Lúc các vị lâm chung, nếu thấy Phật A-di-đà,
Quán Âm, Thế Chí đến tiếp dẫn thì yên tâm mà đi với các Ngài, chắc chắn không
phải là giả.(PS Tịnh Không).
Cháu Truyền thương,
Cậu định viết thư cho cháu thật lâu rồi,
nhưng đến nay mới bắt đầu được, có lẽ cháu chờ nóng ruột lắm, nhưng vì lý do
đặc biệt cậu không biết làm sao hơn! Đầu thư cậu phải nói lời xin lỗi cháu. Cậu
xin cầu chúc cháu và gia đình vui, khỏe.
Cháu viết thư hay lắm, tâm ý thành khẩn làm
cậu cảm động. Cháu viết một thư, rồi tiếp một thư nữa và cẩn thận chép luôn cả
một bài báo, ấy thế mà cậu không hồi âm kịp thời, cậu thật có lỗi. Đọc thư
cháu, cậu rất vui và cảm mến tính tình của cháu. Câu chuyện của cháu phát hiện
khá lý thú, giúp cho cậu biết thêm tin liệu quý báu. Câu chuyện cháu kể là em
bé Hà Thị Khuyên ở làng Buốc, xã Lâm-Phú, huyện Long-Chánh, là người đầu thai
trở lại. Có lẽ đây là lần đầu tiên cháu gặp chuyện này cho nên xem ra cháu có
khá nhiều cảm xúc, cháu viết: “...khi đọc bài viết trên cháu có một cảm giác lạ
lắm, vừa nôn nao, vừa hồi hộp vì khẳng định trong lòng cháu có một quyền lực
siêu nhân nào đó. Quyền lực đó vừa an toàn, vừa đe dọa cháu ngay trong giấc
ngủ...”.
Cháu ạ, điều trước tiên cậu muốn nói với
cháu là hãy giữ bình tĩnh, vẫn ăn ngủ, vẫn làm việc bình thường như từ trước
tới giờ. Cái cảm giác của cháu dù lớn hay nhỏ, dù an toàn hay đe dọa, thì đó
cũng chỉ là cái cảm giác do tự cháu tạo ra. Về mặt tâm lý thì đây giống như một
sự mất thăng bằng đột xuất, một phản ứng quá mạnh của tinh thần khi chứng kiến
một điều gì quá lạ lùng xuất hiện. Cứ để tự nhiên, từ từ nó trở lại bình
thường.
Tuy nhiên đứng về mặt Phật học thì đây là
một phát hiện đặc biệt, khá hay chứ không có gì trở ngại. Nói về tâm thức của
con người chúng ta có tám loại, loại tâm thức thứ tám gọi là thức “A lại da”,
nó tàng chứa tất cả mọi thứ, mọi việc. Nói chung, tất cả những hiện tượng gì đã
từng xảy ra với mình trong nhiều đời nhiều kiếp đều được tích giữ ở đó không
bao giờ mất. Thức này cũng được gọi là: tiềm thức, tàng thức, nhiễm thức,
v.v... nó là cái chỗ chứa đủ mọi thứ trong tâm hồn của con người (hay sinh
vật). Khi phát hiện được chuyện người chết đầu thai trở lại làm cho cháu cảm
xúc quá mạnh, thì cảm xúc này không phải do câu chuyện lạ tạo nên. Ngược lại,
đây chính là sự việc quá quen thuộc đã có trong tiềm thức của cháu mà bao lâu
nay cháu vô tình bỏ quên đó thôi. Vì quá quen thuộc cho nên cháu mới rất nhạy
bén về chuyện đó. Cậu đưa ra một số ví dụ khác tương tự, có nhiều người rất xa
lạ vừa gặp mình cứ tưởng là rất quen, có người vừa mới gặp thì thấy mến liền,
cũng có nhiều lúc vừa mới thấy thì ghét không chịu được. Có những nơi mình chưa
từng đi qua nhưng mới nhìn thì thấy quyến luyến như quê hương cũ của mình vậy,
v.v... Tất cả những hiện tượng này là bình thường, là quen thuộc chứ không phải
lạ. Nói rõ hơn, là trong đời trước, kiếp trước mình đã từng quen biết, từng
liên hệ tới. Tất cả những cảm xúc đó đều do phản ứng của chính tiềm thức của
chúng ta sống dậy mà thôi.
