Anh chị Hai kính thương,
Em vừa mới niệm Phật ba tiếng đồng hồ trong
niệm Phật đường về nhà thì nhận được thư của chị. Đọc thư chị mà em cảm động
quá, biết chị tin Phật và có lòng lo lắng cho Bác. Đây là lòng hiếu thảo đáng
quý của người dâu. “Hiếu dưỡng phụ mẫu” là điều đầu tiên trong 11 điều tu phước
của Phật giáo, nguồn gốc tu học Phật là báo hiếu cha mẹ, phải tận tâm cứu độ
mới được. Cứu người cấp bách như lửa cháy đầu, cho nên xin anh chị Hai quyết
tâm làm ngay những gì em nói. Em đã gởi về anh chị Hai hai lá thư mới nhứt nói
về sự “Hộ-Niệm”, xin đọc thật kỹ, rồi đem về đọc cho cha má nghe. Hãy đọc cho
tất cả anh chị em đều nghe thì tự nhiên biết sẽ làm gì. Hãy chuẩn bị làm ngay
đừng chần chờ. Thời gian không chờ mình đâu! Làm ngay có nghĩa là tự thực hiện
cho chính mình và thực hiện khi có người nhà mình ra đi. Còn như vẫn chưa biết
làm gì thì cho em biết càng sớm càng tốt, em sẽ nói rõ hơn. Em viết cho cha má,
nhưng cũng như cho tất cả những cha mẹ khác, tất cả những người con khác, xin
đừng ngại đọc cho nhau nghe.
Bây giờ em trả lời thư chị, theo thứ tự từ
đầu tới cuối. Thư của chị đặt ra nhiều câu hỏi rất hay, rất cần thiết, thực tế
và khá quan trọng. Trả lời đầy đủ một câu hỏi của chị là có thể xuyên qua cả
một giáo lý thậm thâm vi diệu của Phật chứ không phải đơn giản. Vì thư chị đặt
rất nhiều vấn đề, cái nào cũng cần hết, cho nên thư này em trả lời một cách
tổng quát cho chị có một ý niệm căn bản trước, để chị thực hiện ngay hầu cứu
người trước đã, nhất là bác gái. Rồi sau đó từ từ em viết thư nói sâu hơn.
Hỏi 1: “… Đột nhiên sao lại mê đạo Phật đến
thế, ắt phải có nguyên do. Em đã thấy gì? Chính xác không?”.
Trả lời: Em không mê đạo Phật đâu, mà một cơ
duyên làm em hiểu được Phật pháp. Hiểu chứ không phải mê! Em xin khẳng định với
anh chị là chắc chắn, rõ ràng, dứt khoát rằng pháp Phật cứu được mình khỏi luân
hồi lục đạo chỉ trong một đời này thôi. Chắc chắn như vậy. Đây không phải là
chuyện hoang đường hay mơ mộng như hồi giờ mình cứ tưởng. Chính vì thế, vừa khi
phát hiện được em bừng tỉnh cơn mê muội, nhanh chóng ngày đêm khuyên cha má tức
tốc niệm Phật liền nếu không thì trễ mất. Vì con người trong thời mạt pháp này
đã bị vô minh che kín cho nên đang sống trong mê loạn. Những điều em hiểu thấy
được từ từ anh chị sẽ hiểu, nói không hết trong một thư ngắn ngủi này đâu. Thấy
là thấy hiểu được pháp Phật vi diệu chứ không phải nằm chiêm bao mơ tưởng rồi
thấy như người thích tiền mơ thấy trúng số đâu. Hãy tin Phật! Tin Phật thì niệm
“Nam-mô A-di-đà Phật”, cứ giữ vững một đường tu hành, thì cơ giải thoát đến
ngay trong đời này chứ không xa. Chắc chắn như vậy. Theo yêu cầu của chị, em sẽ
lần lượt giải thích sau. Bây giờ không đủ thời giờ giải thích dài dòng. Em sắp
đi công chuyện xa.
H. 2: “Cha má già rồi, niệm Phật tối thiểu
mỗi ngày bao nhiêu tiếng, từ lúc nào? Chứ niệm suốt sức khỏe đâu mà niệm dữ
vậy?”.
T/L: Niệm Phật không giới hạn bao nhiêu câu,
càng nhiều càng tốt. Đại-Thế-Chí Bồ-tát (vị đứng bên Phải Phật A-di-đà) nói “Đô
nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế... Bất giả phương tiện tự đắc tâm khai”,
nghĩa là thâu nhiếp sáu căn, thanh tịnh niệm Phật liên tục... Không cần nhờ đến
phương tiện gì khác, tâm tự khai mở. Lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý
đều buông xả, đừng để ý tới. Tịnh niệm là dùng tâm thanh tịnh niệm Phật, không
màng danh lợi, thị phi, giàu nghèo, sự nghiệp… gì cả, thì tự nhiên được tâm
khai, nghĩa là đắc đạo, thành Phật, hoặc vãng sanh về với Phật. Niệm Phật càng
nhiều càng tốt, nhưng quan trọng là phải niệm cho sâu, thành tâm, chí thiết.
Nếu niệm nhiều mà tâm loạn xạ, thì cũng vô ích. Niệm Phật chính là tâm niệm chứ
không phải miệng niệm. Niệm nhiều tức là niệm liên tục, không chừa kẽ hở nào để
cho các thứ tạp niệm khác khỏi xen vào. Tạp niệm là vừa niệm Phật vừa chơi bùa,
vừa tin đồng bóng, coi bói, vừa cầu xin quỷ thần… Trong lúc niệm Phật mà nhớ
tới tiền bạc, ơn nghĩa, nợ nần, ganh ghét… để mấy thứ đó xen vào cắt ngang
mình, gọi là tạp niệm. Khi niệm quen rồi thì tự nhiên niệm nhanh. Niệm Phật có
thể niệm thành tiếng, có thể niệm thầm (niệm trong tâm) đều được. Khi tâm mình
bị loạn, bị làm ồn, nghĩ ngợi lăng xăng… thì niệm lớn tiếng để nhờ cái âm thanh
Phật hiệu lôi mình lại. Niệm Phật rất cần niệm RÕ RÀNG TỪNG TIẾNG, KHÔNG ĐƯỢC
NIỆM KÉO NHỪA NHỰA. Tốt nhứt là khi niệm Phật tai mình lắng nghe tiếng mình
niệm. Tất cả tâm ý dồn vào lời niệm thì tâm tự nhiên thanh tịnh, phá được tạp
niệm. Khi tâm đã trở về yên tịnh rồi thì niệm thầm trong tâm rất tốt. Niệm lớn
để phá tạp niệm thì niệm thầm dễ thâm nhập sâu vào tâm.
Như vậy niệm Phật đâu có tốn sức, trái lại
còn để dưỡng được sức nữa là khác. Mình suy tính nhiều chuyện thì bị nhức đầu.
Giận hờn, ganh ghét, tức bực… làm mình khổ sở, ăn uống không ngon, thành ra mau
già yếu. Còn niệm Phật thì tất cả những thứ đó bỏ hết, không thèm để ý, trong
tâm thanh thản nhẹ nhàng thì càng ngày càng khoẻ chứ sao lại mất sức khoẻ được!
