Đạo hữu Huệ Sanh mến,
Ở đây có một ông bác khi đọc xong tập
“Khuyên người niệm Phật” chợt thấy được đường tu hành, hằng ngày bác tự lập ba
thời khóa niệm Phật rất tốt. Ban ngày thì con cháu ồn ào, bác chỉ thầm niệm
Phật, đêm đến 12 giờ khuya là bắt đầu thức dậy công phu. Bác nói: “Tôi bắt
chước theo sách này, gặp ai tôi cũng khuyên họ nên niệm Phật”. Bây giờ thì mỗi
lá thư của bác gởi cho bạn bè, cho người thân, cho con cháu… đã biến thành thư
“Khuyên người niệm Phật”, nội dung hoàn toàn khác với những gì bác thường viết
trước đây.
Nhiều người nghe nói đến “Phát Tâm Bồ-đề”
thì cảm thấy mông lung, hoặc lo ngại vì thấy chuyện này quá lớn! Nhưng có ngờ
đâu, nhiều khi chính họ đang làm chuyện Bồ-đề tâm mà không hay biết. Ông bác
phát được một tâm nguyện nho nhỏ: “gặp ai cũng khuyên họ nên niệm Phật”, là bác
đã vô tình đang làm một chuyện phát Bồ-đề tâm mà bác không hay.
…. Những tâm nguyện thành tâm giúp đời, cứu
người mong cho chúng sanh thành đạo Bồ-đề đều là những cách phát tâm Bồ-đề. Ngài
Tĩnh Am đại sư dạy rằng: “Cửa yếu vào đạo lấy sự phát tâm làm đầu, việc cấp
thiết tu hành lấy sự lập nguyện làm bước trước. Nguyện có lập thì chúng sanh
mới độ nổi, tâm có phát thì đạo mới thành tựu”. Phát tâm Bồ-đề vô cùng quan
trọng.
Diệu Âm có tâm nguyện “Khuyên người niệm Phật”, mong cho cha mẹ, anh chị em, bà
con, bạn bè phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây-phương, tình cờ những lời thư lại
được ấn tống thành bộ sách. Bây giờ có nhiều người gặp Diệu Âm thì giới thiệu
là tác giả bộ sách “Khuyên Người Niệm Phật”. Giới thiệu như vậy thì xin tùy
duyên của người đi, chứ thực ra tôi chỉ viết thư chứ không phải viết sách. Những
điều nói trong sách toàn là chuyện cá nhân chứ không phải chuyện tổng quát cho
đại chúng.
Mình gặp được Phật pháp quá trễ, nhưng dù
sao cũng thấy được đường giải thoát, là cả một sự may mắn rồi. Tri ân báo ân,
là nhân duyên chính của việc phát tâm nguyện Bồ-đề. Nghĩ rằng lòng đại từ đại
bi của Phật thật quá lớn, chữ hiếu đối với cha mẹ mình chưa báo đáp được gì, ơn
đức này biết bao giờ mới đền đáp được một phần. Sức mình quá yếu, trí mình quá
cạn, không biết phải làm sao cho trọn đạo. Thôi thì âm thầm viết từng lời thư
một, khuyên cha mẹ niệm Phật, khuyên người thân tu hành, chỉ cho bạn bè con
đường vãng sanh Tây-phương. Bộ sách xuất hiện từ một cái phát tâm nhỏ mọn như
vậy mà thôi!
Khuyên người niệm Phật chúng ta hãy làm bằng
cái lòng chân thành, tha thiết và thực tế. Tôi chưa bao giờ dám dùng lời khuyên
như những bài học thường thức, hay bài pháp dạy đạo. Nhưng vì nhiệt thành giúp
đỡ nhau, lòng tha thiết mong cho người được vãng sanh, tôi biết được tới đâu
làm tới đó. Tôi thường nói với bạn bè rằng, thuyết kinh giảng đạo chúng ta chưa
đủ khả năng, nhưng khuyến khích niệm Phật thì ai cũng có thể làm được. Hãy nên
bắt đầu từ những chuyện thật cụ thể trong sinh hoạt hằng ngày mà nhắc nhở nhau
tu hành.
Đạo không có lớn có nhỏ, không xa không gần,
mà đạo là sống, là những gì đang xảy ra trước mắt chúng ta, chứ không phải
chuyện viễn vong. Nếu hiểu được vậy rồi, thì nhìn chiếc lá rơi, ta đã thấy có
Phật pháp. Pháp gì? “Vô Thường”. Thấy đời vô thường thì cố gắng tu hành đừng
chờ đừng đợi! Lấy đũa gắp một miếng thịt để ăn, rõ ràng là có bài pháp thật
thấm thía: pháp “Từ Bi”. Có ai đã xẻ thân mình ra từng mảnh để ăn chưa, thì sao
mình lại ăn thịt chúng sanh? Đi chợ mua một bó rau, cầm bó rau lên đã thấy sẵn
pháp Phật rồi: pháp “Bố Thí”. Phật dạy bố thí giúp người, còn mình thì bỏ ra
đồng bạc phải đòi cho được bó rau ngon, lựa lên lựa xuống, chỉ biết mình ăn cho
ngon mà không để ý đến người bán có thể bị lỗ! v.v… Biết tu thì thời thời khắc
khắc, bất cứ hoàn cảnh nào tu cũng được. Chuyện tu hành rất thực tế, ngay trước
mắt, trong cách đối vật tiếp người, ở ngay trong tâm này chứ không ở đâu xa cả!
Hãy khuyên nhau làm thiện làm lành, rồi chí thành niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ,
thì thấy được Phật pháp vậy.
Tuy nhiên khi phát một tâm nguyện nào, chúng
ta cần chuẩn bị trước một số thử thách. Ví dụ như Diệu Âm khuyên người niệm
Phật thì chắc chắn sẽ có nhiều người hoan hỉ tiếp nhận, cũng có người không ưa.
Người tiếp nhận thì ta và họ cùng có duyên Tịnh-độ, cùng phát tâm niệm Phật,
cùng nguyện vãng sanh. Thực hiện được điều này là cả một sự chuyển hướng tối
quan trọng trong đời. Ngoài ra chắc chắn cũng có người không chấp nhận, hoặc
hơn nữa có thể chống đối. Thôi thì tùy duyên! Diệu Âm chỉ lấy lòng thành, nhiệt
tình khuyên nhau, chứ không thể cho là toàn vẹn, chắc chắn khó tránh khỏi có
điều sơ suất. Thành tâm cầu nguyện chư Phật Bồ-tát gia trì, cứu độ tất cả chúng
sanh sớm giác ngộ con đường vãng sanh thành Phật vậy.
