Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Em Đường,

Phật pháp lý đạo cao siêu, thậm thâm vô ngần, quảng đại vô biên! Muốn tìm hiểu về Phật pháp không phải chỉ dựa vào kiến thức thế gian mà liễu ngộ được!

Như vậy muốn hiểu sâu về Phật pháp ta phải làm sao? Phải giác ngộ! Làm sao giác ngộ? Niệm Phật! “Phật” có nghĩa là “Giác”. Niệm Phật là niệm Giác. Niệm Giác thì được giác ngộ. Danh hiệu A-di-đà có nghĩa là Vô Lượng; “A” là Vô; “Di-Đà” là Lượng. “A-di-đà Phật” là “Vô-Lượng-Giác”. Niệm “A-di-đà Phật” là niệm Vô-lượng Giác. Vô-Lượng-Giác nghĩa là giác ngộ rốt ráo, hiểu rõ về thái hư pháp giới, thấu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Tất cả cảnh giới vô lượng vô biên đều bao hàm trong câu A-di-đà Phật. “Vô Lượng” có nghĩa là nhiều vô cùng, vô tận, vô số, vô biên, không kể xiết. Trong cái “Vô-Lượng” đó, thì “Vô-Lượng-Thọ” và “Vô-Lượng-Quang” là đại biểu cho tất cả “Vô-Lượng”. Vô-Lượng-Thọ là chỉ cho thời gian, Vô-Lượng-Quang là chỉ không gian. Pháp giới, vũ trụ, vạn sự, vạn vật không có gì nằm ngoài thời gian và không gian cả. Muốn hiểu rõ về pháp giới không phải đọc những lời giải thích này mà có thể hiểu được, mà đây chỉ là sự hướng dẫn để quay trở về với danh hiệu A-di-đà Phật. Nói tóm lại, muốn hiểu được cảnh giới vô lượng vô biên thì phải niệm “A-di-đà Phật”. Lý đạo này chúng ta cần phải nhớ.

Niệm A-di-đà Phật thì được giác ngộ. Người chân thành, thanh tịnh niệm A-di-đà Phật là tự mình trở về với chân tâm tự tánh. Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, cho nên tự tánh của ta chính là Phật. Niệm A-di-đà Phật là ta đang trở về với “Tự tánh Di Đà” của chính ta, nghĩa là ta sẽ có vô lượng thọ (không còn sanh tử nữa), ta có vô lượng quang (trí huệ vô lượng). Nhờ trí huệ này mà ta thấu hiểu tất cả. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói: “vô biên biện tài, thiện đàm chư pháp bí yếu”, đây chính là quả báo của công đức niệm Phật. Nếu một lòng chân thành niệm Phật, một ngày nào đó chính ta sẽ có cái tài hùng biện về Phật pháp, hiểu nói được những bí quyết của các pháp. Khi nghe một lời pháp, ta có thể biết được có phải là chánh pháp hay không, phiến diện hay toàn vẹn, liễu giáo hay bất liễu giáo. Được vậy chính là nhờ trí huệ đã khai mở vậy.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc đến một điều: trí huệ là quả báo, tự nhiên nó có khi ta biết chân thành tu cái nhân thiện lành. Cái tâm thanh tịnh, định lại không còn lao chao nữa, ngày ngày niệm câu A-di-đà Phật thì trí huệ tự khai mở. Tu hành mà không chân thành, cứ chạy ra ngoài tìm cầu lý luận, thích nói hay, ham cầu danh vọng… thì rất dễ trở thành tà tri tà kiến. Đây là một trong ba điều tối kỵ chướng ngại đường vãng sanh. Còn đi cầu là còn vọng, còn tìm là còn mê đó! Cho nên tu hành cần nhất phải chơn thành, cung kính, đừng nên tưởng rằng mới niệm vài câu Phật hiệu thì mình đã có trí huệ! Coi chừng là vọng tưởng đó!

Thành tâm tu hành là tâm chân thực muốn vượt lục đạo luân hồi, muốn thành chánh quả. Trong vô lượng pháp môn, Phật dạy, pháp môn niệm Phật có thể giúp ta một đời thành tựu. Vậy thì, ta hãy cố gắng ngày đêm trì niệm danh hiệu A-di-đà Phật, cầu nguyện hết báo thân này được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Đây là pháp tu tối thượng, tối viên mãn của Phật giáo. Tối thượng vì có thể độ đến hàng Đẳng Giác Bồ-tát, tối viên mãn vì có thể độ đến tất cả chúng sanh dù phạm tội đến ngũ nghịch thập ác. Nghĩa là chúng sanh dù tạo tội nghiệp sâu nặng, nhưng biết ăn năn sám hối, thành tâm niệm Phật cầu sanh Tây-phương vẫn được đắc độ. Trong thời mạt pháp này, căn tánh của chúng ta thấp kém lắm, nghiệp chướng của chúng ta quá sâu nặng, nếu không có sự cứu độ của Phật A-di-đà thì không cách nào chúng ta thoát nạn.

