Pháp môn niệm Phật bắt đầu từ kẻ phàm phu
cũng có thể được vào, mà rốt cuộc đến Đẳng Giác Bồ-tát cũng chẳng thể vượt ra
ngoài. Thực là một pháp môn tổng trì từ đầu đến cuối của hết thảy ba đời mười
phương chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới hóa chúng sanh. Cho nên được chín
giới cùng qui y, mười phương cùng xưng tán, ngàn cuốn kinh đều bày tỏ, muôn
cuốn luận đều tuyên dương.(Ấn Quang Đại Sư).
Em Thứ,
Hôm Tết nói chuyện được với em anh Năm mừng
lắm. Nếu những lá thư anh gởi về khuyên cha má tu hành được anh chị em, bà con
xem qua và tin tưởng thực hiện thì không còn gì quý báu hơn. Nó quý hơn là được
tiền, vì sao? Một triệu đô-la trước sau gì cũng hết, vài chục năm rồi mình cũng
bỏ mà đi, hơn nữa nhiều tiền chưa chắc đã phước, không khéo sinh ra tự cao tự
đại, ỷ giàu có mà gây ra tội ác, để sau cùng chịu nạn. Khi không hiểu thì mình
sống bừa bãi, khi biết được rồi nhiều lúc nghĩ lại những sai lầm của mình làm
anh Năm sợ toát mồ hôi!
Anh Năm may mắn đi khắp nơi, từ Âu sang Á,
anh mới mở được con mắt tuệ ra, đây cũng là một cơ duyên hiếm có. Anh phát hiện
được cái thậm thâm vi diệu của Phật pháp, cái sự thật của vũ trụ nhân sinh, cho
nên anh tha thiết khuyên em, cùng tất cả giòng họ mình, bà con trong làng xóm,
tất cả mọi người, hãy mau mau tỉnh ngộ, nhất là những người lớn tuổi với tháng
ngày mong manh còn sót lại, hãy nên niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, đây là phước
đức lớn vô tận.
Thơ này phần đầu anh nói cho em vài lý đạo
thật căn bản của Phật học. Vì em hồi giờ chưa biết Phật pháp thì anh chỉ nói
những gì căn bản nhứt, dễ hiểu nhứt. Bắt được cái đầu mối rồi, sau đó tự nhiên
em thâm nhập kinh tạng của Phật. Còn phần hai, anh sẽ nói về những hiện tượng
em đã thấy. Sau này nếu có gì lạ nên cho anh Năm biết liền. Khuyên anh chị em,
mọi người cố tâm niệm Phật.
1) Phần một:
Trong pháp tu Niệm Phật chỉ có ba điều cần
thiết rất đơn giản, bảo đảm cho người niệm Phật thành công, đó là: TÍN, NGUYỆN,
và TRÌ DANH NIỆM PHẬT. Tín là tin Phật, Phật nói sao mình tin vậy. Tin chắc
chắn chỉ trong một đời này Phật cứu được nình, lời Phật nói đúng sự thật, không
bao giờ sai được. Phật dạy rằng, người nào hết lòng niệm Phật thì có thể chỉ
cần từ một ngày đến bảy ngày đêm là đủ khả năng được về Tây-phương. Đã có nhiều
người đắc được rồi chứ không là chuyện ngoa. Khổ nỗi là tại vì không chịu tin,
không chịu niệm Phật, thành ra mất phần giải thoát. Chuyện tin tưởng và niệm
Phật em đã bắt đầu làm rồi, đó là điều rất tốt, ráng cố gắng lên, anh sẽ lần
lần giảng thêm từng bước cho em hiểu sau. Thơ này anh chú trọng nói cho em hiểu
về sự “Phát Nguyện” vãng sanh, có lẽ nó cần cho em trước để hiểu lối đi vào
cảnh Phật. Còn “Tín” và “Trì Danh Niệm Phật” sẽ nói sau.
Nguyện: Là thệ nguyện làm việc gì đó, mà
mình muốn thực hiện cho được. Đối với pháp môn niệm Phật, Phát nguyện là lòng
tha thiết cầu nguyện được vãng sanh về thế giới Cực-lạc của Phật A-di-đà sau
khi tuổi thọ của mình hết. Điều này vô cùng quan trọng! Thường khi con người
thọ mạng hết, họ sẽ theo nghiệp báo để thọ sanh. Làm ác theo đường ác, làm lành
theo đường lành, nghiệp nào lớn nhất nó lôi mình đi, còn các nghiệp khác thì thành
nợ sẽ trả sau. Trong sự chiêu cảm của nghiệp, thì lời nguyện của mình nó có sức
mạnh rất lớn. Nếu thệ nguyện vững chắc, thì nghiệp báo sẽ né một bên, nhường
lối cho lời thệ nguyện thành tựu trước.
Lời thệ nguyện có một sức mạnh rất lớn như vậy, cho nên sống ở đời ta đừng nên
vung lời thề bừa bãi mà có thể bị mang họa về sau. Ví dụ, khi thù ghét người
nào, nếu ta lập thề mưu hại họ, thì ngay lúc ấy trong tiềm thức (A-lại-da thức)
của ta đã cấy vào nghiệp sát sanh, hay gọi là chủng tử sát sanh rồi. Nếu ngày
ngày ta đều thề như vậy, thì thệ lực này sẽ trở thành một lực lượng rất mạnh,
khó có lực lượng nào khác qua mặt nó được. Nếu như đương thời ta chưa thể hại
họ được, mà vô phước ta bị chết trước, thì nghiệp cảm của lòng căm thù xui
khiến cho ta đi về những đường ác hiểm, trong đó có thể là loài ác quỉ, địa
ngục hay thú vật. Dễ dàng và nhẹ nhất thì đầu thai vào loài ác thú, ví dụ rắn
độc chẳng hạn, để tìm cách cắn chết người kia.
