Người Phật tử, bất luận trong lúc bình
thường tụng bao nhiêu kinh, niệm bao nhiêu câu chú, khi lâm chung muốn chủng tử
Phật xuất hiện, duy nhất chỉ có bốn chữ A-di-đà Phật mới hữu dụng. (Ngài Lý
Bỉnh Nam).
Kính quý bác,
Nghe được tin quý bác rất tinh tấn tu hành,
ngày ngày đều hội nhau niệm Phật, cháu vui lắm. Lại nghe nói rằng quý bác rất
thích đọc thư của cháu viết về, nhiều hôm đọc thư cháu cho mọi người cùng nghe
trong những buổi niệm Phật, làm cho cháu không những vui mà còn vô cùng cảm
động. Nếu những lá thư đó được nhiều người thích đọc, thích nghe theo tu hành,
thì cháu rất vui vì đã làm được một chút ít việc để đền đáp ơn Phật. Tri ân báo
ân, khả năng của cháu chỉ biết khuyên người niệm Phật. Trong thời mạt pháp này,
niệm Phật vãng sanh Tây-phương là con đường ta phải chọn, để một đời thoát ly
sanh tử luân hồi, viên thành đạo quả, nhất là đối với một chúng sanh có nhiều
nghiệp chướng như chúng ta.
Hình Phật cháu đã gởi về rồi, nếu trong làng
xóm có người nào cần thì quý bác cứ tặng cho họ, thiếu thì cháu tìm cách gởi
thêm. Khi nhận được hình Phật dễ dàng hoặc có trở ngại gì thì cũng cho cháu
biết liền để cháu tìm cách gởi tiếp. Còn về sự hộ niệm thì đúng thật là tối
quan trọng. Chỉ cần một câu hỏi đơn giản như vậy, cháu cũng cảm nhận được rằng
quý bác thật sự đã tin đúng chỗ, đi đúng đường, cầu đúng sự. Tu hành muốn thành
đạo thì cần nhất là phải đi thẳng tắp và đi cho đúng. Quý bác quyết thành tâm
tu hành đứng đắn, y theo giáo Phật phụng hành, thì tự nhiên mọi chuyện sẽ diễn
biến tốt đẹp, tất cả mọi sự đã có chư Phật chư Bồ-tát gia trì. Thành công hay
không là chính mình có thực sự muốn vãng sanh về với Phật hay không mà thôi.
Nếu thực tâm tu hành, thì xin chúc mừng tất cả quý bác, cơ hội đã có sẵn trong
tầm tay. Còn như ai vẫn chưa thực tâm niệm Phật, muốn tu lòng vòng, hay còn
muốn thí nghiệm thử coi lời Phật nói có đúng thực chăng, thì dòng sanh tử luân
hồi vẫn còn đó, khổ nạn trùng trùng vẫn còn đây, mặc sức cho họ tha hồ thọ lãnh
mà thử nghiệm!...
Hộ niệm là điều rất cần thiết cho tất cả mọi
người, là điểm chủ yếu cuối cùng không thể thiếu của người niệm Phật. Công phu
niệm Phật suốt đời, khó khăn vô cùng, cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là vãng
sanh Tây-phương Cực-lạc bất thối thành Phật, công phu đó chính là sự thực tập cho
thuần thục cả ba phương diện thân-khẩu-ý hướng về A-di-đà Phật, để lúc lâm
chung phải niệm được câu Phật hiệu.
Làm sao lúc lâm chung chắc chắn niệm Phật
được? Nhờ hộ niệm. Suốt đời niệm Phật, nhưng khi lâm chung không có sự hộ niệm,
nhiều khi do nghiệp chướng phá hoại cũng có thể làm cho mình thất bại, đành
chịu đầu thai lại trong lục đạo, nghĩa là vẫn còn sanh tử luân hồi, không có
phần vãng sanh. Đây là điều đáng tiếc! Nên nhớ, một niệm lâm chung rất quan
trọng cho nên cần phải hộ niệm để giữ cho được chánh niệm lúc lâm chung. Có rất
nhiều thư cháu đã nói đến vấn đề này, mỗi thư nói một khía cạnh, xin quý bác
chú tâm thật nhiều vào những lá thư đó, để hiểu sâu vào cả Sự lẫn Lý, hầu thực
hiện khỏi bị chướng ngại. Trong đó, chúng ta nên nhấn mạnh đến Sư hộ niệm vãng
sanh, hoặc là Sư thực hành vãng sanh, nhiều hơn là Lý vãng sanh. Đây chính là
công việc thực tiễn để thực hiện sự giải thoát vậy.
Sự thực hiện đó là gì? Xin trả lời thẳng
rằng, chỉ là Tín-Hạnh-Nguyện vãng sanh. Lý có thể chúng ta chưa hiểu lắm, nhưng
Sự thì xin quý bác cứ đúng như vậy mà làm. Làm đúng để vãng sanh, vãng sanh
xong thì tất cả Lý đạo tự nhiên sẽ hiểu thấu, cuối cùng chúng ta đều đạt được
Lý-Sự viên dung để viên thành Phật đạo.
