Lòng tin tưởng và mong mỏi cầu sanh
Tây-phương hết sức kiên cố, dầu chư Phật hiện thân bảo tu các pháp môn khác
cũng không dám vâng lời, huống chi là người sao!(Ấn Quang đại sư).
Em Hải-Thứ thương,
Anh Năm nhận được thư em viết giùm cho cha,
trong đó có đoạn thư của em. Đọc thư vừa thương cha má vừa thương em. Cứ mỗi
lần nhận thư như vậy anh Năm muốn viết nhiều thật nhiều cho cha má, thật nhiều
cho em và cho những anh chị em khác. Nhưng cái gì cũng tùy theo cái duyên,
không thể phan duyên làm thầy dạy đời bừa bãi được. Anh Năm còn rất nhiều lời
để viết cho cha má, nhưng tạm thời anh viết cho em trước, rồi sau đó tùy duyên
anh sẽ làm tiếp. Vừa rồi anh cố gắng nhờ người chuyển băng giảng pháp về cho
cha má nhưng không được. Tiếc quá, vì đó là những lời Pháp của Ngài Tịnh Không
mà giới Phật giáo khắp nơi trên thế giới ngày nay họ coi là bảo vật vô giá. VN
mình chưa đủ phước đức để nghe vì phải chờ dịch lần qua tiếng Việt. Muốn dịch
cho hết lời pháp này, nếu chuyên tâm, phải mất ít nhất nửa thế kỷ nữa may ra
mới dịch hết một phần. Tuy nhiên chuyển âm được phần nào anh cố gắng gởi về
phần đó. Nên nhớ vì phương tiện gởi quá khó khăn, nên phải cẩn thận sao ra giữ
bản gốc trước khi dùng...
Em, anh Năm hơi buồn khi nhận được thư! Bao
nhiêu tâm huyết của anh gởi về cho gia đình là khuyến tấn tu hành chứ không
phải vì cái tổ đường, vì mấy đồng đô la. Hơn chục lá thư anh viết về, đến nay
anh vẫn chưa nhận được một lời hứa tu hành nào từ cha với má cả! Cái trọng tâm
của cha má vẫn xoay quanh cái nhà, vài đứa cháu... những thứ mà chắc chắn rồi
đây cha má không thể nào mang theo được. Nếu còn lưu luyến con cháu, còn tham
đắm vật chất, còn lo chuyện nhân nghĩa thường tình của thế tục thì còn đeo nợ,
còn mang nghiệp chướng, còn muốn trôi theo dòng sinh tử luân hồi, còn bị đọa
lạc triền miên. Thật là buồn! Những lá thư tâm huyết của anh Năm, lời thư tha
thiết giống như muốn trích từng giọt máu từ trong tim ra để viết, nhưng vẫn
không được cha má để ý tới. Tất cả những thư anh đã nhận được hầu hết chỉ nhắc
tới toàn là những chuyện vặt vĩnh, tạp nhạp, những chuyện mà anh không hề muốn
nhắc đến. Còn chuyện huệ mạng thì cha má xem quá nhẹ!
Anh sợ cho cha má nhiều nhứt, anh lo cho cha
má vô cùng, nhưng đến giờ này anh cũng đành cúi đầu nhỏ lệ mà than rằng: muốn
cứu người không phải dễ! Anh Năm buồn, đau thấu con tim!
Em hãy đọc cho kỹ lời này và thưa lại với cha má rằng, quang minh của đức Phật
A-di-đà phổ chiếu khắp mười phương, liên tục không bao giờ ngừng để cứu độ tất
cả chúng sanh, tất cả mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, (hẳn rằng có anh,
có em, có cha má trong đó). Người nào trung thành niệm Phật cầu sanh Cực-lạc
thì tự nhiên tất cả mọi chuyện đều được giải quyết ổn thỏa. Thật vậy đó! “Phật
tại môn trung hữu cầu tất ứng”. Phật ở ngay trước cửa nhà mình, có cầu đúng
cách tự nhiên có cảm ứng, còn cầu sai cách thì bá thiên vạn kiếp vẫn xa vời
vợi.