Em thấy đó, chỉ vì đố kỵ, ganh ghét, thù
hằn, mà vô tình chính mình trở thành loài súc sanh, ngu si, mê muội! Thành con
rắn để cắn được người ta thì mình cũng bị người ta đập đầu chết chứ có hơn gì
đâu! Thù hận thì chưa chắc gì sẽ trả được, nhưng chính mình đã trở thành loài
thú vật độc ác rồi, đời này sang đời khác, đời đời tiếp tục sống với kiếp ngu
si, tăm tối!
Cho nên, sống trên đời ta nên ăn ở hiền hòa,
thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau là tốt nhứt. Nhiều người không biết sợ đến luân
hồi quả báo, thường đem tâm oán giận, thù hằn, ganh tỵ mà đối đãi với nhau,
quyết hại nhau, thì thật là đáng tội nghiệp cho chính họ! Ví dụ, chỉ vì một
chút bất đồng ý kiến hay va chạm quyền lợi mà có người đã thề: “Sống không hại
được, thì chết cũng phải làm ma để hại!”. Những lời thề độc địa này sẽ hại cho
chính người phát thệ một cách thê lương trong tam đồ ác đạo.
Nếu ai đã lỡ dại buông lời thề xấu ác như
vậy, thì hãy nhanh chóng mau mau sám hối, quyết lòng xóa bỏ lời thề. Không
những thế, còn phải lo tu tâm dưỡng tánh, tu bồi đức hạnh, thương người, giúp
đời, thành tâm niệm Phật cho nhiều để tiêu giảm nghiệp sát. Nên nhớ, một lần
muốn hại người là một lần tạo sát nghiệp, dù rằng mình chưa giết người. Ngay
lúc vừa khởi tâm niệm hại người thì chủng tử sát sanh đã thành hình trong tàng
thức. Sát nghiệp là chủng tử của loài quỉ địa ngục, hay nói rõ hơn là mầm mống
của địa ngục. Nếu người đã phạm lời thề độc địa mà không thành tâm xóa bỏ lời
nguyền hung hiểm đó, thì một ngày nào đó, khi chết, họ có cái cơ hội rất cao để
thành ma quỷ mà hại đời.
Thành quỉ sướng hay khổ? Cảnh giới của địa
ngục, hàng ngày chịu cực hình, làm sao sướng được? Còn lạc vào đường ma rồi thì
đói khát thê lương, không nhà không cửa, ở bờ ở bụi, lang thang lạnh lẽo, ngàn
vạn kiếp khó được thoát thân!
Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ. Tất cả đều do
ý niệm trong tâm nó định lấy cảnh giới tương lai. Khi không biết mình tranh
chấp, câu mâu, ganh tị, hơn thua, thân miệng ý buông lung không chịu câu thúc,
thì khổ nạn đang chờ cho mình hưởng! Khi đã biết nhân quả báo ứng trong từng tơ
từng hào rồi, thì ta nên phải cẩn thận, phải giữ lấy tâm địa hiền lành, vị tha,
thương người, thương vật, biết buông xả, đừng quá cố chấp mà mang hại về sau.
Nhất là, tuyệt đối đừng buông lời thề bậy bạ.
Sống giữa thế giới ô trược ác thế này, tâm
địa con người ít lương thiện, người thù hận người nhiều không kể hết, đó là cái
nạn của thế gian! Người nào làm sai thì tự người đó thọ quả báo, chứ không ai
có thể cứu họ được, chỉ trừ khi nào chính họ biết quay đầu sám hối, làm lành
làm thiện. Sống với nhau trên đời này, khuyên được ai làm lành lánh ác thì ráng
khuyên, không khuyên được thì tự mình phải tu hành để tìm phương thoát nạn.
Đừng nên quá hơn thua mà ăn miếng trả miếng, thì nghiệp chướng của ta sẽ chất
chồng, oan oan tương báo, không biết ngày nào mới thoát khổ đau.
Nên nhớ, người hại mình, nếu mình hại lại
họ, là mình đã làm cho họ trả được cái nghiệp báo của họ rồi, tương lai họ sẽ
tái sanh vào cảnh giới tốt mà hưởng thụ an lành. Ngược lại, chính mình vì nuôi
cái tâm dữ thành ra phải đọa vào ác đạo, hết địa ngục đến ngạ quỷ, hết ngạ quỷ
rồi vào hàng súc sanh để trả nghiệp, khổ không thể tả được! Thế thì, dại gì lại
chọn con đường đó, hơn thua một chút có được gì đâu mà đành phải chịu nạn lớn
như vậy?! Trong địa ngục có rất nhiều tầng cấp, tầng cấp gần loài người nhất
thì một ngày ở đó cũng dài tới hai ngàn bảy trăm (2700) năm trên thế gian. Cho
nên không khéo tu hành, để lỡ rơi vào đó rồi, thì như Phật nói, “lụy kiếp nan
xuất, nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn!”.
Trở lại vấn đề phát nguyện, nếu nguyện ác nó
có năng lực quá lớn, thì nguyện thiện cũng có năng lực vĩ đại không kém. Nếu
một lòng một dạ nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế Giới, ngày nào cũng
nguyện như vậy thì cái nguyện đó nó trở thành một “khối kim cương” lớn trùm cả
thái không. Chính cái lực thệ nguyện nó chiêu cảm, hướng dẫn ta về tới đất
Phật.
Chính vì lời phát nguyện nó có sức mạnh quyết định cảnh giới của tương lai, cho
nên trong kinh Phật Thuyết A-di-đà, Phật nhắc đi nhắc lại ít ra cũng bốn lần,
dặn dò chúng sanh phải nhớ phát nguyện cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc Quốc. Một
người tu hành muốn một đời này được vãng sanh trở thành bậc Bất Thối để thành
Phật, thì chắc chắn không thể nào quên lời phát nguyện cầu sanh Tây-phương
Cực-lạc được.
