Kính gởi quý đồng tu ở Paris, các cô bác ở An Thái, cùng gia đình ở
VN!
Cùng một số quí đạo hữu ở các nơi khác đã
nêu ý kiến muốn bàn thêm về sự hộ niệm. Thư này Diệu Âm xin viết chung. Trước
đây chúng ta cũng đã có một số thư bàn đến tổng quát về sự hộ niệm, sự hộ niệm
liên hệ tới con cháu trong gia đình. Hôm nay ta xin bàn tới ban hộ niệm.
Hộ niệm quan trọng lắm. Người niệm Phật quyết lòng cầu sanh Tịnh-độ cần chú ý
đọc kỹ những thư này, phải thực hiện cẩn thận, không nên lơ là! Đây là những
vấn đề chính yếu xin tất cả quý bác, quý đạo hữu nên đặc biệt lưu ý. Lời thư
này sẽ cố gắng đóng góp cho quý cô bác và đồng tu một ý niệm căn bản rồi tùy theo
hoàn cảnh mỗi nơi mà uyển chuyển ứng dụng để thực hành sự hộ niệm. Trước khi
nói đến ban hộ niệm, chúng ta nên biết sơ về nhóm liên hữu.
1) Nhóm liên hữu:
Gọi cho dễ hiểu là nhóm cộng tu niệm Phật. Nhóm
liên hữu gồm có những vị đồng tu có chung lý tưởng vãng sanh kết bạn tâm giao,
ngày ngày hội nhau tu hành niệm Phật. Ở những đạo tràng chuyên tu
Tịnh-độ, thì đạo tràng là nơi cho mọi người hàng ngày tề tựu về niệm Phật, nhóm
liên hữu tự nhiên đã được thành hình. Còn ở những vùng không có đạo tràng, hoặc
những nơi chưa có sự chuyên tu pháp môn Tịnh-độ, thì cần nên thành lập nhóm
cộng tu riêng để cùng nhau niệm Phật. Ấn Quang đại sư, vị tổ thứ 13 của Trung
Quốc chủ trương: một đạo tràng nhỏ với số người không nên quá 20, là lý tưởng
nhất. Đây là hình thức của nhóm liên hữu cộng tu hơn là ngôi chùa hay
tự viện. Theo Ngài, một đạo tràng cần phải có người thành tựu đạo quả, chứ không phải
nhắm vào chuyện gieo duyên Phật pháp.
Tu hành một cách riêng lẻ cũng có thể được
thành tựu, nhưng nếu thành lập thành nhóm để tu chung với nhau thì sự thành tựu
sẽ cao hơn, sẽ an toàn hơn để vãng sanh. Ngay những nơi có đạo tràng, vẫn nên
có nhóm liên hữu để tạo được không khí tu hành mạnh mẽ và hỗ trợ cho sinh hoạt
của tự viện hoặc đạo tràng. Hầu hết các tự viện hiện nay hằng ngày thường có ba
thời công phu dành cho tứ chúng trong nội viện. Ngoài ra, thỉnh thoảng tổ chức
thọ bát-quan-trai cho Phật tử ngoại viện, chứ ít có thời khóa cho Phật tử thực
hiện Phật thất.
Phật-Thất và Bát-Quan-Trai khác nhau. Theo
Trí-độ-luận và Thành-thật-luận thì Bát-Quan-Trai là phép giới cho hàng cư sĩ
tại gia tập sống thanh tịnh một ngày một đêm như đời xuất gia, thanh tịnh thân
tâm, giữ gìn 8 giới cấm gọi là bát
giới là KHÔNG: sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, uống rượu, dùng son phấn
và nước hoa, ca hát nhảy múa, không ngủ giường cao đẹp, và còn một giới nữa là:
không ăn quá ngọ, gọi là trai giới. Gộp hai điều lại gọi là
“Bát-Trai-Giới” hay “Bát-Quan-Trai-Giới”. Những điều này Phật dạy trong Kinh
A-Hàm. Còn Phật-Thất là pháp ứng dụng
từ kinh Phật thuyết A-di-đà, niệm Phật bảy ngày, nhất tâm bất loạn, cầu sanh
Tịnh-độ. Niệm Phật muốn được thành tựu, cần bảo đảm ba điều “KHÔNG”: không hồ nghi, không xen tạp, không gián
đoạn. Muốn thực hiện điều này, thông thường những đạo tràng chuyên tu Tịnh-độ
mới đáp ứng được nhu cầu, nghĩa là tất cả đều “nhất hướng chuyên niệm A-di-đà
Phật” trong suốt thời khóa tu hành.
Chính vì vậy, người muốn chuyên lòng niệm
Phật, cầu cho báo thân này vãng sanh Tịnh-độ thì những đồng tu ở gần nhau nên
họp lại thành nhóm cộng tu nhỏ, ở đó tất cả đồng một lòng, chung một hướng ngày
ngày chấp trì niệm câu Phật hiệu không hồ nghi, không xen tạp, không gián đoạn.
Lập nhóm cộng tu nhỏ, từ 4 đến 20 người, chỉ cần một bàn thờ đơn giản trang
nghiêm với một hình tượng Phật A-di-đà hoặc Tây-phương Tam Thánh là đủ, rồi tề
tựu lại cùng nhau thành tâm niệm Phật, khuyến tấn lẫn nhau, tránh sự giải đãi,
sinh hoạt đơn giản, miễn tất cả hình thức rườm rà, không liên hệ gì tới tiền
bạc. Đây chính là môi trường thanh tịnh, một nhân tố rất tốt để thành tựu đạo
nghiệp và nhất là tiện việc trợ niệm cho nhau khi cần thiết.
*) Thế nào gọi là thành tựu đạo quả? Đối vối các pháp tự lực thì phải đại triệt
đại ngộ mới có thể giải thoát rốt ráo, viên thành Phật đạo. Trong thời mạt pháp
này, căn tánh của chúng sanh thấp, nghiệp chướng nặng, ma chướng nhiều, làm sao
có thể mơ tới ngày được đại triệt đại ngộ để thoát ly tam giới! Còn người niệm
Phật, nếu đạt đến “Lý nhất tâm bất loạn” thì tương đương với “Minh tâm kiến
tánh”, nhưng dễ có mấy ai làm được! Không sao! Không được lý nhất tâm bất loạn
thì “sự nhất tâm bất loạn” cũng vãng sanh. Không được sự nhất tâm bất loạn, thì
chỉ cần “nhất-tâm-hệ-niệm” cầu sanh Tịnh-độ thì được đới nghiệp vãng sanh, cũng
thoát ly sanh tử luân hồi, một đời viên mãn thành tựu đạo quả.
“Nhất-tâm-hệ-niệm” là niệm Phật không hồ nghi, không xen tạp và không gián
đoạn.