Mới hôm rồi anh nói chuyện với chị Ba, chị khen em bắt đầu tu hành khá. Nghe nói anh có lòng mừng. Chị Ba có hỏi anh về việc tụng kinh? Câu hỏi này khá thực tiễn. Về phương cách đọc tụng kinh chắc em đã biết, có dịp em nên giảng giải lại cho anh chị trong gia đình cùng thông suốt. Nhưng xét thực tế hơn, thì kinh Vô Lượng Thọ hơi dài, nếu hoàn cảnh sinh hoạt bận bịu thì khó thực hiện được. Anh sẽ cố gắng hướng dẫn cách tụng kinh A-di-đà và niệm Phật theo tiêu chuẩn của Hội Tịnh Tông sau.

Có thể anh sắp xếp công việc để về lại VN thăm cha má, anh sẽ hằng ngày tụng kinh A-di-đà, cộng tu với cha má. Anh có tâm nguyện cứu cha má trong một đời này. Đây là một tâm nguyện gần gũi của anh. Cứu người khó lắm, nói suông không thành đạt đâu! Khó thì biết rằng khó, nhưng xét cho cùng khó là vì con người không chịu làm, chứ không phải khó vì sự giải thoát quá khó. Cho nên, biết đường thì phải đi, thấy nạn thì phải cứu. Còn nước anh còn tát, anh tận lực cố gắng tát cho hết khả năng của anh rồi mới nói đến chuyện định mệnh sau. Anh chị em trong nhà người nào muốn trả chữ hiếu hãy nên mau mau về niệm Phật để hồi hướng công đức cho người sanh thành, để chính mình biết được cách cộng tu, biết cách niệm Phật, biết tạo lập công đức niệm Phật, để hành đạo cho chính mình. Đây là lời anh khuyên mời, chứ không phải ép buộc. Người con hiếu thảo phải lo tròn đại hiếu. Hiếu thảo thì cha mẹ tuổi già con cái phải lo lắng trả hiếu từng giờ, từng ngày chứ không thể chờ. Thời gian không chờ đợi cho mình ngồi đó mộng mơ đâu! Còn người nào nỡ vô tình lơ là hiếu đạo thì cứ việc xa lìa, anh Năm hoàn toàn không dám phàn nàn, không có ý niệm phản đối. Anh chỉ biết làm theo lương tâm của một con người, của một người con. Nếu có một ý kiến nào dị nghịch xin trả về cho chính tự lương tâm của mỗi người. Riêng em đã biết quay đầu quy y Tam-bảo, đã biết nghe lời anh khuyên, đã hỏi đạo tới anh, thì đây là dịp cho em hành đạo. Khi nào về anh sẽ cho biết, mong anh chị em hãy hội tụ về nhà, ngày ngày tụng kinh, niệm Phật để cầu nguyện cho cha má viên mãn đạo quả. Cố gắng xin phép địa phương cho anh được dễ dàng nhé.
Trở lại chuyện cảnh giới, em nên hiểu rõ tư tưởng và mục đích của anh. Anh không có chủ đích giảng sâu vào cảnh giới, nhưng lại chủ trương nương vào cảnh giới để tu hành. Tu hành thì bất cứ hoàn cảnh, phương tiện, điều kiện nào cũng tu được cả. Đừng đợi, đừng chờ, đừng đặt ra vấn đề. Thế sự nhân tình lộn xộn, rối ren như đống tơ vò, chờ khi gỡ hết tơ vò mới tu thì coi chừng đến ngày ngã quỵ mà đống tơ càng ngày càng lớn, càng rối ren hơn đó!

Năm ngoái, về thăm quê, anh Hai than phiền với anh rằng: “Anh không đồng ý với bà xã về cái hình tượng lạ đang thờ trong nhà”. Anh đến xem thì rất thông cảm và đồng ý với anh Hai. Chị sáu Lộc của em, ngay cả cha mình cũng thờ như vậy. Đây không phải là điều xấu, nhưng tu hành cần cẩn thận, đừng nên thờ nhiều hình tượng quá mà có thể dẫn đến chỗ lạc đường, có thể bị trở ngại việc giải thoát! Tại sao trở ngại? Hãy lấy Lý-Sự-Cơ ra xét thì thấy liền. Nói rõ hơn, là chướng ngại sự vãng sanh Tây-phương, khó thoát ly sanh tử luân hồi để viên thành Phật quả, chứ không trở ngại cho các mục tiêu khác. Tu hành mà không muốn thoát ly tam giới, thì thờ vậy cũng không sao!

Vừa rồi ở đây anh có nghe kể rằng, có người nói: “Làm người vui sướng hơn, làm Phật buồn quá. Chính mấy nàng tiên trên trời cũng phải lén xuống trần gian mà sống, thì mình lên đó làm chi?!…”. Thật là tâm địa thật thà, hiền lương đến chỗ đáng thương! Xem nhiều phim Tàu, những chuyện hoang đường nhập vào tâm rồi tin là sự thật! Mà dù có thật đi nữa thì đây là sự đọa lạc chứ đâu phải thăng tiến!

