sâu sắc về lý đạo nhiệm mầu, vạch cho tôi
một hướng đi chính xác, nhanh chóng đến bờ giải thoát.
“Khuyên Người Niệm Phật” lời văn giản dị,
gần gũi, cô đọng, chân thành, cảm động. Sao mà thân thương, trìu mến quá!
Tôi đã đọc nhiều lần quyển 1 và 2 (và đang
háo hức chờ đợi quyển 3 (?)). Tôi say mê đọc từng chữ, từng hàng, rồi lại từng
trang. Tôi cố nén nhẹ hơi thở để không bậc thành tiếng khóc, nhưng sao lòng tôi
cứ bồi hồi rung động và cảm giác dường như có vị mặn…
Vâng! Tôi đã khóc. Thật sự tôi đã khóc, khóc
cho sự mê lầm lạc lối của mình. Tự bấy lâu nay rong ruổi trên đường đời mưu cầu
tiền tài, danh vọng… cố đuổi theo những ảo ảnh xa vời không thực! Đâu biết
rằng: Đời Là Giả Tạm, Vô Thường! khóc cho sự ngỡ ngàng, tiếc nuối. Gần bốn mươi
tuổi đời mới hiểu đạo, lòng tự nhủ: phải chi mình biết Phật pháp sớm hơn!
Khóc vì quá vui mừng, sung sướng khi biết
pháp môn Tịnh-độ: Niệm Phật cầu vãng sanh Cực-lạc Quốc; biết được: Niệm Phật Là
Nhân, Thành Phật Là Quả, là điều chắc chắn, không hề sai lệch!
Quả thật đúng như vậy! Pháp môn Tịnh-độ dễ tu, dễ chứng, rộng độ chúng sanh
thoát khỏi sanh tử luân hồi. Chỉ cần tuân thủ Tín-Hạnh-Nguyện thì một phàm phu
đầy nghiệp chướng như tôi cũng được đới nghiệp vãng sanh, được dự phần ở Liên
Trì Hải Hội. Ôi! Pháp môn thù thắng, siêu việt quá! A-di-đà Phật đại từ đại bi
quá! Thế mà xưa nay tôi nào hay, nào biết!
Tôi không có kiến thức sâu rộng về Phật pháp.
Vả lại, vốn bản tánh ngu muội, độn căn, tôi không dám nghĩ tưởng những gì cao
siêu và thời gian không còn chờ đợi cũng như cái chết không tha thứ cho tôi vì
nó sẽ đến bất cứ lúc nào. Thôi thì: kinh điển chưa học không cần học; Luật-luận
chưa xem, không cần xem. Chỉ thành tâm tin tưởng, dốc lòng niệm “A-di-đà Phật”,
cầu vãng sanh Cực-lạc Quốc.
A-di-đà Phật! Con cũng là một chúng sanh đầy
tội lỗi, vừa mới hồi đầu thức tỉnh. Con đang lễ phục dưới chân Ngài thành tâm
sám hối và kính xin Ngài từ bi ban cho con một ân huệ: “Nguyện cầu cho pháp
giới chúng sanh luôn nghĩ tưởng A-di-đà Phật, xưng niệm A-di-đà Phật, phát
nguyện cầu vãng sanh Cực-lạc Quốc, chóng thành Phật đạo!
A-di-đà Phật!
(Một độc giả Úc Châu)
(Thưa chú Diệu Âm! Cháu có “Lời Tâm Sự” này
gởi đến chú. Nhờ chú đăng vào sách để chia sẻ cùng chư vị độc giả. Kính mong!)
Nếu biết trước đời là bể khổ,
Là vô thường, mộng huyễn, phù du,
Thì trần gian hề đến làm chi,
Cầu giải thoát: Tây-phương Cực-lạc.
