Kính gởi quí đạo hữu Niệm Phật Đường An Thái
và Như Ngọc,
Hôm trước có nhận được một số hình chụp quí
bác và anh chị em đang niệm Phật. Những tấm hình này quí lắm, một kỷ niệm thật
thân thương. Nhìn thấy quí đạo hữu tinh tấn tu hành ai cũng phải khen. Với một
niệm Phật đường nho nhỏ, phương tiện thì eo hẹp, nhưng thấy mọi người đều có
sắc diện nghiêm trang, kính cẩn, tay chuỗi, tay chắp, chí tâm niệm Phật thật là
cảm phục.
Trong những thư trước viết cho Như Ngọc, cho
quí bác, hôm nay xin viết về thăm chị Sáu, anh Ba, anh Hai, v.v… Nói chung Diệu
Âm này không dám quên một người nào hết. Chỉ vì đồng tu nhiều quá không thể nào
viết đến từng người. Chắc rằng, tất cả quí anh chị em hoan hỉ về chuyện này.
Nhìn vào hình thấy ai cũng thành kính tu
tập. Đây là điều quí hóa. Tu hành muốn có được sự thành tựu thì không gì hơn là
tâm chí thành chí kính. “Một lòng chí kính – Một đời thành tựu”, đây là huấn
thị của chư Tổ Sư, Đại Đức. “Phật tại tâm”. Nếu chơn tâm của chúng ta là Phật
thì ta phải thành kính Phật. Nói cách khác, thành kính Phật là ta đang trở về
với chân tâm, không thành kính Phật là ta đang quay lưng với chơn tâm, xa lìa
bổn tánh. “Trở về chơn tâm” là nhân, “Một lòng thành kính” là quả; “Một lòng
thành kính” là nhân, “Một đời thành tựu” là quả. Học Phật là hành trình trở về
chính cái chơn tâm của mình, ta sẽ đắc chính cái chơn tâm của mình. Ta có cái
chơn tâm, chơn tâm này là Phật. Nhưng chơn tâm của chúng ta bị vô minh, phiền
não, nghiệp chướng che lấp quá lâu, giờ đây muốn trở về lấy lại những gì của
chính mình, nhưng tự ta không đủ khả năng đột phá. Cho nên, “Một lòng thành
kính” chư Phật là hành động chính xác và cần thiết, một là để tâm ta luôn luôn
có Phật, hai là quang minh chư Phật sẽ chiếu đến gia trì cho ta. Nội ngoại
tương hợp để phá vỡ vô minh, nghiệp chướng. Chính vì thế mà pháp môn niệm Phật
được gọi là pháp nhị lực, lực của ta hợp với lực của Phật, cứu một chúng sanh
tội chướng sâu nặng như chúng ta một đời thoát ly sanh tử luân hồi, vãng sanh
bất thối thành Phật.
Pháp Phật đối với ta có nhiệm mầu, có linh
nghiệm hay không chính là ta có tâm chí thành chí kính hay không. Tâm chí
thành, chí kính tự nó tạo ra công đức. Chư Tổ dạy, một phần thành kính được một
phần công đức, mười phần thành kính được mười phần công đức. Nhất thiết phải có
tâm thành kính mới thâm nhập vào Phật đạo, mới khai ngộ được chơn tánh. Người
không có tâm thành kính Phật Bồ-tát thì dù cho có thông minh, tài cao, là
trượng phu quân tử hay anh hùng hào kiệt, thì nhiều lắm cũng chỉ là sự thành
công trong thiện pháp của thế gian mà thôi! Nghĩa là, đường thiện có thể đi,
nhưng luân hồi sanh tử chắc chắn khó thoát khỏi! Tại sao vậy? Phật dạy: “Nhất
thiết duy tâm tạo”. Tâm không thành kính Phật thì trong tâm không có Phật. Xa
lìa Phật là xa lìa chơn tâm, xa lìa chơn tâm thì sống với cái vọng tâm. Đã sống
với vọng tâm thì phải theo vọng tâm để chịu sanh diệt vô thường! Trong kinh, Phật
dạy niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, người con Phật mà không nghe lời Phật, không
chịu niệm Phật, không thèm cầu sanh Tịnh-độ, thì rõ ràng trong tâm đã có ý đề
kháng với Phật. “Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm đã có sức đề kháng thì không thể
tiếp nhận Phật lực gia trì. Chính vì vậy mà họ tự đi theo con đường tự lực tu
chứng. Nếu đủ lực thì kiến tánh tức khắc thành Phật. Còn không, thì vô lượng
A-tăng-kỳ kiếp thời gian phải chịu sanh tử luân hồi là chuyện thường tình đối
với một chúng sanh muốn tự tu thành Phật vậy!
