Em Đường – Thạnh,
Anh đã viết cho hai em nói về sự khổ, nói về
cách đọc tụng kinh, hy vọng nó giúp các em giải quyết được phần nào chướng ngại
phải không? Hôm nay anh lại mở thư em ra đọc lại để đi đến vấn đề khó khăn
khác. Những điều khó khăn này, nếu cho anh hay sớm hơn, thì có lẽ đến nay các
em cảm thấy thoải mái và tự tại nhiều rồi, chứ đâu đến nỗi bây giờ mà “… em
phải lần mò đi tìm từng chút…” có vẻ khó khăn dữ vậy. Tìm hiểu thì tốt, nhưng
có lúc tìm được, có nơi không có tài liệu thì tìm đâu cho ra. Tìm không ra tức
là “Cầu bất đắc khổ”. Đời đã là khổ lại còn đi cầu thêm cái khổ làm chi? Tục
ngữ VN có câu, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cái khôn này do đi mà
thấy, chứ không phải ngồi ở nhà tra cứu trong sách vở mà có đâu. Muốn tu sửa
thì phải thực hành mới có ích lợi. Thôi anh bắt đầu trả lời tiếp những câu hỏi
của em đây.
Hỏi: Cửu pháp giới, tam đồ, lục đạo sanh tử
luân hồi là gì?
Trả lời: Cửu pháp giới là chín pháp giới.
Lục đạo là sáu đường. Chúng sanh ở trong lục đạo phải chịu chết-sống, sống-chết
thường xuyên nên gọi là “Sanh tử”. Chết rồi không phải mất, mà “Chết” là chỉ
cho cái thân xác bị chết, chứ còn thần thức (người thế gian gọi linh hồn), thì
không chết theo cái xác. Cái xác thân thực ra chỉ là khối vật chất hỗn hợp bởi
thịt, xương, máu, phân, v.v… được điều khiển bởi một linh hồn. Linh hồn còn
trong thân xác thì thân xác sống, linh hồn rời khỏi xác thì xác bị chết. Xác
chết đi, nhưng linh hồn thì vẫn tiếp tục sống trong một cảnh giới khác, gọi là
“Thân trung ấm” để chờ tái sanh trở lại.
Cứ trải qua một chu kỳ: Sống-Chết-Tái sanh
gọi là “Luân hồi”. “Luân” là luân chuyển, “Hồi” là trở lại. “Sanh tử luân hồi”
nghĩa là: sống rồi chết, chết rồi sanh trở lại để sống, luân chuyển như vậy mãi
mãi không bao giờ chấm dứt. Đây thuộc về Sanh khổ, và Tử khổ của chúng sanh
trong lục đạo. Nói gọn hơn, chính là cảnh “Vô thường” mà Phật thường dạy trong
kinh.
Điều đầu tiên cần phải nhớ là “Cửu pháp
giới” không phải là “Lục đạo” cộng với “Tam đồ” thành ra “Cửu pháp” như em đã
nói, mà trong cửu pháp giới có lục đạo, trong lục đạo có tam đồ. “Cửu pháp
giới” chính là sáu đạo luân hồi cộng với ba pháp giới Thánh ở ngoài tam giới là
Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát. Còn nếu cộng thêm pháp giới của Phật nữa thành
ra mười pháp giới, gọi là “Thập pháp giới”.
(*) Thanh Văn: là hàng Thánh tiểu
thừa A-la-hán, ngộ được lý Tứ Diệu Đế, phá được kiến tư hoặc, vượt khỏi tam
giới, nhập vào Niết Bàn, không còn sanh tử luân hồi nữa.
(*) Duyên Giác: là người nhờ quán
theo lý 12 nhân duyên mà giác ngộ thành bậc Độc giác Bích-Chi-Phật. Độc giác có
nghĩa là tự giác ngộ cho mình, không giáo hóa cho chúng sanh.
(*) Bồ-tát: là bậc Đại thừa cầu
Phật quả gồm 52 phẩm bậc từ thập Tín, thập Trụ, thập Hạnh, thập Hồi-Hướng, thập
Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác. Bồ-tát là viết tắt cho “Bồ-đề” là giác ngộ, và “Tát
Đõa” là hữu tình. Nghĩa là bậc “Đại giác hữu tình”, “Đại giác chúng sanh”, “Đại
đạo tâm chúng sanh”, v.v…
Thực ra, pháp giới có rất nhiều, nhiều đến
vô lượng vô biên, chứ không phải chỉ có chín pháp giới, hay mười pháp giới đâu.
Pháp giới mông huân! Đây là một đề tài rất rộng, cho nên anh chỉ có thể nói một
cách tổng quát thôi chứ không thể khai thác cặn kẽ được. Hơn nữa, muốn nói cho
cặn kẽ thì khả năng của anh cũng không đủ sức nói. Pháp giới bao la, siêu
huyền, chỉ có Phật mới thấy rõ tường tận. Với căn cơ bình thường như chúng ta,
nếu cứ ham thích tìm hiểu cho tường tận vào những cảnh giới này thì nhiều khi
cũng dễ bị lôi cuốn vào trong những cảnh quá ư huyền ảo, chới với trong những
cõi quá siêu hình, mông lung trong rừng thuật ngữ. Đây chưa chắc là điều đã
tốt! Cho nên, chuyện này chỉ cần biết tổng quát để thấy hướng tu hành là đủ,
đừng nên mong cầu hiểu sâu vào đó làm chi. Thôi, chúng ta hãy bắt đầu từng điểm
cụ thể.
