Cháu Truyền,
Câu chuyện cô Lương Thị Chuẩn, con ông Lương
Văn Liêm ở làng Vần, xã Yên Thắng, huyện Long Chánh, tỉnh Thanh Hóa chết năm
1988 đã đầu thai thành cô Hà Thị Khuyên con ông bà Hà Văn Lợi và Lò Thị Sơn ở
làng Buốc, xã Lâm Phú, cùng trong huyện Long Chánh là đề tài còn khá hay! Thư
trước cậu đã trả lời được vài câu hỏi nhưng chưa xong. Hôm nay cậu tiếp tục tới
phần còn sót lại. Trả lời một thư phải gián đoạn mấy tháng trường là vì cậu khá
bận, chắc cháu hiểu được việc này! Hy vọng cháu cũng có đọc những lời thư khác
và giúp ích được ít nhiều cho cháu. Cháu có nhiều suy nghĩ khá sắc bén, đáng
khen.
Hỏi: Hiện tượng này có liên quan gì đến Phật
pháp không?
Trả lời:
Có chứ! Đây là hiện tượng sanh tử luân
hồi mà trong Phật giáo nói rất rõ. Đối với Phật pháp, thì câu chuyện của
cháu kể rất có giá trị, chứng minh được rằng chết rồi không phải hết, mà chết
chỉ là đổi cái thân. Năm 1988 cô Chuẩn chết, nhưng đó chỉ là thân xác của cô
chết, chứ thần thức của cô không chết, đã lang thang theo đám tang rồi đầu thai
trở lại thành cô Hà Thị Khuyên. Những chuyện này nên phổ biến cho nhiều người
biết, rất là hay!
Cô Khuyên khi sanh ra lại biết rõ chuyện quá
khứ của mình. Đây vẫn còn là điều khá huyền bí, khá tế nhị. Sự tế nhị chính là
ở chi tiết: ngày cô Chuẩn chết là ngày chị Lò Thị Sơn mang thai. Trong câu
chuyện, chị Lò Thị Sơn, mẹ của cô Khuyên kể: “… vợ chồng tôi lấy nhau hơn bốn
mươi năm mà không có con. Hôm đó đi qua làng Vần, chúng tôi gặp đám ma của một
cháu gái. Tôi kêu lên: “Con bé tội nghiệp quá nhỉ!”. Ngay sau đó ít ngày tôi
biết đã có bầu cháu Khuyên…”. Còn lời kể của cháu Khuyên: “Hôm đưa đám ma của
cháu ở làng Vần, có một chị ngồi bên đường nói thương cháu quá. Cháu vội nhảy
vào chiếc địu của chị ấy. Từ hôm đó cháu “đầu thai” vào nhà chị ấy…”.
Như vậy, sau khi chết, “thân trung ấm” của
cô Chuẩn vất vưởng đi theo đám tang của mình, giữa đường gặp một người thốt lên
lời thương tiếc đến mình. Sự thương tiếc này đã tạo nên sự cảm ứng, dẫn đến
hành động cô Chuẩn nhảy vào bào thai vừa mới có của chị Sơn, và nằm trong thai
đủ tháng đủ ngày mới sinh ra.
Theo thông thường, một thần thức nằm trong
bào thai chín tháng mười ngày thì đều bị cái nạn “sanh khổ”. Sanh khổ là nhập
thai, trụ thai, xuất thai mê muội. Khi sanh ra thì bị ký ức xóa sạch, không còn
nhớ gì trước đó nữa. Chính vì thế mà trên đời này khó có ai biết được quá khứ
của mình. Thế mà cô Khuyên lại biết rõ. Thật là một điều kỳ bí! Thư trước cậu
nêu lên vấn đề thần thức đi đầu thai quá sớm, thời gian trải qua trong cảnh
trung ấm quá ngắn. Có lẽ hiện tượng này giúp ích nhiều cho ký ức của cô
Khuyên(?). Nhưng dù sao đó cũng không phải là điều chắc chắn. Cảnh giới huyền
nhiệm, có nhiều điều chúng ta khó thể quyết đoán!
Hôm nay, cậu đưa ra thêm một vài khía cạnh
khác, dù không hợp lắm với câu chuyện kể lại của cô Khuyên, nhưng cũng giúp cho
cháu hiểu thêm về cảnh giới. Giả sử câu chuyện kể rằng, khi cô bé tên Chuẩn vừa
mới chết, một vài ngày sau là cô Khuyên sinh ra, thì có lẽ sự giải thích đơn
giản hơn. Trường hợp này có thể ứng hợp với sự “đoạt thai”, như trong kinh Phật
có nói đến.
Đoạt thai là sao? Tổng quát, là một
thần thức trong cảnh trung ấm đi chiếm đoạt cái thai của một thần thức khác.
Nghĩa là, coi như cái thần thức trong thai chưa kịp sinh ra mà đã bị chết. (Hẳn
nhiên, vấn đề này có thể còn liên quan đến nhiều yếu tố khác nữa. Huyền bí quá
phải không?!). Nếu cái thai đó đã gần đến ngày sanh thì thần thức này chỉ ở
trong thai vài ngày, thậm chí thời gian trụ thai ngắn hơn, rồi sanh ra. Chính
vì vậy mà họ thoát được cái nạn trụ thai, khỏi bị tù đày 10 tháng trong thai
ngục.
Giả sử, sự việc này thực sự đã xảy ra, thì
trong năm 1988, em Chuẩn đang sống, đang vui đùa. Em hái mận ăn, vô ý nuốt phải
hạt mận bị nghẽn cổ chết thình lình. Sự cố quá bất ngờ, em chết lúc mới bảy
tuổi, còn non dại, ngây ngô, trong sáng, yêu đời, sức sống còn quá mạnh. Hơn
nữa, có thể số phần của em chưa mãn, chỉ vì gặp tai nạn bất ngờ mà bị “bất đắc
kỳ tử”, cho nên thần thức cứ vất vưởng theo đám tang, gặp dịp một người mang
thai tới gần, chỉ cần một sự gợi ý là có cảm ứng, đã thúc đẩy thần thức của em
chiếm đoạt cái thai của một linh hồn đã bị mê mệt một cách dễ dàng.
Như vậy, hành động “nhảy vào chiếc địu” ấm
áp để nằm, thực ra là một sự tấn công, đuỗi một linh hồn khác ra ngoài, chiếm
đoạt lấy bào thai và sanh ra thành cô Khuyên. Sau này, khi nhà báo Nghĩa Tân
hỏi tới thì cô Khuyên không còn nhớ được chi tiết để kể lại. Lý luận này trả
lời có phần thích đáng hơn là thân trung ấm như trong thư trước.
