Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế
Kính cha má,
Trong cuối tháng tư vừa qua, ở Tịnh Tông Học
Viện có tổ chức lễ kỷ niệm bảy năm ngày bà quảng tràng họ Hàn vãng sanh. Trong
giờ ăn trưa, vào phòng trai đường con thấy trên vách có dán những tấm “Địa ngục
đồ”. Những tấm hình diễn tả lại những cảnh tra tấn quá dã man dưới địa ngục,
nhìn thấy phải khiếp sợ! Chỗ này nạn nhân bị thảy vào chảo dầu sôi, chỗ kia bị
cưa thân làm từng mảnh. Có chỗ bị cắt lưỡi, có chỗ bị chặt đầu máu me tung tóe.
Chỗ này bị chó sắt cắn xé, chỗ nọ bị cọp beo vồ chụp, banh thân moi ruột, v.v… Toàn
là những hình ảnh quá khiếp hãi! Có một ông bác, đang theo dự khóa Phật thất,
có lẽ vui tính rồi sẵn dịp hỏi con: “Người làm ác thì xuống địa ngục bị hành
tội, còn những người ở dưới địa ngục đi hành hạ tội nhân đủ cách quá ư dã man,
như vậy họ có tội không?”. Nghe câu hỏi làm con giựt mình. Thực sự giựt mình!
Thưa cha má, trong thư trước con bàn sâu đến
chuyện tạo phước để hỗ trợ việc vãng sanh. Hôm nay con bàn đến chuyện sám
nghiệp. Sám nghiệp liên quan đến nghiệp chướng, nhân quả, địa ngục. Những vấn
đề này trước đây con cũng thường nói qua, nhưng mỗi một lần nhắc đến con đi sâu
thêm một chút. Xin cha má cùng tất cả anh chị em cố gắng chú ý nghe qua.
Địa ngục là chỗ sửa trị tội lỗi của người
làm ác. Phật dạy: “Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng; lấy đức báo oán, oán ấy
tiêu tan”. Ấy thế mà sự xử phạt dưới địa ngục xét ra còn ác hơn người làm ác,
thì oán nghiệp bao giờ mới tan? Một câu hỏi quá hay! Câu hỏi làm cho con tỉnh
ngộ khá nhiều điều!…
Giữa thời đại tự do dân chủ này, muốn giáo
dục lòng người cải ác làm lành, theo đường thánh thiện thật sự quá khó! Tất cả
nơi nơi đều lo lắng về kinh tế vật chất, chứ ít có chỗ tuyên dương vấn đề đạo
đức. Thanh thiếu niên sống lên trong thời đại này tiêm nhiễm rất nặng cái ý
thức hệ hiện thực, ít ai coi trọng chuyện “Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín” của cổ xưa. Đây
là sự thối hóa rõ rệt, một sự đổ vỡ tinh thần khá nguy hại, một hiện tượng bất
an của ở thế giới này! Một tiên triệu đen tối trong tương lai cho chúng sanh!
Muốn thức tỉnh được lòng người cải tà quy
chánh, cải ác làm thiện thì cần phải đẩy mạnh công cuộc giáo dục. Nhưng giáo
dục bằng cách nào đây? Nền giáo dục hiện nay hầu hết đều chú trọng vào tài
năng, chạy đua về khoa học kỹ thuật, cạnh tranh về thương trường, khả năng tạo
nghiệp. Nếu một quốc gia nào nhắm thẳng đến chuyện đạo đức thì bị nghèo nàn lạc
hậu và bị đè bẹp dễ dàng bởi sức mạnh của kinh tế, tiền bạc. Đạo đức không được
chú trọng thì từ từ nó sẽ mất dần. Đạo đức mất thì tội ác tăng, lòng người điên
đảo, tội phạm xã hội càng ngày càng nghiêm trọng… nhân loại đang sống trong một
thế giới cạnh tranh càng ngày càng căng thẳng! Phải chăng, đây là mầm mống của
chiến tranh, cái hiểm họa diệt vong của con người trên trái đất! Nói theo Phật
pháp thì nghiệp ác của chúng sanh càng ngày càng lớn, quả báo chắc chắn khó
tránh khỏi đau thương! Tất cả các tôn giáo trên thế giới hiện này đều đặc biệt
quan tâm đến vấn đề này! Chính vì thế chuyện giáo dục lòng người trở về với
chân thiện mỹ là điều khá cấp bách để cứu vãn tai họa cho nhân loại trên quả
địa cầu.
Trong Phật pháp, giáo dục nhân quả là một
vấn đề chính yếu. Phật dạy: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả
tương tục bất không, tuần hoàn bất không, chuyển biến bất không. Làm ác gặp ác,
làm lành được lành. Năng biến phải có sở biến, có nhân thì có quả, đây là định
luật. Giáo dục về nhân quả góp phần tích cực thức tỉnh lòng người bỏ tà quy
chánh, bỏ ác hành thiện. Nhưng trong thời mạt pháp này, nghiệp chướng của chúng
sanh quá nặng, tâm hồn quá cuồng loạn, con người có thể dễ dàng bỏ mất lương
tri chỉ vì một mối lợi nhỏ! Chúng sanh tạo ra nhiều nhân chủng xấu ác thì tương
lai dễ dàng dẫn tới quả báo địa ngục. Biết vậy nhưng cứu họ không được, vì
khuyên họ không nghe. Kinh Địa Tạng của Phật nói rõ về chuyện địa ngục thì có
mấy ai đọc đến, giảng giải về địa ngục thì không ai thèm để lọt vào tai, nói
chuyện làm lành làm thiện thì không hấp dẫn bằng chuyện kiếm tiền, mánh mung,
gian lận!…
Thưa cha má, trong Phật giáo, lời sám hối
nghiệp chướng thường tụng hằng ngày là: “Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp, giai
do vô thỉ tham sân si…”. Nguyên nhân chính tạo ra tất cả việc ác đều do bởi ba
cái độc tham, sân, si. Trong đó “Si” là cái vi tế âm thầm trong tâm xui khiến
con người làm chuyện sai lầm; “Sân” thì phát tác bất thường đốt tan công đức;
còn “Tham” là sự biểu diễn thường trực của tính si.
Lòng tham của con người đã trở thành vô đáy!
Tiền tài dù nhiều tới đâu đối với lòng tham cũng không thấy đủ! Lúc nghèo thì
trông cho có một ngàn, có một ngàn thì muốn có một triệu, có một triệu lại thèm
đến trăm triệu, được trăm triệu thì muốn thành tỉ phú! Nhiều người lo lắng đến
quên ăn mất ngủ vì đồng tiền. Suy nghĩ cho thật kỹ thì tích tụ tiền bạc cho
thật nhiều để làm chi trong khi thọ mạng chỉ vài mươi năm là xong. Khi trả báo
thân này, một đồng cũng không được quyền đem theo!
Tài, sắc, danh, thực, thùy, là gốc của địa
ngục! Người nào bị vướng sâu vào năm món dục này khó thoát khỏi cảnh đọa lạc. Tiền
tài là món đầu tiên lôi kéo con người vào đường tội ác!
