Kính gởi đạo hữu Huệ Sanh,
Con người sinh ra lặn hụp trong biển khổ
sanh tử luân hồi khổ không nói hết. Có người cố gắng trồi lên mặt nước, hớp một
hơi không khí, rồi chìm xuống lại dưới đáy đại dương. Có người cố gắng bơi,
nhưng bơi lòng vòng, sau cùng cũng chìm xuống đó. Đây là hai cảnh giới mình đã
bàn với nhau trong sáu tháng trước. Nay lại được nói chuyện với chị, lần này
tôi xin tiếp tục lá thư dang dở, nói đến cảnh thứ ba mà thầy Trí Tu đề cập đến:
Có người sinh ra họ bơi thẳng một đường qua bờ bên kia, bờ giải thoát.
Trước tiên tôi thấy rất phấn khởi khi biết
chị Huệ Sanh có phát tâm nguyện lớn, càng ngày tu càng nhiều, pháp hỉ sung mãn,
tươi vui hơn ra. Đây là hiện tượng khá tốt. Xin thành tâm chúc mừng. Học Phật
nếu biết rõ đường đi nước bước thì lòng tin của mình được cũng cố, chí nguyện
mạnh mẽ, sự tu vững vàng. Tín-hạnh-nguyện đầy đủ là con đường thành tựu đạo quả.
Xin nhận lời giúp cho quí đạo hữu ở Paris
tìm hiểu về sự hộ niệm và cách thức cộng tu niệm Phật, thư tới Diệu Âm sẽ cố
gắng nói chuyện này.
Cảnh thứ nhất: trồi lên hụp xuống, chỉ cho
người không chịu tu hành, chúng ta đã bỏ đường này rồi, khỏi cần vướng bận đến
nữa. Cảnh thứ hai: Bơi lòng vòng! Thực tế mà nói thì không ai muốn vậy, tuy
nhiên nhiều lúc chính mình cũng bơi lòng vòng mà không hay! Vì sao vậy? Vì sóng
nước đại dương trùng trùng điệp điệp, lớp này tràn lớp khác, quay cuồng chúng
ta đến mê loạn, điên đảo, làm cho chúng ta bị mù mịt không thấy rõ đường đi,
thành ra giữa biển khổ, nhiều người cứ tưởng là mình đang bơi thẳng đến bờ giải
thoát, nhưng thực tế lại bơi lòng vòng. Đây cũng là chuyện thường tình và cũng
là đáng tiếc!
Biết được pháp môn niệm Phật tối thắng,
chúng ta thành tâm cầu mong cho nhiều người hiểu thấu lời Phật để thoát nạn.
Nghe được một người niệm Phật vãng sanh thì mừng như chính người thân yêu của
mình được giải thoát. Vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc là chuyện có thực, rõ ràng
lời Phật dạy không sai, nhưng con người vẫn chưa đủ lòng tin để thực hiện con
đường thành Phật.
Lòng tin quan trọng lắm! Không đủ lòng tin
thì đành luống qua một đời, cuối cùng cũng phải chìm vào biển khổ mông mênh!
Cho nên, khuyên người niệm Phật thì chính mình phải có niềm tin vững vàng, phải
biết rõ đường đi. Huệ Sanh muốn hướng dẫn quí đồng tu ở Paris niệm Phật, thì
Huệ Sanh cũng phải xác lập niềm tin cho vững, khuyên mọi người phải quyết lòng
tin Phật và thực hiện đúng theo lời Phật dạy. Viên thành đạo quả nằm ngay ở chỗ
tu hành thật căn bản, thật thực tiễn chứ không đâu xa cả. Lý đạo nó nằm ngay ở
lòng chí thành chí kính tin Phật, chứ không phải ở những điều cao siêu, diệu
lý. Hơn nữa, tình thực mà nói, chính tôi cũng chỉ nắm được cái căn bản để đi thẳng,
chứ muốn nói cho cao siêu hơn thì cũng không biết gì cao siêu để nói! Nếu chúng
ta vững tâm đi thẳng thì sự thành tựu ở ngay trong một đời này. Chính vì vậy mà
tôi vẫn chỉ muốn nói đi nói lại những gì gần gũi nhất, rất căn bản, rất thực tế
và rất dễ hiểu để xác lập niềm tin cho nhau, may ra có thêm được người nào hay
người đó thực hiện được đạo vãng sanh.
Muốn đi thẳng thì làm sao? Đừng đi lòng vòng
nữa. Làm sao khỏi đi lòng vòng? Xin đưa ra vài ví dụ cụ thể sau đây để suy
nghiệm, biết chừng đâu cũng là trường hợp chúng ta thường gặp phải?!
(*) Tôi có một người quen thân, tu hành cũng
khá tốt, thường khi nói với tôi rằng: “Độ rày anh đã quyết chí tu hành, hằng
ngày ba thời công phu: Sám-hối, Cứu-khổ và Cầu-an không bỏ ngày nào…”. Anh đó
tin tưởng rằng mình đi đúng đường, vì tụng kinh Sám-hối thì hết nghiệp, tụng
kinh Cứu-khổ thì hết nạn, tụng kinh Cầu-an thì gia đạo an vui. Tu hành là lìa
khổ được vui, được vui thì giải thoát! Lý luận rất mạch lạc. Yên chí cách tu
hành như vậy là hoàn hảo, cho nên anh rất yên chí. Có vài lần tôi khuyên anh
nên niệm Phật cầu vãng sanh Cực-lạc thì viên mãn hơn, nhưng duyên kết chưa đạt!