Nếu đúng theo trường hợp này, thì lời kể lại
của chị Lò Thị Sơn đã không được chính xác. Nghĩa là, chị đã có thai gần sanh
rồi mới đến thăm làng Vần, gặp đám tang của một cháu nhỏ, chị thấy tội nghiệp
cảm mối thương tâm mà than lên rằng: “Con bé tội nghiệp quá!”, rồi trở về nhà
một vài ngày sau thì sanh liền. Nhưng vì thời gian đã mười ba năm trôi qua,
công việc làm ăn bận bịu, chị đã quên mất chi tiết này chăng!?
Đoạt thai là một hiện tượng phổ biến, thường
có xảy ra mà mình không hay đó thôi. Nhất là những trường hợp bị chết bất ngờ
vì tai nạn. Ví dụ, như mới đây, cậu có kể với cậu Đường câu chuyện một anh giám
đốc bị tai nạn chết bất ngờ rồi đầu thai thành chó. Đây là câu chuyện có thực,
và được người ta đem đóng lại thành phim, với tựa đề là “FLUKE!” (Tạm dịch:
“Tấn tuồng may rủi!”). Có phúc báu, có quyền thế là “May”. Nhưng chết lại bị
thành chó, đó là “Rủi”! May đó, rủi cũng đó. Phải chăng cuộc đời giống như một
tấn tuồng trên sân khấu! Phim này được Hội Tịnh Tông cho phát hành trong nội bộ
để nhắc nhở đồng tu.
Con chó sanh ra rất thông minh, biết được
trước đây mình làm giám đốc một công ty, khi đến văn phòng cũ nó nhảy ngồi lên
cái ghế của giám đốc với tướng bộ rất oai phong, nó tìm được xâu chìa khóa đã
bỏ quên, biết được những ngăn tủ chứa giấy tờ quan trọng, v.v…
Tại sao đã bị thành chó rồi mà còn biết rõ
chuyện quá khứ vậy? Vì đã đoạt thai của một linh hồn trong thai chó. Khi sanh ra,
thân thể là chó, nhưng linh hồn lại là người. Con người nằm trong thân chó. Nói
rõ hơn, chết rồi thành chó. Nếu thai đó đã đến ngày sanh, vừa mới đoạt thai là
sanh ra liền thì người đó chỉ trải qua một biến cố giống như một cơn ác mộng
rồi tỉnh dậy, tiếp tục sống trở lại! Nhưng buồn thay! Một cơn ác mộng đã thành
sự thật, đưa hẳn một con người vào hàng súc sanh. Trước đây một vài ngày thì
oai phong lịch lãm của một vị giám đốc, sau một vài ngày thì phải lăng xăng
tranh núm vú với đàn chó con! Đây chính là một sự luân hồi đọa lạc, chết rồi
đầu thai trở lại là sự thật mà nói ra thì ít ai chịu tin!
Tại sao lại tái sanh vào hàng súc sanh? Cái nguyên nhân chính
là do trong đời làm nhiều điều xấu, tâm hồn u ám, ngu muội. Nghiệp xấu ác do
mình tạo ra trong nhiều đời nhiều kiếp luôn luôn bám sát theo mình để chờ cơ
hội dẫn dắt mình vào ba đường đọa lạc: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Cậu thường
nhắc đến vấn đề ý niệm khởi ra khi lâm chung có ảnh hưởng rất lớn, nó có thể
quyết định đường tái sanh: sân giận bị đọa địa ngục, ngu si bị đọa súc sanh,
tham lam bị đọa ngã quỷ. Một người chết đầu thai vào bụng chó, nguyên gốc của
nó chính là sự ngu si!
Tại sao lại ngu si? Vì lúc sanh thời
không chịu nghe pháp Phật, không chịu phản tỉnh lỗi lầm, bướng bỉnh sống theo
những ý nghĩ nông cạn, không sáng suốt phân biệt thiện ác, phải trái, trắng
đen. Đây là cái nhân của sự ngu si! Ngoài ra, những người thích ăn nhậu, say
sưa, hút xách, suốt ngày ưa ngủ li bì, v.v… cũng dễ tạo ra cảnh giới mê muội,
hôn trầm, có thể tạo nên hậu quả không tốt sau khi chết!
Cũng nên nhớ, danh từ “ngu si” này không
phải là người thiếu lịch lãm, thiếu học, kém thông minh của thế gian, mà chính
là thiếu cái huệ căn trong Phật pháp. Trí huệ thuộc về xuất thế gian, thông
minh là trí thức thế gian, hai chuyện khác nhau. Ví dụ, anh giám đốc bên trên
lúc còn sống rất có nghị lực, thông minh, có đủ năng lực điều hành thành công
một công ty lớn, nhưng khi chết lại không sáng suốt để nhận rõ đường thiện
đường ác, nên không biết chỗ nào tốt để đi đầu thai. Vì ham muốn sự sống trở
lại quá mãnh liệt nên bất chấp hậu quả, đã quyết tranh giành cái thai chó, để
rồi vạn kiếp sống trong cảnh giới súc sanh!
Chuyện đầu thai chuyển thế còn dài, còn rất
nhiều trường hợp như thế thân, mượn thân, thay hồn đổi xác, v.v… Tất cả những
chuyện này quá huyền bí! Chúng ta không nên khai thác sâu hơn. Tuy nhiên cũng
nên biết thêm một chút về sự giáng sanh của các vị Thánh nhân.
Đầu thai là chúng sanh theo nghiệp thọ sanh,
còn giáng sanh là trường hợp các vị Thánh Nhân, Phật, Bồ-tát chủ tâm hạ sanh
xuống trần. Trường hợp này, khi sanh ra thường có những điềm lành bất khả tư
nghị như: ứng mộng, hương hoa, hào quang, hiện tướng lành, v.v… những hiện
tượng hiển linh đặc biệt mà người thường như chúng ta không dễ gì suy luận
được. Hầu hết các Ngài cũng thị hiện sanh ra, lớn lên bình thường như mọi
người, nhưng khi đã chọn nơi để hạ sanh, thì theo như lời ngài Ấn Quang tổ sư
dạy, thường phải có một thần thức khác tới trụ thai chờ ngày các Ngài tới.
Chính vì thế mà ngày giáng sanh người mẹ thường thấy được sự ứng mộng đặc biệt.
Ví dụ như Ma-Da phu nhân đã nằm mộng thấy có một vị cỡi voi trắng sáu ngà giáng
hạ mà sanh ra thái tử Tất-Đạt-Đa (tức là đức Phật Thích-ca Mâu-ni). Điều này có
nghĩa là, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã thị hiện xuống trần với thân phận là thái
tử Tất-Đạt-Đa, đây chỉ là một ứng hóa thân của Ngài để khai mở Phật đạo ở trái
đất này nhằm cứu độ chúng sanh, chứ thái tử Tất-Đạt-Đa không phải là người bình
thường rồi tu hành mới thành Phật. Trong kinh Phạm Võng, Phật nói trước khi ứng
hóa thành thái tử Tất-Đạt-Đa, Ngài đã xuống trần tất cả 8 ngàn lần rồi mà chúng
ta đâu có hay!