Nói vậy, chẳng lẽ bây giờ đem tiền liệng đi
sao? Thưa không. Trong tâm phải biết bỏ, lòng tham phải biết giảm, nhu cầu phải
biết đủ, để dành thì giờ lo niệm Phật cầu giải thoát. Người biết đạo thì lấy
tiền lo mạng, người không hiểu đạo thì lấy mạng lo tiền. Người muốn giải thoát
thì lấy tiền tạo phước lót đường vãng sanh, lúc đó tiền là ân nhân cứu mạng. Người
muốn đọa lạc thì xả mạng kiếm tiền, lúc đó mạng là nô lệ cho tiền, chắc rằng
phải chịu cảnh khốn khổ về sau!
Cách đây mấy năm về trước, ở Úc cảnh sát đã vây bắt một bà cụ già trên 80 tuổi,
khuôn mặt ốm o, hốc hác, da nhăn, lưng còm, không nói được một câu tiếng Anh,
sống chờ từng ngày để chết! Thế mà bà lại lén lút làm chuyện phạm pháp, bán á
phiện!
Thật là khó hiểu! Tục ngữ Việt Nam có câu:
“Vi phú bất nhân!”, Tham lam tiền bạc làm mờ nhân tính, đến nỗi sắp sửa chết
vẫn còn tham! Tội ác từ lòng tham sẽ đẩy họ vào những cảnh giới khổ hải hàng
vạn kiếp về sau mà không hay! Chưa thấy thì chưa hiểu, nhưng chờ cho thấy được
sự thực rồi, lúc đó dù có hiểu tường tận thì cũng đã quá trễ rồi! Tạo được khối
tài sản lớn bằng núi, thì cũng tạo nên cái khối nghiệp chướng lớn như sơn hà
đại địa. Nghiệp chướng càng lớn thì vào địa ngục càng dễ, hình phạt càng nặng
và chịu tội càng lâu chứ có hay ho gì đâu!
Người có tiền bạc trong đời là cái phước bố
thí từ đời trước. Người có phước nên biết tạo phước, nên biết tung tiền ra để
cứu khổ, chẩn bần, thì khối tiền đó sẽ trở thành khối phước. Phước tạo phước,
phước báu sẽ hưởng vô tận. Người tham lam cố tình cất giữ tiền bạc, thì phước
sẽ trở thành họa, cất bao nhiều tiền thì giữ bấy nhiêu họa! Họa tạo thêm họa,
tai họa càng ngày càng lớn, làm sao chịu đựng nổi trong tương lai! Trong văn tự
Trung Quốc, Chữ “Phước” và chữ “Họa” viết gần giống như nhau, nếu viết nhanh
một chút thì khó mà phân biệt được. Thật sâu sắc, tinh tế!
Cha má ạ, nhiều lúc ngồi nghe Ngài Tịnh Không
thuyết giảng, thấy tâm của Ngài quá từ bi mà con muốn rơi nước mắt. Tới tuổi
bát tuần thì mọi người ai cũng nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi tịnh dưỡng, còn Ngài
thì bôn ba khắp nơi trên thế giới để giảng giải đạo lý, quyết lòng phá mê khai
ngộ, cứu độ chúng sanh. Trong Tịnh Tông Học Viện tại Úc Châu, Ngài dựng lên hai
hình ảnh trái ngược nhau: một bên là cảnh Tây-phương Cực-lạc, một bên là cảnh
địa ngục. Người nào ghé thăm học viện hãy tự hỏi chính mình là thích theo con
đường nào? Nếu muốn con đường “Cực-lạc” thì hãy bước vào niệm Phật đường lạy
Phật, niệm Phật, cầu sanh Cực-lạc. Nếu muốn theo con đường “Địa Ngục”, thì
trước tiên hãy dành chút thời giờ ghé thăm qua “Địa Ngục Đồ” rồi hãy quyết định
sau!
“Địa Ngục Đồ”, một đồ hình dài 50 thước,
rộng gần bảy tấc, diễn tả khá chi tiết cảnh tra tấn vô cùng dã man trong địa
ngục. Bức tranh này đã được thực hiện vào năm 2003, với số lượng in ra rất lớn
để biếu tặng khắp các chùa chiền trên thế giới. Một công trình vô cùng vĩ đại
và tốn kém. Người họa sĩ vẽ đồ hình này, được Hòa Thượng mời về học viện tịnh
tu một năm để vẽ. Có một lần chúng con gặp được người họa sĩ này trong phòng
khách của Ngài.
Ngài giới thiệu rằng: Có lẽ Phật Bồ-tát đã
an bài nên tôi mới gặp được người họa sĩ đại tài này.
Còn người họa sĩ thì nói: Tôi chỉ biết cầu
xin Phật Bồ-tát gia trì, chứ riêng tôi làm sao biết được những cảnh đó. Có lẽ
mỗi nét chấm phá trên tấm họa đồ đều là mỗi điềm cảm ứng.
Nhìn họ, con thấy ở đó có những tấm lòng
chân thành phục vụ đạo pháp, cứu độ chúng sanh. Địa ngục đồ với hình ảnh rất
sống động, diễn tả những cảnh tượng mà với tâm trí bình thường của loài người
không thể nào tự nghĩ ra được!
Cứu người tận tâm tận lực, giảng không tiếc
pháp, khuyên không tiếc lời, hành đạo không nệ tuổi già, chỉ vì thấy con đường
sắp tới của chúng sanh quá ư đau khổ mà tâm Ngài bất nhẫn! Muốn cứu chúng sanh,
nhưng nói thì ít người chịu nghe, kinh thì ít có ai đọc tới. Bây giờ Ngài phải
dùng tới phương tiện hình vẽ để cho mọi người xem, có thấy mới sợ, mới kịp thời
tỉnh ngộ, mới mau mau sám hối nghiệp chướng, cải ác làm lành, lo chuyện tu
hành, tìm đường giải thoát. Tâm từ bi, thực đại từ bi!
Thưa cha má, khi chưa hiểu thấu cảnh giới
của vũ trụ nhân sinh, con người cứ tự nhiên chạy theo con đường tội lỗi. Nếu ai
đã thấy ra rồi thì phải giựt mình lo sợ! Lo sợ chuyện tạo nghiệp, lo sợ bị kẹt
lại trong thế giới Ta-bà, lo sợ tương lai khó thoát khỏi cảnh đọa lạc, lo sợ
cảnh tượng hãi hùng của địa ngục đang chờ!… Ngài trương lên hình ảnh của “Địa
Ngục Đồ” cho mọi người xem. Hay quá! Chắc sẽ có người sẽ giựt mình tỉnh ngộ!