Trên đường tu hành, nếu ta vẫn thường gặp
được những người chủ trương không niệm Phật, đây là chuyện rất thông thường chứ
không có gì đặc biệt. “Pháp môn vô hữu cao hạ”, học pháp Phật thì trước sau gì
cũng thành Phật, nhưng sự khó dễ và thời gian thành tựu chắc chắn có khác. Nếu
thực sự là người thượng căn thượng trí thì tự lực chứng đắc có thể đúng(!). Còn
người bình thường mà theo con đường đó, thì quả thực không đơn giản! Biết rằng
quá khó mà vẫn quyết tâm đi. Thành thực mà nói, đây là những người có chí khí
kiên cường, nghị lực tuyệt luân, tâm đạo cao cả. Thật sự ta phải kính phục!
Kính quí đạo hữu đồng tu, chắc quí anh chị
em đã biết qua tổng quát về sự hộ niệm, và sự hộ niệm liên quan đến con cháu
trong gia đình. Nghe được tin quí cô bác và anh chị em phát tâm đi hộ niệm cho
bất cứ ai cần đến. Đây là một tâm nguyện to lớn, là một sự phát tâm Bồ-đề cứu
độ chúng sanh rất quí hóa của người tu hành. Đúng ra hôm nay chúng ta nên bàn
thêm một ít chi tiết về “Ban-hộ-niệm” cần làm gì, hầu góp một vài ý kiến cụ thể
khi hộ niệm, nhưng vừa rồi Như Ngọc có nói quí cô bác và anh chị có nêu ra một
số vấn đề khá tế nhị. Do đó, thư này thay vì tiếp tục bàn việc hộ niệm, chúng
ta nên chuyển đề tài bàn về những vấn đề tế nhị đó.
Những câu hỏi nêu ra trong thư, nhìn thì thấy đơn giản, nhưng lại rất khó thẳng
thắn trả lời. Không bàn đến thì tâm không yên, còn bàn đến thì sợ rằng có thể
sinh ra hiểu lầm. Thôi thì, với một số vấn đề đặc biệt này chúng ta nên bàn
chung, chứ không nên đi quá sâu vào vậy.
Xin quí đạo hữu nhớ rằng, trong thời mạt
pháp này tu hành rất khó, rất nhiều chướng ngại, chướng ngại từ thế lực bên
ngoài, chướng ngại từ trong tâm của mỗi chúng ta. Hoàn cảnh, môi trường, xã
hội, tập quán, tư tưởng, cách sống, v.v… đều có thể là đối tượng làm chướng
ngại tâm đạo của người tu hành. Nói chung, đây là thời đại của sự “Ô nhiễm”: ô
nhiễm sinh thái, ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm hoàn cảnh sống. Tất cả đang tạo khó
khăn trên bước đường tu tập.
Trong kinh Đại Tập, Phật dạy rằng, Phật giáo
sẽ biến chuyển qua năm thời kỳ: Giải-thoát, Thiền-định, Đa-văn, Tháp-tự,
Đấu-tranh, thì hiện giờ là đang ở trong thời kỳ tranh đấu kiên cường. Phật pháp
là pháp cứu khổ chúng sanh, phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh, là đại
chánh pháp để giải thoát chúng sanh, thì đáng lẽ nó phải trường tồn trên thế
gian. Nhưng Phật nói, Phật pháp chỉ lưu trụ thế gian 12 ngàn năm, nghĩa là còn
khoảng chín ngàn năm nữa thì đến thời diệt pháp, lúc đó không còn pháp Phật
hiện hữu trên thế gian này cho đến khi Di Lặc Tôn Phật hạ thế, trong khoảng gần
600 triệu năm sau. Nguyên nhân nói chung chính là vì sự ô nhiễm này. Trong 12
ngàn năm, thì thời kỳ “Giải thoát” và “Thiền định” thuộc thời chánh pháp một
ngàn năm; thời kỳ “Đa văn” và “Tháp tự” thuộc về tượng pháp một ngàn năm; thời
kỳ “Đấu tranh” loạn lạc thuộc về mạt pháp mười ngàn năm. Hiện giờ đã là thời
mạt pháp, sự đấu tranh kiên cố, càng ngày sự nhiễu loạn càng lớn.
Trong nhiều kinh luận của chư Phật, chư Tổ
dạy khá rõ ràng điều này. Biết được sự thực đó, chúng ta cần phải cẩn thận.
Người tu hành chân chính, thực sự muốn một đời này thoát ly tam giới lục đạo,
vãng sanh Tây-phương bất thối thành Phật, thì cần nên để ý đừng để vướng vào
vòng đấu tranh, thị phi, phân biệt. Vì thực sự, có lẽ đây là cộng nghiệp của
chúng sanh phải chịu ở thời mạt pháp.
“Đấu tranh”, nếu nói về chính nghĩa thì có
thể có, nhưng nói về giải thoát thì rất khó! Vì sao? Vì “Chính nghĩa” thực tế
vẫn chỉ là thế gian pháp với đầy đủ sự “Vô thường”, hoặc “Thành-Trụ-Hoại-Không”
của nó. Người giác ngộ đường tu, hãy mau mau tìm cách vãng sanh thành Phật,
phải cứu lấy huệ mạng của mình, nhờ vậy mới mong có ngày cứu độ được chúng
sanh. Nếu chưa xét thấu suốt công phu của mình, sơ ý lăn xả vào thị-phi,
chánh-tà, không những không giúp ích được gì cho thế giới mà còn có thêm một
chúng sanh bị kẹt trong vòng đọa lạc!