Tu hành cần nhất là lòng thành kính và sự
tinh tấn tu hành, có thành tất linh, chứ không phải cần thiết ở lý luận. Trong
đời ta thường thấy nhiều người lý luận rất hay nhưng không tu, sau cùng không
biết là họ sẽ đi đâu? Ngược lại, rất nhiều người không biết lý luận, chỉ biết
thành tâm tu hành mà lại được vãng sanh, đắc đạo dễ dàng. Đại Sư Ấn Quang, vị
Tổ thứ 13 Tịnh-độ tông Trung Hoa dạy: “Chí thành cung kính thật là bí quyết
nhiệm mầu để siêu phàm nhập Thánh, liễu sanh thoát tử”. Kiến thức của con người
dù học hỏi được nhiều tới đâu trong trường đời cũng không bao giờ hiểu thấu
cảnh giới của Phật, cho nên Ngài còn nói: “Người nào cứ một bề muốn xem rộng,
nghiên cứu nhiều, thì e nghiệp chướng chưa tiêu, khó được lợi ích...”.
Trong lịch sử tu học Phật giáo có nhiều công án rất hay ám chỉ về việc này, ví
dụ bên Trung Hoa đời nhà Thanh, có một Thiền Sư là Mặc Âm, Ngài tu thiền. Trước
khi viên tịch Ngài gọi chúng đệ tử lại hỏi rằng: “Thế nào là giải thoát?”. Tất
cả đều ngẩn ngơ, không ai trả lời được! Ngài cười bảo: “Chẳng có gì bằng là bắt
chước các ông già bà lão ăn chay niệm Phật cho tinh chuyên là được!”. Ông già
bà lão là ai? Là quý bác đó chứ ai. Một Thiền Sư suốt đời tu thiền nhưng cuối
cùng đã niệm câu A-di-đà Phật để giải thoát. Ngài tu thiền, nhưng chính Ngài
lại âm thầm ngộ đạo trong câu Phật hiệu, và sau cùng mới phải dùng phương tiện
này cảnh tỉnh tứ chúng.
Tu hành là quyết lòng “một đời giải thoát”,
đừng nên có ý niệm muốn lý luận giỏi dở, triết lý cao thấp, cứ chạy lòng vòng
tranh nhau hơn thua làm chi mà bị sư phụ la rầy! Nếu giả sử Ngài gọi quý bác lại
hỏi: “Thế nào là Giải Thoát?”, cháu tin rằng quý bác sẽ trả lời dễ dàng, đó là:
“Vãng sanh Tây-phương Cực-lạc Quốc”. Đúng vậy! Vãng sanh được thì giải thoát,
giải thoát được chính là vãng sanh Tây-phương Tịnh-độ. Phật dạy như vậy ta đi
như vậy, đi như vậy thì trả lời như vậy. Lòng chân thành, thực thà niệm Phật
cầu sanh Tịnh-độ là đức tính cao quý nhất của các cụ già, chính thế mà các cụ
dễ cảm ứng đạo giao, dễ hợp với sự phát tâm Bồ-đề. Khi giảng về phát tâm Bồ-đề,
HT Tịnh Không nói rằng, nếu hỏi các cụ già “Trực Tâm là gì?” – Không biết.
“Thâm Tâm là gì?” – Không biết. “Đại Bi Tâm là gì?” – Không biết. Hoàn toàn
không biết gì cả! Các cụ chỉ biết chí thành niệm Phật, tha thiết cầu sanh
Tịnh-độ, các cụ thực sự đã vãng sanh. Người hiểu rõ từng danh từ một chưa chắc
đã phát được tâm Bồ-đề, còn các cụ già không cần biết đến danh từ đó, ấy thế mà
tâm của các cụ đã đạt đến cảnh giới “Vô Thượng Bồ-đề Tâm”, thượng phẩm vãng
sanh vẫn có phần cho các cụ. Rõ ràng: “Chẳng có gì bằng là bắt chước các ông
già bà lão ăn chay niệm Phật cho tinh chuyên là được!”.
Buông xả, niệm Phật cầu vãng sanh Tây-phương
là tâm Vô Thượng Bồ-đề. Buông xả tất cả chắc chắn vãng sanh, buông xả nhiều
vãng sanh dễ, buông xả ít vãng sanh khó, không buông xả không thể vãng sanh.
Quý bác ạ, tuổi già thân mạng vô thường, mong manh, sáng còn tối mất, vạn pháp
cuối cùng đều là không, thì còn tham đắm làm gì vào sự hủy hoại. Tất cả vạn vật
ở thế gian này có giữ cũng mất, có liệng cũng mất, nhưng tham đắm hay chấp thủ
vào đó thì ta bị đọa lạc, còn buông chúng ra được thì ta thành đạo giải thoát.
Danh, văn, lợi, dưỡng, nhà cửa, tiền của, con cái, lý luận, triết học, v.v...
tất cả đều huyễn mộng, nó không tan trước mắt thì cũng tan sau lưng. Cháu chân
thành khuyên quý bác chỉ một lòng tín hạnh nguyện đầy đủ, chuyên công niệm
Phật, tha thiết cầu xin vãng sanh Liên Bang để được về với Phật, vãng sanh về
với Phật rồi ta sẽ có tất cả chứ không còn là huyễn mộng nữa. Đây là sự thật.