“Nhứt Phật xuất thế, thiên Phật hộ trì”. Đức
Thích-ca Mâu-ni đã thị hiện thành Phật tại quả đất này để lập đạo thì hàng ngàn
vị Phật và Bồ-tát khác cũng giáng phàm để hộ trì cho đức Bổn Sư Thích-ca xây
dựng đạo pháp. Các Ngài đóng đủ các vai trò như làm người thân, đệ tử, người
xuất gia, cư sĩ tại gia, v.v… để cùng hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sanh.
Các Ngài thị hiện một cách bí mật và âm thầm hành đạo, chứ tuyệt đối không bao
giờ thố lộ tông tích. Đây là một nguyên tắc trong Phật môn, tránh cho chúng
sanh lầm lẫn, nhất là giữa thời mạt pháp loạn lạc, chánh tà lẫn lộn. Tại sao
vậy? Vì ngoài đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện chính thức để khai đạo ra, nếu
các vị Phật khác xưng là Phật, thì hàng ngoại đạo cũng có thể xưng là Phật, lúc
đó làm sao chúng sanh phân biệt được ai thật ai giả! Cho nên, nếu cháu có ý
hướng tu hành, làm lành lánh ác, hướng thượng tâm linh, thì cần phải chú ý đến
điều này. Nhất thiết không được hiếu kỳ mà mang hại đó!
Hỏi: Như vậy, ngoài thế giới mình đang sống,
chẳng lẽ còn một thế giới khác nữa? Thế giới khác đó ra sao?
Trả lời:
Không phải chỉ có một thế giới khác, mà có
rất nhiều thế giới khác đang sống trên vũ trụ pháp giới này, không thể nào đếm
hết. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật nói có “chủng chủng sát độ”. Nghĩa là thế giới
có trùng trùng điệp điệp, vô lượng vô biên. Không phải là hàng ngàn, hàng
triệu, hàng tỉ, mà nhiều đến nỗi không còn có thể đếm thành số được nữa, nên
mới gọi là “Vô lượng thế giới hải”.
Trong kinh Phật nói, cõi Ta-bà là giáo khu
hóa độ của đức Thích-ca Mâu-ni Phật, rộng đến tam thiên đại thiên thế giới,
nghĩa là 1.000 x 1.000 x 1.000 = 1 tỉ đại thiên thế giới. (Cũng nên nhớ, đức
Thích-ca Mâu-ni Phật không phải chỉ là thái tử Tất-Đạt-Đa, mà thái tử
Tất-Đạt-Đa chỉ là một ứng thân của Phật tại trái đất này mà thôi. Nói rõ hơn,
có hàng tỉ đức Thích-ca Mâu-ni thị hiện xuống ở hàng tỉ hành tinh khác, những
nơi có sự sống trong cõi Ta-bà để giáo hóa chúng sanh).
Một đại-thiên-thế-giới có một ngàn
trung-thiên-thế-giới, một trung-thiên-thế-giới có một ngàn cái
tiểu-thiên-thế-giới, một tiểu-thiên-thế-giới có một ngàn thế-giới. Một cái
thế-giới không phải là một quả địa cầu, mà hiện nay có nhiều người nghiên cứu
chứng minh ra rằng, một thế giới trong kinh Phật nói có thể rộng lớn như một
dãy ngân hà.
Hàng đêm chúng ta nhìn lên bầu trời thấy vô
vàn vì sao lấp lánh, một vì sao đó không phải chỉ là một hành tinh nhỏ như quả
địa cầu, mà có thể là một thái dương hệ. Có hàng tỉ thái dương hệ đang hoạt
động trong dãy ngân hà này. Trong hư không pháp giới có hàng tỉ tỉ cái dãy ngân
hà. Tất cả ở đó đều có sự sống, dưới hình thức này hay hình thức khác. Hãy tính
thử coi, như vậy trong vũ trụ này có bao nhiêu thế giới? Hơn nữa, ngoài những
thế giới chúng ta có thể thấy, còn có vô lượng cảnh giới mà mắt thường chúng ta
không thể thấy được.
Có nhiều người nghĩ rằng, kinh Phật nói có
vô lượng thế giới, tại sao các phi hành gia bay lên mặt trăng, tới sao hỏa, bay
vào không gian họ không thấy gì cả? Thực ra, đâu cần gì phải bay vào không gian
mới không thấy, ngay trước mắt chúng ta vẫn có thiên địa, quỷ thần, yêu ma,
v.v… sống chung lộn với loài người mà ta cũng không thấy! Khi một người mất,
thân xác thì liệm trong hòm, còn linh hồn của họ vẫn đứng buồn xo trước mặt
người thân. Hỏi rằng, đã có ai thấy được chưa?
Vào khoảng tháng 11/1999, cậu có một người
bạn thân bị nạn cảnh ma, khá dễ sợ! Anh ta bị con ma nữ chận đường rồi theo
luôn vào nhà và sau đó muốn nhập vào người anh. Có lúc cha của anh vào phòng
ngồi cách con ma có nửa thước mà không thấy, còn anh ta thì thấy rõ ràng.
Thường khi thì con ma ngồi trong một góc phòng, tóc phủ trùm cả mặt. Có một đêm
con ma đứng lên, từ từ tiến tới càng lúc càng gần và như muốn nhập vào người
anh. Trong lúc quá hãi sợ, anh bạn vớ được chiếc điện thoại cầm tay và gọi cầu
cứu đến cậu…
Câu chuyện này khá dài, cậu chỉ tóm tắt là:
trong đêm đó cậu hướng dẫn anh bạn và một người bạn khác lái xe tới nhà cậu.
Cậu đã giúp anh ta bằng cách khuyên anh ta phải liên tục niệm Phật, khuyên con
ma niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, mình hứa niệm Phật tiếp sức hồi hướng công đức
cho cô chứ tuyệt đối không cho mượn thân, nghĩa là, phải cứng rắn từ chối, niệm
lớn câu Phật hiệu khi cô muốn nhập. Chỉ vậy thôi, trong vòng hai ngày anh ta
được giải nạn.
Chuyện này cũng chưa hay, còn có chuyện khác hay hơn. Hiện ở tại đây, có một
ông bác tên là Nguyễn Văn Th…, pháp danh là T.M, tuổi trên 70, hàng ngày đều
thấy ma, rất nhiều, có khi có cả hàng chục, hàng trăm con. (Thực ra, ta gọi là
ma cũng hơi sai, vì họ cũng là chúng sanh như chúng ta, đang sống trong những
cảnh giới khác mà thôi). Những chúng sanh này có duyên với bác, thường xuyên
tiếp xúc với bác từ Sydney, một thành phố cách Brisbane cả ngàn cây số.