1) Lục đạo: là sáu đạo luân hồi,
gồm có Thiên, A-tu-la (tức là Quỉ-Thần), Nhân, Súc-sanh, Ngã-quỉ, Địa-ngục.
Trời, Quỉ-Thần và Người gọi là Tam-thiện-đạo. Súc-sanh, Ngã-quỉ, Địa-ngục là
Tam-ác-đạo hay còn gọi là Tam-đồ-khổ. Trong tam thiện đạo thì cảnh giới Trời có
nhiều phước báu hơn Quỉ-Thần, Quỉ-Thần có nhiều phước báu hơn Người.
Đây là nói một cách tổng quát, chứ nói về
chi tiết thì rộng mênh mông, phải chia ra thành rất nhiều đề tài nhỏ nữa mới có
thể nói được rõ hơn, vì thực sự bên trong bất cứ cảnh giới nào cũng rộng vô
lượng vô biên, khó nói cho đến tận cùng bờ mé. Ví dụ như cảnh giới Trời thì có
Trời Dục-Giới, Trời Sắc-Giới, Trời Vô-Sắc-Giới, gọi chung lại là “Tam-giới”.
Tam giới là ba cảnh giới trời, ba cảnh giới này cũng nằm trong lục đạo, gói gọn
trong chữ “Thiên”.
*) Dục-giới Thiên: là trong cảnh giới
này chúng sanh sống mạnh về hai thứ dục vọng: sắc dục và thực dục, nói rõ hơn
là tham dâm dục gái trai và tham ăn uống. Dục giới bao gồm: sáu cảnh trời gọi
là “Lục-dục Thiên”, bốn cảnh giới người gọi là “Tứ-đại-bộ Châu”, và tám địa
ngục lớn gọi là “Bát-đại-địa Ngục”. Lục dục thiên gồm có: 1)Tứ-Thiên-Vương
Thiên; 2)Đao-Lợi Thiên; 3)Dạ-Ma Thiên; 4)Đâu-Suất Thiên; 5)Lạc-Hóa Thiên;
6)Tha-Hóa-Tự-Tại Thiên. Trong sáu cảnh trời dục giới này, mỗi cảnh trời lại có
nhiều cảnh trời khác. Ví dụ như riêng ở cảnh giới trời thứ hai là Đao-Lợi Thiên
có tất cả 33 tầng trời, trung tâm là Đế-Thích Thiên và 32 cõi trời khác nữa.
*) Sắc-giới Thiên: là những cõi trời ở
đó thân thể, vật chất, hoàn cảnh sống rất thù đặc, kỳ diệu, tinh xảo hơn trời
dục giới. Sắc giới thiên có tất cả 18 tầng trời. Muốn sanh lên cõi sắc giới
thiên phải tu thiền định, Người nào đạt đến từ Sơ-Thiền-Định cho đến
Tứ-Thiền-Định thì được nhập vào cảnh Sắc-giới Thiên.
*) Vô-sắc-giới Thiên: thì không còn hình
tướng hay vật chất nữa, tất cả đều là dạng của tâm thức, đây là kết quả của mức
thiền định rất thâm diệu, nên gọi là Vô sắc. Có bốn cõi là: Thức-Vô-Biên-Xứ,
Không-Vô-Biên-Xứ, Vô-Sở-Hữu-Xứ, Phi-Tưởng-Phi-Phi-Tưởng-Xứ.
Phi-Tưởng-Phi-Phi-Tưởng-Xứ là cảnh giới cao nhất trong tam giới. Người nào tu
thiền định đạt đến cảnh giới từ “Đệ-Nhất-Không-Định” đến “Đệ-Tứ-Không-Định” sẽ
được vào cảnh Vô-Sắc-Giới. Bốn cảnh giới Thiền-Định cộng với bốn cảnh giới
Không-Định gọi là “Tứ Thiền Bát-Định” của người tu tham thiền. “Không-Định” cao
hơn “Thiền-Định”.
Đây là những cảnh giới thiền định rất cao,
đạt đến những cảnh giới này không phải là chuyện đơn giản! Vấn đề thiền định
anh không đủ khả năng đi sâu vào chi tiết, chỉ biết rằng một người hành thiền
dầu đạt tới chỗ Tứ-Thiền Bát-Định cũng vẫn chưa ra khỏi tam giới. Có nghĩa là,
giả sử như một người có công phu thiền định thâm hậu, có thể nhập định một vài
tháng mới xuất định, thì đây vẫn chỉ là cái định của thế gian, vẫn còn trong
sanh tử luân hồi, chưa xuất khỏi tam giới để nhập vào hàng Thánh.
Nếu một người đạt được đến công phu thiền
định cao như vậy, nếu họ biết niệm Phật cầu sanh Tây-phương thì họ được vãng
sanh một cách dễ dàng, vì tâm của họ đã thanh tịnh, rất dễ đạt đến cảnh giới
“Nhất tâm bất loạn”. Nghĩa là họ sẽ vượt qua tam giới, thoát ly sanh tử luân
hồi, một đời thành tựu đạo quả.