Tu hành nếu có gì còn chưa rõ, hoặc những gì
cháu nói không đúng lắm thì xin quý bác cho biết, để chúng ta điều chỉnh kịp
thời, đừng nên giữ lại mà gặp khó khăn. Cháu viết thư khuyên người niệm Phật,
đến một giai đoạn nào đó khi những lời khuyên này tạm đủ, thì cháu có thể sẽ lo
việc tịnh tu để vãng sanh. Cho nên trong thời gian này có gì thắc mắc nên hỏi,
nhất là những vấn đề thực tế để tu hành, chứ không nên mong cầu đạt lý, vì lý
đạo thậm thâm vi diệu, chúng ta là hạng trung hạ căn không bao giờ đạt đến cùng
lý được đâu. Nhưng ngược lại, chỉ cần thành tâm tu hành thì một ngày nào đó lý
đạo tự nhiên thông. Cho nên, phải chân thành niệm Phật, chân thành cầu nguyện
vãng sanh. Chân thật thì được cảm ứng, thành tâm thì được hiển linh, đó mới
chính là con đường thành đạo. Hiểu rõ điều này thì chính quý bác là những người
rất dễ thành đạo giải thoát. Hãy tranh thủ thời gian niệm Phật, quyết lòng giữ
vững ý niệm vãng sanh Tịnh-độ, đừng nên có mặc cảm sai lầm mà lỡ mất cơ hội. Cụ
Triệu Vinh Phương, ông Trần Quang Việt, bác Dư Thị Ky, bác Trần Vân Lâm, v.v...
nhiều lắm, toàn là ông già bà lão, suốt đời không biết lý luận là gì, nhưng họ
đã vãng sanh dễ dàng. Đây là những chuyện có thực, rõ rệt trước mắt, mới vừa
đây thôi chứ không phải xa xưa, là những bài học rất quý giá, đã quá đủ để xác
minh cho cái vị trí của quí bác ở cõi Cực-lạc rồi vậy.
Trở lại chuyện hộ niệm. Hôm nay chúng ta bàn
một vài điểm cụ thể về hoàn cảnh chung quanh, những điều căn bản về ngoại duyên
như: con cháu trong gia đình, người thân thuộc, v.v...
*) Con cháu trong nhà là một lực lượng hộ niệm chính. Muốn cho con cháu hộ niệm
mình, thì người niệm Phật không nên âm thầm niệm một mình, mà cố gắng giảng
giải Phật pháp cho người thân hiểu, giảng giải về sự vãng sanh cho con cháu
nghe, khuyên niệm Phật, chỉ cách hộ niệm vãng sanh. Nên chủ tâm làm như vậy để
vừa cứu độ người thân, vừa có được người hộ niệm sát bên cạnh mình trong bất cứ
trường hợp nào. Những gia đình nào có con cháu biết tu hành, tin Phật, hiểu
đạo, thì thật là một đại phúc báu trên đời! Ví dụ như cụ Triệu Vinh Phương,
vãng sanh lúc 94 tuổi vào năm 1999 tại Trung Quốc là một gia đình đại phúc, hầu
hết con cháu trong gia đình của cụ, từ lớn đến nhỏ, đều chí thành tu học Phật.
Khi cụ vãng sanh, chỉ riêng người trong gia đình cũng đủ sức hộ niệm, tiễn đưa
cụ an toàn siêu sanh về cõi Tây-phương thành Phật. Bốn năm niệm Phật, một đời
giải thoát, viên thành Phật đạo. Có gì quý hóa hơn!
*) Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp bị
chướng duyên, người thân trở thành chướng ngại. Ví dụ như, vợ tu thì chồng
chống đối, cha mẹ tu thì con cái chống đối, cả nhà tu hành nhưng bị hàng xóm
gièm pha, v.v... Đây là những chuyện bình thường, chứ không có gì lạ. Người có
tu hành hiểu đạo, hãy phát lòng từ bi cứu độ, kiên nhẫn khuyên nhủ họ tu hành.
Hãy biết rằng chỉ vì nghiệp chướng quá sâu nặng cản ngăn làm cho người thân
chưa được cơ hội thức tỉnh, tương lai dễ sa vào cảnh tăm tối chịu khổ nạn. Cho
nên chúng ta nên đặc biệt thương họ, kiên nhẫn giảng giải hoặc chờ cơ duyên để
cứu độ hơn là ghét bỏ, vì ghét bỏ sẽ dễ biến thành oan gia trái chủ, có thể gây
nhiều chướng ngại về sau, không tốt! Ví dụ, trong chuyện vãng sanh của bác Dư
Thị Ky có nhiều chi tiết khá hay. Suốt đời bác không giảng giải đạo lý cho ai,
nhưng sau khi vãng sanh rồi thì bác lại cứu độ được khá nhiều người, cả thân
lẫn sơ. Gần gũi nhất là chồng, con, thân thuộc trong gia đình đã đồng loạt qui
y Tam Bảo, một lòng tin tưởng pháp Phật. Trong gia đình bác có bảy người con,
hầu hết ai cũng tin Phật, duy có một người con rể, anh Lục Duy Kiên không tin.
Theo như anh Đường Tấn Hải kể lại:
- Anh là người rất thực tế, chuộng khoa học,
không tin những lý luận mơ hồ... Ví dụ như chuyện giàu sang, nghèo nàn, thành
công, thất bại, v.v... cái gì trong đời cũng cứ đổ lỗi cho nhân quả hoặc định
mệnh. Anh cho rằng đây là điều viển vông! Theo anh, cuộc sống trước mắt không
chịu lo, lại đi lo chuyện vãng sanh ở thế giới xa vời đâu đâu là điều không
thực tiễn, anh không chấp nhận!...