Niệm Phật vãng sanh Tịnh-độ là pháp môn bất khả tư nghị, rất khó tin, chính
Phật mà còn phải nói: “Nan tín chi pháp”. Vì rất khó tin thì làm sao cho chúng
sanh dễ dàng cam lòng chấp nhận! Cho nên, nếu chúng ta khuyên người niệm Phật
mà gặp sự chống đối, thì đây cũng là điều tự nhiên! Riêng lời thư của Diệu Âm,
nếu phổ biến rộng rãi chưa chắc đã được mọi người tán đồng. Vì sao vậy? Vì thực
sự những lời khuyên này không có tính phổ thông. Rõ ràng nó có cái trọng tâm
xiển dương pháp môn Tịnh-độ, nhất tâm niệm Phật, quyết lòng cầu sanh
Tây-phương, chứ không phải có tính tổng quát. Biết vậy, nhưng tôi cũng không
thể làm gì khác hơn.
Thực tình mà nói, có lẽ Diệu Âm có duyên với Tịnh-độ, thấy được ít nhiều Phật
pháp qua đường Tịnh môn, thấy rõ cơ hội thoát ly sanh tử luân hồi qua tiếng
niệm Phật, cho nên chỉ biết khuyên người niệm Phật. Do đó lời khuyên này khó có
thể làm vừa lòng tất cả mọi người được. Phật dạy “nhất hướng chuyên niệm” thì
chúng ta khuyên “nhất hướng chuyên niệm”. Chư tổ dạy chuyên tu, nên chúng ta
chỉ có một đường thẳng tiến, nhất định không dám chọn đường thứ hai. Nếu người
cùng thuyền cùng hội, thì tự nhiên sẽ có duyên tao ngộ, hay ít nhiều gì cũng
giúp cho nhau được những bước thật căn bản để đi. Còn người không đồng hội đồng
thuyền, thì chúng ta phải tôn trọng sự tự do, đừng nên phân biệt hay lý luận
tranh hơn thua mà tâm ta bị loạn và làm mất niềm hòa kính. Nhất định phải tùy
duyên, không thể phan duyên. Nhưng khi đã phát tâm nguyện chân chánh, chúng ta
không thể vì một vài chướng ngại mà thối tâm Bồ-đề.
Chuyện đời khó lắm, chuyện đạo lại càng khó
hơn! Kinh nghiệm này có lẽ ai cũng có. Cách đây khoảng hơn một tháng, tôi đọc
được một bài viết nặc danh trong diễn đàn tự do về Phật giáo trên Internet, chỉ
trích bài viết của một cư sĩ khác với lời lẽ rất nặng. Bài viết có trích ra một
số câu bị đánh giá là sai với Phật pháp, trong đó có những lời trích lại từ lời
pháp của HT Tịnh Không. Tôi có cái may mắn nghe được khá nhiều những lời pháp
của Ngài, nên đọc qua là tôi có thể nhận ra ngay. Chính tôi cũng không ngờ
những lời của Ngài khi đưa ra ngoài cũng bị có người chống đối. Người cư sĩ bị
nạn cảm thấy quá chán nản, đã điện thoại hỏi ý kiến của tôi. Tôi thành tâm chia
xẻ nỗi buồn và khuyên vị cư sĩ đó nên giữ im lặng là tốt nhứt. Hãy nghĩ rằng,
người viết bài chống đối đó họ dựa theo cái lý của họ, chứ chưa hẳn là đố
kỵ(!), nhưng có lẽ vì lời pháp của HT Tịnh Không có nhiều lúc Ngài giảng ở cảnh
giới quá cao, hoặc có khi có những lời rất mảnh liệt có khả năng phá mê khai
ngộ, có cái năng lực chuyển Phàm thành Thánh chứ không phải bình thường. Những
cảnh giới đó đối với đại đa số quần chúng còn quá bỡ ngỡ(!), đâu dễ gì nhất
thời họ chấp nhận! Chúng ta vì nhiệt thành phát tâm Bồ-đề, làm Phật sự, mau mắn
trích dẫn hoặc dựa theo những lời pháp này một cách quá đột ngột, thì làm sao
tránh khỏi một chút hiểu lầm. Cho nên, tôi khuyên hãy để tự nhiên, một thời
gian sẽ trở lại bình thường thôi.
Trở lại chuyện khuyên người niệm Phật, muốn
cứu độ nhau chúng ta hãy nên thực tế! Mỗi người có mỗi hoàn cảnh, tập quán, sở
thích, căn cơ… khác nhau, ta nên dựa vào thực tế đó để kéo họ về được với Phật
đạo. Trong vô lượng kiếp chúng ta đã thả cái tâm này chạy rong như ngựa,
lao chao như khỉ. Cái tập khí này đã ăn sâu vào tâm khảm rồi, làm cho chúng ta
khó định cái tâm lại được, mà thường có hướng thích làm cho thỏa mãn cái “Tâm
viên ý mã”! Nhưng nên nhớ, càng thỏa mãn sự hiếu kỳ thì cái tâm của ta càng
thêm tán loạn! Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ngã mạn từ đó phát sinh, làm
cho vướng vào cái nạn “sở tri chướng” mà mất phần giải thoát! Ấn Quang Đại sư
khai thị: “Cùng năm mãn tháng cứ mãi theo việc nghiên cứu, dù cho tìm hiểu được
như vẹt mây bày trăng sáng, mở cửa thấy non xanh, cũng chỉ thêm nguồn biện bác
trên đầu môi chót lưỡi, có can dự gì đến sự sanh tử đâu!”.
Kiến thức thế gian là những miếng mồi rất
hấp dẫn câu móc tâm chúng sanh dính mắc vào vòng sanh tử đọa lạc! Chính tôi
trước đây cũng lầm lạc như vậy, đến khi gặp được Phật pháp, đọc được những lời
khai thị của các vị Tổ Sư mới giựt mình tỉnh ngộ. Thôi, từ đây quyết lòng xin
chừa, một đường chuyên tu, một lòng niệm Phật cầu xin vãng sanh Tịnh-độ là hay
nhất.
(Ngay đến những lời “Khuyên người niệm Phật”
này chắc nó cũng sắp sửa xong. Nhắn nhủ cùng bạn đạo gần xa rằng, nếu chúng ta
có duyên lành với nhau, thì bấy nhiêu lời thư chứa trong ba tập cũng tạm đủ rồi
vậy. Xin cho Diệu Âm sớm được gác bút để tịnh tu. Nguyện đem công đức này, nếu
có, hồi hướng cho tất cả chúng sanh, trong đó thế nào cũng có quý đạo hữu. Khuyên
tất cả tinh tấn niệm Phật, đồng nguyện vãng sanh, đồng sanh Tịnh-độ).