(Ghi chú: Chúng tôi xin chép lại trọn vẹn
“Lời Tâm Sự” của một vị, không có để tên, gởi đến yêu cầu đăng vào tập Khuyên
Người Niệm Phật. Sau lời tâm sự, người viết lá thư còn viết thêm bốn câu thơ
rồi đóng khung tương tự như trên).
Đôi Lời Trần Bạch:
Bộ sách “Khuyên Người Niệm Phật” vô tình mà
xuất hiện. Ngay cả chính Diệu Âm tôi trước đây cũng chưa nghĩ tới! Hôm nay,
mượn “Lá Thư” này tôi xin trần bạch lên cùng chư vị hữu duyên một vài nhân
duyên thật tình cờ mà chúng ta đã kết duyên với nhau, cùng khuyến tấn nhau tu
học, cùng niệm Phật, cùng nguyện vãng sanh Cực-lạc, cùng viên thành Phật đạo.
Phật pháp thậm thâm vi diệu! Tôi chưa thâm
ngộ vào lý đạo, nhưng tôi có một niềm tin vững mạnh vào pháp môn Tịnh-độ sẽ đưa
tất cả những người chí thành niệm Phật được vãng sanh Cực-lạc. Dựa vào niềm tin
đó cộng với lòng thành, tôi viết những lời thư mang nặng tình cảm cá nhân đến
cha mẹ, anh chị em, thân thuộc, bằng hữu… để khuyên nhau tu hành cầu thoát ly
tam giới. Lời khuyên này vô tình đã thành ra bộ: “Khuyên Người Niệm Phật”.
Hôm nay đã hoàn mãn tập “Khuyên Người Niệm Phật
3”, Diệu Âm xin được phép gác bút tịnh tu.
Đầu tiên tôi xin được thành kính tri ân, cảm niệm những tấm thịnh tình ủng hộ,
khuyến khích. Đặc biệt có một vị lão Pháp sư rất từ bi, thầy Thích Thiện Huệ,
luôn luôn sát bên cạnh khuyến tấn, nâng đỡ, an ủi, chỉ giáo. Thật là may mắn
cho tôi trong đời này được gặp Ngài, nhờ Ngài mà tôi biết thêm được sự quí hóa
của lòng người! Xin cho con được thành tâm cảm niệm và tri ơn đến Thầy.
Sự hỗ trợ tận tình của chư vị đã giúp cho
cái phát nguyện tâm nhỏ bé này được hoàn thành. Nếu việc làm này có chút ít
công đức nào, nguyện xin hồi hướng cho pháp giới hữu tình được lợi lạc, cầu cho
thế giới hòa bình, tất cả chúng sanh đều được độ thoát. Xin hồi hướng công đức
đến chư vị, cầu cho tất cả chư vị đều viên mãn thành tựu thiện nguyện cao quí
trong một đời: Vãng sanh thành Phật.
Đúng ra, lời “Khuyên Người Niệm Phật” chưa
kết thúc ở đây. Theo như lễ, có hỏi phải có trả lời, tôi đã dự định sẽ gói ghém
những gì còn muốn nói thêm một số thư nữa, để góp ý kiến được rõ ràng hơn cho
những đạo hữu, hoặc những vấn đề từ gia đình, anh chị em, thân thuộc… gửi tới
mà chưa hồi thư được. Tuy nhiên, khi kiểm lại tập sách đã quá dày, thật không
biết cách nào ghép thêm! Thôi thì đành tùy duyên vậy. Hơn nữa, có những lời
khai thị, hoặc hướng dẫn của các vị Tổ Sư, Đại đức, khá quan trọng, rất cần
thiết, đúng ra phải được phụ đính vào trong tập 2, nhưng vì tập 2 cũng quá dày,
cho nên phải lưu lại trong tập 3. Cộng chung tất cả lại, nếu xem kỹ để thực
hành thì cũng tạm gọi là đầy đủ.