Đến khi chính mắt chứng kiến cảnh vãng sanh
của nhạc mẫu làm anh ta quá ngạc nhiên đến nỗi phải bàng hoàng, ngẩn ngơ. Nhờ
cơ duyên này mà anh đã thực sự tỉnh ngộ. Anh Hải lại nói tiếp:
- Một tuần sau, cả gia đình cùng đi trong một chiếc xe đến chùa Phước Huệ để
cầu siêu tuần thất thứ nhất. Đang lúc sắp tới chùa, vừa lúc có người nhắc đến
công hạnh tu hành của mẹ, thì anh Kiên lại ngửi được mùi hương giống hệt như
mùi hương lúc mẹ vãng sanh. Ảnh hỏi mọi người rằng có ai ngửi thấy không? Không
có ai khác, chỉ một mình ảnh ngửi được rõ ràng có mùi hương!
Trong tháng giêng năm 2003, anh Kiên cùng
với đại gia đình đã qui y Tam Bảo và được HT Tịnh Không cho pháp danh là Diệu
Âm. Thật là một duyên lành đầy may mắn cho anh. Nghĩ lại, trên đời này còn biết
bao nhiêu người chưa có được duyên may, vẫn mù mịt sống, bước chân càng đi càng
lún sâu vào nơi hiểm nạn!
*) Trong chuyện tu hành, cái nhân duyên đến
với chúng sanh mỗi người mỗi khác, có lúc thuận có lúc nghịch, có lúc thiện có
lúc ác. Người thuận thì thường gặp duyên thuận để tăng thuận duyên, kẻ nghịch
thường gặp duyên nghịch để nghịch chuyển tâm ý nghịch ngợm của họ. Người thiện
thì gặp cảnh thiện tăng thêm thiện duyên tu hành, kẻ ác thì gặp ác duyên giống
như bị dội đầu vào tường mới biết giựt mình sợ hãi lo cầu đạo pháp. Tất cả dù
là nghịch hay thuận, thiện hay ác, đều là cơ may cho chúng sanh tỉnh ngộ. Sự
hơn kém nhau chỉ cần ở chỗ có giác hay không, nhanh hay chậm mà thôi. Ví dụ như
chuyện vãng sanh của bà Huỳnh Ngọc Tuyết năm 1996 cũng có một trường hợp điển
hình tương tự khá hay. Bà Tuyết pháp danh là Diệu Âm, hằng ngày tới đạo tràng
làm công quả, in kinh, sang băng pháp, tụng kinh Vô Lượng Thọ, rồi niệm Phật mà
vãng sanh. Khi lâm chung gia đình điện thoại tới Ngài Tịnh Không xin ý kiến, từ
trong điện thoại Ngài nói: “Tây-phương Tam Thánh đã đến trước cửa, sao không đi
còn hỏi gì nữa?”. Khi bà vãng sanh có ánh sáng, có hương thơm phát ra cả tiếng
đồng hồ. Trong gia đình của bà cũng có một nguời con rể không tin Phật, thường
chống đối việc niệm Phật vãng sanh. Một hôm, trong những tháng ngày trước khi
vãng sanh, bà kêu riêng người rể lại để cho anh ta biết một ngày đặc biệt nào
đó, bà dặn anh ta phải nhớ cái ngày này, viết vào giấy, và cất giữ thật kỹ giùm
cho bà. Sau khi vãng sanh, người con rể trực nhớ đến chuyện này, tìm mở ra xem
thì giựt mình sửng sốt! Đó chính là ngày vãng sanh của bà nhạc mẫu. Một chuyện
quan trọng như vậy mà bà lại âm thầm chỉ báo riêng cho một người rể không tin
Phật!? Có thể nào chúng ta lại cho rằng đây chỉ là sự ngẫu nhiên? Thế nên mới
biết, người tu hành phải có tâm từ bi, đặc biệt thương hại những người nhiều
nghiệp chướng mà tìm phương cứu họ vậy.
*) Cũng có nhiều lúc rơi vào một trường hợp
khó khăn hơn, ví dụ như thấy người thân hay con cháu trong gia đình đi sai
đường, ta muốn cứu mà cứu không được. Đây cũng là chuyện thường. Ta nên biết
rằng, trong đời này dù đã trở thành ruột thịt, thân thuộc với nhau, nhưng mỗi
người mang đến thế gian này mỗi nghiệp khác nhau và đang tạo tác những nghiệp
khác nhau, cho nên sau khi chết thì mỗi người sẽ đi mỗi ngả để thọ báo ở những
cảnh giới khác nhau. Nếu như mọi người trong gia đình cùng chung một chí hướng
tu hành, cùng phát tâm niệm Phật, cùng nguyện vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc,
có như vậy tương lai mới hội tụ một nhà. Còn không, thì chắc chắn như lời Phật
dạy, “phải đầu thai đơn độc, chết đơn độc, đi một mình, về một mình, sướng khổ
tự chịu lấy, không một người thân nào đi thay cho mình cả”. Vì sao vậy? Vì tùng
nghiệp thọ báo. Nghiệp chướng không ai giống ai, thì không ai có thể theo mình
để thọ chung cảnh giới. Phật dạy, con cái đến với cha mẹ có bốn diện: báo ân,
báo oán, đòi nợ, trả nợ. Những người con ngỗ nghịch trong gia đình thường ở một
trong hai diện: báo oán hoặc đòi nợ. Đòi nợ là nó phá cho tiêu hao gia tài rồi
chết. Báo oán là những người con bướng bỉnh, bất hiếu, không vâng lời trong gia
đình. Nó có thể trở thành mối chướng ngại khá lớn trong việc hộ niệm, ví dụ như
quấy phá, ồn ào, chạy theo thói tục thế gian sai lầm, chống đối việc hộ niệm,
v.v... làm tiêu tan cơ hội vãng sanh của cha mẹ. Người khi lâm chung mà gặp
trường hợp này thì thật là một điều đại bất hạnh!