Thời mạt pháp sự đấu tranh rất kiên cố. Sự
đấu tranh này không chỉ riêng cho thế gian, mà thật sự đã ảnh hưởng đến thiền
môn không phải nhẹ! Cho nên, nếu thấy những tư tưởng, ý kiến, hay chủ trương
trái ngược nhau, thì chúng ta phải có đủ nghị lực, vững vàng giữ chí hướng của
mình. Nghịch chống nhau là hiện tượng tự nhiên chứ không có gì lạ, vì cách đây
gần ba ngàn năm về trước Phật đã tiên đoán sự việc này rồi. Hãy nghĩ rằng, trên
con đường thành Phật đôi lúc ta gặp những chướng vật cản trở, nên khôn khéo
tránh qua, rồi đường ta ta cứ tiếp tục đi, đừng nên ra sức phá vỡ chướng vật mà
coi chừng ta bị trễ giờ hẹn. Vạn vật vô thường, chướng vật cũng chỉ là vật vô
thường, đừng vì một vật vô thường mà mình đành chịu thêm vô thường nữa.
Đứng về mặt thế gian pháp, thì quyết tranh
phải-trái, chánh-tà, tốt-xấu, hơn-thua… là chuyện thường tình. Riêng đối với
pháp xuất thế gian, thì đấu tranh không được tuyên dương. Phật dạy, tất cả mọi
hiện tượng xảy ra trên hoàn vũ này đều có nhân quả. Nếu đã có cái nhân xấu thì
phải chịu cái quả báo xấu. Loạn lạc, tai ương, nghèo đói, v.v… tất cả đều là
quả báo hiện tiền từ cái nghiệp xấu ác do chính con người đã tạo ra trước đây.
Ác nhân ác báo, nhân quả tương xứng. Một người có quả báo xấu là do họ tạo cái nhân
xấu từ trước. Một xã hội loạn lạc là do cái cộng nghiệp xấu ác của con người
trong vùng đó. Cả thế giới bất an là do cái cộng nghiệp xấu ác của chúng sanh
trên quả địa cầu này. Như vậy, muốn cải tạo được hoàn cảnh phải cải tạo từ cái
gốc, phải tu tập cái nhân lành, để có quả lành.
Phật dạy: “Y-báo theo Chánh-báo chuyển”.
Chánh-báo là cái tâm, Y-báo là hoàn cảnh. Tu hành ta phải tu sửa chính cái tâm
của mình, đừng để tâm vọng ngoại. Tu sửa cái tâm là “Nội-Đạo”, phóng tâm tìm
cầu bên ngoài là “Ngoại-Đạo”. Phật giáo là Nội-Đạo hay Tâm-Đạo, chứ không phải
là Ngoại-Đạo. Chuyển được từ cái tâm thì tự nhiên hoàn cảnh sẽ biến chuyển
theo, nếu tâm không chịu chuyển thì hoàn cảnh sẽ xoay con người như một thứ
công cụ thí thân cho hoàn cảnh. Nguồn gốc ly loạn xã hội chính là ở cái tâm độc
hại của loài người, chứ không phải là hiện tượng bên ngoài có độc hại. Như vậy,
phải phá tan cho được cái độc tố trong tâm, để cho môi sinh bên ngoài khỏi bị
nhiễm độc, đừng nên gia tăng cái độc tố trong tâm cho nhiều để nó xì khói độc
ra mù mịt rồi tranh nhau hút bụi, quét dọn, làm sạch môi trường! Nên nhớ, người
biết tu hành, giả như không đủ sức chuyển đổi hoàn cảnh, thì trong cái nạn của
cộng nghiệp mình vẫn có cái biệt nghiệp để thoát thân.
Thời mạt pháp là thời đấu tranh, loạn lạc,
bất an! Sự “Ô nhiễm” này ngoài cái gốc là tâm ô nhiễm của chúng sanh ra, còn có
cái bẫy của các thế lực ngoại đạo giăng giăng khắp nơi để cài chúng sanh vào
đường đọa lạc. Nếu người tu hành không chú ý khó được phần thoát nạn. Chư Phật,
chư Bồ-tát với tâm đại từ đại bi, các Ngài thường xuyên xuống thế để cứu độ
chúng sanh, nhưng vì để giữ chánh pháp trường tồn nên hành tung của quí Ngài
rất bí mật, không thể lộ liễu được. Tại sao vậy? Vì nếu quí Ngài tự xưng là
Phật thì “ngoại-đạo” sẽ hùa nhau xưng là Phật, lúc đó chúng sanh làm sao biết
ai thiệt ai giả? Nếu quí Ngài sử dụng thần thông, thì hàng “ngoại-đạo” cũng thi
nhau tung phép thần thông, lúc đó xã hội sẽ sống trong hỏa mù của pháp thuật,
lòng người sẽ tán loạn! Chẳng lẽ chư Phật Bồ-tát phải xăn tay như người thường
tục, lăn xả vào cuộc đấu tranh để giành chuyện chánh-tà hay sao? Không bao giờ
có chuyện này.