Cầu đúng là sao? Là “Phát Bồ-đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm, A-di-đà Phật, tu
chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc. Thử đẳng chúng sanh, lâm thọ chung thời, A
Di Dà Phật, dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền, kinh tu du gian, tức tùy bỉ
Phật vãng sanh kỳ quốc”, (Phẩm 24, Vô Lượng Thọ), (Nghĩa là, Phát tâm Bồ-đề,
một hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, tu các công đức, nguyện vãng sanh về nước
kia, thì những người đó khi lâm chung, Phật A-di-đà và chư Thánh hiện ra trước mặt.
Trong một phút chốc sẽ theo Phật mà được vãng sanh về nước của Ngài). Phát
Bồ-đề tâm là gì? Là phát nguyện cầu sanh về Tây-phương. Tu các công đức là gì?
Là ngày đêm niệm câu A-di-đà Phật. Như vậy pháp môn quay đi quay lại cũng chỉ
xoay quanh ba món tư lương TÍN-NGUYỆN-HẠNH là được vượt khỏi luân hồi lục đạo,
một đời thành Phật.
Còn cầu sai là sao? Cầu tiền bạc, cầu buôn
bán đắc, cầu sống sung sướng, cầu nhà cao cửa rộng, cầu tiếng tăm danh vọng,
v.v... cầu như vậy thì mãi mãi không bao giờ tiếp xúc được Phật đâu! Vì sao
vậy? Vì muốn được thoát nạn phải biết buông xả trần lao thế tục. Cầu xin Phật
Trời để thỏa mãn lợi ích riêng thuộc về chữ “ tham” là đi ngược hướng Phật dạy,
không bao giờ được đâu.
Như vậy muốn được việc thì làm sao? Phật
dạy, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì được Phật cứu. Cầu sanh Tịnh-độ là cầu làm
Phật cứu độ chúng sanh, hợp với sở nguyện của Phật. Phật lực gia trì thì huệ
mạng của mình còn cứu được thay, huống chi là mấy thứ lặt vặt. Ví dụ cụ thể,
nhà từ đường muốn sập, xin đừng để ý tới, cha má cứ việc niệm Phật đi, tự nhiên
sẽ có người tới lo sửa chữa. Không có tiền sống? Yên tâm, cứ niêm Phật đi, tự
nhiên có người đến cúng dường. Trong một lá thư nào đó lâu rồi anh Năm có nói
đến chuyện này, không biết có ai để ý đến không? Nói thì giống như chuyện dị
đoan mê tín, thực tế ai có lòng tin thì tự nhiên thấy rõ, không cần chứng minh.
Má nhắc mấy cháu, anh có bảo tụi nó viết
thư. Mấy cháu đều học rất giỏi... không đứa nào bị hư hỏng cả, xin ông bà nội
an tâm, tất cả đều nên để tùy duyên, cha má lo lắng nhiều chỉ thêm bận tâm chứ
có giúp ích được gì đâu. Riêng anh thì đã có hướng đi vững chắc rồi, đó là:
buông xả, quyết tâm dành nhiều thời giờ tu tập để về Tây-phương với Phật. Cho
nên, tất cả mọi sự quyến luyến, ràng buộc anh không thèm để ý tới, ngay cả đối
với cha má cũng vậy, nếu sau một vài thư nữa mà cha má còn lòng vòng trong ba
thứ vật chất thường tình, không quyết tâm niệm Phật cầu giải thoát, thì đó là
căn phần của cha má tự chọn, anh Năm sẽ không còn thư từ khuyên lơn nài nỉ nữa,
để lo công phu tu hành cho bản thân. Lúc đó cha má không trách anh Năm được, vì
anh đã dùng đến cạn máu tim để khuyên giải rồi. Em nghĩ thử coi, cuộc đời quá
vô thường, thở ra mà không hít vào là xong. Cha má tuổi đã xế chiều, huệ mạng
lâu dài là điều tối quan trọng nhưng không thèm nghĩ tới, mà cứ hẹn nay hẹn
mai, còn cứ lo lắng ba cái thứ lủng củng không ra chi, thì anh biết làm sao bây
giờ? Chư Phật chỉ độ được người có duyên, người không có duyên Phật cũng đành
chịu thua, thì anh Năm dù có chí thành cho mấy cũng đành phải chấp nhận sự
thật, tùy theo duyên phần, phước đức của mỗi người mà thôi.