Niệm Phật phải chuyên lòng, đừng tạp loạn. Nên
nhớ lời này để nhắc nhở cho nhau. Ở đây tôi có một người bạn thân, ba của anh
còn ở VN, nhận được bộ sách “Khuyên người niệm Phật” rồi trực nhận ra con đường
giải thoát và đã bắt đầu niệm Phật. Thật là một giác ngộ thật đặc biệt trong
đời của bác. Thấy vậy, người bạn tôi cũng đã áp dụng phương thức viết thư để
khuyến tu. Có lần anh bạn muốn gởi một quyển “Luận về kinh Kim Cang” về cho ông
cụ. Anh nói, quyển này trích những câu chuyện Phật dạy hay lắm. Tôi khuyên
rằng, ông bác mới phát tâm niệm Phật, không nên giới thiệu nhiều kinh sách mà
dễ lạc mất hướng đi. Kinh Phật thì kinh nào cũng hay, nhưng vì hay mới thích,
vì thích mới tham, vì tham mới buông xả không được, vì buông xả không được mà
khó giải thoát.
Nên nhớ rằng, tất cả kinh điển đều là phương
tiện dẫn chúng sanh đến cứu cánh cuối cùng là thành đạo Bồ-đề. “Đồng quy nhi
thù đồ”. Cứu cánh Bồ-đề là một, nhưng phương tiện thì vô lượng vô biên. Đã thấy
được con đường thành Phật mà không quyết lòng đi thẳng tới chỗ thành tựu đạo
quả, lại cứ tham đắm vào phương tiện, thì mãi mãi vẫn chỉ lòng vòng trong
phương tiện!
Trong những giảng ký, có lần HT Tịnh Không
nói: “Trong ngũ kinh Tịnh-độ, người nào tụng một bộ kinh với một câu Phật hiệu
có thể sanh thượng phẩm. Tụng hai, ba bộ kinh với câu Phật hiệu thì còn trung
phẩm. Tụng cả năm bộ kinh và niệm Phật thì chỉ còn hạ phẩm. Còn người kinh nào
cũng tụng, pháp nào cũng tu, thì dù có niệm Phật cho nhiều đi nữa thì hạ phẩm
cũng khó có phần…”. Trong kinh Kim Cang, Phật nói: “Pháp thượng ưng xả, hà
huống phi pháp”, (pháp Phật còn phải bỏ, huống chi là không phải pháp Phật).
Khi đã thấy con đường thành Phật thì pháp Phật cũng phải biết buông xuống để đi
cho nhẹ, chứ đèo chi gánh pháp trên vai! Thân phụ của anh bạn là một cụ già, đã
phung phí gần trọn cuộc đời trong thế gian trần tục, nay mới vừa biết con đường
giải thoát mà không chịu thúc giục đi thẳng cho nhanh, lại muốn dành thời giờ
để tham quan cảnh xinh vật lạ, thì làm sao kịp giờ đi tới đích!
Nếu chúng ta có phát tâm khuyên người niệm
Phật, thì cố gắng giúp cho quý cô bác thấy rõ đời quá vô thường, nhất là đối
với những cụ tuổi đã xế chiều. Khuyên họ hãy quyết lòng chuyên tu “Tịnh
Nghiệp”, tụng một quyển kinh, niệm một câu “A-di-đà Phật”, giữ một nguyện “Vãng
Sanh Tây-phương”, còn tất cả những thứ khác nên buông xuống cho sạch sẽ đi, có
như vậy mới dễ giải thoát. Nếu không chịu quyết lòng chuyên tu, còn thích đèo
bồng, còn ham nghiên cứu nhiều kinh, còn muốn nghe thêm nhiều lời hay ý đẹp,
thì coi chừng khó mong có ngày thành tựu! Đây là những lời của chư Đại đức Tổ
sư nói, lời Bồ-tát Đại Thế Chí nói, lời Phật nói trong kinh. Trong kinh Vô
lượng Thọ, Phật dạy: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật,
nguyện sanh bỉ quốc”. Bỉ quốc tức là Tây-phương Cực-lạc quốc. Phải đi thẳng một
đường, phải dồn tất cả năng lực về một hướng, phải hạ quyết tâm đạt mục đích,
có được như vậy thì sự thành đạt sẽ dễ dàng hơn.
Chuyên tu thì cái gì cũng phải chuyên, tụng
kinh nào cũng được, một bộ thôi. Theo HT Tịnh Không thì thời này tụng kinh
Vô Lượng Thọ rất khế cơ. Nhưng đối với những người mới tu, nếu kinh Vô Lượng
Thọ dài quá tụng không nổi, thì tụng kinh A-di-đà. Kinh A-di-đà là bộ kinh được
chư Phật mười phương hộ niệm. Niệm một câu A-di-đà Phật là nhất hướng chuyên
niệm. Tha thiết phát lời nguyện vãng sanh Tây-phương là phát Tâm Vô Thượng
Bồ-đề. Tụng Kinh A-di-đà – Niệm A-di-đà Phật – Nguyện Sanh về quốc độ của
A-di-đà Phật, tất cả đều đồng bộ với nhau, đó là tam tư lương Tín-Hạnh-Nguyện
một đường đi thẳng về cõi Phật. Còn những kinh điển khác của Phật chắc chắn
cũng phải cần tham cứu tới. Nhưng bây giờ hãy lo vãng sanh trước đã. Khi về tới
Tây-phương rồi, mỗi ngày mình phân thân cúng dường mười vạn ức Phật trong mười
phương pháp giới, lúc đó mình sẽ học đến vô lượng pháp môn chứ không phải chỉ
đếm từng bộ kinh một như ở đây đâu.
Bây giờ xin cụ thể về chuyện phát Bồ-đề Tâm.
Phát Bồ-đề Tâm là gì? Theo Ngài Tĩnh Am thì: “Phát Bồ-đề Tâm tức là phát khởi
thệ nguyện hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ tối thượng, hoặc là đem cả
thân và tâm của mình quyết chí thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ-đề”.
Đối với pháp môn Tịnh-độ, muốn thành tựu quả
vị Vô Thượng Bồ-đề thì trước hết phải vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Chúng
sanh trong thời mạt pháp này không sanh về Cực-lạc thì khó thể đạt được mục
tiêu giải thoát giác ngộ tối thượng. Ngẫu ích Đại sư nói rằng, chân thành phát
nguyện cầu sanh Tịnh-độ là phát Tâm Vô Thượng Bồ-đề. Cho nên thành tâm phát
nguyện vãng sanh là tối quan trọng. Trong rất nhiều lời thư, Diệu Âm thường
nhắc đi nhắc lại điều này, chủ đích là mong cho nhiều người chú ý.
Thế nhưng, có lần tình cờ tôi phát hiện ra,
có người không chịu nguyện vãng sanh. Nếu là người tu trì theo các pháp tự lực,
quyết lòng tự tu chứng thì đành đi, còn người tu pháp nhị lực của Tịnh-độ tông,
có niệm Phật mà vì một hiểu lầm nào đó đã không chịu nguyện vãng sanh, thật là
điều đáng tiếc!
Vừa mới đây, lại có một đạo hữu khác điện
thoại hỏi tôi về ý kiến của một người nào đó không đồng ý với sự cầu xin vãng
sanh Tây-phương. Họ nói, tu hành mà chỉ lo đến chuyện thoát thân cho riêng
mình, không lo đến cứu giúp người thì tâm địa hẹp hòi! Theo người đó nói, dù có
vãng sanh Tây-phương Cực-lạc thì cũng để tự hưởng an lạc cho cá nhân, bỏ mặc
chúng sanh đau khổ không cứu, thật là quá ích kỷ! Nghe nói vậy làm cho cô giựt
mình không dám nguyện vãng sanh.
