Em Ngọc,
Trong mấy câu hỏi của em, có một vấn đề khá
quan trọng, anh vội vã trả lời thư liền! Tu hành nhất định phải cẩn thận, đời
mạt pháp không thể bừa bãi được đâu em à. Luôn luôn dựa theo thiện tri thức,
dựa theo đúng kinh điển Phật, học hiểu những lời chỉ dẫn của chư vị Tổ sư. Còn
khi gặp một hiện tượng hơi đặc biệt thì cần phải hỏi kỹ, chớ nên vội vã nghe
theo. Trả lời thư em anh Năm cũng phải dựa theo kinh, theo lời Tổ chứ không dám
tự quyền đâu! Khi tới vấn đề quan trọng anh sẽ nhấn mạnh cho em thấy.
Hỏi 1: Em tu nhưng không hành, không sửa
nghiệp được, đến bị bệnh lung tung, …!?
Trả lời: Em nghĩ rằng tu mà không hành cho
nên sanh bệnh. Đây là một ý nghĩ hơi ngộ nghĩnh! Em nói như vậy làm cho anh
nghĩ đến hai trường hợp:
Một là, người “Có tu có hành” thì không bệnh.
Chắc vậy không? Người tu hành tâm thanh tịnh thì thân cũng thanh tịnh, thân thể
thanh tịnh thì không bệnh! Nhưng xét coi, thế gian này mấy người được như vậy?
Bệnh là do nghiệp chứ không phải do tu. Tu
là để tiêu nghiệp, nhưng vì công phu tu chưa đúng mức thành ra nghiệp chưa
tiêu, chứ đâu phải tu không hành thì sanh ra bệnh.
Hai là, người “Không tu không hành” thì
không bệnh. Đúng vậy không? Hãy vào bệnh viện thăm qua một vòng thử coi, hàng
ngàn bệnh nhân trong đó có mấy người biết tu hành!
Bệnh là chuyện thường em à. Đời là vô
thường, đã mang thân ngũ ấm thì sanh lão bệnh tử ai tránh khỏi. Bệnh có thể từ
nhiều nguyên nhân đưa đến, có thể là thân bệnh, bệnh do nghiệp chướng, bệnh do
oan gia trái chủ. Thân bệnh là do trái gió trở trời, ăn uống không điều độ, làm
cho thân thể bất hòa sanh ra bệnh. Loại bệnh này là thường tình, ai cũng có.
Thời đại này gọi là thời đại ô nhiễm, ô nhiễm vật chất, ô nhiễm tinh thần. Ô
nhiễm vật chất thì thịt, cá, thức ăn đều bị nhiễm chất độc, đến nỗi rau cải
cũng bị tưới bón những chất độc, thì làm sao con người không nhiễm bệnh? Những
thứ bệnh ô nhiễm về vật chất bác sĩ có thể chữa được, uống thuốc có thể điều
phục.
Ô nhiễm tinh thần là vì lòng tham vô bờ bến,
lòng sân vô biên độ, lòng si đến chỗ tột cùng. Phật dạy, vì tham sân si mà
chúng sanh tạo nên tội chướng, vì tham sân si nhiều quá nên con người ưa làm sự
bất thiện, có sự bất thiện thì hưởng nghiệp bất thiện. Sự khổ đau của chúng
sanh từ đây mà có. Cái cộng nghiệp bất thiện của xã hội ngày nay quá lớn, chúng
ta đang sống trong một xã hội bất thiện đành phải bị ảnh hưởng chung! …
Thân bệnh thì bác sĩ hay thầy thuốc có thể
chữa được, còn bệnh do nghiệp chướng thì bác sĩ chịu thua. Họ không bao giờ
biết được vấn đề này! Nghiệp tội là do kiết tập từ trong quá khứ dài lâu, nhiều
đời nhiều kiếp trước. Bệnh này phát sinh do bởi cái nhân bất thiện đã có sẵn do
chính mình tạo nên. Nói theo kiểu bói toán, tướng số hay mệnh lý thì họ gọi là
“Định mệnh”, “Số mệnh”, hay “Số phần”, nhà Phật gọi là “Nhân-Quả”. Có nhân thì
có quả, có nghiệp thì có báo, bây giờ không phát ra thì mai hậu cũng phải chịu
thôi, khó trốn tránh được. Tình thực mà nói, chúng sanh đời này không tìm được
một người “nghiệp sạch tình không”. Cho nên bệnh hoạn cũng chỉ là việc thường
tình thôi!
Người có tu hành tốt thì tiêu nghiệp nhanh,
chứ đâu phải vì có tu mà không hành nên mới sanh bệnh. Nên nhớ, nếu nghiệp
chướng sâu nặng mà không tu thì chính nghiệp chướng này không trước thì sau,
không hiện báo thì sanh báo, không sanh báo thì cũng hậu báo, nó sẽ kéo mình
xuống tam ác đạo để chịu quả báo khổ đau vạn kiếp. Thật vô cùng kinh khủng! Có
nghiệp chướng mà biết tu thì nghiệp chướng đó sẽ biến thành hiện báo, nó hành
mình một chút trong đời này. Đây chính là hậu báo nặng đã chuyển thành hiện báo
nhẹ cho ta trả nghiệp để xuất ly luân hồi đó. Muốn cho nghiệp báo nhẹ hơn thì
tinh thần ta phải sung mãn, vui tươi, tinh tấn niệm Phật hơn. Ngài Luyến Tây
dạy, có bệnh thì có thể uống thuốc để giảm, nhưng đừng quên niệm Phật. Nên nhớ,
chí thành niệm một câu A-di-đà Phật giải trừ 80 ức kiếp sanh tử nghiệp chướng.