Người càng già càng niệm Phật cho nhiều, vì
càng niệm càng khoẻ, tinh thần càng minh mẫn, cuộc sống càng vui tươi và thấy
đời có ý nghĩa, chứ tại sao lại than “sức khoẻ đâu mà niệm dữ vậy”. Người già
mà không hiểu đạo thì họ mù mịt, không biết mai này ra làm sao? Chừng nào chết
đây? Chết rồi đi đâu? Họ lo âu, sợ sệt đủ thứ! Bao nhiêu nỗi khổ tâm nếu không
giải tỏa được thì dễ đâm ra cáu kỉnh, khó chịu, tức giận... Nay gặp pháp niệm
Phật, được Phật A-di-đà gia trì, thấy được hướng đi rõ ràng, được chư Phật hộ
niệm, được nhiều vị Bồ-tát bảo vệ sát bên cạnh mình, không còn lo sợ gì cả. Như
vậy, yếu sức thì niệm Phật tự nhiên sẽ khỏe, già niệm Phật sẽ thấy mình trẻ
trung ra. Tất cả là sự thực chứ không phải nói đùa. Em đã đưa ra rất nhiều
trường hợp chứng minh điều này rồi, sao không chịu nghe theo! Chị về thưa với
cha má mau mau niệm Phật, đừng lười biếng viện đủ lý do thối thác mà ân hận
không kịp đó!...
H.3: “Má của anh Hai em già lắm rồi, nằm im
một chỗ có niệm Phật được không?”.
T/L: Một người đến tuổi già yếu, gần kề ngày
mãn phần thì hơn ai hết họ thấy rõ ràng nhứt sự phũ phàng của nhân thế, cuộc
đời này như trò huyễn hóa, như mộng mà thôi! Thân xác già yếu đang nằm một chỗ
tính từng ngày từng giờ ra đi, thì đời rõ ràng là giấc chiêm bao chứ còn gì
nữa? Thở ra mà không hít vào là xong, thì rõ ràng sẽ tan như bọt nước, nhanh
chóng có khác gì như làn điện chớp!
Khi ở thời điểm bị dồn vào đường cùng, con
người thường phát sinh những bản năng rất mạnh để tự cứu. Cái tự cứu này chính
là sự giải thoát tâm linh. Chính vì thế mà tâm hồn của họ rất dễ tiếp thọ Phật
pháp, rất dễ nhiếp tâm niệm Phật. Ngoại trừ những người tạo nghiêp chướng quá
sâu nặng thì đành phải chịu thua, còn hầu hết nếu gia đình hiểu đạo, tạo điều
kiện thuận lợi cho họ niệm Phật, họ rất dễ được vãng sanh về với Phật. Trong
lịch sử niệm Phật rất nhiều người được vãng sanh chỉ cần một vài ngày niệm
Phật. Điều kiện của đức Phật A-di-đà đưa ra là làm sao trước phút lâm chung
người đó thành tâm niệm được “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật…” 10 câu thôi và chí
thiết cầu sanh về Tây-phương Thế-giới Cực-lạc thì được Phật đến tiếp dẫn liền.
Đây là sự thực, chắc chắn như vậy.
Cho nên, sự giác ngộ của con cái và người
thân trong gia đình là điều rất quý báu để kịp thời cứu người thân của mình.
Như trường hợp của bác, nếu anh Hai tin tưởng, ngày đêm khuyên bác niệm Phật,
khích lệ, an ủi, ủng hộ cho bác an tâm niệm Phật cầu sanh thế giới Cực-lạc, thì
em tin tưởng chắc chắn sẽ thành công. Vì sao? Vì bác hồi giờ ăn ở hiền lành, ít
tạo ác nghiệp, cho nên ít chướng ngại, rất dễ tỉnh ngộ. Hơn nữa có lẽ thiện căn
phúc đức của bác rất lớn, nên mới khiến chị viết thư hỏi em để vào giờ phút
cuối cuộc đời bác có nhân duyên gặp người hướng dẫn về Tây-phương. Chỉ cần
người thân trong nhà nhiệt thành khuyến khích, thành tâm tin Phật thì tự nhiên
có cảm ứng ngay. Nếu anh chị quyết tâm cứu độ bác để ngày mãn phần được vãng
sanh về Tây-phương Cực-lạc, thì công đức lớn lắm, chắc chắn ngày sau của anh
chị tự nhiên có người khác tới cứu. Còn nếu không tin tưởng thì đành chịu thua!
Xin nhắc lại, niệm Phật là để dưỡng sức chứ
không phải hao sức, bác mệt mỏi mà niệm Phật sẽ bớt mệt đi. Người quá yếu có
lúc mê lúc tỉnh, khi vừa tỉnh lại nếu niệm Phật liền thì có thể phá được sự hôn
mê. Người hiểu Phật rất sợ cảnh hôn mê bất tỉnh trước lúc lâm chung. Nếu cứ để
người bệnh ngủ im thiêm thiếp sẽ dễ rơi vào những cảnh giới hung hiểm, thần
thức bị dìm mãi trong ác mộng, không tốt đâu! Bị lôi vào đó rồi rất khó thoát
thân. Hầu hết người không tu hành, không hiểu Phật pháp, không được hướng dẫn
vãng sanh, không có hộ niệm, thường bị trạng thái này uy hiếp. Vì quá sợ cho
nên họ không biết đường chọn lựa, dễ bị rơi vào những cạm bẩy ác dữ. Chui vào
đó rồi thì thua luôn, không cứu ra được!...
Muốn tránh tình trạng này cũng không khó, cứ
một lòng niệm Phật thì được. Em thành tâm khuyên anh chị Hai, chị Chương, ngay
sau khi đọc xong thư này hãy thay phiên nhau gần kề với bác, khuyên bác niệm Phật
và mình tiếp sức niệm phụ. Bác niệm ra tiếng không được thì niệm thầm, khuyên
bác cứ một lòng tưởng Phật A-di-đà, cầu Phật A-di-đà gia trì tiếp dẫn thì tự
nhiên an lành vô sự. Điều quan trọng là nên cố gắng nhép môi nhẹ theo tiếng
niệm để cho tỉnh, đừng nên nằm im lìm niệm thầm sẽ dễ bị buồn ngủ, dễ quên,
thành ra hôn mê.
Người hồi giờ ít niệm Phật, bây giờ bắt đầu
niệm thường mắc cỡ, lười biếng, giãi đãi, khó niệm lắm. Người thân trong nhà
luôn luôn nhắc nhở, khích tấn một thời gian mới được. Khuyên bác buông xả tất
cả, một lòng cầu xin Phật A-di-đà đến tiếp dẫn. Lòng cầu nguyện khẩn thiết,
vãng sanh sớm càng tốt chứ có sao đâu! Tất cả người nhà đều đồng một lòng cầu
nguyện với bác. Khi bác đã chịu niệm Phật rồi thì sau đó dồn nhiều thời gian và
lực lượng để hộ niệm. Nếu nhiều người cùng hộ niệm thì nên có cái khánh để giữ
nhịp cho mọi người cùng niệm hòa với nhau, đừng nên niệm lộn xộn mà có thể gây
rối tâm người bệnh. Ngày nào cũng thay phiên nhau hộ niệm. Em sẽ gởi về cho chị
một máy niệm Phật. Có máy thì niệm theo máy rất tốt. Hàng ngày mở máy niệm Phật
liên tục để bác nhép môi niệm theo, cố gắng thức để niệm Phật và nghĩ tới Phật.