Thực tế, làm người cũng có chút ít vui sướng, nhưng lại đầy tràn khổ đau! Khổ nhiều hơn vui chứ không phải vui nhiều hơn đâu! Hãy nhớ lại những cảnh khi ông bà, cha mẹ, người thân chết mình khóc muốn sưng mắt. Lúc đó buồn hay vui? Lúc bệnh hoạn mình đau nhức rên la thấu đến trời xanh! Hằng ngày đi làm kiếm ăn, hạt cơm pha trộn mồ hôi nước mắt! Nhiều khi chỉ vì tranh giành vài đồng bạc mà phải đánh lộn dập đầu lỗ trán, mất cả nhân luân, v.v… những cảnh phũ phàng xảy ra hàng ngày, thì sao còn cho cảnh người là vui sướng?! Còn nhìn tới cảnh của chư Phật buồn, có lẽ thấy người ta vẽ quý Ngài mặt áo dài luộm thuộm, đang ngồi thiền định, cung cung kính kính mất vẻ tự nhiên, không có xe hơi, rạp chiếu bóng, không có điếu thuốc trên môi… thành ra mới nghĩ rằng quý Ngài buồn, chứ mình đâu có thể thấy được cảnh giới của quý Ngài, mà biết buồn hay vui?

Muốn biết chư Phật, chư Bồ-tát sống thế nào hãy lắng nghe lời Phật nói. Các Ngài đang du hí thần thông, muốn ở chỗ người thì tới người chơi, muốn ở chỗ trời thì tới trời chơi, muốn thăm mười phương thế giới thì biến du mười phương thế giới chỉ trong tích tắc một khoảnh khắc, v.v… Thần thông tự tại, lạc thú vô song, thì sao ta dám nghĩ các Ngài có cuộc sống buồn? Các Ngài thấy cảnh sống của con người quá tội nghiệp mới tận tâm tận lực tìm cách cứu độ, trong khi chúng sanh lại cố bám vào cảnh khổ cho là vui, thật là tội nghiệp vậy!

Muốn hiểu thêm về cảnh nhân-thiên, em có thể đọc thêm quyển kinh gọi là “Thế đạo và Thiên đạo” của cha thường đọc. Đây là một quyển kinh dạy tu làm người hiền, chắc chắn có nói đến việc làm lành lánh dữ để cầu hưởng phước báu, nhưng không có chỗ nào nói đến sẽ cứu người thoát khỏi tam giới, vượt qua lục đạo sanh tử đâu. Vì sao vậy? Vì pháp giới trên vũ trụ này không thể lẫn lộn được. “Thiên địa khôi khôi, sơ nhi bất lậu”, pháp giới mông huân, nhưng không phải ai muốn làm gì thì làm được. Một sự sơ ý, nói lời vọng ngữ thì tội nặng vô cùng. Chư vị Thần Tiên họ hiểu được cái lý này, không vị nào dám nói láo để chính mình phải chịu tội. Còn ai đã nói lời vọng ngữ thì không thể coi là chánh pháp được!

Đức Khổng Phu Tử dạy: “Kính Quỷ Thần, nhi viễn chi”. Đối với chư Quỷ Thần ta phải kính trọng, chứ không nên đi theo quí Ngài? Kính Quỷ Thần có nghĩa là ta không được ngạo mạn, tự cao, không được xúc phạm đến, phải kính ngưỡng cái phước báu và thiện căn của quý Ngài. Nhưng không theo cảnh giới của quý Ngài vì chúng ta đang cầu vãng sanh, cầu siêu việt tam giới lục đạo, cầu thoát ly sanh tử luân hồi, cầu thành Phật viên mãn đạo giải thoát. Tất cả những cảnh giới này cũng chính là sự mong cầu của chư vị trong cõi A-tu-la. Nói gọn hơn, chúng ta cùng chư vị Thần Tiên đang đi về cùng một hướng, chứ không phải nơi họ ở là mình muốn vào.

“Thế đạo” và “Nhân đạo”, là cảnh giới của con người. “Thiên đạo” là cảnh giới hưởng phước của trời. Chư Thiện Thần, Hộ Pháp, họ biết được đạo giải thoát, họ có thể chỉ vẽ cho chúng ta cách tu hành. Nếu có lòng kính trọng thì mình lo tu hành để cùng giải thoát, và cùng đạt được cái năng lực cứu độ vô lượng chúng sanh còn đang mê muội trầm luân trong bể khổ, chứ không hẳn là chúng ta phải theo họ, thờ họ để chịu mắc kẹt lại trong bể khổ trầm luân, bá thiên vạn kiếp không biết ngày nào siêu thoát! Nên nhớ, các vị Thần Tiên chính họ còn đang ở trong vòng lục đạo luân hồi, thì làm sao họ có thể cứu chúng sanh thoát ra khỏi tam giới được!