Đừng quên điều này.
Trong “Lá Thư Tịnh-độ”, Ấn Quang Đại sư có
kể một câu chuyện, vào đời nhà Đường bên Tây vực, nước Thiên Trúc có vị Giới
Hiền luận sư là một bậc đạo đức cao trọng. Vì túc nghiệp mà Ngài bị mang chứng
bệnh rất dữ, đau đớn vô cùng đến nỗi Ngài định tự tử chết. Ngay trong đêm đó,
ba vị Bồ-tát là Quán Thế Âm, Văn Thù và Phổ Hiền đều giáng mộng báo cho ông
biết rằng, vì trước đây ông làm quốc vương, giết hại chúng sanh quá nhiều sau
này sẽ phải bị đọa vào ác đạo. Nhưng nhờ đời này có tu hành, hoằng dương Phật
pháp nên hậu báo chuyển thành hiện báo để khỏi xuống địa ngục…”. Nếu không thấu
hiểu đạo lý, người đời sẽ cho rằng tu vẫn bị đại bệnh, chứ có hơn gì ai! Nhưng
không ai biết rằng, chính nhờ đó mà Ngài tránh khỏi cái nạn địa ngục vạn kiếp
trong tương lai!
Nên nghĩ thấy rằng, nhiều đời nhiều kiếp
trước, vì mê lầm mình tạo nhiều ác nghiệp. Cái nghiệp chướng này nếu gặp cơ
duyên nó sẽ dẫn mình đến tam ác đạo chứ không phải tầm thường. Đời này may mắn
được thân người là quý hóa, hãy quyết tâm niệm Phật để được vãng sanh
Tây-phương. Bệnh hoạn có đến cũng bình thản đón nhận, đó là cái nợ mình phải
trả. Tất cả mọi vấn đề đều có liên quan đến nhân quả, cứ vui vẻ chấp nhận để
chuyển nghiệp.
Nhân quả không chừa ai cả, người có tu hành
hiểu đạo chớ lầm lẫn về chuyện này. Nghĩa là phải vui vẻ trả quả để mau chóng
tiêu nghiệp, chứ đừng nên oán trời trách đất mà tạo thêm nghiệp mới mà phải
chịu quả báo lớn hơn. Trong sách nhà Phật có chuyện Ngài Bách Trượng thiền sư
giải nghiệp cho lão hồ ly, đã xác định rõ ràng về luật nhân quả không ai tránh
khỏi. Công án này là: người tu hành không mê lầm nhân quả, chứ không phải người
tu hành là không còn chịu nhân quả.
Một người còn nghiệp chướng thì không thể
xuất ly tam giới, nhưng đặc biệt với pháp môn Tịnh-độ, người chí thành niệm
Phật cầu sanh Tây-phương, dù cho nghiệp chướng trả chưa hết, nhưng khi hết báo
thân vẫn được đới nghiệp vãng sanh. Đây chính là nhờ thần lực gia trì của Phật
A-di-đà, chỉ riêng cho pháp môn Tịnh-độ mới có. Khi vãng sanh tới thế giới
Tây-phương, ở đó không có nghe tới cái danh xưng xấu ác thì làm gì có điều ác
xấu. Chính vì không có duyên, nên nghiệp nhân không thể thành quả báo, vì thế
mà nghiệp tự nhiên tiêu. Đây là công đức gia trì của Phật A-di-đà chứ không
phải do mình tu chứng. Ngài Quán Đảnh pháp sư thời tiền Thanh nói: “Thời mạt
pháp nghiệp chướng của chúng sanh quá lớn, tất cả kinh, sám không thể giải
nghiệp nổi, chỉ còn câu A-di-đà Phật”. Đây chính là nói đến công đức của sự
“Đới nghiệp vãng sanh” bất khả tư nghì! Cho nên, chân thành niệm “A-di-đà Phật”
là pháp đại giải nạn, đại sám hối vậy.
Còn bệnh do oan gia trái chủ báo hại, là do
bởi sát sanh hại mạng và các việc ác trong nhiều đời nhiều kiếp mà ra. Những
oan hồn oán thù truyền kiếp, chúng tìm mọi cách để đòi món nợ sanh mạng, bất
chấp luật lệ nhân quả. Bệnh này bác sĩ cũng đành chào thua. Muốn hóa giải bệnh
này thì phải thành tâm sám hối nghiệp chướng, phóng sanh, kiêng cữ việc sát
sanh, dù là những con vật nhỏ như chuột, kiến, ruồi, muỗi, v.v…. Cố gắng giúp
người, làm thiện, và niệm Phật tạo công đức rồi ngày ngày hồi hướng cho oan gia
trái chủ. Hãy phát tâm nguyện tu thành Phật để trở lại cứu độ oan gia trái chủ,
cứu độ nhất thiết chúng sanh. Đây là sự điều giải.
Hỏi 2: Em niệm Phật sao tạp niệm cứ xen vào – Em niệm to tiếng để lấn áp nó,
nhưng ngực mệt niệm to không được – Bây giờ làm sao?