*) Gặp trường hợp này ta giải quyết làm sao?
Thành thực mà nói, điều này tùy thuộc khá nhiều vào thiện căn và phước đức của
cá nhân người lâm chung, chứ không có công thức đối trị rõ rệt. Người muốn vãng
sanh phải đặc biệt lưu tâm, những người thân thuộc khác trong gia đình nếu đã
hiểu đạo thì phải biết bảo vệ người ra đi, cố gắng giảm trừ ách nạn này. Hãy
sáng suốt lo trước mọi việc, phải tận lực làm, rồi cuối cùng sự thể ra sao thì
mới đành tùy duyên! Nên chú ý những điểm sau:
Một là, biết rằng mình đang bị chướng duyên
ngăn cản thì phải tự cố gắng tinh tấn niệm Phật cho “nhất tâm bất loạn” để đạt
đến cảnh giới tự tại vãng sanh.
Hai là, ngày ngày niệm Phật hồi hướng công
đức cho oan gia trái chủ, hồi hướng công đức cho những người ngỗ nghịch. Đây là
cách giải nạn cho con cái và cho chính mình. Một khi nghiệp chướng nhẹ thì tự
nó sẽ hồi tâm chuyển ý.
Ba là, thường xuyên giảng giải Phật pháp
thật nhiều cho con cháu hiểu rõ lý đạo. Đây là việc khá cần thiết. Nên nhớ một
điều, dù đứa con của mình là oan gia trong tiền kiếp, nhưng chính nó không bao
giờ biết chuyện này. Nó cũng có học thức, có lý tưởng riêng, có suy nghĩ về chữ
hiếu, v.v... nhưng chỉ vì còn mê muội nên chưa thông được đạo pháp mà thôi. Nếu
dùng Phật pháp giảng giải, khai thị cho nhiều, để cùng nhau hiểu đạo, hiểu ý
nghĩa sự vãng sanh, thì có thể giác ngộ được nhiều người, tiêu tai giải nghiệp
cho nhau, hóa giải được nhiều oan trái trong quá khứ. Hộ niệm thường cần đến
khai thị, thì chính sự khai thị hay nghe pháp thường xuyên lúc bình thời là
điều rất quan trọng, quan trọng cho chính mình, quan trọng cho con cháu, quan
trọng cho tất cả mọi người. Còn đợi tới lúc tối nguy kịch rồi mới nhờ người
khai thị, dù đây là việc cần có, nhưng nhiều lúc thành ra đã quá trễ rồi vậy!
Bốn là, nếu những cố gắng trên cũng chưa
thành công thì nên khôn khéo tìm phương cách ly. Ví dụ: nếu ở xa, khi lâm chung
không nên thông báo vội, nếu ở gần thì khéo léo nhờ người đó đi công chuyện xa,
v.v... sau tám tiếng đồng hồ thì không còn quan ngại lắm.
Năm là, có thể dùng cách: xuống nước năn nỉ,
kêu gọi con cái nên vâng lời cha mẹ. Một người con dù ngỗ nghịch hay chống đối
tới đâu, nhưng khi nhìn cảnh cha mẹ phải quì lạy mình để cầu được yên thân vãng
sanh, thì có lẽ cũng sẽ vâng lời, chứ đâu nỡ lòng nào phải táng tận lương tâm
làm điều đại nghịch bất hiếu, đày cha mẹ mình vào đường hiểm ác. Còn hàng con
cái, thì xin khuyên rằng, trước giờ không biết thì thôi, bây giờ biết rồi thì
đừng phạm phải tội này, vừa tội nghiệp cho người thân, vừa chính mình tương lai
không thể tránh khỏi quả báo ngục hình cực trọng vậy!
Sáu la, phải thành tâm thành ý cầu Phật,
Bồ-tát gia trì. Đây là điều tối quan trọng, không thể quên. Nên nhớ người chân
thành niệm Phật để vãng sanh có chư vị Bồ-tát, Thiên Thần, Hộ Pháp, bảo vệ. Các
Ngài có thể dàn xếp rất ổn thỏa cho ta vãng sanh. Được sự bảo vệ này hay không,
chính ở chỗ là ta có thành tâm hay không mà thôi.
*) Bên trên thì lo về người ngỗ nghịch, ở
đây nói điều ngược lại, những người con hiền lành hiếu thảo, quá thương cha mẹ,
nhưng chưa hiểu đạo, coi chừng có thể cũng là một mối đại họa cho người ra đi.