Bên cạnh đó, khá lạ lùng là một người bình
thường chỉ biết trung thành niệm “A-di-đà Phật”, biết tha thiết nguyện vãng
sanh Tây-phương, thực hiện Tín-Hạnh-Nguyện thật đầy đủ, họ có thể vượt qua
Tam-giới dễ dàng vãng sanh thẳng về cõi Tây-phương Cực-lạc, gặp Phật A-di-đà,
tự nhiên một đời thành bậc bất thối để viên thành Phật quả. Ngài Vĩnh Minh nói:
“Vô Thiền hữu Tịnh-độ, vạn tu vạn nhân khứ, nhược đắc kiến Di Đà, hà sầu bất
khai ngộ”, là chỉ cho sự việc này.
Sở dĩ được vậy phần lớn là nhờ thần lực của
Phật A-di-đà gia trì. Khi đã hiểu về cảnh giới của vũ trụ nhân sinh, chúng ta
mới thấy niệm Phật có công đức “bất khả tư nghì”! Niệm Phật đúng là một pháp
môn vi diệu đến cùng cực, một pháp tu tối nhiệm mầu, một bí tủy của Phật pháp,
một đại mật tạng không ai có thể giảng giải được. Phật nói dù cho chư Đại
Bồ-tát cũng phải lấy tín-nguyện-niệm Phật để cầu xin về đó chứ không thể giải
thích, chỉ có Phật với Phật mới hiểu được mà thôi.
Cho nên, một người trần tục đầy tội lỗi,
trong đời mạt pháp này đã gặp được pháp môn niệm Phật mà không chịu niệm Phật
cầu sanh Tây-phương để thành Phật, thì còn mong đợi gì nữa đây?!…
(*) Quỉ-thần, gọi chung là A-tu-la, thuộc về tam thiện đạo, có phước đức và uy
quyền. Nên nhớ “A-tu-la” là danh từ gọi chung, chứ quỉ thần không phải chỉ có
A-tu-la. Quỉ-Thần, nếu chia ra thì “Quỉ” là chỉ cho loại thần có uy lực, có thể
háo sát; “Thần” là chỉ cho loại quỉ có tài, có tâm hiền từ. Nói chung, Quỉ-Thần
có ác thần, có thiện thần. Ác thần thì ăn mặn, sát sanh, không hộ trì Phật
pháp. Đối với họ ta chỉ giữ tâm thành kính, không nên tiếp cận hoặc vô lễ với
họ được. Thiện thần thì hộ trì Phật pháp, giúp người tu hành, biết ăn chay niệm
Phật. Ví dụ như Thiên-Long Bát Bộ, tức là Thiên chúng và Long chúng trong tám
bộ chúng dưới trướng của Tứ-Thiên-Vương Thiên, hoặc gọi là Thiên thần và Long
thần trong tám bộ, đều là thiện thần.
Những ngày đình đám, cúng giỗ, tang lễ, nếu
con người cứ giết hại gia súc, dùng thịt cá để cúng tế, làm con heo quay để
trước bàn thờ, v.v… thì rước những vị hung thần đến dự, còn các vị thiện thần
đều tránh xa. Ngược lại, nếu ta làm trai chay tịnh khiết, niệm Phật tụng kinh,
hồi hướng công đức, thì chư vị thiện thần đến dự, các vị hung thần tránh xa.
Đây là điều cần nên nhớ kỹ.
2) Tam đồ: hay còn gọi tam ác
đạo, đây là ba đường đọa lạc nằm trong lục đạo, gồm có địa ngục, ngã quỉ và súc
sanh. Trong đó, súc sanh là thú vật, như heo, gà, chó, mèo, v.v… Cảnh giới này
ta thấy rõ ràng, sống chung với chúng, tiếp xúc hàng ngày, nên có thể cho là dễ
hiểu. Còn hai cảnh giới “Địa ngục” và “Ngã quỉ” thì sao? Ở đâu? Có thực không?
(*) Địa ngục là gì? Người ta thông
thường cho rằng: “Địa” là đất, “Địa ngục” là một cái ngục tù được thiết lập
dưới lòng đất. Người chết thì chôn xác xuống đất, nên người ta cho rằng đưa họ
về “Địa ngục”, gởi xuống “Âm ty”, dẫn về “Địa phủ”, đi chầu “Diêm Vương”, v.v…
tất cả những danh từ này đều hàm nghĩa đi xuống địa ngục. Trong kinh Địa Tạng
nói rất rõ về địa ngục.
Thực ra không phải ai chết cũng đi xuống địa ngục đâu. Người ác mới vào địa
ngục, người thiện về tam thiện đạo, người ngu si đi theo súc vật, người keo
kiệt theo đường ngã quỉ, người muốn thành ma mới đi theo ma, v.v… Người ăn ở
hiền lương, vững lòng tin Phật pháp, chí tâm niệm Phật nguyện vãng sanh
Tây-phương thì sẽ được sanh về cảnh Tây-phương Tịnh-độ.