Khi muốn ngủ, phải niệm liên tục cho đến khi thiếp ngủ luôn. Khi thức giấc lúc
nào niệm lúc đó. Đừng sợ mất ngủ mà hãy sợ ngủ nhiều bị mê. Nếu có ý chí vững
như vậy, sẽ thấy khoẻ lại, tỉnh táo lại liền.
Cũng nên chú ý, lúc sắp gần lâm chung đừng
nên mời mấy vị thầy cúng tới tụng kinh cầu an. Không tốt lắm đâu! Vì tụng kinh
là cốt để cho người ra đi hiểu đạo lý trong kinh, ăn năn sám hối tội lỗi, gieo
duyên Phật pháp cho họ. Như vậy, tụng kinh chỉ có kết quả trong những ngày
tháng trước đó khi còn tỉnh táo, còn giây phút lâm chung thì thân thể đau nhức,
tâm thần tán loạn, làm sao còn nghe được lời kinh. Tốt nhứt, tất cả con cái
trong gia đình tụ họp lại, thay phiên nhau, 1 hoặc 2 hoặc 3 người đều được để
hộ niệm, lấy lòng thành tâm cầu Phật gia trì là được.
Một điều quan trọng nữa là nếu quyết tâm cứu độ người thân thì phải cứng rắn
không cho phép người ngoài tới thăm hỏi, an ủi, than thở. Những chuyện này vô
ích, mà ngược lại còn có hại cho huệ mạng người thân của mình. Tốt nhứt dán
ngay một tấm bảng trước cửa phòng “Xin thành tâm niệm Phật, miễn thăm hỏi - Cảm
ơn”. Khách khứa tới tiếp ở phòng khác rồi mời họ về. Cứng rắn đừng vị nể mà ân
hận! Khuyên bác đừng sợ chết, nếu số phần chưa mãn thì chắc chắn qua khỏi cơn
bệnh liền, nếu số phần đã mãn thì dễ được an nhàn ra đi trong quang minh của
Phật, nghĩa là vãng sanh. Được vậy là anh chị Hai đã làm được một công đức rất
lớn, đã trả được một đại hiếu vậy.
H.4: Niệm Phật vào lúc nào? Thời gian bao
lâu?
T/L: Niệm Phật không kể thời gian, không kể
lúc. Đi, đứng, nằm, ngồi, thái rau, bửa củi… đều niệm Phật được. Vừa làm vừa
niệm. Đang nhổ cỏ lúa mà biết niệm Phật thì nhổ mấy mẫu ruộng cũng không biết
mệt. Người niệm Phật phải nhớ câu “Tịnh niệm tương kế”, nghĩa là thời thời khắc
khắc phải bám lấy câu “A-di-đà Phật”. Lỡ quên niệm, khi vừa trực nhớ phải niệm
liền. Ráng giữ tính liên tục của nó để trở thành một thứ nhu cầu sống như phải
thở không thở không được vậy. Niệm Phật cho đến nhập tâm luôn thì tự nhiên lúc
nào trong tâm mình cũng niệm Phật được. Có thế khi lâm chung mình sẽ niệm Phật
được dễ dàng. Nghĩa là, chắc chắn mình được vãng sanh. Đại sư Ấn-Quang, vị Tổ
thứ 13 của Tông Tịnh-độ cho phép niệm Phật ngay trong lúc đi cầu nữa là khác,
nhưng phải niệm thầm.
Nếu có dịp thuận tiện, trong gia đình cũng
nên tổ chức giờ niệm Phật được thì rất tốt. Nên niệm lúc sáng sớm và tối là
thời điểm thích hợp, vừa không mất việc làm ăn, vừa dễ nhóm họp. Buổi sáng sau
khi niệm Phật nên phát nguyện vãng sanh, có thể đọc bài phát nguyện này:
Nguyện sanh Cực-lạc cảnh Tây-phương
Chín Phẩm Hoa Sen là cha mẹ.
Hoa nở thấy Phật chứng Vô-Sanh
Bồ-tát Bất thối là bạn lữ.
Hoặc đơn giản cứ nguyện như vầy:
“Nam-mô A-di-đà Phật, con xin nguyện cầu hết
báo thân này được sanh về Tây-phương Cực-lạc. Ngưỡng nguyện A-di-đà Phật đại từ
đại bi phóng quang tiếp độ”.
Hoặc nguyện đại ý như vậy. Nên chép câu
nguyện thành bài để nguyện thuộc lòng. Khóa tụng chiều thì hồi hướng công đức:
Nguyện đem công đức
này
Trang nghiêm Phật
Tịnh-độ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ.
Nếu có kẻ thấy nghe
Đều phát lòng Bồ-đề
Hết một báo thân này
Đồng sanh nước
Cực-lạc.
Riêng trường hợp anh chị Hai thì sau khi hồi
hướng chung nên thêm phần hồi hướng cho bác:
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng cho mẹ là: “nguyên tên..”
Trên đền 4 ơn nặng… (đọc hết bài luôn).
Thành tâm thì có cảm ứng.
H.5: Sau khi lâm chung làm cách nào cho hợp
với đạo?
T/L: Đọc cho thật kỹ hai lá thư em viết cho
cha má nói về sự hộ niệm trước và sau phút lâm chung, em vừa mới gởi về cho chị
rồi. Quan trọng là tuyệt đối không được ồn ào, bi thương, khóc lóc ở giờ ra đi.
Muốn tránh được chuyện này thì hằng ngày nên thường khuyên niệm Phật cầu nguyện
vãng sanh, bàn luận về chuyện vãng sanh với mọi người để tất cả làm quen cái
“cảnh ra đi”, thì sẽ dễ giữ được bình tĩnh. Khi lâm chung, tuyệt đối đừng đụng
chạm, đừng níu kéo người bệnh, vì sẽ gây đau đớn, rất có hại cho người đi. Lập
một bàn thờ nhỏ thờ hình Tây-phương Tam-Thánh (Di-Đà, Quán-Âm, Thế-Chí) thật
đơn giản trên đầu giường với hoa tươi, một ly nước lạnh, một ngọn đèn là được.
Cần thêm một hình Phật A-di-đà để trước mặt cho người ra đi nhìn thấy mà tưởng
đến. Nếu chỉ có một hình Phật, thì bàn thờ phải để tại vị trí nào mà cho người
bệnh dễ dàng thấy được hình Phật.
Quyết lòng hộ niệm, mọi người phải thành tâm
chắp tay niệm “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật, A-di-đà Phật…” đều đều và nhịp
nhàng, không quá nhanh hoặc quá chậm, không được niệm tự do. Tất cả cùng khẩn
cầu Phật A-di-đà đến tiếp dẫn. Khuyên người bệnh cố gắng nhép môi niệm theo.