Sự trở ngại này không do sự bướng bỉnh, lỗ mãng mà chính vì quá thương mà không
kềm chế được những hành động dại khờ gây nguy hại rất lớn cho cha mẹ mình. Cụ
thể, những điều lỗi lầm thường mắc phải như: ồn ào, khóc lóc, kêu réo, kể lể
nỗi bi thương, ôm ấp, trì kéo, lay động thân thể... lúc lâm chung. Những hành
động này chắc chắn không tốt cho người ra đi, đại kỵ cho việc vãng sanh, tối
nguy hại cho thần thức! Muốn cho người thân được tái sanh về các cảnh giới
thiện lành tốt đẹp, thì tuyệt đối đừng để xảy ra những cảnh trạng trên. Nếu con
cái thương yêu cha mẹ mà khinh thường những lời khuyến cáo này coi chừng chính
mình là đại thủ phạm hại chết người thân yêu trong tam đồ ác đạo, khó có cơ
được thoát nạn. Nhất thiết phải nhớ.
Tại sao lại như vậy? Phật dạy rằng, một ý
niệm lúc lâm chung có ảnh hưởng tối quan trọng cho việc tái sanh. Khởi lên một
niệm thiện sanh về thiện đạo, một niệm ác sanh về ác đạo. Thiện đạo là các cảnh
giới Trời, Người, Thần. Ác đạo là Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh. Một người bình
thời ít tu hành, thường tạo nghiệp ác quá nhiều thì quả báo phải đi về các
đường ác, nếu lâm chung gặp thêm ách nạn của con cháu nữa thì tình trạng lại
thê thảm hơn. Ví dụ như cầm thú, nhưng chim thì đỡ hơn chuột, chuột còn đỡ hơn
giun... Tương tự, trong cảnh giới ngạ quỉ nhưng cũng có chỗ đỡ hơn, có chỗ đói
khổ tàn tệ. Nếu lỡ rơi vào địa ngục thì khỏi cần nói nữa, suốt kiếp chịu cực
hình làm sao kể thấu!
Người có tu hành, biết tu thiện tích phước
thì có thể dễ sanh lại làm người hơn, nhưng phải coi chừng sự chướng ngại lúc
lâm chung làm nẩy sinh ý niệm ác, do sự chiêu cảm của ý nghiệp mà bị lôi vào
tam ác đạo. Khi lâm chung, khởi lên một ý niệm sân giận bị đọa vào địa ngục,
một ý niệm tham lam đọa vào cảnh giới ngạ quỉ, một ý niệm ngu si bị rơi vào
hàng súc sanh. Đây là do sự chiêu cảm từ ý nghiệp, hay gọi là nghiệp thức mà
nên chứ không phải do lưu chuyển vì nghiệp nhân quả báo kết tụ nhiều đời. Nói
rõ hơn, một người dù có thường làm điều thiện, nhưng chắc chắn không thể tránh
khỏi những chuyện xấu ác, sai lầm. Cho nên, nói thiện có nghĩa là thiện nhiều
hơn ác, nói ác là ác nhiều hơn thiện. Người thường làm thiện thì có nhiều chủng
tử thiện trong tàng thức, khi chết dễ theo thiện nghiệp đầu sanh, chứ không
phải là sanh vào thiện đạo là hoàn toàn thiện lành, và những chủng tử xấu xa
hoặc nghiệp ác vẫn còn đó chờ ngày trả nợ. Khi chết, tất cả những nghiệp chướng
này đều vây quanh đòi nợ. Một ý niệm lúc lâm chung có một sức mạnh rất lớn làm
nghiêng hẳn nghiệp lực của thần thức về hướng đó. Cho nên ngay phút cuối cuộc
đời, nếu nẩy lên một ý niệm như sám hối tội lỗi, từ bi, v.v... đây là niệm
thiện lành, nghiệp thức này sẽ tạo nên nghiệp cảm rất lớn, có thể giúp người đó
sanh về thiện đạo dù trong đời người đó phạm rất nhiều lỗi lầm. Ngược lại,
người làm thiện nhiều, đáng lẽ phải được sanh về cõi thiện, nhưng khi lâm chung
bị chướng duyên phá hoại gây nên những ý niệm xấu như: sân giận, tham lam, ngu
si, mê muội, thì tức khắc có thể bị lôi vào ba đường ác tương ứng, còn chủng tử
thiện trong A-lại-da thức thì chờ đó hoặc tùy duyên thọ hưởng. Nhắc lại, sân
giận vào địa ngục, tham lam vào ngạ quỉ, ngu si vào hàng súc sanh.
*) Tại sao bị nổi giận? Chính yếu là do con cháu không hiểu đạo lý, vì quá
thương nên cứ ôm, nắm, trì, kéo, va chạm mạnh vào thân thể người lâm chung mà
gây ra cảnh huống này. Lúc đó thân thể đang ở trạng thái tứ đại phân ly, từng
tế bào một bị phân ly đến tê tái, nếu ta vô ý cứ va chạm mạnh đến sẽ làm đau
đớn kinh khủng. Người ra đi muốn yên tĩnh, nhưng người thân cứ đụng chạm. Họ
muốn ngăn cản con cái nhưng cản không được thành ra nổi giận mà chết, chết rồi
vẫn còn giận vì người thân cứ tiếp tục lôi kéo không để họ yên ổn ra đi. Ta
phải nhớ rõ rằng, ở trạng thái vừa mới tắt hơi, trong vòng ba tiếng đồng hồ
sau, người ra đi vẫn còn có cảm giác rõ ràng sự đau đớn, đến tám tiếng đồng hồ
thần thức mới hoàn toàn ra khỏi thân thể. Ra đi trong ý niệm phẫn nộ, giận dữ,
thật là đại bất hạnh, đại thương tâm cho họ vậy!