Chúng ta đều đang là phàm phu chính hiệu thì
làm gì tránh khỏi tạp niệm! Nếu không có tạp niệm thì đã sớm thành Phật thành
Bồ-tát rồi, đâu còn phải khổ công tu hành nữa! Cho nên, có tạp niệm là chuyện
đương nhiên, hầu hết ai cũng như vậy chứ không phải chỉ riêng mình em đâu. Niệm
lớn tiếng để lấn áp tạp niệm, kéo tâm trở về với câu Phật hiệu rất là tốt,
nhưng dù sao cũng chỉ là phương tiện tạm thời, còn điều chính yếu là mình phải
tìm cách xả bỏ cho hết tạp niệm.
Làm sao xả bỏ tạp niệm?
Một là, đừng để ý tới nó. Tạp niệm nhiều hay
ít, lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ cứ kệ nó đi. Đừng cố ý dẹp nó, đừng ra sức chận
nó, nếu không mình sẽ bị nhức đầu khó chịu. Ví dụ như một người ở gần đường lộ
đông xe, vì không chịu nổi tiếng ồn thành ra mất ngủ, thành bệnh. Nhưng biết bỏ
nó đi, đừng để ý đến nó nữa, thì một thời gian sẽ quen dần và ngủ ngon lành.
Nếu có tạp niệm hãy coi đó như một sự tự nhiên, thì tâm hồn của mình sẽ thấy
rất bình thản, thoải mái. Đây gọi là phá chấp.
Hai là, hãy nhớ câu: “Không sợ niệm khởi,
chỉ sợ giác chậm”. “Niệm” là tạp niệm; “Giác” là câu A-di-đà Phật. Khi thấy có
tạp niệm chen vào hãy niệm Phật liền, nếu được niệm lớn càng tốt, để phủ nó lại
là được. Có bao nhiêu phủ bấy nhiêu. Bao phủ tạp niệm là công phu tu hành, còn
bao phủ có được hay không thì khỏi cần lo tới vội, thời gian sẽ trả lời giùm
cho ta!
Ba là, khi niệm Phật hãy cố gắng lắng tai
nghe tiếng niệm Phật của mình. Đây là pháp “Phản văn trì danh” đừng nhìn ngang
nhìn ngửa, đừng chú tâm đến người khác, đừng để ý đến tạp niệm. Tạp niệm còn
hay mất coi như là chuyện của nó chứ không phải là của mình. Cứ thực hành như
vậy lâu dần tạp niệm sẽ giảm bớt và mất đi hồi nào không hay.
Nên nhớ ai cũng bị tạp niệm cả, phải cần
thời gian để phá trừ. Đừng quá vội vã mà tự làm chướng ngại cho chính mình. Dù
hiện tại chúng ta không phá trừ được tạp niệm, nhưng tâm của ta đã có ý thức
chuyển nghiệp rồi. Một niệm xấu ác xảy ra ta đã chuyển thành câu Phật hiệu, một
niệm phiền não nổi lên ta đã nhanh chóng chuyển thành một chủng tử Bồ-đề. Phiền
não nhiều, Bồ-đề nhiều. “Phiền não tức Bồ-đề” chính là đây. Hiểu được lý này
thì đừng lo nữa, chỉ cần phải nhớ chuyển liền đừng quên là được.
Bốn là, tập buông xả nhiều hơn. Buông xả là
không chấp, vui cũng bỏ, buồn cũng bỏ, khen cũng liệng, chê cũng liệng… giống
như bất cần vậy. Chỉ cần được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc thì đủ rồi. Nếu biết
buông xả thì tạp niệm còn chỗ nào để mà bám theo!?
Niệm Phật thấy ngực mệt, hoặc cảm thấy nóng
đầu, chóng mặt, ù tai… là do dụng công quá gấp. Hay nói rõ hơn, là muốn thành
đạt sớm mới bị như vậy. Không tốt! Ngài Luyến Tây dạy, niệm Phật muốn được nhất
tâm bất loạn thì đừng cầu nhất tâm bất loạn, mới được nhất tâm bất loạn. Đừng
nên chấp nê chuyện nên hư tốt xấu, không nên phân biệt chuyện đời chuyện đạo,
tập coi nhẹ tất cả mọi sự. Nhờ vậy tâm ta sẽ dần dần thanh tịnh, tạp niệm sẽ
bớt dần. Bớt một phần tạp niệm sẽ thêm một phần công đức niệm Phật. Thành công
chính ở chỗ chuyên tâm chứ không phải là cầu đắc. Đây là buông xả đó.
Hỏi 3: Em ngu muội làm một việc như vầy: Một
số lịch Phật cũ để lâu bị hư ố, em đem đốt rồi bỏ tro vào đám rau, có bị mang
tội không?
Anh nghĩ là không có tội. Nếu để hình Phật
nhem nhúa, vất vãi khắp nơi, làm cho có người sơ ý giẫm đạp phải, đó là bất
kính. Như vậy, việc em đã làm quá đáng khen, sao lại nghĩ là mang tội? Trong
một lần trả lời Phật học, ngài Tịnh Không đã nói rõ chuyện này. Ngài dạy rằng,
hình tượng Phật dư thừa bị hoen ố ta nên cẩn thận đem đốt đi, đừng nên để lung
tung, vung vãi mà thành ra bất kính. Có những nơi, vì luật lệ quốc gia, vì hoàn
cảnh không cho phép đốt lửa, thì chúng ta hãy cẩn trọng xếp nhỏ hình Phật lại,
bỏ gọn vào bao ny-lông, gói kỹ rồi đem bỏ vào thùng rác. Hãy làm với lòng thành
kính, trân trọng, đừng cầm xét toạc, cẩu thả. Đây là vì lý do vệ sinh cho môi
trường, không có tội. Ngài cho phép làm vậy thì ta cứ yên chí làm theo.