Bây giờ tới phần em, anh Năm gửi trả lại lá
thư em viết, để em coi cho kỹ những lời anh phê trong đó. Nhiều lần anh Năm nói
đến chuyện này nhưng em vẫn còn sơ ý, có lẽ phải nhờ đến cách này mà em nhớ
sâu, nhớ rõ hơn chăng? Nếu chưa hiểu thì hãy thực hiện trước đã rồi viết thư
hỏi rõ sau. Đọc thư em, anh Năm càng thương em nhiều hơn. Em có nhiều thiện
căn, giác ngộ sớm hơn tất cả mọi người trong gia đình, chuyện này anh mừng lắm.
Thế nhưng, đọc thư anh phải đọc cho kỹ, đừng sơ ý hiểu lầm. Đã mấy lần anh
giảng cho em về chữ Niệm, chữ Nguyện, về chữ Vọng tâm. Anh thường nói rằng, tâm
của mình tham đắm ở đâu nó sẽ tạo ra cảnh giới ở đó. Niệm Phật là để cho tâm
thanh tịnh, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, nguyện về Tây-phương với Phật,
tuyệt đối không được tham đắm bất cứ một cảnh giới nào khác, dù là Thánh, Thần,
Tiên, Phật Mẫu, Phật Bà, v.v... Nếu không giữ tâm bình lặng, mình chưa đi tới
Tây-phương mà đã bị lạc đường một cách oan uổng! Anh còn nhớ có lần anh dặn rõ
ràng rằng, không được tham đắm những cảnh giới đẹp trong mộng, dù là Phật hiện
ra. Khi gặp những việc ấy không được vui mừng chạy theo, mà cứ bình lặng, thanh
tịnh nhứt tâm niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, thì sẽ biết tất cả, đại khái như vậy.
Đọc qua lá thư của em, anh biết chắc chắn rằng, trong chiêm bao em đã say mê
những cảnh hiện ra trong giấc mộng mà quên niệm Phật. Đúng không?
Tu hành, thường khi bắt đầu có chút công
phu, người ta dễ thâm nhập vào vài cảnh giới lạ. Đối với những pháp môn khác
đều lấy Tự Lực để đi, vì lực chưa định, họ thường không đủ sức chế ngự, không
đủ sức phân biệt trắng đen, cho nên dễ dàng lạc vào mê hồn trận. Nói rõ hơn, là
bị tẩu hỏa nhập ma, nghĩa là không thành Phật mà bị thành Ma. Còn tu pháp môn
niệm Phật thì nhờ bổn nguyện lực của Phật A-di-đà gia trì, chư Phật mười phương
hộ niệm, 25 vị Bồ-tát và Long thần Hộ Pháp bảo vệ, cho nên ta được an toàn. Tuy
nhiên, khi công phu mới bắt đầu thành tựu chút chút, chưa được tương ứng, tâm của
mình ưa vọng động hay gọi là vọng tưởng. Đây là cơ hội tốt cho những thứ tà vạy
bên ngoài lén vào đánh lạc hướng đi của mình, làm cho mình dễ bị mất chánh
niệm.