Khi về đây tu tập, bác vui tánh mời, thử coi họ có theo được không. Không ngờ,
sau khi xuống xe lửa vừa về tới liêu phòng ở Brisbane thì bác đã thấy chúng tụ tập đầy nhà
chờ bác. Có nhiều đêm chúng còn chen mình nằm cùng giường với bác. Sự việc quá
thường xuyên nên bác không còn sợ nữa. Bác nói với chúng, muốn tu hành thì ở
đây tu, đừng phá phách là được. Hàng ngày bác niệm Phật rồi hồi hướng cho
chúng. Trong năm vừa qua, bác thỉnh chư vị Tăng Ni làm lễ quy y Tam Bảo cho
chúng hai lần. Có một dạo cậu ngủ chung nhà, có khi chung phòng với bác. Bác
thì thấy ma đầy nhà, còn cậu và những người khác không ai thấy gì cả. Đây là
câu chuyện hoàn toàn có thực.
Vậy thì, cần gì phải đợi bay vào không gian
mới không thấy! Phật nói, “Pháp giới mông huân”, cảnh giới trong vũ trụ này vô
lượng vô biên, không cùng không tận, huyền bí phi thường! Biết bao giờ con mắt
bình thường của con người mới có thể thấy cho hết!
Bên trên là nói thế giới rộng lớn bao la vô
tận, từ quả địa cầu này nhìn ra ngoài vũ trụ hư không. Bây giờ thử nhìn sâu vào
trong đến thế giới tế vi. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật nói, trong thế giới có vi
trần, trong vi trần có thế giới, trong thế giới lại có vi trần… chủng chủng vi
trần sát. Vi trần là một vật thể rất nhỏ, có thể nhỏ đến mắt thường không thể
thấy được. Ấy thế mà trong vi trần lại có thế giới sống trong đó. Trong thế
giới đó lại có vi trần khác, rồi trong vi trần đó lại có thế giới nữa… trùng
trùng chủng chủng, vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn được!
Nghe đến điều này, chắc chắn nhiều người cảm
thấy mơ hồ, xa vời, quá sức trừu tượng, không còn biết đâu để lý giải nữa!
Nhưng cháu à, nếu ngộ được lý đạo này thì thích thú lắm. Ngôn từ, chữ nghĩa thế
gian không đủ sức để diễn tả! Cậu sẽ cố gắng đưa ra một số ví dụ cụ thể, dựa
theo đó mà cháu liên tưởng ra thế giới hải, chứ còn lý đạo thì quá sâu rộng,
quá siêu hình, không thể nào diễn tả được đâu!
Phật nói trong thế giới có thế giới. Ví dụ
như, quả địa cầu chúng ta là một hình thức thế giới, trong đó có hàng trăm quốc
gia, mỗi quốc gia là một thế giới. Trong một quốc gia có hàng triệu người, mỗi
người sống theo thế giới riêng của họ. Giả như gom lại, tất cả sinh hoạt của
loài người trên quả địa cầu này là một thế giới, thì vẫn còn có vô vàn những
thế giới khác đang sinh hoạt chung với chúng ta. Con cá dưới nước, con chim
trong rừng, con muỗi trong lùm cây, đều có thế giới riêng của chúng. Con sâu
nằm trong trái táo, thì trái táo là thế giới của nó. Trong bụng con sâu vẫn còn
có thế giới của loài vi trùng, vi khuẩn. Trong thân thể của loài vi khuẩn vẫn
còn có những phân tử, điện tử đang hoạt động với tốc độ quay cuồng rất nhanh.
Đó đều là sự sống có hoạt động hẳn hoi. Nếu thấy được điều này thì trong thân
thể của chúng ta là cả một đại vũ trụ đang sinh hoạt, trong từng lỗ chân lông
là cả một thế giới đang sống. Phải chăng thế giới sống trùng trùng vô tận!
Nên nhớ một điều, những cái chúng ta không
thấy không phải là không có. Con kiến chúng thấy không gian chung quanh chỉ là
một màn trống rỗng, nhưng thực sự có con người thân thể lớn hơn chúng cả tỉ lần
đang nhìn thấy chúng rõ ràng. Tại sao chúng không thấy? Vì mắt của chúng quá
kém! Quỉ thần, thiên địa, yêu ma, v.v… đang theo dõi từng cử động của con
người, trong khi con người không thấy được họ! Tại sao không thấy? Vì mắt của
con người quá kém!…
Rất nhiều trường hợp một sinh vật này thấy
được sinh vật khác, nhưng sinh vật khác không thấy lại được. Quỷ thần thấy ta,
ta không thấy họ. Đêm càng đen tối con cú thấy càng rõ, còn con người thì
không. Tia hồng ngoại có thể nhìn suốt qua màn đêm, tia sáng X nhìn xuyên qua
một số vật chất, v.v… tất cả những điều này mắt con người không có khả năng.
Không gian đa chiều, mắt chúng ta chỉ bắt được có ba chiều, nếu có một vật xuất
hiện trong chiều thứ tư, thứ năm, v.v… thì ta chịu thua.
Cảnh giới như là hiện tượng của làn sóng ba
động. Những hình ảnh sống động bay lượn khắp bầu trời, chiếc TV bắt được mà ta
không được. Nhiều âm thanh xuất hiện thường trực trong không gian, ta không
nghe, nhưng chiếc máy điện thoại, chiếc máy thâu thanh có thể bắt được, v.v…
Rất nhiều ví dụ để diễn tả cảnh giới trùng trùng trong vũ trụ, mỗi cảnh giới
đều có sự hoạt động riêng trong từng giây phút mà chúng ta không hề hay biết.
Trong kinh A-di-đà, Phật nói cách đây hơn
mười vạn ức cõi Phật độ có một thế giới gọi là Thế Giới Tây-phương Cực-lạc của
đức Phật A-di-đà. Với khoảng cách xa như vậy, đối với khoa học ngày nay vĩnh
viễn không bao giờ có thể khám phá ra được. Vậy mà một người quyết lòng tin
tưởng, chí thành niệm Phật không gián đoạn, không hồ nghi, không niệm tạp nhạp,
tha thiết cầu sanh về đó, thì trong một đời này khi hết báo thân sẽ sanh về tới
đó. Đây là sự thật, rất nhiều người đã được vãng sanh. Sự việc này chứng minh
rõ ràng rằng lời Phật nói không sai. Đây là một thế giới vô cùng trang nghiêm,
vĩ đại, đẹp đẽ, vi diệu vô cùng, khó có thể diễn tả thành lời. Phật nói, ở đó
con người không phải là thai sanh mà từ hoa sen hóa sanh ra. Một hoa sen nhỏ
nhất cũng lớn bằng vài tỉnh của VN, có hoa lớn đến nỗi cả nước VN chỉ bằng cánh
hoa mà thôi. Trong hoa sen đó là cả một thế giới cho chúng ta sống, có cung
điện, lầu các, phương tiện du hành, tiện nghi cho cuộc sống đều tùy tâm ứng
hiện, như muốn tới nơi nào tự nhiên nơi đó hiện ra, muốn về thăm làng cũ thì
tức khắc làng xưa của mình có ngay, bà con cô bác đang hoạt động ngay trước
mắt. Nói chung đây là cảnh giới sống rất an vui, tốt đẹp, không có khổ mà đức
Phật A-di-đà hiến dâng cho chúng sanh khi vãng sanh hưởng dụng để an tâm tu
hành chờ ngày thành Phật.