Nếu người bệnh quá yếu thì một người thân nhứt lâu lâu rỉ vào tai khuyên, ví
dụ: “ Má niệm Phật, một lòng cầu về Tây-phương. Đừng nghĩ chuyện gì khác! Đừng
sợ gì cả, có chúng con bảo vệ đây, v.v...”. Nên nhớ, nếu thấy cần thiết mới
khuyên một câu, đừng khuyên nhiều quá làm loạn tâm.
Thế nào là cần thiết? Thấy người bệnh phân
tâm, lo chuyện ngoài đề, mê sảng, hoảng hốt, kinh sợ, v.v... người chủ trì hộ
niệm phải ngay lập tức “khai-thị” liền để củng cố tinh thần người bệnh. Giờ
phút lâm chung là tối quan trọng. Mọi người phải tuyệt đối thành khẩn niệm
Phật, khẩn cầu Phật quang tiếp dẫn. Tuyệt đối không được than khóc, không được
làm ồn, không được động đến người bệnh, không được kêu tên. Chỉ có niệm Phật mà
thôi. Khi biết tắt hơi rồi vẫn tiếp tục niệm thêm ít ra cũng phải tám giờ nữa
thì mới được rời.
Dù cho người có được vãng sanh hay không,
người thân cũng phải cẩn thận tối đa bằng cách: con cháu phải tổ chức niệm Phật
tại nhà liên tục 49 ngày để hồi hướng công đức cho người quá cố giải trừ ách
nạn, siêu sanh Tịnh-độ. Nhất thiết không cầu đồng bóng, cầu cơ, dùng bùa ngải.
Chỉ lập bàn thờ Tây-phương Tam-Thánh và niệm Phật luôn luôn, rồi hồi hướng công
đức là được. Lấy tâm thành ra cầu nguyện cho nguời thân, đó là trả cái đại hiếu
đó.
H.6: Nếu những ngày tỉnh táo má niệm, đến
lúc đau nặng không biết gì nữa làm sao mà niệm. Nếu vậy có được Phật rước về
Tây-phương không? Nếu không thì uổng công má tu hành quá!
T/L: Câu hỏi này nghe rất là ngộ nghĩnh!
Niệm Phật mà cũng muốn trả giá nữa sao? Người thành tâm niệm Phật thì ra đi lúc
nào cũng tỉnh táo. Người niệm Phật mà ra đi trong hôn mê là vì niệm Phật không
thành tâm nên không tương ưng với quang minh của Phật, không phá nổi nghiệp
chướng nên bị nghiệp chướng hành hạ tới hôn mê. Có người niêm một hai ngày mà
được an nhiên tỉnh táo đến giây phút cuối cùng là vì họ thành tâm. Có người
niệm nhiều năm mà vẫn bị hôn mê bất tỉnh là tại vì chính họ có vấn đề! Miệng
thì niệm leo lẻo mà tâm thì không tin hoặc niệm thử, niệm thăm dò, hoặc niệm mà
không muốn đi về Tây-phương thì không được phần. Niêm Phật mà tâm cứ chạy ra
ngoài cạnh tranh, ganh tị, ích kỷ, bỏn xẻn, mình niệm Phật mà không muốn người
khác niệm… những người này dù có niệm suốt đời vẫn không được vãng sanh Tịnh-độ.
Như vậy, điều quan trọng là bắt đầu từ hôm nay phải bỏ liền những tính ích kỷ,
nhỏ nhen đi, nhứt thiết chân thành, vững lòng tin tưởng, đừng nghi ngờ nữa, thì
ngày lâm chung dễ dàng được tỉnh táo, được vãng sanh. Kinh Vô-Lượng-Thọ, Kinh
A-di-đà v.v… đều nói rõ ràng như vậy.
Nếu ngày thường bác niệm Phật, lúc đau nặng
niệm không được nữa, điều này có thể rơi vào hai trường hợp. Một là như em vừa
nói ở trên, đã giải quyết rồi. Hai là, vì sức khoẻ quá yếu không cất lời nổi
chứ trong tâm vẫn tỉnh táo. Đây cũng là chuyện thường tình! Vì nghiệp chướng từ
vô lượng kiếp tới giờ nhiều quá, mới niệm Phật ngắn thôi nên phá trừ chưa nổi,
thành thử khi lâm chung phải bị nghiệp chướng phá đám. Không sao! Miễn sao
người bệnh vững tin Phật, một lòng niệm thầm trong tâm liên tục cho đến khi nào
tắt thở thì được đới nghiệp vãng sanh Tây-phương Cực-lạc ở phẩm hạ, nghĩa là
cũng được chứng bất thối Bồ-tát ngon lành. Người hộ niệm đóng vai trò rất quan
trọng trong những trường hợp này, nếu không có người hộ niệm, sợ rằng người ra
đi không đủ sức tự chống chọi với oan gia trái chủ đâu.
“Nếu không thì “uổng” công má tu hành quá!”.
Ý tưởng hơi nghịch ngợm! Còn tư tưởng này thì vĩnh viễn không bao giờ tới được
đất Phật! Hỏi rằng chẳng lẽ không được vãng sanh là “uổng công tu” thì bây giờ
làm ác cho đã nư à? Đi Cực-lạc không được thì nguyện chui xuống địa-ngục cho bỏ
ghét à? Câu hỏi này nên hỏi ngược lại người hỏi rằng: đã có thực tâm muốn vãng
sanh không? Nếu thực tâm thì nên đổi lại là: dù cho khó mấy đi nữa, ta cũng
quyết chí vãng sanh cho kỳ được. Như vậy nghe nó xuôi tai hơn! Đúng không? Học
Phật mình phải tin tưởng quả báo luân hồi, nhân quả quả nhân không thể sai chạy
được. Ác nhơn ác báo, thiện nhơn thiện báo tơ hào không sai.
Niệm Phật dù sao đi nữa cũng là một đại
thiện nghiệp trong đời. Knh Phật dạy rằng, thành tâm niệm một câu phật hiệu có
thể phá trừ 80 ức kiếp nghiệp chướng trọng tội. Chị nghĩ thử, trong đời này chị
làm thiện cách nào để có thể giải được nghiệp chướng tới cỡ đó? Mình bán có hết
gia tài đem ra cúng dường cho Phật cũng chỉ được một chút phước báu hữu lậu mà
thôi, nghĩa là không đổi được một tí nghiệp chướng, còn ở đây chỉ cần chân
thành niệm một câu A-di-đà Phật mà tiêu được 80 ức kiếp nghiệp chướng mà còn sợ
uổng công nữa sao? Muốn có được một thúng lúa phải đi cắt thuê đổ mồ hôi sôi
nước mắt mới có, ở đây chỉ có một vốn tí ti mà thu vào triệu triệu triệu… lời
còn uổng gì nữa?