Tu là tu sửa lỗi lầm. Sám hối tội lỗi là một
trong những điểm chính yếu để tu tập. Trong mười đại nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát
gồm có: 1)Lễ kính chư Phật, 2)Xưng tán Như Lai, 3) Quảng tu cúng dường, 4)Sám
hối nghiệp chướng, 5)Tùy hỷ công đức, 6)Thỉnh chuyển pháp luân, 7)Thỉnh Phật
trụ thế, 8)Thường tùy Phật học, 9)Hằng thuận chúng sanh, 10)Phổ giai hồi hướng,
thì “Sám hối nghiệp chướng” là nguyện thứ tư. Người tu hành mà không có tâm hối
quá, phản tỉnh lỗi lầm thì coi chừng càng tu càng lỗi, càng xa lìa đường đạo.
Tuy nhiên, sám hối nghiệp chướng không phải là tất cả, mà chỉ là một trong mười
phẩm nguyện phải tu của đức Phổ Hiền. Như vậy, chỉ riêng tu sám hối chưa thể
gọi là viên mãn đường tu!
Sám hối chủ yếu là tâm chân thành sửa lỗi,
không lập lại điều sai trái nữa, chứ không phải thường ngày đọc kinh sám hối mà
được.
Quyết tâm tu sửa lỗi lầm thì sự sám hối mới có tác dụng, mới được lợi ích, còn
kinh sám là để nhắc nhở lỗi lầm cho ta thấy, chứ tự nó không thể xóa tiêu
nghiệp chướng của ta.
Sám hối nặng về giữ gìn công đức, không nặng
về tạo nên công đức. Ví dụ như người bị tù tội, nếu ăn năn hối cải thì án tù sẽ nhẹ
đi, chứ không phải là hết tội lỗi. Muốn thành công dân tốt, phải làm nhiều
những việc tốt bù đắp vào lỗi lầm. Chúng sanh trong thời mạt pháp này nghiệp
chướng sâu nặng, phải nên thực lòng sám hối cho tội chướng tiêu mòn, cho nạn
tai giảm thiểu. Người trong đời làm nhiều điều phước thiện thì công đức nhờ thế
dễ hiển lộ, giúp cho cuộc sống thêm an vui.
Như vậy, sám hối nghiệp chướng là cái nhân
đưa đến cái quả bớt khổ, còn làm việc công đức lợi lạc chúng sanh là cái nhân
đưa đến nguồn vui. Nếu tu hành mà chỉ cầu kinh sám hối, cầu kinh cứu khổ cứu nạn,
cầu an gia đạo thì cũng tốt. Nhưng nói về cứu cánh giải thoát thì không phải là
hoàn chỉnh lắm. Tại sao vậy? Tự tư tự lợi! Tam độc có tham, sân, si, thì ta
đang bị vướng vào chữ tham! Từ ba sự cầu mong hợp lại làm cho sư tu nặng về tự
lợi, yếu về lợi tha. Nếu hiểu thấu đạo lý của Phật, thì làm lợi cho người tức
là làm lợi cho chính mình. Tất cả chư Phật, chư Bồ-tát luôn luôn làm lợi chúng
sanh, tâm các Ngài đã buông xả cái “Ta”, vì thế mà các Ngài thành Phật, thành
Bồ-tát, thoát khỏi sanh tử luân hồi, viên thành đạo quả. Còn phàm phu chúng ta
cứ lo làm lợi cho mình, quên mất chúng sanh, thành ra tạo nghiệp trùng trùng để
mãi mãi lăn lộn trong lục đạo luân hồi, đọa lạc triền miên, không biết chừng
nào mới thoát nạn!
Sám hối cho tiêu nghiệp chướng là lợi cho
mình, cầu kinh cứu khổ để hết tai nạn cũng lợi cho mình, cầu gia đạo an vui
cũng lợi cho mình. Cầu lợi cho mình, không đụng chạm đến người, thì đâu có hại
đến ai? Nhưng xét cho cùng, tất cả cũng đều chấp vào cái “Ta” vô thường. Tâm đã
tham đắm vào cảnh vô thường thì bắt buộc phải tiếp tục theo cảnh vô thường để
chịu khổ nạn! Nói rõ hơn, có tu tinh tấn cách mấy thì cũng lòng vòng trong bể
khổ sanh tử, chứ khó thể thoát được!