Cảnh giới Tây-phương Cực-lạc thật không thể
nghĩ bàn! Nói ra thì giống như một sự tưởng tượng, nhưng sự thực có thực, với
trí óc bình thường con người không bao giờ hiểu tới! Ở đó có những hàng cây cao
đến 400 vạn dặm, có nghĩa là nếu mọc từ quả đất thì nó cao vượt khỏi mặt trăng.
Chu vi của thân cây lớn đến 5 ngàn do tuần,
tính ra cái gốc cây lớn hơn quả địa cầu ít ra cũng 5 lần. Một chiếc lá rộng đến
200 ngàn dặm, dùng chiếc lá đó có thể gói gọn quả địa cầu này chẳng khác gì như
gói một viên kẹo. Như vậy, quả đất này quá nhỏ, nhỏ đến thảm thương, nhỏ xíu
như một viên kẹo, thế mà trên viên kẹo đó lại có hàng tỉ con người sinh hoạt,
có vô lượng sinh vật các loài đang sống! Quả địa cầu này so sánh với Tây-phương
Cực-lạc thì có khác gì một thứ vi trần!
Cảnh giới thật sự vô lượng vô biên, trùng
trùng điệp điệp, chúng sanh vì không hiểu nên cứ bám chặt lấy cảnh giới ô uế
của mình mà đành vạn kiếp khổ đau, không có ngày giải thoát. Con dòi bám lấy
bãi phân, con kiến bám lấy cái hang, con sâu bám lấy trái táo, con bò bám lấy
cái chuồng, con người bám lấy cái nhà, v.v… tất cả chỉ là những vật bất tịnh,
nhỏ bé, vô thường, khổ nạn! Đâu ngờ rằng còn có những cảnh giới trang nghiêm,
thanh tịnh, vi diệu, vĩ đại, tốt đẹp phi thường, đang dâng tặng mà chúng sanh
không chịu hưởng. Thật là đáng tiếc!
*) Cảnh giới như thế nào?
Cảnh giới trong vũ trụ hư không do chính tâm
của chúng ta biến hiện ra. Lý đạo này cao lắm! Để cho dễ hiểu, cậu vẽ cái đồ
hình bên trên làm biểu trưng để giúp cháu suy nghiệm. (Nên nhớ đây chỉ là hình
vẽ biểu trưng cho dễ hiểu mà thôi, chứ đừng nên chấp vào cái hình. Ví dụ như
Ngài Tịnh Không khi nói về cảnh giới Ngài thường dùng cái màn ảnh TV làm ví dụ,
băng tần ví như cảnh giới, màn ảnh là nơi diễn ra tất cả cảnh giới. Đây chỉ là
ví dụ, để biểu trưng chứ không phải cảnh giới này là cái máy TV).
Trong đồ hình, mỗi vòng tròn tượng trưng cho
một không gian, một cảnh giới. Vạn pháp duy tâm, thì khởi đầu của vạn vật vũ
trụ là ở tại tâm, chỉ là một điểm (X). Điểm (X) ở tại đây, nghĩa là tất cả mọi
cảnh giới trên vũ trụ đều có thể ở tại đây chứ không ở đâu xa cả, nhưng môi
trường hoạt động thì hoàn toàn khác nhau. Có cảnh giới chỉ lẩn quẩn trong vòng
số 1, có cảnh giới rộng lớn vô cùng, vô tận, vô biên như không gian số 5. Một
chúng sanh sống trong cảnh giới số 1, hỏi tới điểm (X) ở đâu? Ở đây! Ở ngay
trong cái hang nhỏ xíu tối tăm này. Đối với một người trong không gian số 4,
hỏi tới điểm (X) ở đâu? Cũng ở đây! Nhưng từ chỗ này họ có thể nhìn thấu suốt
cả dãy ngân hà, đi qua cả nhiều thái dương hệ, thăm viếng vô lượng hành tinh.
Rõ ràng cũng tại một nơi nhưng không gian hoàn toàn khác nhau, cảnh giới hoàn
toàn khác nhau.
Cảnh giới tương ứng với tâm lượng. Tâm hồn
hẹp thì cảnh giới hẹp, tâm hồn rộng thì cảnh giới rộng. Con kiến chấp lấy cái
hang thì hoạt động quanh quẩn cái hang, cảnh giới của chúng là cái vòng số 1.
Con người chấp lấy cái trái đất này, tưởng là vĩ đại nhưng thực ra chỉ lần quần
trong cái vòng tròn thứ 2. Quỷ thần vòng thứ 3, chư thiên vòng thứ 4, v.v… Khi
trở về được với tự tánh, tâm lượng mở rộng vô biên thì cảnh giới cũng mở rộng
không còn biên giới. Đây chính là cảnh giới của chư Phật, Bồ-tát.
Hiểu được chỗ này ta mới thể hội được cái lý
đạo thậm thâm vi diệu trong kinh Phật. Phật nói, tất cả chư Phật sát độ, mười
phương pháp giới không rời khỏi chỗ này, gọi là “Bất ly đương xứ”. Đương xứ là
tại đây. Nghe như vậy, xin chớ đừng tự mãn mà cho rằng ta đang ở trong cảnh
giới Phật. Không đâu! Không gian bất đồng vi thứ, chiều kích khác nhau, cảnh giới
khác nhau, tâm lượng khác nhau đã làm cho chúng ta tự ngăn cách với cảnh giới
Phật.
Nói sâu hơn nữa, cảnh giới Phật ở tại đây,
chư Thiên, Thần Thánh, Ma Quỷ cũng ở đây, tam đồ ác đạo cũng ở đây luôn, nhưng
cảnh giới của ai tự người đó sống. Sự ngăn cách này là do cái niệm trong tâm.
Phật-Ma, Ma-Phật đều ở tại tâm vậy!
Tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đã làm
phân cách không gian. Không gian cách ngăn ra từng ô nên gọi là xứ xứ. Sở dĩ có
xứ xứ đều là do tâm niệm mà có, cho nên xứ xứ bất ly đương niệm, một niệm khác
tạo ra một cảnh giới khác nhau. Cái vọng niệm của chúng sanh quá nhiều, nên
cảnh giới hình thành cũng nhiều đến vô lượng vô biên! Khi nào ta trở về được
với tự tánh thanh tịnh thì không gian không còn biên giới nữa. Xứ xứ đã mất,
niệm niệm cũng mất, đây là cảnh nhất chân pháp giới, “Biến nhứt thiết xứ”.