Ngài dạy đốt, em đã đốt tức là làm đúng. Đốt
rồi đổ chỗ khác cũng uổng, thì bón rau rất tốt, Phật sẽ hoan hỷ cho em chứ sao
lại bắt tội! Điều quan trọng là chúng ta làm thận trong, cử chỉ thành kính là
được. Đừng nghĩ vẩn vơ mà từ vô sự thành ra hữu sự, không nhức đầu cũng thành
nhức đầu đó!
Nghĩ thử, những nhà máy in, hễ in sách thì
liệng sách, in hình thì liệng hình. Hàng trăm, hàng ngàn tấm hình dơ hoặc hư mà
không cho tiêu hủy, thì họ làm sao đây!? Nên nhớ, chư Phật, Bồ-tát đại từ đại
bi thương chúng sanh, luôn luôn cứu độ chúng sanh. Chưa hề có kinh sách nào nói
rằng Phật Bồ-tát bắt tội, phạt vạ chúng sanh cả, dù là chúng sanh bị phạm tội.
Người tạo tội ác sâu nặng phải đọa vào địa ngục, các Ngài còn phải lo ngày đêm
tìm cách cứu ra, làm gì có chuyện nhiễu hại chúng sanh. Không được nghĩ sai lầm
nữa!
Hỏi 4: Có một người tự xưng là… đã niệm Phật
được nhất tâm tam muội rồi… Anh nghĩ như thế nào?
Hỏi câu này em đưa anh vào thế kẹt! Vì thực
sự đây là điều quá ư quan trọng, không phải tầm thường! Nói về Phật pháp anh
không dám nói sai với lòng, sai lý đạo. Còn nói thẳng thắn thì thường đụng
chạm.
Thực sự khi nghe em nói “có một người tự
xưng là mình đạt được nhất tâm bất loạn, Niệm Phật Tam muội”, làm cho anh phải
giựt mình! Vì sao? Nếu quả được như vậy thì quá tốt, nhưng nếu không phải vậy
thì thật là khá nguy hiểm cho người đó!!!…
Em nên biết rằng người chứng đắc được đến
chỗ “Nhất Tâm Bất Loạn” hay “Niệm Phật Tam Muội” không phải là cảnh giới bình
thường. “Sự nhất tâm bất loạn” có thể đã vượt qua Thánh quả A-la-hán. “Lý nhất
tâm bất loạn” thì vượt qua thập Tín vị Bồ-tát, đã tới mức phá từng phẩm vô minh
chứng từng phần pháp thân của 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ để minh tâm kiến tánh,
kiến tánh thành Phật. Đây là cảnh giới quá cao, chứ không phải thường, làm sao
anh đủ khả năng bàn tới! Cho nên, chấp nhận người đó là đúng thì anh cũng không
dám, mà nói sai anh cũng không dám. Vì em hỏi nên anh đành phải trả lời, nhưng
anh chỉ thấy những gì từ trong kinh Phật nói, từ lời dạy của chư Tổ sư. Riêng
anh, anh cũng có một vài kinh nghiệm, vừa thấy tận mắt, vừa nghe kể lại, những
cái hậu quả bất tường từ sự tự xưng là chứng đắc. Thật không đơn giản!
Học Phật, nên lấy hạnh khiêm cung làm đầu.
Người thường tự thấy rằng công phu của mình còn yếu thì mới cố gắng tinh tấn tu
tập, nhờ thế mà được tiến bộ. Nhiều người khi mới học Phật thì có sơ phát tâm
rất tốt. Nhưng vì không khéo giữ cái sơ phát tâm ấy, thành ra sau một thời gian
có người hoặc là bị thối tâm, hoặc là tự mãn. Thối tâm vì duyên học Phật có
chướng ngại. Tự mãn vì thường thấy ở người có chút ít thông minh. Cả hai đều
khó được thành tựu!
Người thuyết được làm được gọi là “Ngôn-Hành
hiệp nhất” hay “Tri-Hành hiệp nhất”, nhà Phật gọi là “Giải-Hành tương ưng”.
Giải thuộc về tài, hành thuộc về đức. Người có đầy đủ cả tài lẫn đức thì có khả
năng hành đạo cứu đời, lợi ích chúng sanh. Đây có có thể là Phật, Bồ-tát hay
Thánh nhân xuất thế.
Người nói ít mà làm tốt, thuộc về “Thân
giáo”, Lão Tử gọi là “Hành bất ngôn chi giáo”. Đây là người hiền nhân quân tử,
có tâm hạnh Bồ-tát.
Còn người nói hay mà không làm được, thì gọi
là “Ngôn giả bất tri”. Có lẽ hiện tượng này ở thời đại này rất nhiều! Dạng
người này thích khoe tài, kém về đức.
Hệ thống giáo dục hiện nay đều đầu tư nhiều
vào tài năng chứ không chú trọng đến đức hạnh. Người có tài dễ gây dựng cơ đồ
sôi nổi một thời, nhưng thiếu đức thì sự nghiệp khó thể lâu bền. Tần Thủy
Hoàng, Nã Phá Luân (Napoleon), Hitler, v.v… là đại biểu cho loại người này.