(*) Một vị Thánh nhân thị hiện lập ra một “đạo giáo!” lúc nào cũng có tâm nguyện cứu độ chúng sanh. Có khi chính quý Ngài có khả năng cứu độ thì trong kinh sách quý Ngài sẽ nói rõ. Đây là trường hợp của chư Phật ứng hóa, ví dụ như đức Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện xuống trần, lập ra Phật đạo cứu độ chúng sanh.

Có nhiều trường hợp quý Ngài chỉ là người hướng đạo, chỉ điểm cho mình con đường đi, thì trong kinh quý Ngài cũng nói rõ cảnh giới đó. Về kinh sách của Thế đạo và Thiên đạo trước đây anh đã từng đọc tụng thuộc lòng và phát hiện ra rằng, cương lĩnh tu hành của quí Ngài nêu ra chính là: “Một lòng niệm Phật, ăn chay, làm lành”.

Một lòng là nhất tâm, chuyên lòng, không được hai lòng. Niệm Phật là niệm A-di-đà Phật vì đức Thích-ca Mâu-ni Phật, đại diện cho chư Phật mười phương, ứng hiện xuống trần cứu độ chúng sanh, đã tôn xưng A-di-đà Phật là vua của hàng chư Phật. Đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật khuyên chúng sanh niệm A-di-đà Phật, thì ta phải niệm A-di-đà Phật. Đây gọi là y giáo phụng hành. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật thọ ký cho người niệm Phật là “đệ nhất đệ tử”. Người muốn thành Phật mà lại không muốn làm người đệ tử số một của Phật, lại đi làm những điều Phật không dạy thì nói sao cho thông! Niệm Phật thì phải thờ Phật. Niệm Phật, thờ Phật, tưởng Phật thì mới gọi là “Một lòng”.

Ăn chay để cắt đứt ác duyên với chúng sanh, làm lành là tu phúc. “Một lòng niệm Phật, ăn chay, làm lành”, thì phúc huệ song tu, tròn đầy viên mãn, có đầy đủ lý-sự-cơ để thành Phật. Đây rõ ràng là “Tịnh nghiệp”, là đạo giải thoát tam giới, liễu sanh thoát tử, vượt khỏi luân hồi. Nhưng đáng tiếc, nhiều người lại bỏ mất cái huệ “Niệm Phật”, chỉ giữ lấy cái phước “Ăn chay, làm lành”, vô tình biến một pháp tu hoàn chỉnh thành pháp tu cầu phước, để bị mắc kẹt trong vòng tham luyến thế gian, mà bị tiếp tục trầm luân trong tam giới!

Tri ân báo ân. Tri ân thì phải biết y giáo phụng hành, báo ân thì phải thành tựu lý tưởng của người ban ân, chứ đâu phải tri ân báo ân là tự nguyện làm nô lệ cho người thi ân. Chư vị Thánh Nhân không bao giờ có tâm nguyện này, chúng ta không nên chấp vào tình cảm mà đi sai lý tưởng! Thực tế mà nói, tất cả đạo giáo khởi nguyên đều có cứu cánh viên mãn, nhưng vì con người hoặc cố ý, hoặc sơ ý, đã đem ý thức cá nhân xen vào kinh điển, kết cuộc biến cái lý tưởng tốt đẹp của đạo giáo thành một thứ phục vụ theo chiều hướng cá nhân. Ngay trong Phật giáo, đức Phật cũng xác định thời kỳ mạt pháp và diệt pháp của Phật. Tại sao vậy? Một trong những lý do là vì chúng sanh không chịu theo chánh pháp, thì chánh pháp phải diệt. Đời đã khổ lại càng khổ thêm!

Vậy thì, một người đã giác ngộ phải mau mau quay về với chánh pháp, ngày đêm lo niệm Phật để sớm thoát nạn tam đồ lục đạo, một là cứu được huệ mạng của mình, hai là có đủ năng lực chung sức với chư Phật cứu độ chúng sanh thoát khỏi nhà lửa.

(*) Nhân đạo và thiên đạo hợp lại gọi là phép tu phước báu nhân thiên, nghĩa là làm lành đổi lấy phước để hưởng ở đời sau. Đây là một pháp tu thiện. Nhưng làm lành làm thiện dù lớn tới cỡ nào, mà chính mình sau cùng không thoát được sanh tử luân hồi, thì đọa lạc vẫn phải chịu đọa lạc. Nếu làm thiện lành tốt thì qua đời sau hưởng phước, khi hưởng phước thì dễ sa đọa, cho nên đời thứ ba phải chịu nạn. Nếu tâm tham quá nặng thì nghiệp chướng sẽ nặng, chỉ trong một đời này phước báu có thể bị tiêu hết. Phước tiêu thì họa đến. Hiện tượng này xảy ra nhiều lắm, ở khắp mọi nơi, thời kỳ nào cũng có, chỉ vì chúng ta không chịu để ý nên vẫn còn lầm lẫn!

