Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Phật pháp là sự hưởng thụ tối cao của đời người (GS. Phương Đông Mỹ)

Cha má kính thương,

Tết sắp đến con viết thư về thăm cha má. Có lẽ sau tết con sẽ về, cha má và anh chị em cố gắng sắp xếp thì giờ niệm Phật với con. Đời này nóng lạnh vài mươi năm, sanh-lão-bệnh-tử, lăn lóc trong trần đời khổ hải vô biên rồi sau cùng thân xác cũng phải trả về với cát bụi! Cuộc đời này như mộng, thế gian như huyễn, thân mạng vô thường, tuổi đã về chiều thì còn lo lắng chuyện đời làm chi? Tạo sự nghiệp gì nữa đây?! Còn tham luyến trần thế chi nữa mà coi chừng bị vướng nạn. Lỡ vướng nạn rồi thì chịu khổ hàng vạn vạn năm, thậm chí hàng vạn kiếp!

Vậy thì, cha má ơi! Hãy mạnh dạn buông xả để lo tu hành. Những thứ ruộng vườn, nhà cửa, tiền bạc, xe cộ, danh vọng, tiếng tăm, tất cả rồi đây cũng thành số 0! Chỉ còn chăng là khối nghiệp mang theo, dìm mãi thần thức của ta trong bể khổ! Cha má hãy quyết tâm hàng ngày niệm Phật cầu mong cuối đời mình được vãng sanh, an nhiên tự tại, hưởng được đại phúc báu, đại trí huệ ở cõi nhất chân pháp giới, đừng nên chần chờ dụ dự mà lỡ bị đọa đày thì tội nghiệp cho cha má lắm!

Thưa cha má! Vì biết được con đường viên mãn đạo quả trong đời, cho nên con phải thưa cho cạn lời, để mong cho cha má thức tỉnh kịp thời, quay đầu kịp lúc, tự cứu lấy mình. Con đã viết quá nhiều rồi, nhưng hôm nay con cũng muốn viết thêm vài lời nữa, để củng cố thêm niềm tin cho cha má vững lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-phương. Đây là phương pháp cuối cùng và cũng là cách duy nhất có thể cứu cho cha má thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát ly sanh tử. Sẵn lời thư này, con cũng muốn phân trần cho tận ý với tất cả anh chị em, mong mọi người sớm giác ngộ lo chuyện tu hành, làm lành lánh dữ, trả tròn hiếu đạo, cố gắng hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cha má hưởng được cái đại phúc báu của một kiếp người.

Thế giới Tịnh-độ Tây-phương là một thế giới có thực, chứ không phải là thế giới tưởng tượng. Có thực như có quả địa cầu này, có nước VN, có làng Đông Lâm vậy… Chỉ có khác nhau là quả địa cầu này ô uế quá, bệnh hoạn, dơ bẩn, nóng bức, lạnh giá, lụt lội, hạn hán, bụi bậm, ô nhiễm, tai nạn liên miên. Tất cả đều là cảnh khổ! Còn thế giới Tây-phương thì hoàn toàn an lạc vui sướng, thần thông tự tại, thọ mạng vô lượng, phước báu vô lượng, hưởng thụ vô lượng, v.v… Đây là sự thật.

Tại sao lại có sự trái ngược vậy? Vì ta-bà này là thế giới của tâm vọng động, của tâm tham lam, sân giận, đố kỵ, mê mờ. Chính cái tâm hiểm ác của loài người đã tạo ra cảnh uế độ. Còn ở Tây-phương cảnh Phật, là thế giới của những con người thượng thiện, tâm hồn thuần thiện thuần tịnh, là cảnh giới của Phật, của Bồ-tát, của chân tâm bản tánh. Chính cái chân tâm đã tạo ra cảnh giới an lành Cực-lạc. Hay nói đúng hơn nữa, đó chính là quê hương của chân tâm bổn tánh của chúng ta.

Sống trong một xứ nghèo thì người giàu cũng khổ. Sống trong một xứ giàu, người nghèo cũng sướng. Thế giới Tây-phương là thế giới “Cực-lạc”, thì phàm phu như chúng ta vẫn có trí huệ, giác ngộ, thần thông, tự tại, an lạc, phước đức vô lượng như chư Thượng Thiện Nhân. Lời Phật nói không thể sai, đã có rất nhiều chứng minh cụ thể, đừng nên nghi ngờ mà phải chịu thiệt thòi quá lớn.

Cha má cứ nghĩ thử, không thể tự nhiên lại có người biết được năm đó, tháng đó, ngày đó, vào giờ đó họ sẽ ra đi. Có người họ ra đi tự tại thoải mái, muốn đứng thì đứng, muốn ngồi thì ngồi, như chuyện đùa giỡn. Thật sự họ đã vãng sanh về với Phật. Nhiều người khi vãng sanh họ báo cho mọi người biết: “Phật A-di-đà đã tới, tôi đi đây”. Khi ra đi thân thể họ mềm mại, tươi mát, có ánh sáng, có hương thơm, có hoa nở, có chim kêu, v.v… Tất cả những tướng lành không thể nào tự nhiên mà có được.

Người đông phương chúng ta thường có chuyện đoán số “Tử Vi”, thích về “Thuật Số”. Căn bản cũng chỉ là căn cứ vào mệnh số, lấy nghiệp chướng trong quá khứ để suy đoán tương lai. Điều này cũng đúng, đúng ở chỗ nếu con người hoàn toàn không có tâm cầu giải thoát mà cứ nằm đó đón nhận quả báo, chứ chưa hiểu được câu: “Đức năng thắng số”. Tử vi, thuật số không bao giờ ngờ rằng có cảnh giới Tây-phương vi diệu, thù thắng, trang nghiêm, có đức Phật A-di-đà tiếp dẫn những người vãng sanh để thành Phật. Họ biết làm lành lánh ác để hưởng thêm phước báo nhân gian, chứ không biết rằng chí thành niệm câu “A-di-đà Phật” là đại thiện lành, có thể vượt qua định mệnh, hướng thượng tâm linh. Chỉ vì tâm phàm mắt thịt của con người bị đóng khung vào hiện tượng vô thường thế gian mà đời đời phải chịu sanh tử tử sanh, luân hồi đọa lạc, không có ngày giải thoát!

Tuổi già thân mạng mong manh, xin cha má mau mau thức tỉnh, con năn nỉ cha má hãy quyết lòng tin tưởng vào lời Phật dạy, quyết lòng niệm Phật cầu về Tây-phương. Đây là một đại thiện căn, đại phước báu, đại nhân duyên. Một người con có hiếu không bao giờ dám dối gạt cha mẹ, mà chỉ mong sao cho cha má được ngày thiện chung.