Sách Thánh Hiền có dạy: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng hoạn
tương thân, đồng ác tương đảng, đồng tài tương tranh”! Người có tài mà thiếu
đức thuộc về dạng cuối cùng. Có tài thường tranh đấu, đố kỵ.
Tài năng thuộc về “Thiên thời”. Có thiên
thời mà gặp được “Địa lợi” như giàu có, môi trường thuận lợi, hoàn cảnh tốt
đẹp… thì cơ nghiệp lên như diều gặp gió. Nhưng vì thiếu đức nên sẽ mất “Nhân
hòa”, thành ra lòng người sau cùng sẽ ly tán. Vì thế mà sự nghiệp cũng dễ nhanh
chóng tan hoại giống như cảnh diều đứt dây! Nguyên nhân chính là do thiếu đức
vậy!
Ý thức được điểm này, cho nên chính anh cũng
phải nhiều lần e dè, tự cảnh tỉnh. Em biết rằng, bao nhiêu năm anh sống trong
mê muội, không biết về Phật pháp, nhưng khi vừa chợt hiểu được một chút ít về
đạo giải thoát, anh đã vội sớm phát tâm khuyên người tu học. Thực ra, đầu tiên
anh chỉ khuyên cha mẹ tu hành thoát nạn để trả hiếu mà thôi. Nhưng không ngờ,
phạm vi khuyến tu tự nhiên nới rộng ra. Rồi những lá thư gặp cơ duyên được in
thành sách, rồi có người tìm đến anh hỏi về Phật pháp, cách tu hành. Rồi những
lời khen tặng, chúc mừng, v.v… Phải chăng đây là cơ duyên tốt để tâm cống cao
ngã mạn nổi lên!
Vì sao lại cống cao ngã mạn? Vì tâm chưa
khai. Nói dễ hiểu hơn là mình còn ngu si, công phu tu hành còn yếu. Chính vì
thế mà khi bắt đầu biết tu, anh Năm không dám phô diễn, anh chỉ thích sống âm
thầm. Phạm vi sinh hoạt của anh chỉ khép lại trong khoảng từ nhà đến chùa. Điện
thoại cầm tay anh không giữ, điện thoại nhà reo không anh nhấc lên. Anh giảm
thiểu tối đa sự tiếp xúc bên ngoài. Những sự gặp gỡ, tiếp xúc, khuyên giải…
hoàn toàn tùy theo duyên. Có duyên tự nhiên gặp, vô duyên cưỡng cầu chỉ tạo
thêm oan nghiệp chứ có ích gì đâu! Anh ít cho địa chỉ hoặc số điện thoại cho
ai, và cũng không hỏi số điện thoại hoặc cất giữ địa chỉ của ai, (ngoại trừ
những người thân thiện đặc biệt). Anh biết tâm anh còn vọng động, tu hành chưa
tới đâu. Nếu hằng ngày liên lạc để xưng tụng hay thị phi với nhau sẽ phá hết
công đức của mình! Ham cái danh mà thiếu cái thực, thì tự mình cài bẫy để tự
gạt chính mình lâm vào hiểm nạn chứ có ích lợi gì đâu!
Cho nên, em nên nhớ, anh viết thư khuyên cha
mẹ với các em tu hành là do lòng nhiệt thành của anh, chứ không phải là anh đắc
đạo. Vì một thiện duyên, học được pháp của người thiện tri thức, rồi cóp nhặt ý
của các Ngài mà nói lại với các em, chứ chính anh chưa chứng đắc những cảnh
giới đó!
Trở lại câu hỏi về một người tự xưng là đạt
được “Niệm Phật nhứt tâm tam muội”. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng, anh không
dám tự suy diễn bừa bãi được. Đầu tiên, thực tình anh chưa từng nghe một vị Tổ
sư, Đại đức hay Cao tăng tu hành chân chính nào tự xưng là mình đã đắc đạo.
Trong Phật giáo, rất nhiều khi ta thấy một vị này tôn vinh một vị khác là đắc
đạo thì có, còn riêng chính các Ngài thì luôn luôn khiêm nhường, thủ lễ. Vì
thế, vừa nghe đến chuyện có người tự xưng chứng đắc làm anh phải giựt mình,
kinh ngạc! Ví dụ, anh ở gần chỗ của HT Tịnh Không. Ngài được rất nhiều giới tôn
kính, trong tháng 9/2003 vừa qua, Ngài được một vị đem cả một phái bộ tới tôn
vinh Ngài là Thánh Tổ thứ 14 của Tịnh-độ tông, nhưng Ngài quyết liệt từ chối.
Không những thế, Ngài thường phê bình rất nặng những người tự xưng là chứng
đắc. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Chưa chứng nói chứng, chưa đắc nói đắc…
là tội đại vọng ngữ”. Quả báo là địa ngục Vô-gián! Thật là vô cùng đáng sợ! Nếu
biết được tầm nguy hại nghiêm trọng này, chắc chắn không ai dám sơ ý đâu!
Có một lần Ngài giảng kinh ở Mỹ, có năm
chàng thanh niên tới gặp Ngài, và xin Ngài ấn chứng cho sự “khai ngộ” của họ.