Trên điện thoại, tôi phân giải cho cô một ít
lý đạo trong kinh Phật, phân bày cho cô biết rằng đây là lời Phật dạy, khuyên
cô hãy quyết lòng theo Phật đừng theo người. Cô hiểu ra đạo lý, tin tưởng trở
lại và quyết tâm phát nguyện cầu vãng sanh, không dám sơ ý nữa.
Người chỉ lo hưởng thụ cho riêng cá nhân
mình gọi là tự tư tự lợi, tâm địa hẹp hòi, không hợp với bản hoài của Phật! Đúng
vậy! Người tu hành mà hẹp hòi ích kỷ thì tâm hồn nếu không tà vạy thì giả ngụy,
không giả ngụy thì cũng thiên lệch! Nghĩa là, không thể phát tâm Bồ-đề được!
Tuy nhiên, nếu nói phát nguyện vãng sanh Tây-phương là hẹp hòi ích kỷ thì quá
sai lầm! Niệm Phật mục đích là để vãng sanh Tịnh-độ. Phật dạy như vậy ta phải
làm như vậy. Nhất định Phật không bao giờ chỉ sai đường! Người học Phật phải có
lập trường vững, lấy kinh Phật làm tiêu chuẩn, đừng nên chao đảo bởi những kiến
chấp cá nhân mà làm sai. Sai từ căn bản, sai đến cứu cánh!
*) Căn bản sai lầm vì nói không đúng với lời
Phật dạy. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật nói đến tam phước, phước thứ nhất
gồm có 4 điều: hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập
thiện nghiệp. Đây là căn bản của đạo lý Nhân-Thiên, đạo lý làm người. Người học
Phật mà không vâng lời Phật dạy thì mất cái hạnh “Phụng sự sư trưởng”. Không có
hạnh “Phụng sự sư trưởng” thì làm sao có thể trở thành đệ tử hiếu thuận của
Phật! Rất nhiều kinh điển Phật dạy nguyện sanh Tịnh-độ, điển hình như kinh Phật
thuyết A-di-đà, một bộ kinh ngắn tụng hàng ngày trong thiền môn, Phật nhắc đi
nhắc lại tới bốn lần, dặn chúng sanh phải phát nguyện vãng sanh Tây-phương
Tịnh-độ. Sở dĩ Phật nói tới bốn lần, chính là để chúng sanh đặc biệt chú ý. Thế
mới biết phát nguyện vãng sanh Tây-phương là vấn đề chủ yếu. Người học Phật mà
hồ nghi lý đạo trong lời Phật dạy thì thật là sai vậy!
Niệm Phật thành Phật, quyết định không thể
nghi ngờ. Điều Phật dạy chúng ta phải y giáo phụng hành, quyết không thể sai
lệch.
Cái căn bản sai lầm chính là con người không
chịu giảng giải đúng theo nghĩa chân thật của Như Lai, mà thích khai triển theo
cái kiến chấp riêng của mình để trở thành kẻ phỉ báng chánh pháp! Phật dạy,
“vãng sanh Tây-phương để thành Phật”, mình lại nói, “vãng sanh Tây-phương để
hưởng an lạc cá nhân”. Nên nhớ, sự Cực-lạc, an dưỡng ở cõi Tây-phương là quả
báo tự nhiên, người vãng sanh về đó tự nhiên được hưởng, chứ không phải là sự
tham cầu hưởng lạc mà được. Phật dạy, “thành Phật để cứu độ chúng sanh”, mình
lại nói, “bỏ mặc chúng sanh đau khổ không cứu”. Phật dạy, “vãng sanh Tây-phương
là đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên”, mình lại nghĩ đó là chuyện
bình thường, chẳng ích lợi gì. Phật dạy, vãng sanh Tây-phương là hợp với tâm
Bồ-đề, còn mình thì nói “hẹp hòi, ích kỷ”. Phật dạy, niệm Phật đừng hồ nghi,
mình lại nghi ngờ lời Phật, v.v… nói chung đã khai thác toàn những khía cạnh
tiêu cực!
Đời mạt pháp vạn ức người tu khó tìm ra một
người giải thoát, tâm nguyện của Phật là muốn tất cả chúng sanh được vãng sanh
Tây-phương để sớm thành tựu đạo quả, mình lại muốn chúng sanh tiếp tục ở lại
cõi Ta-bà. Đây thật là điều trái ngược! Rõ ràng chuyển đổi lời kinh, ý nghĩa
hoàn toàn bị xoay lệch hướng!
*) Về cứu cánh thì nhiều người chỉ nhắm vào
lý đạo mà nói, còn về sự đạo và căn cơ thì thường bỏ quên. Thực ra, muốn thành
tựu đạo nghiệp thì Lý-Sự-Cơ bắt buộc phải song song, như ba cái chân đế, thiếu
một chân thì đảnh sẽ bị ngã. (Hẳn nhiên lý sự cơ là nói với người trung hạ căn
như chúng ta, chứ người đã đại khai đại ngộ thì đâu còn gì để phân biệt nữa). Lý
có thể đốn ngộ, sự phải tiệm tu. Đốn ngộ là nhất thời thấu rõ, tiệm tu là tinh
tấn tu trì. Tiệm tu về sự thì phải nhận rõ căn cơ của mình để trạch pháp cho
hợp, có như vậy đường tu hành mới bình an phẳng lặng. Ấn Quang Đại sư dạy rằng:
“Thuốc không có quý tiện, hễ trị lành bệnh là thuốc quý. Phật pháp không có ưu
liệt hay dở, phàm ứng hợp với căn cơ tự nhiên sẽ phát sanh diệu dụng – tức là
diệu pháp”.
Cho nên, hợp căn cơ rất quan trọng! Ví dụ
như nói, “Tâm tức Phật, Phật tức tâm”, đây là lý đạo, biết như vậy mà dễ gì có
ai làm được! Phật dạy: Ta là người đã thành Phật còn các ngươi là người sẽ
thành Phật, câu này tương tự với “Phật tức tâm, tâm tức Phật”. Tuy nhiên, chữ
“Đã” và chữ “Sẽ” nó có ý nghĩa rất quan trọng. Phật nói, “Tam thế chư Phật” gồm
có quá khứ, hiện tại và vị lai Phật, thì vị lai Phật là chỉ cho tất cả chúng
sanh trong hư không pháp giới. Những chúng sanh này phải tu hành rất nhiều, có
thể tới vô lượng kiếp mới mong có ngày thành Phật, chứ không phải biết ta có
Phật tánh là ta đã thành Phật!