Muốn lợi tha thì phải làm việc phước thiện,
hoặc tạo công đức để hồi hướng cho chúng sanh. Sám hối là tự lợi, hồi hướng
công đức là lợi tha. Có đủ tự lợi và lợi tha thì đường tu hành sẽ viên mãn. Có
công đức mới mong ngày thoát ly trần cấu, không có công đức thì nhiều lắm cũng
chỉ thu được một vài cái lợi hữu lậu thế gian. Nhân thiện quả thiện, nhân ác
quả ác, nhân nào quả đó, đây là định luật tự nhiên. Sám hối là một điều thiện:
tốt. Nhưng nếu vội vã đem việc thiện này để cầu an, cầu giải nạn, thì vì tâm
cầu mà thành bất thiện! Tại sao bất thiện? Vì tham lợi cá nhân mà làm thiện, vì
cái “Tâm Tham” ẩn tàng đang điều khiển việc làm thiện! Trong tâm chứa chủng tử
tham, thì càng làm chủng tử tham vi tế càng phát triển, để sau cùng hưởng lấy
quả báo tham, chính vì thế mà phải vướng lại trong lục đạo, sanh tử luân hồi.
Nếu làm thiện mà không chấp vào việc thiện, không cầu quả thiện, thì quả thiện
cũng đến một cách tự nhiên, đó mới chính là chân thiện, có được đầy đủ công
đức, có thể thoát ly luân hồi.
Cũng nên nhớ rằng, phước đức và công đức
khác nhau. Phước đức là tiền tài, danh vọng, địa vị, có thể nhìn thấy, nắm bắt,
hay sang nhượng. Công đức là công năng tu hành vô hình, không thể thấy, không
thể sang nhượng được. Làm thiện để cầu danh văn lợi dưỡng là “Phuớc đức” hữu
lậu, không thể vãng sanh. Làm thiện nhưng không chấp vào điều thiện, làm vì lợi
lạc chúng sanh, lấy đó hồi hướng Tây-phương là “Công đức” vô lậu, có thể giúp
ta vãng sanh.
Phật dạy, tất cả đều do tâm tạo. Sám hối là
để tiêu nghiệp, nhưng cầu quả báo là hành động tạo nghiệp. “Tiêu Nghiệp – Tạo
Nghiệp”: đúng là một tiến, một lùi. Nói cách khác, là đang đi đường vòng tròn!
Vì một chút sơ ý, đặt mục tiêu quá gần thành ra cứ lần quần trong ngõ cụt!
Sao bằng, nếu thấy rằng, cái thế giới ta-bà
này là ngũ trược ác thế, ở đây là môi trường tạo nghiệp. Kinh Hoa Nghiêm nói:
“Nếu nghiệp ác của chúng sanh mà có hình tướng thì hư không pháp giới không còn
chỗ chứa”, thì ta bám vào đây làm chi mà chịu chết chìm trong tội ác. Trong
kinh Phật, có ông vua A-Xà-Thế, một đời có đủ ngũ nghịch thập ác, đến lúc lâm
chung ăn năn sám hối tội lỗi, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, ông ta được vãng sanh
tới thượng phẩm trung sanh. Đây là dạng “Sám hối vãng sanh”. Giả như, lúc đó
ông ta sám hối nghiệp chướng rồi lo cầu cứu khổ, cầu an, thì liệu bề ông ta có
tránh khỏi đại nạn hay không chứ đừng nói chi đến chuyện vãng sanh Tây-phương
Cực-lạc để thành Phật!
Cái giá trị của tâm niệm thật sự lớn vô cùng
vô tận, có khả năng thay đổi hẳn cuộc diện, người tu hành nhất định cần để tâm
chú ý. Chúng sanh như chúng ta trong thời mạt pháp này nghiệp chướng sâu nặng,
thì hãy mau kiệt thành sám hối nghiệp chướng, rồi quyết lòng niệm Phật cầu sanh
Tịnh-độ để đới nhiệp vãng sanh, một đời xuất ly tam giới, thẳng tắt một đường
tu, có phải hay hơn không?
Lời Phật dạy trong kinh A-di-đà: “Kỳ quốc
chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc”. Vãng sanh về Tây-phương chúng ta
không có sự khổ, còn hưởng tất cả sự an vui Cực-lạc, thì muốn được an vui, muốn
được hết khổ, có nơi nào tốt hơn Tây-phương Cực-lạc?
(*) Một chuyện đáng chú ý khác, nhiều người
khi gặp bệnh thường cầu xin lành bệnh. Có người cẩn thận hơn: “cầu xin cho con, cho
người thân của con được hết bệnh để niệm Phật”. Cầu như vậy không có gì xấu,
nhưng đối với tông chỉ Tịnh-độ thì coi chừng bị lạc đường. Tất cả chư vị Tổ Sư
trong Tịnh-độ tông, không vị nào không nhắc đến điều này, nhưng nhiều người vẫn
còn sơ ý. Trong những lời khai thị, chư vị đều nói, người tu tịnh nghiệp phải
có tín-hạnh-nguyện đầy đủ, nghĩa là phải tin tưởng vững chắc, phải niệm Phật,
và phải phát nguyện vãng sanh Tây-phương. Tín-hạnh-nguyện đầy đủ thì được
Phật lực gia trì, nếu báo thân chưa mãn thì tự nhiên bệnh giảm, nếu báo thân đã
mãn thì được vãng sanh về với Phật. Muốn biết tín-hạnh-nguyện có vững hay
không thì coi những lúc bệnh hoạn, đau ốm… tâm mình còn giữ đúng hay không.