Tu hành chỉ để tìm cầu phước lộc, thì đây là đạo lo phước mà không lo đức, thành ra thiếu hậu, cuối cùng đành phải tan tành theo phước lộc mà thôi! Bằng chứng, như người ruộng vườn bao la, chỉ qua một thời thì tự nhiên hết sạch. Có người giàu bạc tỷ chỉ qua một ngày trở thành tay trắng. Vào sáng ngày 04/08/2003, cả nước Nam Hàn chấn động trước cái tin ông tổng chủ tịch công ty Hyundai là Chung Mong-Hun tự tử chết. Ông ta nhảy từ văn phòng trong tổng công ty ở trên tầng lầu thứ 12 xuống đất, để lại hai lá thư tuyệt mệnh. Là chủ nhân những công ty xe hơi, máy móc, lớn nhất tại Nam-Hàn, là chủ hãng đóng tàu lớn nhất thế giới, thế mà kết quả lại quá thảm thương!

Cho nên, có tiền nhiều chưa phải là tốt! Phước báu tiền tài nó có sức hấp dẫn, ai cũng ham muốn, nhưng hãy coi chừng cái tính bạc bẻo, vô hậu của nó! Ông Chung Mong-Hun là đại giám đốc, là nhà tỉ phú, lừng danh khắp thế giới, thì đời trước ông tu thiện, bố thí rất lớn mới có được cái phước lớn ở đời này, nhưng sau cùng họa đến cũng đành nhảy lầu tự tử. Cho nên, người biết tu hành phải biết tự kềm chế, đừng tham tiền quá nặng, không tốt đâu! Phải biết lấy tiền tạo phước lành, lập hạnh tích công tồn đức làm chính, đừng nên bán mạng để kiếm tiền, coi chừng có ngày hối hận không kịp!

(*) Trong nhân thiên thừa, còn bao gồm một cảnh giới khác gọi là “Tiên Đạo”. Thông thường, ta nghe nói về thế gian luân hồi lục đạo. Lục đạo tức là: trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Nhưng trong kinh “Thủ Lăng Nghiêm” Phật nói đến bảy đường luân hồi, thành ra “Thất đạo”. Thất đạo là trong lục đạo có thêm một đường “Tiên đạo”. Tiên đạo là cảnh giới không được rõ rệt, nằm trong các cảnh trời, a-tu-la và người, ta có thể gọi là Thiên Tiên, Thần Tiên và Nhân Tiên. Còn trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nhắc đến “Ngũ thú”, ngũ thú tức là lục đạo bỏ đi đường a-tu-la. Tất cả đều còn ở trong tam giới. Như vậy, những danh từ như: tam giới, ngũ thú, lục đạo, thất đạo đều có ý nghĩa tương tự nhau, chỉ khác là tùy cơ để nhấn mạnh một điều nào đó khi cần mà thôi. Ví dụ, khi Phật nói thất đạo là nhằm nêu ra “Tiên đạo”, để cho chúng sanh khỏi lầm lẫn giữa pháp xuất thế của Phật đạo, pháp thế gian của Tiên đạo. Những người tu về Tiên Đạo, Thần Đạo có thể thuộc về cảnh giới này.

Phép tu của Tiên đạo thường nặng về tu luyện phép thần thông, luyện khí, luyện thần, cầu trường sanh bất lão, cầu phước báu, chứ không có hướng cầu thoát lý sanh tử luân hồi. Về thần thông, Tiên giáo có thể đạt đến năm thứ thần thông gọi là “Ngũ Thông”, gồm có: thiên-nhãn-thông, thiên-nhĩ-thông, tha-tâm-thông, túc-mạng-thông, thần-túc-thông. Tất cả những thần thông này đều phát xuất từ trí tuệ thông đạt mà có. Thiên nhãn thông thì nhìn thấy được qua tường, qua núi, cách xa vạn dặm đều thấy suốt, thông đạt vô ngại. Thiên nhĩ thông là nghe suốt, thông đạt vô ngại tất cả mọi âm thanh. Tha tâm thông là biết được tâm người khác đang nghĩ gì. Túc mạng thông là biết được chuyện xảy ra trong quá khứ. Thần túc thông hoặc như ý thông là phép phân thân, du hành khắp nơi, có thể đi xuyên qua tường. Nói để biết như vậy, chứ những cảnh giới này không phải chứng đắc dễ dàng. Còn tu theo Phật thì có thể đạt đến “Lục Thông”, tức là có thêm lậu-tận-thông. Chính lậu-tận-thông phá trừ phiền não, siêu việt tam giới, liễu thoát sanh tử luân hồi, chứng đắc Niết-bàn. Chư Thánh hàng A-la-hán đều đạt được lục thông. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật còn nói đến “Thập Thông”, đây là cảnh giới vô thượng của Phật, tất cả đều thông đạt vô ngại.