Nhưng bên cạnh đó, Phật nói, người vãng sanh
về Tây-phương Cực-lạc thì một đời thành Phật. Kinh Vô Lượng Thọ nói “Nhất sanh
bổ xứ”, nghĩa là một đời được bổ xứ thành Phật ở các quốc độ để cứu độ chúng
sanh. Một đời thành Phật và vô lượng kiếp thành Phật thật sự khác biệt rất lớn.
Cho nên, có tâm nguyện độ chúng sanh thì chúng ta hãy quyết lòng khuyên nhau
ngày ngày “Phát nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc” vậy.
Khi đã thành Phật thì tự nhiên thấy: “Phật
là tâm, tâm là Phật”. Khi chưa thành Phật, thì tâm cũng không thấy, mà Phật
cũng còn quá xa! Phật dạy, “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, chính ta
có Phật tánh nhưng vì chưa khai được tâm, nên ta vẫn còn là phàm phu. Là phàm
phu mà còn bị kẹt lại ở cõi Ta-bà ngũ trược ác thế này thì đành phải chịu khổ
đau bất tận, và tương lai dễ dàng bị đọa lạc lũy kiếp! Ngược lại, một chúng
sanh đới nghiệp vãng sanh về tới cõi Tây-phương thì đều cùng với “Chư Thượng
Thiện Nhân câu hội nhất xứ”, tâm sẽ được khai, tánh được thấy. Đây không phải
là tự khai, mà nhờ oai thần từ lực của A-di-đà Phật khai cho họ, (xem kinh Vô
Lượng Thọ). Cho nên, chưa vãng sanh về Tây-phương thì chưa có khả năng thành
Phật, chưa thành Phật thì chư Phật còn phải khổ tâm cứu độ chúng sanh.
Như vậy, tạo một chúng sanh vãng sanh
Tây-phương là nhẹ cho chư Phật một phần và thêm một vị Phật để cứu độ chúng
sanh. Trong kinh A-di-đà, Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất, nếu có người đã phát
nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi nước của đức Phật
A-di-đà, thì những người đó đều được không thối chuyển cho đến ngày thành A nậu
đa la tam miệu tam Bồ-đề tại quốc độ đó, dù là người đã sanh, hiện sanh hoặc sẽ
sanh”. Rõ ràng, đây lời Phật thọ ký cho người phát nguyện vãng sanh Tây-phương
sẽ thành Phật. Sự thọ ký này không phải chỉ có một lần, mà hai lần Phật thọ ký
tương tự. Như vậy, nguyện vãng sanh Tây-phương chính là phát Tâm Vô Thượng
Bồ-đề.
Một điều đáng chú ý nữa là nhiều người cứ
tưởng rằng tự lực chứng đắc từng cảnh giới là con đường phải đi. Giống như đi
học, phải từ tiểu học, lên trung học, rồi đến đại học, v.v… chứ làm gì có
chuyện một tên dốt nát bỗng chốc nhảy lên làm tiến sĩ! Nghi ngờ này khá chính
xác đối với thế gian, đối với những pháp tu tự lực, nhưng với pháp niệm Phật
thì không hẳn vậy. Ngài Tịnh Không thường ví một nhà lầu mười tầng, người muốn
chứng đắc từng cảnh giới là người bước từng nấc thang một, người niệm Phật cầu
sanh Tịnh-độ là người biết bước vào thang máy, bấm nút. Thang máy vẫn qua suốt
tất cả những nấc thang lầu, nhưng nhanh chóng hơn nhiều.
Trong kinh Phật có câu: “Sanh Phật bình đẳng”, nghĩa là chúng sanh và Phật bình
đẳng nhau vì tất cả đều có chơn như tự tánh. Chơn như tự tánh đều bình đẳng,
không hai không khác, cho nên một chúng sanh có thể thành Phật bất cứ lúc nào
chứ không phải bắt buộc phải tự chứng đắc từng cảnh giới một cho tới quả địa
Như Lai. Lục Tổ Huệ Năng nói, “Không ngờ tự tánh vốn sẵn có đủ tất cả”, thì tất
cả mọi cảnh giới đã có sẵn trong tâm chứ không phải chứng đắc từ bên ngoài. Người
không học và ông tiến sĩ đều có tâm Phật như nhau, tất cả mọi cảnh giới đã có
sẵn đầy đủ trong chơn tâm của họ, người nào khai mở được chơn tâm, thấy được
chơn tánh trước thì thành Phật trước. Thành ra, nếu ta đem cái bằng cấp thế
gian ra ví dụ cho Phật pháp, thì đôi lúc có thể trở thành vô nghĩa!
Bây giờ một câu hỏi cần phải đặt ra cho
người học Phật là, làm sao khai mở được chơn tâm đây?
Với 84 ngàn pháp môn của Phật, tu pháp nào cũng có thể thành tựu. Nhưng pháp
giới mông huân, cảnh giới trùng trùng điệp điệp, chánh tà, tốt xấu… khó lòng
nhận chân. Phương tiện càng lâu càng nhiều nguy cơ thọ nạn, đường đi càng dài
càng dễ bị sa lầy! Con đường học Phật của chúng sanh thời mạt pháp này thực sự
quá nhiều chướng ngại, Phật thấy vậy mới từ bi khai mở đại pháp môn niệm Phật,
để cứu độ nhất thiết chúng sanh, đới nghiệp vãng sanh, sớm viên thành Phật đạo.
Tu học Phật mà không theo đúng kinh Phật, thì nếu lỡ vướng một ý niệm sai lầm
có thể dẫn đến vạn kiếp khổ đau!
Cứu độ chúng sanh là ta khuyên người hãy
quyết tâm y giáo phụng hành, mau mau nương theo nguyện lực của đức A-di-đà Phật
để thành Phật. Tâm nguyện này chắc chắn sẽ hợp với bản hoài của tất cả chư Phật
vậy!
Đại sư Ấn Quang khai thị: “Phẩm nhập pháp
giới trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử sau khi đã chứng đạo với chư
Phật, Bồ-tát Phổ-Hiền còn khuyên nên phát 10 đại nguyện vương và đem công đức
ấy hồi hướng cầu sanh về thế giới Cực-lạc để Phật quả mau viên mãn. Đồng thời
cũng dùng 10 nguyện vương ấy để khuyến hóa những vị Bồ-tát trong thế giới Liên
Hoa Tạng, tức là cõi Cực-lạc. Nên biết rằng trong Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm
Thế Giới Hải không có phàm phu và nhị thừa, chỉ có 41 bậc Bồ-tát, những vị này
đã chứng pháp thân, nên các Ngài có thể thị hiện thành Phật ở thế giới nào
không có Phật để giáo hóa. Hơn thế nữa trong Liên Hoa Tạng có vô số cảnh
Tịnh-độ khác nhau, thế mà các Ngài Bồ-tát đó còn phải hồi hướng vãng sanh
Tây-phương Cực-lạc. Điều đó chứng tỏ rằng vãng sanh Cực-lạc là con đường, là
cửa ngõ diệu huyền nhất để thoát khổ được vui hoàn toàn, là đường tắt để đi đến
Phật quả”.