Phương pháp tu hành của Thiền-tông và
Giáo-hạ thì cao siêu, bậc thượng căn thượng trí trở lên mới tự tu chứng quả,
trung hạ khó bề với tới. Pháp tu Tịnh-độ tông có vẻ hiền hòa, dành cho tất cả
mọi căn tánh, thích hợp cho cả ba hạng thượng trung hạ căn, nhưng sự thành tựu
thì được ghi nhận là vượt trội. Người niệm Phật có tâm khiêm hạ, biết nương nhờ
Phật lực gia trì, nếu tin tưởng pháp môn, một lòng thành tâm niệm Phật, tha
thiết nguyện cầu vãng sanh thì trong một báo thân này có thể hoàn thành đạo
nghiệp. Sự kiện này đã được chứng minh quá hiển nhiên, nhiều ông già bà lão,
nhiều người niệm Phật một thời gian ngắn đã đương nhiên ra đi với những thoại
tướng quá tốt, lấy kinh Phật ra ấn chứng đúng là “Vãng sanh Tây-phương Cực-lạc
Quốc”.
Trong thư này Diệu Âm sẽ đưa ra thêm bằng
chứng khác về sự tự tại vãng sanh, thật là một chuyện giống như “du hí thần
thông” của thế kỷ 21, thế kỷ của khoa học. Trong kinh Phật thuyết A-di-đà Kinh,
đức Bổn Sư Thích-ca dạy, người nào niệm danh hiệu A-di-đà Phật từ một ngày đến
bảy ngày, nhất tâm bất loạn, thì khi lâm chung sẽ được đức Di Đà và Thánh chúng
hiện tiền tiếp dẫn.
Phải chăng, niệm Phật là đường tu rộng thênh
thang, thẳng tắp, lót bằng vàng cho chúng sanh xuất ly tam giới, giã từ sanh tử
luân hồi, vượt qua thập pháp giới, viên thành Phật đạo ở cõi nhất chân pháp
giới Tây-phương Cực-lạc của Phật A-di-đà!…
*) Vượt được sanh tử lục đạo thì được tất
cả, chưa qua khỏi cửa ải này thì kiếp người còn lắm gian nan! Mỗi lần trải qua
một cuộc cách ấm thì thần thức mê muội, quên hết tất cả những gì xảy ra trong
quá khứ. Công phu tu tập còn lại có chăng chỉ là những chủng tử gieo vào đệ bát
thức A-lại-da. Những chủng tử này có thể là thiện, là ác, là tốt, là xấu, v.v…
dù dưới hình thức nào cũng là “Nghiệp” của người đó mà thôi! Từ vô lượng kiếp
đến nay, một người tạo ra thiện nghiệp, ác nghiệp, vô ký nghiệp, vô lượng vô số
nghiệp đều chứa giữ trong tạng thức A-lại-da, thì thiện nghiệp trong đời này dù
có lớn cho mấy đi nữa thì nó cũng chỉ đóng góp vào cái kho tàng vô đáy của tạng
thức. Những chủng tử này là những cái nhân, phải chờ gặp được cơ duyên mới sanh
tác dụng.
Chủng tử thiện nhiều thì hy vọng đời sau
được hưởng thiện quả, chủng tử ác nhiều dễ bị ác báo ở tương lai. Lâu hay mau,
trước hay sau đều là tùy theo duyên. Ví dụ, như chúng ta đời này được sanh làm
người là do chủng tử thiện khởi phát dẫn dắt tới cảnh giới thiện, tức là cảnh
giới người. Nhưng nghiệp ác của chúng ta có hay không? Chắc chắn có, nó đang
chờ cơ hội để hiện hành lôi ta vào ác đạo, hoặc giả một số ác báo cũng đã hiện
thành rồi, ví dụ như nhiều người có cuộc sống khổ sở còn thua con vật! Đây
chính là vì cái nhân làm ác từ trước đưa đến quả báo này vậy!
Những con vật chúng ta thấy được trên đời là
do ác nghiệp dẫn dắt chúng tới ác đạo, tức là cõi súc sanh. Nhưng thiện nghiệp
của chúng có hay không? Chắc chắn có, thiện nghiệp này nếu có cơ duyên có thể
cứu con vật thoát khỏi cảnh giới loài vật. Hoặc giả, cũng có một số con vật được
thiện báo hiện hành, ví dụ như những con chó đang hưởng phước ở trong nhà giàu
sang. Rõ ràng là con chó mà cuộc sống còn sướng hơn nhiều người! Đây chính là
đời trước biết làm phước, nhưng vì ngu si mà lạc vào hàng súc sanh. Thật đáng
tiếc! Rơi vào tam ác đạo thì quá dễ, chỉ cần một ý niệm xấu ác khởi lên là đủ!
Nhưng muốn ra khỏi tam ác đạo thì thời gian vạn kiếp sau chưa chắc sẽ được
thoát nạn.
Cho nên, chưa vượt qua lục đạo thì thiện
nghiệp hay ác nghiệp vẫn là thân phận của một chúng sanh trong tam giới, chưa
thể thoát nạn! Nói rõ hơn, vẫn còn phải tùng nghiệp thọ báo trong luân hồi khổ
nạn, tương lai chưa biết được là may hay rủi!
Trong thời mạt pháp tu hành khó lắm! Vạn ức
người tu không tìm ra một người chứng đắc! Đã không chứng đắc thì làm sao chúng
ta có hy vọng thành tựu? Xin thưa rằng, chư Đại đức Tổ sư thường dạy, vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc không cần đến sự chứng đắc. Chứng đắc cần cho các pháp tu tự
lực, tự mình phải thân chứng qua tất cả mọi cảnh giới để thành tựu đạo quả. Khó
chính là ở chỗ này! Chúng sanh trong thời mạt pháp căn tánh trung hạ khó phá
được phiền não, không đoạn được nghiệp hoặc, cho nên muốn tự viên thành Phật
đạo thì thời gian phải tính bằng vô lượng kiếp tu hành mà chưa chắc đã thành
công. Còn người niệm Phật vãng sanh là “đới nghiệp vãng sanh”, chứ không phải
là chứng đắc để thăng tiến. Nghĩa là, chỉ cần dùng câu A-di-đà Phật bao phủ
nghiệp chướng, đè phiền não xuống, một lòng tin sâu thiết nguyện là đủ để vượt
qua tam giới, sanh về thế giới Tây-phương Cực-lạc, một đời thoát ly sanh tử
luân hồi. Về tới Tây-phương chắc chắn sẽ trở thành bậc bất thối chuyển, một đời
thành Phật, gọi là “Nhất sanh thành Phật”. Được như vậy chính yếu là nhờ sự gia
trì của đức Phật A-di-đà và chư Phật mười phương chứ không phải năng lực tự tu
chứng của chúng ta.
Có thực vậy chăng? Trong kinh Vô Lượng Thọ,
đức Phật dạy, người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là thực hiện cái “Hạnh siêu Phổ
Hiền đăng bỉ ngạn”, đây là pháp tu để thành Phật vượt hẳn đức Bồ-tát Phổ-Hiền.