Giữ Giới được Định, nhân Định sanh Huệ. Giới-Định-Huệ gọi là Tam-Vô-Lậu-Học. Khi tâm được định thì bắt đầu có thần thông. Như vậy, thần thông là quả báo của nhân địa tu hành, tự nhiên nó đến, chứ không thể tìm cầu. Nếu người chủ tâm luyện tập thần thông thì biến sự tu hành thành pháp thế gian hữu lậu, nghĩa là không thể xuất ly tam giới. Đây là điều cần chú ý. Phật dạy chúng ta phải phá trừ kiến chấp thế gian, đừng để tâm vướng vào những quả báo hữu lậu mà coi chừng mất chủng tử Phật, mất phần vãng sanh. Vì sao vậy? Vì tâm cầu pháp thế gian thì phải ở lại thế gian, chịu chết đi sống lại, tiếp tục trầm luân trong luân hồi khổ nạn.

Hơn nữa, thần thông có hai dạng, một là do công phu thiền định, hai là do ma nhập vào. Thần thông do công phu thiền định là người tu hành chân chính, tâm đã định, không khi nào đi khoe khoang ra ngoài, còn người đi khoe ra ngoài là tâm chưa định! Chưa định, thì thần thông ắt có vấn đề! Trong thời mạt pháp này khó phân biệt phải trái, chúng ta cần nên giữ tâm thanh tịnh, niệm Phật cầu Phật gia trì là tốt nhứt, đừng tham luyến những chuyện thần kỳ thông đạt thì mới tránh khỏi bị hại vào thân.

Trong kinh Lăng Nghiêm Phật đưa ra những tiêu chuẩn để phân biệt chánh tà một cách rất rõ rệt. Ví dụ, về thiền định thì rất nhiều đạo giáo tu thiền định, có thiền định thì có thần thông, có trí huệ. Nhưng trí huệ vô lậu giải thoát khác với trí huệ hữu lậu trong luân hồi. Chủ yếu là lấy bốn giới căn bản là: Sát, Đạo, Dâm, Vọng, làm tiêu chuẩn phân biệt. Ví dụ người có tu thiền định nhưng dâm tà, vọng ngữ, trộm đạo thì có thể lạc vào Ma đạo. Người có thần thông nhưng có tâm háo sát, nóng giận, đố kỵ thì lạc vào Quỷ môn, v.v… Hiểu được điều này, một khi gặp người có thần thông, có pháp thuật, như: tiên đoán được quá khứ vị lai, biết được chuyện riêng của người khác, biết biến hóa, biết kêu mưa hú gió, v.v… thì chớ vội cho họ là người đắc đạo. Đắc đạo và đắc thần thông là hai điều hoàn toàn khác nhau! Người học Phật chân chính luôn luôn phải lấy lý tưởng thoát ly sanh tử làm chính mới được.

(*) Người đang thờ Thiên, Thần, Quỉ, Vật rồi bây giờ thờ Phật thì rất tốt, vì họ nâng cao cảnh giới từ lục đạo luân hồi lên ngôi giải thoát. Từ cảnh giới lục đạo trong luân hồi sanh tử, đề thăng lên cảnh giới Phật để giải thoát sanh tử luân hồi là một đại giác ngộ, đại phước báu. Đừng bao giờ có quan niệm sai lầm mà lo sợ rằng các vị Tiên Ông hoặc Bồ-tát mình đang thờ sẽ buồn phiền hay quở phạt! Nếu người nào còn lo sợ chuyện này thì đây chỉ là một tình chấp sai lầm! Nên nhớ, chư vị Thần Tiên, chư vị Bồ-tát đều có lòng từ bi, thương chúng sanh. Các Ngài cũng thờ Phật, lạy Phật, niệm Phật, nếu các vị muốn vãng sanh Tây-phương Tịnh-độ thì cũng phải phát nguyện cầu sanh như chúng ta.

Xưa nay vì ta không rõ cảnh giới, chúng ta tưởng các Ngài cao hơn chư Phật mà sơ ý đảo lộn vị trí thờ phụng, thì chính các Ngài cũng lo ngại không ít. Nay chúng ta giác ngộ, quay về quy y Phật, thờ Phật, niệm Phật, tôn tượng Phật lên làm chính là giải được gánh nặng cho các Ngài, quý Ngài tán thán công đức không hết, thì làm gì có chuyện trách phạt. Ta đã làm tròn được ý nguyện của các Ngài, thì các Ngài chắc chắn sẽ gia trì, bảo hộ chúng ta. Tuyệt đối chúng ta không thể nghĩ rằng các Ngài có tâm địa hẹp hòi như phàm phu chúng ta được. Trong kinh của Phật có nói, người chí thành niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì sẽ được chư Thiên Long bát-bộ bảo hộ, chư Hộ Pháp gia trì, mười phương chư Phật hộ niệm. Thiên Long bát bộ tức là Thiên-Thần và Long-Thần trong tám bộ thần của Tứ-Thiên-Vương, Hộ Pháp là các vị Bồ-tát hộ trì chánh pháp của Phật. Chính nhờ sự hộ trì này mà hành giả niệm Phật, khi hết báo thân mới được an toàn vãng sanh Tây-phương viên chứng tam bất thối, ngự vào chín phẩm sen vàng, có thần thông quảng đại, năng lực có thể sánh bằng Thất Địa Bồ-tát. Vị trí này không phải nhỏ.