Cho nên, người tu hành cũng cần nên tìm hiểu
tổng quát về cảnh giới, mới biết được đường đi cho tương lai, tự đính chính tư
tưởng của mình, xin đừng sơ ý mà nguyện xuống địa ngục, đó là tự mình hại lấy
đời mình vạn kiếp vậy.
Nên nhớ rõ, ngoài việc tùng nghiệp thọ sanh,
thì nguyện lực nó có một sức mạnh rất lớn, có thể quyết định cảnh giới tương
lai. Nghĩa là, nói rõ hơn, nếu nguyện lực mạnh có thể đánh bại nghiệp lực, để
đưa thần thức tái sanh theo lời nguyện. Ngài Ngẫu Ích Đại Sư, vị Tổ thứ chín
của Tịnh-độ Tông Trung Quốc khẳng định rằng, chỉ cần tin tưởng và phát nguyện
vững mạnh cầu sanh Cực-lạc thì được vãng sanh Tây-phương, còn niệm Phật sâu hay
cạn là để phẩm vị cao hay thấp. Cái lý đạo này rất sâu, nhắc nhở chúng ta cần
phải để tâm chú ý về lời nguyện, sức nguyện.
“Ngục” là ngục tù; “Địa” vừa là tâm địa, vừa
là đại địa. Tâm địa ác hiểm thì đây chính là cái nhân tạo ra ngục hình để nhốt
cái tâm (hay gọi là thần thức, là linh hồn) của chính mình vào trong cái ngục
tù đó mà tự thọ nạn lấy. Là đại địa vì hầu hết địa ngục đều bám vào các cõi
dưới đất, cho nên gọi là “Địa ngục”. Như vậy, địa ngục không những chỉ ở sâu
dưới lòng đất, mà còn ở khắp nơi: nghĩa là có ở sâu dưới lòng đất, có ở trên
không trung, có ở trong rừng cây, có ở ngay tại thế gian này, có ở giữa tâm của
mỗi người.
Có nhiều loại địa ngục. Tùy theo cảnh giới
tốt xấu, tội lỗi nặng nhẹ, tâm ác lớn nhỏ, v.v… mà một chúng sanh có thể bị
tùng nghiệp thọ nạn ở các cảnh địa ngục khác nhau. Ví dụ, như bên trên chúng ta
đã biết qua về “Bát đại địa ngục”, nhưng không phải chỉ có tám cái địa ngục
lớn, mà mỗi một địa ngục lớn lại có 16 địa ngục phụ. Những địa ngục ở cảnh giới
này gọi là “Du-Tăng địa ngục”. Theo “Câu-Xá Luận”, một kẻ có tội bị sa vào đây
để chịu cực khổ, cái khổ càng ngày càng tăng lên, cho nên gọi là “Du-Tăng”. Như
vậy, nếu chỉ tính ở cảnh giới này thôi đã có tới 128 Du-tăng địa ngục, cộng với
8 địa ngục lớn thành ra 136 cảnh địa ngục.
Chưa hết! Ví dụ như ta thường nghe 18 tầng
địa ngục, đây là những cảnh địa ngục khác, ở đó chúng sanh bị chém giết, hành
hình, lửa cháy… khổ không thể nói được. Thời gian chịu nạn bao lâu? Theo kinh
Nê-lê nói, cái cảnh gần nhứt là “Quang-tựu-cư” địa ngục, một ngày dài bằng
3.750 năm ở nhân gian, tuổi thọ một vạn tuổi. Như vậy, muốn mãn một đời ở đó
phải trải qua 13.500 tỉ năm ở nhân gian mới xong. Một thời gian thọ hình dài
lâu không thể tưởng tượng được! Địa ngục còn nhiều lắm, kể không hết! (Chi tiết
này lấy từ trong “Tự điển Phật Học Hán Việt” của GHPGVN, Phân viện nghiên cứu
Phật học VN).
(*) Ngã quỉ là gì? Ngã quỉ là chỉ cho
loài quỉ đói. Cảnh giới này cũng rất rộng, khó có thể nói cho hết. Nếu chia ra
thì có hai đạo: “Ngã quỉ” và “Quỉ-Thần”, nếu gom lại thì gọi chung là “Quỉ
đạo”. Như vậy ngã quỉ và quỉ thần có chung cảnh với nhau, nhưng khác nhau ở chỗ
có phước báu hay không. Quỉ thần có phước báu, ngã quỉ thì không có.
Ngã quỉ thuộc về ác đạo, không có uy quyền,
sống trong cảnh giới rất đói khổ. Đây là kết quả của cái nhân tham lam, keo
kiệt. Những người khi sống mà gian lận, lường cân tráo đấu, tâm địa bỏn xẻn,
suốt đời cứ lo tìm mọi cách kiếm tiền bất kể phương tiện, thì sau khi chết sẽ
dễ chiêu cảm theo cảnh giới này. Tiền bạc làm cho nhiều, giỡn chơi vài chục
năm, rồi bị nạn hàng vạn kiếp, vậy mà ai cũng ham!