Cho nên, khi tu hành, dù bất cứ pháp môn
nào, vẫn phải cố gắng giữ thanh thản, an lạc, đừng để tâm vọng động hay móng
cầu. Nhất là khi vừa mới phát tâm thường có những cảm giác mạnh, rất dễ bị lầm
lẫn. Cho nên em hãy nhớ bình tĩnh, cố gắng giữ tâm thanh tịnh mới khỏi bị sơ
suất vậy. Nhớ Phật tưởng Phật thì niệm Phật và theo đúng đường Phật đã dạy.
Phật dạy gì? Người nào trung thành niệm Nam-mô A-di-đà Phật cầu sanh về
Tây-phương thì chắc chắn sẽ được Phật A-di-đà nhiếp thọ và sẽ được vãng sanh về
với Phật. Phật không dạy mình phải mơ tưởng thấy này thấy nọ. Khi Tâm mình
thành, Lòng mình thực, Chí mình thiết, Sự mình tu tinh tấn, thì Ly mình sẽ tỏ
ngộ. Lúc đó tự nhiên quang minh của Phật sẽ chiếu xúc, sẽ có khải thị, chứ
không phải cầu mong thèm khát thấy này thấy nọ mà được đâu em. Sự mộng mị
thường xuyên chính là do tâm mình chưa được thanh tịnh nên tự tạo ra cảnh giới
ấy mà thôi. Từ nay về sau, nhất định không thèm nghĩ đến nó nữa, nếu có chiêm
bao cũng tĩnh bơ, không thèm mừng, không thèm sợ, không thèm mơ ước đến. Hễ có
chiêm bao, dù đẹp đến đâu, thức giấc dậy tự trách rằng: tại sao trong chiêm bao
mình không chịu niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Trực nhớ thì bắt đầu thầm niệm Phật
liền, không cần nghĩ ngợi chi cho mệt óc.
Anh Năm nhắc lại, đừng mong cầu đến chuyện
chiêm bao nữa, cứ một lòng trung thành niệm Phật cầu vãng sanh thì chắc chắn em
sẽ được tất cả. Nửa đêm thức giấc lúc nào niệm Phật lúc đó. Trước khi ngủ hãy
cố gắng niệm câu A-di-đà Phật cho đến khi thiếp luôn thì tốt. Nên nhớ thật kỹ
lời anh Năm nghen. Những điều em thấy chưa chắc đã tốt, cũng chưa chắc là xấu,
mặc kệ nó. Hơn 20 năm trước anh Năm đi vượt biên, bị bắt vào tù, vì ăn uống
thiếu thốn cho nên đêm đêm nằm mộng thấy ăn đủ thứ cao lương mỹ vị. Đó là tự
mình thèm mà nó sinh ra thôi? Vì anh ở quá xa, cho nên không thể nói sâu vào
việc này được, sau này khi công phu niệm Phật của em cao rồi, từ từ từng bước
anh Năm nói thêm. Phật học mênh mông vô cùng vô tận, không thể một vài lá thư
này mà cho là đủ đâu. Vì hướng dẫn em tu hành bằng thư, cho nên thời gian phải
chờ bằng thư đi thư về, và anh Năm cũng phải từ từ từng bước hướng dẫn, thì em
cũng cứ bình tâm từ từ từng bước nương theo mới được. Đừng vội vã làm những
việc mà anh Năm chưa nhắc tới. Hãy tin tưởng chắc chắn rằng anh đử sức dìu dắt
em, đừng lo ngại gì cả.