Chư Phật Bồ-tát chỉ có cứu độ chúng sanh,
không bao giờ đấu tranh với chúng sanh. Tâm của Phật Bồ-tát luôn luôn là thanh
tịnh, đây là điều: “Bất biến”. Còn hành động của quí Ngài xuống trần là uyển
chuyển, đây gọi là: “Tùy duyên”. Cứu độ chúng sanh là “Bất biến”, không đấu
tranh với chúng sanh là “Tùy duyên”. Các Ngài quyết lòng thuyết kinh, giảng
đạo, tận tâm tận sức giúp cho chúng sanh ngộ nhập đạo pháp để tu hành thành
Phật, đó là “Bất biến”. Còn chúng sanh có nghe theo hay không, có chịu giác ngộ
hay không, đó là quyền của chúng sanh, hay gọi là “Tùy duyên”, chứ chư Phật
Bồ-tát không thể vì thị hiếu của chúng sanh mà tranh đua, khoe tài như ngoại
đạo được. Cho nên, xin quí đạo hữu nên rất cẩn thận chuyện này để đường tu hành
của mình phẳng lặng, khỏi lệch phương hướng. Thời đại mạt pháp vàng thau lẫn
lộn, người theo pháp Phật cần phải có những nguyên tắc căn bản, rất vững vàng,
để được sáng suốt, thẳng tiến đường tu.
Người Phật tử chân chính phải một lòng y
theo lời Phật tu hành thì đường thành Phật có ngay trong hiện đời. Phật dạy,
thời mạt pháp chúng sanh phải niệm Phật, thì ta phải nghe lời Phật mà ngày đêm
niệm Phật cầu sanh Tây-phương. Đó là người chân chính tu hành, là người con
chân thật của Phật. Người không chịu nghe theo lời Phật, tự dựng nên cái hình
thái hoa mỹ để làm đẹp cho cách tu hành của riêng của mình, thì đó là quyền tự
do của họ. Trong kinh, Phật không khuyến khích chuyện này, thì ta không thể sơ
ý mà tự chọn con đường vô lượng kiếp trầm luân. Chư Cổ đức từng khuyên: “một
lòng niệm Phật, dù có chư Phật xuống bảo không niệm Phật và dạy phương pháp
khác cũng không dám nghe theo”, thì sao chúng ta lại đi nghe con người nói? Xin
quí đạo hữu hãy suy nghĩ cho thật kỹ, chẳng lẽ trên đời này lại có người giỏi
hơn Phật sao?
Lại có người hỏi rằng: là đệ tử Phật, thì
tại sao khi chư Phật xuống bảo đừng niệm Phật mà mình không chịu nghe theo? Trả
lời: Xin hỏi lại rằng: có bao giờ đã là Phật mà lại nói sai lời Phật chăng?
Phật là “Giác”, pháp Phật là con đường dẫn
ta đến chỗ giác ngộ. Đây là lời Phật dạy. Người nào nói như vậy thì chúng ta
tin theo, không cần nghi ngờ. Người nào gọi Phật và pháp Phật là một thứ gì
khác, hoặc nói những điều không có trong kinh của Phật, thì chúng ta chỉ nên
coi đây là một sự chuyển ý nào đó(!), chứ không thể tin là thật.
Pháp Phật vô lượng vô biên, biến chuyển qua
nhiều thời kỳ, đến thời mạt pháp này có nhiều dạng tự khởi khá phức tạp! Chúng
ta muốn thoát nạn cần phải tuyệt đối y giáo phụng hành, chứ không thể chạy theo
sự hiếu kỳ hoặc bị lôi cuốn theo hình thức hấp dẫn của thế gian. Đây là điều
tối kỵ! Ngài Ấn Quang đại sư nói: “bỏ đường tắt Tây-phương, chín pháp giới
chúng sanh khó thể tròn cõi Giác. Rời cửa mầu Tịnh-độ, mười phương chư Phật
không vẹn toàn độ khắp quần mê”. Pháp môn niệm Phật là đại pháp của đức
A-di-đà, được mười phương ba đời chư Phật cùng tuyên dương, cùng thuyết để cứu
độ tất cả chúng sanh, chứ không phải chỉ có riêng đức Bổn Sư Thích-ca thuyết.
Niệm Phật là “Môn dư đại đạo”, là con đường gần nhất để thành Phật, thì hãy
vững tâm vững chí theo con đường của Phật để một đời thành Phật, đó là “Bất
biến”. Còn người nào muốn rong ruổi trong lục đạo luân hồi vô lượng kiếp, muốn
có thêm những kinh nghiệm đau thương, thì đó là quyền tự do của họ. Ta chỉ một
lòng thành tâm khuyên người niệm Phật, cầu cho chúng sanh sớm ngày giác ngộ,
chứ không có quyền chen vào việc làm của họ, đó gọi là “Tùy duyên”. “Bất biến,
tùy duyên” chính là cảnh giới của Phật vậy!