Bồ-tát Phổ-Hiền là Đẳng Giác Bồ-tát, một vị trong Hoa Nghiêm Tam Thánh ở thế
giới Hoa-Tạng. Tại sao lại siêu vượt Ngài? Vì Bồ-tát Phổ-Hiền đã tu hành vô
lượng kiếp mới thành Đẳng Giác Bồ-tát ở cõi Hoa-Tạng, rồi từ Hoa-Tạng thế giới
Ngài mới phát mười đại nguyện vương quy về Tây-phương Cực-lạc để viên mãn Phật
quả. Trong khi đó, chúng ta từ địa vị một phàm phu đầy dẫy nghiệp chướng, niệm
Phật cũng được vãng sanh thẳng về thế giới Cực-lạc. Sự siêu vượt chính là ở chỗ
không phải trải qua vô lượng kiếp tu hành vậy. Về đến Tây-phương thì “nhất sanh
thành Phật”, nghĩa là một đời thành Phật, nếu lấy thời gian ở nhân gian mà tính
thì khoảng cách từ 3 kiếp đến 12 kiếp là viên thành đạo quả. Thật sự bất khả tư
nghì!
Trước đây chúng ta có coi qua cuộn “Hoa Khai
Kiến Phật”, quay lại cuộc vãng sanh của cụ Triệu Vinh Phương vào năm 1999. Một
bà cụ già 89 tuổi mới bắt đầu niệm Phật, 94 tuổi an nhiên về với Phật, hào
quang sáng lòa, hương quang lan tỏa khắp nơi, lưu lại xương xá lợi giống hệt
tượng Phật. Giả sử như khi đó Cụ không niệm Phật cầu vãng sanh, thì liệu năm
1999 Cụ có thoát được tam giới dễ dàng như vậy không?!…
Mới đây, lại có một cuộn phim vãng sanh
khác, quay lại một Phật thất gọi là “Vãng Sanh Phật Thất” ở chùa Phật-Thành,
tỉnh Tứ-Xuyên. Phật thất đặc biệt này được tổ chức để đưa tiễn cụ Ngụy Quốc Hưng
76 tuổi vãng sanh vào ngày 5/2/2003. Chuyện vãng sanh này có lẽ còn thù thắng
hơn chuyện cụ Triệu Vinh Phương.
Ông cụ Ngụy Quốc Hưng là một người thợ mộc
bình thường, trung thành niệm Phật, đã biết trước được vào lúc 12 giờ ngày
5/2/2003 đức Phật A-di-đà sẽ đến tiếp dẫn. Tự viện Phật Thành đã tổ chức bảy
ngày niệm Phật để tiễn đưa. Trong bảy ngày Phật thất, hàng ngày cụ đều dâng
hương, lạy Phật, kinh hành, tụng kinh với mọi người. Mỗi ngày cụ đều ngồi khai
thị nhắc nhở đại chúng niệm Phật. Ngày cuối cùng của Phật thất là ngày cụ vãng
sanh, cụ báo cho mọi người biết thời gian từng giờ tới thời điểm ra đi. Đến 12
giờ cụ vẫn còn ngồi khai thị, cụ nhìn đồng hồ rồi nói: “hai phút nữa tôi đi”.
Sau khi nói lời cảm ơn mọi người tới tham dự hộ niệm, cụ đứng lên vẫy tay từ
giã, rồi cùng với sư trụ trì và con cháu bước vào vãng sanh đường, ngồi lên
chiếc ghế an nhiên thoát hóa. Lúc đó đồng hồ ở đó chỉ 12 giờ 02 phút ngày
5/2/2003. Ngay lúc vãng sanh, có khoảng ba trăm người nhìn thấy Tây-phương Tam
Thánh hiện ra trên đỉnh nóc vãng sanh đường phóng quang tiếp dẫn. Thật bất khả
tư nghì!
Nhìn cuộn phim “Vãng Sanh Phật Thất” làm cho
chúng ta tràn đầy tin tưởng. Ai có duyên coi được cuộn phim này rồi, thì hãy
mau mau thức tỉnh. Ai muốn về với Phật hãy niệm Phật, ngày ngày cầu nguyện vãng
sanh Tây-phương Cực-lạc. Phật dạy, chỉ còn câu Phật hiệu mới mong thoát khỏi
trầm luân, thì những khúc phim này là sự chứng minh rất cụ thể. Người con Phật
hãy quyết lòng tin theo lời Phật dạy, mau mau y giáo phụng hành, để thành tựu
đạo Bồ-đề. Người giác ngộ thì hạ thủ công phu liền, đừng nhiều lời biện bác mà
coi chừng bị mắc mưu hai chữ “Vô Thường” đó! Sự thật đã được hiển nhiên, thì
xin đừng để mất cơ hội! Với tâm nguyện khuyên người niệm Phật, chúng ta thành
tâm khuyên nhắc nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Đừng nên niệm lục đạo luân
hồi, cầu tiền tài danh vọng nữa! Có vừa đủ sống thì hãy mau mau lo tu hành.
Đừng niệm tam đồ, cầu lấy tham sân si mạn làm chi! Tất cả những thứ này là cái
nhân để đi vào ác đạo, ở đó là chỗ có thực để chịu vạn sự đau khổ thống thiết
lũy kiếp chứ không phải là chuyện viển vông đâu!
Tóm lại, tu hành trong thời mạt pháp khó
thực, nhưng khó vì không biết cách tu, chứ không phải khó vì không có đường
giải thoát. Cuộn phim này chắc chắn sẽ gởi đến tận tay quý cô bác, quý đạo hữu.
Xin mọi người hãy phát tâm bố thí pháp lành, sang cho nhiều để mọi người cùng
ngộ ra chân lý.
Vậy thì, thoát tam giới, liễu thoát sanh tử
là điều phải thực hiện trước nhất. Đây là điểm nguy hiểm nhất, chướng ngại
nhất, khó khăn nhất, và cũng là tất cả sự thành tựu cho cả kiếp người. Xin các
cô bác, quý đạo hữu hãy dành tất cả mọi năng lực để vượt qua ải này! Tu hành
nhất định là phải thoát cho được cái vòng lẩn quẩn sanh tử luân hồi, rồi mới
tính gì tính. Còn như bị kẹt lại trong lục đạo, chưa qua khỏi cửa ải này, thì
những mộng ước cao sang, những lý tưởng cao đẹp, những triết lý cao siêu… coi
chừng chỉ là vọng tưởng, là mộng huyễn bào ảnh mà thôi!
*) Làm sao vượt được lục đạo luân hồi? Pháp môn niệm Phật cứu độ chúng
sanh một đời giải thoát, đã được chư Phật tán thán, chư Tổ sư tuyên dương là
pháp tối thắng trong tối thắng, phương tiện trong phương tiện, thâu nhiếp cả
thượng-trung-hạ căn một đời viên mãn thành Phật. Trong 84 ngàn pháp môn của
Phật chưa có pháp nào nói lên được điều này. Muốn thành tựu lý tưởng này, người
niệm Phật phải đủ tín-hạnh-nguyện. Tín thuộc về thiện căn, hạnh thuộc về phước
đức, nguyện thuộc về nhân duyên. Nếu thiếu một trong ba yếu tố này khó thể vãng
sanh được.