Bây giờ ta thử đọc qua những đoạn kinh văn
nói về phát nguyện trong kinh A-di-đà Phật. Phật dạy:
- “... Này ông Xá Lợi Phất! Chúng sanh khi nghe được những lời ta thuyết, hãy
nên phát nguyện cầu sanh về nước đó. Vì sao vậy? Vì sẽ được cùng với các bậc
Thượng Thiện Nhân hội tụ một chỗ”...
- “... Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử,
thiện nữ nhân nào nghe Ta nói về đức Phật A-di-đà, rồi niệm danh hiệu của đức
Phật đó từ một ngày, hai ngày, ba ngày... cho đến bảy ngày, một lòng không
loạn, thì người đó lúc lâm chung có đức Phật A-di-đà cùng với hàng Thánh Chúng
hiện thân trước mặt. Người đó lúc ra đi tâm thần sẽ không điên đảo, liền được
vãng sanh về nước Cực-lạc của đức Phật A-di-đà. Này ông Xá Lợi Phất! Ta thấy có
sự ích lợi ấy, nên nói những lời này. Nếu chúng sanh nào nghe được lời nói này,
nên phải phát nguyện sanh về cõi nước Cực-lạc...”.
- “... Này ông Xá Lợi Phất! Cho nên các
thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu người nào có lòng tin thì phải nên phát nguyện
sanh về cõi nước kia...”
Bốn lần Phật dạy chúng ta lập lời phát
nguyện cầu sanh, đủ chứng tỏ rằng lời phát nguyện vô cùng quan trọng. Một người
muốn sanh về cõi đó để thoát khỏi sanh tử luân hồi, để viên mãn Phật đạo thì
không thể quên cái tâm nguyện này được.
Rõ ràng hơn nữa, trong kinh Vô Lượng Thọ,
qua suốt bộ kinh, Phật luôn luôn dạy rằng, phải “một đường chuyên niệm A-di-đà
Phật, Nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc quốc”. Một đường chuyên niệm Phật, một
hướng nguyện cầu vãng sanh Tây-phương, đã được Phật nhắc đi nhắc lại rất nhiều
lần trong suốt bộ kinh, đã xác định cho ta cái điểm tối chính yếu của pháp tu.
Có nguyện thì có đi. Về được Tây-phương thì trong khoảnh khắc mình trở thành
bậc bất thối chuyển Bồ-tát. Cái năng lực của chư vị Bất Thối Bồ-tát tương đương
với năng lực của hàng Thất Địa Bồ-tát, chứ không phải là tầm thường! Với cái
năng lực đó, ta có thể biến du khắp mười phương thế giới để độ sanh, để cúng dường
chư Phật. Chính vì thế mà Ngài Ngẫu Ích Đại sư nói rằng: “Chí thành phát nguyện
cầu sanh Cực-lạc Quốc là phát tâm Vô Thượng Bồ-đề”, đó là cái tâm cao cả nhứt,
cái tâm thành Phật.
Lời phát nguyện có khả năng quyết định tương
lai, cho nên người tu hành muốn liễu sanh thoát tử trong đời này, thì ngoài lời
thề vãng sanh Tịnh-độ ra, không được phát tâm làm Hiền-nhân Quân-tử, làm Tiên,
làm Thần, không được phát nguyện sanh trở lại làm người, làm Sư, mong cho đời
sau gặp được minh sư để tu hành chứng quả. Vì phát nguyện như vậy, nếu tu hành
dù có tốt thì nhiều lắm cũng chỉ sanh được về các cõi đó, dù có được hưởng
phước tới đâu, dù có tu hành hiền lành đi nữa cũng vẫn còn trong vòng sanh tử,
vẫn chưa chắc sẽ được thoát nạn. Tối kỵ hơn nữa, tuyệt đối không được vung lời
thề xấu ác, không được phát thệ trả thù hay hãm hại người, dù cho người đó có
hại mình đi nữa. Vì sao? Vì lập lời thề trả thù, thì thù có trả được hay không,
không cần biết đến, mà coi chừng chính ta đã bị nạn trong tam đồ rồi. Nếu hiểu
sâu vào định luật nhân quả, thì đời này có người muốn hại ta là do cái nhân ta
muốn hại người trong quá khứ. Vậy thì, hôm nay họ muốn hại ta thì nghiệp chướng
của ta coi như được giải. Hãy tin tưởng như vậy thì nghiệp chướng sẽ tiêu giảm,
giải được nhiều oán nạn tiền khiên.
Có một điều khác cũng cần minh xác, là nhiều
người nghĩ rằng, nguyện vãng sanh là cầu cho chết. Đây là ý nghĩ rất sai lầm,
sai lý đạo, sai luật nhân quả, sai lời Phật dạy. Chết thì không cầu cũng có,
không chờ cũng đến. Học Phật là con đường thoát ly sanh tử, tức là không còn
chết nữa, thì có cái đạo lý nào Phật lại dạy chúng sanh đi cầu chết?
Em ạ, cuộc đời mỗi người thọ mạng đã có sẵn,
không phải cầu xin về Tây-phương là mình cầu cho chết sớm đâu. Đừng có ý nghĩ
sai lầm như vậy. Lúc chưa tới số chết thì đạn bắn trúng cũng không chết. Ngược
lại, lúc tới số chết rồi, dù có trốn trong buồng, bị kiến cắn, bị gai đâm cũng
phải chết. Ngay sự bạo tử cũng nằm trong định mệnh mà thôi. Vì không biết tu
hành, cho nên con người đã thọ nghiệp quá khứ, nay còn tạo thêm nghiệp mới,
nghiệp trước nghiệp sau dồn dập, dìm mình đến cảnh ngộ phải chết để trả nghiệp
báo. Còn vãng sanh Tây-phương thế giới là sống mà vãng sanh, trở thành vô lượng
thọ, vì thế giới Tây-phương của Phật không có sự chết.
Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ có ba điều quan
trọng là: Tín-Nguyện-Hạnh. Tín là tin lời Phật dạy là đúng; Nguyện là phát
nguyện vãng sanh; Hạnh là trì danh niệm Phật. Phải có niềm tin vững chắc vào
lời Phật: tin ta, tin Phật, tin nhân, tin quả, tin lý, tin sự, chắc chắn ta được
đầy đủ tất cả để trong đời này ta được vãng sanh thành Phật. Lời Phật dạy nhất
định đúng, nhất định không thể nghi ngờ được. Lòng tin này không được lung lay.
Nếu lòng tin lung lay thì chí không bền, nguyện không vững, một khi ý chí chao
đảo thì đi không tới đích. Tu mà không có lòng tin, không có hướng đi rõ rệt,
thì chỉ chạy lòng vòng không thành được gì đâu, uổng công như dã tràng xe cát
mà thôi!
Cho nên, một người tu hành không có niềm tin
vững, không có hướng đi cụ thể, thì dù có cố gắng cho kiệt sức đi nữa chẳng qua
cũng tìm được một chút thành tựu giả tạm của thế đời vô thường, chứ chưa chắc
họ sánh bằng một người bình thường nhưng một lòng tin Phật, một hướng phát
nguyện vãng sanh Tây-phương và ngày đêm niệm Phật. Rất nhiều người bình thường
sau một vài năm thành tâm niệm Phật, một vài năm thôi, mà họ biết trước ngày ra
đi, họ tắm rửa sạch sẽ, kêu con cháu đến dặn dò trước sau, rồi bảo cùng nhau
niệm Phật trợ niệm và họ mỉm cười vẫy tay chào từ biệt. Đó là những người vãng
sanh về với Phật chứ không phải họ chết. Họ thực sự đang còn sống nhưng không
thèm dùng đến cái xác thân này nữa, họ bỏ ra đi. Đây là sự thực, rõ ràng, dứt
khoát. Về chuyện Phật pháp, anh không bao giờ dám nói đùa đâu.
Em nên hiểu rằng không phải con người chỉ
sống bảy tám chục năm trên thế giới này đâu em ạ, mà mình còn sống rất lâu, lâu
vô cùng, vô tận. Chỉ vì không biết đường đi, cho nên chúng sanh thường chịu
nạn, bị đọa vào nơi hiểm ác để chịu khổ vạn kiếp trong đó, thành ra không còn
cách nào trở về gặp lại người thân để tâm sự, hàn huyên, chỉ đường, dẫn lối,
hầu cứu độ cho nhau thoát nạn đó thôi!...
Anh sẽ gởi về cho cha má và gia đình những
cuộn băng nói rõ những người mới vừa vãng sanh trong khoảng vài năm trở lại
đây. Nhớ nghe băng cho kỹ, sao lại cho người khác, truyền cho người khác nghe
để giúp họ tu hành. Tại Niệm Phật Đường anh đang tu, người ta chụp hình những
người vừa mới vãng sanh năm ngoái, ghi rõ lịch sử, sự việc ra đi làm sao, hình
chụp xá lợi lưu lại, dán trên bảng... Thậm chí, vào tháng tư năm ngoái, có một
bà còn hẹn được ngày đi, bà muốn đi trễ lại hai ngày để chờ đủ người tới hộ
niệm bà mới chịu đi. Có người trước khi đi hỏi người chung quanh muốn ông ta đi
như thế nào, muốn ngồi thì ngồi, muốn đứng thì đứng, họ biểu diễn sự ra đi như
trò hát xiệc. An lành, tự tại, tươi cười, bình tĩnh! Đối với những chuyện này,
người biết niệm Phật họ đâu còn lạ gì nữa. Còn những người không hiểu đạo,
không biết đường tu, thì nghe đến tiếng “chết” là sợ hãi đến mất ăn mất ngủ,
kiêng cữ không bao giờ dám nhắc đến. Thật là tội nghiệp cho họ! Không dám nhắc
đến chứ có tránh được đâu!
Con người, ai cũng hy vọng mình sống thọ
trăm tuổi, nhưng làm sao mà hy vọng được. Làm sao mà cải số mệnh được, khi tới
số thì cái chết nó tới như “sét đánh không kịp bịt tai”. Thế thì, việc tu hành
làm sao lại hẹn nay hẹn mai được đây em? Đã biết cuộc đời mong manh như giọt
sương mai, thì tiền tài, miếng ăn, tiếng tăm, danh vọng, nhơn nghĩa... của thế
sự nhân tình cũng đừng nên tham đắm quá, vừa đủ là được rồi, hãy mau mau hồi
đầu ngày đêm niệm Phật cầu về nước Phật để tận hưởng cái phước báu vô cùng vô
tận, an vui Cực-lạc. Về tới Tây-phương Cực-lạc rồi thì mình được khôi phục năng
lực của tự tánh, không còn có chết nữa, tuổi thọ vô lượng kiếp, du hý thần
thông, an nhàn sung sướng. Có phải là hay hơn không? Đây là sự thật.
Phật đã nói rõ ràng, Phật đã chỉ con đường
dễ dàng thẳng tắp, hễ bước chân đi là tới liền, sao con người không chịu nghe
theo, không chịu tin theo? Kinh Phật xuất phát từ kim khẩu của đức Thích-ca
Mâu-ni Phật, chẳng lẽ Ngài nói giỡn với chúng ta sao? Không bao giờ một vị Phật
lại nói lời vọng ngữ. Chắc chắn quý Ngài nói toàn là sự thật, trong kinh gọi
là: chân ngữ, thực ngữ, như ngữ, v.v... Người nào vững tin, người đó thành
công. Rất nhiều người thành công rồi, đó là sự chứng minh rất cụ thể. Nếu có
tới chùa thì thỉnh bộ kinh A-di-đà về tụng. Anh có gởi về cha má quyển sách
“Niệm Phật Thập Yếu”, hãy đọc cho thật kỹ. Hay lắm đó! Nếu cần anh gởi về kinh
Vô Lượng Thọ cho đọc tụng. Tất cả đều từ kim khẩu của Phật nói ra chứ không
phải người thường đâu.