Phật dạy, “Y-Báo theo Chánh-Báo chuyển”. “Y-Báo” là hoàn cảnh sinh hoạt, môi
trường sinh sống, những người chung quanh, bà con làng xóm. “Chánh-Báo” chính
là ta, là hành động, tư tưởng, tâm địa, công phu tu hành của chính ta. Nếu
chánh báo của ta thật sự chính nghĩa, trang nghiêm, chân thành, thanh tịnh thì
chúng ta sẽ cảm hóa được y-báo chung quanh. Tục ngữ VN có câu: “gần mực thì
đen, gần đèn thì sáng”, câu này diễn tả rất dễ hiểu về ý nghĩa của chánh-báo
chuyển y-báo. Vậy thì, người tu hành chân chính hãy cố gắng làm ánh đèn soi
sáng không gian chung quanh, chứ đừng nên làm nước mực nhuộm đen môi trường
sinh sống.
Trên đường tu hành cầu giải thoát thì lời
Phật dạy là ngọn đuốc soi sáng tâm linh. Người học Phật cần sáng suốt, trí huệ,
cần phải tiếp cận với quang minh của Phật để được minh tâm, nhờ minh tâm mà
kiến tánh, kiến tánh để thành Phật. Quang minh của Phật ở đâu? Ở tại kinh luận,
ở lời Phật nói, ở điều Phật dạy. Người học Phật mà không theo kinh Phật, không
nghe lời Phật nói, không làm theo điều Phật dạy, tức là bỏ chỗ ánh sáng chạy
theo chỗ tối. Gần mực thì phải đen, dù bây giờ chiếc áo còn lam nham lỗ chỗ vết
trắng vết đen, bay phất phơ trước gió trông thấy khá đẹp mắt, nhưng một khi vết
mực loang ra làm đen sì, thì giá trị của nó không còn hấp dẫn nữa đâu! Sự khen
chê của thế tục đâu có ảnh hưởng gì đến sự khai ngộ, nhưng tu hành mà không
theo đúng kinh pháp, thì như lời Phật dạy: “Ly kinh nhất tự tức đồng ma
thuyết”, tự ta đã sai, mà còn có thể dẫn dụ chúng sanh xa lìa đạo giải thoát
của Phật, sẽ mang tội phỉ báng Phật Pháp. Đó là tự mình gây họa vậy!
Một người tu hành muốn thành tựu được đạo
quả, thì cần phải xét thật kỹ về lý đạo, thời kỳ và căn cơ. Lý đạo là phải
thành Phật, niệm Phật thành Phật là lý tối thượng của Phật. Thời kỳ hiện nay là
mạt pháp, thì niệm Phật là pháp môn rất thích hợp cho thời mạt pháp. Căn cơ
chúng sanh ở thời này hầu hết đều là trung hạ căn, pháp môn niệm Phật tuyệt đối
ứng hợp với trung hạ căn, thì chúng sanh thời này còn chọn lựa pháp nào nữa
đây? Không những thế, pháp môn niệm Phật là “tam căn phổ bị, phàm Thánh tề
thâu”, trên từ Đẳng Giác Bồ-tát, dưới đến chúng sanh tội lỗi ở địa ngục đều
được bình đẳng cứu độ. Như vậy, nếu nói cao thì có pháp nào cao hơn? Nói rộng
thì có pháp nào rộng hơn?
Học Phật, thì tất cả pháp Phật đều phải
tuyên dương. Tuy nhiên, như Ấn Tổ nói: “Thuốc không có quí tiện, hễ trị lành
bệnh là thuốc hay. Pháp không có ưu liệt hoặc hay dở, phàm ứng hợp căn cơ tự
nhiên sẽ phát sanh diệu dụng – Tức là diệu Pháp”. Diệu pháp là nói lý đạo cao
siêu và sự đạo hữu dụng. Như vậy, cao siêu chính là sự ứng hợp với căn cơ để
được phát sanh diệu dụng. Nói rõ hơn, đã gọi là “pháp môn vô hữu cao hạ”, thì
lý đạo cao siêu đúng nghĩa nhất là sự ứng hợp căn tánh con người và lòng chí
thành tu tập, nhờ đó mà được thành tựu đạo quả.
Do đó, thành tựu hay không là nhờ vào sự
chân thành tu tập theo lời Phật dạy, chứ không phải mong cho đạt lý cao siêu.
Người thích cầu cho đạt lý thường thường thuộc dạng vọng tưởng nhiều hơn là
thanh tịnh, chính vì vậy mà họ thường thất bại nhiều hơn người có tâm chân
thành chí kính. Nên nhớ rằng, cái lý đạo chân chánh nhất nó nằm ngay trong tâm
chứ không phải ở ngoài. Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: “Không ngờ tự tánh vốn sẵn
đầy đủ tất cả. Không ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”. Vậy thì, cứ chân
thành tu hành cho tâm thanh tịnh, thì tự nhiên lý đạo sẽ sáng tỏ thôi.