Trong đường đời xuôi ngược khắp nơi, cậu gặp
khá nhiều trường hợp như vậy, nhất là đạo tràng niệm Phật. Ví dụ như có người
lần đầu tiên đọc đến kinh Phật họ cảm thấy quá quen, đọc vài hôm tự nhiên thuộc
lòng. Có người vừa nghe câu Phật hiệu họ cảm động rơi nước mắt, hoặc mới niệm
một vài câu tự nhiên họ bật khóc nức nở không kềm chế được, ngược lại cũng có
người vừa nghe tiếng niệm Phật thì họ vui như được trúng số vậy. Đây chính là
trong tiền kiếp họ đã có tu hành, có niệm Phật, nhưng vì một lý do nào đó họ
mất phần giải thoát... Trong đời này, tâm tư của họ luôn luôn muốn được giải
thoát nhưng vì sự đời ràng buộc, cuộc sống bận bịu, làm cho họ quên lãng qua
thời gian. Khi gặp lại cơ duyên, họ mừng đến rơi nước mắt, không nói được nên
lời, nhiều lúc quá đỗi sung sướng mà khóc nức nở. Trong kinh Vô Lượng Thọ, có
nguyên một phẩm Phật nói về điều này, và chính cậu từng thấy được nhiều sự
chứng minh rõ ràng như vậy. Khi cháu biết được một chuyện luân hồi liên quan
đến Phật giáo mà có cảm xúc mạnh chứng tỏ đời kiếp trước cháu có tu học Phật,
có niệm Phật. Điều này rất tốt chứ không có gì e ngại, chỉ có “an toàn”, không
có gì “đe dọa trong giấc ngủ” như cháu nói đâu.
Tuy nhiên, cháu cũng nên nhớ, đừng nên để cảm xúc này phát triển mạnh quá sẽ
không tốt về sau. Vì cảm xúc mạnh làm cho tâm hồn mình thường mất bình tĩnh,
không được thanh tịnh, lâu ngày nó đưa đến tác hại khác. Nhiều người tu học
Phật khi đắc được vài cảnh giới tốt, nhưng vì họ quá mừng, không kềm chế được
sự sung sướng, không chịu giữ tâm hồn thanh tịnh, thành ra họ bị thiệt hại vì
đã sơ ý mở cửa cho thế lực tà vạy bên ngoài đi vào phá hoại. Sự giải thoát vì
vậy mà đành phải chịu mất, để cho đời này gặp lại mới sinh ra cảm giác vừa sung
sướng vừa ân hận đến nghẹn ngào rơi nước mắt!...
Bây giờ cậu bắt đầu đi vào câu hỏi, những
câu hỏi của cháu rất hay, muốn giải thích tường tận khó có thể trong một lá thư
ngắn ngủi mà xong được. Cho nên cậu cứ viết được tới đâu hay tới đó, rồi thư
tới mình tiếp tục. Cũng nhắc một điều, ở đây cậu hơi ít thì giờ viết thư cho
nên trả lời thường chậm, nhưng hễ có thư thì có trả lời, sớm hay muộn tùy theo
hoàn cảnh nghen cháu.
Hỏi 1, “Cậu có tin chuyện chết đầu thai lại của phóng viên Nghĩa Tâm nêu ra hay
không?
Trả lời: Cậu tin. Dù cháu không kể câu
chuyện này thì cậu cũng tin là có sự tái sanh, đừng nói chi câu chuyện này có
bằng chứng cụ thể, có địa điểm, có hình ảnh, có công an địa phương xác nhận.
Những mẫu chuyện tái sanh nhiều lắm, nhưng vì cuộc sống bận bịu, không ai bỏ
công đi sưu tầm những tin tức này làm chi, cho nên chúng ta chỉ thoang thoáng
nghe qua trong lúc rảnh rang, tán gẫu. Ở đây, câu chuyện của cháu Hà Thị Khuyên
ở làng Buốc được đưa lên báo, thành một vấn đề đem ra để thử thách cho các nhà
khoa học thì cũng là một điều hay!
Chết rồi tái sanh trở lại là chuyện có thực đó cháu. Chính cháu, chính cậu, tất
cả mọi người, ai cũng đã chết rồi mới đầu thai trở lại đời này. Một đứa bé mới
sanh ra có nghĩa là trước đó, lâu hay mau tùy theo, đã chết ở đâu đó rồi mới
đầu thai trở lại. Đây là sự thật không thể chối cãi được. Chắc chắn không một
người nào tự nhiên sanh ra mà không có đời trước. Nói rõ hơn, cái thân thì từ
trong bào thai sinh ra, còn linh hồn gá vào cái thân thể đó thì đã sống qua vô
lượng kiếp rồi. Hơn thế nữa, không phải chỉ có người mà chó, mèo, heo, gà,
v.v... tất cả mọi sinh vật đều chết đi sanh lại nhiều đời nhiều kiếp và sẽ còn
tiếp tục như vậy. Ở trong lục đạo này, chúng sanh phải chịu sanh tử luân hồi là
điều không thể tránh được.
(Sẵn đây cậu cũng nói thêm một chút về danh
từ “Kiếp” và “Đời”, nó có nghĩa khác nhau, nhưng người ta thường dùng lẫn lộn.