Trở lại câu hỏi bên trên: con người làm ác
khi xuống địa ngục phải bị hành tội. Thì hỏi rằng người lập ra địa ngục có lỗi
không? Những kẻ ra tay hành hạ tội nhân quá dã man có tội không? Họ có lòng từ
bi không? Tại sao không lấy sự giáo dục để cải huấn mà lại lấy hình phạt để trả
thù? Nếu họ có lỗi thì ai sẽ xử tội họ? v.v… Thưa cha má, từ một câu hỏi trong
lúc vui tánh mà làm cho con giựt mình và thấy thêm một chút lý đạo!…
Những vấn đề đưa ra quá hay, nhưng trước
tiên ta hãy hỏi rằng: Địa ngục thực sự có hay không? Nếu có, chúng ta mới bàn
tới, còn như không có thì bàn đến làm chi!
Trong rất nhiều kinh điển của Phật đều nhắc
đến địa ngục. Kinh Niết-Bàn, kinh Địa-Ngục-Báo-Ứng, kinh Địa-Tạng-Bổn-Nguyện,
kinh Vô-Lượng-Thọ, v.v… rất nhiều, kể không hết. Còn về sách luận của chư Tổ
sư, Đại đức nói về địa ngục cũng quá nhiều: Hiển-Tông luận, Trí-Độ luận, Câu-Xá
luận, v.v… Nói chung hầu hết Kinh Luận Phật giáo đều nói đến địa ngục. Ngoài
Phật giáo ra, tất cả mọi tôn giáo, dù cho hình thức tu tập khác nhau, mục tiêu
khác nhau, sở cầu khác nhau, nhưng có một điểm giống nhau là đều có nói đến địa
ngục. Như vậy địa ngục chắc chắn phải có.
Thế nhưng cũng từ trong kinh Phật, lại có
những câu: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, “Phàm sở hữu tướng giai thị
hư vọng”; “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn…”, “Vạn pháp giai không”, v.v…
Như vậy, tất cả mọi pháp đều do tâm biến hiện ra, những thứ có hình tướng đều
là giả vọng, là mộng huyễn, đều không có. Địa ngục có hình tướng thì cũng phải
là hư vọng, không thực. Ví dụ, như hỏi rằng địa ngục ở đâu? Ở dưới đất? Không! Đào
sâu xuống đất không thấy. Ở trên không trung? Không! Phi thuyền bay vào không
gian không thấy. Trong rừng cây? Không! Từng đoàn người băng rừng vượt núi
không phát hiện được gì cả… Con người trên thế gian này chỉ thấy nhà tù nhốt
tội nhân rồi ví dụ cho địa ngục, chứ chưa ai thấy địa ngục bao giờ!
Như vậy thì địa ngục có hay không? Xin thưa,
có mà không có, không có mà có!
Tại sao vậy? Vì cảnh giới. Chính cảnh giới
đã chia cách không gian làm cho con người không thấy.
Tội nhân trong địa ngục thấy địa ngục. Không những thấy mà họ còn đang chịu cực
hình tra tấn hàng ngày, ngày này qua ngày khác, họ chịu cực hình phải chết đi
sống lại hàng ngàn hàng vạn lần trong một ngày. Trong Hiển-Tông-Luận, quyển 12
nói: “Tưởng địa ngục tức là Đẳng Hoạt địa ngục. Kẻ mắc tội luôn có ý nghĩ ác về
nhau, mưu hại lẫn nhau, dùng nanh vuốt cấu xé lẫn nhau. Những kẻ này chịu hình
phạt đâm chém, cối xay nghiền dã đến chết ngất. Trong khi có cơn gió lạnh thổi
đến, da thịt lại phục hồi, lát sau sống lại, nên gọi là Tưởng địa ngục”. (Trích
từ tự điển Phật học, GHPGVN, trang 449). Đây chỉ là một ví dụ, chứ thực sự cảnh
tượng trong địa ngục đau khổ khủng khiếp không thể diễn tả thành lời! Đây gọi
là có địa ngục, chắc chắn có!
Còn nói địa ngục không có là đối với những
người ở ngoài địa ngục. Nếu chưa rơi xuống địa ngục thì không thể nào thấy được
địa ngục. Trong kinh Địa Tạng nói: “Nếu không phải sức oai thần, cần phải do
nghiệp lực. Ngoài hai điều này ra ắt không bao giờ có thể đến địa ngục được”,
(Kinh địa tạng, phẩm 1, đoạn “Bà-la-môn nữ cứu mẹ”). “Sức-Oai-Thần” là nguyện
lực của Đại Bồ-tát phát tâm cứu độ chúng sanh trong địa ngục, còn “Nghiệp-Lực”
là người có tội chướng sâu nặng đang bị đọa trong ngục hình. Một là Bồ-tát, hai
là người chịu tội mới có thể thấy địa ngục, ngoài hai hạng người này ra không
ai thấy được địa ngục. Vì không thấy nên dưới địa ngục không ai cứu được ai. Người
sống trên đời vì không thể thấy được địa ngục nên cho rằng không có. Ý nghĩ thì
hoàn toàn tự do, muốn nghĩ sao nghĩ, nhưng sự thật vẫn là sự thực, tin hay
không tùy theo sự giác ngộ của mỗi cá nhân mà thôi!
Như vậy, địa ngục có hay không tùy theo
người, thấy hay không tùy theo cảnh giới của một chúng sanh đang sống. Sống
trong cảnh giới địa ngục chịu cảnh địa ngục, sống trong cảnh giới Thiên đàng
hưởng cảnh Thiên đàng.
Ví như một người đang sống trên thế gian thì
thời gian này có thể gọi là không có địa ngục(!). Nếu đem hình ảnh của địa ngục
nói với người đang có quyền lực, địa vị, giàu sang… thì giống như đang kể một
câu chuyện lạ rẻ tiền! Nhưng khi chết rồi, nếu thần thức bị đọa lạc xuống cảnh
giới đó, lúc đó họ sẽ thấy có địa ngục, sẽ sống trong địa ngục. Bấy giờ nếu đem
chuyện thế gian, sự nghiệp, chức vụ, tiền bạc, danh vọng, thị phi, v.v… ra bàn
với họ thì chẳng khác gì là một hành động oái oăm, trớ trêu! Hơn nữa nó còn
đượm mùi mỉa mai, cay đắng, vì chính bởi những thứ đó mà họ phải rơi vào cảnh
thê thảm này!
Thưa cha má, cảnh giới thật là dễ sợ! Người
giác ngộ chơn tướng của vũ trụ nhân sinh thì hãy chí tâm ngày đêm cầu đạo giải
thoát, người mê muội cứ tiếp tục sống trong mê muội thì đành phải chờ nhận chịu
quả báo thương đau! Vấn đề thấy hay không thấy không can hệ đến sự thật! Cảnh
giới của ai tự người đó đối đầu, khổ đau tự chịu, sung sướng tự hưởng, không có
một người thứ hai nào xen vào để chia sớt được!