Tuy nhiên, tình thực mà nói khó có người hội
đủ điều về thiện căn, phước đức, và nhân duyên thì làm sao đây? Ngoài vấn đề
này ra, còn có cái khó khăn khác từ nghiệp chướng, từ oan gia trái chủ, từ ma
chướng phá hoại. Như vậy, làm sao có thể vượt qua chướng ngại này?
Thực ra, khó thì có khó, nhưng cái khó chính
vẫn là từ tâm địa của chúng sanh! Người không muốn vãng sanh, thì có dễ cũng
thành khó. Còn người thật sự muốn đi, thì khó cũng trở thành dễ. Hãy quyết tâm
đi tới, tất cả những việc khác hãy để đức Di Đà lo liệu. Hãy vững lòng tin
tưởng, cương quyết phát tâm niệm Phật, chí thiết phát nguyện vãng sanh, rồi
chuẩn bị sự hộ niệm thật cẩn thận, thì sự vãng sanh không còn khó nữa vậy.
2) Ban hộ niệm:
Công đức của ban hộ niệm lớn vô cùng! Việc
làm của ban hộ niệm rất quan trọng, có thể độ một người thành Phật chứ không
phải tầm thường. Cho nên, người lãnh phần hộ niệm không thể hời hợt hay coi
thường nhiệm vụ của mình. Từ sinh hoạt của nhóm liên hữu, chúng ta dễ dàng biến
thành ban hộ niệm. Người trong ban hộ niệm phải là người biết niệm Phật, tin
pháp môn, đừng mời gọi những người hiếu kỳ, thiếu niềm tin tham gia vào ban hộ
niệm. Hộ niệm là cứu độ chúng sanh, đây là tâm nguyện của chư Phật, của chư
Bồ-tát. Xin quý cô bác, quý đạo hữu phải coi thật trọng mới được.
Trong nhóm liên hữu cộng tu, hằng ngày chúng
ta hội họp nhau để niệm Phật, thì ngay sinh hoạt này đã có sự hộ niệm cho nhau
rồi. Khuyến tấn tu hành, tăng trưởng lòng tin, tô bồi phước thiện, tích lũy
công đức, tiêu trừ nghiệp chướng, v.v…tất cả thành quả này đang từng ngày dồn
về cái quả báo vãng sanh. Cho nên sinh hoạt cộng tu trong nhóm niệm Phật là
đang thực hành công tác hộ niệm, chỉ có khác nhau là cộng tu thì hằng ngày cùng
nhau tu tập, còn hộ niệm là chủ tâm nhắm vào lúc có người bệnh nặng hay lâm
chung. Danh xưng có khác nhau, nhưng nội dung có chỗ tương đồng, chỉ cần tâm ý
chuyển xoay thì cộng tu trở thành hộ niệm vậy.
Hộ niệm hay trợ niệm là khi có người bệnh
nặng sắp lâm chung chúng ta đến niệm Phật trợ giúp cho bệnh nhân giữ được chánh
niệm, tránh được nhiều chướng ngại để được vãng sanh thẳng về cõi Tây-phương
của Phật A-di-đà. Nếu hàng ngày chúng ta gặp nhau niệm Phật, hằng ngày đều phát
nguyện vãng sanh, ngày ngày đều hồi hướng công đức về Tây-phương. Rõ ràng cộng
tu với nhau giống như đang hộ niệm cho nhau rồi đó. Thêm một bước nữa, khi một người
trong nhóm lâm bệnh, chúng ta tới nhà người đó niệm Phật, khuyên bảo nhau giữ
vững niềm tin, quyết lòng cầu vãng sanh, không cần cầu hết bệnh, mọi người đồng
lòng hứa bảo vệ, hồi hướng cho người đó, thì đây gọi là hộ niệm. Người trong
ban hộ niệm, chúng ta nên có tâm nguyện cứu độ chúng sanh, chúng ta đi khuyên
nhủ nhiều người niệm Phật, giảng cho họ hiểu ý nghĩa vãng sanh, khuyên họ cầu
nguyện vãng sanh và chấp nhận sự hộ niệm khi họ lâm chung. Có như vậy thì chúng
ta hy vọng cứu được nhiều người. Chứ mang danh hộ niệm mà chính mình không tu
hành, thì công đức đâu mà hộ niệm; không dám tuyên truyền sự vãng sanh thì ai
biết tới Tây-phương mà cầu tới mình đi hộ niệm! Sau đây, chúng ta đi vào một số
chi tiết. (Xin xem thêm những thư nói về hộ niệm trong tập 1 và 2, và nhất là
phải xem thật kỹ những trang phụ lục về hộ niệm. Ở đây chúng ta chỉ bổ túc thêm
những điểm cần lưu ý thôi).
3) Những điểm nên làm của ban Hộ niệm:
*) Thành tâm cứu người: Hộ niệm là để giúp
người vãng sanh. Đối với người bệnh, phải có tâm nguyện tha thiết cầu sanh
Tịnh-độ, nếu người bệnh không có tâm nguyện này thì sự hộ niệm cũng khó thành
công! Đối với người hộ niệm phải có tâm chí thành cầu nguyện Phật A-di-đà tiếp
dẫn người ra đi. Hãy tận lực niệm Phật, thành tâm tha thiết cầu nguyện cho
người được vãng sanh như cầu cho chính người thân yêu nhất của mình. Đừng nên
nghi ngờ, chán nản, hay hiếu kỳ chuyện lạ hay cứ thăm dò thử bệnh nhân có được
vãng sanh hay không. Hãy nhiếp tâm niệm Phật, đừng phân tâm mà giảm công đức hộ
niệm của mình.
*) Thiết bị: Ban hộ niệm cần có
những thứ như: tượng Phật A-di-đà hoặc Tây-phương Tam Thánh, khánh, lư hương,
nhang, đèn. Thông thường những ban hộ niệm có một bức tượng Phật A-di-đà nhỏ
gọn. Thực ra, nếu được, nên hộ niệm với bức tượng Phật lớn thì rất tốt, càng
lớn càng tốt. Tượng Phật lớn bao giờ cũng cảm ứng mạnh hơn, trang nghiêm hơn,
từ lực lớn hơn tượng nhỏ. Trong vãng sanh đường của chùa Phật Thành, nơi cư sĩ
Ngụy Quốc Hưng vãng sanh, tượng Phật A-di-đà tiếp dẫn cao đến đụng trần nhà,
lớn nguyên một bức vách.
Có điều khó khăn là lớn quá thì không tiện
việc cất giữ và khó di chuyển, nên phải dùng hình Phật nhỏ mà thôi. Bàn thờ
Phật, nếu được, có thể thiết lập đơn giản chứ không nên quá rườm rà. Những nơi
không lập bàn thờ được thì vị trí của tượng Phật phải đặt đối diện với bệnh
nhân hoặc nơi nào cho bệnh nhân dễ trông thấy là được. Nói chung, hình thức thì
uyển chuyển, nhưng phải giữ đúng nguyên tắc là: bệnh nhân phải thấy được tượng
Phật. Có thể đốt nhang, nhưng không nên quá nhiều, quá nồng, những nơi không
khí ngột ngạt có thể miễn.