Nếu không cần chi tiết quá thì sao cũng được, nhưng nếu muốn đi sâu hơn vào
Phật pháp thì “Kiếp” và “Đời” không nên lầm lẫn. “Đời” là chỉ cho khoảng thời
gian một con người từ lúc sanh ra cho đến khi chết. Đời có dài, có ngắn, tuổi
thọ mỗi cảnh giới mỗi khác, ở quả địa cầu của chúng ta hiện nay trung bình cỡ
70 tuổi. Còn “Kiếp” thì tùy theo sự phân biệt thời gian mà chia thành nhiều
loại kiếp khác nhau. Theo Trí Độ Luận thì kiếp có tiểu kiếp, trung kiếp, đại
kiếp. Tuổi thọ của con người qua mỗi thời kỳ có sự thay đổi, từ thời tuổi thọ
con người chỉ có 10 tuổi, cứ 100 năm thì tăng lên một tuổi, tăng cho đến 84
ngàn tuổi thì thành một “Kiếp Tăng”. Lại từ 84 ngàn tuổi, cứ mỗi 100 năm tuổi
thọ giảm xuống một tuổi, giảm cho tới khi chỉ còn 10 tuổi, đó là một “Kiếp
Giảm”. Kiếp chúng ta đang sống đây gọi là “Hiền Kiếp”, và đang ở giai đoạn kiếp
giảm. Cứ một “Tăng” một “Giảm” thành một “Tiểu Kiếp”. 20 tiểu kiếp thành một
“Trung Kiếp”. Bốn trung kiếp là: Thành, Trụ, Hoại, Không thì thành một “Đại
Kiếp”. Như vậy, 1 đại kiếp = 4 trung kiếp = 80 tiểu kiếp. Thời gian này rất
dài).
Con người, vạn vật sống trên thế gian này đều bất tử, chứ không phải chỉ vỏn
vẹn mấy chục năm rồi hết. Sau khi chết, ta vẫn tiếp tục sống ở một thế giới nào
đó chứ chắc chắn không mất. Ví dụ, như cách đây hơn 10 năm có cô gái tên là Chuẩn
con bố Liêm bị chết ở tại làng Vần là sự thực. Nhưng sự chết này là cái xác của
cô Chuẩn chết, chứ chính cô Chuẩn đã đầu thai trở lại thành cô Khuyên tại làng
Buốc và cô Chuẩn tiếp tục sống với cái thân thể của cô Khuyên ở một địa phương
khác, cha mẹ khác, hoàn cảnh khác. Tất cả mọi người chúng ta đều luân chuyển
tương tự, một lần chết là chuẩn bị một cuộc sống mới, cứ tiếp tục mãi như vậy.
Cuộc sống của đời sau có thể tốt hay xấu tùy thuộc vào cách sống của đời này,
đời này làm thiện thì đời sau được tốt, đời này làm ác đời sau sẽ gặp chuyện ác
xấu. Đó là định luật nhân quả không chừa một ai. Con người dù có tin hay không
vẫn phải chịu như vậy.
Muốn biết những bí ẩn của đời sống, những gì
xảy ra sau khi chết, thì kinh sách của Phật giáo Mật-tông bên Tây Tạng nói rất
rõ. Các vị Thượng Sư Mật-Tông bên Tây-Tạng trước khi chết họ có khả năng định
được sự tái sinh trở lại và dặn dò đàn hậu bối của họ chờ khi nào đứa bé tái
sanh đó vừa đủ khôn, thì đi tìm nó về tôn lên làm sư phụ, sự việc thường xuyên
xảy ra bên Tây-Tạng. Sống họ hành đạo, chết họ nguyện tái sanh trở lại để tiếp
tục phục vụ cho đạo, cứu giúp chúng sanh. Những vị Thượng Sư tu hành tốt, công
phu cao, định lực vững mạnh, họ có thể định hướng, chọn lựa được cha mẹ, hoàn
cảnh, nơi chốn để tái sanh đời sau. Nhiều khi sự tái sanh không ở cùng một nước
mà sanh ở nước ngoài, khác ngôn ngữ. Những đứa bé này khi sinh ra thường có
những nét đặc biệt của người lớn, có thể nhớ rất nhiều chi tiết của đời trước,
nhờ vậy mà phái đoàn mới nhận ra vị thượng sư tái sanh, đứa bé cũng sẵn sàng đi
theo họ về làm sư phụ. Đây là chuyện có thực.
Tây-Tạng là xứ sở huyền bí, hầu hết dân
chúng đều tu theo Phật giáo Mật-Tông. Ở đó họ có những phép chiêu hồn rất lạ,
khi một người chết các vị Sư thường lập những đàn tràng rất đặc biệt để hướng
dẫn thần thức đi đầu thai. Cảnh giới của thân trung ấm vô cùng huyễn hóa và
hiểm trở, và những phép chiêu hồn thường thiết lập rất cẩn thận, rất thần bí!