Ngài nói: “các anh chưa khai ngộ!”. Năm chàng thanh niên nổi giận nói rằng, các
vị nhân-ba-thiết đều ấn chứng rằng chúng tôi đã khai ngộ, tại sao thầy nói tôi
chưa khai ngộ? Ngài nói: “Tôi chưa khai ngộ, các anh đi hỏi tôi, cho nên tôi
biết các anh chưa khai ngộ”!
Một vị cao tăng, giảng kinh thuyết pháp trên
toàn cầu, cứu độ rộng khắp pháp giới mà chưa dám tự xưng mình là người khai ngộ
hoặc chứng đắc. Thế thì sao lại có người dám tự xưng là chứng đắc dễ dàng vậy!
Một lần khác, Ngài kể, có một người đàn bà
cũng tới gặp Ngài và xin nhờ ấn chứng rằng bà ta đã chứng quả A-la-hán. Bà ta
nói rất thành khẩn. Ngài trả lời: “Bà không chứng gì hết”. Bà ta không tin, và
khẳng định rằng mình đã chứng. Ngài đưa ra chứng minh để giúp cho bà tỉnh mộng.
Ngài nói, nếu bà đã chứng Thánh quả A-la-hán thì bà đã có thần thông. Sơ quả
Tu-đà-hoàn được thiên nhãn thông, bà nhìn xuyên qua tường có thấy được bên
ngoài người ta đang làm gì không?
Bà ta trả lời, Tôi không thấy!
Ngài nói, Không thấy tức là sơ quả chưa
chứng. Nhị quả Tư-đà-hàm có thiên nhĩ thông, bà nghe được nhà bên cạnh họ nói
chuyện không?
- Tôi không nghe được!
- Không nghe được thì nhị quả chưa chứng.
- A-la-hán là Thánh tứ quả, bà sẽ có tha tâm
thông, bà biết tôi đang nghĩ gì không?
- Tôi không biết.
- Vậy thì bà chưa chứng quả gì cả.
Tới đó bà ta mới chịu cúi đầu. Đó là còn
may! Nếu vẫn cứ cho mình là chứng đắc, thì có thể Ngài lại thêm một bước nữa,
là thần túc thông. A-la-hán đi xuyên qua tường dễ dàng. Dám thử không?!
Thiện Đạo Đại sư nói: “Chúng sanh đời mạt
pháp thần thức rối loạn, đem tâm thô quán cảnh nhiệm, quyết khó thành công”.
“Quyết khó thành công” là chắc chắn không thể thành đạt. Tại sao vậy? Vì tâm
còn thô tháo. Một người đạt được cảnh giới nhất tâm mà đi khoe mình nhứt tâm,
thì đâu còn nhứt tâm nữa! Đọc trong tất cả những lời của các vị Tổ, nhiều vị là
Phật hay Bồ-tát tái lai, nhưng lúc nào các Ngài cũng khiêm hạ, tự cho mình còn
non kém hay nghiệp chướng còn sâu dày. Khi có người hỏi đạo, các Ngài thường tự
xưng là: lão hủ này, bần tăng tôi, ngu ý của tôi, v.v… Chưa từng nghe những vị
đó nói những câu như: Tôi lấy cái chứng đắc của tôi mà khai thị cho ngươi,
ngươi phải nghe ta vì ta đã chứng đắc, v.v…
Chư Tổ sư mà chưa dám tự nhận là chứng đắc,
thì sao có người nào lại dám tự xưng chứng đắc!
Cho nên, nếu có người tự xưng là chứng đắc, thì anh nghĩ rằng, có thể vị đó đã
hiểu lầm, giống như trường hợp những người đến gặp HT Tịnh Không xin ấn chứng ở
trên!! Nếu không phải là tự cao, thì có lẽ vì quá nhiệt tâm mà thành ra vô ý
phạm giới. Thực sự đây là một trọng giới. Vọng ngữ là một trong năm trọng giới
căn bản nhất của người học Phật. Có thể vì không biết mà phạm phải chăng! Anh
nghĩ rằng, người ấy cần phải kiệt thành sám hối mới có thể gỡ được nạn. Còn nếu
cứ một lòng tự mãn, thì cũng đành tùy thôi!
Sự thâm nhập vào một cảnh giới lạ rất là
phức tạp, thiện-ác, chơn-giả, chánh-tà khó có thể phân định! Tu hành nếu gặp
trường hợp như vậy, đúng ra người đó nên thận trọng, đến gặp một vị cao tăng,
hay một vị thiện tri thức để xin minh giải thì tốt hơn, an ổn hơn!
Trong thế kỷ 20, có một vị nhất đại tôn sư
là Ấn Quang Đại sư. Ngài là Bồ-tát Đại Thế Chí tái lai. Sự việc này đến khi
Ngài viên tịch rồi, mới được tuyên dương ra. Trong sinh thời, Ngài không bao
giờ tự xưng chứng đắc, ngược lại Ngài luôn luôn tự cho mình là người nghiệp
chướng sâu nặng, công phu còn yếu. Hơn nữa, Ngài nghiêm cấm những ai muốn tôn
xưng Ngài. Ngài nghiêm khắc cảnh cáo đồng tu về cái tâm vọng động mong cầu cảnh
giới lạ.