*) Pháp khí: nên dùng khánh để
giữ nhịp chung, niệm cho đều, tránh niệm lộn xộn. Nếu không có khánh thì có thể
dùng loại mõ lớn để có tiếng trầm hùng, tránh âm thanh sắc bén hay đục. Nếu
bệnh nhân chưa từng quen với pháp cụ thì không nên gõ mõ hay đánh khánh. Nếu
bệnh nhân thường niệm theo máy niệm Phật thì niệm theo máy rất tốt. Có thể niệm
bốn chữ hay sáu chữ. Nói chung, cách niệm tốt nhứt là nên tùy theo thói quen
của bệnh nhân, không nên đặt nặng vấn đề có pháp khí hay không.
*) Tư thế vãng sanh: Có một vài nơi hướng
dẫn hộ niệm thì bắt buộc người bệnh phải nằm nghiêng bên phải và đầu hướng về
phía tây. Những điều này đối với chư vị Tổ sư, Đại đức Tịnh-độ không lấy làm
trọng, nghĩa là nếu được thì tốt, còn không được thì phải nên tùy thuận theo sự
thoải mái của bệnh nhân, muốn nằm, ngồi, nghiêng bên phải hay nghiêng bên trái
hay nằm thẳng đều được, không nên cưỡng ép. Hướng nằm cũng không cần đặt vấn đề
đông tây nam bắc gì cả, tùy thuận theo hoàn cảnh tự nhiên là tốt nhứt.
*) Phân ban: Lúc chưa lâm chung
thì khoảng từ 2 đến 4 người túc trực hộ niệm là đủ. Tới thời điểm lâm chung thì
dồn lực lượng để hộ niệm. Sau đó phải tiếp tục luân phiên hộ niệm ít ra 8 tiếng
đồng hồ mới được ngừng. Đừng lo sợ việc tẩn liệm khó khăn. Nếu khó, chỉ cần
dùng khăn nhúng nước nóng đắp các khớp xương, vài phút sau là sửa lại tư thế dễ
dàng.
*) Đề phòng chướng ngại: Một là người thân
không hiểu đạo, thường khóc lóc, kêu réo… nhất là lúc tắt thở. Hai là người
ngoài đột xuất bước vào phòng hỏi thăm bịnh tình. Cả hai trường hợp này có thể
gây chướng ngại cho việc vãng sanh! Cần nên có những tờ cáo thị dán ở ngoài cửa
và những nơi dễ thấy để nhắc nhở mọi người tránh điều này. Chủ yếu là khuyên
nhắc con cháu, người thân nên quyết lòng niệm Phật cầu Phật tiếp dẫn vãng sanh.
Nếu con cháu trong nhà chưa hiểu Phật pháp thì tốt nhứt không nên tham gia hộ
niệm để tránh những cảm xúc bất thường. Nên đặt một người hộ phòng ở ngoài để
nhắc nhở và ngăn cản người lạ vào phòng.
Một điều khác nữa cần phải chú ý, là
chó mèo đôi khi cũng gây trở ngại cho việc vãng sanh, nên cẩn thận coi chừng
canh giữ.
*) Khai thị: Nên cần những lời
khai thị ngắn gọn, giảng giải cho người bệnh hiểu sự đời là khổ, thân mạng là
vô thường, không thực, chỉ có pháp thân huệ mạng mới thực. Khuyên hãy nên buông
xả vạn duyên, không lưu luyến về con cháu, nhà cửa, tài sản, v.v…. Giảng giải
sự lợi ích tối thắng của cảnh giới Tây-phương, khuyên cầu xin sớm vãng sanh
Tịnh-độ, tuyệt đối không cầu hết bệnh, nhất định không sợ chết. Khuyên nhắc người
bệnh cố gắng cùng với đại chúng niệm Phật, quyết lòng cầu về với Phật.
Nên nhớ, cầu vãng sanh, nếu thọ mạng đã hết,
thì mới được vãng sanh, còn nếu số phần chưa mãn thì tự nhiên bình phục. Nếu
bệnh nhân sơ ý sợ chết, thầm cầu nguyện cho hết bệnh thì không tương ứng với
lời nguyện của Phật, sẽ mất phần vãng sanh.
Đôi khi người bệnh thấy Bồ-tát(?), Thần,
Tiên, cha mẹ, người thân quá cố, tới tiếp dẫn hay rủ đi theo… phải nhắc nhở
người bệnh đừng để bị mắc mưu, đừng nhìn họ, đừng vướng cái bẫy của oán thân
trái chủ, hay ma quái. Chỉ một lòng niệm A-di-đà Phật cầu Phật đến tiếp dẫn mà
thôi.
Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị hôn mê, nhưng nhờ công đức hộ niệm mấy ngày
thì tỉnh hẳn lại như đã bình phục. Người hộ niệm phải cẩn thận, tiếp tục hộ
niệm để bảo đảm chắc chắn được vãng sanh hoặc thật sự bình phục, chứ đừng thấy
vậy mà ngưng, vì có thể sau một vài giờ tỉnh táo người đó lại ra đi đó.
Nếu chúng ta đến hộ niệm cho một người đã
tắt hơi rồi, thì nên khai thị cho họ trước, vì lúc đó thần thức họ vẫn còn nghe
thấy. Nên giới thiệu cho họ biết mình tới hộ niệm, khuyên họ hãy buông xả tất
cả, đừng lưu luyến cái thân, đừng thương nhớ vợ chồng, con cháu, tài sản… mà
niệm Phật theo người hộ niệm cầu vãng sanh. Nếu họ thức tỉnh, quyết lòng làm
theo vẫn có thể được vãng sanh.
Một kinh nghiệm riêng, có lần một người bạn
của tôi, anh Hồ Hải Triều, kể lại rằng khi anh hộ niệm cho người lâm chung,
bệnh nhân bị oan gia trái chủ hoặc ma quái gì đó tấn công, tới kéo chân ông cụ.
Cứ mỗi lần bị tấn công thì ông cụ bị khủng bố khá nặng, và hoảng hốt chỉ dưới
chân. Hiểu được ý, anh vội cầm lấy bàn chân của cụ và khuyên cụ đừng sợ hãi, có
người bảo vệ đây, hãy chú tâm niệm Phật cầu Phật tiếp dẫn, đừng để ý tới chuyện
gì khác. Anh nói, nếu cầm lấy bàn chân thì ông cụ bình tĩnh niệm Phật, buông
bàn chân ra thì lại bị khủng hoảng trở lại. Thấy vậy mấy người hộ niệm ở phiên
sau cũng làm theo và sau cùng ông cụ được nhẹ nhàng vãng sanh.