Chỉ có vị Sư chủ đàn mới hiểu thấu những bí ẩn bên trong mà thôi!
Hiện nay, một trong những người tái sanh nổi
tiếng nhất trong Phật giáo Tây-Tạng có lẽ là ông Sogyal Rinpoche, hậu thân của
Terton Sogyal. Terton Sogyal thuộc về bậc thầy của vị Dalai Lama thứ 13. Sogyal
Rinpoche đã đi khắp nơi trên thế giới giảng giải về Phật giáo Mật-Tông. Rất
nhiều sách của ông nói về sự bí ẩn của sự sống và chết được giới Phật giáo
Tây-Tạng quý trọng.
Riêng cậu, cậu gặp được Phật giáo bằng câu A-di-đà Phật, cậu thâm nhập vào Phật
pháp bằng câu A-di-đà Phật, cậu thấy được con đường giải thoát trọn vẹn trong
câu A-di-đà Phật, vô lượng công đức đều có trong câu Nam-mô A-di-đà Phật. Thấy
vậy, cậu quyết lòng một đường niệm Phật để vãng sanh về cảnh giới Tây-phương
của Phật A-di-đà. Hầu hết thời gian trong ngày cậu dành để niệm Phật, cho nên
không đủ thời giờ để nghiên cứu những thuyết lý hay pháp môn khác. Vì nghiên
cứu nhiều thì tâm hồn khó thanh tịnh, mất nhiều công phu, khó vãng sanh.
Hỏi 2: Tại sao cô Khuyên biết được rõ ràng
chuyện của đời trước?
Trả lời: Thông thường khi chết, thần thức
của con người lìa khỏi thân xác và sống “vất vưởng” trong một cảnh giới gọi là
“Trung ấm”. Cảnh sinh hoạt của trung ấm rất căng thẳng đã làm cho thần trí mệt
mỏi, đến khi đi đầu sanh thì thần thức nhập vào thai, nằm trong thai thì hoàn
toàn bị mê, khi sanh ra thì ký ức bị xóa sạch, không còn nhớ được những gì
trước đó. Thế nhưng có một vài trường hợp đặc biệt, con người có thể còn nhớ
lại quá khứ, như chuyện cô Khuyên chẳng hạn. Có lẽ vấn đề này khá bí ẩn, và
phải giải thích “khéo léo”, chứ không thể nói chắc chắn như 2 x 2 = 4 được. Ở
đây cậu cố gắng giúp cho cháu sáng tỏ dần vấn đề hơn mà thôi.
Trước tiên hãy bắt đầu tìm hiểu từ cái thân
xác, chúng ta ai cũng có một cái thân sinh ra, lớn lên, rồi chết. Đó là thân
“Bản hữu”. Còn chung quanh sự chết và tái sanh, ta trải qua ba thân:
1) Thân tử ấm (hay còn gọi là tử hữu);
2) Thân trung ấm;
3) Thân sinh ấm.
Cái thân xác của mình lúc chết gọi là “Thân
Tử Ấm” hay “Tử Hữu”. Sau khi chết, thần thức của ta đi đầu thai, cái thai đó là
“Thân sinh ấm”. Còn “Thân Trung Ấm” là sự sống ở giữa khoảng thời gian chết và
đầu thai trở lại.
Ví dụ cho dễ hiểu, cô Chuẩn bên làng Vần
chết rồi đầu thai lại thành cô Khuyên bên làng Buốc, thì thân tử ấm chính là
thân của cô Chuẩn lúc lâm chung, thân sinh ấm là bào thai sinh ra cô Khuyên,
thân trung ấm là cái thần thức của cô Chuẩn sống vất vưởng theo đám tang cho
đến khi cô “nhảy vào” cái túi có hơi ấm của chị Sơn và nằm thiếp ở đó. Hiện
nay, thì cô Khuyên là thân bản hữu của cô, nhưng tương lai thì cô Khuyên sẽ là
thân tử ấm cho một cuộc chết khác. Chết rồi thì rơi vào trung ấm và sẽ đầu thai
vào một thân sinh ấm mới. Sống chết, chết sống... tiếp tục như vậy đến vô cùng
vô tận.
Thân trung ấm là một danh từ khái niệm, chứ
thật sự đây không phải là thân xác, mà chỉ là cái dạng của trí tưởng do tâm
thức biến hiện ra. Thân trung ấm cũng có đầy đủ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân, ý), họ vẫn nghe thấy được chúng ta, hiểu được những sinh hoạt chung
quanh, nhưng không thể nói chuyện với người sống được nữa. Ngược lại, mắt chúng
ta bình thường không thấy được họ. Thân trung ấm không còn bị lệ thuộc vào xác
thịt, không thể bám vào vật chất, cho nên họ có thể đi xuyên qua tường, qua cây
cối, bay là là trên mặt đất được. Tùy theo nghiệp thức nhẹ hay nặng, thần trí
trung ấm có thể nhạy bén hơn lúc còn sống nhiều hay ít.