Muốn gieo duyên Phật pháp, muốn giúp cho
người tu hành được thành tựu, thì chúng ta chớ xem nhẹ sự áp dụng thực tế vào
đời sống cho đại chúng ứng dụng tu hành. Hãy tập làm người chí thành tin Phật,
chí kính lễ Phật, tập làm người thật hiền lành chất phác trong việc đối vật
tiếp người, thì đường tu tập sẽ tiến triển tốt đẹp và tâm hồn sẽ được thanh
tịnh. Lý đạo cao siêu sẽ tự nhiên phát sinh ngay từ tâm thanh tịnh, chứ không
phải là cái lý luận bóng bẩy từ ngoài đưa vào. Cái lý đạo cao siêu nhất của
Phật đạo là nhằm để đưa chúng sanh siêu vượt tam giới, thoát ly sanh tử, vãng
sanh bất thối thành Phật, thì chính những cụ già hiền lành chất phác, một lòng
tin Phật, đã an nhiên tự tại vãng sanh trong một đời tu tập. Điều này không đủ
làm cho chúng ta thức tỉnh sao?
Kính quí bác cùng anh chị em đạo hữu, sở dĩ
có lời phân tích này là vì trong đời này chúng ta đã có duyên học Phật với
nhau. Duyên này thù thắng lắm chứ không phải tầm thường đâu. Học Phật nên trọng
về thực chất, đừng nên quá trọng về hình thức. Nếu không thế, chúng ta sẽ dễ
chao đảo tinh thần bởi những cám dỗ của thế gian. Trong tâm nguyện “khuyên
người niệm Phật”, muốn mọi người thực sự thành đạt vãng sanh bất thối thành Phật,
thì chúng ta nên bắt đầu bằng sự tu hành cụ thể, chứ đừng tham những luận lý
triết học siêu việt xa vời. Triết lý là miếng mồi cho sự vọng tưởng, tánh kiêu
ngạo. Đây là một trong những điều tối kỵ cho việc vãng sanh. Nên đọc thuộc lòng
20 chữ trên hình Phật để làm tiêu chuẩn thì hay lắm: Chân thành, Thanh tịnh,
Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi. Nhìn thấu, Buông xuống, Tự tại, Tùy duyên, Niệm
Phật.
Được vãng sanh thành Phật là quả báo của
người hiền lành chân thành niệm Phật, chứ không phải là phần thưởng cho những
người triết lý hay.
Cho nên, tu hành quí đạo hữu nên cố gắng tạo
công đức lót đường vãng sanh, bằng cách hãy bắt tay nhau làm việc cụ thể, gần
gũi, thực tế là hay nhất. Tập bố thí giúp người, tập xa lánh thị phi, gìn giữ
thân miệng ý, v.v… Lấy công tạo đức, tích tiểu đức thành đại đức. Tích tiểu
thiện thành đại thiện. Hãy đưa tay nâng đỡ nhau tu tập, đối đãi bạn đồng tu như
ruột thịt, thành tâm hướng dẫn cho nhau kinh hành niệm Phật. Hãy có tâm khẩn
thiết cứu độ nhau, cố gắng giúp cho một người chưa biết gì về Phật pháp bước đi
một bước đầu tiên vào Niệm-Phật-Đường. “Một bước đầu tiên” là khởi phát ở họ
con đường giải thoát, nhờ thế may ra ta có thể cứu được một chúng sanh thành
Phật. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất thân là một thái tử, địa vị của Ngài sẽ là
vua của thiên hạ, nhưng Ngài đã xả bỏ ngôi vua, tự biến thành giai cấp thấp hèn
nhất trong xã hội, ngày ngày cầm bình bát đi khất thực, xin ăn để mong tiếp xúc
được với hàng bần cùng dân dã để cứu được chúng sanh. Đó là cái gương sáng,
nhắc nhở chúng ta phải biết khiêm hạ và thực tế tu hành vậy!
Một vấn đề khác, khi nêu ra chuyện hộ niệm,
thì “…có nhiều vị lo sợ miệng thế gian, chết không có một bộ nhạc để đưa…”.
Chuyện này thực ra chỉ vì tình chấp thế gian còn quá nặng! Người nào thực tâm
thương người thân thì hãy lo hộ niệm để cứu độ vãng sanh. Còn nếu cứ thích
miệng đời khen tặng, cứ chạy theo tập tục thế gian, thì dễ dàng tạo ra cảnh
tượng đau thương cho người thân và rồi cho chính ta vậy! Hiểu rõ được đạo mới
thấy rằng sự việc quả thật thương tâm, quá ư tội nghiệp! Từ trước tới giờ tổ
tiên, ông bà của chúng ta, có người chưa thấu Phật pháp thành ra có thể đã bị
chịu nhiều đại nạn! Nay ta đã gặp được Phật pháp rồi, xin đừng nên sơ ý nữa mà
đời đời đành mang thảm họa!