Tóm lại, tu hành không phải là việc chỉ dành
riêng cho các vị tăng, ni, sư, mà ai ai cũng tu hành được cả. Tu hành là ăn ở
hiền lành, thương người, giúp đời, nhất định làm việc thiện, không làm việc ác.
Phải tin sâu nhân quả báo ứng, phải biết đời này ngắn ngủi, thân mạng vô
thường. Sống chết là chuyện quá thường tình không cần sợ, không thèm trốn
tránh, nhưng phải biết sợ rằng chết rồi mình có bị đọa lạc không! Sự sống trong
những cảnh giới đọa lạc khổ đau vô cùng, không thể kể được! Cho nên phải tu để
giải thoát. Làm sao giải thoát? Nhất định ngày ngày phải thành tâm niệm A-di-đà
Phật, nguyện cầu hết báo thân này vãng sanh Tây-phương Cực-lạc.
Có phát lòng cầu nguyện vãng sanh, nghĩa là
ta đã khẳng định rằng chết rồi không phải là hết, mà chết rồi ta vẫn là ta, vẫn
còn sống trong một cảnh giới khác nên mới gọi là “Vãng Sanh”. Cho nên, “Chết”
là danh từ chỉ cho cái thân xác đã hết hạn, đành phải bỏ, thế thôi. Sau khi
chết ta còn phải sống qua cảnh giới trung ấm, sau đó đi đầu thai trở lại. Việc
đầu thai để sống trở lại phải cần biết chọn đúng đường, phải vạch đúng lối rõ
ràng, phải có sự hướng dẫn cụ thể, nếu không thì rất dễ lạc đường mà thọ thảm
nạn. Muốn được vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi, ta phải phát lời nguyện
vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, đây là cảnh giới tối thắng, tối viên mãn, là quốc
độ của chư Phật, chư Bồ-tát. Lời nguyện này phải thành tâm cầu xin hàng ngày để
sự ước nguyện thâm nhập vào tâm, cho ta xác định rõ ràng đường đi trong mai
hậu. Cụ thể, nên đọc lời phát nguyện sau:
“Nguyện sanh Cực-lạc
cảnh Tây-phương,
Chín phẩm Hoa Sen là
cha mẹ,
Hoa khai thấy Phật
chứng Vô Sanh,
Bồ-tát Bất Thối là
bạn lữ”.
hoặc đơn giản hơn, thành tâm nguyện đại ý
như vầy:
“Nam-mô A-di-đà Phật, con xin nguyện cầu,
hết báo thân này được vãng sanh về Tây Phượng Cực-lạc Thế Giới. Ngưỡng nguyện
A-di-đà Phật đại từ đại bi phóng quang tiếp độ”. Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ cho
đến nhất tâm bất loạn thì chắc chắn vãng sanh, chắc chắn một đời thấy Phật,
không thể nào bị lạc đường nữa. Người niệm Phật không đạt đến cảnh nhất tâm bất
loạn, nhưng tâm trí cương quyết, lập trường kiên định cầu vãng sanh, thì đến
lúc lâm chung nhất định ngoài việc theo A-di-đà Phật về Tây-phương Cực-lạc, ta
không theo một người nào khác cả. Nếu không có tư tưởng rõ ràng và lập trường
vững chắc như vậy, ta rất dễ bị những cái bẩy dụ ta vào những đường nguy hiểm.
Ví dụ, khi lâm chung nhiều khi ta thấy ông bà, cha mẹ, người thân, hoặc có khi
thấy Bồ-tát hiện ra dẫn dụ. Nhưng phải hiểu rằng, thực tế đó đều là ma chướng
giả hình, nhất thiết không được theo.
Nguyện cầu vãng sanh hàng ngày thì lời ước
nguyện sẽ biến thành chủng tử trong tàng thức, giúp cho ta xác định được đường
đi cho huệ mạng, giúp ta hiểu rõ cái giả tạm của cuộc đời. Nhờ thế, dần dần ta
sẽ biết buông xả, không còn câu mâu, cố chấp, không tham chuyện thị phi của thế
gian nữa. Hãy nghĩ rằng, vài chục năm nữa ta về với Phật, ta thành Phật, thành
Bồ-tát rồi, thì cần chi các thứ vụn vặt của thế gian này nữa. Chính nhờ đó mà
đầu óc thoải mái, tâm hồn tự tại. Tâm thanh tịnh thì nghiệp chướng tiêu dần,
bịnh hoạn tự nhiên tiêu tan. Bịnh là do nghiệp chương kết tập, niệm Phật lạy
Phật giúp ta tiêu nghiệp chướng vậy.
Cũng cần nói thêm điều này, người mới khởi
đầu tu tập thường có những cái “sơ phát tâm” rất mạnh, ý thức từ bi, hỉ xả rất
cao. Nếu giữ được mãi sự phát tâm đó và thực hiện được thì rất tốt. Tuy nhiên,
tâm hồn thiện lương, chí khí cao cả nhưng năng lực không đủ thì sự phát nguyện
dễ trở thành nguyện suông, không mấy ích lợi cho đường tu tập mà đôi khi làm
cho tâm bị thối chuyển, hoặc tạo thành phiền não không tốt về sau. Nếu người
khả năng thực sự không đủ thực hiện sự phát nguyện, nhưng vẫn cố chấp vào sự
phát tâm, có thể sức nguyện lôi kéo họ trở lại trong lục đạo để hoàn thành ý
nguyện, nghĩa là mất phần vãng sanh. Cho nên phát nguyện nên biết tùy căn, tùy
cơ, phải thực tế và hợp với khả năng của chính mình thì sự tiến tu sẽ được suôn
sẻ, pháp hỉ sung mãn hơn.