Lúc bệnh mà cầu xin lành bệnh thì không
tương ứng với tín-hạnh-nguyện. Nếu báo thân chưa mãn thì không những không hết
bệnh mà bệnh càng nặng thêm. Nếu gặp trường hợp báo thân đã mãn thì bị mất phần
vãng sanh. Vì sao vậy? Vì “Nhất thiết duy
tâm tạo”, trong lúc lâm chung tâm không cầu vãng sanh mà lại cầu hết bệnh,
chính mình muốn ở lại trong cõi Ta-bà thì làm sao vãng sanh cho được!
Người thật sự tha thiết muốn được vãng sanh
Tây-phương để thành Phật thì tâm tâm nguyện nguyện lúc nào cũng hướng về
Tịnh-độ. Hãy giữ tâm nguyện vãng sanh thật mạnh, thật vững, thật thiết tha thì
sẽ tương ứng với đại nguyện của Phật. Nên nhớ, vãng sanh về Tây-phương, thoát
ly sanh tử luân hồi lục đạo, không hẳn là do công phu chứng đắc của người niệm
Phật, mà chính là sự gia trì của đức A-di-đà để được đới nghiệp vãng sanh.
Người niệm Phật dù cho niệm đến chỗ gió thổi không qua, mưa rơi không lọt,
nhưng không phát tâm nguyện cầu sanh Tịnh-độ thì vẫn không có phần vãng sanh.
Theo Ngài Ấn Quang đại sư dạy, niệm Phật mà không cầu vãng sanh, thì dù cho
công phu sâu dày tới đâu cũng trở thành cách tu tự lực, phải đến chỗ nghiệp
sạch tình không mới mong thoát nạn, nếu còn một mảy may nghiệp chướng vẫn phải
quay trở lại trong sanh tử luân hồi. Ngài Ngẫu Ích đại sư, tổ thứ chín Tịnh-độ
tông Trung Quốc dạy: “Được vãng sanh hay không là do tín và nguyện, phẩm vị cao
hay thấp là do niệm Phật sâu hay cạn”. Cho nên, tín tâm và sức nguyện vô cùng
quan trọng, không thể lơ là được.
Có người biện luận rằng, đau quá làm sao nguyện, bệnh nặng quá làm sao niệm
Phật được, phải cầu cho bệnh giảm bớt mới niệm, mới nguyện được chứ? Thực sự,
tu hành là do tự mình phát tâm, thì mình nguyện, mình niệm, mình cầu… cũng do
tự mình muốn làm chứ không ai bắt buộc. Nhưng hãy nhớ rằng, có lời nguyện đưa
đến giải thoát, có lời cầu dẫn đến đọa lạc. Tất cả đều do tự mình, không ai có
thể ép mình phải làm theo cả. Làm đúng theo lời Phật, lời Tổ thì mình hưởng
trọn vẹn sự đại lợi. Cãi lời Phật, sai lời Tổ thì tự mình hãy lo sửa dọn lấy
con đường sanh tử luân hồi. Viện cớ vì đau bệnh nặng quá chỉ cầu nguyện được
hết bệnh chứ không cầu nguyện vãng sanh được, thì đây cũng là do tự mình đưa ra
rồi tự mình chấp lấy đó thôi! Nguyện nào cũng đều do tâm tưởng, thì khó hay dễ
là do tâm của mình chứ đâu phải lời nguyện. Xin hỏi rằng, nguyện cầu cho hết
bệnh để niệm Phật, lỡ bệnh không hết thì còn dịp nào nữa để nguyện vãng sanh?
Nguyện cho hết bệnh, xét cho cùng, chỉ vì
còn tham sống sợ chết. Điều này rất bình thường của người đời, không có gì đáng
trách! Nhưng chỉ tiếc một điều là, ít ai biết được rằng sống chết là do tại
mạng chứ không phải tại cầu. Chính vì tín tâm không vững, lý đạo chưa thông,
thành ra thường khi con người không chịu cam lòng nhắm mắt, giờ phút lâm chung
họ cứ cố gắng mở mắt để níu kéo mạng sống trở lại. Thương thay! Mạng đã hết,
giờ ra đi đã tới, dù có xin trễ lại một giây cũng không được chứ nói chi muốn
sống thêm. Xin quý đạo hữu suy nghĩ kỹ để vững tâm quyết lòng nguyện vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc!
Người tha thiết vãng sanh thành Phật thì nên
cầu đi về với Phật sớm ngày nào hay ngày đó, cứ mỗi lần đau bệnh là ta lóe lên
hy vọng có dịp để được thoát ly. Nếu tâm đã tha thiết về với Phật như vậy thì
còn tâm nào để sợ chết, còn tâm nào để cầu xin hết bệnh, còn tâm nào buồn sầu
khổ não, còn tâm nào xót xa than khóc, còn tâm nào để trăn trối những nỗi ai
oán bi thương? Lòng tha thiết cầu về với Phật thì tương ứng với bản hoài của
Phật, được A-di-đà Phật gia trì, được chư Bồ-tát hộ pháp bảo hộ, chính nhờ thế
mà lúc lâm chung ta thoát khỏi nghiệp báo oan gia, tinh thần tỉnh táo, sắc diện
an nhiên, vui vẻ tự tại, nhất tâm niệm Phật, chờ Phật A-di-đà đến tiếp dẫn về
Tây-phương, hưởng trọn một sự đại thiện lợi của một đời tu hành, một kiếp thành
đạo, có đâu còn phải chịu qua đến vô lượng kiếp khổ sở trầm luân? Cái lý đạo
giải thoát nó nằm ngay ở chỗ chân thành thực hiện đầy đủ tín-hạnh-nguyện vậy.