(*) Bên trên là nói đại cương trong cửu pháp
giới. Biết tới cảnh giới ta hãy ứng dụng cảnh giới vào thực tế thì sự tu hành
mới mong được thiện lợi. Có khá nhiều người, nhiều giáo phái tu hành với mục
đích cầu hưởng phước, đây chính là phước báu “Nhân-Thiên”. Những cách tu hành
này, dựa theo cảnh giới nói trong kinh Phật, thì hầu hết họ đều hướng tới một
trong những cảnh giới ở cõi Đao-Lợi Thiên, thuộc cõi trời thứ hai của dục giới
thiên, còn trong tam giới, chưa giải thoát được. Tu theo các giáo phái này, nếu
thật giỏi thì cũng có thể sanh về các cõi trời đó để hưởng phước, nhưng chắc
chắn vẫn còn bị sanh tử luân hồi. Tới đó rồi, nếu không tiếp tục tu hành để
giải thoát, sau cùng vẫn bị đọa lạc.
Phật dạy rằng, khi được sanh thiên, con
người sẽ hưởng nhiều phước báu, ít ai chịu tiếp tục tu hành, dễ tạo nên nghiệp
chướng. Vì thế khi phước hết thì nghiệp chướng trở thành quá lớn, sau cùng họ
có thể bị đọa lạc rất nặng. Cho nên dù có được hưởng phước thì đây vẫn là bất
liễu giáo, và sau cùng chịu nạn “Tam thế oán”, cho nên Phật thường răn nhắc
chúng sanh chớ tham luyến tới.
Ngoài ra, cũng có những pháp tu nhắm tới các
cảnh giới cao hơn, như ở Sắc-giới thiên hoặc Vô-sắc-giới thiên. Muốn được vậy,
phải tu về Thiền định.
Trong cõi Dục giới thiên có bốn cảnh giới
người gọi là Tứ Đại Bộ Châu: Nam-Thiệm Bộ Châu, Đông-Thắng-Thần Châu,
Tây-Ngưu-Hóa Châu, Bắc-Câu-Lư Châu. Bốn cái “Đại bộ châu” lập thành một “Thế
giới” hay là “Tứ thiên hạ”. Thế giới này không phải là quả địa cầu, mà chữ “Thế
giới” trong kinh Phật rộng lớn như một hệ ngân hà. Nói rõ hơn, một hệ ngân hà
có thể chỉ là một thế giới trong kinh Phật. Một ngàn thế giới là một “Tiểu
Thiên Thế Giới”. Một ngàn tiểu thiên thế giới thành “Trung Thiên Thế Giới”. Một
ngàn trung thiên thế giới thành một “Đại Thiên Thế Giới”. Phạm vi này rất lớn.
Lớn hơn nữa, cũng từ trong kinh Phật ta biết
được, cõi “Ta-bà” là giáo khu hóa độ của đức Phật Thích-Ca Như-Lai, rộng tới
tam thiên Đại-thiên-thế-giới. “Tam thiên” này không phải là ba ngàn, mà là:
1.000 x 1.000 x 1.000 = 1.000.000.000 (một tỉ) Đại-thiên-thế-giới. Cõi Ta-bà chúng
ta đang ở đây, với một tỉ Đại-thiên-thế-giới, được cai quản bởi một Ngọc-Hoàng
Thượng Đế, đây chính là vị Đại Phạm Thiên Vương ở cõi sơ thiền sắc giới. Ngọc
Hoàng Thượng Đế này cao hơn Thượng Đế nói bên trên rất nhiều. Thực sự, pháp
giới quá lớn! Trí óc con người khó có thể tượng tượng ra được! (Xin xem thêm
“Tự điển Phật học Hán-Việt, Giáo hội Hội Phật Giáo Việt Nam, do phân viện
nghiên cứu Phật học xuất bản 1992).
Tuổi thọ của người ở các cõi trời rất cao,
phước báu rất lớn so với chúng ta ở đây. Thực ra, tuổi thọ trung bình của con
người không phải mãi mãi là 70, 80 tuổi thì chết đâu, mà có sự thay đổi. Hiện
tại chúng ta đang sống trong “kiếp giảm”, nghĩa là cứ 100 năm thì tuổi thọ
trung bình của con người bị giảm một tuổi, giảm cho đến khi còn 10 tuổi, thì
lại bắt đầu tăng trở lại. Cứ mỗi 100 năm tăng một tuổi, tăng cho đến 84 ngàn
tuổi, lúc đó con người có tuổi thọ đâu thua gì chư trời(!).
Vì trí huệ của chúng ta chưa khai mở, nhục
nhãn của chúng ta không thấy được, chứ thực sự thì trời, người, quỉ, thần, yêu,
ma, v.v… rất nhiều cảnh giới sống chung với nhau mà ta không hay, chỉ có điều
phạm vi hoạt động lớn nhỏ khác nhau. Vì ở chung với nhau cho nên con người có
thể tiếp xúc với thánh thần, thiên địa, ma quỉ. Có người bị quỉ bắt, bị ma dọa,
lại có nhiều người có khả năng bắt quỉ, trừ ma. Có người lợi dụng ma quỉ để làm
tiền, có nơi ma quỉ lợi dụng con người để cúng cho họ hưởng.