Đánh trống là cái tập tục nặng về sự thông
báo cho làng xóm biết nhà người này có người chết. Thổi kèn làm một vài diệu
nhạc bi ai để con cháu càng tiếc, càng thương, càng mủi lòng mà khóc cho nhiều.
Cờ xí là hình thức làm cho cảnh trí “đám ma” có vẻ linh đình một chút… tất cả
đều là nghi thức của người đời tự đặt ra thành tập tục, chứ không phải để cứu
độ hương linh siêu sanh. Cũng giống như đám cưới thì treo đèn kết hoa cho đẹp,
đám hát bộ thì đánh trống để cổ động người xem, tổ chức một đêm ca múa thì
trang hoàng cho lộng lẫy, hát xiệc thì mặc xiêm y lòe loẹt cho vui mắt, thế
thôi. Trong lễ tục về tang chế thì đời nhà Thanh bên Trung Quốc có qui định rõ
rệt nhất, nhưng tựu trung vẫn chỉ là việc nặng về hình thức của thế gian pháp.
Do đó, việc thổi kèn đánh trống, cờ xí màu mè mỗi nơi mỗi khác, như ở Sài gòn
thì thổi kèn Tây, chơi nhạc Mỹ; ở quê thì kéo đờn cò, thổi kèn ta, đánh phèn
la, nổi trống chầu, v.v… Đây chỉ là tập quán mà thôi!
Mỗi một tôn giáo có một lễ tiết riêng cho
người chết, nhằm để đưa linh hồn người ra đi theo cảnh giới của tôn giáo họ.
Như Thiên Chúa giáo thì đưa về nước Trời, Tiên giáo thì đưa về cảnh Tiên,
Quỉ-Thần giáo thì đưa về cảnh quỉ. Nói như vậy nhưng đưa được hay không thì
hoàn toàn lại là chuyện khác! Còn người không theo tôn giáo nào thì mập mờ vô
định, cứ dựa theo tập tục thói quen, nên vô tình thường đưa linh hồn của người
thân vào cảnh “Ma”, nên mới gọi là “Đám Ma”, hay đưa xuống địa ngục gọi là “Âm
Phủ”, “Âm Ty” hoặc “Diêm Đình”, v.v… Tất cả mọi cảnh giới, dù là: Thiên đàng,
Tiên cảnh, Quỉ-Thần vẫn còn trong tam giới, chưa thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Còn những nơi như: địa ngục, ma quỉ, súc sanh là những cảnh giới đọa lạc thì
làm sao sướng cho được!
Hộ niệm người lâm chung, thực tế mà nói, là
một nghi tiết của Phật giáo, ứng dụng từ trong kinh điển của Phật mà ra, để cứu
độ một chúng sanh khi hết báo thân phàm tục này sẽ được siêu sanh về Tây-phương
Cực-lạc để thành Phật, vĩnh ly sanh tử luân hồi, nhập vào cảnh giới thanh tịnh
nhất của tất cả mọi pháp giới. Chư Cổ đức dạy, tất cả mọi hình thức ồn ào, náo
nhiệt, hỗn loạn bắt buộc phải bỏ, để tránh thần thức của người đi bị mất chánh
niệm.
Chánh niệm là gì? Là chuyên lòng niệm câu
Phật hiệu “A-di-đà Phật”. Chỉ có câu A-di-đà Phật mới cứu được một thần thức
đầy tội lỗi vượt qua tam giới. Ngoài câu A-di-đà Phật ra, tất cả kinh, tất cả
chú dù có vi diệu đến đâu cũng không thể cứu thần thức vãng sanh. Ngài Lý Bỉnh
Nam, đệ tử chân truyền của Tổ Ấn Quang, sư phụ của HT Tịnh Không nói: “Hàng
ngày có công phu niệm Phật tức có chủng tử Phật. Lực lượng của chủng tử Phật lớn
sẽ xuất hiện trước, ta liền được Phật tiếp dẫn vãng sanh về Tây-phương. Nếu lực
lượng này nhỏ yếu không xuất hiện nổi, nhờ có người khác ở bên cạnh giúp trợ
niệm, thì chủng tử này sẽ dễ dàng xuất hiện. Cho nên, trong lúc bình thường có
tu trì (niệm Phật) thì lâm chung chủng tử Phật sẽ xuất hiện ra trước, việc vãng
sanh chắc chắn có hy vọng. Trợ niệm chính là giúp cho họ khơi dậy câu Phật
hiệu. Người Phật tử, bất luận trong lúc bình thường tụng bao nhiêu kinh, niệm
bao nhiêu câu chú, khi lâm chung muốn cho chủng tử Phật xuất hiện, thì duy nhất
chỉ có bốn chữ “A-di-đà Phật” mới có hữu dụng”.