Phật pháp thâm quảng vô biên, muốn bàn thì
bàn hoài cũng không bao giờ hết. Bên cạnh đó, khả năng của tôi thực sự còn quá
giới hạn, tuổi đời không còn trẻ, trí óc thì càng ngày càng dễ lãng quên. Nghĩ
đến chuyện vô thường tấn tốc, mà nhiều lúc tôi phải giựt mình đổ mồ hôi, mong
muốn sớm được có ngày chuyên tâm niệm Phật. Một số những câu hỏi có liên hệ đến
những lời thư đã có sẵn, xin quí vị hãy lấy đó làm sự góp ý riêng. Những lời
thư này chỉ là những điều gần gũi, giúp cho người sơ học cái căn bản để phát
được tín tâm, khởi sự hạ thủ công phu tu tập mà thôi, chứ không có gì là xa vời
cả.
Việc sanh tử vẫn là đại sự! Chính như Diệu
Âm đây, trước sau vẫn chỉ muốn một đường đi, một cách tu, là: quyết lòng tin
tưởng, chí thành niệm Phật, cầu xin vãng sanh Tịnh-độ, chứ không dám mong tới
chỗ đạt lý. Đây là lời nói thành thực!
Những lời “Khuyên người niệm Phật”, xuất
hiện chỉ vì một sự tình cờ, bắt nguồn từ lòng muốn báo đền chữ hiếu với cha mẹ
mà thôi. Cho nên, xin chư vị đạo hữu hiểu cho rằng, đây chỉ là lời “Khuyên”,
chứ không phải là lời pháp. Vì sự nhiệt thành mà khuyến tu, chắc chắn không
tránh khỏi sự sơ suất, kính mong chư Tôn Phẩm, chư vị Đồng tu, Phật tử tha thứ
cho. Diệu Âm tôi thành tâm đa tạ.
Ví dụ, như khi ấn tống tập 1, đầu tiên tôi
cũng hơi ngỡ ngàng, vì đây toàn là những lá thư tình cảm riêng tư. Nhưng vì có
lời khuyến khích, tôi chỉ coi sơ, rồi giao hầu như trọn vẹn cho các vị phát tâm
tự làm lấy. Khi in xong mới phát hiện có một số lỗi lầm về chấm phết câu, nét
chữ quá nhỏ, một vài điều quá riêng tư không phù hợp lắm đối với đại chúng.
Có một lỗi quan trọng khác, như trong lời
thư số 17 viết cho cha mẹ, tôi nhắc lại một lời nói của ngài Tịnh Không: “Địa
ngục môn tiền Tăng Đạo đa”. Có lẽ đây là ngạn ngữ dân gian, mà tôi lại nhớ lầm
là trong kinh Phật. Hơn nữa, lời này là của một vị Hòa Thượng nhắc nhở Tăng
chúng, với tư cách của một cư sĩ đúng ra tôi không nên nhắc tới. Sự sơ suất này
làm cho tôi cảm thấy thật tội lỗi! Xin thành tâm sám hối.
Phật dạy: “Y ý bất y ngữ”, xin chư vị mở
rộng tâm lượng, lấy ý bỏ lời mà tha thứ cho. Chúng tôi sẽ tu chính lại những
điều sơ suất này và tái ấn tống tập đó, để cho tâm nguyện “Khuyên Người Niệm
Phật” được tốt hơn.
Trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Phật dạy
rằng: “Tất cả những cử chỉ động niệm của chúng sanh trong cõi Nam-Diêm-Phù-Đề
không có điều gì chẳng phải là tội lỗi…”, thì hỏi rằng, ta làm bất cứ chuyện gì
mà có thể tránh cho khỏi nghiệp chướng! Nghiệp chướng từ đâu? Sơ suất. Vì thế,
chúng ta cần phải biết sợ sự sơ suất mà luôn luôn tự kiểm điểm bản thân lại mới
được.