Nhiều cảnh giới sống chung đụng với nhau,
nhưng chúng ta chỉ nhận ra được cảnh giới người và thú vật, còn những cảnh giới
khác thì hầu hết chúng ta không thấy. Sở dĩ như vậy là tại vì con mắt của con
người đang bị bệnh, bị chướng ngại. Nói cách khác, mắt thịt của chúng ta hay
gọi là nhục nhãn rất hạn hẹp, chỉ bắt được có ba chiều không gian, không đủ
năng lực thấy tất cả những hiện tượng có thực của vũ trụ nhân sinh. Trong kinh
Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 30, Phật nói Bồ-tát có tất cả năm loại mắt là:
Nhục-nhãn, Thiên-nhãn, Pháp-nhãn, Huệ-nhãn, Phật-nhãn. Hiện tại con người bình
thường chỉ dùng được mắt thịt (nhục nhãn), cho nên chỉ nhìn thấy được những gì
thuộc về vật chất. Giả như một người tu hành khai được Thiên nhãn, Pháp nhãn,
Huệ nhãn, Phật nhãn, thì mỗi bậc cao hơn họ bắt được nhiều chiều kích không
gian hơn, bắt được nhiều biên độ sóng khác nhau, nhờ thế họ sẽ thấy được rất
nhiều cảnh giới khác hơn mà mắt thường không thấy. Đến khi thành Phật, tức là
có Phật nhãn, thì thấy được tất cả mọi cảnh giới.
Để rõ hơn, chúng ta có thể nêu lên một vài
ví dụ cụ thể. Như Phật nói về ngũ nhãn, đây chẳng qua là sự qui nạp, chứ thực
ra mỗi nhãn quang còn có rất nhiều trình độ nữa. Ví dụ, nhục nhãn nhưng có mắt
sáng, mắt mờ, mắt cận, mắt viễn, mắt loạn thị, loạn sắc, v.v… Có loài chim chỉ
thấy duy nhất một màu đỏ, con cú chỉ thấy được trong đêm tối, có loài chỉ thấy
được vật gì di động còn vật bất động thì chúng không thấy. Con người và con dòi
cùng sống chung một môi trường, nhưng ta thấy rõ ràng con dòi lúc nhúc trong
bãi phân, còn con dòi không thấy được ta. Trong đám đất đen đàn kiến lao chao
suốt ngày, chúng thấy bầu trời này chỉ là một màu xám mờ mịt trống rỗng không
có gì cả, nhưng sự thật đâu phải vậy… Rất nhiều ví dụ cụ thể giúp cho chúng ta
một khái niệm tổng quát về cảnh giới.
Vậy thì, hãy nhớ rằng, những gì chúng ta
không thấy không phải là không có. Không thấy là tại mình quá dở, quá yếu kém!
Cái năng lực của mình thật sự quá nhỏ bé, quá hạn hẹp. Nói cách khác, con người
không thể thấy được tất cả sự thực! Cảnh giới sống vô lượng vô biên đang hoạt
động trong từng giây từng phút, nhưng đối với con người vẫn còn là điều bí ẩn
chưa thể khám phá ra nổi. Muốn hiểu rõ được điều bí mật của vũ trụ, con người
phải biết tu hành, phải có tâm thanh tịnh, phải biết trở về chân tâm, để minh
tâm kiến tánh mới thấy được.
Phật dạy, chúng ta có sáu thứ căn bản phiền
não là: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, đây chính là những thứ chướng ngại
căn bản làm cho con người mãi mãi chìm trong u tối, bị che lấp trí huệ, khó có
ngày được minh tâm kiến tánh. Chính vì vậy mà chúng sanh không có cơ hội giải
thoát, mà phải tiếp tục sống trong cảnh thấp hèn tăm tối từ kiếp này qua kiếp
khác.
Con người chỉ bám vào hiện tượng vật chất mà
sống, không tin vào lời Phật dạy thì ngu si cũng giống như đàn kiến dưới đám
đất đen, vì nhìn thấy bầu trời trống rỗng, nên cứ tưởng mình là vĩ đại nhất
trên đời. Chúng đâu có ngờ rằng lại có loài người thân thể lớn hơn mình hàng tỉ
lần đang theo dõi mà chúng không hay biết gì cả, cứ tự nhiên chạy lên chạy
xuống, lăng xăng đi khiêng trộm gạo vậy!
Sống chung trong cùng môi trường, nhưng phạm
vi sinh hoạt khác nhau. Con dòi thì trong đống phân, con sâu thì trong quả táo,
con kiến thì sống quanh cái hang tăm tối, con người thì có thể đi khắp quả địa
cầu, chư thiên thì hoạt động từ tinh cầu này sang tinh cầu khác, chư Phật thì
vũ trụ pháp giới vô tận vô biên đều trong bước chân của các Ngài.