Người tu Tịnh-độ thì chí nguyện cao cả là
vãng sanh Tịnh-độ. Hãy dồn hết sự tha thiết nhứt vào lời nguyện vãng sanh này,
đi bằng mũi nhọn, thì nguyện lực của ta sẽ mạnh, có vậy vào giờ phút cuối của
cuộc đời sức nguyện của ta sẽ vững như tường đồng vách sắt, không còn chi có
thể lay chuyển ý nguyện của ta. Có được như vậy thì sự vãng sanh càng thêm chắc
chắn. Nhiều người vì tâm từ bi cao, vì hạnh nguyện muốn phục vụ chúng sanh
mạnh, vì tâm địa quá tốt, thường lập lời phát nguyện rộng rãi như: giúp người,
bố thí, xả bỏ thân tâm, độ sanh cứu khổ, v.v... Nguyện như vậy nếu nói tốt thì
có tốt, còn nói mạnh thì không mạnh. Nếu thực sự đã là Bồ-tát tái lai thì cách
nguyện này không có vấn đề gì cả. Còn nếu là phàm phu, tội chướng còn thâm
trọng mà không chú tâm vào nguyện vãng sanh, lại chạy lo cứu độ thì có thể bị
rơi vào cách tu tự lực, nghĩa là phải trải qua nhiều kiếp luân hồi để thực hiện
ý nguyện làm thiện giúp đời, lấy đó làm công phu tu tiến.
Nên nhớ, muốn hoàn thành tâm đại Bồ-đề, Ngài
Ngẫu Ích Đại sư dạy rằng, thành tâm nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc Thế
Giới là phát Đại Bồ-đề Tâm một cách viên mãn. Đây là điều chính xác vì vãng
sanh Tây-phương thì thành Phật, thành Phật rồi thì mới cứu độ nhất thiết chúng
sanh. Người còn đầy đủ tính chất của phàm phu, tâm chưa có định lực mà phát
nguyện độ sanh thì coi chừng: một là dẫn người sai đường, hai là bị chúng sanh
“độ” lại, ba là chính mình khó thoát khỏi sanh tử luân hồi, vì sự dẫn dắt của
sức nguyện lực.
Chính vì thế, đối với người tu Tịnh-độ, thì
điều quan trọng nhất vẫn là Tín-Hạnh-Nguyện đầy đủ. Tin Phật, Nguyện vãng sanh
tha thiết thì được vãng sanh. Niệm Phật để cảnh giới Phật thâm nhập vào tâm ta,
quang minh của Phật chiếu xúc hộ trì cho ta, tới lúc đó không có lực lượng nào
có thể phá rối ta được. Cho nên, phải niệm Phật cho nhiều, niệm liên tục để cho
chủng tử Phật tràn ngập trong A-lại-da thức. Được như vậy, thì khi lâm chung,
ta niệm Phật được, chủng tử Phật sẽ xuất hiện, sẽ tương ứng với Phật quang,
chắc chắn ta được vãng sanh, một đời thành Phật.
Nếu em quá bận bịu thì HT Tịnh Không có dạy
cho pháp “Cửu Thập Niệm” như sau: niệm 9 lần mỗi lần 10 tiếng “A-di-đà- Phật”
vào những lúc:
1) Sáng thức dậy,
2) Trước khi ăn sáng,
3) Sau khi ăn sáng,
4) Trước khi bắt đầu đi làm hoặc giờ nào
thuận tiện,
5) Trước khi ăn trưa,
6) Sau khi ăn trưa,
7) Trước khi ăn chiều,
8) Sau khi ăn chiều,
9) Trước lúc đi ngủ.
Đây pháp Cửu-Thập Niệm Phật áp dụng cho Hội
Tịnh Tông. Chín lần niệm này phải rất thành tâm chí kính. Miệng niệm, tâm nghĩ
tới Phật A-di-đà, tai lắng nghe rõ từng tiếng niệm một, không được bỏ một bữa
nào cả. Đơn giản nhưng rất linh diệu! Còn những khi khác tranh thủ niệm càng
nhiều càng tốt. Nhớ đâu niệm đó: đi, đứng, nằm, ngồi, bửa củi, hái rau, rửa
chén, v.v... lúc nào cũng niệm Phật. Niệm ra tiếng hoặc niệm thầm trong tâm đều
được cả.
Cứ tu như vậy một thời gian tự nhiên mình
thấy có kết quả. Khi đi ngủ, nằm trên giường cứ thầm niệm “A-di-đà Phật” cho
đến khi ngủ thiếp luôn, rất tốt. Nửa đêm lỡ thức giấc thì nên niệm Phật liền.
Tập được như vậy em dễ định tâm ngay trong giấc ngủ. Lỡ chiêm bao hay ác mộng,
em dễ niệm câu A-di-đà Phật để phá tan ảo mộng và tạo giấc ngủ an lành. Thôi
đại khái như vậy. Để anh Năm nói về những điềm lành của em khi niệm Phật.
2) Phần hai:
Những điềm em thấy tổng quát đều tốt cả. Anh
mừng cho em có phát triển như thế. Thường thường người niệm Phật nếu chí thành
có cảm ứng nhanh lắm. Có nhiều người thành tựu nhanh không thể tưởng tưởng
được, ví dụ cách đây cỡ hai năm có người niệm Phật 3 ngày được vãng sanh. Trong
Kinh A-di-đà, Phật dạy, nếu thành tâm thì từ một ngày đến bảy ngày là có kết
quả, thậm chí trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói, chỉ cần tin tưởng, chí tâm
niệm mười câu phật hiệu ngay lúc lâm chung, cũng được vãng sanh. Nhưng phải
nhất tâm chí thành mới được.