(*) Lại có người cho rằng, niệm Phật cầu
sanh Tây-phương Cực-lạc để tìm lối thoát thân cho cá nhân, không kể gì đến vô
lượng chúng sanh đang ngoi ngóp trong biển khổ, tu hành như vậy thật quả là ích
kỷ, tâm lượng hẹp hòi!
Sự đánh giá này có cái lý riêng của cá nhân!
Nhưng người đệ tử Phật, chúng ta nên tự hỏi: chẳng lẽ Phật lại dạy chúng sanh
làm điều sai lầm?
Phật là đấng giác ngộ, có tâm đại từ đại bi,
có đại trí huệ, không bao giờ dạy điều sai lầm đâu.
Tu hành cần phải phát Bồ-đề Tâm cứu độ chúng
sanh. Phải mở rộng tâm lượng, tâm bao thái hư, lượng châu sa giới mới có thể
tương ứng với hạnh nguyện của chư Phật, chư Bồ-tát. Người muốn thành Phật mà
tâm hồn hẹp hòi, chỉ lo riêng cho cá nhân thì làm sao có ngày thành Phật? Đây
là lời nhắc nhở chung của tất cả chư Phật, chư Bồ-tát. Chư Tổ sư, Đại đức luôn
luôn dạy phải phát tâm Bồ-đề rộng lớn, phải vì lợi ích xã hội mà làm, vì chúng
sanh mà phục vụ, không thể phục vụ cho danh văn lợi dưỡng, tự tư ích kỷ, ngũ
dục lục trần, tham sân si mạn. Mới nghe được vậy, có người đã vội vã xông xáo
ra đời tìm cách cứu độ chúng sanh.
Nhưng khi hỏi đến: cứu độ bằng cách nào? Mỗi
người trả lời mỗi khác! Nói chung, phương pháp chưa nắm vững, chưa biết! Như
vậy thì làm sao cứu độ? Thực ra, lời khai thị chưa phải chấm dứt ở đó. Nếu bình
tĩnh nghe thêm một chút nữa ta sẽ thấy rõ ràng, chính xác hơn.
Trong đường tu tập, nhất định ta phải xác
lập mục đích, nhận rõ khả năng, phân tích cho kỹ hành động và hậu quả. Muốn cứu
người khỏi đói thì chính ta phải có miếng ăn, muốn giúp người đồng tiền thì ta
phải có tiền. Muốn cứu người khỏi chết chìm thì chính mình phải không được chết
chìm. Chúng sanh đang trôi lăn trong sanh tử luân hồi, mình cũng bị trôi lăn
trong luân hồi sanh tử, thì ai sẽ cứu độ ai đây? Muốn cứu độ chúng sanh thành
Phật thì chính ta phải có khả năng thành Phật, nếu ta chưa bao giờ dám nghĩ đến
chuyện thành Phật, thì làm sao dám mơ tới chuyện cứu người khác thành Phật?!
Cho nên, tâm từ bi phải kèm theo năng lực và phước đức đầy đủ mới có thể giải
quyết rốt ráo vấn đề vậy.
Tu hành mục đích chính là giải thoát. Chánh
hạnh phải là viên thành Phật đạo, nhờ vậy ta mới có đủ năng lực cứu độ chúng
sanh. Nhiều người đã lấy cái phụ làm chính, cái chính làm phụ, rốt cuộc tất cả
đều trở thành phụ và vấn đề vẫn không giải quyết nổi! Muốn cứu người thoát khỏi
biển khổ mà chính ta cũng ngoi ngóp trong biển khổ, nếu vớ vào kẻ khác thì cả
hai chết chìm càng nhanh. Chẵng lẽ, cứu độ là như vậy sao!?
Chính hạnh là gì? Là Tín-Hạnh-Nguyện đầy đủ
để vãng sanh Cực-lạc. Nói rõ hơn, với pháp môn Tịnh-độ, thì niệm Phật cầu
nguyện vãng sanh Tây-phương vẫn là chính. Đây gọi là đi thẳng, bơi thẳng tới bờ
giác. Trên con đường thẳng tắp đó, ta cần phải có tâm nguyện cảnh giác, hú
nhau, mời thỉnh, kêu gọi những người đang say mê hụp lặn với sóng nước trùng
dương hãy nhắm thẳng tới bờ, phải mau mau bơi thẳng, đừng lưu luyến đến chỗ này
nữa mà cuối cùng bị nhận chìm xuống đáy đại dương!