Trước đây có mấy lần con cũng đã nhắc đến
địa ngục, con thường đem giấc mộng ra làm ví dụ. Mộng có hay không? Chắc chắn
ai cũng nằm mộng. Những điều trong mộng là thực hay giả? Là thực khi họ đang ở
trong mộng, là giả khi họ đã thức giấc dậy rồi. Như vậy thực hay giả hoàn toàn
tùy theo từng người. Đối với một người bình thường thì những cảnh trong mộng là
giả, còn những người thường xuyên sống trong mộng thì chuyện trong mộng rõ ràng
là thực. Trong thư trước con có kể vài hiện tượng xảy ra cho một ông bác con
quen ở đây. Trong suốt thời gian ba năm trước khi mất bác thường xuyên tiếp xúc
với những thế giới khác, nói chuyện với những người quá cố, thấy được những thú
vật lạ vào nhà. Đối với mọi người trong gia đình thì đó là giả, nhưng đối với
bác thì đây là một sự thực hiển nhiên, làm cho tâm hồn bác nhiều lần phải hoảng
kinh, bấn loạn!…
Ở đây con có quen một chị người Việt Nam, có
được một đứa con gái năm nay cỡ 6-7 tuổi. Cháu này thường khi bị mộng du. Khi
ngủ cháu thường giựt mình, khóc thét, la hoảng… Có đêm đang ngủ cháu lặng lẽ
ngồi dậy mở cửa đi ra ngoài đường, hoặc làm đủ mọi thứ chuyện, rất lạ lùng! Người
mẹ đau khổ của cháu chỉ biết âm thầm theo dõi để ngăn ngừa sự cố bất tường xảy
ra. Cháu làm mà giống như không làm, mắt cháu mở mà hình như không thấy được gì
ở chung quanh, cứ lặng lẽ làm rồi lặng lẽ trở về chỗ cũ nằm ngủ lại. Sáng ra
hỏi cháu thì cháu hoàn toàn không biết những gì đã xảy ra cho chính mình.
Từ những sự việc này mà suy gẫm, thì xin hỏi
rằng đâu là thực, đâu là giả? Ông bác thì thấy có, thực sự có; còn gia đình thì
thấy không, cứ ngồi tỉnh bơ ngồi xem TV. Giữa hai mẹ con, điều người mẹ cho là
thực thì đứa con không biết gì cả, điều đứa con đang làm thì người mẹ không
hiểu đó là gì, đang sinh hoạt với ai?! Phải chăng chỉ vì khác cảnh giới mà
không câu thông nhau được! Có lần chị đó hỏi con liệu có cách nào giúp cho cháu
không? Con trả lời: không biết. Con chỉ biết khuyên chị thành tâm niệm Phật rồi
hồi hướng công đức cho cháu, hồi hướng cho oan gia trái chủ, hồi hướng cho
những người thân quá cố, để giảm trừ nghiệp chướng cho họ và cả cho mình.
Có một lần, trong một phiên họp ở đạo tràng,
con trình bày điều này lên, những vị pháp sư đều sẵn sàng giúp cho cháu tối đa,
hứa đặt bài vị cầu giải oan gia trái chủ, khuyên chị đó nên đem cháu đến đạo
tràng để niệm Phật, và hứa tiến cử cho chị đem cháu đến HT Tịnh Không để nhờ
Ngài cứu độ. Nhưng tội nghiệp cho cháu chưa có đủ duyên may! Gia đình theo
Thiên Chúa giáo, họ ngại chuyện gì đó(!) nên không dám tới. Thôi thì đành phải
tùy duyên để cho một người, hay nói rõ hơn là một chúng sanh, đi theo cái nhân
quả báo ứng hiện tiền của họ mà thôi!
Trong kinh Địa-Tạng-Bổn-Nguyện, có những đoạn Phật nói như vầy: “Trong đời sau,
như có người nam, người nữ nào đau nằm liệt trên giường gối, cầu sống hay muốn
chết cũng đều không được. Hoặc đêm nằm chiêm bao thấy quỉ dữ cho đến kẻ thân
thích trong nhà, hoặc thấy đi trên đường nguy hiểm hoặc bị bóng đè, hoặc với
quỉ thần cùng đi. Trải qua nhiều tháng nhiều năm, đến nỗi thành bệnh lao, bệnh
bại… Trong giấc ngủ kêu réo thê thảm sầu khổ. Đây đều bị nơi nghiệp đạo luận
đối chưa quyết định là khinh hay trọng, nên hoặc là khó chết, hoặc là khó
lành”. (Kinh Địa Tạng, phẩm 6, phần “Tiêu tội chướng”).
Có đoạn khác Phật nói: “Như những chúng sanh
đời sau, hoặc trong giấc ngủ, hoặc trong chiêm bao thấy các hạng Quỉ, Thần,
nhẫn đến các hình lạ, rồi hoặc buồn bã, hoặc khóc lóc, hoặc rầu rỉ, hoặc than
thở, hoặc hãi hùng, hoặc sợ sệt, v.v… Đó là vì hoặc cha mẹ, con em, hoặc vợ
chồng quyến thuộc trong một đời, mười đời, hay trăm đời nghìn đời về thuở quá
khứ bị đọa lạc vào ác đạo chưa được ra khỏi, không biết trông mong vào phước
lực nơi nào để cứu vớt nỗi khổ, nên mới về mách với người cốt nhục trong đời,
trước cầu mong làm phương tiện gì để hầu được thoát khỏi ác đạo”. (Kinh Địa
Tạng, phẩm 6, phần “siêu độ vong linh”).
Trường hợp thứ nhất là do nghiệp chướng,
trường hợp thứ hai là do người thân trong nhiều đời bị đọa lạc đang cầu cứu. Trong
kinh Địa Tạng Phật dạy, muốn tiêu nghiệp chướng thì tụng kinh Địa Tạng, muốn
cầu siêu cho vong linh cũng tụng kinh Địa Tạng.
Thế nhưng chư vị Đại đức, Tổ sư, lúc nào
cũng khuyên chúng sanh hãy lo niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, chứ đừng chờ đến giai
đoạn khốn cùng rồi mới tụng Kinh Địa Tạng để giải nghiệp, hay nhờ người khác
cầu siêu. Trước đây cũng có lần con tha thiết khuyên cha má hãy lo sớm tu hành
để giải thoát, chứ đừng nằm chờ chết rồi nhờ con cháu cầu siêu. Không phải dễ
dàng như vậy đâu! Nói như vậy không có nghĩa là ám chỉ pháp cầu siêu không
linh, mà chính vì lòng người không tin, tâm người không thanh tịnh!
Thưa cha má, đây là sự thực hiển nhiên, đầy
khó khăn! Vì sao vậy? Vì nếu một người có nghiệp chướng nặng bảo họ tụng kinh
họ không tụng, mời họ niệm Phật họ không niệm, dẫn tới chùa họ quyết định bước
ra… thì làm sao mà giải nghiệp!