*) Tham lam là gì? Tham thì tham gì cũng là tham: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng,
ăn uống, v.v... đều là đối tượng của lòng tham. Ví dụ như tham tiền nên suốt
đời tranh lo kiếm tiền, khổ sở vì ít tiền, sung sướng vì nhiều tiền, giữ tiền,
giấu tiền... Những sự tham lam này cấy nhiều chủng tử ngạ quỉ trong tâm. Khi
lâm chung tâm của họ cứ dính chặt vào tiền bạc, khó có thể gỡ ra được, chính vì
vậy mà rất dễ bị chiêu cảm theo đường ngạ quỉ. Trong kinh Phật nói, loài ngạ
quỉ cái bụng to như cái trống, cổ thì nhỏ như lỗ kim, bốc cơm thì hóa thành
lửa, ngày ngày đói khát, ăn vào thì bứt cổ chết liền. Khổ vô cùng! Cho nên,
người hiểu được đạo thì đừng nên quá tham lam mà mang họa. Tiền bạc có vừa đủ
thì phải biết lo tu hành, vừa làm vừa tu, chứ đừng đợi làm thêm “chút ít” nữa
rồi mới tu. Sự thực không có tiêu chuẩn “chút ít” đó đâu! Lòng tham vô đáy thì
cái “chút ít” sẽ trở thành “vô tận”, nó hấp dẫn, nó lôi cuốn con người rơi tuột
vào cảnh ngộ tham tiền đến quên ăn mất ngủ, tham đến nỗi tới lúc hấp hối mà vẫn
còn tham, chứ không phải đơn giản đâu!
Cho nên tiền bạc thực sự là mối họa, phải
thường xuyên cảnh tỉnh! Người già cả nên biết quyết tâm buông xả nó để nhẹ
nhàng vãng sanh. Tiền bạc nên giao lại cho con cháu lo liệu. Của cải, gia tài,
điền sản... nên di chúc, phân chia trước càng sớm càng tốt. Đừng chờ, đừng hẹn,
vì nếu một sớm một chiều lỡ rơi vào trạng huống bất tường, thì lúc đó gia sự
lộn xộn, thân thể đau nhức, tâm trí rối ren bời bời, không cách nào giải quyết
được, thành ra cứ quyện chặt vào mấy thứ bất tịnh đó, chắc chắn không có đường
tốt để dung thân. Nên nhớ, tiền tài có được trong đời này là quả báo của cái
nhân bố thí tài trong đời kiếp trước, nếu phước báu còn nhiều thì tự nhiên nó
sẽ cuồn cuộn chảy đến, còn như lỡ đã hết rồi thì một “tí ti” cũng không có chứ
đừng nói chi “chút ít”. Muốn còn phước báu thì Phật dạy, hãy lo bố thí tài để
cho mảnh ruộng phước của mình tốt tươi vậy.
*) Ngu si sanh vào hàng súc sanh. Ngu si là
sao? Ngài Lý Bỉnh Nam, sư phụ của HT Tịnh Không, nói: “Người không chịu nguyện
vãng sanh Tây-phương Cực-lạc thì không ngu si cũng là cuồng vọng”. HT Tịnh
Không cũng thường nhắc đến câu này: “Người không chịu niệm Phật cầu sanh
Tịnh-độ thì nếu không phải ngu si thì là cuồng vọng. Cuồng vọng cũng là ngu si.
Tóm lại người con Phật mà không chịu nguyện cầu vãng sanh Tịnh-độ chính là
người ngu si!”. Lời nói này được lập đi lập lại trong những lúc khai thị. Chúng
ta cũng nên ghi nhớ kỹ để suy nghiệm thử coi có đúng không?
Như vậy, “niệm ngu si” là gì? Tổng quát, tất
cả những ý niệm đưa đến quả báo súc sanh gọi là niệm ngu si. Lúc lâm chung có
rất nhiều nhân tố khác nhau đưa đến quả báo này, nghĩa là sự “ngu si” bao gồm
nhiều phương diện, như: ý niệm, hành động, ham muốn, say sưa, sở thích, tình
cảm, vọng cầu, ước nguyện, v.v... đều có thể tạo nên cái “niệm ngu si”. Ví dụ,
lúc lâm chung quá quyến luyến con cháu thì dễ đầu thai thành vợ hoặc chồng của
chúng để được âu yếm (loạn luân), hoặc sanh thành những con thú mà con cháu ưa
thích; say mê bông hoa thì thành con sâu trong cái hoa; thương yêu con chó đầu
thai làm chó; ganh ghét thù hận thì biến thành con vật độc ác; v.v... Rất
nhiều, rất nhiều. Tất cả những nhân tố đó đều có thể gọi là niệm ngu si.
Tưởng cũng nên nhắc đến điều này, đừng vội
chấp vào danh từ mà hiểu lầm tạo nên sự tranh cãi không tốt. Chữ “ngu si” ở đây
là chỉ cho cái nhân chủng dẫn tới sự đọa lạc vào đường súc sanh, chứ không phải
là nói người kém thông minh hay ngu dại của thế gian. “Niệm ngu si” là danh từ
thuộc về xuất thế pháp, đối đãi với “trí huệ”, không liên quan gì tới sự thông
minh. Cho nên xin cẩn thận suy xét, chớ nên lầm lẫn. Ví dụ thương con cháu là
điều tốt, là người tốt. Người không thương con cháu là người xấu. Nhưng lúc lâm
chung mà tâm hồn quyến luyến con cháu không nỡ rời, Phật gọi đây là “niệm ngu
si”, vì không những không tốt cho con cháu mà còn vừa tạo nghiệp ác cho chúng,
vừa làm đọa lạc cho chính mình.