Những lá thư anh viết cho cha má, thực ra cũng để cho em coi luôn. Ngược lại,
thư cho em cũng là nói chung cho tất cả mọi người, em cố gắng đọc chung cho mọi
người cùng nghe. Những lời nói liên quan đến Phật pháp anh Năm không thể sơ ý
đâu. Ví dụ, mới đây anh viết cho cha má có nhấn mạnh điểm này, đại khái, “Niệm
Phật cốt để cầu sanh về Tây-phương với Phật, một đời này mình sẽ trở thành vị
Bồ-tát bất thối chuyển, thành Phật. Vĩnh viễn không thèm trở lại thế giới Ta-bà
ngũ trược ác thế này nữa, (ngoại trừ nguyện lực độ sanh). Đừng ham mê những lợi
ích nhỏ mà dùng câu niệm Phật để luyện thần luyện khí như các Tiên gia mà khó
tránh tai họa về sau…”. Nói vậy là vì anh thấy nhiều người thích ba thứ thần
thông, phép lạ. Những thứ đó tốt trong nhứt thời nhưng khó khăn về sau. Tu hành
phải hiểu về cảnh giới, Thần, Tiên, Quỷ, Ma, họ đều có thần thông cả. Tùy theo
giới phẩm mà họ có nhiều hay ít. Tuy nhiên hễ là Phật, Bồ-tát xuống trần, quý
Ngài không bao giờ sử dụng phép thần thông, chỉ trừ những trường hợp quá ư cần
thiết (rất hy hữu), và tuyệt đối các Ngài không bao giờ để lộ tông tích. Nếu lỡ
bị lộ rồi các Ngài thị tịch ngay lập tức, (Đây là lời nhắc nhở thường xuyên
trong kinh Phật, của chư vị Tổ-sư).
Cho nên, anh thường nhắc nhở rằng nếu thấy
ai sử dụng thần thông phép tắc, xưng này xưng nọ, tuyệt đối không được vãng
lai, dù cho họ có mệnh danh là một đạo lớn đi nữa. Việc Thần, Tiên, Ma, Quỷ
mình phải kính trọng họ, nhưng không nên lợi dụng họ để làm lợi cho mình như
cầu buôn mau, bán đắc, tiền tài, sức khoẻ. Cảnh giới trong vũ trụ này trùng
trùng điệp điệp khó lường lắm. Mình chỉ trung thành, quyết tâm chọn một cảnh
giới là Tây-phương Cực-lạc của Phật A-di-đà để về mà thôi, vì cảnh giới đó vô
cùng vi diệu, vô cùng tốt đẹp, vô cùng thù thắng, vượt thắng hơn vô lượng vô
biên tất cả các quốc độ khác. Chính vì cái vi diệu tối thắng này cho nên đức
Phật Thích-ca Mâu-ni mới khuyên tất cả chúng ta hãy một lòng cầu về Cực-lạc,
đừng nên cầu sanh các nơi khác là vậy.
Nhưng nhiều người vì không biết, nên không
chịu nghe theo lời Phật, cứ cầu xin cho được giàu sang, được danh vọng, được
thế lực, được phát tài, được sanh trở lại làm người, được làm ông Tiên, v.v...
để rốt cuộc không thoát khỏi sanh tử luân hồi, khó tránh hiểm nạn về sau. Ví dụ
cụ thể, như cha mình đang theo con đường tu thành “Hiền Nhơn”, cầu được tái
sanh lại làm người, để chờ dự Long Hoa Hải Hội. Đây cũng là điều tốt. Nhưng xét
cho cùng lý thì Long Hoa Hải Hội của đương lai hạ sanh Tôn Phật Di Lặc, tức là
Bồ-tát Di Lặc bây giờ, hội này gần sáu trăm triệu năm nữa mới mở. Trong khi đó,
hiện giờ Tây-phương Cực-lạc Thế Giới của A-di-đà Phật đang mở cửa đón nhận
chúng ta, chỉ cần 10 câu Phật hiệu trước khi lâm chung thì chắc chắn được Phật
cho nhập cảnh. Vào đó thì liền thành vị Bồ-tát bất thối. Thế mà không chịu
đi!???