Nhắm thẳng như thế nào? Phát nguyện tha
thiết vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Bơi thẳng như thế nào? Phải tịnh niệm tương
kế câu A-di-đà Phật.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy phải “tu
chư công đức”. Công đức lớn gọi là “Đại tu công đức”, công đức nhỏ là “Tiểu tu
công đức”. Dù lớn hay nhỏ, tu công đức vẫn là trợ hạnh cho chánh hạnh vãng
sanh. Nghĩa là, tất cả mọi công đức đều phải hồi hướng về Tây-phương, hỗ trợ
cho sự vãng sanh của mình được chắc chắn, chứ không phải mục đích là ở lại cứu
độ chúng sanh. Nhiều người không để ý điều này mà bị sơ sót rất lớn. Ví dụ như
trong phần “Thượng bối vãng sanh”, nếu mới nghe Phật nói “Tu chư công đức” là
vội vã phát nguyện lăn xả vào cứu độ chúng sanh, thì coi chừng quên mất câu:
“Nguyện sanh bỉ quốc”. Tu công đức là để củng cố cho nguyện vãng sanh thành
Phật. Công đức là trợ hạnh, vãng sanh vẫn là chính hạnh.
Trong phần “Trung bối vãng sanh”, Phật dạy
một loạt công đức như: “Người tuy không có khả năng hành hạnh sa môn, nhưng cần
tu các công đức lớn, phát Bồ-đề tâm một hướng chuyên niệm A-di-đà Phật. Tùy khả
năng tu các công đức lành như: phụng trì trai giới, khởi lập pháp tượng, cúng
dường sa môn, rải hoa đốt hương, lấy các công đức đó hồi hướng để nguyện xin
vãng sanh về nước kia (thế giới Tây-phương).
Phần “Hạ bối vãng sanh”, Phật dạy: “Nếu
người nào không thể tạo các công đức, phải nên phát tâm Vô Thượng Bồ-đề một
lòng chuyên niệm A-di-đà Phật. Vui vẻ tin sâu đừng nên nghi ngờ. Đem tâm chí
thành nguyện sanh Cực-lạc…”.
Đây là lời Phật dạy. Có hai điều chính:
Một là, tu các công đức, trong đó phát tâm
Bồ-đề to lớn, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật là điểm quan trọng. Phát
Bồ-đề tâm, đối với pháp môn Tịnh-độ chính là thành tâm phát nguyện cầu sanh
Cực-lạc. Nói rõ hơn, chính là làm đúng ba điểm tín-hạnh-nguyện của tông chỉ
Tịnh-độ.
Hai là, đem tất cả công đức, dù lớn hay nhỏ, dù ít hay nhiều, đều hồi hướng về
Tây-phương để cầu vãng sanh. Mọi hành động, tư tưởng, động niệm sau cùng đều
nhắm thẳng đến Tây-phương Cực-lạc, chứ không phải nhắm thẳng tới cứu độ chúng
sanh.
Tại sao vậy? Một là, Phật dạy như vậy ta
phải làm như vậy; Hai là, Phật dạy chúng sanh tu cho thành Phật, chứ không phải
dạy làm như Phật; Ba là, chúng sanh không đủ năng lực để cứu độ chúng sanh; Bốn
là: vậy thì, phải lo thoát nạn, được người nào hay người đó, để cho công cuộc
cứu độ của chư Phật nhẹ đi phần nào; Năm là: về Tây-phương rồi thì mới có đủ tư
cách phát tâm Bồ-đề rộng lớn như Phật.
“Phát nguyện cứu độ chúng sanh”, và, “Phát
nguyện tu các công đức, hồi hướng về Tây-phương để được vãng sanh”, là hai lời
phát nguyện khác nhau. Lời thứ nhất là của Phật, lời thứ hai là của chúng sanh
đang hướng cầu thành Phật. Đơn thuần phát nguyện cứu độ chúng sanh thì chứng tỏ
tâm địa rất tốt. Nhưng nên nhớ, có chí mà thiếu tài thì chỉ là điều vọng tưởng!
Tu pháp của Phật mà không chịu làm theo lời Phật thì sẽ bị sai lệch, lạc đường,
tu lòng vòng, muốn tự lực chứng đắc, chứ không muốn được hưởng sự gia trì của
Phật. Thật đáng tiếc lắm vậy!
Trong quyển “Cẩm Nang Tu Học” của HT Thích Quảng Khâm có kể một chuyện: Có một
lần thầy Quảng Hóa đến thỉnh giáo với ngài Quảng Khâm về tâm nguyện cứu độ
chúng sanh. Ngài Quảng Khâm nói rằng: “… khi lâm chung thầy cần phải không được
vương vấn hay quái ngại bất cứ việc gì thì mới được vãng sanh. Nếu thầy còn
tham vọng muốn cứu độ chúng sanh, thì sự tham muốn ấy cũng là một thứ chấp
trước, một thứ quái ngại!”.
Nghĩa là sao? Phật dạy rằng, tu chính là để
vãng sanh thành Phật, mình chưa hiểu hết ý Phật lại đi đốt giai đoạn lo cứu độ
chúng sanh trước. Vô tình, tu hành đã trở thành một cái nghiệp! Ngài Tịnh Không
dạy, đã là nghiệp thì thiện hay ác vẫn là nghiệp. Nghiệp thiện sanh về tam
thiện đạo, nghiệp ác sanh về tam ác đạo, tất cả vẫn còn trong tam giới, không
thể thoát ly sanh tử luân hồi. Cho nên, nghiệp sạch tình không vẫn là điều kiện
lý tưởng để vãng sanh. Nếu không đạt được cảnh giới này, thì ít ra chúng ta
phải biết “Nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, nguyện sanh bỉ quốc” để tương
ứng với bản hoài của Phật mà được đới nghiệp vãng sanh trước vậy.