Làm sao có được nhân duyên, thiện căn, phúc báu lớn lao này? Rất đơn giản, quyết tâm buông xả thế trần và thiết tha cầu xin về đó. Tiền bạc, vật chất, hoàn cảnh sống tương đối con cháu chúng con đã lo liệu sẵn tất cả rồi, cha má hãy yên tâm chuyện này. Hãy quyết lòng buông xả thế duyên, thung dung an dưỡng, ngày ngày niệm Phật tu hành, để cầu vãng sanh, không niệm một điều gì khác, thế thôi. Chỉ cần như vậy là có dịp cho cha má hưởng được một phúc báu vĩ đại vô tận, một thiện quả thù thắng, vượt thoát sanh tử luân hồi ngay trong đời này để hưởng lấy thọ mạng vô cùng vô tận. Có điều gì quý hóa hơn! Niệm Phật với lòng thành tín, với chí nguyện thiết tha thì cơ hội vãng sanh chắc chắn không khó.

Chỉ có một cái khó, đó chính là lòng tin! Vì thiếu lòng tin mà con người đành tiếp tục chịu khổ trong vô lượng kiếp, mất cả một cơ hội giải thoát quý báu trên đời. Thật đáng tiếc! Cha má nghĩ coi có oan uổng không? Đến nỗi cái cảnh vô thường đã đến ngay trước mắt rồi mà có người vẫn chưa biết, vẫn còn cố bám lấy vô thường để hy vọng hưởng được những cảnh hão huyền vô thường hơn! Vạn sự đều “Không”, rốt cuộc chỉ là số “0”. Chỉ còn lại một cái “CÓ” là thần thức, hay đúng hơn là chính ta sẽ tiếp tục còn, hoặc là giải thoát hoặc bị đọa lạc hàng vạn kiếp mà thôi! Giải thoát thì sung sướng, đọa lạc thì khổ đau! Vậy mà, cứ giữ lấy cái “Không” làm chi để bị mất tất cả! Sao không mau mau giác ngộ để lấy lại những gì quý giá nhất của chính mình đã mất từ vô lượng kiếp đến nay!

Niệm Phật vãng sanh. Người muốn vãng sanh thì cuộc sống thanh nhàn, tâm hồn thanh tịnh, tâm trung an lạc. Dù đang sống giữa cảnh trần lao nhưng tâm hồn đã thể nhập vào cảnh đạo. Vãng sanh là trở về được với cái chơn tâm huệ mạng, lấy lại cái thực thể của chính mình đã bị vùi dập, đọa đày, khổ nạn bấy lâu nay. Đến ngày được vãng sanh là chủ động bỏ cái thân xác này để đi về với Phật. Bây giờ đang sống, đến ngày liệng thân xác vẫn tiếp tục sống, nhưng sống trong thế giới của Bồ-tát, thế giới của Phật, thế giới đẹp đẽ, trang nghiêm, Cực-lạc.

Còn người chết thì khác, bây giờ đang sống, nhưng sống trong cảnh khổ hải, lo âu, phiền muộn, sống trong sự phập phồng chờ đợi cái chết. Khủng bố vô cùng! Thống khổ vô biên! Khi chết rồi đâu phải là yên thân, nếu lỡ đọa lạc rồi thì từng ngày đối diện với khổ não! Cảnh này đâu có hay gì mà trông chờ!

Cái thân xác của chúng ta hoạt động là do có thần thức chiếm ngự bên trong, khi thần thức lìa bỏ thì cái xác thân giống như khối thịt heo người ta bán ngoài chợ, ăn không hết thì nó hôi, chôn không kịp thì nó thối. Thế thôi!

Cho nên, người sợ chết thì hãy niệm Phật cho khỏi chết. Người sợ khổ thì hãy niệm Phật cho tương lai khỏi khổ. Người sợ buồn thì hãy lo niệm Phật để khỏi buồn… Hãy tranh từng hơi thở để niệm Phật, thiết tha cầu về cho được tới cảnh giới Tây-phương thì sẽ không có chết, không có khổ, không có buồn. Đây là sự thật, một sự thật có chứng minh vì rất nhiều người đã thực hiện được rồi cha má à.

Khổng Tử dạy, “Bất viễn lự tắc hữu cận ưu”. Người giác ngộ thì hãy sớm lo cho tương lai, nếu chần chừ thì cái họa sẽ đến ngay trước mắt.

Thưa cha má, lo tương lai không phải là lo cho cái thân xác sắp sửa bỏ, hay vài thứ thị phi, ơn nghĩa, tiếng tăm giả tạm trong đời này, mà chính là lo cho cảnh sống trong vô tận thời gian về sau. Cha má ơi! Cuộc đời này quá vô thường, sáng còn tối mất! Nếu có lâu hơn thì vài ngày, vài tháng, vài năm nữa, cái thân cát bụi này cũng phải trả về cho cát bụi mà thôi. Nó là giả thì bắt buộc phải tan hoại, giữ nó không được thì bám theo nó làm chi! Còn thần thức của mình là thực, là vô sanh vô diệt, nó là chính cha má đó, thì phải quyết lòng bảo vệ cho thật cẩn thận, để tương lai được sống an lạc, thanh nhàn, thần thông du hí, năng lực vĩ đại vô biên.

Thưa cha má, con thường nói, mỗi người thọ mạng đã có sẵn, cầu mong đâu qua khỏi mệnh. Nhưng người không giác ngộ thì cái tâm tham sống sợ chết nó sẽ hành hạ mình khổ sở cho đến quay cuồng khi còn hơi thở, khổ sở đến diên đảo khi rời bỏ báo thân, rồi thống khổ đau thương hàng vạn kiếp trong những cảnh thương đau khác. Sự việc này có chỗ nào là tốt đâu! Chi bằng, hãy cố gắng tu hành, quyết lòng thoát nạn. Còn chần chờ chi nữa! Còn tham luyến những cảnh giới khác làm gì?! Mục đích đã thấy rõ ràng rồi, đường đi đã vạch sẵn, phương tiện đã có trong tay, hãy cố gắng tu hành cho thành đạo! Cơ hội này quý lắm, đừng để luống qua, trăm ngàn vạn kiếp nữa dễ gì có cơ duyên gặp lại!