Cảnh giới trong kinh Phật nói thật sự là
rộng bao la vô cùng vô tận, siêu vi huyền diệu. Con người ngày nay đang sống
trong thế giới hiện tượng nên khó chấp nhận điều này. Tuy nhiên, Phật pháp nói
cao diệu thì thật cao diệu vô thượng, nhưng nói về thực tế thì cũng thực tế như
sự ăn mặc, tiếp vật, đối người. Cháu hãy nhìn lại cái đồ hình bên trên một lần
nữa mà suy nghiệm.
Ví dụ, một người ích kỷ, chỉ sống cho riêng cá nhân, không cần biết đến một ai
khác, thì chắc chắn cũng không có ai cần đến họ. Sướng khổ, vui buồn, sống
chết… mặc thân. Cảnh giới của họ thực sự đã thu hẹp như vòng tròn số 1. Nếu họ
biết thương đến gia đình, nghĩ đến người khác, tín nghĩa với bạn bè, thì thế
giới của họ nới rộng ra đến vòng số 2. Nếu họ trung với nước, hiếu với dân,
biết thương người, biết lo cho dân tộc, biết phục vụ chúng sanh, thì tầm hoạt
động của họ đã rộng đến khắp cả nước, uy đức của họ đã ảnh hưởng đến cả thế
giới, thì cảnh giới của họ lớn đến số 3, số 4, v.v… Rõ ràng cảnh giới mở rộng
theo tâm lượng của con người. Cách đây 3 ngàn năm, thái tử Tất-Đạt-Đa có tâm
hồn thật vĩ đại, thật cao thượng. Ngài có tâm đại từ, đại bi, đại trí, đại
dũng, quyết tâm cứu độ tất cả chúng sanh khổ nạn trong hoàn vũ, thành ra cảnh
giới của Ngài đã rộng lớn đến tam thiên đại thiên thế giới, đến hàng tỉ dãy
ngân hà!
Chơn tâm bản tánh của chúng ta nếu nói lớn
thì có thể châu biến pháp giới, gọi là “Chí đại vô ngoại”, không có gì ở ngoài
tâm. Ngược lại, nếu nói nhỏ thì nhỏ đến “Chí tiểu vô nội”, không có thể chứa
được một vật nhỏ nào bên trong. Chơn tâm của chúng ta hoàn toàn trong sạch,
thanh tịnh, vắng lặng, không nhiễm một hạt bụi trần, không chứa một vật gì bên
trong nên mới “vô nội”. Đây chính là cảnh giới của “CHƠN KHÔNG”. Dù là chơn
không, nhưng một khi nó phát ra diệu dụng thì sanh ra sơn hà, đại địa, vũ trụ,
nhân sinh, tất cả vạn vật, không có cái gì ở ngoài chơn tâm nên mới “vô ngoại”.
Đây chính là cảnh giới “DIỆU HỮU”. Chơn-không diệu-hữu diễn tả cái Thể và cái
Dụng của chơn tâm, bao hàm từ chỗ nhỏ nhất cho đến chỗ lớn nhất vậy.
Cho nên, đối với cái tâm, tầm cỡ nào nó cũng có thể dung chứa được cả. Tốt-xấu,
trắng-đen, thị-phi, thiện-ác, có-không, vật chất hay tinh thần, v.v… tất cả đều
hàm chứa trong cái tâm. Mình muốn làm Thánh Nhân thì mình sẽ trở thành Thánh
Nhân, mình muốn làm phàm phu thì mình trở thành phàm phu, muốn cảnh giới nào
thì cái tâm nó hiện ra cảnh giới đó. Chính vì thế mà cái tâm này nó có thể đưa
ta đến ngôi vị Phật, Bồ-tát, đại giác, đại trí huệ. Ngược lại, cũng chính cái
tâm này lại xui khiến ta chui vào bãi nhơ làm kiếp con dòi, nấp vào hang sống
dưới đời con kiến, tìm tới những cảnh giới khốn nạn của loài ngạ quỷ chịu đói
khát vạn đời, hoặc chui xuống địa ngục để chịu khổ cực vĩnh kiếp, khó có ngày thoát
thân!
Nhất thiết duy tâm tạo, đây là đạo lý nhất
định không sai. Hiểu được điều này thì làm người chúng ta cũng nên biết lo tu
tâm dưỡng tánh, biết thương người giúp đời, biết lo hướng thượng tâm linh để
cho cảnh giới của mình càng ngày càng rộng, càng cao thượng. Người có “Tâm bao
thái hư, lượng châu sa giới”, nghĩa là tâm hồn cao thượng bao la, thì cảnh giới
của họ rộng bao trùm thái hư, công đức sẽ lớn đến khắp cõi pháp giới, tương lai
sẽ được về những cảnh giới tốt đẹp trang nghiêm. Ngược lại, người có tâm hồn
hẹp hòi, xấu ác, thì tự họ nhốt tù chính họ trong những cảnh giới nhỏ hẹp, khó
khăn, khổ nạn, tương lai sẽ đi về những cảnh giới tối tăm. Phật nói, nhân nào
quả đó. Đây là định luật của nhân quả, không thể thay đổi được!
Trong vũ trụ này có thế giới trùng trùng, vô
lượng vô biên cảnh giới là sự thực. Một người chết đi, đầu thai sống lại trong
những cảnh giới khác cũng là sự thực. Đây là sanh tử luân hồi. Sanh là ta sanh
ra để sống, tử là khi thân ta chết, luân hồi là quay trở lại để sống. Cô Chuẩn
chết chuyển thành cô Khuyên thì coi như “huề vốn”. Anh giám đốc chết chuyển
thành con chó thì bị “lỗ vốn”, hay nói chính xác hơn là người bị đọa lạc vào
hàng súc sanh. Còn có những cảnh giới bị thua lỗ nặng hơn nữa như ngạ quỷ, địa
ngục, ở đó sự khổ đau làm sao có thể diễn tả thành lời!
Tâm lượng là cái cân định giá nhân phẩm của con người. Tâm lượng lớn nhân phẩm
cao, tâm lượng nhỏ nhân phẩm thấp. Cho nên, sống trên đời ta không thể sơ ý
nhìn bề ngoài mà đánh giá nhân phẩm của một người được. Người có tâm hồn thiện
lành thì tự nhiên được mọi người kính trọng, hưởng được nhiều sự an lành. Người
xấu ác thì bị mọi người khinh dễ, cuộc sống gặp nhiều trắc trở, tai ương. Gieo
nhân nào gặp quả đó, đây là định luật nhân quả. Ví dụ, nếu cháu có tâm hồn rộng
lớn, thì dù cháu có đóng cửa ở trong nhà thì tầm hoạt động của cháu vẫn ảnh
hưởng bao trùm thế giới. Đây gọi là “niệm niệm bất ly đương xứ”, nghĩa là thân
thì ở ngay tại đây nhưng tâm niệm thì đã vượt không gian, vượt thời gian, đi
khắp mọi nơi. Ngược lại, nếu một người có tâm hồn hẹp hòi, ích kỷ dù họ có đi
khắp nơi, (gọi là xứ xứ), để giới thiệu, để phô diễn những lời hay tiếng đẹp
thì cũng không thể thâu đạt được một thành quả tốt đẹp. Vì sao? Vì “xứ xứ bất
ly đương niệm”. Xứ xứ là kết quả bên ngoài, nó không thể thành hình trái ngược,
(gọi là bất ly), với tâm niệm bên trong!