Nhưng trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng
Thọ, Phật lại dạy rằng, dù cho người phạm tội đến ngũ nghịch thập ác, phải bị
đọa địa ngục A-tỳ, nhưng nếu biết thành tâm sám hối tội lỗi, niệm Phật cầu
Tịnh-độ, khi lâm chung niệm được mười niệm, vẫn được đới nghiệp vãng sanh, cũng
như viên chứng tam bất thối, một đời viên mãn thành Phật.
Như vậy, người có tâm đạo không phải nhìn
thấy chướng ngại mà bỏ sự Phát-Bồ-đề-Tâm, nhưng điều quan trọng chính là chúng
ta phải biết phản tỉnh kịp thời để sám hối, để sửa chữa, thì tâm nguyện Bồ-đề
càng ngày càng được viên mãn hơn. Khuyên người tu hành là một đại thiện hạnh,
được chư Phật, chư Tổ khuyến khích. Lấy công đức này hồi hướng về Tây-phương để
cầu sanh Cực-lạc, thì mình được vãng sanh vậy…
Sẵn đây, Diệu Âm xin nói một đôi lời tâm sự
nhỏ, có lẽ cũng khá hay! Đây là một kinh nghiệm, xin được chia sẻ cùng chư vị
đạo hữu, nhất là những vị có tâm nguyện phục vụ xã hội, cứu giúp chúng sanh.
Khi thấy được niệm Phật là con đường có thể
thành đạo trong một đời này, trước bàn thờ Phật tôi đã chân thành phát lên lời
nguyện: “Quyết tâm hướng dẫn và giúp cho song thân niệm Phật”.
Sự phát tâm của tôi khởi đầu rất đơn giản là cố gắng giúp cho cha mẹ phát khởi
lòng tin, phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, rồi những chuyện khác từ từ tính
sau. Lời phát nguyện này bắt nguồn từ “Tam Phúc”, là “Tịnh nghiệp chánh nhân
của mười phương ba đời chư Phật”. Một câu đầu là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu” và một
câu cuối: “Khuyến tấn hành giả” đã làm căn bản cho tôi đi.
Nhìn về quá khứ, hơn nửa cuộc đời tôi chỉ biết
đi học, lập gia đình rồi đi xa, mà quên mất sự “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Nay gặp
được Phật pháp mới thấy lỗi lầm của mình quá lớn, nên liền phát tâm đền đáp
công ơn sanh thành.
Việc làm này được vợ con ủng hộ, anh chị em
tán thành. Nhưng song song đó,cũng có khá nhiều thử thách, đôi lúc cũng khá
đắng cay! Nhưng vì thương cha mẹ, tôi không dám bỏ cuộc giữa đường, mà lặng lẽ,
âm thầm, quyết tâm tìm mọi cách để hoàn thành tâm nguyện: Trọn hiếu làm con.
Hằng ngày tôi thường quỳ trước bàn Phật cầu
chư Phật, chư Bồ-tát, chư Long-Thiên Hộ Pháp gia trì.
Thực hiện được lời phát nguyện, có thể nói
rằng, Ấn Quang Đại Sư là một mẫu mực quí hóa nhất cho tôi nương theo. Ngay
chính những lá thư của Ngài gởi cho đồng tu cũng là một gợi ý khá hay, là chỗ
nương dựa rất tốt! Những lời khai thị, chỉ dạy của Ngài đều thiết thực, cụ thể,
giúp cho tôi hiểu rõ ràng rằng, tu hành là phải từ trong sinh hoạt cụ thể hằng
ngày mà xây dựng nên, chứ không ở đâu xa cả.
Ngài dạy: “Người niệm Phật nên khuyên cha
mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bà con, bạn bè… cùng niệm Phật. Chúng ta đã tìm
được con đường giải thoát thì nỡ nào để cho người thân bị chìm trong bể khổ
sông mê. Hơn nữa, khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây-phương tức là tạo dựng kẻ
phàm phu thành bậc Chánh Giác. Công đức này thật vô lượng vô biên. Nếu đem công
đức ấy hồi hướng cầu vãng sanh thì quyết định thành Phật đạo, không sai”.