Tháng sáu vừa rồi con về quê, vừa dịp gặp lúc cô Tám Tâm trong làng đi thăm ruộng bị té, rồi tê liệt thần kinh, toàn thân bất động nằm chờ chết. Con đến thăm nhìn thấy cảnh tượng mà não nề! Con khuyên mọi người niệm Phật hộ niệm để cứu cô, nhưng không ai nghe theo. Trong khi đó, gia đình, bà con, hàng xóm… ngày ngày cứ tới bao quanh than thở, âu sầu, thương khóc, nói toàn là những lời bi ai, não nuột! Con muốn cứu cô, nhưng cứu không được. Thật tội nghiệp! Dù thân bất động nhưng chắc chắn thần trí của cô đang nghe từng lời than thở, hiểu được cái cảnh phũ phàng, đang đắng cay nằm chờ chết! Thật đáng thương! Nếu trong đời cô thường niệm Phật, ngày ngày đều nguyện vãng sanh Tây-phương, thì giờ phút này có lẽ cô đã biết rõ đường nào để đi, và gia đình con cháu cũng biết rõ những gì cần làm, chứ đâu đến nỗi lại diễn ra cảnh trạng: thấy thân nhân bị nạn mà cứ vô tình làm cho hiểm nạn nặng hơn!

Thưa cha má, cái thần thức huệ mạng của mình là chính mà con người thường cho là phụ, thành ra sau cùng họ phải cam chịu khổ đau trải qua hàng vạn kiếp. Còn danh vọng, thị phi, ơn nghĩa, tiếng khen chê của hàng xóm… những thứ mà họ cho là chính, thì đến sau cùng lại chỉ là số 0! Tệ hơn nữa, coi chừng nó còn độc hại nguy hiểm vô cùng, vì hoặc là vô tình hoặc là mê muội, cứ lôi nhau vào đường hiểm nạn đau thương! Phải chăng, con người trên thế gian này đang khổ tâm tìm cầu những gì giả tạm, còn cái thực của họ thì lại mạnh tay liệng vào hầm lửa để chịu thiêu đốt ngàn năm!

Cho nên, cần nhanh chóng thức tỉnh, giác ngộ kịp thời để cứu lấy mình. Đừng vì những tình chấp thường tình mà tự chuốc lấy khổ đau vạn kiếp!

Vừa rồi con mới nhận được một tin, nói rằng: “… muốn thờ Phật nhưng sợ phạm lỗi, vì xưa nay đã thờ những vị khác mấy mươi năm rồi, bây giờ thay đổi thì bị trả quả, bị đọa đày, bị mang tội, phạm thượng, …”.

Thưa cha má, việc này nếu không giải thích rõ, nhiều khi cha má vẫn không thể an tâm niệm Phật để vãng sanh. Gần đây, nhiều thư con đều có đề cập đến chuyện này nhằm gỡ lần những khó khăn thực tế trong cuộc sống, nhưng đến nay vấn nạn này vẫn chưa được hoàn toàn giải tỏa! Có lẽ vì vất vả, bận bịu với cuộc sống, nên chuyện huệ mạng trở thành phụ thuộc mà không ai cẩn thận chú ý đến lời khuyên chăng? Đời vô thường thì làm sao có thể lần lựa! Lúc còn tỉnh táo mà không lo liệu trước, đợi đến lúc cùng đường, dù có hối hận, muốn tìm một vài lời khuyên để giải thoát cũng đâu còn gì nữa để mà tìm! Suốt đời cặm cụi khổ cực, kiếm từng đồng để làm vốn, trong khi đó, những lời thư này quý hơn vàng mà không chịu tiếp nhận! Uổng thay!

Xưa nay thờ Bồ-tát, thờ Thần Tiên, bây giờ thờ Phật có bị tội, bị trả quả không?! Xin thưa rằng, đây là một nghi ngờ quá sai lầm, sai lầm đến chỗ đáng thương, tội lỗi! Cha má là người tu theo chánh đạo, quyết định đừng bao giờ nghĩ như vậy. Trong những cuộn băng pháp của HT Tịnh Không, có nhiều lần Ngài nhắc nhở đến chuyện này. Xin cha má hãy tin tưởng vững chắc vào những lời pháp đó mà tu hành để thành đạo. Một vị cao tăng xuất thế, họ có thể cứu độ hàng vô số chúng sanh thoát khỏi trần lao. Hàng ngày Ngài hướng dẫn cho hàng triệu người tu hành qua hệ thống mạng lưới điện toán vi tính, nếu có điều gì sai trái thì chính Ngài chịu lấy quả báo và bị đọa trước rồi, chứ đâu đến dịp cha má phải lo! Lời Ngài giảng là lời Phật dạy trong kinh, Ngài bị đọa chẳng lẽ Phật nói sai sao? Những người không tin lời Phật thì mới khó tránh khỏi đọa lạc, chứ còn người quyết lòng tin Phật, y theo pháp Phật tu hành, một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thì mọi người đều an lành vãng sanh về với Phật, có ai bị trả quả hay bị đọa đày đâu!

Trong niệm Phật đường ở đây, cũng có nhiều người theo các phái đạo khác tới tu hành, như Thiên Chúa giáo, Cao Đài giáo, đạo Hòa Hảo, Tiên giáo, Lão giáo, v.v… khi họ ngộ ra sự nhiệm mầu của pháp niệm Phật, họ cũng tới niệm Phật cầu vãng sanh. Có ai bị trả báo đâu? Ngược lại, có người đang tu Phật giáo, bỏ Phật để theo Thiên Chúa giáo, theo các đạo khác, chưa từng nghe ai bị trở ngại. Đây là sự thật.

Xin cha má hãy nhớ rằng, không có một Thiên Chúa nào lại có tâm thù vặt, không vị Phật hay Bồ-tát nào lại đi hại chết chúng sanh, không có một vị Thánh, Thần, Tiên, Hiền nào lại có tâm hồn hẹp hòi ích kỷ cả. Chỉ vì lòng người cứ để tâm phân biệt, chấp trước, rồi lại tưởng các bậc thiêng liêng cao thượng cũng giống như phàm phu! Đây mới thực sự là điều sai lầm! Rõ ràng, chính cái vọng tâm của mình đang hại mình thê thảm vậy!