Đây cũng là một khai thị khá hay! Thường
những người niệm Phật chưa đắc lực, hoặc ít niệm Phật, khi lâm chung (chưa tắt
hơi) thần trí không được tỉnh táo lắm, dễ bị hôn mê rơi vào những cơn ác mộng.
Đây chính là những dịp tốt cho oan gia trái chủ hoặc ma quái công phá làm cho
họ mất bình tĩnh, mất chánh niệm, đưa đến chỗ mất vãng sanh. Người hộ niệm cũng
nên khéo léo tìm cách kéo họ ra khỏi cơn ác mộng, rồi khuyến khích, vỗ về, bảo
vệ… để họ an lòng niệm Phật. Đây là những trường hợp đặc biệt. Nếu không có
hiện tượng hoảng hốt thì không cần làm việc này.
Không được nói nhảm nhí, hỏi han bịnh tình,
cầu chúc lành bệnh, than vãn âu sầu, tỏ bày tình cảm, v.v… theo như thế tục.
Khi đã tắt thở rồi thì không nên đụng chạm vào thân thể nữa.
4) Những điều không nên làm của ban hộ niệm:
*) Không phiền hà việc ăn uống, không nhận
tiền lì xì: Đây là hai điểm chính mà Ngài Lý Bỉnh Nam nhấn mạnh. Hãy tự đem nước uống
và thức ăn theo, đừng đòi hỏi tang chủ cung phụng việc ăn uống. Hộ niệm xong
thì lo về đừng “cà-kê” trà nước mà làm bận bịu cho chủ nhà. Không được nhận bất
cứ một hình thức lì xì hay quà cáp nào. Nếu vị nể nhận lấy thì sẽ thành lệ tục.
Ban hộ niệm mà nhận tiền của tang chủ, thì theo như Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “là kẻ
phản đồ, lừa thầy diệt tổ”.
*) Tránh di chuyển nhiều: Trưởng ban hộ niệm
nên biết cách sắp xếp vị trí người hộ niệm, tránh di chuyển nhiều trong lúc hộ
niệm. Tốt nhất là đứng chung quanh để bệnh nhân quay hướng nào cũng thấy có
người bảo vệ mình. Tuy nhiên phải tùy trường hợp chứ không thể khiêng giường
bệnh nhân đi được. Nên đổi ban theo cách so le để lúc nào cũng có người cũ và
người mới bên cạnh bệnh nhân, giúp sự hộ niệm khỏi bị gián đoạn hay buồn ngủ.
(Xin xem thêm sự hộ niệm ở tập KNNP 2)
*) Tránh ho, sặc, ách-xì…: Ách-xì làm cho bệnh
nhân giựt mình, hoảng hốt mà dễ bị loạn tâm. Một khi bị giựt mình rồi thì sau
đó họ khó giữ được chánh niệm trở lại. Cho nên người thường bị nhảy mũi, hay bị
ho nên cẩn thận. Đang bị ho thì tốt nhứt không nên đi hộ niệm. Còn chuyện nhảy
mũi (ách-xì) thì thường xuất hiện đột xuất, khó biết trước.
Tuy nhiên có thể chận đứng kịp thời, bằng
cách: một là, khi muốn nhảy mũi, nhanh chóng lấy ngón tay đè chốp mũi xuống;
hai là, cắn chặt hai hàm răng lại, lấy chót lưỡi ấn thật mạnh vào nướu hàm răng
trên. Có thể áp dụng cả hai cùng một lúc. Nếu không phá được cơn ách-xì thì ít
ra cách này cũng tạm thời chận đứng lại, đủ thời gian cho chúng ta đi ra ngoài
giải quyết. Theo Ngài Lý Bỉnh Nam,
hằng ngày nên luyện tâm không để tạp âm xen vào có thể phá trừ được tật này.
*) Tránh giọng sắc, the thé: Có một ít người có âm
giọng rất sắc, the thé rất cao dễ làm động đến tâm thanh tịnh người nghe, nhất
là người bệnh ở thời điểm yếu đuối sẽ chịu không nổi, dễ bị phiền não mà loạn
tâm. Nếu ai có âm giọng này thì tốt nhất không nên tham gia hộ niệm.
Người tham gia ban hộ niệm phải cố gắng tập âm giọng niệm Phật thật đều theo
đại chúng, tránh niệm tự do, quá cao hoặc quá đục. Lấy tâm nguyện: tất cả vì độ
sanh, không nên bất mãn hay tự ái mà gây điều trở ngại. Nên nhớ, nếu chính vì
âm giọng của ta mà làm người đó bị mất phần vãng sanh thì thật là tội nghiệp
cho họ và nhân quả này mình cũng chịu khá nặng.
Nếu có gia nhập vào ban hộ niệm, thì thay vì vào niệm Phật hộ niệm cho người
bệnh, mình nên lo việc bảo vệ bên ngoài và niệm Phật thầm trong tâm, công đức
này còn lớn hơn nhiều vậy.
*) Tránh làm chuyện lặt vặt: Theo lời khuyên của Ngài Lý Bỉnh Nam thì
suốt thời gian hộ niệm, người trong ban hộ niệm phải giữ tâm thanh tịnh, trong
khi chờ tới phiên mình vào hộ niệm không nên tham gia các việc làm lặt vặt
trong nhà người bệnh. Luôn luôn nhiếp tâm niệm Phật cầu Phật tiếp dẫn cho bệnh
nhân mới là tốt.
*) Cấm di chuyển bệnh nhân: Nếu bịnh nhân muốn
tắm rửa thay áo quần thì đây là chuyện của người nhà, nên làm cẩn thận nhẹ
nhàng trước khi hộ niệm. Nếu không cần thì đừng nên cưỡng ép mà gây đau đớn.
Tránh việc ôm ấp, xoa bóp, di động mạnh bệnh nhân.
*) Tránh nói nhảm: Không cho người ngoài
xen vào việc hộ niệm, không cho người vào thăm nom, hỏi han bịnh tình, hỏi về
tiền bạc, tài sản, di chúc, v.v… Không để con cháu than khóc, kể lể, khơi động
tình cảm, bi lụy. Không nói lớn tiếng, bàn chuyện đời, nói thị phi trước mặt
bệnh nhân.
*) Cấm sát sanh hại vật: Khuyên người thân nên
ăn chay, tránh tất cả mọi sự sát sanh, hại vật dù là con vật rất nhỏ như kiến,
muỗi, v.v… trong suốt thời gian hộ niệm và suốt 49 ngày sau khi quá vãng.
5) Một vài câu hỏi liên quan đến việc hộ
niệm:
*) Tại sao lại có nhiều cách hộ niệm khác
nhau về cả hình thức lẫn nội dung?