Có lần, một cư sĩ là Ngô Hy Chân, hỏi Ngài
về những cảnh quán thấy thù thắng, Ngài nói: “quán cảnh chẳng thuần, lẽ đạo
chưa thấu suốt, chỉ đem tâm vội gấp muốn thấy cảnh thì toàn thể là vọng, đã
không được cảm thông với Phật, mà còn làm nhân cho việc ma. Bởi do gấp muốn
thấy cảnh, tâm càng thêm vọng động, khiến cho oan gia nhiều kiếp về trước nhân
cơ hội đó hóa hiện ra cảnh giới để làm cho hành giả mê lầm. Lúc ban sơ dụng tâm
không chân, đâu biết rằng đó là cảnh ma nên vui mừng khấp khểnh, tịnh niệm
chẳng yên. Nhân đó ma liền dựa vào làm cho mê tâm mất tính. Chừng đó dù có Phật
hiện thân cũng không biết làm sao cứu độ”.
Vì tâm thô thiển cho nên vừa mới thấy cảnh
lạ thì tâm mừng khấp khểnh. Đây chính là vọng tâm chứ phải là chơn tâm. Vọng
tâm thì vọng động, còn chân tâm là nhất tâm, là chân như bổn tánh. Đã là chân
như bổn tánh thì làm gì còn chuyện mừng khấp khểnh, còn đi khoe chuyện nhất tâm
với thiên hạ!
Có một vị cư sĩ khác tên là Hà Huệ Chiêu,
người này đã thâm nhập vào những cảnh giới rất “vi diệu”, đã viết thư hỏi Ngài.
Đầu thư Ấn Tổ trả lời: “…người đời nay phần nhiều hay ưa danh vọng, có được nửa
phần một phần, liền nói đến trăm ngàn muôn phần…”. Sau đó Ngài nói tiếp: “…nếu
cố ý muốn xây dựng lầu các giữa hư không, láo lếu nói những cảnh giới nhiệm
mầu, chưa chứng đắc bảo rằng chứng đắc, tức là đại vọng ngữ. Tội này nặng hơn
giết, trộm, dâm trăm ngàn muôn ức lần. Người đã phạm, nếu không hết lòng sám
hối, tất sẽ bị đọa vào địa ngục A-tỳ, vì lời nói ấy làm cho chúng sanh nghi
lầm, có thể phá hoại Phật pháp”.
Hà Huệ Chiêu thấy được những cảnh giới nhiệm
mầu, như lúc lễ Phật thấy Quán Thế Âm Bồ-tát hiện ra, có lúc lạy Phật thấy được
Phật hiện ra đứng lơ lửng giữa hư không, lúc sắp ngủ thấy hào quang xuất hiện,
v.v… toàn là những cảnh giới tốt đẹp, mới thành tâm đến nhờ Ấn Tổ cầu chứng
minh quyết trạch, mà Ngài còn nghiêm khắc cảnh cáo, không cho phép thô tháo nói
rộng ra ngoài. Ngài nói, “… người niệm Phật đời nay phần nhiều hay bị ma dựa,
đều là do tâm vọng động mong được những cảnh giới lạ thường”. Người tâm chưa
được định, thích vọng cầu cảnh giới tốt, dễ trở thành nạn nhân bị gạt, dễ rơi
vào những nẻo tà, trong đó thường thấy những cảnh giả, nghe những âm thanh giả
lại đi tưởng mình đã chứng đắc, rất dễ bị hại!
Nếu lời Tổ đã cảnh cáo như vậy, thì chúng ta
phải cẩn thận, chớ nên tham cầu lộ liễu!
Ngài còn đưa ra một trường hợp điển hình
khác, vào đời nhà Minh có ông Ngu Thuần Hi, tu hành lâu ngày đã biết được việc
quá khứ vị lai, hay nói trước những cơn mưa nắng, biết được cát hung họa phước
của người. Liên Trì Đại Sư, Tổ sư thứ 8 của Tịnh-độ tông Trung Hoa nghe được
liền gửi thư kịch liệt bài xích, cho rằng đó là lưới ma. Ông Ngu Thuần Hi nghe
xong liền giựt mình tỉnh ngộ. Vừa tỉnh ngộ thì những thần thông đều mất hết.
Tại sao mất? Vì đó không phải là sự chứng đắc thực! Thật là may mắn cho ông!
Nhờ còn một chút tỉnh táo mà ông ta đã được Ngài Liên Trì tổ sư cứu thoát hiểm
nạn trong đường tơ kẽ tóc!
Ngài Tịnh Không thường xuyên nhắc nhở rằng,
niệm Phật điểm chính yếu là phải giữ tâm thanh tịnh, đây là điểm quan trọng
nhất để vãng sanh. Có một lần khai thị, Ngài nói, “dù cho Định trung kiến Phật
vẫn có thể là giả, vì Phật dạy “nhứt thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”.
Nếu thấy cảnh giới đẹp mà tâm tham đắm vào đó, rồi đi khoe ra ngoài, thì theo
như Ngài nói: “định công của quý vị sẽ hoàn toàn bị phá hủy”. Chính vì thế,
Ngài rất cứng rắn trong vấn đề ngăn chận những chuyện “tự xưng là chứng đắc”
xuất hiện trong những đạo tràng của Ngài, ngay cả việc mời ra khỏi đạo tràng
cũng là điều mà Ngài không cần lưỡng lự. Đây là sự thật đã từng xảy ra.