Phật giáo là một nền giáo dục đa nguyên, không phân biệt. Nếu nghiên cứu kỹ trong lời kinh của Phật thì ta sẽ thấy giáo lý của Phật bao trùm nhân sinh, vũ trụ, pháp giới, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, văn hóa, quốc độ. Trước đây 3.000 năm, xã hội Ấn Độ phân chia giai cấp, đẳng phái, tôn ty, nội ngoại rất nặng. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện thành Thái Tử Tất-Đạt-Đa, bỏ ngôi vị thái tử và sống theo cái giai cấp thấp hèn nhất, ngày ngày cầm bình bát ăn xin, là để quyết lòng xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ phân biệt, để độ tận chúng sanh. Trong Phật giáo không bao giờ có sự kỳ thị tôn giáo, chưa bao giờ có chuyện “chiến tranh tôn giáo”. Phật dạy vũ trụ, nhân sinh, pháp giới với ta là đồng một thể, là một chứ không hai. Là một thì đại đồng, bình đẳng, chứ làm sao có phân biệt, đố kỵ. Vậy thì, làm gì có chuyện thờ Phật mà các vị khác cạnh tranh!…

Hiểu được cái lý đạo đồng nhất thể thì tất cả tôn giáo đều có sự liên hệ mật thiết với nhau. Các vị giáo chủ có thể đều là Phật Bồ-tát thị hiện để cứu độ chúng sanh. Hình thức, danh từ, cách hành đạo khác nhau để cho hợp với căn cơ, ngôn ngữ, văn hóa, đặc tính riêng mà thôi. Như vậy, tu cách nào mà chẳng “Đạo”, thờ vị nào mà chẳng “Giáo”, làm gì có chuyện chống trái nhau!
Tuy nhiên, nếu nói rằng, “Đạo” là con đường giải thoát thì phải biết có đường ngắn đường dài, có thẳng có cong. Nói về “Giáo” thì có khó có dễ, có sâu có cạn. Tu hành muốn được diệu pháp thì phải biết điều chỉnh cho hợp lý, hợp cơ, hợp thời. Người muốn hưởng chút phước báu thế gian thì khó lòng giải thoát, muốn ở lại cảnh người thì khỏi đi Tây-phương. Tất cả những cảnh giới đều tùy tâm sở dục. Cảnh nào cũng có chỗ dung thân, nhưng đã là phước hữu lậu của thế gian, thì lâu hay mau, ít hay nhiều có khác nhau nhưng nhất thiết chưa thoát vòng sanh tử. Muốn thoát vòng sanh tử thì phải thờ Phật, niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ thì mới thành Phật.

Phật dạy “Nhất thiết duy tâm tạo”, thì tất cả đều do chính tâm mình hiển hiện ra. Vật dụng để thờ đều có ý nghĩa biểu trưng. Hình tượng biểu trưng cho chơn tâm tự tánh; đèn tượng trưng cho trí huệ quang minh; nhang tượng trưng cho tín tâm, quán tưởng đến ngũ phần pháp thân Phật: giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến; hoa là nhân, trái cây là quả, hoa-quả tượng trưng cho nhân quả, nhắc nhỡ rằng trên đời mọi sự đều có nhân quả; cúng nước tượng trưng cho tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, đừng phân biệt ganh tỵ; nếu tiếng mõ giúp ta công phu tu hành, nhiếp tâm theo lời kinh tiếng kệ, thì tiếng chuông giúp mình giác ngộ, hồi tâm tỉnh thức, đừng mê vọng lầm lạc… Tất cả đều có hàm ý giáo dục. Như vậy tượng thờ không phải tự nó linh, mà chính là chơn tâm tự tính của chúng ta linh.

Thờ một hình tượng nào thì hình tượng đó ảnh hưởng đến tâm linh của ta, và sau cùng ta nhập vào cảnh giới đó. Muốn thành Phật thì phải niệm Phật, thờ Phật. Muốn về Tây-phương thì phải nguyện cầu sanh về Tây-phương. Muốn đi hướng nào thì ta phải tập hợp tất cả năng lực về hướng đó. Thờ A-di-đà Phật, niệm A-di-đà Phật thì tâm mình sẽ thành A-di-đà Phật. “Tự tánh của ta sẽ là A-di-đà”. Thờ A-di-đà Phật thì tương ứng với 48 đại nguyện của Phật A-di-đà, tương ứng với cảnh giới Tây-phương Cực-lạc. Nội ngoại tương hợp, cảm ứng đạo giao, nhờ thế mà ta được Phật A-di-đà tiếp dẫn vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc, thành Phật tại quốc độ của Phật A-di-đà. Một đời này viên mãn thành tựu.

Tất cả đều do tâm. Như vậy, thờ nhiều hình tượng, niệm nhiều Phật và Bồ-tát có được vãng sanh Tây-phương không? Được! Nhưng với điều kiện sau cùng phải biết chuyển hướng về Tây-phương. Nếu tâm không chuyển hướng về Tây-phương thì không thể vãng sanh Tây-phương được. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy: “Nếu có chúng sanh trụ vào pháp đại thừa, dùng tâm thanh tịnh hướng về Vô Lượng Thọ (tức là Phật A-di-đà), thì niệm đến 10 niệm, và nguyện sanh về quốc độ đó. Khi nghe được pháp thâm sâu liền sanh tin hiểu, dẫu như đạt được một niệm thanh tịnh tâm, phát một tâm nguyện, niệm đức Phật đó. Thì người này lúc mạng chung trong mộng thấy được A-di-đà Phật, quyết định được sanh về quốc độ đó, được bất thối chuyển, chứng Vô Thượng Bồ-đề”. (VLT kinh, phần cuối của phẩm 24, tam bối vãng sanh).

Kinh pháp đại thừa sâu rộng vô biên, tu pháp nào cũng được. Nhưng điều quan trọng là phải biết hồi hướng tất cả công đức về Tây-phương. Lúc lâm chung phải tỉnh táo, phải tin, phải hiểu, phải nguyện vãng sanh, và phải niệm A-di-đà Phật, thì một niệm, mười niệm cũng được vãng sanh. Nhưng dễ hay khó? Rất khó! Vì cái tâm đã tập nhiễm những cảnh giới khác, vô định hướng. Tu xen tạp thì như đứng trước vạn nẻo đường, sau cùng không biết chọn đường nào để đi! Như ngay lúc còn khỏe mạnh, còn sáng suốt mà phân vân chưa rõ, thì làm sao lúc lâm chung lại có khả năng chọn lựa! Nghiệp chướng sâu nặng, oán thân chập chùng, thân tâm đau buốt, gia sự rối ren, mê man bất tỉnh, v.v… đâu có cơ hội nào cho ta thoát nạn!

Cho nên, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ vẫn là pháp môn thẳng tắt, dễ nhất, băng ngang qua tam giới, thoát ly sanh tử luân hồi, không cần chứng đắc từng đẳng cấp một như theo chiều dọc. Thật bất khả tư nghì!