Điều dễ hiểu nhất về thân trung ấm là giấc
ngủ. Có thể nói, trước lúc ngủ là thân tử ấm, trong giấc ngủ là trung ấm, khi
thức dậy là thân sinh ấm. Trong giấc ngủ sự sinh hoạt của con người cũng tương
tự như sự chết vậy. Khi ngủ ta thường nằm chiêm bao, ác mộng... Trong giấc mộng
ta thấy có đủ cả các thứ giống như thật, nhưng đó chỉ là hiện tượng xảy ra
trong sự tưởng của tâm thức. Nói cách khác, đây là sự sinh hoạt của cảnh giới
trung ấm. Thân trung ấm thuộc về âm; thân tử ấm và sinh ấm thuộc về dương, âm
dương khó có thể tiếp xúc trực tiếp với nhau. Cho nên, thần thức của người chết
nếu muốn liên lạc với người thân còn sống thì phải chờ tới đêm đến, khi người
thân ngủ mê, mới tiếp xúc được, ta gọi là nằm mơ, ứng mộng, chiêm bao, v.v...
Trải qua cơn mộng, khi tỉnh dậy thông thường con người chỉ nhớ lại lờ mờ những
gì xảy ra trong giấc ngủ. Tuy nhiên cũng có đôi lúc, nhờ tâm hồn minh mẫn, họ
nhớ lại rất rõ và có thể kể lại khá chi tiết.
Thân trung ấm có màu sắc, đôi khi mắt thường
chúng ta có thể thấy được. Ví dụ, những người niệm Phật vãng sanh Tây-phương
Cực-lạc lúc lâm chung thường có phát ra ánh sáng, đó có thể là ánh sáng của
thần thức thoát ra khỏi thân xác để vãng sanh. Những người vãng sanh phẩm vị
cao, có nhiều chư Thiên đến tiễn, chư Thánh Chúng, chư Bồ-tát ở cõi Tây-phương
đến tiếp dẫn. Thân của quý Ngài đều có ánh sáng, có hương thơm, cho nên người
ta mới ngửi được mùi hương và thấy ánh sáng rất tỏ là vậy. Những người tu hành
tốt, ăn ở hiền lành thì nghiệp của họ nhẹ, thần thức của họ tỉnh táo, trong
sạch, ánh sáng sẽ trong trắng và sáng tỏ. Hiện ở Đài Loan có một vị Hòa-thượng
năm nay trên 140 tuổi, vẫn còn khỏe mạnh, lúc nào chung quanh Ngài cũng có ánh
sáng trong vắt bao quanh, có thể chụp hình được. Chính cậu đã nhìn thấy được
tấm hình này. Sống thiện lương, thanh tịnh thì thần thức được linh mẫn, nhờ thế
có thể nhớ được nhiều chuyện trong quá khứ. Ngược lại, người sống thường làm
nhiều tội lỗi, tâm hồn xấu ác thì khi chết linh hồn bị ô trọc, nặng nề, thần
thức bị mê muội, bị khủng bố, ánh sáng sẽ đen tối hoặc u ám. Sau khi chết sẽ bị
đày vào các nẻo khốn khổ, xấu xa, chịu hình nạn.
Thời gian cho thân trung ấm sinh hoạt thường là 49 ngày. Cũng có những trường
hợp đặc biệt nhanh hơn hoặc chậm hơn. Trong 49 ngày, cứ chu kỳ bảy ngày thì
thân trung ấm lại bị hành đến bất tỉnh một lần, giống như một lần “chết” nữa
vậy, cho đến bảy lần thì được xác định vị trí, (cho nên khi chết người ta
thường cúng cầu siêu bảy tuần là vì lý do này). Trong suốt thời gian trung ấm,
thần thức bị trải qua rất nhiều những cảnh giới hãi hùng, ghê sợ, tất cả đều do
vọng tưởng của chính họ tạo nên. Người biết tu hành, tâm hồn thanh tịnh, thần
trí họ định cho nên họ có thể phân biệt được thực giả và tự chọn lấy cảnh giới
tốt để đi. Người không tu, tạo nghiệp nhiều thì thần thức bị dồn vào từ trạng
huống khủng bố này đến khủng bố khác, đến sau cùng tất cả đều bị mê mệt, đành
lặng lẽ trôi theo nghiệp lực để trả nghiệp. Có nhiều trường hợp vì mê muội hoặc
quá sợ hãi cho nên thần thức mới xông vào những chỗ vô cùng nguy hiểm để nấp mà
họ không hay, hoặc là tiếp tục chạy trốn những ảo giác để sau cùng đuối sức bị
quay cuồng như chiếc lá trong những cơn lốc của nghiệp lực (gọi là nghiệp
phong/ gió nghiệp), để thọ nghiệp (gọi là nghiệp cảm). Đâu ngờ tất cả những
hình ảnh hãi hùng chỉ là sự chiêu cảm từ những việc làm ác hoặc do lòng tham
luyến hão huyền khi còn sống tạo nên mà thôi.