Pháp thân đại sĩ ở Hoa Tạng thế giới còn
phải lập mười đại nguyện vương để cầu sanh Tây-phương Cực-lạc, huống chi phàm
phu chúng ta ở cõi Ta-bà ngũ trược ác thế này! Người tu học Phật không nguyện
vãng sanh Tịnh-độ, thì phải tự phá cho hết kiến-tư hoặc mới chứng quả A La Hán,
rồi phá cho hết trần sa hoặc để chứng được pháp thân đại sĩ sơ trụ Bồ-tát. Muốn
đạt được cảnh giới này thật sự không phải dễ! Tới bậc này rồi thì mới nhập vào
được Hoa Tạng thế giới, từ Hoa Tạng thế giới Bồ-tát Phổ-Hiền lại dạy cho mười
đại nguyện vương để quy về Tây-phương Cực-lạc. Đường tu hành như vậy là đi một
vòng lâu tới vô lượng kiếp, từ cõi Ta-bà khổ nạn tới Hoa Tạng thế giới, từ Hoa
Tạng lại niệm Phật cầu về Tây-phương để viên thành Phật đạo. Thế thì sao bằng
từ đây đi thẳng tới Tây-phương để thành Phật có hay hơn chăng? Trong kinh Vô
Lượng Thọ, Phật nói người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là tu cái “Hạnh siêu vượt
Bồ-tát Phổ Hiền để tới bờ kia”, là vì lý do này.
Vãng sanh thì thành Phật, có vị Phật nào mà
không có tâm cứu độ chúng sanh. Suốt một đời hoằng hóa độ sanh của Ấn Quang đại
sư, một vị đại tôn sư của thế kỷ 20, Ngài để lại 16 chữ: “Đôn luân, tận phận,
nhàn tà, tồn thành. Lão thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ”. Đôn Luân: là giữ gìn
luân thường đạo đức; Tận Phận: là trung tín, thành thực, lo tròn bổn phận của
mình; Nhàn Tà: là ngăn ngừa tà tâm, không làm điều sai vạy; Tồn Thành: là không
đố kỵ, tận tâm giúp người toàn thiện, toàn mỹ, hoàn thành đạo nghiệp. Nếu so
sánh với đạo nhập thế hữu vi của Khổng giáo thì những điều này tương đương với
Tam Cương, Ngũ Thường.
Nhưng đạo Phật đã vượt qua Nho giáo ở chỗ
xuất thế gian, đó chính là tám chữ “Lão thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ”. Tám
chữ đầu là trợ hạnh, tám chữ sau là chánh hạnh. Tất cả mọi hạnh đều phụ trợ cho
mục đích cứu cánh là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, đây là điểm then chốt cho
người tu hành thoát ly sanh tử, một đời thành Phật, để có đủ khả năng cứu độ
nhất thiết chúng sanh.
Chư Phật dạy phát nguyện vãng sanh
Tây-phương, chư tổ dạy phát nguyện vãng sanh Tây-phương, thì chúng ta đừng nên
làm sai lời Phật, sai lời Tổ để phải chịu luân hồi vô lượng kiếp, đã không cứu
được ai, mà chính huệ mạng của mình cũng khó thoát cảnh đọa lạc!
Vậy thì, những ai chưa phát nguyện vãng sanh
hãy mau mau phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh-độ. Muốn cứu độ chúng sanh cũng phải
mau mau phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh-độ. Lời phát nguyện vãng sanh là tối quan
trọng của người niệm Phật. Người niệm Phật mà quên nguyện vãng sanh Tây-phương
thì tự mình phá hỏng tất cả cơ hội thành đạo của chính mình, và đánh mất cái
Tâm Vô Thượng Bồ-đề cứu độ chúng sanh vậy.
Đạo hữu Huệ Sanh thân, sở dĩ lời thư này tôi
nhấn mạnh vào lời phát nguyện vãng sanh, mặc dầu trước đây chúng ta đã nhắc đến
chuyện này rất thường xuyên, chỉ vì vừa mới đây tôi tình cờ biết được một số
người niệm Phật nhưng không chịu nguyện vãng sanh làm cho tôi phải giựt mình! Bên
cạnh của Huệ Sanh, tôi nghĩ cũng có trường hợp tương tự. Tu hành trong thời mạt
pháp chướng duyên lớn lắm. Xin đừng chán nản, hãy cố gắng giúp nhau cảnh tỉnh. Có
lẽ, đây cũng là một thử thách để trắc nghiệm lòng tin của mình có vững hay
không, cơ duyên thành đạo đã tới hay chưa. Nếu cơ duyên đã tới, thì như Ngẫu
Ích Đại sư nói, phải chân tín, thiết nguyện. Nếu cơ duyên chưa tới thì ý chí sẽ
bị lung lay và rồi đành chịu tiếp tục bơi lòng vòng trong bể khổ vô lượng kiếp.
Chúng sanh lặn hụp trong bể sanh tử vô lượng kiếp qua, bây giờ tiếp tục hụp lặn
vô lượng kiếp nữa. Vô lượng kiếp nhân với vô lượng kiếp thành vô biên kiếp, đời
đời kiếp kiếp khó thoát khỏi trần lao! Dễ sợ lắm, không phải chuyện thường đâu!
Trở lại chuyện Phát Tâm Bồ-đề. Có nhiều cách
phát tâm. Ngài Thật Hiền đưa ra 8 tướng trạng của phát tâm Bồ-đề, đó là: Tà,
Chánh, Ngụy, Chân, Tiểu, Đại, Thiên, Viên. Tâm vì lợi lộc, phước báu là Tà; Cầu
chứng đạo Bồ-đề là Chánh. Tham danh vọng, trọng hình thức, thiếu nội dung,
không sám hối lỗi lầm là Ngụy; trên quyết cầu Phật đạo, dưới quyết hóa độ chúng
sanh là Chân. Chỉ lo thoát ly cho mình, không muốn cứu độ người khác là Tiểu;
Nguyện độ tận chúng sanh là Đại. Còn chấp chúng sanh và Phật ở ngoài tâm, còn
chấp Ngã – Nhân là Thiên; Thấy được chúng sanh, pháp môn, Phật đạo… đều trong tự
tánh, không vướng mắc phạm trù: trong-ngoài, bỉ-thử, ngã-nhân, đó là Viên Phát
Bồ-đề tâm.
Phân tích thấy được tướng trạng chân thực
của việc phát tâm Bồ-đề rất vi tế, không phải dễ! Có cái mới nhìn thì thấy
chánh, nhưng xét kỹ thì thành tà; mới nhìn thì tưởng là chân nhưng thực chất là
giả ngụy, v.v… Cho nên không thể đơn giản nhìn vào hình thức mà đánh giá việc
phát tâm Bồ-đề tâm được.