Khoa học ngày nay tiến bộ, mỗi lần phát hiện
ra một điều gì lạ là khắp thế giới trầm trồ mê tít. Nhưng sau cùng họ cũng đành
phải giựt mình kinh ngạc, vì tất cả những gì mới nhất của họ vừa khám phá ra,
đều đã có sẵn trong kinh Phật từ lâu rồi. Ví dụ, một khám phá mới nhứt của khoa
học là sự cảm ứng của nước. Từ năm 1994, tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc sở
nghiên cứu IHM của Nhật bản đã nghiên cứu về nước. Đến 1997 ông phát hiện ra
rằng: nước có cảm giác. Ngày 26/8/2003, tiến sĩ Masaru Emoto được mời qua Úc để
thuyết trình ở khắp các trường đại học với đề tài “Messages from Water” (Thông
điệp từ nước). Ông chứng tỏ cho mọi người thấy nước có cảm xúc, có vui buồn,
chúng thay đổi tinh thể theo tâm tính, tình cảm của con người. Âm nhạc, lời
nói, tiếng động, hoàn cảnh chung quanh đều làm cho nước biến đổi tinh thể. Với
một ly nước, nếu con người đối đãi với nó với lòng cảm ơn, vui vẻ, hiền lành,
tươi sáng thì tinh thể nước đẹp đẽ như chiếc hoa. Ngược lại, cũng với ly nước
đó, nếu chúng ta căm thù, xấu ác, chán ghét, sỉ vả chúng, thì tinh thể sẽ đổi
ra hình dạng hỗn loạn, xấu xí, ghê tởm. Đây là một sự thật mà tiến sĩ Masaru
Emoto đã thí nghiệm và chụp được hình tinh thể nước đối với từng cảm giác một.
Sự việc này có mới lạ không? Đối với khoa
học thế gian thì quá lạ lùng! Đối với Phật pháp không có gì mới lạ. Trong kinh
điển Phật có nhắc điều này, Phật nói: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”.
“Tình” là loài hữu tình, con người, loài vật…; “Vô tình” là thực vật như: cây
cỏ, hoặc khoáng vật như: đất, nước, gió, lửa, bột mì, kẹo, bánh, v.v… tất cả
đều có chủng trí. Chủng trí của loài hữu tình là Phật tánh, chủng trí của loài
vô tình là Pháp tánh. Phật tánh hay pháp tánh là linh tri của muôn loài, đều là
là chơn như bổn tánh. Đây là một việc hết sức lạ lùng, nhưng Phật đã nói rõ
trong kinh cách đây hơn 3 ngàn năm về trước. Sự khám phá của khoa học biết được
nước có khả năng kiến, văn, giác, tri. Như vậy thì tất cả khoáng vật khác như
đất, lửa, không khí, trái táo, trái cam, v.v… chắc chắn đều cũng có đầy đủ bốn
tính: thấy, nghe, hiểu và biết. Đây là sự thật vô cùng huyền diệu, rất khó cho
một trí óc bình thường hiểu thấu!
Phật nói: “Y báo theo Chánh báo chuyển”, Y báo là tất cả mọi vật, mọi hiện
tượng, mọi sinh hoạt chung quanh sẽ biến chuyển theo tâm địa của con người.
Phật dạy: “Tất cả đều do tâm tạo”, thì vạn sự, vạn vật, đều do tâm ta biến hiện
ra. Tâm con người ác sẽ tạo hoàn cảnh ác, thiên địa quỉ thần sầu trách, vạn
loài thú vật hữu tình trở nên hung dữ, vật chất vô tình thì bị nhiễm độc. Chính
vì thế mà gây ra hỏa hoạn, bão lụt, động đất liên miên; họa hại, tai ương…
giáng xuống không ngừng. Tâm thiện thì hoàn cảnh thiện, vạn sự vạn vật chung
quanh đều cảm thiện, phong vũ thuận hòa, quốc gia thái hòa, nhân dân an lạc.
Rõ ràng, lời Phật dạy không sai: “Tâm tịnh thì
quốc độ tịnh”, quốc độ thanh tịnh thì không có chiến tranh, không có tai ương,
không có họa hoạn, không có sự khổ… Đây chính là nhờ tâm của chúng sanh biết tu
hành, lương thiện, thanh tịnh mà tạo nên.
Sẵn đây, cũng nên nhắc đến một vấn đề khá
phổ biến. Dựa theo lý đạo “Tâm tịnh quốc độ tịnh”, có nhiều người xác quyết
rằng: cõi Tịnh-độ chính là tâm thanh tịnh. Khi tâm đã thanh tịnh thì ta đã tạo
ra cõi Tịnh-độ rồi. Như vậy, cõi “Tịnh-độ” chính là đây chứ không ở đâu khác,
thì cần gì phải cầu sanh Tây-phương?
Ý nghĩ này về lý đạo thì đúng, nhưng về sự
đạo thì không thể thực hiện được! Phật dạy: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh-độ”,
có người mới nghe vậy thì vội vã cho ta là Phật A-di-đà, và nói đây là cõi
Tịnh-độ. Đâu có đơn giản như vậy! Ta nên biết rằng, “Tự tánh Di Đà” thì chơn
tâm, tự tánh của chúng ta cùng Phật A Di Đà không có chi sai biệt, chứ khi chơn
tâm của ta đã bị che lấp bởi trùng trùng vô minh, nghiệp chướng, phiền não… thì
chừng nào mới dám nói rằng ta sánh bằng với Phật A-di-đà đây? “Duy tâm Tịnh-độ”
thì phải sống với chơn tâm mới có Tịnh-độ, chứ còn cứ sống với vọng tâm thì
cảnh giới mãi mãi vẫn là khổ não, vô thường, sanh diệt.