Đúng vậy! Mỗi tôn phái, mỗi đạo giáo có mục
đích và cách hành trì khác nhau, hướng nguyện cho người ra đi cũng khác nhau
cho nên sự hộ niệm khác nhau là lẽ thường. Ví dụ, tu theo nhân thừa là muốn
được tái sanh trở lại làm người, thì lúc lâm chúng họ ước nguyện trở lại làm
người; có những pháp môn muốn tu thành tiên, thì họ cầu thành tiên; người muốn
sanh lên các cõi trời, thì họ có ước nguyện sanh thiên, sanh lên “Thiên-Đàng”
để hưởng phước, v.v… Ở đây chúng ta không chủ tâm nghiên cứu những hình thức hộ
niệm vãng sanh, mà chính là nói đến phương pháp hộ niệm của pháp môn niệm Phật
cầu sanh Tịnh-độ. Người tu theo pháp môn niệm Phật chủ đích là được vãng sanh
Tây-phương để bất thối thành Phật, thì lời phát nguyện phải là một đời này được
vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Như vậy, sự hộ niệm của chúng ta phải nhắm thẳng
tới Tây-phương Cực-lạc Thế Giới của Phật A-di-đà mà thôi.
Cho nên, nếu như quý đạo hữu nào có gặp qua
những phương pháp hộ niệm khác, hình thức khác, lời cầu nguyện khác, v.v… thì
đây là sự đương nhiên chứ không có gì lạ!
*) Hộ niệm có nhiều phương cách, như vậy,
pháp nào đúng, pháp nào sai? Pháp nào hay, pháp nào dở?
Tình thực, chúng ta không thể xác quyết chuyện
này, hay nói cho đúng hơn, không nên bàn tới. Đường đời vạn nẻo thì đường tu
cũng vạn phương. Người có công danh thì đám ma của họ lớn, có nhiều người danh
tiếng tới đưa! Người có tiền tài thì đám tang linh đình, phần di chúc có nhiều
người đễ ý tới. Người tham luyến thế gian thì khi lâm chung có nhiều tiếng
khóc, nước mắt bi ai tuôn ra lưu láng!… Tất cả những cảnh này là ý thích của
người thế gian, chứ không phải của người biết tu hành. Người niệm Phật thì nên
cẩn thận lo liệu việc hộ niệm để lúc mệnh chung được bảo vệ an toàn thoát ly
tam giới, vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, đây là ước mơ của người học Phật. Về
hình thức thì phương pháp nào cũng có người ưa thích, nhưng hậu quả thực sự của
nó thì không phải cách nào cũng dẫn họ tới chỗ sung sướng đâu!
*) Chết rồi đi về đâu? Nên chọn cảnh giới
nào?
Tây-phương Cực-lạc là cảnh giới của Phật
A-di-đà ở nhất chân pháp giới. Thiên đàng là cảnh giới của cõi trời nào đó
trong tam giới. Người, quỉ thần, ngã quỷ, súc sanh, địa ngục… cũng đều ở trong
cảnh lục đạo, tam đồ khổ nạn. Chết rồi đi về đâu, hưởng cảnh giới nào, hoàn
toàn đều tùy theo ý nguyện của từng người. Những vấn đề này cần phải nghiêm
chỉnh chú ý. Người tu hành mà mờ mờ mịt mịt, đến gần ngày mãn hạn cũng không
biết mình sẽ ra sao, chưa có hướng nào để đi, chưa có cảnh giới nào để chọn…
thì thật là tội nghiệp lắm vậy! Mê mờ đường đi thì chắc rằng bị nghiệp chướng
lôi đi để trả nghiệp. Chúng ta đã niệm Phật, đã xác quyết hướng về, thì không
thể nhắm mắt gởi huệ mạng của mình đi theo sự rủi may được.
Người quyết định vãng sanh thì hằng ngày lạy
Phật, tử tâm niệm Phật, một lòng cầu Phật tiếp dẫn, để một đời này được thoát
vòng sanh tử, vãng sanh Tây-phương, bất thối thành Phật, chứ đừng bao giờ mơ
màng tới chuyện trở lại đời sau tiếp tục tu hành, đừng cầu tới chuyện luân hồi
thọ báo nữa. Nên nhớ, đã vào thời mạt pháp rồi thì cơ duyên gặp lại chánh pháp
của Phật phiêu phỏng như tìm kim dưới đáy biển! Luống qua cơ hội này thì trăm
ngàn vạn kiếp khó gặp lại!
Quyết đi thì chắc đến, hữu cầu thì tất ứng.
Lạy Phật cho nhiều để sám hối tội lỗi, mạnh dạn đem nghiệp chướng trong vô
lượng kiếp trút xuống cho thân tâm nhẹ nhàng để được thoát nạn. Tử tâm niệm
Phật để cầu nhất tâm, Tâm-Phật hiệp nhất thì người niệm Phật sẽ thành Phật ngay
tại tâm này.
Cầu Phật tiếp dẫn về Tây-phương là tâm
nguyện của người niệm Phật, có nguyện thì có đi. Tin tưởng vững chắc như vậy sẽ
được toại nguyện, tất cả chuyện này gọi là “Dẫn nghiệp”, nhờ dẫn nghiệp này để
đưa thần thức của ta tới quả báo Cực-lạc, đó là “Mãn nghiệp” ở cõi Tây-phương.
Cho nên, người học Phật muốn thành Phật thì
bắt đầu từ ngày hôm nay hãy nuôi chí hướng vãng sanh, ngày ngày tha thiết cầu
nguyện vãng sanh cho đến ngày được thành tựu. Có như vậy thì khi lâm chung ý
nguyện của chúng ta đã thành chủng tử vững chắc, một hướng đi rõ rệt. Có lòng
tin, có niệm Phật, có ý nguyện tha thiết thì chắc chắn được vãng sanh, dù
nghiệp chướng vẫn còn nặng nề. Luôn luôn nhớ rằng, niệm Phật cầu vãng sanh là
nhờ Phật lực tiếp dẫn mà được “đới nghiệp vãng sanh”, chứ không phải tu hành
cho đến ngày “nghiệp sạch tình không” để tự thoát nạn.
*) Ứng dụng cảnh giới để hộ niệm như thế
nào?
Thành thực không biết! Có nhiều phương cách
hộ niệm khác nhau, nhưng ở đây chúng ta chỉ biết niệm Phật cầu Phật gia trì,
chứ không dám đi xa hơn. Xin kể sơ vài ví dụ điển hình:
Có phương pháp chủ trương bắt buộc người
bệnh phải nằm nghiêng bên phải. Đây là điều tốt, nhưng nên nhớ không thể chấp
vào đây mà cưỡng ép bệnh nhân.