Còn chuyện cầu siêu thì còn tệ hại hơn nữa! Con
từng thấy không biết bao nhiêu đám tang, người thân trong gia đình giết từng
loạt heo, gà, vịt để thếch đãi khách khứa. Khi cha mẹ chết con cái tới chùa cầu
siêu, nhưng hầu hết hình như đó là chuyện chẳng đặng đừng, chứ thật ra thì
nhiều người không có cái tâm thành cầu siêu! Hãy để ý một chút thì có thể thấy
liền. Ví dụ, trong lễ cầu siêu nhiều người không dám tắt máy điện thoại cầm tay,
đang lạy Phật họ bỏ ngang để trả lời điện thoại, nói chuyện làm ăn. Nếu đang
tụng kinh làm lễ mà có mối làm ăn gọi đến thì họ sẵn sàng bỏ lễ, bỏ chùa, bỏ
Phật, đi lo kiếm tiền liền, v.v… Rõ ràng cái “tấm lòng cầu siêu” nhỏ hơn cái
“tấm lòng cầu tiền kiếm bạc”! Mỗi một kỳ giỗ là một dịp để cầu siêu, thì trước
đó một vài ngày họ đã chuẩn bị một vài con heo để quay, một số gà để làm gỏi,
một số vịt để làm tiết canh, một số cá để nướng vỉ… Họ sẽ làm một bữa tiệc linh
đình trong ngày giỗ để cùng nhau say sưa chè chén. Xin cha má và tất cả anh chị
em hãy suy nghĩ cho thật kỹ thử coi, con người đang làm cái chuyện gì đó? “Cầu
Siêu” hay “Cầu Đọa”?!!! Đây là một sự thật quá phũ phàng, xin cha má cẩn thận
tự lo lấy mình.
Trở lại chuyện cảnh giới, trong vũ trụ nhân
sinh này, có những điều thấy là thực mà lại giả, thấy giả mà lại thực! Những
người bị đưa vào bệnh viện tâm thần, thế gian gọi họ là những người bị bệnh
thần kinh, người điên. Thực ra không phải vậy đâu, họ đang sống trong một cảnh
giới khác đó. Đối với ta, thì suốt cuộc đời của họ hầu như đang sống trong
mộng! Họ nói chuyện, hành động, gào thét, đấm đá, đau khổ, van xin, cười đùa,
v.v… hầu hết đều dành cho một thế giới xa lạ nào đó mà chỉ có một mình họ biết
mà thôi. Đối với họ chỉ có những gì riêng họ đang thấy, đang tiếp xúc, đang đối
đầu… thì hoàn toàn có thực, nhưng người khác thì không ai thấy được; còn chuyện
nhà cửa, danh vọng, cha mẹ, vợ con… nói chung những thứ vật chất hữu hình đều
là giả, không có ý nghĩa. Rõ ràng thực hay giả hoàn toàn tùy theo cảnh giới!
Như vậy, địa ngục là giả hay thật? Nếu hiểu thấu đạo lý bên trên rồi thì xin
cha má hãy chú tâm tìm phương xa lánh cảnh giới đó là điều hay nhất, xin đừng
bận lòng tới chuyện thật hay giả nữa. Càng hiểu sâu về cảnh giới càng thấy
chuyện tu hành là quan trọng. Càng biết rõ sự khổ đau của địa ngục càng thấy
điều quý hóa của sự vãng sanh Tây-phương. Càng thấy nghiệp chướng thâm trọng
thì ta càng phải lo niệm Phật nhiều hơn. Nhất định phải tìm phương thoát nạn
cha má à.
Thoát nạn bằng cách nào? Một là làm lành tạo
phước; hai là sám hối nghiệp chướng.
*) Làm lành tạo phước là chuyện của hiện tại
để khỏi tạo thêm nghiệp ác, tránh khỏi quả báo xấu. Việc này hỗ trợ rất tốt cho
việc vãng sanh. Nghiệp chướng vô tận của con người đều bắt nguồn từ ba cái chất
độc Tham, Sân, Si. Quyết tâm xa lìa ba chất độc này thì niệm Phật vãng sanh
Tây-phương không khó. Người niệm Phật mà sơ ý vướng vào đó thì khó lòng hy vọng
thoát vòng tam giới. Thế nhưng, biết vậy đó, nhưng cũng dễ vướng phải! Phải chú
ý khá nhiều mới tránh được.
Trong kinh Vô Lượng Thọ từ phẩm 32 đến phẩm
37 Phật nói rất rõ chuyện này. Những chuyện tham lam, sân giận, si mê thô thiển
như trộm đạo, cướp của, giết người, loạn luân, bất hiếu, vọng ngữ, v.v… thì quá
rõ ràng khỏi cần phải nhắc tới. Nhưng còn có những hình thái tham sân si tế vi,
nếu không chú ý khó có thể phát hiện được. Ví dụ như:
Một là: tâm mong cầu phước báu, thích hưởng
lộc, muốn sống lâu;
Hai là: còn có tâm phân biệt, cố chấp, ganh
tỵ;
Ba là: đam mê kiến thức thế gian, thế trí
biện thông, ngạo mạn khinh thị…
Đây chính là ba dạng của Tham-Sân-Si, làm
mất phần vãng sanh. Nó tế vi nên nhiều người không để ý đến!
Vì thế, xin cha má hãy quyết tâm làm người
thực thà, thiện lành, để trong những ngày tháng ngắn ngủi này tạo được cái
phước lành, lánh xa duyên ác. Người tuổi già thân mạng quá sức mong manh, nhất
định không thể nương nhờ gì nữa ở trần gian này. Hãy mau mau buông xuống tất cả
những thứ thường tình thế tục để niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thoát vòng sanh tử
cha má à. Vãng sanh Tịnh-độ là đồng nghĩa với thành Phật độ chúng sanh. Không
có pháp tu nào thù thắng hơn pháp niệm Phật, không có phương tiện nào tốt bằng
phương tiện nương vào Phật lực để vượt khỏi càn khôn.
Cụ thể lại, muốn tránh chữ “Tham” thì làm
lành làm thiện nhất thiết không cầu phước báu, không cầu bất cứ thứ gì lợi cho
mình. Cứ mở tâm từ bi hỉ xả mà làm, làm xong rồi thì quên đi, tâm hồn trống
rỗng an nhiên niệm Phật. Nên nhớ phước báu là cái quả báo tự nhiên của việc
thiện lành, nếu mong cầu thì chắc chắn bị lạc đường! Lạc là mất; đường là đường
vãng sanh. Cầu phước báu thì bị mất đường vãng sanh.
Muốn tránh chữ “Sân” thì hãy tập tính khiêm
hạ, nên thủ lễ với bất cứ mọi người. Ví dụ, bố thí bữa cơm cho kẻ cùng khổ thì
hãy kính trọng họ, hãy đặt chén cơn trong mâm, hãy dâng họ những món ngon của
mình có, hay ít ra mình ăn món nào mình dâng món đó. Đừng nên dùng cơm thừa
canh cặn mà thí cho kẻ cơ hàn, đừng đuổi họ ra xó hè để ăn, đừng liệng tiền qua
cửa sổ rồi hối thúc họ đi cho xa… dù người đó là kẻ ăn xin, tật nguyền hay khờ
khạo.