Lời khai thị này là ngọn đuốc thật sáng, soi
suốt con đường cho Diệu Âm đi.
Khuyên người niệm Phật là một sự “Phát Bồ-đề
Tâm” chân chính, lại dễ làm. Với hạng hạ căn độn trí, ngoài cách này ra, tôi
không biết còn cách nào khác hơn để trả tròn đạo hiếu!
Một công hai chuyện. Hai chuyện đều hỗ trợ
cho việc vãng sanh, và có lẽ việc này ai cũng có thể làm được. Chính vì thế,
khi cơ duyên đưa đến, tôi liền chuyển sự khuyên cha mẹ niệm Phật thành ra
“Khuyên người niệm Phật”.
Mình niệm Phật thì quyết lòng cầu xin vãng
sanh. Mình khuyên người niệm Phật thì cũng quyết lòng khuyên, để người được
vãng sanh, nhưng người có nghe theo hay không, đồng lòng hay chống đối, thì
hoàn toàn xin tùy thuận theo thiện căn phước đức cá nhân.
Tùy duyên chứ không phản duyên. Như vậy, thì
tâm của ta vẫn an nhiên tự tại, vừa làm chuyện công đức giúp người, vừa để tự
cứu chính ta. Thật là lợi người lợi ta!
Tuy nhiên, dù là làm việc thiện, chúng ta
cũng cần cẩn thận! Trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Quên phát Bồ-đề Tâm mà tu
hành các thiện pháp, gọi là hành động của ma”. Lời này thấm thía lắm, tinh tế
lắm!
Theo lời Phật dạy, quí vị muốn làm một việc
thiện lành nào thì xin hãy phát cái tâm nguyện trước rồi mới làm, chứ đừng nên
làm việc thiện trước mà quên phát nguyện tâm. Nhờ thế, mới giúp ta tránh khỏi
những chướng ngại bất chợt xảy đến mà sanh ra phiền não!…
Bỏ tu hành thì mình bị đọa lạc. Thấy cha mẹ
có thể bị nạn mà không tìm cách cứu giúp, thì bất hiếu! Thấy chúng sanh khổ đau
mà không thương hại, thì thiếu từ bi. Làm việc thiện lành, bị người ta chê cười
mà sanh ra phiền não… đó là vì chính ta thiếu định lực! Phật dạy: “Quên phát
Bồ-đề Tâm mà tu hành các thiện pháp, gọi là hành động của ma”. Xét cho kỹ mới
thấy lời Phật nói đều là chân lý. Quên phát mà Phật còn nói như vậy huống chi
là ta không phát!
Tại sao bị phiền não vậy? Thưa rằng, chính vì ta chưa phát tâm nguyện
chân chính. Phát tâm nguyện Bồ-đề là xác lập lý tưởng. Nhờ có lý tưởng mà
ta khỏi bị lung lay ý chí.
Theo kinh Đại Tập của Phật, thì thời này đã
rơi vào giai đoạn đấu tranh kiên cố của thời mạt pháp! Người chạy theo trần
cảnh thì nhiều, người đạo đức thì ít, người lo tu hành để giải thoát thì lại
càng ít hơn. Vậy thì, khi gặp một người có tu hành, hoặc mới biết tu, ta cần
quí mến, kính trọng và nâng đỡ họ lên. Nên nhớ rằng, tu là tu sửa, người tu
hành là người đang sửa sai, sửa dần để mỗi ngày mỗi tốt hơn, chứ không phải tu
là thành Thánh liền.
Lục Tổ Thiền Tông Huệ Năng dạy: “Nếu là
người chơn tu, thì không nhìn thấy lỗi của kẻ khác”. Vậy thì, nếu ta biết tu,
thì hãy cố gắng trợ giúp, dìu dắt, thương yêu, chỉ giáo cho nhau cùng tu, cùng
niệm Phật để cùng được giải thoát. Đây là tâm hạnh đáng quí nhất để đối trị với
thời mạt pháp vậy.