Ở đây em đang có cuộn băng thâu lại bà cụ
Triệu-Vinh-Phương, 94 tuổi vãng sanh năm 1999. Năm 1994 bà quy y Tam Bảo và bắt
đầu niệm Phật. Bà bị bệnh tim và bao tử trầm trọng, nhưng quyết chí vãng sanh
bà đã chấm dứt uống thuốc, quyết tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Tháng 7/1998
lúc 3 giờ sáng, bà thấy Bồ-tát Quán-Thế-Âm hiện ra trong ánh quang minh. Nửa
tháng sau lúc 4 giờ sáng, giữa không trung quang minh xuất hiện nữa và Đức Phật
A-di-đà hiện thân thọ ký. Bà biết trước ngày giờ vãng sanh trước một năm. Khi
đã được thọ ký, bà buông xả tất cả, mỗi ngày niệm 40 ngàn câu Phật hiệu. Chị
chờ một thời gian ngắn nữa em gởi video về coi để biết thế nào là vãng sanh.
Cho nên tin thì được, không tin mất phần oan uổng!
Sẵn câu hỏi này em xin nói luôn, thực ra công đức của sự niệm Phật bất khả tư
nghì, sự lợi ích không thể tưởng tượng được, cho nên tiếng Phật hiệu được gọi
là “Vạn-Đức-Hồng-Danh”. Cái quý nhất là được vãng sanh Tây-phương, một đời bất
thối thành Phật. Đây là người Tín-Hạnh-Nguyện đầy đủ. Người không tin, nhưng
lại quyết lòng niệm Phật, ngày ngày cầu xin vãng sanh vẫn được về Tây-phương, ở
trong “nghi thành” 500 năm thì hoa sen mới nở, họ mới thấy Phật. 500 năm đâu có
là bao lâu, bị đày trong hoa sen, nhưng ở đó cảnh sống còn sướng hơn ông vua ở
cõi Ta-bà này.
Còn người nào chí thành niệm Phật mà không
muốn vãng sanh, thì theo lời đại nguyện của Phật A-di-đà nói: “Khi Ta thành
Phật, chúng sanh trong mười phương thế giới, nếu nghe danh tự Ta, hoan hỉ tin
vui, lễ lạy kính ngưỡng, dùng tâm thanh tịnh tu các hạnh Bồ-tát, thì đều được
Trời và Người cung kính (N.25). Nếu ai nghe được tên của Ta, thì khi mạng chung
được tái sanh vào nhà tôn quý, các căn không thiếu, thường tu thù thắng Phạm
hạnh. Nếu không được như vậy, ta thề không thành Bậc Chánh Giác” (N.26). Lời
nguyện này diễn tả rõ ràng rằng người nào tin Phật, niệm Phật thì cái giá chót
cũng được sanh vào nhà tôn quý như con vua chúa, tổng thống, giàu có, không tật
nguyền, dễ thích tu các môn thiện lành để sinh về cõi trời Phạm-Chúng Thiên.
Phạm-Chúng Thiên là cõi trời sơ thiền thuộc sắc giới. Vì cái phước báu này quá
nhỏ so với việc vãng sanh Tây-phương cho nên không thường nhắc tới, thành ra
người ta sợ niệm Phật lỡ không được về Tây-phương thì uổng công, chứ có uổng
chút nào đâu. Rõ ràng một vốn triệu lời mà.
Thành tâm niệm Phật thì cái quả tối thiểu ít
ra cũng sinh vào hàng quý gia. Cũng nên nhớ là sanh vào nhà tôn quý thì sướng
đấy, nhưng coi chừng sướng quá thì sanh tệ mà tạo nghiệp thì đời sau lại bị đọa
lạc nặng lắm chứ đừng thấy sướng mà ham! Nguyện sanh về Tây-phương là tối thắng
vậy.
Một người đang chờ chết chìm trong biển khổ,
cá sấu thuồng luồng tứ phía đang nhào tới chuẩn bị xơi gọn, khi đó có một người
bảo đưa tay lên ta cứu lên thuyền cho mà còn dám nói: “Tôi đưa lên lỡ ông không
cứu thì uổng công tôi sao?”. Cái điều kiện là ở người cứu hay ở người được cứu?
Một cơ may đã tới tay mà còn đứng đó hỏi, hỏi chưa hết câu coi chừng con cá sấu
đã xớt gọn rồi thì còn đâu nữa mà hỏi!
Bây giờ xin hỏi chị, mình muốn vào địa ngục
hay muốn làm người? Muốn sanh vào loài súc sanh hay vào con nhà tôn quý, giàu
có? Muốn thành loài ngạ quỷ đói khát muôn đời hay chỗ sung sướng ăn ngon mặc
ấm? Có được vãng sanh hay không phải hỏi chính tâm mình có thành khẩn hay không
chứ hỏi ai bây giờ!
Cho nên, còn nghĩ “niệm Phật lỡ không được
vãng sanh thì uổng công!” thì ngay trong chính câu hỏi đã mang mầm nghi ngờ,
bất kính rồi, còn nói chi việc vãng sanh! Học Phật phải tin Phật, phải thành
tâm thành ý làm theo lời Phật dạy mới được chứ. Phàm nhân như chúng ta nói qua
rồi nói lại, hứa rồi bỏ dễ dàng, chứ đức Phật đã là đấng Chí-Tôn, một câu nói
ra trong mười phương thế giới ghi nhận, các Ngài đâu thể nói láo được. Lấy tâm
phàm phu nghi ngờ tâm Phật thật là sai vậy! Nói đây không phải em rầy chị Hai
đâu, vì chị Hai chưa nghe pháp, chưa hiểu đạo, thì không có tội, nhưng khi đã
hiểu rồi thì phải quyết một lòng tin Phật nghen.
H.7: Những người già yếu hay trẻ em không ăn
chay được, có miễn được không?
T/L: Ăn chay là vì ý thức bình đẳng, nuôi
lòng từ thiện, phát triển tâm từ bi, phá bỏ dần thị dục chứ ăn chay không phải
để thành Phật. Người ăn chay mà tâm hiểm ác thì có ích gì đâu! Cho nên, ăn chay
được thì tốt, còn ăn không được thì thôi. Nhưng nên tập ăn lần để nhắc nhở mình
những điều thiện lành, chứ không ai bắt buộc. Nếu ăn không được nhưng ít ra
cũng phải cấm việc sát sanh, không được tự chính tay mình giết con vật. Đừng lý
luận cạn cợt rằng, tại vì mình ăn nên người ta mới giết, vậy thì người ăn và kẻ
giết có tội ngang nhau. Không phải vậy đâu. Kẻ giết mạng sống chính họ trực
tiếp thọ lãnh sát nghiệp, tâm họ ghi nhận từng động tác hiểm ác, tất cả quả báo
chính họ chịu lấy. Còn người thụ hưởng họ không thấy, không để ý, nếu giữ tâm
thanh tịnh họ không bị cảm nhiễm việc ác. Ví dụ, nghe nói tai nạn mình sợ,
chính mắt thấy thì không những sợ mà còn khiếp sợ, còn chính mình gây ra tai
nạn trạng thái tâm lý còn tệ
H.8: Nếu những người thường ngày họ làm việc
ác, lúc gần chết họ biết được họ niệm Phật, không lý Phật rước đi à? Sao dễ
vậy?