Hộ niệm là niệm “A-di-đà Phật” để giữ chánh
niệm cho người ra đi được vãng sanh. Phải hộ niệm trước giờ lâm chung, ngay
phút lâm chung và tiếp tục niệm Phật ít ra là 8 giờ sau lâm chung, có nhiều nơi
họ cẩn thận phải niệm đến 12 giờ sau mới được đụng đến thân thể. Chư Cổ đức, Tổ
Sư dạy rõ ràng, dù cho kinh Phật cũng không được tụng để khỏi làm ồn thần thức
vãng sanh. Thế thì làm sao ta dám đưa trống, kèn, phèn la, nhạc khí vào để
khuấy nhiễu thần thức trong thời điểm rất căng thẳng này? Nên nhớ cứu được
người thân của mình thoát khỏi đọa lạc hay không chính là hành động sáng suốt
và quyết liệt của chúng ta ngay trong khoảng thời gian chung quanh sự lâm
chung. Nếu vị nể hay ham thích những chuyện thường tình của thế tục thì chính
ta là người đại bất nghĩa, đại bất nhân đối với người thân. Vì sao vậy? Vì biết
nạn mà không cứu, vì tham một vài tiếng khen hão huyền mà đành tâm để người
thân yêu bị hãm hại! Tạo cái ác nhân này thì chắc chắn chính mình khi ra đi
cũng phải nhận lãnh cái quả báo đau khổ tương xứng vậy!
Cho nên, xin quí đạo hữu chú ý kỹ. Những lời
nói này tôi nói theo đúng kinh Phật, lập lại lời của chư Tổ Sư, Đại đức, chứ tự
mình không dám đề xướng ra. Sống với đời ta phải hòa với đời, nhưng không nên
đồng lòng với họ. Hoàn cảnh nào ta sống theo hoàn cảnh đó để được sự hòa mục,
đây là “Tùy duyên”. Nhưng lý tưởng của ta ta phải đi, đường giải thoát của ta
ta phải giữ thẳng, đây là “Bất biến”. Nếu trong môi trường con người ưa thích
kèn trống quá mức, thì kẹt quá ta có thể cho họ thổi kèn đánh trống sau khi lâm
chung 8 giờ, đây là “Tùy duyên”, (còn không, thì nên quên đi). Xin nhắc lại,
muốn cứu được người thân thì trong vòng 8 tiếng đồng hồ tuyệt đối chỉ có niệm
Phật hộ niệm, không thể có hình thức nào khác xen vào, đây là điều “Bất biến”.
Sống thì “Tùy duyên”, nhưng việc đạo thì
phải “Bất biến” đó mới là trí huệ. Việc làm này chính là chúng ta đang hành đạo
Bồ-tát. Nghĩa là, sống thì hòa với đời để sống, nhưng dù cho hoàn cảnh có đổi
thay thì chí hướng quyết không thay đổi. Trong cái “Tùy duyên” phải thực hiện
cho được cái “Bất biến” vậy.
Ngoài ra, người mà duyên nào cũng “Tùy”,
cảnh nào cũng “Biến”, cứ tiếp tục chạy theo thế đời thì còn bàn gì nữa! Tu hành
là quyết tâm phá mê khai ngộ để chuyển phàm thành Thánh. Chứ bây giờ mê không
chịu phá, ngộ không thèm khai, hễ người ta làm sao mình làm vậy, bất kể chuyện
đúng sai thì bao giờ ta mới chuyển phàm thành Thánh, thì công sức tu hành của
chúng ta rốt cuộc để làm gì? Chẳng lẽ biết cảnh giới phàm phu vẫn phải chịu
phàm phu, biết đọa lạc vẫn phải theo để đọa lạc! Nghĩ lại coi, có phải oan uổng
lắm không?! Cho nên, “Tùy duyên, tùy biến” đúng là cảnh giới của phàm phu vậy!
Quí đạo hữu kính, trong vô lượng kiếp qua
chúng ta tạo nhiều nghiệp chướng nên mãi luân chuyển trong lục đạo tam đồ, khổ
không nói hết. Đó chỉ vì vô minh phiền trược che lấp bản tánh mà làm cho ta lầm
lạc. Nay cơ duyên đã đến, gặp được thiện hữu tri thức, nghe được danh hiệu bản
nguyện công đức của Phật A-di-đà, là một sự may mắn trong trăm ngàn vạn kiếp
khó tìm cầu, thì xin một lòng một dạ niệm A-di-đà Phật, cầu về Tây-phương, để
trong báo thân này diện kiến Đức Di Đà, một đời thành Phật. Còn gì quí hơn.
A-di-đà Phật.
Diệu Âm kính thư.
(Viết xong, ngày 30/08/03).
Đức Lục Tổ đưa ra một cách giảo nghiệm rất
đơn giản, Ngài bảo: “Nếu là bậc chân tu, không thấy lỗi của đời”. Mà thật thế,
bậc chân tu luôn luôn tự nhìn để sửa lỗi, trụ nơi tịch định, dứt hẳn lòng ngã
nhân phân biệt, có tâm tư đâu đi nghĩ đến việc hay dở tốt xấu của người! Kẻ giả
tu trái lại, tâm nhơn ngã hơn thua ganh ghét dẫy đầy, mở miệng ra là phê bình
chỉ trích, nói điều hay dở của thế gian, rất cách xa với đạo!
(Hòa Thượng Thích
Thiền Tâm).