Phật A-di-đà được tán thán là: “Bỉ phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ,
vô sanh vô diệt, phi quá hiện tại vị lai”, (phẩm 9, kinh Vô lượng thọ), (nghĩa
là Phật A-di-đà đến không chỗ đến, đi không chỗ đi, không sanh không diệt,
không có quá khứ, hiện tại, vị lai). Đây là tự tánh Di Đà. Thành Phật là thành
chính tự tánh. Muốn thành tự tánh ta phải có “Vô Lượng Giác”. “Vô Lượng Giác”
chính là A-di-đà Phật. A-di-đà Phật là vua của chư Phật, mười phương ba đời tất
cả chư Phật đều tôn xưng tán thán, thì làm gì có quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá
khứ niệm Phật, hiện tại niệm Phật, thì tương lai cũng phải niệm A-di-đà Phật mà
thôi.
Di Lặc Bồ-tát là vị Đẳng Giác Bồ-tát, được
bổ sứ từ Tây-phương Cực-lạc, như vậy khi mình về tới Tây-phương Cực-lạc mình sẽ
là bạn với Bồ-tát Di-Lặc, đúng y như lời kinh nguyện: “Nguyện sanh Cực-lạc cảnh
Tây-phương. Chín Phẩm hoa sen là cha mẹ. Hoa nở thấy Phật chứng Vô Sanh. Bồ-tát
Bất thối là bạn lữ”. Vô Sanh là Vô sanh Pháp nhẫn của hàng thất địa Bồ-tát. Về
Tây-phương Thế Giới Cực-lạc thì mình dự vào hàng bất thối Bồ-tát, làm bạn lữ
với chư vị Bồ-tát.
Rõ ràng một căn nhà đã xây khang trang, lộng lẫy, uy nghi, đầy đủ tiện nghi,
cảnh trí vi diệu, phẩm vị tôn vinh đang mời ta vào ở ta không chịu vào, lại
thích chịu lăn lóc đầu đường xó chợ, trồi lên sụt xuống trong sáu nẻo luân hồi,
khổ ải đau thương, quằn quại qua hơn nửa tỷ năm sau (gần 600 triệu năm) để cầu
được làm người bình thường ở Long Hoa Hải Hội, làm dân thường của Di Lặc Tôn
Phật, để được nghe Đức Phật Di Lặc thuyết pháp. Chuyện này có lạ đời không!?
Xin hỏi rằng, nguyện sanh lại làm người, chết đi sống lại trong 600 triệu năm,
liệu có tránh khỏi cạm bẫy của ác đạo không? Có còn giữ được thân người qua hơn
chín ngàn năm nữa của thời mạt pháp không? Rồi gần 600 triệu năm nữa của “thời
tà pháp” không còn chánh đạo, liệu có yên thân không?
Cho nên, tu hành cần phải thấu suốt cảnh
giới, thấu rõ lý đạo mới mong ngày thành tựu, nếu sơ ý thì cơ hội thoát nạn chỉ
là điều vọng tưởng! Di-Lặc Bồ-tát là hàng đệ tử của đức Phật Thích-ca Mâu-ni,
Ngài mong muốn chúng sanh sớm được cứu độ trong pháp vận của sư phụ, chứ Ngài
đâu có mong chúng ta chịu khổ thật dài lâu để chờ Ngài cứu độ. Hơn nữa, đức Di
Lặc Tôn Phật sẽ dạy gì? Pháp của Ngài cũng là pháp Phật, nghĩa là Ngài cũng dạy
chúng sanh, niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” để được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc.
Không biết cha má đã hiểu được chỗ này chưa?! Em nên cố gắng đọc thư này cho
cha má nghe nhiều lần, mong cha má sớm tỉnh ngộ, mau mau hạ quyết tâm niệm
Phật, để một đời này thoát nạn.