Đừng phát tâm theo tà, ngụy, tiểu, thiên. Hãy
phát tâm theo chánh, chân, đại, viên. Cái tiêu chuẩn để xác định chính là cái
“Tâm”, chứ không phải là cái “Tướng”. Ví dụ, như chúng ta khuyên người niệm
Phật, thì đây chỉ là “Tướng” phát Bồ-đề tâm. Nếu tâm chân thành muốn cứu độ
chúng sanh, chân thành cầu mong cho người được phát tâm niệm Phật để được vãng
sanh, thì cái “Tướng” này trở thành “Chánh-Chân-Đại Bồ-đề Tâm”. Ngược lại, làm
vì thích người ta khen tặng, thích diễn giải cho hay, để thỏa mãn cái trí kiến
của mình, thì lời khuyên này chỉ là hình thức trống rỗng, một thứ tà tri tà
kiến! Cũng là một cái “Tướng” này nhưng đã trở thành “Tà-Ngụy Tâm” rồi! Một
người đem tiền cúng dường xây chùa, vì muốn tên mình được đăng bảng vàng cho
nhiều người biết, thì tâm này không Tà cũng Ngụy, không Ngụy cũng Tiểu. Nhưng
nếu vì lòng chân thành muốn cho chúng sanh có chỗ tu học để thành đạo thì sự
phát tâm này là Chân, Chánh hoặc Đại Bồ-đề tâm. Rõ ràng hình tướng giống nhau,
nhưng cách dụng tâm khác nhau đưa đến quả báo khác nhau.
Vạn pháp duy tâm, tất cả đều do cái tâm mình
làm chủ. Biết được như vậy rồi thì chúng ta hãy cố gắng mở tâm lượng ra mà làm
đạo. Tại sao đã trải qua vô lượng kiếp rồi mình còn lưu lạc nơi đây? Vì tâm của
mình còn tà vạy, lòng của mình còn giả ngụy, độ lượng của mình còn quá hẹp hòi…
do đó vô lượng kiếp tu hành luân hồi vẫn hoàn về luân hồi, sanh tử vẫn còn tử
sanh nguyên vẹn, tương lai đọa lạc vào tam ác đạo cũng không phải là chuyện xa
vời. Trong kinh Hoa Nghiêm Phật nói, “Quên mất Bồ-đề tâm mà tu các hạnh lành,
thì gọi là hành động của ma”. Lời này thấm thía lắm, chân lý lắm!
Ngài Ấn Quang đại sư chủ trương rằng, một
đạo tràng thành tựu là khi có người vãng sanh, chứ không phải là gieo duyên
Phật pháp. Ngài Tịnh Không cũng thường nhắc đi nhắc lại ý này, là hãy quyết tâm
tạo cho được một người vãng sanh còn hơn là gieo duyên Phật pháp cho hàng ngàn
người. Không biết người khác nghĩ sao, chứ riêng tôi thì những lời dạy này đã
thấm sâu vào xương tủy, và giúp cho tôi một hướng đi vững mạnh.
Quyết giúp cho một chúng sanh vãng sanh để
thành Phật thì công đức này vô lượng vô biên, hơn hẳn công đức gieo duyên Phật
pháp cho hàng ngàn người. Nói như vậy đâu có nghĩa là chống lại việc gieo
duyên, nhưng nhấn mạnh cho người học Phật biết rằng, phải luôn luôn nhớ đến vấn
đề thoát ly sanh tử, thoát ly tam giới, vấn đề thành Phật độ sanh. Hướng dẫn
cho người tu hành cần phải nhắm thẳng đến chỗ liễu nghĩa, còn chuyện thành tựu
được hay không là tùy theo thiện căn, phước đức, duyên phần của họ, chứ ta
không thể hướng dẫn nửa vời mà làm hạn chế sự thăng tiến hoặc đoạn mất cơ hội
thành tựu của chúng sanh được.
Chính vì vậy mà tất cả những lời thư “Khuyên
người niệm Phật” tôi nói thẳng tắp tới Tây-phương Cực-lạc, không dám quờ quạng
giữa đường, dù cho mọi người chấp nhận hay không. Nhiệm vụ của chúng ta là
“Khuyên” thì phải khuyên tới đích, còn chúng sanh có đi hay không là tùy theo
duyên phần của chúng sanh. Còn như chỉ nhắm đến chuyện gieo duyên lành, thích
nói chung chung cho vui lòng mọi người, thì coi chừng chúng ta đang làm chuyện
mơ hồ! Chúng sanh vốn sẵn đã mơ hồ, nay lại tiếp tục mơ hồ, sống trong mơ hồ
thì chắc rằng bị nhiều nghiệp ma. Tại sao vậy? Vì chỉ muốn gieo duyên tu hành
thì chủ yếu thường nhấn mạnh đến việc làm lành làm thiện, còn chuyện phát Bồ-đề
tâm thì hay quên lãng. Quên phát Bồ-đề tâm mà làm các hạnh thiện lành, thì
là việc làm của ma! Lời Phật dạy rõ ràng, chúng ta cần phải đặc biệt chú ý tới.
Để chứng minh rõ thêm điều này, chúng ta hãy
đi quan sát một vòng là nhận ra ngay. Một ngàn người tu hành hiện nay, thì cũng
có tới 990 người cứ nói đơn giản rằng: Tu hành là làm lành, làm thiện, làm việc
tốt thì đủ rồi! Nhưng hỏi tới tiêu chuẩn thiện, ác, tốt, xấu, là sao thì vẫn
chưa có định nghĩa đứng đắn! Chưa có mức định nghĩa đúng thì dễ bị sơ sót. Sự
sơ sót cụ thể nhất của con người là thường chấp theo tướng mà quên mất cái tâm,
hình thức thì thiện nhưng nội dung thì bất thiện!
Ví dụ, vào chùa cúng dường 100 đồng, thấy
người khác cúng 50 là khinh chê họ rồi. Khinh chê đố kỵ là Phật hay ma? Tới
chùa lạy Phật tưởng rằng mình tốt, nhưng lạy Phật cầu xin cho con được trúng số
để có tiền cúng chùa. Tham tiền là ma hay Phật? Hình thức cúng dường, lạy Phật,
giúp người, v.v… thường khi chỉ là cái bình phong che lấp cái tham bên trong mà
đôi khi chính người đang cầu xin vẫn không biết! Bỏ đồng tiền ra ấn tống kinh
sách là mong muốn chùa viết lời hồi hướng công đức cho mình, phải để tên
và số tiền trong bảng “phương danh ấn tống”… Nếu phát tâm Bồ-đề viên mãn, thì
chư Phật, chư Bồ-tát đều biết. Người tu hành nên nhớ, “Tâm thành tất linh”, có
làm thì có công đức, chứ đâu phải viết thêm vài chữ là được đâu! Nhiều người sơ
ý điều này mà làm cho chính mình bị mất nhiều công đức và việc tu hành thường
bị lạc đường! Dù cho người hiền lành không có thị phi, phân biệt, đố kỵ… đi nữa
thì cũng thường vướng vào chữ phước báu, mà quên cầu giải thoát.