T/L: Đây là câu hỏi rất hay! Hiểu được vấn
đề này có thể hiểu suốt được giáo pháp của Phật chứ không phải thường đâu! Vì
em chỉ còn vài ngày là khởi hành chuyến đi xa nên ngồi viết thư cho chị mà trăm
thứ ngổn ngang chưa thu xếp được. Vì thế em cố gắng giải đáp được bao nhiêu hay
bấy nhiêu, sau này em sẽ lần lần làm cho chị hiểu thấu hơn. Rất nhiều thư của
em viết về cho cha má, cho em Thứ có nhắc đến chuyện này, nếu chị Hai đọc kỹ
cũng có thể hiểu. Mỗi lá thư em đều mở ra một vấn đề và giải thích rất rõ, chỉ
tại chị coi lướt qua cho nên không thấy. Cho nên coi thư phải coi đi coi lại,
đọc cho nhiều thì tự nhiên thấy ý. “Đọc thư thiên biến, kỳ ý tự kiến” là vậy
đó. Nghĩa là đọc thư ngàn lần thì tự nhiên hiểu ý. Sau này khi nhận được băng
thuyết giảng của HT Tịnh-Không thì phải nghe đi nghe lại, nghe tới thuộc nhão
luôn thì tự nhiên hiểu đạo.
Trở lại vấn đề, người làm ác khi lâm chung
nếu họ thức tỉnh, niệm Phật thì họ được vãng sanh. Đây là sự thật. Nhưng điều
khó là, liệu họ có thức tỉnh được hay không? Trường hợp này hàng triệu người
may ra mới có một người. Còn người tu hành, công phu tinh tấn, thì vãng sanh
rất thường, nhiều lắm. Mình chọn con đường nào? Đường chắc chắn hay cầu may?
Tại sao làm ác vẫn được vãng sanh? Trước khi
vào điểm chính, hãy chú ý quan trọng, phải đọc cho kỹ đừng coi lướt qua mà hiểu
lầm, vì lý đạo của vấn đề này cao lắm, tâm chưa liễu ngộ Phật pháp thì nhiều
khi rất khó mà hiểu tới. Ngược lại khi liễu ngộ rồi thì nó rõ ràng minh bạch.
Em nói trước, nếu hiểu được thì tốt, không hiểu được thì cứ một lòng tin vậy
đi, hễ Phật nói sao mình tin vậy là được, không cần mổ xẻ sâu. Từ từ chắc chắn
sẽ rõ thôi.
Một là xét về nghiệp báo nhân qua, một người
sinh ra cõi đời này không phải chỉ từ lúc lọt lòng cho đến lúc chết là hết, mà
đã có từ vô thủy và tiếp tục sống đến vô chung về sau. Nghiệp thiện nghiệp ác
của một chúng sanh kết tập vô lượng vô biên vô số sự việc rồi chứ không phải
chỉ mấy thứ thấy được trong đời này. Tất cả nghiệp báo đó nó tích chứa trong
thức A Lại Da (tức là tiềm thức) của mình, không bao giờ mất, chỉ khi nào nó đã
được trả quả. Hễ làm thiện thì được thiện, làm ác thì bị quả ác, không trước
thì sau. Đó là định luật nhân quả. Tất cả mọi thiện ác nghiệp báo nó lần lượt
xuất hiện ra. Cái gì xuất hiện ra là hiện báo, là quả báo hiện tiền; cái gì
chưa xuất hiện là hậu báo, chờ ngày thọ lãnh. Tất cả mọi cái “Nhân” phải chờ
cái “Duyên” đến nó mới có thể thành “Quả” được. Ví dụ có hạt giống (nhân), phải
đem gieo xuống đất (duyên), nó mới mọc lên thành cây (quả). Nếu hạt giống không
găp đất nó không thể mọc thành cây được.
Vậy thì người làm ác thì sẽ có quả ác, quả
này có thể hiện báo hoặc hậu báo tùy theo cái duyên, nhưng có ai biết được là
trong đời trước, kiếp trước, họ đã tạo rất nhiều phước đức, rất nhiều việc
thiện lành, việc đạo đức. Chính nhờ cái phước của quá khứ mà đời này họ được
giàu có, được quyền lực, danh vị. Cũng chính có cái phước báu này mà họ mới
hách dịch, tự cao, ngã mạn, v.v... tạo cơ hội cho họ đời này làm nhiều việc ác.
Khi được hưởng phước báu họ không còn muốn tu hành tiếp nữa, mà chỉ lo phá cho
tiêu hết phước báu đó để cuối cùng chui vào các đường ác.
Cho nên một triệu người làm ác may ra mới
được một người được cơ duyên thức tỉnh ở phút cuối cuộc đời để được vãng sanh.
Sự may mắn này là do nghiệp thiện của họ từ một đời nào đó bỗng dưng xuất hiện
kịp lúc làm họ chợt tỉnh ngộ, sám hối kịp thời, và cứu họ thoát ra khỏi lục đạo
luân hồi bằng câu Phật hiệu “Nam-mô A-di-đà Phật”. Như vậy người làm ác mà tỉnh
ngộ, giờ phút cuối thành tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ vẫn được vãng sanh về
với Phật. Nhưng khó hay dễ? Không dễ đâu, nhìn vào cái tỉ lệ (1/1 triệu) thì
biết liền!
Hai là xét về năng lực của Sám-hối
nghiệp-chướng. Những người làm ác thường do sự xáo trộn về tâm lý, bị điên
loạn, mê muội, bị quẩn bách... Nhiều khi không những họ chỉ ác với người khác
mà ác ngay cả đến chính họ nữa. Ví dụ tự tử chẳng hạn, không phải là họ ác với
chính họ sao! Có thể chính tâm của họ không ác như vậy, mà chỉ vì sự mê loạn
mới sinh ra tội lỗi lớn. Do đó, nếu có cơ duyên tốt, họ thức tỉnh được cơn mê,
họ thấy mình đã tạo ra tội ác, họ ăn năn hối hận đến cùng cực. Họ thành tâm sám
hối tội lỗi, nhất định xả thân chuộc tội. Sự chí thành chí thiết đó nó có một sức
mạnh rất lớn, làm tiêu tan mọi nghiệp chướng. Trong điều kiện tinh thần siêu
vượt cực mạnh đó, họ nhớ Phật, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thì thành công liền.
Sự quay đầu này là thực sự chứ không phải giả dối, chí thành chứ không phải
kiểu cách, kiệt lòng sám hối chứ không phải lưỡng lự. Trong những giảng ký của
HT Tịnh-Không, Ngài nói cái phẩm vị vãng sanh của những người này nhiều khi còn
cao hơn những người niệm Phật mà cứ tà tà, lòng tin không vững nữa là khác.
Ba là ảnh hưởng của cận tử nghiệp. Nghiệp báo
có thể là hiện báo, sanh báo, hậu báo. Những quả báo này có thể là thiện hoặc
ác, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong đời. Nếu nó xuất hiện ngay thời điểm
gần lâm chung gọi là cận tử nghiệp. Cận tử nghiệp nó quyết định tương lai tái
sanh của thần thức. Người tích lũy nhiều phúc đức dễ có thiện cận tử nghiệp
giúp họ sanh về con đường tốt. Người hiện đời làm ác mà thức tỉnh niệm Phật
vãng sanh là may mắn gặp “Thiện cận tử nghiệp”. Như vậy, đứng trên phương diện
này, người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là chủ động chọn Thiện cận tử nghiệp để
đi.