Đây là hạnh “Lễ kính chư Phật”, cái đại hạnh
đầu tiên của đức Bồ-tát Phổ Hiền. Người muốn thành Phật thì phải kính trọng mọi
người như kính Phật, dù đó là người xấu ác. Nhất định đừng nên để tâm khinh khi
phân biệt mà sanh ra oán nghiệp, oan gia. Xin cha má nhớ cho, kính trọng người
ác không phải là tán thán họ. Phật giáo có câu, “Buông đồ đao xuống, lập địa
thành Phật”. Một người đại ác, nhưng một khi họ hồi đầu, họ có thể giác ngộ hơn
mình, thành đạo trước mình. Cho nên, không thể khinh thường họ được. Hiện tại
thì nghiệp ai nấy chịu, không cớ chi nghiệp ác của người mà mình lại mang vào
thân để cùng chung đọa lạc!
Muốn tránh chữ “Si” thì xin cha má hãy quyết
lòng buông xả vạn duyên để niệm Phật. Con cháu, nhà cửa, ơn nghĩa, tình cảm
phải buông xuống hết. Nếu không chịu buông những thứ này xuống thì chắc chắn bị
vướng vào chữ “Si”. Si là mê muội, không sáng suốt. Còn vướng bận con cháu, còn
lưu luyến xóm làng, còn bám theo cái nhà, còn tham điều trần tục, thì tâm hồn
mất thanh tịnh, không thể tu hành được. Phật dạy, “Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm
chấp vào trần tục thì phải ở lại trong trần tục, không thể thoát ly. Kết cuộc
chính mình sẽ bị hại, mà cũng không đem lại lợi ích gì cho ai. Xin cha má sáng
suốt nhận thấy vấn đề, đừng để phải chịu khổ lụy triền miên trong luân hồi nữa.
Sống với đời, ai có duyên thì khuyên họ niệm Phật, gặp người nào chống đối thì
âm thầm cầu mong cho họ sớm ngày giác ngộ, chứ không nên bàn cãi, lý luận, hơn
thua… Sống với xóm làng ta “Hòa nhi bất Đồng”. ‘Hòa” là không chống một ai,
“Bất đồng” là đường ai nấy đi. Đường của ta là niệm Phật vãng sanh Tây-phương
thành Phật, nhất định ta cứ đi thẳng. Bên ngoài thì bình thường vô sự, bên
trong thì tâm trí sáng suốt, minh bạch, cương quyết.
*) Sám hối nghiệp chướng để gỡ tội quá khứ. Phật
dạy, “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Địa ngục là hữu vi pháp, ta có
quyền hỏi có hay không, chứ còn việc nhân quả thì không cần hỏi cũng có. “Nhân
duyên quả báo tơ hào không sai”. Tạo nhân gì thì gặp quả đó, nhân quả tương
xứng. Ví dụ dưới địa ngục người ta đập đầu ta chết là vì trong đời ta từng đập
đầu chúng sanh, như đập đầu con cá lóc chẳng hạn. Người ta thảy ta vào chảo
nước sôi vì ta từng thảy con cua vào chảo nước sôi. Ta cắt cổ một trăm con gà
thì chắc chắn ở đó người ta sẽ cắt cổ ta một trăm lần, v.v… quả báo là như vậy.
Trong vô lượng kiếp nay ta giết hại vô số chúng sanh thì khi vào địa ngục, ta
sẽ bị giết chết đến vô số lần để trả nợ nghiệp, và hình phạt cũng phải tương tự
như khi ta hành hạ chúng sanh. Nhân và Quả phải tương xứng nên mới gọi là “tơ
hào không sai!”.
Nhưng ai sẽ là người hành hạ ta dưới địa
ngục?
Chính nghiệp báo nó hành hạ ta, chứ không ai
khác cả. Kinh Địa Tạng nói, chỉ có oai thần hoặc nghiệp lực mới thấy địa ngục. Ngài
Tịnh Không cũng từng giảng rằng: “Chỉ có hai hạng người, một là Bồ-tát hai là
tội nhân mới thấy được địa ngục”. Nghiệp lực là người đang bị đọa trong cảnh
giới đó, còn oai thần là chư Phật Bồ-tát mới có khả năng nhìn thấu được chủng
tử nghiệp báo trong A-lại-da thức của chúng sanh. Ngài Địa Tạng Bồ-tát nói: “Đó
là do chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề làm những điều ác mà tùy nghiệp chiêu
cảm ra những địa ngục như thế”, (Kinh Địa Tạng, phẩm thứ 5, mục “Danh hiệu địa
ngục”). Chính chúng sanh làm điều tội ác rồi chiêu cảm ra những địa ngục, rồi
tự chịu lãnh hình phạt, chứ không liên can tới ai. Ta làm, ta chịu! Do đó,
không ai khác thấy được địa ngục của ta, cũng như không ai thấy được những gì
xảy ra trong mộng của mình vậy.
Vậy thì, dù những hình phạt có dã man tới
đâu thì cũng chính vì ta đã từng làm chuyện đó! Mình phân thây sanh vật từng
mảnh để ăn, thì “quỷ sứ” sẽ phân thây mình ra từng mảnh. Mình bắt cá thảy lên
vỉ sắt để nướng, thì “quỷ sứ” sẽ nướng ta trên thiết sàn. Mình xé xác con vật
để ăn, thì dưới địa ngục cũng có từng đoàn chó sắt vây quanh xé nát thân ta ra
để gặm! v.v…
Tạo cảnh giới nào, thì phải chịu cảnh giới đó. Tạo nhiều chịu nhiều, tạo ít
chịu ít. Nghiệp chướng chất chồng từ kiếp này qua kiếp khác đến con số vô lượng
vô biên, thì khi xuống địa ngục ta cũng phải chịu vô lượng vô biên hình phạt
trong hàng ngàn, hàng vạn kiếp mới xong. Đạo lý là như vậy. Có nhân xấu ác phải
nhận lấy quả báo xấu ác, nó chính là những chủng tử từ trong A-lại-da thức của
ta hiển hiện ra để bắt ta phải trả nợ, thì làm sao ta trách được địa ngục là dã
man. Chính vì vậy, chư Phật Bồ-tát muốn cứu chúng sanh đâu phải là chuyện dễ. Chỉ
trừ khi nào chúng sanh biết hồi đầu tỉnh ngộ, sám hối tội lỗi, tu sửa thân tâm
mới mong ngày thoát nạn!
Tuy nhiên, cũng cần chú ý một điều là: Nhân
phải gặp Duyên mới thành Quả, cũng như hạt giống phải gieo xuống đất mới mọc
thành cây. Có nhân ác nhưng chưa có duyên ác thì quả ác chưa tới. Quả xấu ác
chưa tới thì ta còn có cơ hội giải nạn!
Làm sao chận được duyên xấu? Bỏ ác làm lành.
Làm sao giải nạn? Sám hối nghiệp chướng. Như vậy, vấn đề quan trọng của chúng
ta là đừng nên chờ đến ngày đối đầu với địa ngục, mà chính yếu là phải lo
chuyện “nhân quả” để lánh xa cõi đó. Vạn pháp duy tâm, nếu tâm thực sự biết hồi
đầu, dũng mãnh tu hành, thành tâm sám hối, thì địa ngục đối với ta sẽ trở thành
mộng huyễn!