Trong một số lần thăng tòa giảng pháp, HT Tịnh Không nói rằng, đối với chư Quỉ Thần ta chỉ nên xá chứ không nên lạy, vì họ không dám nhận cái lạy của ta. Cái lạy của người đang học Phật mà các vị đó không dám nhận, thì làm sao các Ngài dám nhận ngồi ngang hàng với chư Phật? Cho nên, sự thờ phụng cần phải chú ý làm cho đúng pháp, đừng sơ ý mà làm sai pháp, không tốt! Sự thờ phụng không như pháp thì ta đã tự tạo ra lỗi lầm lớn vậy.

Hơn nữa, thờ phụng sai nguyên tắc thì không có Thiện Thần bảo hộ, nhưng có thể bị các vị Hung Thần sẽ lợi dụng. Có lẽ chính vì thế mà thường gặp chuyện trở ngại(!?). Thế gian này xưa nay có biết bao nhiêu sự cố xảy ra liên quan đến vấn đề này. Đây là những bài học đáng giá về pháp giới. Hồi giờ ta không biết nên sơ ý, nay đã rõ thì nên sám hối, đừng làm vậy nữa. Cần tu chỉnh lại mới mong được tốt lành vậy.

(*) Ngược lại, người đang thờ Phật, rồi bỏ Phật đi thờ Quỉ Thần thì không tốt, vì tự họ bỏ mất đường giải thoát để chạy theo ngã luân hồi! Thờ Phật, Niệm Phật là pháp môn giải thoát luân hồi trong một đời, để tiến lên ngôi bất thối chuyển thành Phật. Người học Phật mà không giác ngộ đường tu, không vững lý đạo, lòng tin yếu kém, để cho các thứ vật chất hão huyền lôi tuột từ ngôi vị giải thoát xuống thành phàm phu đọa lạc thì thật là đáng thương! Chư Thần Tiên thấy vậy chắc cũng chắc lưỡi tiếc uổng cho ta không ít!

Chư vị Thần Tiên có thể có nhiều phước báu và thiện căn hơn chúng ta, các Ngài thị hiện xuống trần là để hướng dẫn chúng sanh cách thức tu hành giải thoát. Nếu ta thờ các Ngài, đi niệm các Ngài không phải là sai, nhưng đường giải thoát sẽ bị lệch. Thờ các Ngài, niệm các Ngài, thì trong tâm của chúng ta có hình ảnh của các Ngài, nên khi bệnh nặng hay lúc lâm chúng ta niệm các Ngài, cầu xin các Ngài cứu độ. Trong khi đó, chúng ta đã quên rằng, các Ngài chỉ có khả năng hướng dẫn chứ không có khả năng cứu độ. Chỉ có đức Phật A-di-đà mới phát 48 lời đại nguyện cứu độ chúng sanh vãng sanh Tịnh-độ. Chính vì thế mà ta bị mất chánh niệm, phải bị lọt lại trong lục đạo, mất phần vãng sanh Tây-phương Cực-lạc.

Sơ ý việc thờ phụng làm tâm ta không được chuyên nhất, từ đó sẽ đưa đến chỗ tạp tu, tạp tâm, loạn tâm. Không được nhất tâm thì đối với pháp niệm Phật là một sự tổn hại rất lớn. Để hiểu rõ hơn về đẳng cấp, hãy lấy truyện “Tề-Thiên-Đại-Thánh” làm ví dụ cho dễ nhớ. Thần Tiên, Thổ Địa, Sơn Thần, v.v… gặp Tôn-Ngộ-Không phải khúm núm thưa trình. Chư Tiên trên trời như Thái Thượng Lão Quân, Thái Bạch Kim Tinh… gặp Ngộ-Không cũng phải cúi đầu chào hỏi. Tôn-Ngộ-Không gặp Bồ-tát Quán Thế Âm phải quỳ lạy thỉnh giáo. Bồ-tát Quán Thế Âm gặp Phật phải cung kính đảnh lễ. Chuyện này giúp cho ta có thêm ý niệm khá rõ ràng về pháp giới.
Giai cấp Quỉ Thần (A-tu-la) gặp Tôn Ngộ Không mà còn phải khúm núm, thì so ra họ phải thấp hơn Phật rất xa. Các vị đó khi gặp Phật phải quì lạy Phật. Nếu muốn được cứu độ thì họ phải niệm Phật, lạy Phật, cầu xin vãng sanh thì mới mong có ngày siêu vượt tam giới.