Ngọc em! Vì em chưa hiểu sâu vào sự việc
nghiêm trọng bên trong, nên anh cần phải nhắc nhỡ, chứ tự nhiên thì anh ít khi
bàn đến những chuyện này, vì dễ gây hiểu lầm, dễ đụng chạm. Trả lời thư em,
chính anh cũng không dám tự ý nói mà chỉ lập lại những lời của chư Cổ đức để
cảnh tỉnh, nhắc nhỡ, giúp đỡ nhau thôi.
Anh tin tưởng, chư Tổ-sư, chư vị Cao-tăng,
Đại-đức đều nói lời thực, tận tình hướng dẫn, không bao giờ các Ngài lại có tâm
đố kỵ với đại chúng hay người tu hành được chứng đắc đâu. Nhưng vì trong thời
mạt pháp này cạm bẫy nhiều quá. Cống cao một chút, vướng bẫy liền! Ngu si một
chút, vướng bẫy liền! Tự ái một chút, vướng bẫy liền! Ly kinh một chữ, vướng
bẫy liền! Phật biết chuyện này, chư Tổ-sư, Đại-đức đều biết chuyện này. Chính
vì lòng từ bi thương người, nên quý Ngài mới nghiêm khắc để tránh cho chúng
sanh nhiều nạn tai hiểm nghèo vậy.
Biết được điều này, nên anh cũng thường nhắc
nhở rằng, tu hành hãy giữ tâm thanh tịnh niệm Phật là tốt nhứt, đừng tham chứng
đắc, đừng cầu thấy Phật, đừng mong điềm lành. Khi tâm thành, có cảm thì tự
nhiên có ứng. Cảm ứng đạo giao là do bởi tâm chân thành thanh tịnh. Lúc đó tâm
ta không bị vọng động nữa, thì sự chứng đó mới là thực. Chư Phật Bồ-tát, chư Tổ
sư luôn luôn mong muốn có người tu hành đắc đạo, nhưng vì tâm chúng sanh trong
thời mạt pháp quá loạn động, nên khó tìm đâu có sự chứng đắc. Cho nên các Ngài
cấm là cấm cái đắc giả, cái tâm vọng động đó mà thôi!
Còn một câu hỏi nữa nhưng em nói quá gọn,
anh chưa hiểu rõ. Em nói, một đồng tu lâm chung… “…lúc gần ra đi niệm Phật 8
tiếng”, … có được vãng sanh không? Những chi tiết của em không rõ, anh không
dám tự quyết. Ví dụ, niệm Phật 8 tiếng là 8 câu Phật hiệu hay 8 tiếng đồng hồ?
v.v…
Vãng sanh Tây-phương Cực-lạc là việc bất khả
tư nghì, ta không thể lấy cái suy nghĩ thường tình mà quyết đoán được đâu. Có
một câu hỏi tương tự như vậy đến ngài Tịnh Không là: “Làm sao biết được chắc
chắn vãng sanh?”. Ngài trả lời rằng, chính người đó thấy được Phật tới tiếp dẫn
và nói cho mọi người biết. Tuy nhiên có lúc nói được, có lúc vì sức quá yếu họ
nói không được. Họ mấp máy môi rồi ra đi, mình tưởng là họ niệm Phật, nhưng
thật sự là họ báo cho mình biết rằng Phật tới tiếp dẫn họ đó. Trong kinh nói,
người tạo tội ác thâm trọng, lúc lâm chung gặp được thiện tri thức khuyên giải,
phát lòng tin tưởng sám hối cầu sanh Tịnh-độ, niệm Phật một tiếng, mười tiếng
đều được vãng sanh. Thật sự bất khả tư nghì!
Người đồng tu bị ung thư mà ra đi an lành,
niệm Phật được “8 tiếng” trước khi ra đi cũng là một đại phúc trong đời! Còn
tướng lành khi lâm chung chỉ là hiển hiện sự cảm ứng chứ không phải lúc nào
cũng có. Thoại tướng rõ ràng gọi là “Hiển Ứng”, tức là hiển hiện sự gia trì.
Còn thoại tướng không rõ ràng, nhưng cũng có thể vãng sanh, gọi là “Minh Ứng”,
tức Phật lực âm thầm gia trì. Chúng ta niệm Phật, phải lấy tâm chân thành cầu
nguyện, hộ niệm cho nhau, không nên hiếu kỳ hay hồ nghi.
Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Đây là
định luật chắc chắn. Chúng ta niệm Phật phải đặt hết niềm tin vào pháp môn, vào
lời Phật dạy. Nghiệp chướng dù thâm trọng cho mấy, nhưng biết quyết lòng sám
hối, thành tâm niệm Phật, cầu xin vãng sanh thì nhất định được thoát ly sanh tử
luân hồi, vãng sanh Tịnh-độ. Phải vững lòng tin, phải thiết tha nguyện vãng
sanh để cảm ứng được lực gia trì của A-di-đà Phật và tất cả mười phương chư
Phật, thì chắc chắn được độ. Đừng vì một chút trở ngại mà thối tâm nghe em.
Thương em,
Anh Năm.
(Viết xong 24/12/03).
Những cảnh giới tốt
đẹp mà ta nhìn thấy, bất luận là cảnh giới của Phật hay cảnh giới nào khác, nếu
ta ưa thích, Đem nó nói ra cho mọi người nghe thì đều không phải là cảnh giới
tốt. Vì sao? Vì quý vị không có công phu, không có định lực!(PS Tịnh Không).