Cảnh giới sống của một người từ trong tâm
niệm của họ mà hiện ra. Cái xã hội này tốt xấu, thiện ác, lành dữ, thuận
nghịch, v.v… đều do cái tâm mà có! Một con người xấu lúc nào cũng nói lời xấu,
nghĩ điều xấu, làm việc xấu, vì họ cho rằng tất cả mọi người đều xấu! Họ đối xử
xấu với tất cả mọi người, nên nhận lại những phản ứng xấu. Chính vì vậy mà họ
đang sống trong một cái thế giới hoàn toàn xấu. Ngược lại, một người có tâm hồn
tốt họ thấy tất cả mọi người đều tốt, biết đối xử lịch thiệp, biết thương
người, giúp đời, họ được mọi người thương mến, kính trọng, bảo vệ… thì họ đang
sống trong một xã hội tốt đẹp. Chỉ có một xã hội (đương xứ), nhưng có người
thấy xấu, có người thấy tốt, bởi vì tốt hay xấu là do cái “niệm niệm” trong
tâm. Ở những xứ sở nghèo đói, thường có những người ăn mày đói khát bên lề
đường, gặp một người có tâm hồn thiện lương thì họ sẽ thương hại, bố thí, giúp
đỡ. Gặp một kẻ hẹp hòi thì họ lại chửi là thứ người lười biếng, vô dụng, đáng
chết. Cũng là một người cùng đường phải đi ăn mày (đương xứ), nhưng cũng hiện
ra hai hình tướng thương hay ghét trái ngược (niệm niệm). Rõ ràng, đương xứ là
một nhưng vì tâm niệm khác biệt mà thành ra xấu tốt khác nhau. Nói cách khác,
chỉ vì một cái ý nghĩ (đương niệm) mà làm cho ông ăn mày (đương xứ) trở thành
một đáng thương một đáng ghét (xứ xứ). Xứ xứ bất ly niệm, niệm bất ly xứ. Những
câu nói này một lời vạn nghĩa. Vừa cao diệu vừa thực tế! Cháu hãy cố gắng suy
nghiệm thêm sẽ thấy hay vô cùng!
Cháu hỏi về Phật pháp, cậu cố gắng trả lời
để giúp cháu hiểu một phần nào vấn đề. Hiểu thêm được một phần là mở được thêm
một khung trời sống mới. Dù cháu tự xưng là “ngoại đạo”, nhưng theo cậu nghĩ
cháu là người theo phong tục thờ cúng ông bà, chưa quyết định quy y vào một đạo
giáo nào thì đúng hơn, chứ không phải là ngoại đạo. Ngoại đạo nên hiểu là lối
sống bừa bãi theo vật chất, không có hướng tâm linh, chứ đừng nên cho rằng
những tôn giáo khác với Phật giáo là ngoại đạo. Đừng nên có tư tưởng kỳ thị hay
phân biệt tôn giáo, không tốt! Nay cháu đã biết thờ Tây-phương Tam Thánh, quý
trọng tấm hình của cậu cho, như vậy thì cháu có hướng tâm linh, cháu là người
trong đạo. Hy vọng những lời thư này giúp cháu có hướng đi rõ rệt.
Hướng đi đó là gì? Trong thư trước cậu đã
nêu ra cho cháu rồi, đó là: Tin Phật, niệm Phật, và nguyện vãng sanh về
Tây-phương với Phật. Giả sử như cháu đã quy y với một đạo giáo nào khác đi
nữa, thì cậu cũng khuyên cháu nên tin Phật, niệm A-di-đà Phật, và nguyện sanh
Tịnh-độ, vì đây không phải là một tôn giáo, mà chỉ là sự giáo dục, hướng dẫn
con người nơi chốn để vãng sanh, để thoát ly khỏi sự sống chết khổ đau.
Tây-phương Cực-lạc là nhất chân pháp giới,
là phần thưởng chung cho mười pháp giới chúng sanh, không có phân biệt tôn giáo,
giai cấp, chủng tộc. Ai có tín hạnh nguyện đầy đủ thì về đó hưởng đời Cực-lạc
chờ ngày thành Phật. Thành Phật là thành chính cái chơn tâm của mình chứ không
có gì khác. Một người dù đang theo một tôn giáo nào cũng đều có cái chơn tâm,
chỉ tiếc rằng vì vọng tưởng, phân biệt, cố chấp mà cái chơn tâm bị che lấp
thành ra phải chịu khổ triền miên trong sanh tử luân hồi, đọa lạc bất tận. Cho
nên, học Phật là học cách giải thoát, thoát khổ được vui, thoát tử vô sanh, đây
là lý tưởng của tất cả tôn giáo đang tìm cầu vậy.
Phật nói, “nhất thiết duy tâm tạo”, cháu tin
Phật thì cháu đã có căn lành trong nhiều đời kiếp rồi. Cháu biết niệm “A-di-đà
Phật” thì phúc đức của cháu đã lớn lắm rồi. Có phúc đức thì niệm Phật, niệm
Phật thì tạo ra phúc đức, cho nên phúc đức lại càng ngày càng lớn. Có tin có
niệm Phật thì cháu đã tạo cảnh giới Phật trong tâm. Niệm Phật với lòng chân
thành thì phúc báu lại biến thành công đức. Hàng ngày đem công đức này hồi
hướng về Tây-phương Tịnh-độ, rồi nguyện cầu hết thân này mình được sanh về cảnh
giới đó thì cháu sẽ được vãng sanh về cảnh giới tối thắng của Phật A-di-đà, một
cảnh giới tốt đẹp nhất trong tất cả pháp giới.
Hỏi: Liệu văn minh khoa học có khám phá hết
mọi hiện tượng kỳ bí không?
Trả lời:
Chắc chắn không! Khoa học không bao giờ có
thể khám phá ra tất cả sự thật của vũ trụ này đâu! Khoa học chỉ có thể giúp con
người thấy được từng bước, chứng minh từng phần sự thật của vũ trụ nhân sinh,
làm rõ thêm những gì đã nói trong kinh Phật. Còn rất nhiều bí mật của vũ trụ
nhân sinh mà khoa học chưa thể khám phá ra.