Sẵn đây anh cũng nói sơ qua một điểm cho em
hiểu thêm, không phải “Đạo” nào cũng như nhau đâu, mà mỗi đạo đều có một cảnh
giới độ sinh riêng. Nhìn vào cảnh giới độ người, mình có thể xác định được cái
năng lực của họ. Hằng ngày anh nghe pháp, những lời Pháp thậm thâm vi diệu, từ
trước tới giờ anh chưa từng gặp qua. Đó cũng là duyên lành may mắn. Nghe pháp
coi lại kinh Phật, anh Năm trực nhận ra và nhiều lần thốt lên: “Ồ! Thì ra... là
vậy!”. Tất cả những điều gì mà hồi giờ nhiều người cho là bí mật, là “thiên cơ
bất khả lậu”, thực ra đã được đức Thích-ca Mâu-ni Phật nói tường tận từ gần
3000 năm về trước mà mình không hay! Tất cả mọi cảnh giới đều có thể lấy kinh
Phật ra ấn chứng được cả. Ví dụ, có nơi chỉ giúp cho người cầu được làm giàu,
cách phát tài; có chỗ chỉ chữa một số bệnh tật; có chỗ chỉ hứa giúp mình sinh
lại làm người; làm ông tiên, v.v... vì cái năng lực của họ chỉ giúp được tới
đó. Còn độ người Thành Phật, thành Bồ-tát, được vãng sinh về tới Tây-phương chỉ
có Phật A-di-đà, và chư Phật mười phương mới có đủ sức làm được việc này.
Một vị đại Bồ-tát cũng chưa đủ khả năng đưa
mình lên tới Tây-phương, ông trời cũng không có khả năng này. Nghĩa là, nếu họ
muốn về Tây-phương Cực-lạc họ cũng phải ngày đêm niệm Phật A-di-đà, cũng cầu
sinh Tịnh-độ, và quỳ lạy A-di-đà Phật giống như mình, thì họ mới được vãng
sanh. Như vậy mình thờ Phật A-di-đà là tiếp cận với vị Đại Quốc Chủ trong hoàn
vũ. Đức Thích-ca tôn xưng đức A-di-đà Phật là vua của chư Phật, thì vị trí của
người niệm Phật là thái tử. Như vậy, năng lực của người niệm Phật đâu phải
thường! Thế thì sao lại có người cam tâm bỏ ngôi Chánh Giác để đi cầu cạnh các
ông liên gia, xóm trưởng, xã trưởng… để được một cái chức sắc nhỏ mọn hay được
mua sớm vài phần nhu yếu phẩm?! Anh nói vậy, em có hiểu được không?...
Em gái thương, một người có duyên gặp được Phật pháp không phải chuyện đơn giản
đâu. Thế gian ngày nay đạo giáo mọc lên như nấm. Một chúng sanh trong một cõi
trời nào đó lén sư phụ một vài giờ xuống trần, cũng đủ sức cho họ lập nên một
cái “đạo” rồi. Trong thời gian đầu thì họ còn tại thế cho nên linh hiển vô
cùng! Nhưng khi bị triệu về rồi, bỏ mặc cho chúng đệ tử theo lệ mà làm, đưa con
người đến chỗ vô cùng vô tận, không biết sẽ đi về đâu! Hiểu được như vậy thì ta
phải cẩn thận, tu hành đừng nghĩ dại rằng, cứ làm lành lánh dữ là đủ, vô tình
mình ngủ mê trong ý niệm đơn giản đó mà quên mất đường giải thoát trở về với
đấng Từ Phụ của mình. Sáu bảy chục năm qua đi, rồi một ngày rơi tõm xuống cảnh
giới tối tăm, khi đó có ân hận thì cũng quá muộn màng! Cho nên, điều lành điều
dữ phải cần sáng suốt mới phân biệt được.
Tóm lại, niệm Phật để một đời này thành tựu đạo quả, nhưng phải giữ tâm hồn
thanh tịnh, đừng vọng tưởng nhiều quá mà thường sinh ra mộng mị, đừng để tâm
tham đắm theo những cảnh trong mộng, giả thực khó phân, không tốt đâu! Điểm
chính yếu của niệm Phật là “Nhất tâm bất loạn”, nghĩa là cứ một lòng thành tâm
niệm Phật cầu sanh Tây-phương thì tự nhiên tương ưng với Phật.
Thôi, các em niệm Phật đi.
Anh Năm.
(Viết xong, 3/5/2001)