Người tu nhiều pháp môn, được may mắn mười niệm vãng sanh, chỉ vì nhờ thiện căn phước đức sâu dày từ nhiều đời kiếp về trước bỗng nhiên xuất hiện mới có cơ duyên này. Sự thành tựu này phải hội đủ ba điều kiện:

Một là, phải tỉnh táo lúc lâm chung, không được mê man bất tỉnh, không được điên đảo khủng bố;
Hai là, gặp được thiện tri thức khuyên giải;

Ba là, phải phát khởi lòng tin tưởng và quyết lòng thực hiện.

Thế gian tìm được mấy người có may mắn này! Người có thiện căn phúc đức rất sâu dày, nhưng khi lâm chung không hội đủ ba điều kiện cũng không thể vãng sanh.

Xin ví dụ cụ thể cho cha má rõ hơn. Như chính cha má suốt đời thờ nhiều hình tượng, tu hành làm người hiền lương, cầu mong được tái sanh làm người, không có ý hướng gì về sự thoát ly lục đạo sanh tử luân hồi cả. Tu như vậy không phải sai, nhưng chắc chắn rằng, dù có tu giỏi cách nào đi nữa cũng không thể giải thoát. Tại sao vậy? Vì chính cái tâm muốn trở lại thế gian thì không thể thoát khỏi thế gian. Phật dạy, “Tam giới vô an, du như hỏa trạch”, tu cầu được tái sanh làm người là quyết ở lại trong tam giới, thì phải chịu cảnh bất an, khó bề tránh khỏi bị thiêu, bị đốt! Nhưng may mắn cuối đời nhờ con cháu hỗ trợ, biết đường thoát ly tam giới, đường vãng sanh Tây-phương thành Phật. Nếu cha má kịp thời tỉnh ngộ, quyết lòng tin tưởng Phật pháp, xả bỏ thế đời, quyết chí niệm Phật, tha thiết cầu xin vãng sanh, thì cha má đã có được tới 2 phần 3 điều kiện để thành đạt rồi.

Như vậy, được vãng sanh thoát vòng sanh tử đâu phải là khó. Cái chính yếu là mình có quyết đi hay không mà thôi. Quyết đi thì có cơ hội giải thoát. Ngược lại, còn dụ dự chưa quyết, còn vướng bận cuộc đời, còn lưu luyến tình cảm, còn đèo bồng chuyện thế gian, v.v… nghĩa là còn muốn cái khổ nạn trong tam giời thì đành phải chịu nạn vậy! Rõ ràng, hoàn toàn là do tự mình! Xin cha má suy nghĩ thật kỹ.

Gặp được người khuyên, phát lòng thật sự tin tưởng làm theo là đi được 2/3 đoạn đường, chỉ còn làm sao cho được tỉnh táo lúc lâm chung thì được hoàn toàn tương ứng với điều kiện vãng sanh. Làm sao được tỉnh táo? Thưa cha má, một là buông xả để niệm Phật, hai là hộ niệm.

Niệm Phật là phần người ra đi phải làm. Ngày đêm niệm A-di-đà Phật, từng giờ từng phút niệm A-di-đà Phật, quyết định không niệm gì khác. Nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật nguyện sanh Cực-lạc, mỗi lần đau bệnh là mỗi lần cầu đi, không sợ chết, không cầu lành bệnh. Nếu tâm cầu vãng sanh mạnh mẽ như vậy, thì lúc lâm chung dễ được tỉnh táo để theo Phật vãng sanh.
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, phần hạ phẩm hạ sanh, Phật nói: “Một chúng sanh tạo nghiệp bất thiện ngũ nghịch thập ác, đủ các bất thiện. Người như vậy, do ác nghiệp phải đọa vào ác đạo, trải qua nhiều kiếp thọ khổ vô cùng. Nếu người này lúc lâm chung gặp thiện tri thức dùng nhiều lời an ủi, vì nói diệu pháp dạy bảo niệm Phật, phát lòng tin, chí tâm xưng danh chẳng dứt đủ 10 niệm “Nam Mô A-di-đà Phật”. Do xưng danh hiệu Phật, nên trong mỗi niệm trừ tám mươi ức kiếp tội sanh tử. Lúc mạng chung, thấy liên hoa dường như mặt nguyệt trước mặt người đó. Như trong khoảng một niệm liền được vãng sanh Cực-lạc thế giới”.

Mê man là vì nghiệp chướng báo hại, khủng bố vì oan gia tấn công, lạc xuống ba đường ác là do ác nghiệp dẫn dắt. Chí thành niệm Phật thì được chư Phật gia trì, Long-Thiên bát bộ bảo vệ, được 25 vị Hộ Pháp bảo hộ, chính nhờ thế mà tất cả những thế lực hung hiểm không thể phá hoại và mình được an toàn vãng sanh theo Phật.

Còn hộ niệm là điều không thể thiếu để bảo vệ người lâm chung và giữ chánh niệm cho họ. Nếu trong làng có ban hộ niệm thì quá tốt, hãy nhờ họ tới hộ niệm cho mình. Còn không, thì con cháu trong nhà phải giữ nhiệm vụ này, nhất định không thể sơ suất. Muốn hộ niệm được dễ dàng lúc lâm chung, thì ngay bây giờ phải thường xuyên tổ chức niệm Phật chung với nhau, mỗi ngày một lần thì quá tốt, còn không, ít ra một tuần phải họp lại để niệm Phật, lạy Phật. Phải tập làm quen với không khí niệm Phật. Phải có công phu niệm Phật, phải có lòng chí thành mới được cảm ứng đạo giao, mới tương ứng được với từ lực gia trì của chư Phật, thì tội chướng mới tiêu trừ, phước huệ tăng trưởng. Tổ chức niệm Phật chung với nhau để khuyến tấn tu hành, củng cố lòng tin, đến lúc cần thiết thì mọi người đã sẵn sàng trợ niệm cho người ra đi. Lúc đó, trăm người một hướng, mọi người nhứt tâm, đồng lòng nhất trí niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Lực lượng này mạnh lắm, bảo đảm người ra đi sẽ được Phật phóng quang tiếp dẫn. Có được vậy, mới thấy một đại phước đức trên đời, hằng tỷ người chưa chắc có ai bì được! Xin tất cả anh chị em hãy cẩn thận suy xét chuyện này, hãy coi lại thật kỹ những thư nói về sự hộ niệm. Có lẽ con sẽ viết thêm về sự hộ niệm để giải thích cho rõ hơn. Cầu mong cha má thấu hiểu đạo lý, mong tất cả anh chị em hãy quyết lòng cứu độ cha mẹ để trọn đại hiếu làm con. Cứu người là cứu chính mình vậy.