Bốn là xét về “tâm nghiệp”. Điều này lý đạo
rất cao, rất khó hiểu. Em cố gắng giải thích đơn giản, hiểu được thì tốt, không
hiểu đừng buồn, từ từ sẽ hiểu. Nếu như không hiểu cũng không sao, cứ việc thành
tâm niệm Phật, tin tưởng chắc chắn rằng lời Phật nói đúng là đủ vãng sanh được
rồi.
Trong kinh Kim-Cang, Phật dạy, “Nhất thiết
hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệt như điện, ưng tác như thị quán”
(tất cả những pháp hữu vi, vạn sự vạn vật như tuồng mộng huyễn không thực, tan
biến như sương, nhanh như điện. Tất cả quán xét thấy rõ ràng như vậy). Thế thì
tất cả những động tác, hành vi, hình ảnh, nhà cửa, con cái, thế nhân… nó chỉ là
chúng duyên hoà hợp mà thành trong một thời gian, rồi tự tan biến chứ không có
cái gì là thực hay tồn tại mãi mãi được. Sự phi thực này nó vi tế đến nỗi ngay
đến cả những hành vi thiện ác, tốt xấu, nên hư… của chính mình cũng là huyễn
mộng luôn. Tại sao vậy? Tại vì tất cả những hành vi tạo tác của chúng ta hằng
ngày đều bắt nguồn từ sự vô minh mà ra, mà sự vô minh là sản phẩm của vọng tâm
chứ không phải là chân tâm. Vì dùng vọng tâm cho nên vô minh, mê muội không
phân biệt được trắng đen, phải trái. Ngược lại khi đã bị mê muội thì tự mình
đánh mất chân tâm, chân tâm đã mất thì chính mình cũng mất luôn, nghĩa là vọng
tâm hiển hiện dẫn mình vào lục đạo luân hồi tử sanh khổ đau bất tận.
Như vậy hằng ngày chúng ta đang sống với cái
vọng tâm, cái tâm của thế gian chứ không phải sống bằng cái Phật tâm của ta.
Cái tâm thực của ta là chân như bản tánh, là Phật tánh. Cái chân như bản tánh
này cùng với Phật tương đồng. Tất cả mọi người chúng ta đều có cái Phật tánh
đó, cho nên bất cứ lúc nào ta cũng có thể thành Phật được cả. Chỉ cần trở về
được với cái chân tâm thì tức khắc ta thành Phật. Thế nhưng, vì con người đã
đánh mất cái chơn tâm quá lâu rồi, đời đời kiếp kiếp rồi, cho nên bây giờ không
biết chân tâm ở đâu cả, họ vẫn tiếp tục sống với cái vọng tâm sanh diệt.
Biết thế thì tất cả những hành động ta làm
đều là trách nhiệm của cái vọng tâm chứ không phải của chính ta, (khó hiểu lắm
phải không?). Nếu bây giờ mình giác ngộ, trở lại cái Phật tâm của mình, thì
nhìn lại mới thấy tất cả vạn sự vạn vật trước đây chỉ là tuồng “Mộng huyễn bào
ảnh”, là sản phẩm do vọng tâm nó làm chứ không phải mình làm. Chính vì thế mà
tất cả mọi người đều có thể bình đẳng vãng sanh thành Phật. Ví dụ cho dễ hiểu,
ngay ở luật pháp thế gian này cũng thường có những trường hợp phán vô tội cho
những kẻ giết người vì người đó bị bệnh thần kinh, bệnh mộng du. Người bệnh
thần kinh vì mê vọng không kiểm soát được hành vi, tâm hồn điên loạn đã sai
khiến họ giết người chứ chính họ (cái tâm bình thường) không muốn giết người.
Người mộng du cũng vậy. Rõ ràng về hiện tượng thì chính họ giết, về thực tâm
thì họ không giết. Dù mức độ có khác nhau, nhưng ví dụ này chắc cũng dễ hiểu để
tạm thời giải thích tại sao người làm ác vẫn được Phật tiếp dẫn.
Thế thì, còn việc “Nhân-Qua” thì sao? Gây
nhân ác làm sao trốn quả ác được? Khi về tới Tây-phương thì việc đầu tiên là
đức Phật A-di-đà đóng ngay ba cửa ác đạo, con người không thể thối chuyển vào
tam ác đạo được nữa, các nhân ác sẽ không đủ duyên để phát triển thành quả, cho
nên tự nó tự tiêu diệt. Đó là nhờ thần lực của Phật A-di-đà. Sanh về Tây-phương
ta được thần thông diệu dụng, biết lậu tận thông, biết rõ nhơn nghĩa nợ nần, ta
phát tâm cứu độ chúng sanh để trả nợ là chuyện dễ dàng vậy.
Bên trên là giải thích theo lý đạo chứ chưa
nói đến sự gia trì của A-di-đà Phật. Sự gia trì này bất khả tư nghị, không thể
diễn tả được. Đới nghiệp vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, thực ra chính yếu là nhờ
Phật lực gia trì, nếu không có Phật lực gia trì thì chúng sanh ngày nay khó thể
thành tựu đạo quả. Cho nên, danh hiệu A-di-đà Phật là cả một bí mật tạng, một
bí tủy của pháp Phật, giải quyết sự giải thoát sanh tử luân hồi cho chúng ta.
Cứ chí thành niệm Phật rồi sẽ thấy vậy!
H.9: Người theo đạo Phật có nên về chùa ngày
rằm, mồng một không?
T/L: Có. Nên về chùa không những rằm mồng
một mà về thường xuyên để lạy Phật. Ở đây em và Ngọc đi chùa mỗi sáng mỗi tối.
Sáng tụng kinh Vô-Lượng-Thọ, tối niệm Phật, chỉ khi nào bị kẹt quá mới ở nhà.
Tuy nhiên đây là sự tự nguyện của mình chứ không thành luật. Tiện thì nên sắp
xếp thời gian tới chùa để nhờ khung cảnh chùa khích tấn mình tu hành, hơn nữa
hãy tập làm công quả cho quen. Nhưng điểm chính vẫn là thời thời khắc khắc niệm
A-di-đà Phật. Đạo Phật có rất nhiều pháp tu chứ không phải giống nhau. Phật để
lại tới 84 ngàn pháp môn, ai có duyên nào tu theo pháp đó. Nhưng Pháp niệm Phật
là pháp đơn giản nhứt, vi diệu nhứt, tối thượng và viên mãn nhứt. Đây là pháp
môn duy nhứt được chư Phật mười phương đồng thanh tán thán và hộ niệm. Đây là
pháp Nhị-Lực (lực của mình tu và lực gia trì của chư Phật) nên rất dễ thành
đạt, có thể độ được tất cả chúng sanh từ địa ngục cho đến Đẳng Giác Bồ-tát. Còn
tất cả những pháp tu khác đều là tự lực tu lấy, rất kén chọn căn cơ, cho nên
khó thành tựu, nhứt là thời mạt pháp này.