Điều thứ nhứt, em thấy bay nhẹ nhàng. Chứng
tỏ rằng đời trước có tu hành, hiền lành nên thần thức nhẹ nhàng, nghiệp em nhẹ.
Nếu như lúc đó tu tinh tấn chút nữa có thể em đã sanh về các cõi trời hưởng
phước rồi chứ không phải tầm thường đâu. Anh nhớ, trong quyển
Niệm-Phật-Thập-Yếu (anh gởi về cho cha), HT Thích Thiền Tâm có kể một câu
chuyện, có người lúc trẻ thấy bay liên tục, cảm giác rất thoải mái sau khi bay.
Càng lớn càng ít dần và bay cũng càng thấp, đến cỡ 40-50 tuổi thì mất hẳn. Sở
dĩ như vậy tại vì những đời kiếp trước có tu, lúc nhỏ nghiệp báo còn nhẹ nên
năng lực trước vẫn còn. Càng sống lâu càng có nhiều phiền não, vọng tưởng,
nghiệp chướng càng nhiều cho nên thần thức bị nằng nề làm cho công năng bị giảm
dần đến mất tiêu luôn. Chính anh Năm cũng có như vậy, hồi nhỏ anh thường thấy
bay lượn vui lắm, nhưng khi lớn thì không còn nữa.
Sau khi anh niệm Phật thì cách đây cỡ hai ba
tháng anh lại thấy bay trở lại, bay lâu “cả tiếng đồng hồ”, bay rất cao. Khi
thức giấc vẫn còn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng, khỏe ra. Nhiều lúc muốn bay
nữa cho vui, nhưng nghĩ kỹ lại, mình không ham làm chi mấy thứ đó, lỡ mình đắm
say vào đó thì uổng đời lắm! Đó có lẽ là do công đức của câu Phật hiệu giúp
mình khôi phục năng lực cũ nhanh chóng vậy em ạ.
Những cảnh giới này tuy tốt nhưng đừng nên
tham vào mà uổng đời tu hành. Đường chúng ta đi là Tây-phương Cực-lạc Thế Giới,
chứ không phải những cảnh giới bay lượn thần thông, dù có cảm thấy nhẹ nhàng,
an lạc, thì cũng chỉ là những cõi thấp trong tam giới, giả tạm, vô thường, hão
huyền. Nhất thiết không thèm để tâm mong cầu.
Điều thứ hai, em thấy Phật Bà Quán Thế Âm
gọi em. Nếu thực sự là “Phật Bà”Quán Thế Âm thì đây là một đại phước báu khó có
ai sánh được. Không dễ gì được Bồ-tát Quán Thế Âm ứng mộng cho đâu. Bồ-tát Quán
Thế Âm là vị Đẳng Giác Bồ-tát đứng bên trái của đức Phật A-di-đà, luôn luôn tầm
thanh cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh. Thấy được Ngài chứng tỏ mới niệm Phật một
vài tháng mà em đã cảm ứng đến Phật. Thật là kỳ diệu! Kỳ diệu!
Tuy nhiên có điều anh nhắc nhở em, khi mình
mới bắt đầu tu hành, thường bị những ảo tưởng chi phối làm cho mình phân tâm,
hoặc có thể bị những vọng tâm hoặc tâm ma nó dụ mình. Chuyện này cũng dễ xảy ra
lắm.
Muốn phân biệt trắng đen cũng dễ thôi. Em
nhớ là người nào phát tâm niệm Phật thì được chư Phật mười phương hộ niệm, được
25 vị Bồ-tát gia hộ cho mình, được Long Thần Hộ Pháp bảo vệ, vì thế tiếng niệm
Phật của mình có uy lực rất hùng mạnh. Niệm Phật thì tâm mình tạo nên nhân
Phật, kết quả sẽ là quả Phật, tiếng niệm Phật phát ra quang minh, làm cho tất
cả ma lực không dám đến gần. Khi nào có gặp như vậy em cứ tự nhiên đừng vội vui
mừng cũng không sợ sệt, cứ việc tiếp tục niệm “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật”. Nếu
thực sự là Phật thì em cảm thấy an lành, tươi sáng, thanh tịnh, em đã được Phật
ấn chứng. Em sẽ cảm thấy và biết liền. Còn nếu là ma giả dạng để phá đám thì
mình không cảm thấy thoải mái. Khi em niệm “A-di-đà Phật” thì chúng nó mất bình
tĩnh và biến mất ngay.
Nhất định vững lòng niệm Phật thì ở đâu em
cũng được an toàn, không sợ gì cả. Chắc chắn như vậy. Hễ niệm “A-di-đà Phật”
thì oai thần và quang minh của Phật sẽ chiếu xúc đến em, bảo vệ em bình an
trong bất cứ nơi chốn nào....
Chánh đạo quang minh, tà ma phải sợ. Ma sợ
người niệm Phật vãng sanh, cho nên khi mới bắt đầu niệm Phật, chúng thường muốn
dọa cho mình sợ. Nếu sợ thì mình thua cuộc và mất phần giải thoát để sau cùng
chung bè với chúng theo đường đọa lạc, còn mình cương quyết đi thì chúng không
dám léo hánh tới nữa đâu.
Cũng nên nhớ rằng, chúng ta nên có lòng
thương xót loài ma, đừng nên ghét bỏ, vì thực tế chúng đều là những người đã lỡ
lạc đường mà đang phải bị khổ sở bơ vơ, chứ không xấu lắm đâu. Cho nên hàng
ngày niệm Phật ta nên thành tâm hồi hướng cho tất cả chúng sanh, nguyện cầu cho
chúng sanh biết quay đầu quy y Phật Pháp Tăng, và niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ để
mau giải thoát. Ta làm như vậy chúng sẽ cảm ơn mình rất nhiều.