Ở trong cảnh trung ấm càng lâu càng bị hại,
vì thần trí bị nghiệp lực nó đánh phá càng thê lương, sau cùng phải bị mê man
bất tỉnh. Cô Chuẩn chết, chỉ có một vài ngày thì đầu thai liền, đây là điều khá
may mắn. Có lẽ đây là một trong những nguyên do giúp cho cô Khuyên còn nhớ rõ
được đời trước của cô ta. (Hẳn nhiên còn nhiều nguyên nhân khác, thư sau cậu
phân tích thêm).
Trong bài báo có một chi tiết do cô Khuyên
kể lại rằng, “...hôm đưa đám ma của cháu ở bên làng Vần, có một chị ngồi bên
đường nói là thương cháu quá. Cháu vội nhảy vào chiếc “địu” (?) của chị ấy. Từ
hôm đó cháu đầu thai vào nhà chị...”. Như vậy, cô sống trong cảnh trung ấm quá
ngắn, chưa thọ nhiều những cảnh hãi hùng qua từng bảy ngày một để nhận chịu án
lệnh của nghiệp lực. Khi chết cô ta mới có 7 tuổi, còn quá trẻ, chưa làm điều
gì ác, nghiệp nhẹ, chưa có oan gia trái chủ phá hoại... cho nên thần trí vẫn
còn linh mẫn. Thêm vào đó, cũng có thể thần thức của cô ta lúc đó chưa biết là
mình đã chết, vì cái chết quá đột ngột, với lứa tuổi còn thơ ngây cô ta cứ
tưởng như đang nằm mơ, đang bị lạc đường, chơi vơi, lạnh lẽo... bỗng thấy cái
chỗ ấm áp quá thích hợp để trú ngụ, cô nhảy đại vào đó để trốn. Vô tình cô đã
đi đầu thai mà không hay. Nếu đúng như sự phân tích này, thì lời nói như: “đưa
đám ma của cháu”, hoặc là: “Từ đó cháu đi đầu thai vào nhà chị ấy” là câu sau
này cô ta diễn tả lại sự việc trước mà thôi, chứ lúc đó có lẽ cô ta không biết
đến tiếng “đưa đám ma”, hay “đi đầu thai” đâu. Trong suốt chín tháng mười ngày
nằm trong bào thai thì giống như một giấc ngủ mê. Đối với tuổi trẻ, linh tánh
nhạy bén và sáng suốt, có thể chính vì vậy mà cô nhớ được đời trước.
Đầu thai sớm giúp ích cho ký ức tốt, nhớ lại
chuyện đời trước có thể phù hợp để giải thích những trường hợp đặc biệt này.
Những vị thượng sư Mật-tông thường sau khi chết là họ phải tìm chỗ đầu thai
liền, nhờ vậy mà giúp cho họ khá tỉnh táo ở đời sau. Giả sử vì một lý do nào
đó, họ bị giữ lâu trong cảnh trung ấm, thì có lẽ cũng trở ngại cho họ khá nhiều
ở đời sau này vậy!...
Sẵn đây cậu nói thêm một chút về cái nghiệp cảm, cháu cũng cần biết qua để sau
này tránh được phiền toái do nghiệp lực dẫn dắt. Trong nhiều thư, cậu thường
nói: “...khi lâm chung nẩy ra một ý niệm sân giận bị đọa địa ngục, một ý niệm
tham lam đi theo ngạ quỷ, một ý niệm ngu si trở thành súc sanh...”. Đây là do
nghiệp cảm. “Nghiệp Cảm” là sự cảm ứng hay còn gọi là sự chiêu cảm của ý
nghiệp. Ví dụ, làm thiện chiêu cảm sự sung sướng, làm ác cảm ứng sự khổ đau.