Nói chung, tâm dính vào nghiệp lục đạo, thì
khó có cơ duyên thoát ly tam giới. Tu hành bị sơ suất nhiều vô cùng mà ít ai
chịu để tâm suy xét! Có lẽ vì không rõ đường tu nên không biết nhắm thẳng đến
mục tiêu chính, mà chúng sanh thường bị lầm lẫn hay lấy phụ làm chính, khá đáng
tiếc vậy!
Quyết lòng hướng dẫn cho người vãng sanh
thành Phật thì tự nó đã có sự gieo duyên thâm sâu vào Phật pháp rồi. Nếu chỉ
đặt tiêu chuẩn ở chỗ gieo duyên thì chúng sanh có thể dễ mê đắm vào việc thiện
của thế gian mà quên mất con đường thành đạo. Trong vô lượng kiếp tu hành
thì nghiệp ma đều phát triển song song và càng ngày càng mạnh, nó sẽ lôi cuốn
chúng sanh vào hẳn trong quỹ đạo sanh tử luân hồi, vô phương cứu độ! Lời dạy
của Tổ sư có lẽ liên quan đến ý nghĩa này. Vì lòng đại từ đại bi mà các Ngài đã
nói ra lời huấn thị thật thấm thía vậy.
Trở lại vấn đề phát nguyện, điểm chính yếu của pháp môn niệm Phật là vãng sanh
Tây-phương để thành Phật cứu độ chúng sanh. Muốn được vãng sanh thì phải phát
nguyện vãng sanh. Đây là điểm chính, còn những việc phát những tâm hạnh khác phải
thành thực cố gắng làm mới có công đức. Tất cả những phát tâm này đều là trợ
hạnh cho chánh hạnh vãng sanh Tây-phương, chúng kết hợp lại thành viên mãn sự
Phát Tâm Bồ-đề. Nói gọn hơn, nếu tất cả các hạnh, tất cả công đức ta làm nhưng
không chấp trước, đều hỗ trợ cho tâm nguyện vãng sanh thành Phật để cứu độ tất
cả chúng sanh, nếu được đồng bộ như vậy thì sẽ biến thành phát “Vô Thượng Bồ-đề
Tâm”. Ta thấy rõ ràng hình như chúng tạo thành những cái mốc xích liên hợp với
nhau: Phát Bồ-đề tâm là cứu độ chúng sanh, muốn cứu độ chúng sanh thì phải phát
tâm nguyện vãng sanh, muốn được vãng sanh thì cần tu nhiều các công đức lành để
hỗ trợ, muốn có công đức để hỗ trợ thì làm công đức mà đừng chấp vào đó… Tất cả
một dãy liên tục này phải chăng đã nằm gọn trong hai lời thệ nguyện: Chúng sanh
vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Đây chính là phát Vô
Thượng Bồ-đề Tâm.
Trong một loạt những chuỗi phát tâm liên tục
như vậy, cái điểm then chốt nhất để hoàn thành tâm nguyện cứu độ chúng sanh vẫn
chính là lời phát nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, vì nếu không vãng sanh
thì không thành Phật, còn ở trong lục đạo luân hồi, tất cả mọi công đức đều trở
thành số không. Chính vì vậy mà Ngài Ngẫu Ích Đại sư, vị tổ thứ 9 của Tịnh-độ
tông Trung Hoa nói: “Phát nguyện vãng sanh Tây-phương là phát Tâm Vô Thượng
Bồ-đề”.
Nếu đúng theo Tổ Ngẫu Ích thì sự phát Tâm
Bồ-đề của pháp môn Tịnh-độ thật sự rất đơn giản, rất cụ thể. Bất cứ người nào
có lòng chí thành đều có thể làm được. Lời dạy của Ngài có chính xác không? Nếu
không chính xác thì làm sao Ngài được tôn xưng thành vị Tổ thứ 9 của Tịnh-độ
tông Trung Quốc.
Xét đến cùng thì lời khai thị này cũng từ
trong kinh Phật mà ra. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật nói Tâm Bồ-đề có ba
loại, đó là: Chí thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm. Chí Thành Tâm
là lòng chí thành, lòng chân thật nguyện sanh về Tịnh-độ. Thâm Tâm là lòng muốn
thiết tha, tấm lòng sâu chặt nhất nguyện sanh Tịnh-độ. Hồi Hướng Phát Nguyện
Tâm là lòng phát nguyện quay về Tịnh-độ, hồi hướng tất cả công đức tu hành của
mình, hướng về cõi Tây-phương. Nếu ba tâm này đều phát đầy đủ gọi là “Tam tâm
viên phát”, thì chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh-độ, gọi là viên mãn phát Bồ-đề
Tâm. Rõ ràng tất cả đều gói trong sự phát nguyện vãng sanh.
Tóm lại, tông chỉ của pháp môn Tịnh-độ là
Tín-Hạnh-Nguyện. Tín là thâm tín, tin sâu chặt vào pháp môn, không nghi. Nguyện
là tha thiết cầu nguyện vãng sanh Tây-phương Tịnh-độ. Ngài Ngẫu Ích Đại Sư nói,
có Thâm Tín, có Thiết Nguyện thì có vãng sanh. Nhờ tín nguyện mà được vãng sanh
(đây là dẫn nghiệp). Còn niệm Phật phải sâu, phải thành tâm thì được phẩm vị
cao (đây gọi là mãn nghiệp). Người không nguyện vãng sanh (tức là không phát
Tâm Bồ-đề), thì không được vãng sanh Tịnh-độ. Theo như Tổ Ấn Quang nói, dù
người đó có niệm Phật cho đến gió thổi không qua, mưa rơi không ướt thì cũng
chỉ là pháp tu tự lực. Nghĩa là, không được đới nghiệp vãng sanh, nếu chưa được
nghiệp sạch tình không thì chưa thoát được tam giới. Nói rõ ràng hơn, người
niệm Phật nên nhớ rằng: Có nguyện, có vãng sanh. Không nguyện, không vãng sanh.
Hy vọng nhiều người đoạn nghi sanh tín, nhớ
lời Phật dạy, đồng nguyện vãng Tây-phương, đồng sanh Cực-lạc Quốc.
A-di-đà Phật,
Diệu Âm.
(Úc châu, ngày 16/05/04)
Dù cho bậc
Thánh Nhân trong bốn quả, hoặc là hàng Bồ-tát ở những vị Trụ, Hạnh, Hướng, Địa,
nhẫn đến mười phương chư Phật đầy cả hư không pháp giới đều hiện thân phóng
quang, bảo hãy bỏ môn Tịnh-độ, rồi các Ngài sẽ truyền dạy pháp môn thù thắng,
cũng không dám vâng theo, vì trước đã quyết chí tu Tịnh-độ nên không thể rút
lời nguyện.
(Thiện Đạo Đại Sư)