Điều thứ ba, em nhìn hình Phật A-di-đà mà
nhớ thương như cha mình vậy. Đây là điều rất quý của em. Ngàn người mới có một,
chứ không dễ có đâu, rất tốt không cần e ngại. Đây là sự được khôi phục những
tâm lực từ bi đã tu hành được trong những đời trước của em. Có hiện tượng này
chứng tỏ trong nhiều đời trước em đã niệm Phật, nhưng tu chưa đến nơi đến chốn.
Ví dụ như có niệm nhưng quên nguyện vãng sanh, hoặc giả khi lâm chung bị người
thân khóc than nhiều quá nên quên niệm Phật, hoặc do một chướng duyên nào đó
như niệm không liên tục, bị cản ngăn, v.v... chính vì thế, khi vừa gặp ảnh
tượng đức Phật A-di-đà em liền thấy thân thương như cha mình, và muốn niệm Phật
liền. Em có nhiều điểm giống anh Năm. Trải qua gần 50 mươi tuổi, đi khắp nơi,
anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện quy y, tu hành, ăn chay, niệm Phật. Nhưng khi
đi vào một đạo tràng xa lạ, vừa thấy tượng Tam Thánh (Di Đà, Quán Âm, Thế Chí),
vừa nghe tiếng niệm Phật (giống như tiếng máy anh gởi về) thì anh giựt mình
tỉnh ngộ liền, anh quyết định quy y liền tại chỗ, trước sự ngỡ ngàng của rất
nhiều người cùng đi. Khoảng chừng một vài tuần sau anh phát nguyện trường trai,
tới đạo tràng niệm Phật hàng đêm tới 10 giờ mới về, dù phải đi xa tới gần 30
cây số. Tất cả đều do duyên mà thôi. Chỉ cần niệm Phật là đủ cho anh quyết định
rồi. Đây chính là do thiện căn nhiều đời kiếp trước sống lại. Cho nên có thiện
căn thì tu rất dễ, không có thiện căn thì không dễ tu lắm đâu.
Anh cũng cần chú ý em điều này, có tính từ
bi thì tốt, nhưng cũng đừng để nó phát triển mạnh quá. Bi cảm là hiện tượng tâm
từ bi của em sống dậy mạnh, nếu nó phát ra mạnh quá thì rất dễ bị thương tâm
hay khóc. Loài ma bi-thương lợi dụng cơ hội tới gần phá đám không tốt. Loài ma
bi thương chuyên môn tạo nên ý nghĩ thương tâm cho em mủi lòng. Chính vì vậy mà
mình kém vui tươi, hay buồn tủi, thấy thương người mà khóc, làm người khác mất
vui. Tốt nhất phải giữ tâm thanh thản, coi sự đời như nước chảy hoa trôi, thanh
tịnh tự nhiên mới được. Hiền từ nhưng vui tươi mới là tốt.
Điểm quan trọng nhất là nói với mấy anh chị
em cố gắng khuyên cha má niệm Phật. Con cái chúng mình cố gắng giúp đỡ chút ít
tiền cho cha má yên tâm niệm Phật, đó là sự báo hiếu chu toàn. Đừng nên cứ chạy
theo vật chất mà lỡ bị sa đọa vào ác đạo thì đau khổ không thể tả được đâu. Tới
cảnh đó rồi thì dù có tụng kinh cầu siêu mỏi cổ bể họng cũng đã quá trễ, nhiều
lắm cũng chỉ tạo thêm chút duyên, vì nghiệp báo đã định rồi khó mà xoay chuyển.
Anh Năm rất lo âu về cha má, vì người già tuổi dương còn quá ngắn ngủi, càng
lớn tuổi nghiệp chướng càng nặng, việc tu hành không chọn đúng pháp môn thì rất
khó cứu nổi. Nếu lỡ trễ tràng tới lúc quá muộn đành phải chịu thua. Khi anh Năm
hiểu được đạo, đọc được kinh Phật dạy, anh đã thấy rõ ràng ông bà mình hầu hết
đã đi lạc đường. Nhìn những cảnh tượng lúc lâm chung oằn oại, đau khổ, trằn
trọc dài lâu,… cộng với cách tu hành khi còn sanh tiền, anh biết rõ sẽ theo
cảnh giới nào. Thật là đau lòng!
Nếu cha má hạ quyết tâm niệm Phật liền, thì
cha má có thể thoát khỏi lục đạo. Anh có thể giúp cha má được việc này, hoặc ít
ra thì anh cũng có thể giúp cha má thoát khỏi tam đồ đọa lạc ở đời sau. Còn nếu
cha má mình không tin, anh Năm chỉ đành rơi nước mắt mà thôi!
Thôi thư cũng đã dài rồi, anh Năm ngừng. Nên
khuyên chồng con, anh chị em, bà con làng xóm cùng tu để họ cũng được lợi ích
như mình. Khuyên nhẹ nhàng, ai tin hoặc không đều tùy theo căn duyên của họ,
mình không nên ép. Họ không nghe theo thì biết thiện căn của họ còn kém, mình
cầu mong họ tỉnh ngộ, còn phần mình cứ lo tinh tấn niệm Phật. Hãy giữ thư này
để đọc. Nếu không đủ hiểu biết để khuyên bà con, em cứ việc lấy thơ của anh Năm
cho họ coi, nhiều khi đọc họ cũng hiểu được đó.
Thôi cười đi và niệm Nam-mô A-di-đà Phật,
Anh Năm.
(Viết xong, Úc Đại Lợi ngày 28/1/01)