Như vậy, Quỉ Thần không có tư cách nào đứng ngang hàng với Phật được. Có nhiều người thờ Thần Tiên thì ở chánh điện, thờ Phật thì ở bên cạnh, điều này dẫn đến sự bất kính đối với Phật! Hiểu qua cảnh giới, thì chư Phật ở ngoài thập pháp giới là tối tôn, Bồ-tát và chư A-la-hán ở trong cửu pháp giới nhưng ngoài tam giới lục đạo. Còn chư Thiên thì ở trong tam giới, làm sao có thể sánh ngang với chư Phật, chư Bồ-tát? Chư Quỉ, Thần, Tiên… so ra còn thấp hơn chư Thiên Vương. Tuy rằng, cũng có nhiều vị Bồ-tát thị hiện thành những vị Thiên Vương để chăm lo thiên hạ, nhưng dù sao vẫn phải thấp hơn pháp giới của chư Phật, thì ta đâu thể đặt vị trí của các Ngài ngang hàng hoặc cao hơn Phật được. Thờ cúng không xứng hợp cảnh giới, thì ta sẽ mất công đức mà chính các vị cũng bị khổ sở không ít! Đạo lý của Phật anh không thể nào nói khác. Mong rằng tất cả sớm tỉnh ngộ, mau mau điều chỉnh lại.

(*) Tham hưởng phước báu nhân thiên là một trong ba điểm tối kỵ làm mất phần vãng sanh. Xin nhắc lại, trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói rằng, người nào bị vướng vào: một là, tham cầu phước báu nhân thiên; hai là: vọng tưởng, phân biệt, cố chấp; ba là: tà tri tà kiến, thì không thể vãng sanh. Cho nên muốn đời này được thoát ly tam giới, vĩnh ly lục đạo, thoát vòng sanh tử, vãng sanh Tây-phương bất thối thành Phật, thì nhất định không được bám víu những cảnh giới trong tam giới, không được tham cầu hưởng phước ở đời này hoặc đời sau; không được mắc vào cảnh giới tam đồ; không được vọng tưởng, đam mê những học thuyết thế gian. Bị vướng vào mấy thứ này bắt buột phải xả bỏ. Nếu không, dù tu có giỏi cho mấy cũng không thể thoát ly sanh tử luân hồi, nghĩa là còn mãi trong vòng đọa lạc.

Thôi tạm ngừng, đúng ra anh muốn nói thêm tổng quát về thập pháp giới một chút cho em hiểu thêm, nhưng xét kỹ chúng ta không nên đi quá sâu vào cảnh giới nữa. Chuyện tu hành là chính. Khi biết đời là khổ thì phải biết giá trị của sự giải thoát. Người biết tu hành thì sự khổ chính là pháp vị nhiệm mầu giúp ta ngộ được Phật pháp. Đừng dại khờ nghĩ rằng, ta còn trẻ tuổi, còn sống lâu, thì vội gì lo chuyện vãng sanh. Không đâu! Cứ mỗi một lần về thăm quê thì anh đều nghe có một số người ra đi, trong đó có người còn quá trẻ. Năm vừa qua có hai người bạn học của anh cũng ra đi vĩnh viễn! Thật tội nghiệp!

Cuộc đời quá vô thường, sáng còn tối mất, tích tắc đã qua cảnh giới khác. Hãy ý thức điều này mà sớm lo niệm Phật, làm lành bỏ ác, bỏ tham sân si mạn, bỏ tự tư ích kỷ. Hãy thương đời, giúp người, cố gắng lo tròn hiếu hạnh.

Những người già cả thì mạng sống mong manh như đá treo chỉ mành. Hãy phát tâm từ bi cứu giúp họ, chỉ vẽ người lớn tuổi niệm Phật cầu nguyện vãng sanh Tây-phương, giới thiệu và khuyến khích các bạn bè trẻ pháp môn Tịnh-độ. Làm việc này tức là các em đang tu hành, đang tạo công đức để lót đường vãng sanh. Thành tâm làm, rồi ngày ngày niệm Phật, vừa làm vừa tu, vừa tranh thủ thời gian niệm Phật. Cuối ngày, đem tất cả công đức này hồi hướng cho oan gia trái chủ để giải nợ oan khiên, hồi hướng cho khắp pháp giới cầu cho chúng sanh tiêu tai miễn nạn, hồi hướng cho cha má để báo đáp đại hiếu, hồi hướng về Tây-phương cầu xin vãng sanh.

Làm như vậy thì thân em đang ở đây nhưng tâm em đã ở Cực-lạc, chắc chắn sẽ được vãng sanh, một đời thoát khỏi luân hồi vậy.

A-di-đà Phật,
Anh Năm.
(Úc châu, ngày 14/11/03).

Cha mẹ tuổi già, thậm chí lúc đau bệnh, nhứt định phải toàn tâm toàn lực chăm sóc, lo lắng. Khuyên cha mẹ niệm Phật, đem những đạo lý Phật dạy trong kinh điển thường xuyên giảng giải cho cha mẹ, thân bằng quyến thuộc nghe. Công đức này vô lượng, thù thắng hơn việc lễ bái, sám hối, tu trì của chính bạn không biết bao nhiêu lần.(Pháp Sư Tịnh Không).