Khi một ý niệm vừa phát sinh ra thì đây là “cảm”. Có cảm thì có ứng liền. “Ứng”
là ứng đối, đáp ứng. Phương tiện đáp ứng là ngọn gió nghiệp ào tới cuốn lôi
thần thức đi. Ví dụ, mình kêu tên một người, đây gọi là cảm; người đó lên
tiếng, đây là ứng. Đứng giữa một đám đông ai cũng muốn xông tới để kiềm chế ta,
nếu ta kêu tên một người thì người đó được lợi thế trước. Khi chết, thần thức
đang bị bao vây giữa nghiệp lực, nghiệp ma, nghiệp đạo... trùng trùng điệp
điệp. Nghiệp nào nó cũng muốn lôi mình về hướng của nó. Nếu sơ ý ta nổi một ý
sân giận, sân giận thuộc về nhân địa ngục thì tức khắc ngọn gió nghiệp của địa
ngục sẽ thắng thế hơn, nó sẽ tràn tới liền và lôi thần thức thẳng về địa ngục
thọ nạn. Thần thức của ta nhẹ như một chiếc lá không thể nào chống lại nổi cơn
lốc. Tương tự như vậy, khởi tâm tham lam bị lôi về đường ngạ quỷ chịu đói khổ
đời đời; ngu si mê muội thì bị lôi vào các bào thai của loài vật như trâu,
ngựa, chó, mèo, v.v... làm cho đời sau của mình trở thành thú vật, vĩnh viễn
khó có ngày thoát khỏi kiếp nô lệ. Tất cả những cái bẫy này có thể vô tình tới
gần, như trường hợp cái bào thai mới thụ của chị Sơn đến gần bên đám tang của
cô Chuẩn, hoặc do oan gia trái chủ nó cố tình kéo tới chực sẵn, ví dụ chúng dẫn
dụ những loài chó, heo, bò, những con vật vừa mới thụ thai tới lảng vảng gần
bên người chết... Đây là những trường hợp làm cho kiếp sau bị đọa lạc do ý niệm
tạo nên.
Vì những câu hỏi của cháu có liên quan đến
chuyện này, cho nên đây cũng là một cơ duyên cho cháu biết thêm những điều cần
thiết, rất quan trọng để tránh khỏi sự nguy hiểm cho huệ mạng của mình. Để
tránh những sự rủi ro này, thì sống ở đời ta cố gắng tránh những sự tức giận,
bớt tham lam, đừng có những ý nghĩ ngu si dại dột, vì tất cả những điều này sẽ
trở thành quán tính làm cho chúng ta bị hại về sau. (Cháu có thể hỏi cậu An hay
cô Hồng xin những thư khác của cậu viết để hiểu rõ thêm).
Hỏi 3: Có phải mọi người sau khi chết đều
đầu thai làm người trở lại không?
Trả lời: Không. Như trên cháu đã thấy, con
người khi chết xong có thể đầu thai trở lại làm người, làm thú vật, làm ma quỷ,
bị xuống địa ngục. Cũng có thể chuyển thân lên trời, hoặc thoát ly khỏi tam
giới vĩnh viễn không còn bị chết sống nữa. Tuy nhiên thời này khó có thể tìm ra
được người vượt qua tam giới. Hơn nữa, theo như chư vị Cổ đức, Tổ-sư nói, thì
thời này con người chết thường bị đọa lạc rất nhiều, trong đó nhiều nhất là bị
biến thành loài thú vật hoặc bị lạc vào đường ngạ quỷ, hơn là trở lại làm
người. Sở dĩ như vậy là vì mê muội, và lòng tham quá lớn. Còn rơi vào địa ngục
thì càng thê thảm hơn nữa.
Điều này thật sự là một ách nạn rất đau đớn
cho con người ngày nay. Khi không biết thì chúng ta sống bừa bãi, nhưng khi
hiểu rõ về nhân quả luân hồi rồi thì quả thật là kinh khủng. Cứ lấy chuyện cô
Chuẩn làm ví dụ, giả sử lúc đám tang đi ngang nếu không phải là chị Sơn lên
tiếng, mà lại là một con chó cái đang thụ thai sủa lên thì sao? Cô Chuẩn thì
còn quá trẻ, ngây thơ, non dại, thấy cái túi ấm áp, thích hợp và an toàn thì cô
dễ dàng nhảy đại vào để nấp, chỉ như vậy thôi là vô tình đã đi đầu thai thành
chó mà không hay! Một tích tắc mê muội, ngàn kiếp sống trong cảnh ngu si của
loài thú vật. Đau khổ biết chừng nào!