Có vài tài liệu hướng dẫn hơi lạ(!) là chận
hai động mạch cổ của bệnh nhân để cho máu chỉ chạy lên đầu, chứ không cho chạy
về tim(!). Có nơi thì chỉ cách “khai mở luân xa”, bằng cách tạo một vết thương
cho chảy máu ở đỉnh đầu để hướng dẫn linh hồn xuất ra nơi đó(!). Có những pháp
hộ niệm giống như hình thức chiêu hồn, dẫn dắt thần thức đi qua những cảnh giới
lạ lùng, khá rùng rợn! v.v…
Nói chung, mỗi tôn giáo, mỗi phái tu, đều có
cách hộ niệm khác nhau dành cho người chết. Có những cách rất lạ lùng, rất
huyền bí, có cách không tự nhiên! Chúng ta là người niệm Phật thì phải y cứ
theo kinh luận của Phật và của chư vị Đại đức, Tổ Sư trong Tịnh-độ tông mà hành
sự, còn tất cả những phương pháp của các tôn giáo hay tông phái khác không nên
hiếu kỳ tìm hiểu tới. Nói về lý huyền diệu trong đó thì chúng ta chưa nắm vững,
không dám bàn tới! Nếu chưa hiểu rõ đạo lý bên trong mà liều lĩnh làm theo, lỡ
có điều gì sơ sót thì chúng ta phải chịu vấn đề nhân quả! Hơn nữa, chi phối vào
thân thể làm cho bệnh nhân ra đi một cách không được tự nhiên là một điều không
phải đơn giản! Hành động này có liên hệ đến vấn đề luật pháp. Nhất định không
thể bừa bãi.
Nên nhớ, cảnh giới trong vũ trụ hư không
trùng trùng điệp điệp, tùy duyên của mỗi người mà thọ sanh. Có chỗ lành, có chỗ
dữ, có Tịnh-độ, có uế độ, v.v… Cảnh giới ở tại tâm. Tâm an lành thì tạo cảnh
giới an lành, tâm sắc bén tạo cảnh giới sắc bén. Pháp môn Tịnh-độ nương dựa vào
sự gia trì của Phật A-di-đà và sự hộ niệm của chư Phật mười phương. Khi bước
vào một đạo tràng niệm Phật, nhìn thấy tượng đức Phật A-di-đà đại từ đại bi ta
cảm thấy gần gũi thân mật như một người cha thân thương, đức Quán Thế Âm dịu
dàng như hiền mẫu, đức Thế Chí như một người thầy trí huệ. Từ đó tâm hồn ta tự
nhiên cảm thấy an lành, được nơi nương dựa an ổn. Đó là cảnh giới của Tịnh-độ.
Sự hộ niệm của Tịnh-độ tông cũng tạo được sự an lành cho bịnh nhân vãng sanh
bình an trong ánh hào quang đại từ đại bi của Phật.
Nhất thiết duy tâm tạo! Tất cả cảnh giới đều
do chính tâm mình tạo ra, cho nên ứng dụng là ở tại tâm chứ đâu phải ở tại
cảnh. Bình thời chúng ta thực hành pháp môn nào thì nên theo đúng pháp môn ấy
mà hộ niệm. Mỗi pháp môn có một yếu quyết riêng, chúng ta không nên hiếu kỳ
hoặc ứng dụng bừa bãi mà có thể bị hại! Ví như cứu người bị tai nạn gãy tay,
người biết sửa khớp xương thì bóp nắn để sữa xương, người biết châm cứu thì
châm cứu để điều chỉnh. Bóp nắn hay châm cứu là do chính người đó đã biết qua
chứ đâu phải bắt chước làm theo! Người chỉ biết châm cứu, không biết sửa xương
mà cũng mằn mò nắn bóp thì có thể hại luôn bệnh nhân. Ngược lại, người không
biết châm cứu, cũng bắt chước lấy kim lụi chích thì có khác gì đâm chết nạn
nhân. Xin tất cả hãy chú ý điều này!
Tu theo Tịnh-độ tông, sự hộ niệm chính là
giúp cho thần thức được vãng sanh thẳng về thế giới Cực-lạc của Phật A-di-đà,
phương pháp đã được kinh luận Tịnh-độ chỉ rõ. Những lời khai thị của chư Tổ sư,
Đại đức Tịnh-độ tông vẫn có đầy đủ cho chúng ta y cứ theo. Hầu hết những bài
nói về hộ niệm Diệu Âm đều dựa theo những lời khai thị của tổ Ấn Quang, Ngài Lý
Bỉnh Nam đệ tử chân truyền của Ấn tổ, giảng ký của HT Tịnh Không vị thượng thủ
Tịnh Tông Học Hội trên thế giới, và những tài liệu khác của tịnh tông.
Trong đời này chúng ta may mắn gặp được pháp
môn một đời thành Phật, nhận những lời huấn thị quý báu của các vị chân chính
thiện trí thức, có đức cao đạo trọng, thì chúng ta hãy biết thành kính nghe
theo thì mới mong được lợi ích. (Một số những tài liệu này sẽ được gởi kèm
theo, và sẽ đính vào phụ lục của tập “Khuyên người niệm Phật 3” để quý đạo hữu
cùng tham khảo).
Pháp môn niệm Phật quá vi diệu! Thực sự vi
diệu! Bất khả tư nghì! Niệm Phật vãng sanh thành Phật. Một khải thị quan trọng
cho loài người biết rằng sự thật của vũ trụ pháp giới không phải chỉ là những
hiện tượng nghiệm chứng của vật chất vô thường đâu! Chúng ta hãy mau mau tự
cảnh tỉnh để kịp thời quay về với bổn giác đại ngã, với chân như tự tánh. Người
con Phật trong thời mạt pháp này phải biết thức tỉnh kịp thời, nhận rõ đâu là
đường cần chọn để thành đạt đạo quả trong đời. Nếu còn chần chờ, dụ dự, sợ rằng
chúng ta không thể lọt qua được cửa ải sanh tử để thoát nạn! Đây là cái điểm
khó nhứt và quyết liệt nhứt để chuyển phàm thành Thánh.
Niệm Phật! Xin quý đạo hữu tinh tấn niệm Phật. Niệm Phật không cầu giàu sang
phước báu, không cầu lành bệnh sống lâu, không chấp nê, không phân biệt đố kỵ,
không tranh chấp với ai, không thèm lý lẽ, nói hay, nói dở làm chi nữa… Hãy
buông xả tất cả những thứ đó đi, nhất tâm niệm A-di-đà Phật cầu sanh Tịnh-độ.
Cứ thế mà đi thì trong một đời này ta được vãng sanh về với Phật, khỏi phải đổ
mồ hôi nước mắt lặn lội hàng vạn kiếp trong lục đạo luân hồi khổ nạn, khỏi phải
khổ công tu hành khó nhọc qua từng A-tăng-kỳ kiếp! Đây là lời chân thành khuyên
nhau vậy.
Ngưỡng nguyện đức A-di-đà đại từ đại bi tiếp
dẫn tất cả chúng sanh đồng quy Cực-lạc cảnh.
A-di-đà Phật.
Diệu Âm
(Úc châu 29/03/04).
Chúng ta nếu lấy hơi thở làm chuỗi, tùy theo
hơi thở mà niệm Phật tức là có chỗ nương nhờ, thì đâu còn sợ: “Hơi thở không
trở vào liền thuộc đời sau”. Tôi thường đi đứng nằm ngồi đều dùng chuỗi hơi thở
này, giả như có ngủ mê thì ngậm Phật mà ngủ, tỉnh dậy liền tiếp tục niệm Phật.
(Phi Tích Thiền Sư)
Độ sanh vô sở trụ tâm như hành bố thí