Trở lại việc thờ phụng, Phật dạy, “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, thì chuyện tốt xấu, họa phước, công tội, v.v… đều ứng hiện đúng theo tâm niệm của mình. Chính cái tâm mình làm chủ, thế lực bên ngoài chi phối vào chỉ là khách. Sở dĩ, người khách có đến thăm nhà đều do người chủ mở cửa mời vào. Tâm thiện lương có khách thiện lương, tâm tà vạy có khách tà vạy. Họa hay phước đều ứng hợp với tâm địa của chính mình! Thờ một vị Phật, chính là để tâm của mình hướng về Phật, sau cùng mình thành Phật. Thờ một vị Thần thì chính mình muốn ở lại trong cảnh giới của vị thần. Thờ đức Lão Tử là mình muốn tu phép “Vô-Vi” của Tiên gia, thờ đức Khổng Tử là muốn thực hiện cái hạnh chánh nhân quân tử, “Hữu-Vi” thế gian. Tất cả đều là sở nguyện của chính ta, chứ các Ngài đã khuất bóng lâu rồi đâu còn ở đây mà kiểm soát hành động của mình! Cho nên, thờ hình tượng là để soi lại chính bản tâm của mình, nhắc nhở ta ngày ngày phải noi theo gương đó mà hành đạo.

“Nhất thiết duy tâm tạo”. Phải nắm cho thật vững lý đạo này. Nếu tâm hồn của mình chánh trực, từ bi… thì tất cả đều trở thành thân thiện. Nếu tâm hồn xấu xa, hiểm ác, tà vạy thì dù có thờ hình tượng Phật cũng chỉ gây nên tội, cũng là đường tà chứ có hơn gì đâu! Ma-Phật, Phật-Ma chính ở tâm của mình.

Ứng dụng đạo lý này vào thực tế rất là hay. Ví dụ, nếu mình cứ cho rằng những người hàng xóm đều xấu ác, thì ta sẽ không hòa hợp được với ai và không ai có thể thân thiện được với mình. Một người thiện lương tốt đẹp, nhưng ta cứ ganh tỵ đố kỵ, thì dù họ có hiền từ cũng trở thành đối nghịch. Thờ cúng ông bà, nếu ta luôn luôn nghĩ rằng ông bà thương yêu, bảo vệ, hộ trì thì ta sẽ thấy an vui, có chỗ nương dựa, mỗi lần thắp nén nhang trước bàn thờ lòng ta sẽ cảm thấy ấm áp, an lành, được sự che chở. Nhờ vậy mà sắc tướng của ta hỷ lạc, đêm đêm ngủ ngon, nhiều mộng đẹp.

Ngược lại, nếu cứ nghĩ rằng, những người chết đó sẽ về bắt mình chết theo, hành tội mình… thì vừa thấy tấm hình trên bàn thờ là bắt đầu run sợ, bị khủng bố. Từ đó mà ăn ngủ không ngon, sắc tướng không tươi, đêm đêm ác mộng!

Tất cả những hiện tượng này đều do tâm tạo ra. Phải chăng, chính tâm ta đã biến ông bà thành Tiên-Hiền thiện lành gia trì con cháu, và cũng chính cái tâm này đã biến họ thành người ác hiểm hãm hại kẻ hậu lai!…

Một đạo giáo chính nó không có chánh có tà, mà tà chánh do tâm. Tâm chánh thì pháp chánh, tâm tà thì pháp tà. Nội ngoại tương hợp với nhau trong đạo nhân quả, duy tâm.

Dựa theo đạo lý này thì chư vị quỷ thần có trả thù mình hay không đều do chính cái tâm của mình chánh hay tà. Nếu tâm ta chánh thì có chánh thần phù hộ, nếu tâm ta tà thì có tà thần điều khiển. Cha đang theo chánh đạo, thờ chánh thần. Chánh thần thì họ đều là đấng chánh nhân, trượng phu, quân tử. Đã là chánh nhân quân tử thì làm gì có chuyện đi hại chúng sanh! Chánh thì phải nương theo Chánh Giác, Chánh kiến, Chánh Tri… trong đó Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Như Lai là ngọn đuốc soi đường chung cho chúng sanh trong thập pháp giới. Thờ Phật là tuyên dương Vô Thượng Chánh Nhân, là đi đúng đường hướng của tất cả chư vị Bồ-tát, Thánh Thần, Thiên Địa. Họ khen ngợi, bảo hộ cho ta chứ sao lại nghĩ rằng họ trả thù? Phải chăng tự mình đã nghĩ sai, tự mình đã tạo lỗi trước. Thật là không nên vậy.

Phật dạy, “Vạn pháp duy tâm”, thì phải lo tu sửa ngay cái tâm của mình. Cái tâm của mình nghĩ điều tốt thì mình được điều tốt, tâm của mình tưởng đến điều sai thì đó là tự mình hại lấy mình!
Ngài Thích-Nhất-Hạnh, một thiền sư VN nổi tiếng nói: “Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”. Nhất tâm là chánh tâm, nghe một tiếng chuông thì nhất định phải đổi cái tâm niệm lại, đổi tà thành chánh, đổi xấu thành tốt. Đổi cái tâm lo sợ bị trả thù, thành tâm được gia trì bảo hộ. Đổi tâm muốn được hưởng phước báu, thành tâm biết thương người giúp đời. Đổi tâm muốn lăn lộn trong lục đạo luân hồi thành cái tâm muốn cầu thoát ly tam giới. Đổi cái tâm muốn trở lại làm người, thành cái tâm muốn thành Thánh Nhân. Đừng cầu mong ở lại làm phàm phu mà hãy nguyện cầu vãng sanh Tây-phương thành Phật… Tất cả những quan niệm lệch lạc hãy chuyển đổi lại, thì chắc chắn vạn sự sẽ được tốt đẹp. Cứ đổi theo chiều hướng tốt đẹp thì sẽ tận hưởng tất cả mọi sự thiện lợi trong đời.