“Nguyện sanh Tây-phương Tịnh-độ trung” mới
thực sự hợp với bổn hoài của Phật. Đây là lời Phật dạy, lời của chư Tổ khuyên
nhắc. Vì lấy vãng sanh làm chính thì tất cả tâm nguyện khác đều là trợ lực cho
sự vãng sanh, nhờ vậy mà nguyện lực vãng sanh của ta sẽ rất mạnh, nhờ nguyện
lực mạnh này mà khi lâm chung ta sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh.
Phật muốn cứu độ tất cả chúng sanh đều được
vãng sanh Tây-phương bất thối thành Phật. Một chúng sanh đang ở trong vòng sanh
tử luân hồi, tam đồ đọa lạc tự mình chưa chắc sẽ thoát khỏi, mà không chịu nghe
lời Phật cầu thoát ly tam giới đễ viên thành Phật đạo, lại cứ muốn chạy lòng
vòng cứu độ chúng sanh. Hỏi rằng, liệu có cứu được chăng? Một người nặng tội đi
cứu người tội nặng, thì cả hai đều phải vào tù. Ngục tù càng ngày càng đông
người, làm sao Phật cứu độ cho xuể!
Làm sai lời Phật vì lòng tin còn yếu, không
y giáo phụng hành vì còn bất hiếu, chưa chịu nguyện vãng sanh Tây-phương
Tịnh-độ vì lý đạo chưa thông! “Tam giới vô an, du như hỏa trạch”, muốn cứu
người ra khỏi nhà lửa của tam giới thì phải nhờ đến từ lực của Phật gia trì,
chứ đâu thể nhờ vào sức người đang mê man nằm trong nhà lửa. Vấn đề chính của
chúng sanh là chúng sanh có thể thoát ra khỏi được nhà lửa chưa, hay vẫn còn
đang mê muội chạy rong trong đó?
Lòng từ bi của chư Phật muốn cứu độ chúng
sanh thoát khỏi nhà lửa, nguyện cầu chính của chúng sanh là được thoát ra khỏi
nhà lửa để về với Phật. Nếu nguyện vọng hai bên tương ứng nhau thì chúng sanh
hiện nay đâu đến nỗi phải chịu khổ nhiều như vậy!
Cho nên, cần phải xét kỹ rằng: ta đã là Phật
hay ta chỉ là người đang tu hành để cầu thành Phật? Nếu là người đang tu hành
để cầu thành Phật, thì ta chưa đủ năng lực làm như Phật, mà phải cố gắng làm
những gì Phật dạy. Phật dạy gì? Phật dạy niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nếu tất cả
chúng sanh đều một lòng vâng lời Phật, làm đúng theo lời Phật dạy, thì chư Phật
đâu đến nỗi phải bận tâm nhiều để lo cứu độ cho chúng sanh!
Nói như vậy, xin đừng hiểu lầm rằng, người
tu hành cứ lo chuyện vãng sanh thoát thân, bất cần đến khổ nạn của chúng sanh. Kẻ
biết cầu sanh Tịnh-độ mà thiếu công đức cứu độ chúng sanh thì giống như người
biết đường đi mà không có lương thực. Người lo cứu độ chúng sanh mà không cầu
sanh Tịnh-độ thì giống như kẻ có lương thực mà không biết đường đi. Người vừa
có lương thực vừa biết đường đi, thì đi thẳng tới bờ kia có gì là khó?
Trong kinh, Phật dạy phải tu tất cả công đức lành có thể làm được, đồng thời
“nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật nguyện sanh bỉ quốc”, nghĩa là đường đi
chúng ta phải giữ thẳng.
Phải nỗ lực bố thí giúp người, khuyên người niệm Phật, khuyến khích người cầu
nguyện vãng sanh, giúp cho chúng sanh thấy được hướng thoát ly sanh tử luân
hồi. Giảng giải không tiếc lời, giúp đỡ không tiếc tiền, phụ lực không sợ khó,
tận tâm khai thị cho nhiều người giác ngộ đường đi. Đây là việc ta nên làm, hãy
làm, phải làm, và cố gắng làm. Nhưng làm mà xin đừng chấp vào đó, chúng sanh có
chịu nghe hay không là tùy duyên, hành trình của chúng ta vẫn phải tiến thẳng,
chứ đừng nên quay đầu trở lại chờ nhau, để chịu đọa lạc chung với nhau.
Y giáo phụng hành là pháp cúng dường chư
Phật tối thắng. Hãy nhớ rằng, một người nghe lời Phật dạy quyết lòng niệm Phật
cầu nguyện vãng sanh Tây-phương, thì một người được vãng sanh thành Phật. Triệu
người nghe lời Phật quyết lòng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh Cực-lạc, thì
triệu người được vãng sanh thành Phật. Tất cả chúng sanh đều một lòng niệm Phật
cầu nguyện vãng sanh Tịnh-độ, thì tất cả chúng sanh đâu cần đến chư Phật xuống
thế khổ tâm cứu độ nữa. Ngài Vĩnh Minh đại sư dạy rằng, tu tịnh nghiệp thì vạn
người tu vạn người được đi là vậy.