Điều cuối cùng, Diệu Âm cũng xin thành tâm
sám hối, hoặc xin được tha thứ, mấy điều dưới đây:
- Trong những lời thư này chắc chắn không thể tránh khỏi điều sơ suất, hoặc do
ngu dại hoặc đánh máy sai, hoặc vì lý do nào khác. Xin chư vị Tôn Phẩm, Đồng
tu, Phật tử tha thứ, chỉ giáo cho. Thành tâm cảm tạ.
- Nếu có lời sơ ý nào xúc phạm đến đoàn thể,
đạo tràng, cá nhân, v.v… thì đây là do sự hiểu biết quá cạn của Diệu Âm chứ
không phải cố ý. Diệu Âm suốt những năm tháng qua thường ít nghiên cứu, ít tiếp
xúc rộng rãi, cho nên sự việc này cũng dễ sơ ý mắc phải.
- Nhiều lúc vì quá nhiệt tâm khuyên người tu
hành, có thể Diệu Âm có những lời thư hơi cứng rắn, thiếu ý tứ gây phiền não
đến người đọc.
- Cũng còn một số thư và câu hỏi khác, nhưng
Diệu Âm chưa trả lời riêng được, vì không đủ thời gian để hồi thư. Xin quí đạo
hữu tha thứ. Diệu Âm chân thành xin lỗi.
- Ngoài những vấn đề trên, nếu còn gì khác,
tất cả đều xin sám hối.
Nam Mô A-di-đà Phật.
Cư sĩ Bồ-tát giới,
Diệu Âm (Úc Châu).
LỜI PHÁT NGUYỆN
Nam Mô A-di-đà Phật,
Đệ tử pháp danh Diệu Âm thành tâm đảnh lễ
A-di-đà Phật, biến pháp giới chư Phật, chư Bồ-tát, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng.
Bắt đầu từ hôm nay con xin phát nguyện:
1) Nguyện vì tất cả chúng sanh muôn loài
trong đời này và vô lượng kiếp trước đã bị con giết hại, hoặc để ăn thịt, hoặc
vô tình, hoặc cố ý, hoặc để vui chơi; vì lịch đại kiếp số oán thân trái chủ; vì
tất cả những sai phạm xuất phát từ thân khẩu ý, đã tạo nên nghiệp chướng sâu
nặng, tất cả con đều xin thành tâm sám hối. Từ nay về sau quyết lòng tu sửa ba
nghiệp, không dám tái phạm lỗi lầm, không chống đối bất cứ một ai.
2) Nguyện tuân giữ ngũ giới, thập thiện,
hành theo Bồ-tát đạo, sống đời thiện lành, hiếu hạnh; mỗi ngày Lễ-Bái không
dưới 700 lễ, nhất tâm hệ niệm A-di-đà Phật, tích công lũy đức, hồi hướng cho
mười phương pháp giới chúng sanh, cầu cho thế giới thái bình, chúng sanh đều
được độ thoát.
3) Nguyện phát tâm khuyên người niệm Phật,
nguyện người hữu duyên tiếp xúc được lời khuyên đều phát lòng tin tưởng, niệm
Phật, cầu sanh Tịnh-độ và sau cùng đều được viên mãn ý nguyện: Vãng sanh
Cực-lạc.
4) Nguyện vì khổ nạn của tất cả chúng sanh
trong mười phương pháp giới, trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ tam đồ,xin phát
nguyện vãng sanh Cực-lạc, sớm ngộ Vô-Sanh, thành đạo Vô-Thượng, độ vô biên
chúng sanh vãng sanh Tây-phương, viên thành Phật đạo.
Nam Mô A-di-đà Phật,
Diệu Âm Phát Nguyện.