Lý đạo có thể đốn ngộ, nhưng sự đạo phải
tiệm tu. Ví dụ, nói ăn thì no đó là “Lý”, nhưng phải ăn thì mới no, không ăn thì
phải chịu đói, đây là “Sự”. Một người đang ở trong cảnh đói khổ, hằng ngày tìm
miếng cháo lót lòng không có, thì nói no làm sao no được, nói vui làm sao mà
vui? Chúng sanh ở trong cảnh khổ, tứ khổ, bát khổ, sanh tử luân hồi khổ, tam đồ
bát nạn khổ, v.v… mà cho cõi này là Tịnh-độ thì Tịnh-độ gì đây! Chẳng lẽ ta may
mắn có được ăn ngon, ngủ kỹ thì cho là Tịnh-độ, còn hàng triệu người đói khổ
thì mặc xác họ sao?!
Phật dạy: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu
Phật tánh”, thì tất cả chúng sanh dù là con người, con vật, cho đến loài vô
tình vẫn có tánh linh, chứ đâu phải tất cả mọi loại đều đã thành Phật. Chưa
thành Phật thì vẫn còn là cảnh giới chúng sanh. Đã là cảnh giới chúng sanh thì
chỗ ở của chúng sanh phàm phu chưa phải là “Tịnh-độ”!
Muốn thành Phật thì phải minh tâm kiến tánh.
Muốn minh tâm kiến tánh thì con đường dễ nhất là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc,
nhờ môi trường thù thắng và nhờ thần lực của Phật A-di-đà gia trì mà ta khôi
phục lại được tự tánh để minh tâm kiến tánh. Cho nên, phải về Tây-phương để thành
Phật là vậy.
Hiểu Phật pháp thì áp dụng nó để sống. Vạn
pháp duy tâm thì cái tâm nóng giận sẽ làm khuôn mặt dữ tợn, khó ưa, tự nó đã
tạo ra sự căng thẳng, gây sóng gió trong gia đình, rối loạn cho môi trường
sống. Đây là cảnh địa ngục của trần gian!
Cảnh do tâm tạo ra thì phải lấy tâm mà trị.
Hãy biết nhẫn nhục, nhẹ nhàng, đừng cao ngạo, tập nói năng lễ phép, cử chỉ ôn
hòa… để lấy lại nét điềm đạm, nhân hậu, thiện lành.
Cái tâm keo kiệt, bỏn xẻn, gian tham là cảnh
giới của ngạ quỉ. Cảnh này do tâm tạo ra, thì hãy lấy tâm mà sửa. Nên biết
buông xả, bố thí, giúp người, hiếu thảo với cha mẹ… thì tự nhiên lòng tham biến
mất, ta lấy lại được nét tươi vui, rộng lượng, an hòa.
Ngu si, mê muội là cảnh giới của súc vật.
Cảnh này cũng do tâm tạo ra, thì mau mau thức tỉnh, đừng đam mê những cảnh suy
bại, đồi trụy. Cố gắng niệm Phật, học đạo Thánh Hiền, nghe lời thiện tri thức,
bỏ rượu, bớt ngủ, thì thần trí tự nhiên sẽ tỉnh táo. Chân tướng của vũ trụ nhân
sinh thực sự đều do tâm tạo ra, thì hãy tu sửa ngay cái tâm của mình để chuyển
hóa hoàn cảnh chung quanh. Nếu tâm địa không chịu tu sửa thì con người ta sẽ
trở thành thứ động vật làm loạn hoàn cảnh sống, làm ô nhiễm môi trường vậy.
Phật dạy “Tâm tịnh thì quốc độ tịnh”. Đây là
chân lý. Nhưng một triệu người tâm bất tịnh, chỉ có một mình ta tịnh, thì quốc
độ này vẫn là uế độ. Đã là uế độ thì phiền não, khổ nạn, vô thường mãi mãi vẫn
còn diễn ra trước mắt! “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh-độ”, nhưng tâm ta chưa
thanh tịnh đủ để chuyển hóa quốc độ này thành cõi Tịnh, thì hãy mau mau tìm về
cõi Tịnh-độ để được tâm thanh tịnh. Tự tánh của ta là Di Đà thì ngày đêm ta
niệm “A-di-đà Phật” để hết báo thân này ta về Tây-phương Cực-lạc gặp Phật
A-di-đà. Đây là con đường chính xác, lý sự viên dung, nhất định viên thành Phật
đạo.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy: “Giả sử
đại hỏa mãn tam thiên, thừa Phật oai đức tất năng siêu”. Khổ nạn dù có lớn tới
đâu, lửa có cháy ngập cả tam thiên đại thiên thế giới, thì người thành tâm niệm
Phật, biết cầu nguyện vãng sanh, vẫn được oai đức của Phật gia trì, vẫn có cõi
Tịnh-độ để đi, một đời liễu sanh thoát tử, bất thối thành Phật.
A-di-đà Phật,
Anh Năm.
(Viết xong, Úc châu, ngày 12/09/03).
Mình đã hồ đồ mê muội lúc đầu thai. Giờ đây
mình cần phải sáng suốt tìm đường đi lúc chết – Con đường ấy chính là “Niệm
A-di-đà Phật”. (HT Thích Quảng Khâm)
Như Lai sở dĩ hưng
xuất thế
Duy thuyết Di Đà bổn
nguyện hải