Bỏ ác làm lành cụ thể là dựa theo ngũ giới,
thập thiện để sống. Ngũ giới là cấm: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói láo, uống
rượu. Thập thiện là không: sát sanh, thâu đạo, tà dâm, nói láo, nói thêu dệt,
nói đâm thọc, nói lời độc ác, tham lam, sân giận, ngu si. Thành thật mà làm
thiện làm lành là tạo duyên tốt, xa lánh duyên xấu. Không có duyên xấu thì quả
xấu cũng khó phát sinh. Dũng mãnh tu hành, nhất tâm niệm Phật cầu về Tây-phương
là pháp tối thiện trong thiện pháp. Trong kinh Phật nói, nhất tâm niệm một câu
Phật hiệu có thể phá trừ tám mươi ức kiếp nghiệp chướng trọng tội. Cho nên,
không có sự thiện lành nào qua khỏi việc trì danh niệm Phật.
Sám hối nghiệp chướng thì nhà Phật có nhiều sám pháp như: Lương Hoàng Sám, Thủy
Sám, Quán Âm Sám, Pháp Hoa Sám, Phương Đẳng Sám, v.v… Trong tất cả những pháp
sám hối trên đều có năng lực tiêu trừ nghiệp chướng. Tuy nhiên đến thời mạt
pháp nghiệp chướng của chúng sanh quá ư sâu nặng, chư Cổ đức đều khuyên chúng
sanh hãy quay về với câu Phật hiệu. Niệm Phật, lạy Phật, là pháp tối nhiệm mầu
để giải trừ nghiệp chướng. Ngài Quán Đảnh pháp sư nói: “Thời mạt pháp nghiệp
chướng lớn, tất cả Kinh, Sám… không thể giải nghiệp nổi, chỉ còn câu A-di-đà
Phật”.
Thành tâm niệm một câu Phật hiệu “A-di-đà
Phật” phá tan tám mươi ức kiếp tội sanh tử (Kinh Quán Vô Lượng Thọ, hạ phẩm hạ
sanh), thì chí thành vừa niệm Phật, vừa lạy Phật, gọi là “Lễ-Bái-Niệm Phật”, ba
nghiệp thân khẩu ý hợp lại để sám hối tội chướng sẽ có uy lực vô biên tiêu trừ
nghiệp chướng.
Trong kinh Hoa Nghiêm nói, “Nếu nghiệp
chướng của một chúng sanh có hình tướng thì hư không này không còn chỗ chứa”. Nghiệp
chướng của mỗi chúng ta thật sự đã quá lớn thì quả báo ắt cũng phải nghiêm
trọng! Nhân duyên quả báo tơ hào không sai, chắc chắn một đền một, trả không lời
nhất định không ai chịu lỗ!
Cảnh giới địa ngục thực sự quá dễ sợ! Tội ác
và hình phạt đi liền với nhau. Một tội lỗi một hình phạt, một triệu lần gây tội
phải trả tới một triệu lần hình phạt. Trong vô lượng kiếp từ vô thỉ đến nay
mình đã tạo biết bao nhiêu tội ác, thì thử hỏi mức cực hình dưới địa ngục làm
sao kể xiết! Hơn nữa, khi thọ hình thì tâm sân khuể căm thù nổi lên, làm cho
nhân ác lại tăng lên, quả báo càng thêm nặng. Trong kinh Phật nói, tùy theo tội
mà có kẻ phải đọa vào ngục Vô-gián đến nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra
khỏi. Địa ngục Vô-gián là loại địa ngục mà tội nhân bị hành tội liên tục ngày
đêm không gián đoạn, cảnh khổ ấy trải qua trong trăm nghìn muôn ức kiếp! Khổ
này làm sao diễn tả nổi!
Thưa cha má, hiểu đạo rồi thì phải biết sợ,
phải lo tính trước, đừng nên ngồi chờ tới đó rồi mới tính. Sự việc không đơn
giản như vậy đâu! Giả sử như, nếu bây giờ mình niệm một câu hồng danh A-di-đà
Phật chỉ tiêu trừ cho mình một tội thôi, thì mình cũng phải ráng mà niệm, ngày
đêm lo niệm để hình phạt giảm được phần nào hay phần đó. Bớt một lần phân thây
bớt một lần đau đớn, bớt một lần liệng vào chảo dầu thì bớt một lần bị nóng
cháy tiêu thân. Dù sao đi nữa thì chính mình cũng phải tự thương hại lấy thân
mình mà tìm phương giải nạn, chứ còn cách nào khác hơn bây giờ?! Thế mà, trong
kinh Phật nói, thành tâm niệm một câu A-di-đà Phật phá trừ tới tám mươi ức kiếp
sanh tử tội chướng, thì sao chúng ta lại lười biếng niệm Phật để phải chịu nạn?
Phải niệm Phật liên tục không gián đoạn,
không hồ nghi, không tạp loạn cha má à. Càng niệm càng tiêu nghiệp chướng, càng
niệm công đức càng nhiều, công đức niệm Phật của mình nó sẽ bao phủ nghiệp
chướng lại, không cho nghiệp chướng hiện hành. Nhờ thế mà ta vượt qua tam giới
thoát vòng sanh tử luân hồi, đới nghiệp vãng sanh Tây-phương một đời viên mãn
đạo quả. Như vậy không hay hơn là nằm chờ chịu nạn hay sao?
Niệm Phật, lạy Phật, công đức còn lớn hơn
nữa. Những người nghiệp chướng nặng, bị những chứng bệnh bất trị, nhà Phật gọi
là bệnh nghiệp chướng, nói chung là những bệnh mà đông y, tây y, bác sĩ, bệnh
viện đều đã chịu thua, thì hãy sớm quay về với câu A-di-đà Phật và nên thực
hành pháp “Lễ Bái Niệm Phật”.
Lạy Phật tiêu nghiệp chướng. Đây là pháp sám
hối nghiệp chướng dễ làm, dễ hành nhưng lại tối vi diệu. Người già sức yếu, mắt
mờ tai kém mà lâu lâu tụng một bài kinh Sám để cầu giải nghiệp, thì vô phương
cứu vãn! Phát tâm lạy Phật, niệm Phật là phương pháp tối thắng đối với tất cả
chúng sanh trong thời mạt pháp này. Ngài Tịnh Không khi mới xuất gia, Ngài lạy
một ngày bảy-tám trăm lạy. Cư sĩ Vương Nhật Hưu đời nhà Tống, người viết cuốn
“Long Thư Tịnh-độ”, một bảo vật quý giá của người niệm Phật, ông lạy mỗi ngày
một ngàn lạy. Phương pháp của ông rất thực tế. Khi vãng sanh ông đứng mà vãng
sanh. Ở đạo tràng tại đây có vị sư tuổi trên 70 đã phát tâm lạy mỗi ngày 25
chuỗi 108 hột, tức là hai ngàn bảy trăm lạy. Đệ tử của Ngài Tịnh Không có vị
lạy mỗi ngày ba ngàn lạy. Đây là những sự phát tâm riêng để giải nghiệp, chứ
không ai bắt buộc.