Cháu ạ, thà không biết thì thôi, chứ biết
rồi thì cháu cũng ráng tu hành để thoát nạn. Tìm hiểu giáo lý của đạo thì có
lợi, cũng cần thiết để biết đường đi. Nhưng điều quan trọng nhất là ta có chịu
đi hay không? Trau dồi cái kiến thức thì tốt, nhưng chắc chắn tự nó không cứu
được hiểm nạn tương lai của ta đâu. Cho nên, cậu trả lời thư để cháu hiểu được
những đạo lý xuất thế gian, đây là việc hay, nhưng cái hay này cũng chỉ làm cho
cháu gỡ được một vài thắc mắc, chứ còn những cạm bẫy của nghiệp chướng sanh tử
luân hồi vẫn còn nguyên vẹn! Cháu nên nhớ, hiểu biết chỉ là lý thuyết, muốn
thoát nạn phải thực hành. Cậu lấy thẳng cuộc sống của cháu ra làm ví dụ. Cháu
là một võ sĩ, đã từng thượng đài đấu võ. Muốn thắng trên đài thì cháu phải tập
luyện hằng ngày, chứ còn viết sách võ như cậu thì vác thân lên đài coi chừng
không còn mạng để trở về! Trong thư cháu có hỏi cậu về bộ sách võ, sẵn đây cậu
trả lời luôn. Đúng đó, sau năm 1975 cậu có viết bộ sách võ thuật, viết được 3
tập, mỗi tập dày hơn 400 trang, tất cả cậu đã viết gần một ngàn trang sách. Tập
thứ ba viết chưa xong thì cậu gặp nạn. Có lẽ có khá nhiều người hâm mộ bộ sách,
nên cứ chuyền tay nhau coi mà làm cho nó bị thất lạc! Gần ba năm sau, khi mãn
nạn xong, cậu và một người bạn truy tìm khắp nơi thì chỉ thu lại được tập đầu
tiên. Cậu không còn đủ khả năng viết lại tập sách đó nữa, và đã giao tập đầu
tiên này cho người bạn thân ấy cất giữ. Anh ta là truyền nhân của một môn phái
khá nổi tiếng ở Việt Nam, rất hâm mộ tập sách nên giữ gìn rất kỹ. Giờ đây anh
ta coi nó như một bảo vật và không chịu cho ai mượn coi tới đâu.
Cậu không phải là người giỏi võ, nhưng cậu
lại viết sách võ. Cái lý luận của cậu không tệ, cho nên làm cho người ta lầm.
Có lần ngay cả một vị chưởng môn nhân của phái Thiếu Lâm cũng lầm luôn. Ông ta
ngỏ ý muốn cậu cộng tác với ông để mở võ đường. Nhưng thật sự, làm sao cậu dám!
Thật là quá mắc cỡ!
Cháu thấy sự lầm lẫn tạo ra tai hại chưa?
Cái lý luận hay nó gạt người, không khéo nó gạt luôn cả chính mình. Giống như
chuyện giải quyết sanh tử luân hồi, muốn thoát được nạn mình phải tu hành chứ
không phải lý luận. Tu hành không có nghĩa là phải bỏ nhà, phải cạo đầu xuất
gia, phải ly khai cuộc sống... mà tu là phải biết cách thoát cho được cái cảnh
chết đi sống lại, thoát cho được cái cảnh lang thang lủi thủi, khủng bố, hãi
hùng... của thân trung ấm. Nghĩ kỹ, dễ sợ lắm!
Nhất định phải tìm cách thoát cháu ạ. Nhưng
thoát bằng cách nào? Thư đã quá dài rồi, tạm thời cậu đưa ra ba tiêu chuẩn cần
thiết để cháu biết mà tìm cách thực hiện, còn làm sao thực hiện thì hãy chờ thư
sau cậu nói rõ hơn. Tiêu chuẩn đó là:
1) Tạo thiện căn phúc đức;
2) Làm tiêu nghiệp chướng;
3) Tìm lối thoát thân.
Tạo thiện căn, phúc
đức bằng cách Tin Phật!
Tiêu nghiệp chướng
bằng cách..... Niệm Phật!
Tìm lối thoát thân
bằng cách..... Nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc!
Đó là tông chỉ Tín-Hạnh-Nguyện của pháp môn
niệm Phật, có thể cứu ta, cứu người thân, cứu tất cả chúng sanh trong một đời
này vượt qua khỏi tam giới, thoát được sanh tử luân hồi.
Những tiêu chuẩn này làm dễ dàng. Cậu đang
làm như vậy và khuyên nhiều người nên làm như vậy, ai cũng có thể làm được,
ngay cả cháu vẫn làm được như thường, miễn là có tâm hồn thiện lương, có lòng
thành, biết tin Phật pháp là được.
Vì sao lại dễ dàng vậy? Vì nó không đòi hỏi
một công sức hay tiền bạc gì cả. Cứ thành tâm khuyên người ta tin Phật, còn tin
hay không thì tùy duyên của họ. Khuyên người ta niệm Phật, còn niệm hay không
thì tùy duyên của họ. Khuyên người ta nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc, có đi
hay không thì tùy duyên của họ. Họ tin theo họ được thiện lợi, họ không tin
theo họ đành chịu rủi nhiều hơn may, thế thôi, phải không cháu? Còn ta cứ thành
tâm “khuyên người niệm Phật” là ta đang cứu người rồi vậy.
Thôi chúc cháu an lành, hẹn thư sau trả lời
tiếp.
Thương cháu và gia đình,
Cậu.
(Viết xong, Brisbane
1/3/03).