Ngày nay khoa học phát triển rất nhanh,
thường khám phá ra những điều lạ, nhưng phát hiện tới đâu họ đều kinh ngạc tới
đó, vì tất cả đã nói đến trong kinh Phật rồi. Ví dụ, gần đây nhứt, một tiến sĩ
khoa học gia người Nhật tên là Masaru Emoto (Giang Bổn Thắng), thuộc sở nghiên
cứu IHM của Nhật, từ năm 1994 đã thành lập một ủy ban nghiên cứu về nước và đã
phát hiện rằng nước có thể thấy, nghe, hiểu và biết được, (kiến, văn, giác,
tri). Khám phá này đã làm chấn động thế giới. Nhưng thực ra, những điều này
trong kinh Phật đã nói rõ từ ba ngàn năm về trước. Khoa học tiến bộ đã giúp cho
nhân loại tăng thêm niềm tin về Phật giáo.
Phật nói rằng, “Nhất thiết chúng sanh giai
hữu Phật tánh”. “Chúng sanh” là chúng duyên hòa hợp mà sanh ra. Chúng sanh có
loài hữu tình và vô tình. “Hữu tình” là các loài động vật thì có Phật tánh,
“Vô tình” là các loài thực vật và khoáng vật thì có pháp tánh. Phật tánh và
pháp tánh đều là linh tri, là một chứ không phải hai. Trong kinh Hoa Nghiêm,
Phật nói, “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”, nghĩa là vạn vật hữu tình hay
vô tình đều có đầy đủ tánh linh. Điều này xưa nay ít người tin tưởng, nhưng
dần dần khoa học đã chứng minh đây là sự thật.
Dựa theo sự khám phá của tiến sĩ Giang Bổn
Thắng, người ta đem thí nghiệm trên bánh mì, đậu, bắp, hoa, lá, v.v… và cũng
phát hiện ra hiện tượng tương tự. Nghĩa là tất cả vật chất đều có đầy đủ bốn
tính chất: kiến, văn, giác, tri. Chỉ có khác là thời gian để chúng cảm ứng thì
dài ngắn khác nhau mà thôi.
Sự thật này đối với nhà khoa học là điều mới
lạ, khá bất ngờ! Nhưng họ có biết đâu, hàng ngàn năm qua người ta đã áp dụng
kinh Phật trong các việc chữa bệnh, làm thuốc, làm phép, v.v… Bên Phật giáo Tây
Tạng, người ta dùng những lời chú phổ niệm vào trong gạo, bấp, bột, nước, v.v… rồi
dùng nó để trị bệnh cứu người. Lạ hơn nữa, những vật chất này nếu được luyện
cao hơn, chúng có thể hoạt động được, biết biến hóa, có phép thuật, rất linh
nghiệm… Có nhiều vị sư bên Mật giáo Tây Tạng, họ chữa bệnh bằng thần chú, người
bệnh đến trước mặt họ khai bệnh trạng rồi họ niệm chú phóng vào thân thể chỗ
đang bị bệnh. Chỉ vậy thôi, họ có thể chữa trị một số bệnh nan y mà y học hiện
đại chưa chữa nổi. Đây là những điều có thực, huyền diệu vô cùng! Vẫn còn rất
nhiều điều lạ khác, không thể kể hết!
Vật chất có thể thấy, nghe, hiểu, biết,
chúng cảm ứng được hoạt động chung quanh, trong đó nước có cảm ứng khá nhanh,
cỡ một tiếng đồng hồ là đủ cho nó thay đổi tính chất. Tiến sĩ Masaru Emoto thí
nghiệm được rằng, hình ảnh, âm nhạc, lời nguyện cầu, ý niệm thương ghét, v.v…
tất cả mọi hiện tượng chung quanh đều cảm ứng đến nước, làm cho tinh thể của
nước hoàn toàn biến đổi. Tinh thể tốt đẹp hay xấu xa là do môi trường chung
quanh tốt đẹp hay xấu xa.
Trong Phật giáo, từ ba ngàn năm về trước
Phật đã nói, “Y báo chuyển theo chánh báo”. Y báo là vạn vật chung quanh,
chánh báo là tâm địa của con người. Con người vui vẻ, hiền lương thì
không gian hiền hòa, cảnh vật tốt tươi. Con người sống xấu ác, bất lương thì họ
làm ô nhiễm đến môi trường, cây cối khô héo, đất đai khô cằn. Con người và môi
trường ảnh hưởng lẫn nhau. Những nhà thuật số biết phong thủy ảnh hưởng đến
cuộc sống của con người nên họ có những lời khuyên khá chính xác về địa lý,
cách xây nhà, chọn hướng, để cho ta tận hưởng cái khí tốt của thiên nhiên. Nhưng
có một sự thật khác nữa, đó là thiện căn phước đức của con người có thể
chuyển đổi được địa lý, phong thủy. Những nhà thuật số có thể lập lá số tử
vi, đoán vận mệnh kiết hung của một đời người khá chính xác, đây chỉ là sự truy
tầm nghiệp nhân để đoán ra quả báo mà thôi. Cái quả đời này họ gọi là số
mệnh, định mệnh, lá số tử vi là do cái nghiệp nhân tích tụ từ nhiều đời kiếp
trước tạo nên. Cho nên vận mệnh, định số của một người có thể đổi được bằng
chính tư tưởng và hành động của con người.
Biết được điều này thì cháu cũng nên phát
một tâm nguyện thiện lành, làm người tốt để cảnh giới sống của mình càng ngày
càng tốt đẹp hơn. Hãy bắt đầu từ những điểm cụ thể để làm. Ví dụ, ngày hôm qua
ta còn khinh người, nay ta biết kính trọng họ; trước đây ta cố chấp đố kỵ, nay
sẵn sàng khen tặng điều hay; hãy có tâm biết tha thứ cho người khác, thường bố
thí giúp kẻ khó khăn, v.v… Đó là những điều thiện lành nên làm. Trong đó, theo
Phật dạy, cái đại thiện trong cái thiện chính là thành tâm tin Phật, niệm
A-di-đà Phật, nguyện sanh Tịnh-độ. Vì sao vậy? Vì câu “Nam mô A-di-đà Phật”
được gọi là “Vạn đức hồng danh” có thể đưa một người từ trong lục đạo phàm phu
đi thẳng về cảnh giới Tây-phương Cực-lạc để thành Phật, một đời thành bậc đại
giác, toàn thiện, một đời thoát ly hẳn sanh tử luân hồi, thoát ly tất cả khổ
nạn.
Chúc cháu hướng thượng, an vui.
Cậu Năm.
(Viết xong, Úc châu 11/02/04).
Các pháp môn tu hành,
không có pháp môn nào vượt pháp môn niệm Phật. Niệm Phật là vua trong các pháp
môn. Nếu thiện tín nào nguyện mau thành Phật thì không gì bằng tu pháp môn
Tịnh-độ.
(Bồ-tát Văn Thù Sư
Lợi)