Cung kính lễ Phật lạy Phật, chí thành niệm
Phật, thì “Tội mòn như đá mài dao, phước lành thêm lớn càng cao càng dày”, (Sám
Từ Vân). Lạy Phật là trút đổ nghiệp ra, niệm Phật là đem công đức phước lành
vào. Niệm Phật lạy Phật càng nhiều nghiệp tiêu càng nhanh. Cứ tính rằng, một
lần lạy Phật cộng với niệm câu Phật hiệu có thể giải được tám mươi ức kiếp nạn,
nếu ta tinh tấn lễ niệm hằng ngày, thì tội chướng tiêu dần đến sạch luôn và
duyên lành sẽ tăng trưởng cho đến ngày thành thục. Tội chướng tiêu thì nghiệp
chướng tự nhiên tiêu trừ.
A-di-đà Phật là “Đại Nguyện Vương”, là “Vô
Thượng Y Vương” trong biến hư không pháp giới, có thể cứu khổ, cứu nạn, cứu
được huệ mạng của chúng sanh, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh thành Phật. Nghiệp
chướng sâu nặng của chúng ta tích tụ trong vô lượng kiếp đến nay đã nhiều quá
rồi. Hãy quyết tâm lạy Phật sám hối tội căn thì mới mong tiêu tai giải nạn
được.
Thưa cha má, cha má đã tin Phật, đã niệm
Phật, đã nguyện vãng sanh Tây-phương. Đây là tông chỉ Tín-Hạnh-Nguyện phải tiếp
tục tinh tấn, đừng nên giải đãi. Hôm nay, con xin cha má dũng mãnh phát một tâm
nguyện nữa. Đó là hằng ngày lạy Phật cầu sám hối nghiệp chướng. Cha má đã già
yếu, khó làm được công phu như người, nhưng yếu thì làm theo yếu, miễn tâm chân
thành là được. Cụ thể xin cha má làm như vầy:
Mỗi buổi sáng nên thức dậy sớm, mặc áo dài
nghiêm chỉnh, đến trước bàn thờ Phật, cúng một ly nước lạnh trong sạch tượng
trưng cho lòng thanh tịnh, đốt nhang rồi thành tâm phát lời nguyện:
Con tên là: ….. thành tâm đảnh lễ A-di-đà Phật, biến pháp giới chư Phật, Tôn
Pháp, Hiền Thánh Tăng. Con xin phát nguyện:
- Vì tất cả những loài sanh linh bị con giết
hại, ăn thịt trong đời này và nhiều đời kiếp trước, vì lịch đại oán thân trái
chủ. Thành tâm xin sám hối.
– Vì tất cả chúng sanh trong pháp giới, trên
đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ, con cầu xin được thành tựu thiện nguyện,
khi mạng chung được vãng sanh Cực-lạc, đắc thành Phật quả, trở lại độ tận chúng
sanh.
Nguyện xong thì lạy 30 lạy, vừa lạy vừa niệm
Phật: “Một …A-di-đà Phật; Hai … A-di-đà Phật; v.v…”.
Trưa và tối cũng nguyện và lạy y như vậy. Trước khi đi ngủ thì hồi hướng chung:
“Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh-độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới
cứu khổ tam đồ. Nếu có kẻ thấy nghe, đều phát lòng Bồ-đề, hết một báo thân này,
đồng sanh Cực-lạc Quốc”.
(Xin ghi chú rằng: Cha má nên dùng lời
nguyện này, và cũng có thể phát thêm một vài lời nguyện cần thiết khác cũng
được. Chỉ cần nhớ nguyên tắc là nguyện vì chúng sanh, vì Phật pháp, nguyện vãng
sanh thành Phật để cứu độ chúng sanh, chứ không vì phúc lợi bản thân là được. Nếu
sơ ý nguyện cho mình được sức khỏe, được hết bệnh, được tai qua nạn khỏi, được
làm ăn thuận lợi… thì đây là những lời nguyện tự tư ích kỷ, cầu phúc báu nhân
thiên, sẽ mất phần vãng sanh. Xin nhắc lại, tất cả quả báo phước lành đều do
cảm ứng tự nhiên, nếu cầu xin những điều này thì đường tu sẽ bị lạc! Về lạy
Phật, mỗi lần chỉ có 30 lạy thì quá ít, tuy nhiên cha má tuổi đã cao, nên bắt
đầu từ số ít cho vừa sức, khi quen rồi từ từ tăng dần lên. Đừng tăng quá nhanh
mà giữ không nổi).
Người trẻ, sức khỏe tốt nên bắt đầu từ 108
lạy, rồi từ từ tăng lên. Lạy hai chân nên song song với nhau, dùng tay chống
người đứng lên. Đừng nên làm quá nhiều động tác lễ mễ rườm rà, sau này sẽ khó
lạy được nhiều. Ráng giữ thời khóa như vậy, đừng để suy giảm. Không những thế,
nhờ Phật lực gia trì cha má sẽ được pháp hỉ sung mãn, cảm thấy khỏe hơn, tâm
trí minh mẫn, hưởng được đại phước báu của đời người.
Thư chưa hết ý, nhưng đã quá dài. Con xin
tạm ngừng nơi đây, thư sau con sẽ nói thêm. Xin cha má và anh chị em đọc lại
thêm vài lần nữa để hiểu cách tu hành. Đời này chúng ta may mắn gặp được cơ hội
vãng sanh thành Phật, xin đừng bỏ qua mà rồi phải ân hận. Trước khi con về tu
chung với cha má và anh chị em, những lời thư này con đi vào cụ thể để chúng ta
chuẩn bị bắt tay vào chuyện hạ thủ công phu. Buông xả làm sao, niệm như thế
nào, lạy Phật cách nào cho tốt, nguyện sao cho đúng sở nguyện, nhắm đúng hướng,
đi đúng đường. Trong hoàn cảnh hiện tại của mỗi người nên thực hành như thế nào
để tránh khỏi chướng ngại, khỏi bị lạc đường. Nếu ai muốn tu, thì con sẽ cố
gắng lấy hết kinh nghiệm có được để hướng dẫn lại.
Xin cha má dũng mãnh phát nguyện, quyết lòng buông xả tất cả để niệm Phật, lạy
Phật. Ý chí vãng sanh kiên định, không lay chuyển, thì cơ hội vãng sanh nhất
định có trong một đời này.
Nguyện mong cho tất cả mọi người, cả thân
lẫn sơ đều được thành tựu thiện quả, viên thành Phật đạo.
Nam mô A-di-đà Phật.
Con kính thư.
(Úc châu, ngày 20/06/04).
Nghĩ đến
thân người mong manh, cái chết đến bất kỳ, nghĩ mình đời trước đến đời này đã
tạo ra vô lượng nghiệp ác, nghĩ đến sự khổ tam đồ mà tỉnh ngộ sợ hãi, tất không
còn tham luyến cảnh huyễn bên ngoài, thì niệm Phật sẽ chuyên nhất.
(Ấn Quang Đại Sư).