Cha má à! Giải thoát được hay không là do mình có tỉnh ngộ kịp thời hay không. Chỉ có tự cha má thức tỉnh mới cứu được cha má mà thôi. Một lần tỉnh ngộ thì thấy rõ đường đi, biết những gì cần làm. Còn nếu cứ giữ khư khư những quan niệm cá nhân, không chịu nghe theo lời Phật, thì nghiệp báo của cha cha nhận, khổ hải của má má lo. Con không có tài nào cứu cha má được. Một khi lỡ bề lạc vào đường hiểm nạn rồi, thì lúc đó dù cho cha má có rên la, than khóc từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm qua hàng vạn kiếp, cũng không có một người bạn đạo nào tới thăm lom, không có một người quen nào tới an ủi, không một đứa con nào có thể tới dâng cho cha má chén cháo đâu! Đây là một sự thực vô cùng khủng khiếp! Vô cùng kinh hoàng! Vô cùng đau khổ! Không thể nào nói cho hết lời! Vạn vạn lần xin cha má hiểu cho thấu mà mau mau thức tỉnh, vững lòng niệm Phật tu hành.

Còn về phần anh chị em, xin nhớ cho, đừng nghĩ rằng trên đời không có quả báo, chỉ vì ngày giờ chưa tới đó thôi! Cho nên, xin anh chị em cũng nên cố gắng tu hành, và mau mau hỗ trợ việc niệm Phật của cha má. Nhắc nhở người quyết lòng niệm Phật cầu về Tây-phương. Nhất thiết không hẹn, không chờ, không vì một lý do gì mà phải tự hại mình đến chỗ thảm thương!

Trở lại chuyện thờ hình tượng, nếu xưa nay mình thờ nhiều hình tượng rồi, không nỡ thay đổi thì cũng không cần thay đổi nữa. Xin nhắn với anh chị em hãy tùy thuận theo cha má, đừng quá lo lắng về chuyện này. Vì thực ra, nếu gượng ép thay đổi một chút hình thức, mà tâm vẫn còn ái ngại, còn vướng mắc vào đó thì có ích lợi gì đâu! Tất cả đều do tâm tạo mà.

Điều quan trọng là ta phải thấy rõ đường nào giải thoát để quay đầu, còn những hình tượng thờ trên bàn để tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ, biết ơn… Cho nên, có thể thờ chung trong một bàn thờ, nhưng vị trí của Phật phải được tôn thượng, trang nghiêm thì cũng không phải là sự chống trái. Hẳn nhiên, thờ nhiều hình tượng như vậy dễ làm tâm ta mất chánh niệm. Tốt nhất vẫn là: chỉ thờ một tượng Phật A-di-đà. Đây là pháp “Quán Tượng Niệm Phật”, nhất tâm chuyên niệm về một hướng để khỏi bị lạc lúc lâm chung chứ không phải là sự phân biệt.

Như vậy, thờ nhiều hình tượng khác nhau, tu nhiều pháp môn khác nhau có được vãng sanh hay không? Có thể được, bằng cách đem tất cả công đức tu hành được hồi hướng về Tây-phương để cầu sanh Tịnh-độ.

Nhưng dễ hay khó? Rất khó! Khó chứ không phải là không được. Khó ở chỗ vì tạp tu, tạp tu thì không tương ứng với lời nguyện của A-di-đà Phật. Đây chính là vì tín tâm không chơn thành, nguyện cầu không tha thiết, hạnh tu không chuyên nhất, nên công đức hồi hướng về Tây-phương yếu. Bình thời tâm không trụ nơi câu Phật hiệu, thì khi lâm chung khó có thể chuyển đổi tâm ý để niệm Phật, không biết cầu về Tây-phương. Hơn nữa, sẽ bị nghiệp chướng và oan gia trái chủ công phá làm cho tâm dễ bị loạn, không thể cất lời niệm câu Phật hiệu, vì thế mà không thể vãng sanh. Phật nói: “Đời mạt pháp, ức ức người tu, khó tìm một người chứng đắc” chính vì chúng sanh không tiếp nhận được lực gia trì của Phật, bị oan gia nghiệp chướng tự do công phá. Nghĩ lại thử, liệu ta có may mắn hơn ức ức người đó hay không!? Cho nên Phật mới nói: “chỉ còn nhờ câu Phật hiệu mà thoát khỏi trầm luân”. Xin cha má suy xét kỹ.

Một vấn đề khác, “… thờ tượng Phật rồi thì quí vị khác không dám tới nhà…”. Sự ái ngại này cũng không ra khỏi những lầm lẫn bên trên! Phật là đấng đại từ đại bi, cứu độ muôn loài chúng sanh, chứ Phật đâu có bắt tội ai bao giờ mà nói thờ Phật thì “các vị khác(?)” không dám tới nhà!

Thật ra, điều này cũng có một phần đúng. Chư Phật Như Lai cứu độ chúng sanh trong thập pháp giới không xả bỏ ai hết. Một người dù ác tới đâu, nhưng khi biết sám hối, biết quay đầu cải ác làm thiện thì đều có thể tu hành, lạy Phật, niệm Phật để được độ thoát. Người nào không muốn làm lành, chỉ muốn làm ác thì chắc chắn sẽ bị Long Thiên, Hộ Pháp đuổi ra.

Ngay đối với chính mình cũng vậy, mình thờ Phật, nếu có cái tâm thiện lành chân chính thì được Long Thiên và Hộ-Pháp bảo hộ. Còn nếu có tà tâm, ác hạnh thì dù có thờ tượng Phật thật lớn cũng không có sự gia trì. Dù cho Thần, Hộ-Pháp không đuổi mình ra được (vì đây là nhà của mình), nhưng chắc chắn không một vị Thiện Thần nào lại đi bảo hộ người tà ác. Thiện Thần không giúp thì tai ương từ đâu đến chắc cũng không khó đoán!

Nói tóm lại: thờ Phật chỉ có tốt chứ không có xấu, còn nếu bị xấu là do tâm hành của mình xấu, điều này không liên quan đến việc thờ Phật. Chánh-Tà đều do tâm, Họa-Phước đều do tâm, thì một vị nào đến với mình là tốt hay xấu cũng đều do tâm của mình mà ra. Thế thì có chi phải ngại chuyện này!

Để vấn nạn này được giải quyết rõ hơn, con xin trích một một đoạn của thông báo về “Cứu độ những chúng sanh khổ nạn” do HT Tịnh Không mới vừa đưa ra cho Hội Tịnh Tông thực hiện, nhằm kêu gọi tất cả đồng tu mở lời giảng pháp của Ngài suốt đêm để cho chúng sanh trong hư không pháp giới nghe. Thông báo ấy nói rằng:

“…………………………….

… chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể. Là đệ tử của Phật, hôm nay chúng ta may mắn được nghe Phật pháp, đương nhiên cần phải chiếu cố đến chúng sanh ở tận hư không pháp giới, nhất là những oan gia trái chủ của mình trong nhiều đời nhiều kiếp.

Con người đến lúc lâm chung, những oan gia trái chủ sẽ thường hiện thành những người thân thuộc đã qua đời của quý vị để đến tiếp dẫn, đến để trả thù, thanh toán quý vị, đến đánh phá quý vị và làm chướng ngại, không cho quý vị vãng sanh về nơi tốt lành. Oan oan tương báo như thế đến lũy kiếp cũng không thể cùng tận. Thật là khổ không kể xiết!

Ngày nay chúng ta may mắn hiểu rõ và giác ngộ thì phải dùng cái tâm chí thành để hóa giải tất cả mọi oan kết. Cầu chư Phật, Bồ-tát gia hộ, khiến cho họ cũng có cơ duyên nghe được Phật pháp, hầu hóa giải những đối nghịch oan trái, hóa thù thành bạn, hóa oán thành thân, từ đây trở về sau mãi mãi là bạn đạo trên đường Bồ-đề để đồng thành Phật đạo và cùng nhau cứu độ chúng sanh.

Phàm là những người cầu học, chỉ cần chúng ta bắt tay vào việc liền có thể khiến cho tất cả chúng sanh trong pháp giới được nghe pháp và đạt lợi ích. Vì sao chúng ta lại không cùng nhau bắt tay vào việc? Nghĩa là mỗi đêm phát thanh về Phật học giảng thuyết, để từ đó có thể rộng độ chúng sanh đang khổ nạn đều có cơ hội thính pháp nghe kinh, để rồi được cùng nhau bước lên con đường lìa khổ đạt vui, cuối cùng là phát nguyện cầu sanh thế giới Tây-phương Cực-lạc, thoát khỏi cảnh khổ của lục đạo luân hồi.……………………………”

Đây là một đoạn thông báo cho đồng tu của riêng Hội Tịnh Tông Thế giới đêm đêm mở kinh pháp để cho tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới tới nghe, hầu giúp họ giác ngộ, hóa giải oan gia trái chủ, hóa giải kiếp nạn thế giới. Chương trình này lấy giảng ký kinh Địa Tạng làm chính.

Chúng sanh này là tất cả hữu tình trong pháp giới, có thiên địa, quỷ thần, yêu ma, oan gia trái chủ, v.v… Người nào có tâm cải ác làm lành thì tới, người nào không có tâm hướng thiện thì tự họ lánh xa. Tất cả Yêu, Ma, Quỷ, Thần, v.v… cũng là chúng sanh trong pháp giới, có người cũng biết tu hành, có người không tu. Người không tu họ thích hợp những chỗ không thờ Phật, người biết tu họ tìm về những nơi thờ Phật để hộ trì. Như vậy, nhà nào có chân chánh thờ Phật thì sẽ có Thiên Thần, Hộ-Pháp bảo hộ, chúng ta đâu cần lo đến chuyện người đến kẻ đi!

Phật dạy “Y báo theo chánh báo chuyển”. Y báo là môi trường chung quanh, chánh báo là chính mình. Tâm mình biết thành tâm tu hành thì tự nhiên chuyển hóa hoàn cảnh chung quanh. Ý tưởng, hành động, môi trường, con cháu, hàng xóm, người thân, đạo hữu, và ngay cả chúng sanh trong hư không pháp giới cũng từ từ chuyển hướng thuận theo người tu hành. Cho nên, càng tu hành càng có công đức, một là cứu mình, hai là cứu được những người chung quanh.
Cũng nên chú ý một điều, thông báo bên trên có một đoạn khai thị rất quan trọng:

“… Con người đến lúc lâm chung, những oan gia trái chủ sẽ thường hiện thành những người thân thuộc đã qua đời của quý vị để đến tiếp dẫn, đến để trả thù, thanh toán quý vị, đến đánh phá quý vị và làm chướng ngại, không cho quý vị vãng sanh về nơi tốt lành…”.

Niệm Phật cầu vãng sanh Tây-phương Cực-lạc thì vị tiếp dẫn ta là Phật A-di-đà, hoặc có đủ Tây-phương Tam Thánh, hoặc có chư Thánh chúng Tây-phương. Nghĩa là chư vị Bồ-tát hoặc Thánh chúng cõi Tây-phương tùng theo đức A-di-đà đến tiếp dẫn. Khi đau bệnh, ta quyết một lòng niệm Phật cầu Phật A-di-đà đến tiếp độ, đừng nên xao lãng. Ngoài A-di-đà Phật ra không được đi theo bất cứ một vị nào khác. Nếu không chú ý điều này, rất dễ bị oan gia trái chủ gạt mình vào cái bẫy của họ để trả thù, ví dụ như hóa thành ông tiên, bà chúa, ông bà, cha mẹ, v.v… tới rủ mình đi theo. Nên nhớ bất cứ trường hợp nào ta vẫn cứ bình tĩnh, đừng nghĩ tới họ, đừng nhìn tới họ, một lòng niệm Phật thì có thể hóa giải tất cả vậy.

Thôi, xin cha má và anh chị em hãy đọc lại thư này thêm lần nữa. Đường thành đạo đang ở trước mắt. Cơ hội giải thoát đang có trong vòng tay. Chơn tín lời Phật dạy, thiết nguyện vãng sanh Tây-phương, một lòng thành tâm niệm Phật thì từ đây ta bắt đầu thành Phật, một đời này thành Phật chứ không cần đợi đến đời sau. Nguyện cầu cho thiện căn phước đức của mọi người hiển hiện để cơ duyên đều được tròn giải thoát.

A-di-đà Phật,
Con kính thư.
(Úc châu ngày 12/01/04).

Kinh Lăng Già Mật Nghiêm chép: “Thà khởi cái thấy ‘Có’ như núi Tu-Di, đừng khởi cái thấy ‘Không’ dù chỉ bằng hạt cải”. Cái thấy ‘Có’ nghĩa là tin nhân quả, giữ tư tưởng Phật. Khởi thấy như thế được sanh về cõi Tịnh-độ Cực-lạc, nên bảo: “Thà khởi thấy Có”.

Khởi thấy ‘Không’, nghĩa là bài bác nhân quả, hủy báng niệm Phật. Khởi thấy như vậy chắc chắn sanh vào A-tỳ địa ngục, nên răn bảo: “Đừng khởi thấy không”. Đây là điều đáng sợ vậy!

(Kinh Niệm Phật Tam Muội – Bảo Vương Luân).