Nếu không đủ điều kiện tới chùa thì tu ở
nhà. Pháp môn niệm Phật đặc biệt là bất cứ chỗ nào, trường hợp nào cũng tu được
cả. Niệm Phật tức là đang tu. Ở nhà nên thiết lập một bàn thờ Tây-phương
Tam-Thánh hoặc chỉ thờ Phật A-di-đà là đủ. Đơn giản nhưng trang nghiêm, có hoa
quả thì tốt còn không chỉ cần hằng ngày cúng một ly nước lạnh tinh khiết là
được. Ly nước trong tượng trưng cho tâm thanh tịnh, chứ không phải cúng cho
Phật uống. Không nên thờ nhiều Phật khác nhau vì dễ bị phân tâm, lúc lâm chung
không biết Phật nào để niệm. Niệm A-Di-Dà Phật thì mọi hình thức đều dồn về một
Phật A-di-đà thôi. Đây không phải là phân biệt, vì Phật Phật đạo đồng hổ trợ
cho nhau chứ không có phân biệt, nhưng đây là phương pháp nhiếp tâm, nhất hướng
chuyên niệm của Tịnh-độ tông, tránh bị lạc đường vào giờ phút cuối cuộc đời.
H.10: Một gia đình khi nay không có đạo, nay
muốn theo đạo thì bắt đầu từ đâu?
T/L: Nên đến quy y Tam bảo (và nên thọ luôn
ngũ giới) với một thầy nào cũng được, rồi về nhà thiết lập bàn thờ Phật để thờ.
Hãy chọn pháp môn Tịnh-độ, thờ Phật A-di-đà và hằng ngày niệm Phật. Căn cơ yếu
kém đừng tu theo các pháp tự lực mà khó thành tựu, công tu hành thì khổ cực mà
cuối cùng không đi tới đâu. Phải một lòng niệm Phật cầu Phật gia trì mới mong
thoát tam giới trong đời này. Có dịp em sẽ gởi về một số hình Phật A-di-đà để
biếu cho bà con thờ. Nếu không có dịp thọ tam quy, ngũ giới thì cũng không sao.
Tự mình nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng và tự giữ giới cũng được, khi nào có dịp
quy y sau. Nếu không có dịp gặp Sư để quy y cũng không sao cả. Quang minh của
Phật A-di-đà phổ chiếu khắp mọi nơi, hễ niệm Phật thì có quang minh của Phật
chiếu tới. Ngày nào bắt đầu niệm Phật là ngày đó bắt đầu tu hành. Tu là tu sửa;
Hành là hành vi. Tu hành là ngày ngày tu sửa những sai trái của mình. Tu niệm
Phật nhờ sự gia trì của Phật mà ta được về thẳng tới Tây-phương, không cần
chứng qua từng phẩm một như các pháp môn khác, cho nên gọi là pháp “Đốn Siêu
nhất thời thành Phật”.
H.11: Nếu trường hợp bị chết đột ngột như
tai nạn, trúng gió… không kịp niệm Phật có được rước về đất Phật không? Nếu là
trẻ em không biết gì không lý cũng bị đày điạ ngục sao?
T/L: Điều kiện để được vãng sanh Tây-phương
Cực-lạc là Tín-Hạnh-Nguyện, nghĩa là tin tưởng pháp môn, phải niệm Phật, phải
phát nguyện vãng sanh. Lúc lâm chung phải còn giữ nguyên ý nguyện đó và phải
niệm Phật mới được vãng sanh. Những người bị chết bất ngờ vì tai nạn, nạn lửa,
nạn nước, nạn gió, bị cọp chụp, bị té cây chết v.v… thì không thể nào niệm Phật
được, hơn nữa lúc tắt thở tâm hồn hoảng hốt, sợ hãi, kinh hoàng, bất định… cho
nên khó có thể được vãng sanh, chỉ trừ trường hợp, nếu ngay lúc đó, họ định tâm
được mà niệm Phật thì may ra. Nhưng rất là khó!
Có một điều nên nhớ rằng, người thành tâm
niệm Phật thì không bao giờ bị lâm vào các nạn trên. Người nhất tâm niệm Phật
A-di-đà, một lòng tin Phật cầu về Tây-phương thì luôn luôn có 25 vị hộ pháp
Bồ-tát ngày đêm bảo vệ cho họ, không bao giờ các vị đó sơ suất để hành giả bị
nạn đâu. Theo lời giảng của chư Tổ-sư thì nếu các vị hộ pháp để người niệm Phật
bị tai nạn thì các vị đó bị mất chức sao? Không có chuyện đó đâu! Hơn nữa người
niệm Phật được chư Phật mười phương hộ niệm gia trì cho nên không sợ lạc đường.
Tội nghiệp cho những người bị câm, điếc, điên, khờ... họ không được phần! Người
niệm Phật chỉ để cầu tài, cầu danh, cầu lợi khó tránh khỏi bị lạc vào ma đạo.
Trẻ em nhỏ xíu cũng không ngoại lệ được, vì đời này thì nó mới sinh, nhưng
những đời trước đâu phải là con nít! Cũng nên nhớ không được vãng sanh không có
nghĩa là bị đọa địa-ngục.
H.12: Không biết những câu hỏi của chị có bị
phạm luật không?
T/L: Hỏi để hiểu đạo, được nhiều công đức
chứ sao lại sợ phạm luật. Càng hỏi càng hiểu, càng hiểu càng tránh được điều
sai trái. Tâm địa thực thà của chị Hai rất đáng quý. Có gì chưa hiểu cứ việc
hỏi tiếp, không ngại gì cả. Nếu không biết mà không chịu hỏi, cứ nhắm mắt làm
đại, tu ào, đụng đâu tin đó, không chịu niệm Phật, mới bị phạm lỗi!
Chuyện cuối cùng, chị phát tâm hướng dẫn
người thân tu tập là một điều rất tốt, công đức rất lớn. Hãy thành tâm khuyên
người tu học, không mong cầu một tí ti phúc lợi cho mình thì chị chắc chắn được
Phật gia hộ. Điều cụ thể là chị phát tâm dũng mãnh lên, quyết tâm cứu độ Bác để
trả chữ hiếu làm dâu. Khi đọc xong thư này, xin chị về Đông-Lâm ngay, gọi hết
anh chị em về bàn cụ thể chuyện cứu độ cha má. Chị là chị cả thì trách nhiệm
này chị phải nhận chứ không tránh né được. Hãy cứ y theo thư của em mà làm. Cụ
thể, khuyên cha má niệm phật liền và giảng nghĩa tầm quan trọng của sự hộ-niệm.
Phải chuẩn bị ngay, không được chần chờ, không được hẹn. Bất cứ có thắc mắc gì
phải cho em biết liền.
Cầu Phật gia hộ cho Bác, cho anh chị, cho
gia đình.
Em kính thư.
(Viết xong, Úc châu ngày 15/8/2001).