Một người dù giàu hay nghèo, khôn hay dại...
tất cả đều có thể tạo ra cái niệm ngu si lúc lâm chung. Ví dụ, ở tại Úc châu,
trước đây có xảy ra một chuyện lạ lùng. Một nhà tỉ phú đã làm di chúc đem tất
cả tài sản hàng tỉ đô-la, không để lại cho con cái, mà dành cho một con chó ông
nuôi trong nhà. HT Tịnh Không nói rằng, đây đúng là một sự đại ngu si, khi chết
chắc chắn ông ta sẽ sanh làm chó. Con chó ông nuôi trong nhà trước kia chắc
chắn là một người đã tu phước rất nhiều, nhưng vì ngu si cho nên thành con chó.
Ông ta là một nhà tỷ phú chứng tỏ rằng đời trước ông ta đã bố thí, giúp người,
làm phước rất lớn mới được như vậy. Nhưng có tài phú xong thì không chịu tu
hành, lại ngu si đi thương chó, để tương lai thành loài chó. Con chó ông nuôi
đời trước có làm phước, bố thí, giúp người nhưng vì ngu si nên thành con chó,
nhưng là chó trong nhà giàu để hưởng phước, còn ông ta là người giàu đã hưởng
hết phước, khi đi làm chó thì con chó này không còn phước nữa, chắc chắn sẽ khổ
sở hơn con chó ông nuôi. Thật là oái oăm! Rõ ràng, một đời làm phước, để một
đời hưởng phước, rồi vạn kiếp đọa lạc. Phật nói, đây chính là nạn “tam thế oán”
vậy. Người tu hành cần phải để tâm chú ý điều này.
Trên thế gian còn có rất nhiều người chưa
thấu hiểu cảnh giới, cho nên thường có những ý niệm rằng: “Làm người nghèo khổ
quá, kiếp sau thà làm con chó của nhà giàu còn sướng hơn!”. Đây thực sự là một
ý niệm ngu si! Một người đã hiểu đạo thì ngay cả làm ông chủ giàu sang kia họ
cũng không thèm, thì tại sao lại có người mong làm con chó của ông chủ?! Nghèo
khó là vì quá khứ không tu phước cho nên quả báo đời này không có tiền. Nghèo
khó nhưng ít ra còn có cái thông minh để được thân người, nghĩa là còn quá
nhiều may mắn. Sống trong cảnh nghèo thì ta khó tạo nghiệp, nếu tâm địa hiền
lương, biết lo tu hành, biết thương người, biết giúp đỡ lẫn nhau, thì đời sau
ta vẫn còn làm người với nghiệp nhẹ phước lớn, còn làm chó dù có sướng cho mấy
đi nữa thì ngu si vẫn là ngu si. Một đời hưởng phước mà ngu si thì còn phước
đâu nữa để hưởng trong đời kiếp sau. Nghĩa là chó rồi sanh làm chó, biết bao
giờ mới thoát được cảnh gặm xương?
Bao lâu mới thoát khỏi kiếp súc sanh? Có một
lần đức Phật chỉ đàn kiến mà than với Ngài A Nan rằng: “Đã trải qua bảy lần
Phật ra đời rồi, mà thân kiến vẫn còn thân kiến”. Một lần một vị Phật thị hiện
xuống trần cách nhau khoảng 600 triệu năm, bảy vị Phật thì thời gian cỡ bốn tỉ
năm mà con kiến vẫn còn là con kiến âm thầm sống chui rúc dưới đám đất nhơ!
Thật là kinh khủng! Vì chấp vào cái thân kiến, cho cái thân kiến này là tốt
đẹp, nên con kiến chết đi, đầu thai vào trứng kiến, nở lại thành con kiến... cứ
thế trải qua hàng tỉ năm vẫn còn là con kiến. Bây giờ, ai muốn thành chó thì
hãy tính thử sẽ trải qua bao nhiêu tỉ năm để thân chó này được trở lại thành
người? Phật dạy, “Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn”. Được thân người khó
lắm, nay ta đã được làm người là quá may mắn rồi mà không lo giữ, lại còn muốn
thành chó làm chi? Phật pháp rất khó gặp, nay đã gặp rồi mà không chịu tinh tấn
tu hành để thành Phật, còn đợi kiếp nào mới độ thoát đây?
Tu hành cách nào để thành Phật? Nhất thiết
do tâm tạo. Tâm nào niệm Phật tâm đó thành Phật. Tâm nào nguyện vãng sanh tâm
đó sanh về Tây-phương. Đây là lời Phật dạy, hãy tin tưởng chắc chắn như vậy.
Tín-Nguyện-Trì Danh niệm Phật, thì một đời vãng sanh bất thoái thành Phật.
Ngưỡng nguyện A-di-đà Phật đại từ đại bi
tiếp dẫn tất cả chúng sanh đã phát nguyện niệm Phật được vãng sanh Tây-phương
Cực-lạc.
Nam-mô A-di-đà Phật.
Kính thư.
(Viết xong ngày 6/5/2003)