Vậy thì, công tác cứu độ chúng sanh của ta
phải làm chính là: Trước tiên, tự mình phải quyết tâm niệm Phật cầu sanh
Tịnh-độ, đường đi thẳng tắp không được lòng vòng. Hai là, cố gắng khuyên người
niệm Phật, giả như ta khuyên được hai người quyết lòng niệm Phật cầu sanh
Tịnh-độ thôi, rồi hai người đó cũng cố gắng khuyên thêm hai người nữa cùng tu
một đường. Thế thôi, đủ rồi! Công đức tuy có vẻ khiêm nhường, nhưng có lẽ
chẳng bao lâu sẽ có hàng vạn chúng sanh được thoát nạn, được vãng sanh thành
Phật mà ta không hay.
Như vậy, cứu độ chúng sanh chính là dốc lòng
khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, chứ không phải lả bỏ niệm Phật để
lo chuyện giúp ích chúng sanh. Nếu ta sơ ý, thì sẽ có hàng vạn chúng sanh đầy
rẫy nghiệp chướng này, cộng thêm hàng vạn chúng sanh đầy rẫy nghiệp chướng
khác, tiếp tục bơi lòng vòng trong bể khổ, rồi sau cùng cũng bị chết chìm trong
bể khổ! Rốt cuộc ta giúp được gì đây?
Chị Huệ Sanh thân! Tu hành cần phải thiết
thực, biết áp dụng thẳng vào đời sống, chú ý nhiều về “Sự tu” để đạt đến chỗ
lý-sự viên dung. Cho nên, quý đồng tu hỏi về sự hộ niệm và cách thức cộng tu
niệm Phật là đúng hợp với mục tiêu này, về sự hộ niệm thì trong tập “Khuyên
người niệm Phật 1” có nói qua, trong tập 2 (đang ấn tống) nói rõ hơn, có một số
vị ở nơi khác cũng hỏi đến chuyện này, thư tới tôi sẽ cố gắng nói rõ thêm và
tìm thêm tài liệu gởi cho quý vị.
Chúng ta gặp nhau trên đường đạo đây cũng là cái duyên. Chúng ta khuyên nhau tu
hành cũng là cái duyên. Tất cả mọi chuyện đều do cái duyên, không có duyên
không thể hành sự. Phật cứu độ chúng sanh cũng là duyên, thì chúng ta cũng phải
tùy duyên mà khuyên người niệm Phật. Nghĩa là, nếu có duyên thì tự nhiên đến,
không có duyên thì phải biết chờ đợi cái duyên lành chứ không thể phan duyên
được.
Nói cách khác, người niệm Phật cầu sanh
Tịnh-độ đã có sẵn đường đi thì cứ tiếp tục đi thẳng cho đến ngày hoa khai kiến
Phật, và trên đường đi phải luôn luôn nhớ tùy duyên cứu người. Người hướng dẫn
một nhóm đồng tu niệm Phật giống như con chim đầu đàn, phải bay thẳng hướng, để
cho đàn chim tùy tùng bay theo, chứ chim đầu đàn không thể mơ hồ, làm chao đảo
niềm tin của tùy chúng.
Chính vì thế, nếu Huệ Sanh đã phát tâm
khuyên người niệm Phật thì phải dự phòng có người thuận, có người chống, có
người ưa, có người ghét. Tất cả đều hãy tùy thuận theo thiện căn phước đức của
cá nhân, chúng ta cần nhất là phải gìn giữ tâm thanh tịnh, tuyệt đối đừng nên
chống đối bất cứ một ai. Người chống đối ta là vì tâm người không thanh tịnh.
Ta chống đối người là vì tâm ta cũng loạn như tâm người. Người có tâm không
thanh tịnh thì chắc chắn đường tu hành không bao giờ thành đạt.
Những người có tâm chống đối Phật pháp, bóp
méo kinh Phật thì họ đang tạo tội rất nặng! Hãy thương họ hơn là ghét bỏ. Ở tại
Hội Tịnh Tông, hiện nay mỗi lần tổ chức một lúc mười Phật thất, tức là 70 ngày,
mỗi năm bốn lần cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Họ thường khuyến cáo rằng, mọi
người trong mùa Phật thất phải cần tịnh khẩu, chỉ nên mở miệng để niệm câu
A-di-đà Phật, phải giữ một câu A-di-đà Phật niệm tới cùng là hay nhất.
Niệm Phật cần phải có ba cái KHÔNG: không
nghi ngờ, không xen tạp, không gián đoạn. Tất cả hãy nhất hướng chuyên niệm
A-di-đà Phật cầu sanh Tịnh-độ. Đường đi thẳng tắp: Niệm Phật Thành Phật.
A-di-đà Phật,
Diệu Âm.
(Viết xong, Úc châu, 29/10/03).
Khuyên người niệm
Phật cầu sanh Tây-phương tức là tạo dựng kẻ phàm phu thành bậc Chánh Giác, công
đức này thật vô lượng vô biên. Nếu đem công đức ấy hồi hướng cầu vãng sanh thì
quyết định thành Phật đạo, không sai.
(Ấn Quang Đại Sư).